Cuối năm 2001, tôi nhận được công văn sau:
Tỉnh uỷ Kiên Giang
Ðảng Cộng sản Việt Nam
Ban tổ chức
Số 76 - CV/TCTU
Rạch Giá, ngày 5 tháng 11 năm 2001
Kính gởi: Ông Hà Văn Thuỳ, nguyên cán bộ công tác tại Hội Văn nghệ tỉnh Kiên Giang
Ban Tổ chức Tỉnh uỷ nhận được đơn yêu cầu của ông về việc xin giải quyết chính sách nghỉ hưu trí.
Ðể xem xét giải quyết thận trọng khách quan đúng quy định việc ông yêu cầu, ngày 11/10/2001 Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã có cuộc họp làm việc với một số ban ngành có liên quan gồm: Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, ban Tổ chức Chính quyền, Ban tuyên giáo, Bảo hiểm xã hội và Hội Văn nghệ tỉnh.
Qua xem xét lại hồ sơ xử lý vụ việc của ông Thuỳ trước đây như: Kết luận của Hội nghị Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang; Thông báo số 818-89 ngày 29/9/1989 của Hội Văn nghệ tỉnh Kiên Giang về việc xử lý xoá tên ông Hà Văn Thuỳ ra khỏi biên chế cơ quan vì hành vi tự ý bỏ việc. Ý kiến của đại diện cơ quan Hội Văn nghệ khẳng định việc làm đó là hoàn toàn đúng theo quy định của Nhà nước. Ðến nay chưa có cơ quan thẩm quyền cấp trên nào bác bỏ hoặc đề nghị xử lý lại vụ việc đó.
Căn cứ Nghị định 96/1998/CP-NÐ ngày 17/11 năm 1998 về chế độ thôi việc với cán bộ công chức điểm 2, điều 7 quy định "Cán bộ công chức tự ý bỏ việc thì ngoài việc bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc sẽ không được hưởng chế độ thôi việc và các quyền lợi khác", văn bản 843/LÐTH và XH ngày 25/3/1996 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho người nghỉ việc trước ngày 1/1/1995 không đặt vấn đề giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người tự ý bỏ việc.
Cuộc họp có đề cập đến quá trình tham gia cách mạng của ông, nhưng theo quy định của Nhà nước hiện hành thì không có cơ sở để giải quyết theo nguyện vọng của ông được.
Nay Ban Tổ chức Tỉnh uỷ thông báo cho ông được biết.
K/T Trưởng ban
Phó Trưởng ban
Nguyễn Thị Thanh Thuỷ
Ðấy là một bản văn hành chính do người có nghề viết. Ngắn gọn, tưởng như khách quan, nhưng ẩn chứa trong đó là trò chơi chữ với biết bao lừa lọc dối trá. Ðúng như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết:
xích chữ trói chẳng thua gì xích sắt!
Ðể hiểu chuyện này cần phải trở lại cội nguồn sự việc.
Năm 1963 là một trong những năm tốt đẹp nhất của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Lứa học sinh lớp 10 chúng tôi lúc đó tràn ngập niềm tin và hy vọng. Tương lai rực rỡ đang mở ra trước mắt những học sinh công nông. Như nhiều bạn bè, tôi muốn chọn cho mình trường đại học ưa thích. Thày Toán khuyên tôi vào Bách khoa. Thày dạy Văn Ngô Xuân Huy, em nhà thơ Xuân Diệu, bảo: "Cậu có khả năng đấy, nên thi Tổng hợp Văn!" Bách khoa tôi không ham vì không muốn đụng tới máy móc. Tổng hợp Văn thì thích nhưng không dám vì không tin vào khả năng của mình. Giữa lúc đó, cô giáo Ðàm Lê Ðức của tôi mời thày Nguyễn Hoàng Phương vừa tốt nghiệp phó tiến sĩ Vật lý ở Đại học Lômônôxôp Liên xô về với công trình Không gian bốn chiều huyền hoặc. Trong buổi nói chuyện với chúng tôi, Thày hết lòng tán dương ngành Sinh học, khoa học của tương lai. Hấp dẫn bởi lời thày, và cũng vì muốn đeo đuổi nghiệp văn chương, tôi thi vào khoa Sinh Ðại học Tổng hợp Hà Nội. Sinh học là khoa học về sự sống. Lứa chúng tôi đang xây dựng xã hội chủ nghĩa, mà Việt Nam là nước duy nhất của phe ta thuộc vùng nhiệt đới. Sinh học có những ưu thế tuyệt vời. Làm nhà sinh học, nhưng tới lúc nào đó, nếu thực sự thấy có khả năng, sẽ chuyển sang văn chương. Ra trường, sau 5 năm làm việc trong ngành Lương thực, một ngành có năng lượng cao khi đó, xét khả năng và nguyện vọng của tôi, ông Nguyễn Ngọc Trìu, bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình đồng ý cho tôi chuyển sang công tác tại Hội Văn nghệ Thái Bình theo đề nghị của nhà văn Bút Ngữ Chủ tịch Hội. Tôi làm thơ, viết bút ký cho tạp chí
Văn nghệ Thái Bình.
Năm 1977 tôi xin chuyển vào Kiên Giang trong đội hình những người làm kinh tế mới, thuộc Nông trường Kiên Bình 2, huyện Hòn Ðất, Tứ Giác, Long Xuyên. Bằng kiến thức sinh học và kinh nghiệm những năm lăn lộn với đồng đất Thái Bình, tôi muốn góp phần làm ra hạt lúa cho đất nước đang bị đói, và cũng muốn có những trang viết trên đất vỡ hoang. Năm 1978, lần đầu tiên tôi chứng kiến một mùa lũ nghiêng trời ở đồng bằng sông Cửu Long. Sau đó nông trường giải thể, tôi chuyển về công tác tại Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ Kiên Giang. Từ đây qua báo
Văn nghệ,
Nhân dân, Ðài Tiếng nói Việt Nam,
Lao động,
Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh,
Văn nghệ Kiên Giang, những bút ký, thơ và truyện ngắn của tôi đến với bạn đọc.
Kiên Giang với U Minh, Rạch Giá, Hà Tiên là vùng đất đẹp, trù phú, huyền bí nhưng cũng là đất dữ của những lưu dân tại nơi cùng trời cuối đất.
Cuối năm 1977 tôi tới Kiên Giang, thì dịp Tết năm đó, do đăng bài “Một đám cưới rềnh rang quá cỡ”, nói về một ông lớn tổ chức đám cưới cho con quá cỡ linh đình nên tờ
Văn nghệ Rạch Giá bị xoá sổ và cơ quan văn nghệ tỉnh tan đàn xẻ nghé. Giữa năm 1978, anh Nguyễn Văn Việt, dân gốc Gia Ðịnh, cán bộ tập kết vì có quan hệ riêng nên được mời về gầy dựng Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ Kiên Giang. Nhưng rồi cũng do tranh ghế, anh buộc phải chuyển đi trước khi Hội chính thức thành lập vào năm 1981.
Vào dịp xuân năm 1987, ở Kiên Giang lại xảy ra sự cố báo chí. Sau khi phát hành, báo
Kiên Giang bị thu hồi. Cũng ngay lúc đó, báo
Văn nghệ Kiên Giang phải thay 4 trang ruột, rồi phát hành sau Tết. Anh Lê Hồng Châu, Tổng Biên tập báo
Kiên Giang, Nguyễn Hồng Yến Trưởng phòng Trị sự và nhà báo Ngô Văn Tước bị kỷ luật.
Năm ấy, do không có bài trên báo
Kiên Giang nên chỉ sau khi báo bị thu hồi tôi mới tìm đọc. Chiều 28, tôi tới nhà anh Khoa Ðăng và tình cờ gặp Ngô Văn Tước. Bên chiếc bàn ngồi mát trên hè đường Phó Ðiều buôn bán sầm uất, tôi đọc nhanh những bài bị đánh dấu, nhất là hai bài của Ngô Văn Tước. Bài “Phía sau người lính” ca ngợi Giồng Riềng, huyện điểm của Kiên Giang làm lúa xuân giỏi, thì bị phê bình viết vậy là khuyến khích độc canh (!); viết lúa tốt vậy, Trung ương biết được, tăng nghĩa vụ đóng góp thì sao? (!) Bài “Xuân trên cảng Hòn Chông” ca ngợi công trình thế kỷ của Kiên Giang với câu cảm thán: "Cho đến bây giờ và chỉ bây giờ, Ðảng ta biết lấy dân làm gốc và dựa trên cảm hứng lớn đó mới làm được công trình vĩ đại là cảng Hòn Chông!" bị phê bình là “xuyên tạc sự lãnh đạo của cấp uỷ” (!) Khó có thể nói hết với Tước suy nghĩ của tôi vì Tước còn quá ít hiểu biết về Kiên Giang. Tôi không thể viết như Tước. Lúa xuân là tốt đấy nhưng do nóng vội nên hàng ngàn nông dân bị cưỡng bức nhổ lúa mùa làm lúa xuân, rồi lúa thất, thiếu thuế thiếu nợ, bị bắt bớ giam cầm, cả một thảm cảnh. Chỉ ngợi ca một chiều là bất nhân. Còn cảng Hòn Chông? Chỉ có hai loại người dám viết như Tước: một là những kẻ nịnh táng tận lương tâm và hai là chẳng biết gì về cái "công trình thế kỷ" này, cũng như dân tình Kiên Giang. Trong dịp làm “Phóng sự cuối năm đọc lúc đầu năm” cho
Văn nghệ Kiên Giang, tôi đã tới Hòn Chông và quần nhau suốt buổi chiều với ông trung tá tàu bò giám đốc cảng, khiến ông ta nổi xung lên vì không thuyết phục nổi tôi tin vào ý nghĩa kinh tế của cảng: "Thế thì anh giỏi rồi, giỏi hơn cả những người lãnh đạo tỉnh này. Mọi người đều cho là cảng có ý nghĩa kinh tế lớn, mà anh…!" "Không, anh lầm rồi, tôi không nói là tôi giỏi nhưng ít ra anh phải thuyết phục được tôi, tôi mới có thể thuyết phục được độc giả!"
Trở về, tôi nói với Chín Sĩ, Chủ tịch Hội Văn nghệ: "Chẳng có giá trị kinh tế gì ở cái cảng đó cả, mục đích duy nhất là cảng buôn lậu. Viết màu hường thì muối mặt với dân Kiên Giang. Viết sự thật sẽ đập nát cái cảng đó ra, còn hai thằng ta đi tù, anh chịu đăng không?" Sau cùng chúng tôi lờ đi: tránh voi không xấu mặt! Chỗ chúng tôi lẩn thì Tước nhào vô. Dân Kiên Giang không trách Tước vì anh còn trẻ và chưa hiểu nội tình Kiên Giang. Nhưng Tước bị đánh chính vì ngây thơ vuốt phải vẩy ngược con rồng. Vốn là từ khi bắt đầu làm cảng, dư luận một số cán bộ không đồng tình, vì cảng không hề mang lại hiệu quả kinh tế. Họ chê làm ăn kiểu tuỳ hứng. Khác quan niệm chung, trong ngôn ngữ miền Tây Nam Bộ, cảm hứng và tuỳ hứng không phân biệt, nên khi Tước viết cảm hứng với ý chân thành ca tụng liền bị người
có tịt nhúc nhích cho là nó ám chỉ mình làm việc tuỳ tiện nên nổi giận. Vô phúc cho Tước, trung tâm của cơn địa chấn lại chính là ông Ba Hương, Bí thư Tỉnh uỷ. Bản thân tôi cũng bị lôi vào cuộc một cách lãng nhách. Anh Tư Châu kể, ngay khi báo bị thu hồi, bài của mình bị phê bình, anh Khoa Ðăng chạy đến tìm anh, mặt cắt không còn giọt máu, ấp úng nói: "Bài đăng báo không phải của tôi mà của ông Thuỳ viết cho tờ
Văn nghệ Kiên Giang. Bài của ông ấy có 7 phần, do trót hứa với anh mà không có bài, tôi chọn 4 phần sửa chút đỉnh rồi gửi báo
Kiên Giang, chứ không phải tôi viết." Vốn tính trầm tĩnh và hiền lành, anh Tư Châu giận lắm nhưng vẫn nhỏ nhẹ: "Chú quá bậy! Làm nhà văn, chú không biết vậy là đạo văn sao? Khi chép bài ký tên đăng báo thì của chú, còn giờ có chuyện chú lại nói của chú Thuỳ! Làm ăn gì mà kỳ vậy? Chú khỏi lo, là Tổng Biên tập, tội vạ đâu tôi chịu hết, không đổ thừa cho mấy chú đâu!" Dư luận trong tỉnh, hầu hết anh em báo chí văn nghệ và cán bộ lão thành cho rằng việc thu hồi báo, cũng như kỷ luật phóng viên, là quá nặng nề, nhưng Tỉnh uỷ coi đó là việc làm hoàn toàn đúng và cần thiết vì không thể để những tờ báo xấu đó lan ra trong nước và thế giới, và vấn đề đã giải quyết xong, không cho phép nói lại.
Mùa hè năm 1988, báo chí trong nước như báo
Lao động,
Ðại đoàn kết, tạp chí
Người làm báo có bài nói về sự vi phạm pháp luật và trù dập báo chí của Tỉnh uỷ Kiên Giang. Nhưng lãnh đạo tỉnh lúc đó vẫn khăng khăng cho mình đúng, dùng báo
Kiên Giang (đã thay tổng biên tập) chống lại báo Trung ương và tổ chức nhiều cuộc họp để đàn áp dư luận. Khoảng tháng 6, trong một cuộc họp quan trọng có đông đủ nhân vật chủ chốt của lãnh đạo tỉnh cùng các ban ngành liên quan để kết luận về vụ thu hồi báo
Kiên Giang số Xuân 87, sau khi hầu hết ý kiến đều ủng hộ lãnh đạo, cho việc thu hồi báo là đúng là cần thiết, chỉ có Ngô Văn Tước giữ nguyên ý kiến của mình, cho việc thu hồi báo cũng như kỷ luật phóng viên là quá nặng. Không thể giữ im lặng, buộc lòng tôi phải nói:
“Trong cuộc họp này, tôi là thiểu số và chắc là thiểu số tuyệt đối, nhưng tôi xin bảo lưu ý kiến của tôi rằng việc thu hồi báo
Kiên Giang số Xuân 87 là sai lầm và là việc làm vi phạm pháp luật. Nhưng tôi biết vấn đề không dừng lại ở đây mà sẽ được giải quyết ở Ban Bí thư. Ở đây tôi chỉ xin nói một điều là chúng ta đã đối xử với nhà báo Ngô Văn Tước không đẹp. Trước đây ở Nghệ Tĩnh có nhà thơ Thạch Quỳ viết bài thơ bị phê bình. Tỉnh đã cắt gạo của anh ấy và gây tiếng rất xấu trong cả nước. Tôi đề nghị các anh bố trí ngay việc làm cho anh Tước, đừng để ảnh hưởng đến uy tín của Tỉnh uỷ Kiên Giang.”
Bí thư Lâm Kiên Trì lên tiếng:
“Ðúng là chúng ta đã quá tay với anh Ngô Văn Tước. Việc này cần sửa ngay.”
Sau cuộc họp ít ngày, trong một hội nghị của ngành Công an, ông Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Kiên Trì nói: "Hà Văn Thuỳ là phần tử chống Ðảng." Không gì điếc hơn kẻ không muốn nghe, lại nắm quyền lực! Ðể đáp lại, tôi liền viết bút ký “
Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp” rồi gửi tới anh Hồng Chương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, vừa để báo cáo, vừa xin ý kiến, đồng thời gửi một bản cho báo Văn nghệ. Anh Hồng Chương đã chuyển bài viết cho báo
Văn nghệ. Bài ký được đăng trên báo
Văn nghệ số 35-36 ra ngày 20/8/1988. Gần tuần sau, thứ Sáu ngày 26/8, báo về đến Kiên Giang, và cũng đúng 20 giờ hôm đó, trong buổi phát thanh Văn nghệ, Ðài Tiếng nói Việt Nam đưa lên sóng bài báo này. Bài báo thành sự kiện lớn ở Kiên Giang. Nhiều bạn bè đến mừng tôi và cũng nhiều người lo cho tôi.
Do Ðài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu trước, nên Tỉnh uỷ Kiên Giang cho người mua báo
Văn nghệ giao cho một số cán bộ chủ chốt đọc và đối chiếu với bài phát trên đài. Không lâu sau những việc làm đối phó với tôi được phát động.
I.
Báo Kiên Giang mở chiến dịch đánh Hà Văn Thuỳ
Mở đầu bằng bài viết của nhà văn Nguyễn Khoa Ðăng “Cũng là bẻ cong ngòi bút” trên số báo ra ngày 14/9/88. Tác giả moi lý lịch tôi là dân kinh tế mới (với nghĩa khinh rẻ, vì người đi kinh tế mới bị coi thường trong dư luận lúc đó), phê phán thái độ của tôi không khiêm tốn, những sự việc tôi nêu hoặc không có hoặc đã giải quyết rồi, nhắc lại làm chi cho rối chuyện. Tác giả cho rằng bài viết của tôi vu khống, bịa đặt và như vậy cũng là bẻ cong ngòi bút
Tiếp theo là Phạm Thường Gia với bài “Chữ tâm”: "Nếu không có bài báo của anh Hà Văn Thuỳ thì mọi chuyện đối với tôi - về cái nghề nghiệt ngã ấy - chẳng có gì đáng nói. Tôi không ngủ mê cũng không thờ ơ, thậm chí còn hiểu một cách tường tận những chuyện "nghiệt ngã" mà tác giả đã nêu. Bạn bè của tôi ơi, các anh lo lắng là không cần thiết. Những chuyện xảy ra với một số anh em viết báo ở
Kiên Giang là có thật, nhưng khi đọc lại bài báo thì phải giật mình tự hỏi: thực hay mơ? Và tôi trả lời: mơ như là thật: Cái chuyện anh Dương Tôn Hưng, anh Ba Sáng, anh Tư Châu, đến chuyện thu hồi báo xuân năm 1987 là tôi có biết. Nhưng khi anh Thuỳ hệ thống lại toàn bộ những sự kiện rời rạc ấy thì- như bạn bè nhận xét, tôi phải giật mình.”
Ðến ngày 23/9, theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội Văn nghệ Kiên Giang tổ chức cuộc hội thảo về bài báo của tôi. Bất chấp sự thật đã được phơi bày quá đầy đủ trong Hội thảo, cuộc tấn công trên báo
Kiên Giang vẫn tiếp diễn.
Bài thứ 3 của nhà văn Anh Ðộng, “Lương tâm và trách nhiệm của người cầm viết”, đăng trên số báo ra ngày 28/9, đại ý: những chuyện về báo chí vừa qua là có nhưng không lớn và được từng bước giải quyết. Ðáng lẽ phải cùng lãnh đạo làm nhỏ đi, thì lại hệ thống lên rồi quy kết thổi bùng, đồng thời lợi dụng vu cáo mạt sát người khác là không có lương tâm và thiếu trách nhiệm.
Trong chiến dịch này, bài của ông Trần Văn Hiền, Phó giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, in trên báo
Kiên Giang số ra ngày 12/10, “Cần làm sáng tỏ trách nhiệm thuộc về ai”, được đẩy lên cao trào của một lời đe doạ. Ông cho rằng những sự kiện liên quan tới công an trong bài báo là không đúng sự thật rồi kết luận:
phải xử lý nghiêm minh với những người viết báo cố tình vu cáo, xuyên tạc.
Tiếp theo là bài “Cần tôn trọng sự thật” của Dương Tôn Hưng trên số báo ra ngày 19/10: "Tôi xác định không phải tôi bị tù là do viết báo. Trường hợp tôi bị tạm giữ để làm rõ ràng lý lịch của mình dẫn đến cuộc sống, công tác hiện nay là điều may mắn chứ không phải "cay đắng" như anh Thuỳ đã nghĩ." Tôi hiểu Dương Tôn Hưng đã trở cờ. Vì miếng cơm manh áo, anh buộc phải nói trái với lòng mình, trái với những điều uất ức mà trước đây anh đã nói với tôi. Tôi hiểu hoàn cảnh của anh. Anh là con rể một vị cán bộ có cỡ trong tỉnh. Khi anh mãn hạn tù không qua xét xử với bản án: Viết báo chống lại sự lãnh đạo của đảng bộ, cha vợ anh nói với người bạn trong ngành công an: "Cháu có tội, đi tù tôi không thắc mắc gì. Nhưng nó còn trẻ, các anh để cháu mang cái tội danh như thế thì tương lai cháu ra sao?" Thông cảm với bạn già, người bạn thay tội danh của Hưng sang khai man lý lịch. Ra tù anh không được làm báo nữa mà chuyển sang dạy học, một phần do năng lực bản thân, một phần cũng nhờ cha vợ lo lót, anh được đề bạt phó hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trung Trực. Trong không khí cởi mở sau khi các báo trung ương đăng bài phê phán việc thu hồi báo Xuân 87, Dương Tôn Hưng đã nói với tôi nỗi oan ức cay đắng của anh. Nhưng sau đó, khi không khí trở nên căng thẳng, anh đã phản thùng.
Khi thấy giọng điệu đe doạ trên báo quá lộ liễu, nhiều người không chịu được đã viết thư tới toà soạn phản đối.
Bắt đầu là ông Ba Hưng, một cán bộ hưu trí với bài “Có nên tiếp tục tranh luận như vậy không?” trên báo ra ngày 2/11. Bài báo có đoạn: "Bài báo thứ tư lại ký tên ông phó giám đốc công an tỉnh, gây một tâm lý lo ngại cho tác giả, một số độc giả và những người có liên quan trong những sự việc. Ðiều đó không nên làm."
Tiếp đó là bài “Nên viết như thế nào” của Huỳnh Hoà Bình, một cán bộ trẻ của Kiên Giang trên số báo ngày 16/11, cung cấp một số dẫn chứng về sự nghiệt ngã với báo chí ở Kiên Giang và "Hà Văn Thuỳ cũng đội ơn nông dân, nhờ đó mà bài ký ‘
Bông lúa nổi giận’ thoát khỏi tai hoạ hiểm nghèo."
Tiếp theo là bài “Vài suy nghĩ khi đọc báo
Kiên Giang” của ông Tư Thâu, cán bộ hưu trí ở thị xã Rạch Giá. Bài báo có đoạn: "Sự thật về anh Phan Võ Sáng (Ba Sáng), anh Dương Tôn Hưng là quá rõ. Người làm chứng đáng tin cậy là anh Ba Khải, lúc bấy giờ anh là Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ, vì sợ cấp trên mà phải thi hành như thế. Ngày nay anh Ba Khải vẫn còn ân hận, anh đã phát biểu rất thẳng thắn, thành thật đến nỗi xúc động trong cuộc hội thảo ngày 23/9/88 tại Hội Văn nghệ Kiên Giang, nhiều người được nghe."
Một lần tôi đến thăm anh Phạm Thường Gia ở 18 Lý Tự Trọng. Gia trong tình trạng sừng sừng trước ly rượu nói với tôi: "Tuyên giáo bây giờ họ rất cưng tôi, anh biết không? Họ biểu anh cần gì, cứ nói. Nếu anh muốn lên lương chúng tôi sẽ tăng lương cho anh!" Tôi không tin hẳn lời của Gia, nhưng có sự thật nhìn thấy được là, sau vụ của tôi, anh Khoa Ðăng được kết nạp Ðảng và đề bạt phó chủ tịch Hội Văn nghệ.
II.
Cuộc hội thảo về bài “Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp”
Sau bản nhạc dạo đầu là những bài báo, Tỉnh uỷ Kiên Giang thực thi ngón đòn tiếp là tổ chức hội thảo về bài báo của tôi, nhằm có được một biên bản mang tính pháp lý khẳng định Hà Văn Thuỳ xuyên tạc sự thật, vu khống với ý đồ xấu, để tính bước tiếp theo. Ông Lâm Nghĩa Sĩ, Chủ tịch Hội Văn nghệ nhận được chỉ thị tổ chức cuộc hội thảo về bài báo. Nội dung chỉ thị là mời số ít người có chọn lọc, sau hội thảo phải có kết luận chỉ rõ chỗ sai chỗ đúng của Hà Văn Thuỳ và đề xuất biện pháp xử lý. Nhưng tình hình lúc này đã khác: không khí dân chủ do cuộc đổi mới phấn khích lòng người; thêm nữa, một hội thảo về tác phẩm văn học không thể làm kín trong những cử toạ được lựa chọn, nên Chín Sĩ đã mời đông đảo hội viên Hội Văn nghệ và những bậc lão thành có quan tâm tới văn nghệ. Cuộc hội thảo ngày 23/9/1988 có khoảng hơn 50 người dự, với 22 ý kiến phát biểu.
Sau đây trích một số ý kiến từ bản văn, do Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang ghi lại qua băng ghi âm:
Ðồng chí Chín Sĩ, Chủ tịch Hội Văn nghệ, hướng dẫn hội thảo:
Hôm nay, Hội Văn nghệ và Ban Biên tập báo
Văn nghệ Kiên Giang tổ chức cuộc họp mặt một số đồng chí đại diện cho một số ngành liên quan, một số cán bộ lão thành của tỉnh, một số đồng chí là cán bộ sáng tác ở trong Hội, và đặc biệt là một số đồng chí có liên quan đến bài báo của tác giả Hà Văn Thuỳ, đó là bài "Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp" (lược bớt một đoạn dài mang tính rào đón thiếu thông tin). Một điều nữa chúng tôi rất mong ở đây là trong quá trình chúng ta thảo luận, thì chắc chắn có một số chi tiết sẽ nảy sinh những ý kiến thậm chí rất khác nhau, nhưng chúng tôi rất mong các đồng chí có liên quan đến những chi tiết đó, là chúng ta phát biểu với tinh thần hết sức chân thành cởi mở, nhưng cũng giữ hoà khí. Ở đây cũng xin báo các đồng chí là, đồng chí trưởng ban tuyên giáo do bận không đến dự được nhưng nếu có đến dự, đồng chí cũng không phát biểu vì dành cho các đại biểu phát biểu (buổi chiều đồng chí Trưởng ban tuyên giáo Ngô Phấn Khởi có đến và phát biểu nhưng không cho ghi âm). Tôi cũng xin nói thẳng là Tỉnh uỷ không có lái gì nội dung hội thảo này. Ở đây có một số vấn đề chúng tôi dự kiến trong quá trình thảo luận sẽ xuất hiện những chi tiết có liên quan tới pháp lý, cần có sự đối chất, cần có sự chứng minh làm rõ, do đó chúng tôi cũng có mời Phòng Bảo vệ Chính trị của Sở Công an.
A. Những ý kiến phản đối bài báo
1. Ðồng chí Anh Ðộng, nhà văn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ:
Tôi xin có ý kiến bằng giấy trắng mực đen đàng hoàng, bởi vì mình cũng làm báo. Trước khi có ý kiến tôi cũng có vài lời là tôi muốn nói đây đó không phải để dạy đời hay để dạy tác giả mà muốn trao đổi một vài kinh nghiệm nho nhỏ của cuộc đời làm báo của mình; cái thứ hai nữa để hay nói cách nào đó chính xác hơn là “Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp” của tác giả Hà Văn Thuỳ đăng trên báo
Văn nghệ trung ương số ra ngày 20/8/1988. Theo tôi nghĩ, người cầm viết chưa bao giờ có được hạnh phúc và tự do bằng bây giờ. Sau Ðại hội VI của Ðảng, cụ thể nhất là Nghị quyết 5 của Bộ Chính trị, cho phép chúng ta nói thẳng nói thật. Tự hào thay, chúng ta có được một chính đảng quang vinh, một nhà nước dân chủ như vậy! Ðảng đã giao cho chúng ta một trách nhiệm nặng nề, một tấm lòng trong sáng và ngay thẳng, "nói thẳng, nói thật" có ý nghĩa là đừng nói sai sự thật, đừng nói vì mưu đồ cá nhân.
Nhưng buồn thay, cũng có người cầm bút lại đi đánh mất niềm tin của Ðảng, của nhân dân, viết bôi bác, viết quanh co vì mục đích cá nhân. Hà Văn Thuỳ là một người cầm bút như vậy. Anh lợi dụng báo chí. Núp trong hàng trận của những người cầm viết đi làm một chuyện thiếu trách nhiệm, thất lương tâm để đòi lấy một tiếng vang, để trả thù một vài va chạm nhỏ nhoi trong cuộc sống.
Qua bài bút ký "Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp", chúng ta thấy Hà Văn Thuỳ cố bẻ cong ngòi bút, trước hết để góp phần vào "luồng dịch ăn to nói lớn", nên bài viết của anh rỗng tuếch về nội dung, sai nguyên tắc về chủ thể, lạc ý về chủ đề, lệch mất mục tiêu chiến đấu, bấp bênh về dữ kiện, sơ lược về nghệ thuật, làm cho sự tổng thể của nó như một hiện tượng "treo đầu dê bán thịt chó" vậy.
Tư liệu nào nắm vững thì viết, không thì thôi, viết vì quyền lợi của dân tộc, của đất nước chớ không vì cái "yêng hùng" của mình mà bạ đâu viết đó. Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Hà Văn Thuỳ nắm tài liệu đâu, chứng cứ gì mà bảo đồng chí Ba Hương "điệp khúc bản nhạc thất nhân tâm"? Nội dung dẫn đến hậu quả đó thật đúng không? Chi tiết nêu ra có chính xác không? Lẽ ra anh Thuỳ cũng nên thận trọng khi người ta chất vấn lại mình, nhà báo cũng phải có đủ chứng cứ về mặt pháp lý mà đối phó. Ba Sáng, Tư Châu, Hưng, Tước bị đối sách ngược đãi quá, tàn tệ quá, có thật vậy không? Sao "nhà báo" không nói thẳng nói thật luôn hiện giờ những người ấy được đảng bộ Kiên Giang bố trí làm việc gì, lại đi dụng ý viết bỏ lửng ở đoạn bi thảm hoá? "Nhà báo" căn cứ vào cái gì lại đề quyết việc đảng bộ Kiên Giang sắp xếp lại công tác cho các đồng chí ấy là khủng bố báo chí? Ngoài cái làm báo, sao anh Thuỳ không chịu nói hết một số việc làm khác của các đồng chí ấy cho tới nơi tới chốn?
Chúng ta hãy đặt một câu hỏi nữa: "Cuộc họp ngày 5 Tết năm 87, Hà Văn Thuỳ không có dự, tại sao viết bút ký, lại dám tưởng tượng ra nội tâm người này, thái độ người kia, không khí thế nọ, nội dung thế khác? Hà Văn Thuỳ nên đính chính nội dung của cuộc họp ấy lại. Bút ký viết như vậy là sai nguyên tắc lắm. Rồi sau cuộc họp ấy, công an ra tận Thái Bình "sờ" lý lịch Khoa Ðăng? Có thật không? Ai đi? Ai phân công? Ai chủ trương làm cái chuyện nghiệt ngã ấy? Về thể loại này không được phép phóng bút viết theo khoái cảm của mình, nguy hiểm lắm! Vì mình còn làm bổn phận công dân đứng trước luật pháp đối chất với công dân khác về trách nhiệm lời nói của mình!
Chúng ta nhớ lại phần chủ đề của bài bút ký này. Theo tôi thấy nó lạc đề quá nhiều. Màn đầu hùng hổ đặt ra đối tượng là một số người lãnh đạo tỉnh uỷ đối sách nghiệt ngã với người cầm viết ở Kiên Giang, nhưng rồi khi đọc xong không ai thấy bài đấu tranh thẳng với đồng chí bí thư nào, thường vụ nào gây nên tội, phạm luật gì, nhất là các đồng chí lãnh đạo còn đương chức và trong cuộc. Văn phong cứ vuốt ve: Anh Năm, anh Hai, anh Tám. Tại sao không đặt những vị ấy là đối tượng số 1 để tranh cãi, để chỉ trích? Vì những vị đó mới là người có khủng bố người cầm viết hay không, các vị đó mới là người tiếp thu, tự phê và sửa chữa tận gốc những cái đối sách nghiệt ngã. Từ đó làm cho thấy bài viết của anh Thuỳ lạc đề có ý thức, cố lách bỏ những đối thủ chính trong đấu tranh, vì họ có đủ quyền sanh sát mình một khi họ muốn. Anh lại chuyển qua chửi bới, lăng mạ những "anh giáo làng","cậu thơ ký" "anh nhà văn". Thử hỏi những nhân vật này có quyền lực gì để gây nên nghiệt ngã cho giới cầm viết? Chửi họ rồi họ có thay đổi được chính sách đối xử với giới mình được không? Hay họ là, nói cách nào đó, họ cũng là những nạn nhân như mình? Anh biết viết lệch nên không được thẳng, anh biết viết phỉ báng nhân vật nào, vuốt ve nhân vật nào nên không được thật. Mặc dù bài cố viết cho kêu, cho ồn ào nhưng kỳ thực nó rỗng tuếch, nó nhu nhược, nó mất lập trường, mất mục tiêu chiến đấu. Anh Thuỳ định gởi bài đi biệt mù sẽ được người ở xa tấm tắc khen mình là một người hùng Kiên Giang, nhưng nội dung chủ đề bài viết như vậy đánh lừa được ai? Ðọc bài người ta càng đánh giá cái phẩm chất, đạo đức của tác giả yếu kém hơn. Ðó là một tai hại ngược chiều cho bản thân người cầm bút.
Một tai hại nữa là, người ta đặt vấn đề: "Tại sao những người trong cuộc có người bị tác giả mạt sát, nhưng lại có người không bị đả động gì?" Ðiều này buộc người ta phải nói: "Hà Văn Thuỳ làm rối dư luận quá, trong số lãnh đạo các cơ quan văn hoá tư tưởng ở Kiên Giang quả là bằng mặt không bằng lòng. Hội nghị đó, bàn bạc đó, thống nhất đó, nhưng rồi vẫn "trâu trắng trâu đen". Một cách đánh giá nữa là hiện nay không ít người đọc báo có thị hiếu là khoái những bài giật gân, đá thẳng vào cơ chế của ta, đá mạnh chừng nào thì tác giả đó có máu mặt chừng đó. Hà Văn Thuỳ là người cũng khoái cái "máu mặt" đó nên anh chọn cho mình 1 con đường đi tắt bằng tiếng vang, chứ không phải con đường sáng tạo nên sự nghiệp tác phẩm.
Sau khi bài bút ký "Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp" của Hà Văn Thuỳ ra đời, quả thật có nhiều dư luận về anh. Dư luận nhất là cái trách nhiệm và lương tâm của tác giả. Bài viết thiếu trách nhiệm về tính chân thật, cố tâm làm lạc chủ đề, quả là tác giả có uẩn khúc, có ẩn ý gì đây? Vậy chúng ta phân tích xem ai nghiệt ngã với ai? Tác giả nói sai, người ta chất vấn lại thì kêu "nghiệt ngã", vu khống người, người ta góp ý thì nói "bịt miệng". Gây mất đoàn kết, thiếu trách nhiệm, thiếu lương tâm, người ta kiểm điểm lại kêu là "khủng bố".
Qua một bài viết của một người cầm bút thiếu trách nhiệm, thiếu lương tâm gây tai hại cho nhiều người, nhiều mặt như vậy đó. Ông bà ta thường nói: "Lời nói phát ra không lấy lại được, viên đạn bắn ra không thu lại được" (lại là nói ra trên giấy trắng mực đen và bắn ra trên công luận quần chúng.) Viên đạn này đã trót lỡ từ tay Hà Văn Thuỳ bắn ra rồi, chúng ta thấy tai hại, tổn thương và tác hại không ít. Tiếc rằng trong khối văn hoá tư tưởng chúng ta chưa được đoàn kết thương yêu nhau một cách thật sự, chưa được động viên, chăm sóc nhau thường xuyên để làm tròn cái sứ mạng của Ðảng và nhân dân giao phó: "Người cầm viết phải luôn nâng cao trách nhiệm và trau dồi đạo đức để khi viết lên đúng sự thật và thẳng thắn nhằm góp phần ích nước lợi dân".
2. Ðồng chí Nguyễn Khoa Ðăng, nhà văn:
Chúng tôi ngoài này rất lo cho các anh, các anh tức là anh em Bắc Kỳ chúng tôi đó, ở trong đó không biết có trụ vững với sự nghiệt ngã mà có thể làm ngã con người như thế này không? Cho nên câu trả lời của tôi trong hội nghị này cũng là trả lời cho những anh bạn đó. Tôi xin được nói thế này, trong số 400 anh chị em lên chiếc tàu ngày 14/11/1977 để vào Kiên Giang từ tỉnh Thái Bình thì có mấy anh em văn nghệ chúng tôi, đến nay họ về gần hết và chỉ còn lại độ mươi anh em. Ðáng lý ra người về đầu tiên phải là anh em làm văn học. Tại sao tôi nói điều này, bởi vì ngôn ngữ bất đồng: chúng tôi gọi cái bát, trong này gọi cái chén; chúng tôi gọi là to, trong này gọi là bự; chúng tôi gọi là béo, trong này gọi là mập. Ðáng lý ra những người phải về đầu tiên là chúng tôi, chứ không phải những anh em làm nông nghiệp. Nhưng mà tại sao tôi trụ lại được, bởi vì thực tế trong bao nhiêu năm qua, sự đối xử với anh em văn nghệ sĩ Kiên Giang hơn hẳn ở ngoài Bắc nên chúng tôi ở đây rất nhiều. Tôi nói điều này ra tôi không ngại, bởi vì nếu sau này ở trong này bảo tôi nịnh tỉnh Kiên Giang, tôi lại ra ngoài Bắc tôi ở và chịu sự nghiệt ngã ngoài đó, bởi vì bảo anh ra ngoài này nói xấu tỉnh Thái Bình, thế còn bây giờ một số anh em cứ hiểu lầm cho là đến nay chúng ta không viết được là do cái cơ chế, tôi nghĩ cái đó là một phần. Hiện nay trên cả nước có 52 nhà xuất bản, nếu nhà xuất bản tổng hợp của ông Liêm không in, ta còn 51 nhà nữa, nếu mà báo
Kiên Giang không in, ta còn hàng trăm báo khác nữa, không ai có quyền bịt miệng ta khi ta nói lên sự thật và nói bằng đường lối mà chúng ta theo đuổi suốt từ ngày chúng ta vào nghề đến bây giờ, tức là bằng văn nghệ. Tôi nghĩ như thế này, năm 1985 tôi có viết một kịch bản và nhiều người hiểu đó là kịch bản viết về Kiên Giang, đó là “Bài ca không phải là nốt nhạc”. Khi dựng phim này, anh Bảy Lam đã nhiều lần gọi điện thoại lên chỗ anh Ba Lê và chỉ nói rằng: "Các anh giữ làm sao cho tỉnh uỷ Kiên Giang đừng có dũa tôi", chớ không có gì nghiệt ngã đối với tôi cả; mà anh Bảy Lam chỉ nói: "Lần sau các anh viết thế nào cho người ta đừng hiểu Kiên Giang, người ta hiểu đây là việc chung của cả nước." Cho nên các đồng chí xem cái phim đó, cái biển số không mang số 68 mà mang biển số 80A, tức là không có biển số nào trên đất nước này cả. Vì thế mà sau đó anh Bảy Lam còn gọi tôi về cho chúng tôi mỗi người 2500 đồng, bấy giờ tương đương với nửa chỉ vàng, thưởng cho thành tích đã viết được chuyện phim, thì như vậy tôi nói là không có sự nghiệt ngã. Còn bây giờ, hiện nay tôi nhớ vừa qua ở trên báo chí, báo
Tuổi trẻ, một cháu bé hỏi Nguyễn Mạnh Tuấn: "Chú ơi, hiện nay viết vụ án là một, viết tiêu cực là hai, cũng là cái mốt để mong được nổi tiếng. Vậy chú có ở trong trường hợp đó không?" thì tôi nghĩ rằng, ngày xưa mà viết ca ngợi thì cũng là viết theo cái thời đó, thế thì tôi nghĩ rằng, trong cái nghiệt ngã này, cái điều này là để tôi trả lời cho các anh em bạn bè hỏi thăm tôi. Tôi rất có cái may mắn là đến nay anh Ba Hương, ảnh không biết gì đến tôi, tức là cái mặt tôi và thậm chí cả anh ba Dũng cũng không biết mặt tôi chứ đừng nói; còn anh ba Dũng thì cũng chỉ biết mặt tôi vài bữa nay, cho nên tôi nói điều đó không có ai cản ai cả, vì thế mà tôi nói. Tôi nói chuyện thứ hai là sự nghiệt ngã nó là vô cùng. Tôi nhớ chuyện tiếu lâm, chuyện vui ngày xưa nó như thế này: có một con sóc, người ta cho nó 7 cái hạt dẻ một ngày, nếu cho anh ta 3 hạt buổi sáng 4 hạt buổi chiều thì anh ta mừng lắm. Nhưng ngày hôm sau chuyển lại 4 hạt buổi sáng và 3 hạt buổi chiều là anh sóc lúc đó ảnh không ăn, cho nên cái nghiệt ngã là vô cùng. Ðối với tôi không nghiệt ngã nhưng với anh khác nó là nghiệt ngã.
3. Ðồng chí Khoa Ðăng:
Từ sáng đến giờ tôi nghe một số ý kiến, tôi cảm thấy nó không công bằng ở chỗ này, tức là một vài ý kiến của tôi, của Phạm Thường Gia, Anh Ðộng cũng là ý kiến nó khác đi với những ý kiến khác thì các anh có quyền phát biểu ý kiến khác thì không ai có vẻ xúc phạm cả, nhưng mà khi chúng tôi phát biểu khác đi thì xúc phạm, tôi cảm thấy điều đó không khách quan, tức là bây giờ đã gọi là tranh luận thì ta cứ tranh luận chứ ta không dùng câu quá lớn là anh ấy không có đạo đức, không có nhân hậu, không có nhân phẩm, bởi vì các anh phát biểu không có ai nói các anh không có đạo đức cả, đấy là một ý kiến. Ý thứ hai là tôi thấy rất khó, tôi nghe ý kiến Tư Châu, tôi thấy rất giống ý kiến tôi, chả có gì khác cả. Anh Tư Châu nói là anh Thuỳ có hai điểm mà cần phải nêu, một là cái tôi dùng quá nhiều, hai là một số chi tiết thì trong bài đó các Ðồng chí đọc kỹ rồi. Vấn đề báo Kiên Giang tôi không có được dự, tôi chỉ nghe qua một số anh được dự thì nói đã và đang được giải quyết thì sự việc cần lôi ra làm gì, một ý. Ý thứ hai, vụ anh Ba Sáng và vụ anh Tôn Hưng tôi không biết, cho nên cái phía này để các cấp chức trách trả lời. Chức là chức việc, trách là trách nhiệm chứ không phải là công an như đồng chí Yến hiểu lầm đâu, không có nghĩa là đề nghị bỏ tù đâu. Thế còn ý thứ hai là hoàn toàn giống Tư Châu, vấn đề thái độ người viết thì cái đó tựu trung lại nói cái tôi rất nhiều, cái thứ hai là vấn đề một số chi tiết đã nêu ra, anh Thuỳ nêu ra cách đây 15 năm, anh sửa chữa văn anh Bùi Trọng Vị, thì tôi cũng nói cách đây 15 năm anh Thuỳ ở với tôi, theo tôi thì ảnh không có sửa chữa văn, thì tại sao lại bảo tôi lôi đời tư, nó không công bằng ở chỗ đó. Khi các đồng chí lôi đời tư ra nói thì tôi buộc lòng phải lôi lại để nói thì các đồng chí bảo tôi là vụn vặt, bởi vì thế này, khi tôi viết bài báo đó thì tôi thấy có vấn đề chi tiết không chính xác thì tôi viết và tôi không định đăng ngay, nếu đồng chí Phạm Thường Gia có đây, đưa cho xem thư tôi gửi Phạm Thường Gia tôi bảo các bạn hãy gượm gượm nghĩa là thong thả hãy đăng, để đăng bài có tính chất rộng hơn, còn bài này để phụ thêm bài đó thôi. Thế nhưng vì không có bài, thực tế tôi biết tôi không viết đâu, bởi vì tôi không hiểu gì chuyện kia mà tôi nhúng vô cả, tôi chỉ nhúng vô chi tiết mà tôi biết. Tôi xin có ý kiến đó thôi, nhưng cái này khi phát biểu nên công bằng.
© 2006 talawas