trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
8.7.2006
Hà Văn Thuỳ
Tự bạch
 1   2   3   4   5   6 
 
B. Những ý kiến ủng hộ bài báo
 
1. Ðồng chí Bảy Phát, nguyên Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh:
 
Khi nhận được thư mời và nghe phần mở đầu của đồng chí chủ tịch Hội Văn nghệ, tôi xin phát biểu hai phần. Trước hết, tôi xin nói cái cảm tưởng. Cảm tưởng tôi tới dự cuộc hội thảo hay toạ đàm này khác với lần trước, tức là có cảm tưởng buồn, không vui lắm. Cho phép tôi xin vô lễ nói điều này, không biết rằng mình toạ đàm như thế này thì có văn và có nghệ không, và nhất là nghe nói mời bảo vệ chính trị tới đây chứng kiến cái này thì không biết là cuộc họp của chúng ta như thế nào, thì nó hơi lạ. Ðó là cảm tưởng đầu tiên của tôi.

Tôi tuy mắt mũi kém cỏi nhưng cũng cố gắng đọc cái tờ trong văn nghệ nghiệt ngã gì đó, rồi đọc cái bài của đồng chí Khoa Ðăng, rồi bài của đồng chí Phạm Thường Gia, thì tôi thấy thế này. Trước hết xung quanh vấn đề tờ báo thì tôi nghĩ rằng, tôi thấy bài của đồng chí Hà Văn Thuỳ thì cái chuyện đó ở Kiên Giang này ai cũng biết, cái chuyện mà ở ngoài còn biết nữa chứ đừng nói trong cán bộ, rồi con người ở đây cũng rõ quá rồi. Và tuy là cái chuyện đầu tiên là cái chuyện đồng chí Ba Sáng, mà đồng chí Ba Sáng thì tôi là người được đi điều tra coi cái chuyện uống rượu tây có hay không đây, chuyện đó nó rõ ràng quá, mà tôi có cảm giác mình ngồi đây để đôi chối chăng? Giống như mấy vị hàng xóm mắng lộn với nhau rồi đôi chối chứng cớ. Buồn là buồn ở chỗ đó, các đồng chí!
 
2. Ðồng chí Ba Khải, nguyên Thường vụ Tỉnh uỷ & Trưởng ban Tuyên giáo, Phó Chủ tịch tỉnh:

Theo tôi thấy, cuộc họp này là rất cần thiết vì chúng ta cũng cần một bài văn học nghệ thuật về đề tài này để mở ra cho mặt trận văn học nghệ thuật của chúng ta.

Tôi là một nhân vật mà, như hồi nãy anh Bảy nói chuyện này có đầu có đuôi, tôi đi điều tra ông nữa mà. Tôi là người đi điều tra các sự việc báo phản ánh, tôi có những chứng cứ mà nói thiệt với các đồng chí lâu nay tôi yếu đuối quá đi, tôi chưa nói được cái này (có tiếng cười). Thậm chí tôi là người trong cuộc, tôi cũng không dám phát biểu nữa. Chúng ta sống trong cái lãnh đạo của tỉnh ta, có nhiều vấn đề phải thận trọng. Ngày hôm qua khuyến khích người ta nói, nhưng nói rồi bị trù dập ớn quá. Cho nên chúng ta cần thận trọng, đừng để có chuyện gì đáng tiếc xảy ra trong nhà Hội Văn nghệ này. Ðêm hôm tôi suy nghĩ đến đây không biết có thành phần ai ai, mọi cái nhân chứng này đều chính trị cả. Cha Sáng, cha Hưng, Yến, Tư Châu đây nè, phải chuyện đơn giản đâu, mà xa xưa nữa là chuyện Anh Ðộng. Chúng ta những kẻ đang sống trong sự lưu ý, hầu hết sống trong sự điều tra, kiểm soát bởi vì vấn đề dân chủ hoá, công khai hoá không được khuyến khích. Tôi nói với các đồng chí là nên nói thận trọng, một sự xúc phạm về tên về tuổi con người là khi quân, thì là hết, là chết luôn. Tôi nói Ba Sáng anh bảo thủ quá trời, lúc đó tôi phê phán ảnh, ảnh bảo thủ tôi nói không vô nữa, tới chừng ảnh bị bắt, tôi nói ảnh nghe hết trơn. Tôi nói nội cái danh từ dỏm, tôi nói thằng cha Ba Sáng không bao giờ viết một cái thành tích dỏm, mà chỉ có người khác viết thôi, mà thằng Hưng viết chớ ai. Tôi nói Ba Sáng, nói thằng Hưng nó chống tiêu cực đáng đề cao lắm. Lúc đó tôi là giám đốc trường Ðảng, mời tôi đến có lẽ coi tôi là lực lượng ủng hộ thực hiện bản án này. Nhưng tôi thấy tiếc cái chuyện xử lý, không biết bây giờ những người thực hiện có xem lại mình không? Theo tôi, theo tư duy mới, phải thông qua Hội Văn học Nghệ thuật hay Hội Nhà báo, người ta làm, người ta kiểm điểm cái này rồi đề xuất ý kiến lên trên, sau đó mới quyết định. Ðàng này khi không ở trên ào chụp xuống một cái, mà tưởng đâu ai, đưa thằng Ái xuống truyền lệnh. Trời đất ơi, mấy ông làm tôi bất nhẫn lắm, mà lúc bấy giờ tôi cũng chịu nghe thôi, lệnh phán rồi mà. Trời đất ơi, mấy ông làm vậy coi nó rẻ rúng quá trời! Tôi nói tối thiểu nhất có thể chấp nhận được là cho anh thường vụ là anh Năm Lon xuống đi, nhưng mà đưa thằng Ái nó làm chuyện đó, coi làm sao, coi được hay sao? Lúc bấy giờ thằng Ái là thơ ký riêng, coi như lớn hơn thường vụ rồi. Tôi chưa thấy sự lãnh đạo nào như thế. Tôi kháng chiến cũng khá lâu nhưng chưa có chuyện nào làm kỳ như thế. Nhưng bấy giờ tôi cũng sợ, tôi không dám nói gì hết. Mọi sự phê bình tôi thấy là nghiệt ngã rồi. Một cái ảnh cho là cây cờ rũ, tôi thấy trời ơi vạch lá tìm sâu rồi. Bìa báo vậy mà rồi cái gì măng non, cái gì màu gắt, nói nhà trẻ, cũng bắt giò thôi, rồi hình của ông Ba Hương để như hình tang vậy, cũng bắt giò thôi. Tụi tôi là bào chữa viên mà không bào chữa gì được. Cũng như Anh Ðộng lúc đó mà. Anh Ðộng lúc bấy giờ thấy ở đây không yên rồi, bị đe doạ mới xin về Minh Hải. Anh Ðộng viết bài “Một đám cưới rình rang quá cỡ”, rồi ông Năm Tân với Chín Ðịnh đi luôn, dập theo cái đó rồi tờ báo đi luôn. Ðáng lý ra người ta mời anh em lại, nếu mời tôi lại đàng hoàng rồi giam tôi, tôi cũng vui nữa, mà không làm, bất chấp, xuất phát từ cái tâm trạng người ta như thế nào?

3. Ðồng chí Bảy Phục, cán bộ cách mạng lão thành:
 
Cái thứ hai tôi muốn nói với các đồng chí là đâu phải chỉ có nhà báo phải chấp nhận sự nghiệt ngã, mà tỉnh Kiên Giang này biết bao nhiêu người đã sống trong nhà tù một cách rất nghiệt ngã, ra khỏi tù bây giờ cũng đang phải sống một cách rất nghiệt ngã, bị bạc đãi, và hiện nay trong nhà tù cũng còn những người chưa phát biểu được ý kiến của mình. Tỉnh Kiên Giang này, ông Ba Khải cũng có nói rồi, hồi thời ông Ba Hương, có nhiều ông quên vợ mình tên gì nữa, chớ sọc dưa cỡ Anh Ðộng này còn gan lắm, còn tìm cách mở cửa để đi về, còn đủ tỉnh táo để "Thưa chú Ba, con xin phép về bằng cửa này". Cái đó là cái khôn của người làm báo. Nhưng mà có người vào đó quên vợ mình tên gì nữa. Tôi nói như vậy là vì sao? Khi tôi về Kiên Giang, tôi ở chung với ông Ba Hương, cách nhau 50 thước trong vòng 2 năm, bởi vì cái quyền lực, đứng trước cái quyền lực và đứng trước con người luôn luôn thích dùng quyền lực khuất phục người khác, ông Anh Ðộng còn rất đủ bình tĩnh.

Ðiều thứ ba tôi nghĩ rằng, bài "Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp", đây tôi không có đề cao anh Thuỳ, tôi nói rõ ràng không phải thanh minh đâu, phải đến tầm tỉnh Kiên Giang viết về nghiệt ngã thì cả nước mới có cái tựa của cái chuyện nghiệt ngã. Ông Hồng Chương không phải ổng nịnh ông Thuỳ đâu, mà ông Hồng Chương cũng không phải là người tầm thường đâu, nhưng mà anh Hồng Chương chỉ đạo báo Văn nghệ đăng bài nghiệt ngã, như vậy nghĩa là gì? Cái đó khẳng định tính chiến đấu tập thể và sức chịu đựng không khuất phục một cách nhục nhã của những người làm báo Kiên Giang với cái nghiệt ngã của thời gian qua, chính điều này có tác động nhất định đến sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ. Từ ở đây, tôi xin thông qua các đồng chí đại diện lãnh đạo của các ngành chức năng, xin đề nghị các đồng chí nói lại với Tỉnh uỷ, với Ban Tuyên giáo, cái dòng nước, cái mạch thuỷ lưu của tình hình dân chủ và công khai trên lĩnh vực văn học nghệ thuật của Kiên Giang mới chỉ là dòng nước nhỏ, chưa phải là dòng sông lớn đâu, thì chớ có đắp đập be bờ mà phải khơi thông. Bao giờ cũng vậy, hễ nước chảy thì dòng mới sạch. Chúng ta muốn trong sạch thì dòng phải mạnh, mà dòng nước này một mình Ðảng làm không xong đâu! Chúng ta lãnh đạo cách mạng bằng quyền lực cai trị đã 13 năm rồi, và những kẻ cầm quyền lực đó không xây dựng nên chủ nghĩa xã hội mà xây dựng nên tội ác, rất nhiều tội ác. Ở tỉnh ta, nhà trường và bệnh viện phát triển không kịp với nhà tù, vì sao thế?

Riêng tôi, tôi nói rằng, hôm nay đến đây đó, tôi nói với các đồng chí điều cuối cùng, tôi rất tâm đắc rằng văn nghệ sĩ Hội Văn nghệ Kiên Giang đã khẳng định được tính chất của cuộc đấu tranh của giới văn học là chấp nhận nghiệt ngã để đi lên.
 
4. Ðồng chí Nguyễn Văn Thạnh, nguyên Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tuyên huấn, đọc văn bản được soạn thảo trước:

Thưa các bạn và các đồng chí,

Tôi rất hân hạnh được Hội Văn nghệ mời dự hội thảo hôm nay. Với tư cách là người bạn thân của các bạn, một người đã sống và chiến đấu hơn 40 năm trên mảnh đất Kiên Giang thân yêu, trong nhiều năm, tôi từng thiết tha mong muốn làm sao Kiên Giang có được đội ngũ sáng tác trẻ khoẻ với ngòi bút của mình góp phần làm cho quê hương Kiên Giang thêm giàu đẹp. Thiệt tình mà nói, tôi rất quý trọng các bạn, xem đó là vốn quý của Kiên Giang. Không phải riêng tôi mà mọi người đều có trách nhiệm chăm sóc giúp đỡ. Tôi đến hội thảo này với tinh thần như thế.

Truớc khi đến hội thảo, tôi có đọc hai bài báo của Nguyễn Khoa Ðăng và Phạm Thường Gia trên báo Kiên Giang. Tôi cảm giác một nỗi buồn man mác. Một số đồng chí, các bạn trẻ yêu văn học đến tôi than phiền, thắc mắc, nêu những câu hỏi buộc tôi phải giải đáp: Các anh ấy viết như thế để làm gì? Làm sao tôi trả lời được? Các bạn ấy lại tìm lấy câu trả lời được thể hiện trong ý tứ và lời văn của tác giả. Hỏi tôi có phải vậy không? Tôi đáp, chỉ có người viết mới trả lời chính xác. Nhưng có bạn phản bác ý kiến của tôi, cho rằng chỉ có đông đảo độc giả mới trả lời đúng hơn tác giả. Tôi gẫm ra là đúng. Hãy để cho công luận phán xét!

Riêng nỗi buồn của tôi, cảm thấy có hiện tượng anh em mình mất đoàn kết đáng tiếc. Có phải những bài viết ấy nhằm mở đầu, dọn đường cho cuộc hội thảo hôm nay không? Nếu thật như thế thì cuộc hội thảo bị xuyên tạc mất ý nghĩa tốt đẹp. Chúng ta hội thảo với mục đích yêu cầu nhằm xây dựng giúp đỡ lẫn nhau để tiến lên, nói khuyết điểm của bạn là bài học cho bản thân ta, và phải hết sức khách quan trân trọng những điều hay của bạn để tìm cái vốn chung trong văn học của chúng ta.

Trước khi đi vào phân tích bài viết "Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp" của bạn Hà Văn Thuỳ, tôi xin trích nguyên văn lời của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói chuyện với anh em văn nghệ sĩ tại Hà Nội ngày 10/07/87 như sau: "Phải đứng vững trong trường phái tả chân Xã hội chủ nghĩa (XHCN). Cũng có người tự xưng là ở trường phái tả chân XHCN nhưng họ không dám viết sự thật, không dám lên án phê phán cái xấu để xây dựng con người mới. Là những văn nghệ sĩ chân chính, các đồng chí phải giữ gìn sự trung thực của ngòi bút, giữ gìn tư duy trong sáng của mình".

Bất cứ một tác phẩm văn học nào cũng không thể chính xác đúng đắn 100 %, dù sao cũng có những sơ sót nhất định, nhưng cốt lõi của nó có thể hiện được tư duy trong sáng của người văn nghệ sĩ chân chính hay không, có nói lên trung thực khách quan thực trạng xã hội hay không, và điều quan trọng là có nói được tiếng nói của quần chúng đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, phê phán những cái xấu để xây dựng những cái tốt hay không? Nếu cái cốt lõi của một tác phẩm trong sáng nhưng đi đôi nó xen vào cá nhân một cách cố tình hay sơ xuất ở một mức độ nào đó, thì cũng không thể nào che dấu được công luận. Và công luận là người phán xét rất công minh. Họ biết chọn lựa, đồng tình ủng hộ những cái họ chấp nhận đó là tiếng nói của quần chúng. Ðồng thời họ càng nghiêm khắc phê phán những gì không tốt, mặc dù người viết cố tình che giấu một cách khéo léo.

Trong phê bình văn học không nên chỉ nói ra những khuyết điểm, thậm chí nêu ra lý lịch đời tư của tác giả để phủ nhận tất cả những gì tác giả công phu tạo dựng nên. Lại càng nên tránh sự bực tức khi những bài viết ấy có đụng chạm đến bản thân người phê bình. Nếu làm như thế, thì sự phê bình đã không còn được trong sáng và thiếu tính xây dựng.

Với quan điểm đó, tôi xin có một số ý kiến về bài "Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp" của bạn Hà Văn Thuỳ. Trước hết, tôi cho đây là một bài bút ký viết một cách trung thực, tả chân xã hội chủ nghĩa, phản ánh đúng thực trạng tình hình vào những năm 1983-1987, anh em viết văn làm báo ở tỉnh Kiên Giang chịu một sự nghiệt ngã không thể nào chống chế lại được. Nhiều người có chức có quyền lúc bấy giờ cũng không dám nói, hà huống gì những người viết văn, làm báo. Anh Ba Khải lúc bấy giờ là uỷ viên Thường vụ tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh uỷ biết rằng việc trấn áp anh Ba Sáng phó giám đốc Ðài phát thanh Kiên Giang là sai, nhưng cũng phải làm theo, đến ngày nay anh vẫn còn ân hận. Bài bút ký đã viết lên một sự thật mà từ lâu nhiều nguời bất bình nhưng không dám nói. Ðó là điều chúng ta cần khuyến khích giúp đỡ.

Có người cho rằng ở Kiên Giang làm gì có sự nghiệt ngã nghề nghiệp? Nói như vậy là quá đáng, thổi phồng! Chẳng những không có nghiệt ngã mà lại còn có ưu đãi là đằng khác. Ðiều đó cũng dễ hiểu, cuộc sống trong xã hội hiện nay rất phức tạp. Mỗi người có cách sống lối sống khác nhau. Tư duy khác nhau, cách đi khác nhau, người thì đi bằng hai bàn chân, kẻ thì đi bằng hai đầu gối. Sống trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp nhiều năm, cộng với tàn dư phong kiến đã tạo cho chúng ta cách nhìn, cách suy nghĩ và cách nói theo một chiều từ trên xuống. Ai nói động đến cấp trên thì bị xem là kẻ phạm thượng. Vì đó mà người ta rất khó chịu với bài "Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp", mặc dù đó là sự thật và nó nói lên chưa hết sự nghiệt ngã ở Kiên Giang, như lời anh Ba Khải đã nói sự nghiệt ngã đối với người viết văn làm báo ở Kiên Giang trong thời gian qua.

Bài "Sự ngiệt ngã..." ra đời sau nghị quyết Ðại hội VI của Ðảng, sau nghị quyết 04/BCT, và gần đây có nghị quyết Trung ương V về xây dựng Ðảng. Nó đã thể hiện được tư duy nói thẳng nói thật mà Ðảng đang khuyến khích. Chính nó có góp phần vào đấu tranh chống tiêu cực, xây dựng Ðảng, thực hiện nghị quyết 04/BCT.

Với thái độ đúng đắn, theo tôi, nó không phải là của riêng Hà Văn Thuỳ mà là tác phẩm chống tiêu cực của Kiên Giang, cả nước người ta xem như thế, mặc dù, tất nhiên nó gắn liền với sự nghiệp của tác giả. Do đó chúng ta nên nuôi dưỡng, giúp đỡ nó, phát huy mặt tích cực của nó góp phần vào việc xây dựng Ðảng theo tinh thần nghị quyết Trung ương V. Một bài bút ký mang tính chiến đấu chống tiêu cực được dư luận quần chúng ủng hộ, mặc dù nó có những khuyết điểm, chúng ta không nên vì những khuyết điểm ấy mà làm cho nó nhạt đi, công luận sẽ phán xét chúng ta như thế nào. Nếu chúng ta làm như thế thì rõ ràng chúng ta đánh vào những người dám viết lên sự thật, đấu tranh chống tiêu cực, dù cho ta có biện bạch cách nào thì công luận cũng phê phán chúng ta làm một việc không nên làm.

Trong đội ngũ những người viết văn, làm báo ở Kiên Giang không phải người nào cũng dám viết lên sự thật, đấu tranh chống tiêu cực. Nếu chúng ta hiểu lời nói của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thì trong anh em văn nghệ sĩ ngày nay cũng có người tự xưng là đấu tranh chống tiêu cực, sống chết với bọn tiêu cực, còn tự hào là con cháu của cụ Ðồ Chiểu đâm mấy thằng gian bút chẳng tà. Nhưng lại không dám viết sự thật, chưa đâm thằng gian nào mà bút đã tà, vì đâm vào lưng của những người đấu tranh chống tiêu cực! Chúng ta hãy đấu tranh, giáo dục, xây dựng, giúp đỡ những anh em ấy khắc phục tiến lên theo lời dạy của đồng chí Tổng Bí thơ: "Phải giữ gìn sự trung thực của ngòi bút, giữ gìn tư duy trong sáng của mình".

Bài "Sự nghiệt ngã..." đề cập đến nhiều sự việc, đụng chạm đến nhiều người. Có người cho rằng chuyện đã giải quyết rồi còn đề cập lại làm gì, tác giả có dụng ý không tốt! Chuyện đã giải quyết rồi đâu phải là không được quyền nói lại? Giải quyết rồi chưa chắc đã đúng, có những trường hợp như thế. Tư tưởng phong kiến đã dạy mọi người trong xã hội: bề trên đã phán xét thì thần dân phải cúi đầu tuân lịnh, chỉ biết chấp hành, không có quyền cãi lại dù là oan ức. Tư tưởng ấy, tàn dư phong kiến mang vào trong Ðảng, cộng với tệ sùng bái cá nhân, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Ðảng. Một số người tiêu cực, lợi dụng chức quyền đã gây bao nhiêu chuyện oan ức cho quần chúng, cho đảng viên, cho cán bộ. Chúng ta phải nhận trách nhiệm trước lịch sử, phê phán lịch sử, phục hồi lại sự thật lịch sử bị giai cấp thống trị, những cá nhân độc đoán chuyên quyền bóp méo xuyên tạc. Không thể có thái độ thụ động, cầu an, dĩ vãng cứ để nằm trong dĩ vãng, hơi đâu khơi lại đống tro tàn? Ðó là thái độ thủ tiêu đấu tranh, trốn tránh trách nhiệm trước lịch sử.

Nếu không có đấu tranh thì làm sao vụ án Lữ Anh Dồi (Minh Hải) được đưa ra xét xử sau 5 năm coi như đã giải quyết xong? Và còn bao nhiêu vụ án khác?

Năm 1983, những người có chức quyền ở Kiên Giang đã kết luận tội anh Ba Sáng, Phó Giám đốc Ðài Phát thanh Kiên Giang khai man lý lịch, làm gián điệp cho Nhật, tuyên truyền chống chủ trương, chính sách của Ðảng bộ và nhà nước địa phương, khai trừ ra khỏi Ðảng. Như vậy có phải là nghiệt ngã không? Ðến nay người ta đã giải oan cho anh thế nào? Sinh mạng chính trị của con người bị xem thường quá! Tại sao người ta không muốn hay không cho nhắc lại điều ấy? Vì những người ấy sợ sự thật, vô trách nhiệm, thiếu tình người!

Ba Yến, một đảng viên, một thương binh bị loại ra khỏi báo Kiên Giang đến nay chưa có việc làm, chưa được sinh hoạt Ðảng. Tự nhiên người ta đã tước quyền lao động của anh. Như vậy có phải là nghiệt ngã không và có nên nhắc lại chuyện đau lòng ấy không?

Ngô Văn Tước bị lãnh đạo ra lệnh miệng cấm không cho làm báo, trong khi nghề của anh là viết báo, phải lang thang đi xin việc không ai dám nhận. Có phải là nghiệt ngã không? Hôm nay anh đã được giải quyết việc làm nhưng nhắc lại không phải là vô ích với cơ quan lãnh đạo!

Nếu như không có đấu tranh chống nghiệt ngã thì số phận tờ báo Xuân năm 87 và những nạn nhân của nó đã bị chôn vùi mà không được người ta nhắc lại như hôm nay. Có những công việc cách đây năm ba năm đã được giải quyết rồi, nhưng hôm nay với tư duy mới, chúng ta mới nhận thức được điều không đúng. Một mặt do non kém về trình độ, nhận thức, nhưng cũng có tư tưởng bảo thủ, cá nhân, sĩ diện không dám nhìn thẳng vào sự thật. Ðến nay đã có ai nói việc thu hồi báo Xuân năm 87 là sai không? Người ta nói theo kiểu chơi chữ mặc dù sự thật là sai!

Không nói rõ cái sai của lãnh đạo cũng là hành động mất dân chủ, cửa quyền. Chỉ có người bị lãnh đạo sai, cấp dưới sai mà không được quyền phê phán cấp trên sai, thế thì làm sao tạo được sự đoàn kết nhất trí trong Ðảng? Phải nói thẳng sự thật ra mới khắc phục được khuyết điểm sai lầm, mới tạo được lòng tin trong quần chúng.

Anh em văn nghệ sĩ vốn có nhạy cảm với cuộc sống. Có trách nhiệm phát hiện và báo trước với Ðảng và quần chúng. Bài "Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp" chưa phải là dự báo, mà nó báo cho Ðảng chuyện đã rồi, một trăm phần trăm: sự nghiệt ngã của nghề nghiệp! Ai nghiệt ngã với ai? Người lãnh đạo nghiệt ngã với người bị nghiệt ngã. Mặc dù hôm nay sự nghiệt ngã ấy không còn như vài năm về trước, nhưng chưa thể nói là đã hết nghiệt ngã. Hôm nay anh chưa bị nghiệt ngã, rồi ngày mai anh sẽ bị nghiệt ngã, nếu anh không cùng mọi người đấu tranh chống sự nghiệt ngã. Tiếp tục đấu tranh chống sự nghiệt ngã là quá trình đấu tranh thực hiện dân chủ hoá và công khai hoá, một nội dung cơ bản trong cuộc đổi mới.

Tôi rất buồn vì sao cùng là bạn đồng nghiệp với nhau mà lại cũng có sự nghiệt ngã với nhau? Sách nho có câu: "Thố tử hồ bi." Người xưa cũng có câu: "Một con ngựa đau cả tàu chê cỏ." Trong thực tế xã hội hiện nay, nhiều con ngựa đau nhưng lại có những con ngựa thản nhiên ăn cỏ non ngon lành. Anh em ta nghĩ thế nào về hiện tượng xã hội như thế?

Bài bút ký "Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp" có những mặt tốt như trên, nhưng nó không tránh khỏi những khuyết điểm cần được phê phán:

  • Không tập trung cao vào nội dung chủ đề sự nghiệt ngã nghề nghiệp, đi vào chiều sâu của nó, tác hại của sự nghiệt ngã đối với con người, sức phấn đấu vươn lên của những con người bị nghiệt ngã. Sự đấu tranh của công luận chống lại sự nghiệt ngã, độc đoán chuyên quyền là nguyên nhân gây ra bao sự nghiệt ngã. Tác giả hơi tham lam, tập họp thống kê nhiều sự việc, có một số sự việc vụn vặt không cần thiết.

  • Ðiều đáng trách là tác giả đả kích nhiều người, có những người chưa phải cần thiết lắm, trong đó có bạn bè đồng nghiệp. Dùng từ ngữ, sử dụng hình tượng văn học để phê phán, chỉ trích, đúng hơn là đả kích nặng nề gay gắt không cần thiết, có ý xem thường người khác, coi mình hơn người, biểu hiện tính cá nhân nóng nảy bốc đồng, thiếu bản lĩnh của người cầm viết. Do đó mà đụng phải sự phản ứng khá mạnh của một số người bạn bè đồng nghiệp rất gay gắt, gần như muốn lấp mất đi cái cốt lõi trong sáng của bài bút ký viết một cách trung thực, mang tính chiến đấu dũng cảm. Tác giả nên xem đây là bài học quý, chân thành tiếp thu và tự phê bình với các bạn đồng nghiệp, nếu tỏ rõ thái độ như thế, tôi tin rằng cây viết của Hà Văn Thuỳ đang có nhiều hứa hẹn.

Qua cuộc hội thảo này, tôi thấy cũng cần đặt lại vấn đề với lãnh đạo là nên nhìn thẳng vào sự thật là thời gian qua có sự nghiệt ngã với anh em viết văn, làm báo, tuy đã được khắc phục một bước, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết rõ ràng dứt khoát cho việc phục hồi danh dự anh Ba Sáng, xếp việc làm cho Ba Yến. Lãnh đạo cũng không nên định kiến, hẹp hòi với tác phong, tính nết của anh em, phiền trách anh em vì sao "quậy" mãi!

Và sau cùng, tôi xin nói với tất cả tình cảm tha thiết của tôi, mong rằng anh em mình hãy đoàn kết nhau hơn nhằm mục tiêu chung: đất nước quê hương. Hãy sống với tình cảm cởi mở, trên nền cao thượng, trong sáng, vượt qua tính cá nhân ích kỷ thấp hèn thì mới xứng đáng là người văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa.
 
5. Ðồng chí Ngô Văn Tước, nhà báo:
 
Ở cuộc hội thảo này, tôi có vài ý kiến ngắn xung quanh bài bút ký của đồng chí Hà Văn Thuỳ và bài báo của đồng chí Nguyễn Khoa Ðăng, "Cũng là bẻ cong ngòi bút", in trên báo Kiên Giang số ra gần đây, chủ yếu là những vấn đề có liên quan đến vụ báo xuân 87 và một số chi tiết về tôi.

Trước hết, có thể nói rằng, bút ký của đồng chí Hà Văn Thuỳ đã hệ thống lại một số sự kiện lớn có liên quan mật thiết đến sự lãnh đạo của cấp uỷ địa phương đối với báo chí và thái độ xử lý một số anh em làm báo trong những năm gần đây.

Bút ký "Sự nghiệt ngã..." của đồng chí Hà Văn Thuỳ trên cơ bản là có thật. Có những sự thật tôi biết rõ nguồn cơn và chính xác. Có những sự thật chỉ mức độ, nhưng dù sao đồng chí Hà Văn Thuỳ cũng đã dũng cảm nêu lên những sự thật đúng, những sự thật đau lòng mà trong làng báo chí sáng tác ở tỉnh ta gần như mọi người đều biết. Ðó là hai số báo Xuân 1987 bị thu hồi. Một tờ thu bằng quyết định có văn bản, một tờ bằng quyết định miệng của người có chức quyền. Cũng như họ cấm tôi không được làm báo, không được viết báo, không được công tác trong các cơ quan thuộc khối tư tưởng mà không hề có lệnh viết nào từ cơ quan chức trách. Ðó là sự thật. Ðồng chí Lê Hồng Châu sau số báo Xuân bị thu hồi không lâu bị quyết định kỷ luật đình chỉ công tác, rồi thôi giữ chức Tổng Biên tập, chuyển sang làm cán bộ nghiên cứu ở văn phòng Ủy ban Tỉnh. Ðó là sự thật. Ðồng chí Phan Võ Sáng, Phó Giám đốc Ðài Phát thanh tỉnh và đồng chí Dương Tôn Hưng, phóng viên đài, bị quản thúc và bắt giam vì những tội mà đến nay công luận chưa được rõ trắng đen. Ðó là sự thật. Vì hai bài báo của tôi đăng trên báo Kiên Giang xuân 87 sai đúng ở mức độ nào, tờ báo bị thu hồi, tác giả bị quy chụp, hứng chịu bao tai tiếng, danh dự bị xúc phạm, đời sống bị cùng quẫn. Những sự thật này, nó báo hiệu điều gì? Phải chăng đó là sản phẩm tuyệt vời của cơ chế chuyên quyền mà chúng ta đang xoá bỏ?

Bài báo của đồng chí Hà Văn Thuỳ phản ánh hiện thực cay đắng về tôi là rất đúng, nhưng vẫn chưa hết. Ðó là chuyện cơ quan báo Kiên Giang cắt lương tôi, không cho tôi sinh hoạt đoàn thể, đuổi gia đình tôi ra khỏi phòng ở tại toà soạn báo trong lúc tôi đang là nhân sự cơ quan. Ðó là lúc tôi đang túng quẫn, nghèo khó, phải bán cả kỷ vật ngày cưới để sống, để đi khiếu nại, thì họ trả lương 70%, cắt chế độ ăn theo của con tôi không thương tiếc. Thử hỏi khi tôi phải chịu sự thiệt thòi như thế thì những người gây ra tai hoạ cho tôi phải chịu trách nhiệm thế nào? Những sự việc kể trên trong bài ký của anh Thuỳ chưa biết đến. Nhưng sau này, nhờ sự can thiệp của Hội Nhà báo, tôi đã có việc làm, không còn phải lang thang trên hè phố nữa. Nhưng đó chỉ là chuyện của cá nhân tôi.

Nhưng vấn đề ở đây là, tôi muốn thông qua hội thảo làm sáng tỏ được cái tâm của người cầm bút. Bài báo của đồng chí Nguyễn Khoa Ðăng có gì cấn cái với tác giả Hà Văn Thuỳ không? Kể cả bài của Phạm Thường Gia cán bộ biên tập báo Kiên Giang. Việc tranh luận trên báo Kiên Giang như vậy có đúng không? Tỉnh uỷ đã có thông báo chính thức về kết quả làm việc giữa các báo Lao động, Ðại đoàn kết xung quanh sự cố báo Xuân chưa? Việc đồng chí Lâm Kiên Trì, Phó Bí thư Tỉnh uỷ trước đây ký quyết định thu hồi báo không đúng luật định, về trách nhiệm, cấp uỷ đảng đã có ý kiến gì? Việc kỷ luật đồng chí Lê Hồng Châu cùng một số phóng viên báo Kiên Giang. Tất cả những cái đó có phải là nguyên nhân gây ra sự nghiệt ngã của nghề nghiệp chúng ta không?
 
6. Ðồng chí Ba Sáng, nguyên Phó Giám đốc Ðài Phát thanh tỉnh:

Những sự thật mà tác giả bài báo đã dẫn chứng ra để minh chứng những sự nghiệt ngã theo tác giả thấy thì đó là một vấn đề rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng vấn đề này đối với tôi thì tôi rất hoan nghênh, mà đúng là tôi thấy tác giả đã đụng đến một vấn đề quan trọng mà dư luận quan tâm. Trong mấy ngày vừa qua, bản thân tôi cũng có dịp tiếp xúc với một số anh em trẻ ở đài ở báo, qua câu chuyện thì thấy anh em rất tán thành việc nói về vấn đề này. Anh em cũng cho rằng hồi đó đến giờ, nghề nghiệp của anh em cũng chưa được công khai nói đến. Nay thấy trên báo Văn nghệ có bài như thế thì nói chung anh em rất hoan nghênh vì thấy nó bổ ích và anh em tìm đọc. Ở Hội Nhà báo chúng tôi cũng có một tờ Văn nghệ, anh em chuyền tay nhau rồi đem đi mất, tôi phải kiếm tờ khác, cho đánh máy ra nhiều bản cho anh em mượn đọc. Về trường hợp của tôi, tôi thấy những nét nêu như thế là có thật, chỉ tiếc rằng tác giả chưa có điều kiện nói rõ hơn, nói sâu hơn, để cho thấy rõ hơn cái sự nghiệt ngã đối với nghề nghiệp của chúng ta. Nếu mà nói có góp ý với tác giả, thì tôi nghĩ rằng và tôi đề nghị rằng, với tư cách nhà văn, có thể tác giả nhìn sâu hơn, nên nói sâu hơn về tác hại sâu xa đối với tâm hồn, tình cảm con người, kể cả mặt quan hệ xã hội của các nạn nhân như thế nào, thì thật ra người trong cuộc mới thấm thía. Tôi nghĩ vấn đề cũng không đơn giản như bài của anh Khoa Ðăng nói rằng vấn đề đã giải quyết rồi, mà cái thứ nhất là anh nêu trường hợp của anh Hưng bây giờ đã quyền cao chức trọng rồi thì còn gì phải trở lại vấn đề này, thì tôi nghĩ vấn đề không giản đơn như thế. Vấn đề của tôi cũng chưa phải đã xong, tôi rất băn khoăn. Tôi xin đơn cử thí dụ thế này, trong thời gian tôi bị kỷ luật thì một số anh em phóng viên trẻ vốn có cảm tình với tôi, rất muốn đến thăm để động viên tôi, nhưng anh em cũng không dám đến. Có một vài anh em dũng cảm đến, cho tôi mạn phép dùng chữ dũng cảm, trưa 12 giờ hoặc tối đến nhà tôi, mở cửa bước vô rồi, anh em đóng cửa lại, vào ngồi trong góc nhà để nói chuyện, và cũng chỉ dám nói trong giây lát rồi vội vàng đi. Tôi nghĩ rằng nếu bình thường với một người có tội cũng không đến nỗi như thế, thì vì sao tôi lại bị đẩy tới chuyện như thế. Bây giờ tôi suy nghĩ mãi chuyện đó mà không hiểu tại sao, và ai đã làm nên cái chuyện như thế. Và nói thật với các đồng chí, có khi ra đường, anh em bè bạn thấy tôi từ xa, người ta đã ngó mặt đi nơi khác rồi, cả mấy năm dài như vậy. Do vậy, chỉ khi thật cần thiết tôi mới ra khỏi nhà, còn thì chỉ ở nguyên trong nhà. Hình như người ta rất ngại gần mình, hình như có cái gì đó mà khi gần mình như thế, mình không chỉ là thứ hủi mà còn là thứ gì nguy hiểm hơn kia. Nhưng tôi nghĩ tôi đâu có tội tình gì? Nếu bây giờ tôi cũng suy nghĩ trong tình cảm tôi, tôi thấy rằng chuyện đó cũng khó hiểu, mà không biết ai gây ra cái chuyện đó, rồi bây giờ làm sao, nó như vết sẹo mặc dầu đã thành sẹo rồi nhưng nó vẫn còn đó. Tất nhiên tôi cũng biết, chuyện cá nhân mình như thế rồi bây giờ có ý gì, nhưng mà những chuyện như thế này thì có dịp nào chúng ta mổ xẻ, chúng ta đi sâu vào cái này, tôi không có tài như anh Thuỳ, tôi không thể sử dụng thành thục hình thức văn nghệ như thế để diễn đạt sâu như thế, nhưng tôi nghĩ rằng, nếu có điều kiện, anh Thuỳ và các anh nên viết chiều sâu hơn để chúng ta thấy rõ hơn. Tôi nghĩ có lẽ các đồng chí đây cũng thế, nếu nói sự nghiệt ngã như thế mà chỉ một bài bút ký như thế cũng chưa đủ đâu, cũng chưa thấm vào đâu.

Hồi sáng đồng chí Ba Yến nói rằng, đồng chí là một đảng viên, chỉ bị kỷ luật cảnh cáo thôi thì chi bộ coi đồng chí như đứa con ghẻ, hất đồng chí ra đường, không cho đồng chí sinh hoạt chi bộ với lý lẽ giản đơn. Có lần trao đổi với đồng chí Nhã, tôi nói: "Ðồng chí Ba Yến còn là đảng viên, chỉ mới bị cảnh cáo thôi mà tại sao chúng ta không cho đồng chí sinh hoạt chi bộ?" Thì đồng chí Nhã nói rằng: "Thôi ông đó ổng có biết gì đâu mà sinh hoạt!" Ðơn giản vậy đó các đồng chí! Một đảng viên chỉ mới bị cảnh cáo thôi mà chi bộ vội vã vứt anh ta ra đường. Lẽ nào trong đảng chúng ta lại giống như câu ca của thời trước: "Con lành con ở cùng bà, váng mình sốt mẩy con ra ngoài đường". Hồi sáng đồng chí Ba Yến nói như thế là nói sự thật, đồng chí phải lang thang đi làm cu li, đi giữ công trường mướn cho người ta để kiếm sống. Ðảng bây giờ quên đồng chí rồi! Nói ra thì chúng ta còn nhiều chuyện để nói với nhau về cái cay nghiệt này. Càng nói ra nhiều chừng nào thì chúng ta thấy cái cay nghiệt này nó là cái thực tế rất lớn, và hình như nó trùm lên tất cả. Ở đây chúng ta chỉ nói cái chuyện đối với anh chị em văn nghệ sĩ và bản thân tôi, nói thật với các đồng chí bây giờ, cũng có những điều tôi chưa rõ.

Bây giờ tôi xin nói sang vấn đề khác là sau khi có bài bút ký rồi thì ít hôm sau báo Kiên Giang ta bắt đầu có cuộc gọi là tranh luận trên báo. Khi mà biết có cuộc tranh luận trên báo, theo tôi nắm được, cũng có nhiều người rất hoan nghênh, nói rằng vấn đề này đã đưa lên báo rồi thì chúng ta cứ tranh luận với nhau cho nó rõ. Nhưng mà qua hai bài báo đăng rồi thì tôi xem dư luận người ta thất vọng nhiều, vì người ta thấy cái chuyện này làm hình như không nghiêm túc chút nào, bắt buộc người ta phải liên hệ kỳ trước. Kỳ trước, khi báo Lao Ðộng có cái bài Nạn nhân của sự áp đặt gì đó, thì sau đó báo Kiên Giang có hai bài viết về cái đó, rồi dư luận chưa biết tới đâu thì tự nhiên mất đi. Rồi bây giờ có bài bút ký của báo Văn nghệ, nhưng là báo Văn nghệ Trung ương, thành ra ở tỉnh ta rất hiếm, người ta tìm không ra, thì bây giờ đột nhiên báo Kiên Giang cũng có lên mấy lời giới thiệu nói rõ về cuộc tranh luận để rộng rãi ý kiến của bạn đọc này kia, nhưng mà mở màn ra thì thấy, xin lỗi các đồng chí, tôi phản ánh đúng ý kiến anh em bên ngoài, nói bạn đọc đâu không thấy, chỉ thấy mấy ông đem ra đấm đá nhau. Bài đầu tiên là bài của đồng chí Khoa Ðăng với danh nghĩa là của Hội nhà văn; bài thứ hai là của đồng chí Phạm Thường Gia thì trước cũng ở Hội Văn nghệ anh em cũng biết rồi, và bây giờ qua báo, và những vấn đề nêu ra anh em thấy có tính cách cá nhân nhiều, chớ cái nghĩa lớn kia, cái dư luận quan tâm kia thì chưa thấy đề cập đến. Nhiều anh em trao đổi với tôi và bản thân tôi cũng thấy nhất trí thế này: Nếu chúng ta muốn công khai hoá vấn đề này ra, làm một cách nghiêm chỉnh, có tinh thần tôn trọng người đọc, thì ít ra báo Kiên Giang phải đăng lại bài này, vì cái bài này đăng trên báo Văn nghệ Trung ương nên độc giả tỉnh ta rất ít người được đọc. Có người nghe lõm bõm qua đài, có người đọc được, có người không, thế mà rồi tự nhiên báo Kiên Giang đưa ra cái cuộc này, tự nhiên thấy hai tác giả hai bào báo đầu tiên, nên người ta đọc rất kỹ. Tôi nói thật, xin lỗi đồng chí Khoa Ðăng, người ta nói ông Khoa Ðăng ông có cá nhân gì với ông Thuỳ chăng, mà khi ổng nói ông Thuỳ là trịch thượng, là cá nhân, là dạy đời nhưng ổng làm cái đó còn quá hơn ông Thuỳ nữa. Rồi cái bài của ông Phạm Thường Gia thì anh em có nói rồi, cảm giác chung của anh em không biết ông viết, ổng vô đây tham chiến, bút chiến ở đây, thì ông nói cái gì đây không rõ, nó lằng nhằng, bạc nhạc hoặc gọi là có tiếng chỗ này thôi. Ðọc hai bài gọi là tranh luận này, người ta bắt đầu không tin rồi.

Báo cáo thêm với các đồng chí, riêng tôi, tôi nghĩ thế này, rất khó đó, nếu bây giờ chúng ta tranh luận cho rõ ràng đi, thì vấn đề gì là vấn đề cần phải tranh luận? Ít ra phải nói rằng chuyện nghiệt ngã có hay không? Và nếu có nghiệt ngã thì nó từ đâu đến? Và tác hại của nó như thế nào? Không riêng gì với anh em báo chí văn nghệ mà trong số anh em làm công tác tư tưởng, nó có tác động phá hoại tâm tư tình cảm của những người cầm viết như thế nào? Nhưng những vấn đề đó liệu có nên lên được không? Tôi cứ nghĩ, nếu tôi viết một bài như thế thì không biết báo Kiên Giang có dám đăng không? Và nếu báo Kiên Giang không đăng thì tôi phải xin phép ai để đăng được cái bài như thế? Nếu không, chúng ta chỉ đi vào râu ria, nói cái chuyện chứng minh một số chi tiết này khác thì tôi nghĩ không giải quyết được vấn đề gì. Thứ hai là, xin lỗi các đồng chí, nếu chúng ta làm như thế, chúng ta coi thường độc giả lắm, và anh em nói nếu báo Kiên Giang làm như thế, báo sẽ xuống cấp nhanh lắm, sau này không ai đọc nữa, mất tín nhiệm về chính trị và những anh em viết bài như thế thì sẽ mất tín nhiệm. Bây giờ tôi nghĩ, nếu thảo luận nghiêm chỉnh thì liệu chúng ta có được bật đèn xanh để nói không?
 
© 2006 talawas