trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
10.7.2006
Hà Văn Thuỳ
Tự bạch
 1   2   3   4   5   6 
 
7. Ðồng chí Ba Khải:

Ai không biết chuyện này, trong tỉnh này, ai không biết? Cho nên tôi đề nghị rằng cần giải quyết cho có tình có nghĩa và đúng đắn của vấn đề. Ai sai phải nói sai, rõ ràng. Có nhiều lần tôi thấy xử lý quá khắt khe, tôi nói đừng làm thế, dầu sao anh em đó cũng là bạn mình, trước đây cộng tác với mình. Tình nghĩa đâu đó đàng hoàng, đừng có vội vàng. Quan điểm gì lại giải quyết một cái chuyện như thế? Lập trường sao anh giải quyết chẳng kể gì hậu quả? Cho nên tôi đề nghị giải quyềt có tình có nghĩa và đúng đắn. Ai làm ra chuyện ngang trái như thế này? Bây giờ đã đến lúc tôi phải nói chính trị. Hồi sáng tôi chỉ nói những vấn đề quanh chỗ văn học thôi. Bây giờ tôi buộc phải nói cái này, như anh Sáng nói đó, chúng ta xem lại coi, những cái chuyện trong báo mà anh Thuỳ viết đó nghiệt ngã hay không nghiệt ngã, cho rõ đi. Một sự nghiệt ngã đây nó có nghĩa là đừng nói đến tổ chức hay nói đến làng văn làng báo, nhưng mà một số người có nghiệt ngã hay không? Xử lý như thế có nghiệt ngã không? Có! Mình nói có chớ! Ðối sách với anh tôi thấy dở thì anh phải sửa chớ không ai chịu trách nhiệm về vấn đề này hết, mà tôi nói những nhân vật đó phải về đây kiểm thảo ở đây nè. Hai Trinh cũng có đây nè, Ba Hương cũng có đây nè, anh Năm Tân cũng có đây nè, ban tổ chức cũng có đây, đâu đó mình mổ xẻ ra thì êm quá, một sự đoàn kết nhất trí với nhau, thông suốt nhau, thông cảm nhau, mà tại sao cái đó không giải quyết, giờ trốn trách nhiệm hay sao? Tai ngơ mắt điếc hay sao? Những người đó ác ý hay không ác ý? Một người đảng viên cộng sản hết sức là có tấm lòng thương người, chịu những khó khăn lâu nay, thế mà bây giờ làm ngơ là sao? Lương tri người cộng sản không cho phép cái đó, mà cần xem tư cách đảng viên của người đó, thay vì tôi muốn nói những người đó có tâm địa. Một vấn đề tôi muốn nói nữa đây, qua ý kiến anh Ba Sáng, tại sao báo Kiên Giang cho đăng hai cái bài này mà không cho đăng cái bài kia? Có dụng ý gì? Mấy bữa nay tôi đi vắng tôi không biết, nhưng mà thậm chí cái bài anh Khoa Ðăng tôi chưa đọc mà, tôi mới chớp đây mà, còn bài Thường Gia thì tôi biết rồi, một chuyện nó công bằng hay không công bằng. Ai đạo diễn cái này? Một chuyện đó cũng thấy mình cầm cân nẻ mực, mình khách quan hay không? Mình thương anh em này không? Quan điểm của mình như thế nào? Sao tôi thấy tôi ức quá, nói thiệt các đồng chí tôi ức quá, mình làm cái chuyện đó nó không công bằng, nếu phải một ngành nào khác, anh xử sự làm sao? Xử sự làm sao mới được chớ? Tôi nói chỗ này tôi xúc động lắm các đồng chí! Phải chăng những người này không có ích cho xã hội không? Sự lãnh đạo của mình phải thông cảm với những cái khó, trong cái khó có nhiều cái khó để chăm sóc nó. Sớm mai tôi đã nói với các đồng chí rồi, những người đó mình có thương chớ không có ghét. Bây giờ thì tôi không biết xử lý như thế nào? Nhưng mà tôi thấy rằng trong này cái bài viết qua viết lại đó nên để cho anh em người ta nghiên cứu lại đi, bởi vì có số người không đọc hết. Sớm mai tôi đã nói cuộc họp này nó làm khó người ta xử lý lắm, vừa mang nội dung chính trị, vừa mang nội dung văn học nghệ thuật, vậy nói cái nào đây? Làm sao nói được? Mình nói đây mình nói có tổ chức. Tôi là con người có thể nói là răng lay tóc bạc, tôi cũng lựa chỗ tôi nói chớ, nhưng có nhiều khi nó cũng quá sức cho phép mình, nhưng mà lỡ chúng ta phải nói chứ, thì tôi nghe đồng chí Toàn (cán bộ Ban Tuyên giáo) nói tới đây sẽ có cuộc họp nữa, nhưng cuộc họp này để làm đà cho cuộc họp khác, nếu tôi hiểu như đồng chí Toàn nói hồi sáng thì hôm nay tôi không đi dự đâu, bởi tôi thấy tới đây tổ chức ăn uống, mà hồi nào tới giờ tôi thấy văn nghệ có khả năng lo cuộc họp đông như thế này đâu, cho nên tôi nghĩ các đồng chí chí cần có thời gian suy nghĩ lại, và cũng chính cái bài này, qua mấy bài các đồng chí viết đây rồi, nghe nói cũng có nhiều người viết lắm mà. Bây giờ chúng ta phát biểu hết đi, rồi tạm thời đừng có đăng báo nữa, để ta tính làm sao ,chớ bây giờ cứ đăng tiếp tục là tiếng nói bây giờ của người chịu cái bài của anh Thuỳ làm sao đây? Không nên làm cái chuyện đó. Bữa nay tôi cũng chưa đi sâu vào, tôi chỉ nói được chỗ thấy bài Hà Văn Thuỳ viết, tôi thấy sự cần thiết phải có bài khác và tôi cũng nói rằng trong đó có những ưu khuyết điểm mà. Cho nên tôi đề xuất vấn đề này: nên tự các đồng chí ta góp ý, tự ta kiểm điểm đi, coi mình viết cái nào đúng cái nào sai rồi Hội Văn nghệ tập hợp ý kiến rộng rãi rồi đưa ra thì hay hơn là hội thảo. Các đồng chí đến đây rồi cũng không giải quyết được gì, chỉ thấy nặng nề quá. Sao dài dài mấy năm nay mà cũng còn như thế? Ngay như anh Sáng, bây giờ ảnh cũng chưa biết ảnh tội tình gì nữa, mà sau khi mình xử lý kỷ luật anh rồi, không có ai nói gì hết! Cho nên muốn giải quyết cái này phải giải quyết nhiều vấn đề cho nó sáng ra.
 
8. Ðồng chí Tư Châu, nguyên Tổng Biên tập báo Kiên Giang:
 
Không phải riêng tỉnh ta mà nó đã và đang lan rộng ra cả nước, cho nên là người làm báo lâu năm, nói thật, tôi cũng âu lo. Không phải bài dính mình mà vui sướng đâu, nhưng mà âu lo một năm mấy nay, cuối cùng cũng phải chịu. Cho nên qua ý kiến đồng chí Khởi, tôi muốn phát biểu thêm ý kiến này. Bài viết của Hà Văn Thuỳ, cái tên tôi cho là rất xác đáng: "Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp". Trong cái bài hồi sáng tôi viết với tư cách tôi là nhân chứng, tôi nghĩ có lẽ các đồng chí cũng đồng ý với tôi, tôi là người nhớ dai nhất chuyện này. Vì người trong cuộc lại bị nghiệt ngã. Có lẽ tình tiết gì chi ly chút xíu thôi, tôi cũng nhớ, từ động tác của từng đồng chí một.

Ở đây bữa nay cũng may là gặp đồng chí Khởi thì tôi cũng xin nói thật là tôi dám bảo vệ chính xác 100%. Ðồng chí Khởi lúc đó không ở Ban Tuyên huấn và tôi nói thật là thế này, không phải tôi nói giả dối đâu, nếu có đồng chí Khởi ở Ban Tuyên huấn thì có lẽ không có cái chuyện tờ báo Xuân đến tồi tệ. Từ ngày có vụ báo Xuân, tôi cũng không gặp bất kỳ đồng chí thường vụ nào, chỉ có một lần duy nhất gặp đồng chí Dũng đề nghị đồng chí giải quyết cho tôi ở báo, làm báo thôi, tôi muốn làm báo thôi, vì tôi làm nghề đó thuần thục, nhuần nhuyễn nó lâu rồi, đưa sang chỗ khác thì tội nghiệp. Nhưng mà nguyện vọng của tôi không được giải quyết. Còn nếu nói rằng nghiệt ngã thì nói thật ra tôi hoàn toàn nhất trí ý kiến các đồng chí hồi sáng. Còn riêng về bài viết của đồng chí Hà Văn Thuỳ, tôi đảm bảo là những chi tiết nêu ra là đúng, vì đồng chí Thuỳ có những chi tiết đưa ra tôi cho là thiếu chớ chưa đủ, bởi vì các đồng chí để tôi thuật lại các đồng chí nghe cái chỗ bị thường vụ phê bình, thì các đồng chí đọc lại tạp chí Người làm báo số 14 thì tôi nói nhiều lắm, nhưng rồi đồng chí Thuỳ gom không hết. Còn cái thứ hai cũng có đồng chí nói không lẽ đến cỡ anh Tư Châu phát biểu không cho. Nhưng toàn bộ ý kiến tôi phát biểu lúc đó coi như bị bác hết, thậm chí tôi chỉ nói một câu này thôi, tôi nói rằng: "Ðồng chí Ngô Văn Tước không có nói là đồng chí làm bí thư được, chớ đồng chí bí thư không làm phóng viên được!" Tôi nói là không có nói như vậy, đến hôm rồi tôi gặp đồng chí Hai Trinh tại thành phố, tôi nói khổ quá, tôi còn nhớ số báo Xuân viết bài nào nữa mà, không lẽ tôi đến nỗi lẩm cẩm quên sao. Ðồng chí Tước không nói như vậy, chỉ nói thế này, thế này thôi, nhưng mà cuối cùng tôi nói với các đồng chí, bài viết của đồng chí Tước chỉ là một thôi, sai sót theo cách đánh giá là 1 còn câu nói là 10. Như thế có phải nghiệt ngã không? Chỉ vì một câu nói! Cho nên sáng nay các đồng chí lão thành phát biểu, nói thật, tôi thấm ghê lắm! Lúc nào đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh cũng muốn dùng quyền lực, đã khi cái này chấm điểm rồi thì dù anh cãi gì cũng không được, mà bây giờ hỏi chỉ có mặt tôi với đồng chí Tước, tất nhiên bữa đó cũng có một hai anh em đứng ở phía trước. Làm sao nghe rõ hơn tôi được. Mà các đồng chí ở đây cũng biết rồi, tôi với đồng chí Tước quan hệ nhau cũng tình thủ trưởng với nhân viên thôi, tôi đứng ra bào chữa làm chi cho tội phải nặng thêm, nhưng vì tư cách một đảng viên, tôi không thể nói khác được, dầu chết cũng nói! Hỏi các đồng chí có nghiệt ngã không? Rồi bây giờ chi tiết đồng chí Thuỳ nêu đồng chí Tước vậy, các đồng chí ở đây cũng đều nhận có hết, tôi nói thiệt có hết. Nguyễn Hồng Yến đó, hồi sáng các đồng chí nghe phát biểu của Nguyễn Hồng Yến rồi, tôi nói thế này các đồng chí, tôi làm thủ trưởng cơ quan báo 10 năm, nhưng tôi chưa có bao giờ nhục bằng lúc này, là vì đối với đồng chí thương binh cụt chân trên gối 2/4, bị cắt lương cũng không quyết định ai cắt, rồi sinh hoạt đảng cũng không có quyết định khai trừ Ðảng, thì thử hỏi các đồng chí phải làm sao bây giờ, rồi cách chức cũng không có gì cách chức mà cách chức trước, rồi bây giờ tôi nói thật các đồng chí, lúc đồng chí Ba Yến coi có quyết định cách chức nào không, rồi không có quyết định đình chỉ công tác nữa, tự dưng như vậy rồi coi vô hiệu hoá luôn, rồi đuổi ra khỏi Ðảng luôn, không phát lương luôn. Có khi tôi ngồi nói chuyện với anh em, tôi, Tư Châu nè vẫn còn hai tay, hai chân, sở dĩ tôi viết lên báo trung ương cái thư ngỏ, tôi gửi đồng chí Hồng Chương là vì đồng chí Yến, chứ nói thật đồng chí Khởi và các đồng chí ngồi đây, tôi không ham chức tước gì đâu, bị chức tước mà mình không có trình độ cũng là một cái nhục thôi, còn nếu có trình độ rồi thì ở đâu lúc nào cần thì người ta cũng giao mình, chứ không phải đấu tranh giành chức tước. Nhưng hỏi đồng chí Ba Yến vậy, các đồng chí có chịu nổi không, do đó hôm nay tôi nói thật, vì đồng chí Ba Yến tôi sẵn sàng làm tất cả, chỉ có điều tôi chưa viết bài lên báo, với báo trung ương vì tôi thấy rằng, thôi không viết bài làm chi, viết cái thư ngỏ gửi đồng chí Chủ tịch Hội Nhà báo nhờ can thiệp, vì các đồng chí trên đó nói rằng, sự kiện báo Xuân 87 mà các anh lên đây, tại sao ông Tổng Biên tập không có ý kiến, nghĩa là thế nào? Cho nên các đồng chí đi trước tôi chứ tôi đâu có đi, sau này về cho tôi hay. Thì tôi thấy bây giờ bài của đồng chí Thuỳ nói sự nghiệt ngã thì những hiện tượng gì, hay là những gì diễn ra trong báo Xuân 87, có đồng chí Khởi tôi nói rõ có, còn cái dùng bút pháp, bút ký hay báo chí thì đồng chí có thể viết lưu loát, hấp dẫn, rồi người ta có thể có ý kiến nhận xét bài bút ký này thì đồng chí Anh Ðộng, đồng chí Chín Sỹ đây cũng rành rồi, nhưng tôi cũng đồng ý với đồng chí Khởi là nên... của nó là cái gì, có hay không có, tôi đảm bảo có, bây giờ ai cãi với tôi. Anh Ðộng còn sống đây, phải không, trong trường hợp mùng 5 Tết phải không? Áp chế không? Áp đặt không? Không được một lời nào nói được, nói rồi cuối cùng cũng đi. Tôi nói cái này các đồng chí thấy, báo Xuân thì cứ bắt tội báo Xuân đi, đùng một cái kiểm tra tài chính làm như là tôi tham ô hủ hoá vậy, của trời, của đất đùng đùng xuống làm hai tháng không có vô, phát hiện trong thường vụ, đồng chí Bí thư nói rõ ràng, đồng chí Phó Bí thư kết luận đàng hoàng, nhưng tôi dài dài bị mang tiếng về tài chính, mang tiếng lên tới Long Xuyên, cháu ruột tôi xuống hỏi tôi, thì tôi hỏi các đồng chí có áp đặt không? Tài chánh áp đặt không? Nên tôi nói rằng bài đồng chí Thuỳ viết như vậy là chưa đủ vì nói thật ra, đứng về mặt nghiệt ngã trong thời gian qua về báo chí, kể cả báo Xuân 87, kể cả báo Xuân 83, kể cả sự kiện về đài phát thanh tỉnh thì tôi cho rằng nó chưa đúng gu, vì đồng chí chưa đánh thẳng vào, chưa chống tiêu cực thẳng vào người nào có quyền chức, mà có quyền sanh sát trong tay. Tôi nói thật, đồng chí chỉ đi cái rìa thôi, hôm rày hỏi đồng chí Năm Trì thì biết, đồng chí Trì gặp tôi đã nói: "Trời đất ơi, ông Thuỳ ổng viết điển hình để làm chi cho Anh Ðộng buồn, kệ nó, thôi đi!" Tôi biết rõ đồng chí Anh Ðộng bữa đó, đồng chí đưa ra thế này: "Thôi mấy anh à." Anh hay là chú gì đó, thì tôi về tôi thuật lại, tôi nói, "Trời đất ơi, Anh Ðộng không tiếp tao mà lại làm như vậy!" Tôi thì cái gì chớ cái đó là cuộc đời rồi, cho nên bài đồng chí Thuỳ có thiếu là thiếu cái đó. Tôi cũng đề nghị đồng chí Khởi, tôi nói thật, giờ này tôi cũng tin đồng chí Khởi lắm, là nên nói thẳng với Thường vụ, đồng chí Thuỳ có thiếu là thiếu ở chỗ đó. Tất nhiên còn về bố cục, về này kia thì có những sơ sót hay là về cái chuyện có thật, nhưng có khi dùng bút pháp thì nó nâng lên để tạo sự hấp dẫn, nhưng mà tôi cho rằng không quá mức cường điệu đâu, đồng chí Sáng cũng phát biểu rồi, đồng chí Tước cũng nói rồi, Ba Yến nói rồi, tôi nói rồi. Nhưng mà có chỗ này, tôi chỉ tiếc ở bài Hà Văn Thuỳ, tôi nói nếu được đồng chí Thuỳ tước bỏ trước khi đăng, là đồng chí vẫn còn nói cái tôi, cho nên làm cho người ta nói đồng chí tự đề cao, tôi cho đó là nhược điểm của đồng chí Thuỳ, và nói thật, tôi cũng buồn, là vì có những người trong việc này mà nói chung đồng chí Thuỳ dùng hình tượng cũng lố, theo tôi nói hơi ấy, nhưng suy cho cùng cũng là nặng, nhưng mà có đánh nặng hay đánh nhẹ thôi. Hồi sáng phát biểu, tôi rất ngại đá vô bài viết vì có khi các đồng chí đánh giá tôi không công bình, vì nó thanh minh cho mình nên mình khoái mình khen. Còn ở đây tôi xin nói luôn, 2 bài viết trong báo Kiên Giang thì Ban Tuyên huấn là cơ quan chỉ đạo báo Kiên Giang nên nhận thiếu sót, như ý kiến đồng chí Ba Khải phê bình. Anh làm như vậy dù muốn hay không cũng thiếu công bình. Ðưa ra tranh luận mà anh không đăng bài gốc là chết rồi. Bài gốc là bài đồng chí Thuỳ đưa ra tranh luận mà. Cái thứ hai là bài anh Khoa Ðăng. Anh Khoa Ðăng đối với tôi rất thân tình, đồng chí cộng tác với tôi cỡ 9, 10 năm lận. Nhưng rồi đồng chí viết bài đó tôi không muốn nhìn mặt, tôi nói thật, vì sao? Vì tôi thấy đồng chí nói như vậy, như một số đồng chí hồi sáng có nói là không tranh thủ được ai, tôi cho rằng bài của đồng chí Khoa Ðăng là cái loa của thường vụ thôi, vì cái thứ nhất đồng chí dùng những sự kiện rất kỳ cục. Thường vụ có bao giờ nhận thiếu sót về tờ báo Xuân đâu. Tôi không biết thường vụ nhận xét thế nào, chớ tôi nói ngay chỗ đó không là tôi bắt cắt, vừa trịch thượng vừa khi quân. Cái thứ hai, bây giờ đồng chí Khởi nói tôi mới có ý này, bây giờ sự kiện báo Xuân 87 giải quyết đến đâu, đồng chí Khởi nhận là chưa giải quyết đến đâu, có một số vấn đề giải quyết có mức độ thôi, như vậy, dùng cái từ nêu ra làm chi cho nó rắc rối, trong khi đó Ba Yến như vậy, không việc làm, không được sinh hoạt đảng, phải đi làm cu li đó. Anh viết không chính xác như vậy, tôi cho là không có tình người. Tại sao Ba Yến như vậy? Anh Ba hồi nãy phát biểu muốn khóc, tôi cũng muốn khóc, tại sao mình lại làm như thế? Cái thứ ba là anh Khoa Ðăng nêu vấn đề anh Thuỳ rất cá nhân, cho nên tôi nhất trí ý kiến đồng chí Ba Khải hồi sáng, đây là hai bài vụn vặt và hoàn toàn cá nhân. Bây giờ nói tranh luận ở đây, không phải anh biết viết mà tôi không biết viết, phải vậy không? Anh 10 thì tôi cũng được 9 hoặc 7 chớ, nhưng mà tại sao tôi không viết? Các báo Trung ương đề nghị tôi viết nhưng tôi không viết, tôi chỉ viết thư ngỏ lên trên thôi. Tôi có cảm giác nếu tôi viết đăng lên báo là chính cái đó nó làm liệt tình cảm của tôi đối với Ðảng, tôi không viết chớ không phải tôi không biết viết. Tôi là người chịu trách nhiệm chính tờ báo Xuân đó, tôi nói rằng không phải tôi cũng muốn Thường vụ nhận thiếu sót bằng cách đăng báo chí, bằng cách giải quyết Tư Châu làm chức này chức khác đâu. Nhưng mà ở đời, người ta phải tôn trọng nhau, người ta chết sống với nhau. Ðã có thấy thiếu sót hay không, đồng thời cái tồn tại hiện nay anh có thấy? Ở đây tôi muốn nói với đồng chí Khởi để đồng chí Khởi chuyển lại với Thường trực giùm, tôi chỉ cần có một điều thôi là lãnh đạo có thấy được thiếu sót của mình không, có mạnh dạn nhận thiếu sót của mình về việc xử lý báo Kiên Giang và những người có liên quan vừa qua là gây cho nhiều người đời sống khó khăn? Tôi vẫn còn là cán bộ đảng, chấp hành nhiệm vụ thì tôi sẽ tham gia viết báo nhưng phương pháp phải khác như đồng chí Ba Khải nói, chớ tôi nói làm kiểu này người ta thấy rằng không tốt, có mờ ám, có ý đồ. Ðồng thời gần đây bài đồng chí Thuỳ được đăng, tôi cũng nghe nhiều dư luận, nhưng tôi cũng báo thật với đồng chí Khởi là đại bộ phận là khen bài đó, không phải có tôi rồi tôi tô thêm và có lẽ các đồng chí đây cũng cho biết rồi, người ta khen, tất nhiên là có khi ở thời điểm này chống tiêu cực người ta khoái hay sao thì cái đó tuỳ, nhưng mà đại để cho nên việc làm của chúng ta tới đây phải hết sức cẩn thận.
 
9. Ðồng chí Tư Thép, nguyên Phó ban Kiểm tra Tỉnh uỷ:
 
Qua ý kiến các đồng chí phát biểu hồi sáng và chiều nay, tôi xin có vài ý kiến nhỏ, với tư cách là một độc giả. Trước khi vào nội dung bài báo, tôi xin nói một số ý kiến trước cái thư mời cuộc họp này. Tôi bóc thư ra xem, thấy nội dung và yêu cầu cần thiết có mặt, thì tôi cảm thấy rằng đây là vụ án báo chí, cảm giác ban đầu của tôi là một vụ án báo chí. Tôi muốn mở ngoặc vì là có vụ án báo chí của Xuân 87 mà đến bây giờ cũng chưa biết nó như thế nào mà báo địa phương, báo trung ương một thời gây nên những dư luận mà bây giờ mình không biết nó giải quyết đến đâu. Thế rồi bây giờ được cái thư mới, tôi nghĩ rằng sẽ có vụ án báo chí mới. Ðó là tâm trạng của tôi khi được thư mời. Ðến đây buổi sáng thì đồng chí Chín Sĩ có nói lại nội dung, mục đích, yêu cầu, thái độ, phương pháp tiến hành hội thảo và chúng tôi có một cái bất bình khi giới thiệu thành phần dự họp, trong đó có thành phần bảo vệ chính trị của công an. Hồi sáng tôi chưa phát biểu cái đó, nhưng chiều nay nghe đồng chí Khởi nói thì làm cho tôi thấy cần phải nói lại vấn đề này. Ðồng chí Khởi cho rằng, chỉ đạo đồng chí Chín Sĩ trước khi đi Sài Gòn chỉ làm cái hội thảo trong nội bộ anh em hội mà thôi, thế thì làm trong phạm vi nội bộ hội nhằm vào bài báo đó để phân tích cái đúng cái sai thế nào để phát biểu với Thường vụ. Nhưng hội nghị này thành phần được mở rộng ra, không chỉ trong hội mà cả chúng tôi, những đồng chí già hưu trí cũng đuợc mời, thôi thì ráng đi để nghe. Nhưng rồi lại có thêm đồng chí bảo vệ chính trị công an. Tôi xin muốn qua pháp luật mà nói thế này, chức năng của bảo vệ chính trị công an là làm cái gì? Chức năng của bảo vệ nội bộ bên Ban tổ chức tỉnh uỷ làm cái gì? Các đồng chí có lẽ hiểu, bảo vệ chính trị công an là theo dõi có dấu hiệu địch. Ai chỉ đạo cho việc này là có dấu hiệu địch để mời đến bảo vệ chính trị bên công an? Bảo vệ chính trị bên Ban Tổ chức Tỉnh uỷ là làm cái việc để thuần khiết trong sạch nội bộ đảng. Bảo vệ chính trị bên công an là có dấu hiệu địch phải theo dõi từ đầu. Vậy cuộc hội thảo hôm nay mời các đồng chí bảo vệ chính trị đó làm gì? Cho nên tôi trở lại suy nghĩ khi được thơ mời là có thể một vụ án báo chí thứ hai. Ðiều này gây cho tôi ấn tượng một cái gì không sáng sủa. Nếu đặt làm hội thảo trong hội thì không việc gì phải mời những thành viên như thế. Bây giờ đi vào nội dung bài báo, thì quan điểm của tôi như thế này: là một độc giả và cũng có quá trình theo dõi đấu tranh chống tiêu cực nhiều năm. Riêng về vụ án báo chí, tạm gọi như vậy, tức là vụ báo Xuân 87, theo dõi cũng biết được chút đỉnh nhưng không rõ ràng, từ sáng đến giờ nghe các đồng chí trong cuộc nói lại, giúp cho tôi nhận xét đánh giá về nội dung bài báo, bài bút ký của đồng chí Thuỳ thấy rằng có phần tin nhiều hơn, nghĩa là bài báo có phản ánh được sự thật qua những nhân chứng là người trong cuộc hôm nay. Còn phê bình đóng góp cho nội dung bài báo thì tôi nhất trí với đồng chí Tư Châu là người đọc có thấy tác giả lồng cái tôi trong đó. Cái ý thứ hai là chỉ trích những đối tượng đưa ra phê bình thì đôi khi dùng lời lẽ có phần quá đáng. Nhưng mà đại thể thì tôi rất nhất trí ý kiến của nhiều người là cái được là cái nói đúng được phần cốt lõi của sự thật diễn ra nhiều năm qua trong lĩnh vực báo chí.

Tôi đề nghị thế này với đồng chí Chín Sĩ: Ban Chấp hành Hội báo cáo với Thường vụ cuộc hội thảo hôm nay thì đề nghị các đồng chí báo cáo thật đầy đủ các ý kiến chúng tôi phát biểu từ sáng đến giờ, nghiên cứu cái đó cho thật đầy đủ và nghiêm túc để cho Thường vụ thấy hết mặt này mặt khác và trong đó các đồng chí đã ghi âm hết rồi. Tôi đề nghị vừa văn bản vừa ghi âm và hôm nay có mặt đồng chí Khởi thì tôi có cái kiến nghị như vậy để chúng ta đạt cái gì đó, cái mà xem xét cân nhắc thận trọng, đừng để người ta có cảm nghĩ rằng đây là vụ án báo chí thứ hai. Chúng tôi tha thiết đề nghị như vậy.
 
10. Ðồng chí Tư Trà, cán bộ Sở Lao động, nguyên thành viên Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ:
 
Là người độc giả, tôi thấy cần khuyến khích những người viết trẻ hoặc bất kỳ ai mà viết lên được sự thật trong Ðảng, trong nội bộ nhà nước. Mục đích là đòi quyền dân chủ, mà tôi cho rằng đòi quyền dân chủ đây nó không có gì ngoài ý muốn của Ðảng. Người dân cần quyền dân chủ cũng như người cầm bút cần cái quyền đó là một điều chân chính. Thành ra qua bài của anh Thuỳ thì cũng là một trong những bài mà tôi xin thú thật, tôi cám ơn Phùng Gia Lộc, cảm ơn ai viết cái bài “Công lý chẳng quên ai”, bài “trắng đêm” [1] cũng như cái bài “nghiệt ngã” này. Tất nhiên, như anh Bảy Phát nói buổi sáng, không có cái gì tròn. Bài này cũng có nhiều thiếu sót của nó. Nhưng điều đầu tiên tôi nói lên cái tình cảm này không phải là của riêng cá nhân tôi. Chính tờ báo của tôi đây, thiên hạ người ta mượn đọc và tôi phải chạy đi kiếm nhiều chỗ để đòi lại tờ báo thì cũng chứng tỏ rằng, người ta cũng khoái cái gì đó thì người ta mới tìm đọc. Thành ra tôi nói lên cái khía cạnh này, và tôi nói lên tình cảm của tôi là ở chỗ này. Nếu như đảng ta vì sự nghiệp của dân thì cái chuyện phải tạo điều kiện cho những ngòi bút phản ảnh sự thật. Ðó là tư duy đổi mới, tôi hiểu nôm na như thế.
 
11. Ðồng chí Bảy Phục, cán bộ lão thành:
 
Bởi vì cuộc gặp gỡ như thế này nó rất có giá trị và nó cũng rất cần thiết, nó giúp chúng ta có thể có thêm nhiều ý kiến, góp phần cho Hội Văn nghệ xem xét lại. Tôi dùng cái từ xem xét lại. Từ sáng tới giờ sao, tôi không nghe các đồng chí luận về văn chương, điều đó đáng buồn, rất đáng buồn. Trong tình hình đất nước như thế này, các đồng chí biết rằng cuộc đấu tranh tư tưởng, đấu tranh quan điểm hiện nay thì người cầm viết phải đi trước, mà bây giờ các đồng chí sắp xếp đội ngũ chưa được thì cái binh chủng xung kích hàng đầu của ngành tuyên huấn trong tỉnh mình, phải chăng là ở trong tình trạng tà mũi, mà nếu như vậy thì sao chúng ta có thể mở đường đi tới được. Cái thứ hai là đau lòng, tôi là một trong những đồng chí rất tâm đắc với ý kiến của Ba Khải. Bây giờ còn một đồng chí thương binh ngồi đây, đồng chí Yến đổ máu, hy sinh một phần cơ thể của mình để góp phần xây dựng nên một nước Việt Nam hoà bình thống nhất. Tôi có lẽ đi làm cách mạng trước đồng chí Yến, nhưng mà may mắn hơn đồng chí Yến, là tôi không có thương tật đến cỡ đó, thì bây giờ các đồng chí xem đồng chí Yến sống như thế nào? Cho nên có phải chăng với những sự giải quyết vừa qua bằng cuộc hội nghị này, bằng cuộc hội nghị khác mà cái sự nghiệt ngã này đã được giải toả và mọi người trong cuộc đến nay đều ở trong tình trạng tâm đắc với việc cũ, phấn khởi với việc mới, một lòng một dạ chấp nhận khó khăn hậu thuẫn sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Tỉnh uỷ? Từ sáng tới giờ ta chưa nói được điều đó mà các đồng chí chúng ta còn rất nhiều trăn trở. Nhiệt tình thì có, ý chí thì có nhưng mà chiến đấu tính, cái đức hy sinh cho cách mạng cho đảng không rõ. Có phải chăng là các đồng chí đang gặp cái gì đây, có phải chăng vì giá lương tiền đè lên? Tôi nghĩ là không phải. Vậy thì đó là cái gì? Mà cái này hoàn toàn không đến từ phía kẻ địch mà từ phía nội bộ chúng ta? Thì chỗ này là chỗ chúng ta phải suy nghĩ. Mọi cuộc đấu tranh phải đưa đến tăng thêm sức mạnh của nó, chớ không phải như đồng chí Anh Ðộng nói đâu. Ðồng chí Anh Ðộng từ sáng tới giờ theo dõi hội nghị, đồng chí Anh Ðộng nổi lên một cơn thịnh nộ, đồng chí đòi khởi tố. Thế thì nhà tù sẽ thêm một kẻ đi tù, ngoài đời sẽ thêm một người hung đồ. Có phải như thế không? Bởi vậy đừng quên mình là người lãnh đạo. Cái đó quan trọng lắm các đồng chí! Cái thiêng liêng nhất của người cộng sản là dân tộc và giai cấp giao cho mình nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng thì đừng bao giờ mình vì cái đó, mình xách cái nhiệm vụ lãnh đạo mình bỏ vào túi, mình sung lên hình tượng con người khác. Cái đó không được. Tôi xin nói thẳng với Anh Ðộng điều đó không được và không nên có ở người cộng sản (tiếng Anh Ðộng: nhưng đặt chuyện lăng nhục người ta thì được hay sao? Ông bảo vệ cái đó hoài ông không nói cái khuyết điểm đó giùm tôi!) Tôi nói hồi sáng rồi, anh lãnh đạo thế nào để người ta lăng nhục anh, chỗ đó đó! Tôi đến đây là Hội Văn nghệ mời tôi, tôi đến với người lãnh đạo của Hội Văn nghệ, đâu phải tôi đến để nghe Anh Ðộng đòi khởi tố tùm lum. Cái đó không được. Ở đây tôi nói cái ý như thế này, có đồng chí Ba Khởi ngồi đây, cho đến giờ này thì rõ ràng là lực lượng văn nghệ của chúng ta đang đòi hỏi sự lãnh đạo cấp bách của tỉnh uỷ về toàn diện, chớ không phải chỉ về một phương diện nào đâu. Nếu tỉnh uỷ tiếp thu thì tôi xin nói một điều: Cái nghiệt ngã của thời gian qua nó để lại hậu quả hôm nay, và hậu quả hôm nay đang làm tổn thương đến đường lối chính trị của Ðảng, cái tổn thất này là nghiêm trọng. Cho nên tại đây tôi muốn nói rằng tại cuộc hội thảo này tôi xin hết sức mang ơn các đồng chí giúp cho tôi cũng như các đồng chí già có dịp nghe được hiểu được thực trạng tình hình của một ngành có vai trò xung phong đi trước để tạo điều kiện cho Ðảng mở đường đi ra. Lâu nay chúng ta nói rất nhiều về kinh tế, về giá lương tiền, về những tiêu cực khác. Hôm nay tôi cũng xin nói với các đồng chí rằng, chúng ta đến lúc đặt vấn đề đấu tranh tư tưởng, chính trị này, văn hoá này trước tỉnh uỷ, mà yêu cầu tỉnh uỷ đặt vấn đề lãnh đạo này cũng bức xúc như lãnh đạo kinh tế vậy. Bởi sao? Bởi đây là 50% của chiến lược con người. Con người mà tư tưởng, trí tuệ không ổn định thì làm sao cho con người tiên phong được? Cho nên từ đó, tôi đề nghị các đồng chí chúng ta phải cố gắng hết sức nhìn lại với nhau, hiểu mình, hiểu đồng chí mình. Nếu không thì đảng cứ ra nghị quyết, tình hình cứ xấu theo tình hình thì cuối cùng chúng ta được cái gì các đồng chí? Chúng ta thắng ai trong cuộc đấu tranh này? Khó lắm các đồng chí! Cho nên tôi xin nói ở đây cái tâm trạng của tôi mà tôi kiến nghị với tỉnh uỷ nên xem xét và có chủ trương lãnh đạo chỉ đạo công tác này. Còn riêng vấn đề đồng chí Yến, tôi đề nghị không ai được xúc phạm và việc xúc phạm đồng chí Yến như tình hình hiện nay là một điều sỉ nhục! Ðừng bao giờ làm thêm một điều gì để đánh mất sự đoàn kết nhất trí, làm sút giảm sinh lực. Tôi không hiểu nhiều về thực trạng tình hình đồng chí Yến nhưng tôi đề nghị đồng chí nào, chi bộ nào chịu trách nhiệm về đồng Yến thì phải kiểm điểm sâu sắc về sự lãnh đạo của mình. Một chi bộ đảng đối với một đảng viên như thế có còn là đồng chí với nhau không? Còn nếu đồng chí Yến có tội thì công khai. Nếu đồng chí Yến xứng đáng bị đuổi ra khỏi đảng thì phải làm công khai rõ ràng! Hãy đau cái nỗi đau này, đừng đau vì một vài tiếng nói đối với nhau. Tôi thấy không phải ngồi đây để bình luận về bài báo của đồng chí Hà Văn Thuỳ được điểm nào, không được điểm nào, đồng chí Khoa Ðăng phản bác lại có được cái gì không. Tôi nghĩ ở đây có cái điều như đồng chí Tư Châu, đồng chí Ba Sáng, đồng chí Yến nói, thì cái này rất là cần và tôi cho là hết sức thiêng liêng là các đồng chí đang chấp nhận sự nghiệt ngã nhưng không từ bỏ nhiệm vụ chiến đấu, cái đó vô cùng quý các đồng chí. Người ta rất sợ cái bất mãn bỏ cuộc, nhưng ở đây, những người từng chịu nghiệt ngã đã không bất mãn bỏ cuộc. Tôi cho đó là bài học lớn bởi vì chúng ta còn chịu nhiều nghiệt ngã nữa các đồng chí! Tình hình tới đây chưa có bao nhiêu nghiệt ngã đâu. Các đồng chí nhìn lại cả nước mình đi. Chưa có ai động đến cái ông trời ở bên trên, nhưng mà một khi trời sập thì nó đè trúng mới nhiều người, nhưng trời chưa sập, cái thế lực của tiêu cực còn, nhưng mà khi thế lực đó đổ, nó không phải bay như khói thuốc đâu các đồng chí. Chúng ta phải hết sức bình tĩnh mà không coi thường sự nghiệt ngã.
 
12. Ðồng chí Năm Thạnh:
 
Theo tôi, nếu chúng ta thật tâm thì đơn giản thôi. Bây giờ vì sao có chuyện kéo dài mà báo chí trung ương đăng tùm lum, là vì chúng ta chưa giải quyết dứt khoát, chưa rõ ràng. Vậy thì bài báo này có nghiệt ngã không? Trước hết chúng ta phải nhận rằng: có sự nghiệt ngã. Mà ai nghiệt ngã với ai, thì lãnh đạo nghiệt ngã với người bị nghiệt ngã, nó vậy thôi chớ tụi tôi nghiệt ngã với người dân thì đâu có chức có quyền gì nghiệt ngã? Vậy thì bây giờ sự nghiệt ngã đó, sớm mai tới giờ đã chứng minh hết rồi. Tôi đề nghị báo rõ với Thường vụ và thái độ Thường vụ nên nhận rõ là có sự nghiệt ngã, cụ thể và nên giải quyết cho rõ hết đi. Cái cuộc nhận với báo Lao độngÐại đoàn kết nó cũng chưa tới đâu là đâu, và giải quyết chưa tới nơi tới chốn. Tôi mới gặp báo Lao động cách đây 5 ngày, nó cũng thanh minh thanh nga với tôi, nó nói người ta gởi thơ phản ánh với nó, là không có chịu nó viết mấy cái bài đó, tôi nghe kỳ quá, thì nó cũng thanh minh với tôi, rằng bây giờ viết cỡ đó được rồi. Sự thật nó cũng không dám viết hơn nữa. Nó không dám mặc dù lương tâm người làm báo muốn bênh vực những người làm báo, nó muốn viết hơn nữa kìa, nhưng nó cũng không dám viết hơn nữa. Sự thật là như vậy. Không ai nói là vụ thu hồi báo Xuân 87 là sai hết trơn, mà nói rằng vì không có tham mưu giỏi, rồi mới làm vậy, rồi nó phạm như vậy, nói kiểu chơi chữ như tôi nói đó nè, thì tôi đề nghị lần này với tinh thần đổi mới, anh em nói hết trơn rồi, có sự nghiệt ngã. Nhưng có những sự kiện nào quá đáng, nó không rõ thì thôi, còn những sự kiện cụ thể nên giải quyết. Ðồng chí Ba Sáng rõ ràng, tôi là người đi xin đồng chí Ba Sáng về, tôi năn nỉ Ðài Tiếng nói Việt Nam xin về đây, tôi rất quý trọng ảnh. Tới chừng anh bị vụ án đó, tôi không dám tới nhà ảnh, tôi nói thiệt (có tiếng cười), mà sau đó rất lâu có quyết định khai trừ ảnh tôi mới tìm đến. Coi cái quyết định thì tôi rất bất bình. Trở về tôi nói với đồng chí ký quyết định: anh ký cái quyết định này anh phải chịu trách nhiệm trước lịch sử. Tại sao nói anh Ba Sáng khai man lý lịch là cái gì? Làm việc cho địch mà khai man, thế mà người ta cũng ký, thì các đồng chí biết đó, nói với tôi là vậy đó, nhưng mà bây giờ tập thể nói vậy phải ký, thì mình cũng hiểu sự nghiệt ngã nó là vậy, cho nên bây giờ ai thanh minh, giải oan cho anh Ba Sáng? Ðề nghị Thường vụ giải oan cho anh Ba Sáng đi, thì không có ai nói gì nữa hết. Ðồng chí Ba Yến, bây giờ giải quyết cho đồng chí Ba Yến đàng hoàng thì cũng không có ai nói gì nữa hết trơn. Còn đồng chí nào dính líu trong vụ này nữa thì giải quyết cho rõ đi. Như vậy thì báo trung ương không còn nói mình gì được nữa, mà những người trong cuộc cũng không còn kêu ca gì được nữa. Cái thứ hai về những người viết báo, anh Hà Văn Thuỳ thì bài báo có tác dụng tốt, ai cũng nhận cái đó. Nhưng mặt khác cũng có khuyết điểm, hãy nhận với bạn đồng nghiệp đi, chúng ta làm sòng phẳng chỗ đó mà, nhận để rồi ta đi lên. Trái lại, bạn đồng nghiệp đối với Hà Văn Thuỳ cũng phải có tình thương như thế nào. Sớm mai tôi nói "con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ" như vậy với tinh thần đó đề nghị Hội Văn nghệ của mình phát triển lên. Nhân nói cái này, tôi nói thiệt với tinh thần người lớn tuổi, tôi rất quý trọng các đồng chí. Tôi rất buồn đồng chí Khoa Ðăng, biên tập đăng sapô mấy cái thơ của Hòn Ðất trên đó, vài bức thơ người ta gửi tới, có những bức do chính tác giả mang về, đồng chí sapô cái đó làm chi, cái câu đó để làm gì? Mà Chín Sĩ là chủ tịch Hội Văn nghệ để cho sapô câu đó chính là chia rẽ nội bộ, mà đồng chí Anh Ðộng có biết không? Biết sao không cản? Ðồng chí Hà Văn Thuỳ cảm thấy bị cú đòn bởi vì bài “Bông lúa nổi giận” viết ra người ta phản ứng. Có sự phản ứng tốt đẹp là nông dân viết thư lên hưởng ứng, thì trên này sapô của bài đó lại ghi chính bức thư này tác giả mang về, tức là nói Hà Văn Thuỳ đi vận động mang mấy cái thư đó về, ngầm ý vậy! Tôi thấy có ý muốn hại nhau làm chi vậy? Ở đây bữa nay tôi nói thiệt, tách bạch với nhau mà nói với tinh thần nội bộ như đồng chí Khởi nói, mà tôi là người anh của các đồng chí, tôi nói tôi khuyên các đồng chí đừng có lủng củng với nhau. Còn Anh Ðộng tánh tình cũng nóng nảy lắm, tôi nói thiệt, tôi cũng thương Anh Ðộng lắm, mà chính tôi là người xin Anh Ðộng về nữa (có tiếng cười). Hồi Hương Tràm bị đóng cửa, tới tôi làm tuyên huấn tôi đi kiếm Anh Ðộng về, tụi mình mỗi đứa có cái mạnh cái yếu, hoà lại với nhau làm thành cái mạnh chung, thì bữa nay hội thảo theo tình cảm tôi, tôi muốn nói cái chuyện đó cuối cùng với các đồng chí để kết thúc cái hội thảo tốt đẹp.

© 2006 talawas


[1]LTS: Bút ký của Phùng Gia Lộc, “Cái đêm hôm ấy đêm gì?”