trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
11.7.2006
Hà Văn Thuỳ
Tự bạch
 1   2   3   4   5   6 
 
III. Cuộc đối chất
 
Nhiều người vui mừng nghĩ rằng, với những lời phát biểu chân tình và trách nhiệm của nhiều anh em báo chí văn nghệ và cả những vị từng là tỉnh uỷ viên, thường vụ tỉnh uỷ, phó chủ tịch tỉnh, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang sẽ thấy được vấn đề, có cách nhìn nhận thoả đáng hơn với anh em báo chí văn nghệ. Tôi nghĩ rằng, với hội thảo này, mình đã tai qua nạn khỏi. Với những ý kiến phát biểu rõ ràng như vậy, dù có căm tôi tới đâu chăng nữa, tỉnh uỷ Kiên Giang cũng không thể lật ngược ván bài!

Nhưng sự thật ngược lại. Do định kiến từ trước, nên sau hội thảo, ông Bí thư Lâm Kiên Trì nói: "Hội thảo rả bã như thế là không được. Phải có cuộc họp khác đưa ra được kết luận xử lý vụ việc."

Từ đó tôi sống trong bầu không khí thật căng thẳng, trên đầu treo lơ lửng một lưỡi gươm Ðêmôcrit, chưa biết giáng xuống lúc nào. Trong một cuộc họp ở Hội Văn nghệ vào cuối năm 88, tôi có dự, giờ xả hơi, đứng quanh bàn chuyện phiếm, ông Ngô Phấn Khởi, Trưởng ban Tuyên giáo tiết lộ: "Anh Hai Tân (Trần Trọng Tân, Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương) nói, vụ Hà Văn Thuỳ mấy anh yên tâm. Các anh Trung ương không ý kiến gì, nếu khó chỉ có anh Hồng Chương." Tôi hiểu, thân phận tôi lúc đó phụ thuộc vào một người, chưa lần gặp mặt, chưa hề thân quen, chỉ gắn bó với nhau vì một bài báo. Tôi biết, còn anh Hồng Chương, tôi sẽ được an toàn.

Thật không may cho tôi, vào dịp Tết năm 1989, anh Hồng Chương đột ngột qua đời vì bệnh ung thư máu. Khi đọc tin buồn trên báo Nhân dân, tôi buồn vì đất nước mất một người dám nói thẳng (Báo chí văn nghệ ta rất vinh dự là được Ðảng coi như kẻ ăn người ở trong nhà) và dám bảo vệ lẽ phải, đồng thời tôi hiểu, mình đã được đặt lên thớt! Cũng lúc này, trả lời phỏng vấn trên báo Văn nghệ Kiên Giang là tờ báo tôi công tác, ông Ngô Phấn Khởi khẳng định bài bút ký của Hà Văn Thuỳ có những sai lầm nghiêm trọng và sắp tới sẽ phải xử lý.

Không lâu sau, ngày 19/4/1989 tôi nhận được thư mời:

"Ðược sự uỷ nhiệm của Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức một cuộc họp đối chất giữa các cơ quan các cá nhân đã được nêu trong bài báo "Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp" của Hà Văn Thuỳ với tác giả Hà Văn Thuỳ để báo cho tập thể ban Thường vụ Tỉnh uỷ kết luận và xử lý từng vấn đề bài báo đã nêu. (Cuộc họp có các đồng chí trong Thường trực Tỉnh uỷ dự). Cuộc họp khai mạc vào 7 giờ sáng ngày 22/4/1989 tại văn phòng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ (số 1 Mạc Ðĩnh Chi, thị xã Rạch Giá). Thời gian làm việc một ngày.

Bài báo của Hà Văn Thuỳ đã tạo ra dư luận rất rộng trong và ngoài tỉnh với nhiều cách hiểu khác nhau. Ðể đi đến kết luận đúng sai từng vấn đề một, rất cần thiết có cuộc họp mặt để trực tiếp đối chất giữa các cơ quan và các cá nhân đã được đề cập trong bài báo với tác giả. Chúng tôi rất mong các cơ quan và cá nhân được mời trong thư nầy cố gắng sắp xếp công việc, chuẩn bị ý kiến đến dự họp để cuộc họp đạt kết quả tốt.

TM Ban Tuyên giáo
Trưởng ban
Ngô Phấn Khởi”

Nhận thư mời, tôi hiểu, bất chấp sự thật và lòng người, người ta dựa vào quyền lực quyết định đánh tôi tới cùng. Khi họ đã có quyết tâm như vậy, tôi khó tránh được đòn thù tàn bạo. Tôi quyết định không dự đối chất và trả lời bằng văn bản:

"Bài viết của tôi đã đăng báo thì đó còn là trách nhiệm của Tổng Biên tập báo Văn nghệ. Ðối chất là một việc thuộc phạm vi pháp luật. Không mời báo Văn nghệ là không đúng luật báo chí, vì vậy tôi không thể dự."

Ðáp lại văn bản của tôi, Ban Tuyên giáo gửi văn bản khác: "Tỉnh uỷ có toàn quyền tổ chức đối chất, sau đó mới báo cáo lên Trung ương và gửi thông báo cho báo chí ngôn luận!"

Ðấy là một trò chơi tổ chức xưa cũ. Bác bỏ cuộc hội thảo dân chủ ngày 23/9, họ dựng cuộc "đối chất" này với những quan chức chọn lọc để có được biên bản theo ý muốn báo cáo Trung ương và bịt miệng công luận chí. Tiếp theo là những đòn về tổ chức và pháp luật. Bài học từ anh Ba Sáng hiện ra nhỡn tiền. Nhưng với tôi là con mồi nguy hiểm hơn, họ chăng cái bẫy lớn hơn. Thật nghiệt ngã, tôi lại rơi vào chính hoàn cảnh nhân vật của mình! Tôi bỗng nhận ra linh cảm chính xác của ông già Tư Thép dựa trên kinh nghiệp của một cựu phó ban nội chính: vụ án báo chí thứ hai!

Như vậy là tấm lưới vây tôi đã xiết lại, tôi không còn đường thoát. Không thể dự cuộc đối chất vì ai cũng thấy những gì sẽ diễn ra: với những người tham gia phần lớn là quan chức và những người bị tố cáo trong bài báo, chắc chắn biên bản cuộc đối chất sẽ là bằng này người dự, bằng này ý kiến phát biểu, trong đó có ý kiến nhất trí cao cho rằng bài viết của Hà Văn Thuỳ không phản ánh đúng sự thật, có nhiều ý kiến vu khống xuyên tạc. Sau cuộc họp, như anh Ba Sáng ngày nào, tôi sẽ bị giữ lại tại Ban Tuyên giáo để làm kiểm điểm. Bằng mọi cách, người ta buộc tôi phải cúi đầu phủ nhận những điều mình viết: "Ðồng chí thấy đấy, cả hội nghị, cả tập thể khẳng định là đồng chí xuyên tạc, vu khống. Ðiều này là không thể chối. Nhưng đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại, chúng tôi còn xét xem động cơ viết bài là gì? Nếu chỉ là ngộ nhận sai lầm nhứt thời, chúng tôi sẽ thông cảm tha thứ. Nhưng nếu đó là hành động cố tình với ý đồ xấu, tất phải có hình thức kỷ luật thích hợp, thậm chí phải đưa ra pháp luật. Ðồng chí hãy thành khẩn kiểm điểm." Rồi từ bản kiểm điểm "nhận tội" của tôi, người ta sẽ làm báo cáo gửi Trung ương và cơ quan truyền thông khẳng định: Tình hình Kiên Giang không tệ đến thế mà do Hà Văn Thuỳ xuyên tạc. Chính tác giả đã thừa nhận! Ðấy chính là thủ pháp đào hang xảm ngạch người đời vẫn dùng. Với báo cáo như vậy, cấp trên yên lòng và báo chí coi Hà Văn Thuỳ là đồ bỏ, là kẻ sọc dưa, không đáng nhắc tới nữa. Và Hà Văn Thuỳ chỉ là mớ giẻ! Còn nếu kiên trì giữ ý mình, họ sẽ kỷ luật nặng, thậm chí tống giam rồi ra toà, với những nhân chứng và quan toà của họ! Không thể dự cuộc đối chất nên bạn bè đã bàn cách ứng phó: tôi sẽ lánh về nhà dì Năm Hà ở Mỹ Lâm, Hòn Ðất, nhân vật của bút ký “Bông lúa nổi giận”, cách thị xã hơn 10 km, hoặc về nông trường Kiên Bình.

Tối 21/4 là thời khắc căng thẳng. Tôi đến nhà anh Tư Châu đường Mạc Cửu. Ở đấy tôi gặp ngoài anh chị Tư còn Ba Yến. Sau khi bàn bạc mọi chuyện, khoảng 9 giờ 30, tôi về nhà. Vợ tôi lặng lẽ đưa cho tôi mảnh giấy viết tay của anh Chín Sỹ chủ tịch Hội Văn nghệ:

"Tôi tới kiếm anh hai lần nhưng không gặp. Việc anh xin vắng mặt trong cuộc đối chất ngày mai không được Thường trực chấp nhận. Anh Ba Dũng yêu cầu anh, bằng bất cứ cách nào cũng phải có mặt trong cuộc họp ngày mai. Tôi báo để anh biết. Riêng tôi, tôi khuyên anh nên đi. Tôi. Chín Sỹ."

"Chín Sỹ tới tìm hai lần, không gặp anh, nghe chừng có vẻ sốt ruột bực bội lắm." Vợ tôi nói vẻ lo lắng. Thấy tình hình nóng lên thực sự, tôi bỗng bồn chồn bủn rủn tay chân. Tôi nói với vợ: "Anh đến anh Tư bàn chuyện này." Tôi trở lại thì Ba Yến vẫn còn ngồi cùng anh chị Tư Châu bên bàn sa lông gỗ. Thấy tôi trở lại, mọi người sửng sốt nhìn. Tôi đưa cho Tư Châu thư của Chín Sỹ, nói: "Giờ sao đây, anh Tư?" Cầm mảnh giấy, anh Tư Châu đọc rồi lặng lẽ ngồi, đầu cúi xuống. Ðiếu thuốc Hero anh vừa đốt kẹp giữa hai ngón tay ám khói cháy quá nửa để lại khúc tàn dài màu trắng xám. Rất lâu sau anh quay sang tôi, nói như ra lệnh: "Chú phải đi thành phố ngay đêm nay!" Không đợi tôi có phản ứng gì, anh quay sang Ba Yến: "Chú Ba đưa chú Thuỳ đi." Rồi ngay đấy anh quay sang chị Tư: "Em còn tiền không, đưa chú Thuỳ hai chục để chú đi thành phố." Theo dõi những động thái của anh Tư, tôi thấy hoang mang thực sự: "Ðến nỗi thế sao anh Tư ?" Tôi hỏi với vẻ người hụt hơi."Chú phải đi, không đi nó bắt đấy!" Anh Tư nói thẳng thừng. Tôi trở về. Vợ tôi cũng không nghĩ tình hình nghiêm trọng đến vậy. Trong khi các con ngủ, em lặng lẽ chuẩn bị hành lý, vét cho tôi đồng tiền cuối cùng. Tôi vén màn hôn con út Phương Nam vừa 6 tuổi rồi từ biệt vợ, theo ngõ sau đến nhà Ba Yến, lúc đó khoảng 11 giờ khuya. Nóng và bức bối trong lòng, tôi không sao ngủ được. Bên tôi, Ba Yến cũng trằn trọc. Ba giờ sáng, bước sau tôi, Ba Yến chống nạng lộc cộc ra bến xe trước đình Vĩnh Hoà lên thành phố.

Sáng hôm sau, ngày 22/4/1989, từ sớm, người của Hội Văn nghệ đến nhà kiếm tôi. Việc tôi không có nhà là bất ngờ lớn. Tuy tôi vắng mặt, cuộc đối chất vẫn tiến hành.

Sau đây là bản ghi chép do ông Nguyễn Văn Thạnh (Năm Thạnh) nguyên Uỷ viên Thường vụ, thường trực Tỉnh uỷ Kiên Giang ghi:
 
Ðồng chí Ngô Phấn Khởi, Trưởng ban Tuyên giáo chủ trì hội nghị. Ðồng chí có mấy lời khai mạc, đại ý: Ðây là cuộc hội nghị đối chất, hai từ này đã được chọn lựa và cân nhắc. Không phải hội thảo, vì đã hội thảo rồi. Ðối chất để xác định, kết luận cái gì đúng cái gì không đúng. Trực tiếp giữa Hà Văn Thuỳ với các ngành và cá nhân có liên quan với tác giả Hà Văn Thuỳ. Yêu cầu cuộc họp là làm rõ nội dung bài báo có cái gì đúng, cái gì sai.

Ðồng chí giới thiệu đến dự cuộc họp có đồng chí Năm Trì, Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Ba Dũng, Phó Bí thư Thường trực, đồng chí Năm Hiền, Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Giám đốc Công an tỉnh. Có mời đồng chí Tám Quýt Phó Bí thư nhưng vắng mặt. Có mặt đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Trần Lam; các Giám đốc và Phó Giám đốc ngành Thông tin Văn hoá, Xuất bản Tổng hợp, Phó ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Phó ban Kiểm tra, các Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập báo Kiên Giang, Ðài Phát thanh - Truyền hình Kiên Giang, Trưởng Phân xã Thông tấn Kiên Giang, thư ký Hội Nhà báo; các đồng chí trong ban lãnh đạo Ban Tuyên giáo, cán bộ nghiên cứu của UBND tỉnh. Các cá nhân có liên quan tới bài báo: Anh Ðộng, Khoa Ðăng, Chín Sỹ, Tư Ðức, Ngô Văn Tước, Tư Châu, Ba Sáng, Dương Tôn Hưng, Vĩnh Ái, Ba Vị. Ðáng chú ý là vắng mặt tác giả bài báo Hà Văn Thuỳ và Tư Châu (buổi chiều thì Tư Châu có mặt).

Ðồng chí Ngô Phấn Khởi cho hội nghị biết là đồng chí Tư Châu có thư xin vắng mặt với lý do là đã có đầy đủ ý kiến phát biểu về bài anh Hà Văn Thuỳ rồi. Anh Hà Văn Thuỳ cũng có thư xin vắng mặt. Ðồng chí Ngô Phấn Khởi cho biết đã giao trách nhiệm cho đồng chí Chín Sỹ với tư cách là Chủ tịch Hội Văn nghệ Kiên Giang đến tại nhà gặp anh Thuỳ và động viên anh đi dự họp. Anh Chín Sỹ đã 3 lần đến nhà anh Thuỳ, có khi gặp mặt có khi không, nhưng anh Thuỳ xin từ chối với lý do là bài báo có liên quan tới báo Văn nghệ trung ương và ông Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhưng không có ai được mời về dự cuộc họp đối chất này.

Ðồng chí Ngô Phấn Khởi nhấn mạnh rằng địa phương có đủ tư cách làm việc này, không cần đến báo trung ương. Làm xong sẽ báo cáo lên Ban Bí thư và cho các báo Trung ương biết. Ðồng chí yêu cầu cuộc họp vẫn làm việc, mặc dầu không có tác giả Hà Văn Thuỳ.

Ðồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nói xen vào: yêu cầu một lần nữa nhắc Tư Châu và Hà Văn Thuỳ đến dự. Không đến dự coi như vô tổ chức vô kỷ luật.

Ðồng chí Bảy Lam, Phó Chủ tịch Uỷ ban nói xen vào: đề nghị hội nghị chuyển qua yêu cầu khác, vì không có mặt tác giả Hà Văn Thuỳ thì không thể gọi là hội nghị đối chất được.

Ðồng chí Ba Vị (Phó ban Tuyên giáo) cho rằng, Hà Văn Thuỳ và Tư Châu kiếm cớ vắng mặt là do sợ không dám đến dự, là không có ý thức tổ chức kỷ luật.

Ðồng chí Anh Ðộng cho rằng Tư Châu, Thuỳ không đi họp là sợ. Phía sau bài báo còn nhiều vấn đề cần phải tìm hiểu làm sáng tỏ.

Ðồng chí Năm Hiền (Phó Giám đốc Công an tỉnh): Anh Thuỳ viết bài báo này dầu không có mặt cũng phải chịu trách nhiệm. Không thể ít xít ra nhiều rồi mạt sát người ta. Phải có kết luận rõ từng việc.

Ðồng chí Ba Nông, Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin: Làm việc như thế này là có tinh thần dân chủ và công khai. Trường hợp hai người vắng mặt cần làm rõ vấn đề.

Ðồng chí Bí thư Tỉnh uỷ chỉ thị: Hội nghị cứ tiến hành, có đủ tư cách tiến hành, mặc dù hai người vắng mặt.

Ðồng chí Ngô Văn Tước: Về nội dung cuộc họp, có đặt vấn đề đối chất. Dùng hai từ này có vẻ nặng nề, gây căng thẳng. Ðề nghị mời các đại diện báo Văn nghệ, Ðài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam. Nếu xét thấy có vu khống thì đề nghị đưa ra pháp luật.

Ðồng chí Ngô Phấn Khởi bác bỏ, nói rằng không phải có báo trung ương thì cuộc họp này mới có dân chủ. Dân chủ là ở cách làm việc, là quyền phát biểu ý kiến. Không mời báo trung ương về là vì thấy không cần thiết. Hội nghị cứ xem xét, kết luận vấn đề rồi phải đặt vấn đề trách nhiệm và kiến nghị xử lý. Thật sự cuộc họp hôm nay là đối chất, không có gì nặng nề. Khi báo cáo lên Trung ương cũng sẽ báo cáo đây là cuộc họp đối chất.


Bắt đầu cuộc họp
 
Ðồng chí Phan Trường Chiến, Phó Trưởng ban Tuyên giáo, đọc bản báo cáo. Nội dung nêu hai vấn đề: Vụ thu hồi báo Kiên Giang Xuân 1987 và một số vấn đề xung quanh bài báo của anh Hà Văn Thuỳ. Báo cáo nêu nhiều chi tiết cho rằng bài báo viết không đúng sự thật:

  • Nói hai tờ báo bị thu hồi, nhưng sự thật chỉ có tờ Xuân Kiên Giang.

  • Trong cuộc họp sau Tết về tờ báo Xuân, anh Thuỳ diễn tả rằng anh Tư Châu bị trơ trọi trong phòng họp, không được bào chữa thiếu sót, rồi Tư Châu bị cách chức. Những chi tiết này hoàn toàn không đúng.

  • Về phóng viên Ngô Văn Tước, bài báo nói: lúc đầu định bắt giam (không đúng), sau đó lại định cho về quê sản xuất. Tuyên huấn thì gọi lên bắt kiểm điểm về những tội tày đình (cũng không đúng).

  • Về sự việc Ba Sáng và Dương Tôn Hưng thì nói: sau khi đài phát hai bài viết về trường mẫu giáo thực hành và trường Phổ thông Cơ sở (PTCS) 3 Vĩnh Thanh Vân, thì anh Ba Sáng bị gọi lên Ban Tổ chức quản thúc, có công an bảo vệ cầm súng canh giữ là hoàn toàn sai sự thật về thời điểm. Sự thật là anh Ba Sáng 5-6 tháng sau bị kiểm điểm vì vấn đề viết báo cáo về những luận điệu chiến tranh tâm lý của địch lúc đó mà không theo nguyên tắc bảo mật. Còn Dương Tôn Hưng bị bắt là do vấn đề lý lịch.

  • Bài báo nói: có công an về dự cuộc họp nội bộ xử lý vụ báo Xuân và công an về tận Thái Bình mò lý lịch của Khoa Ðăng cũng hoàn toàn không đúng.

  • Bài báo còn lợi dụng văn chương mạt sát những cá nhân như anh chàng thư ký trẻ, anh giáo làng, nhà văn sọc dưa. Cách thể hiện của bài báo là thiếu khiêm tốn, xúc phạm người khác, lăng mạ người khác, không thể chấp nhận được.
     

A. Những ý kiến phản đối bài báo

1. Ðồng chí Ba Vị, Phó ban Tuyên giáo:

Tác giả lợi dụng thể tài bút ký văn học để cường điệu sự việc, nói sai sự thật, thoá mạ người ta, như thế có được không? Thể ký là phải nói sự việc thật, con người thật. Về kỷ luật anh Tư Châu, như bài báo nói là không đúng sự thật. Về chuyện anh Tước, bài báo tả cảnh lang thang đi xin việc, khổ sở, túng thiếu gợi lên một cảnh đau thương quá đáng là có dụng ý kích động tâm lý tình cảm người đọc, để đổ dồn mọi trách nhiệm cho lãnh đạo. Như thế là không trung thực. Về chuyện anh Ba Sáng và Dương Tôn Hưng, bài báo nói là sau khi phát trên đài hai bài về Trường Mẫu giáo thực hành và trường PTCS 3 Vĩnh Thanh Vân, thì bị quản thúc và bị bắt, như vậy cũng không đúng. Phải 5, 6 tháng sau. Về cách thể hiện, bản thân tác giả không trung thực. Cần nhấn mạnh điểm thiếu văn hoá trong bài viết: kiêu căng, tự phụ khoe khoang tri thức, bình luận hết sức thô bạo không thể chấp nhận được, như cách dùng những từ "lũ lĩ". Phê phán người khác trông gà hoá cuốc thì chính tác giả trông gà hoá cuốc. Có ý đồ tham vọng viết một bài để được nổi tiếng lên như một ngôi sao sáng. Phương pháp tư tưởng thì rất cực đoan, cá nhân nặng, cho mình có quyền lăng mạ người khác.
 
2. Ðồng chí Khoa Ðăng, nhà văn:

Cần chú ý điểm này: khi được đăng trên báo Văn nghệ Trung ương, bài báo có cái "sa-pô", thực chất đó là cái đơn tố cáo lên Hội Nhà báo Việt Nam là ở tỉnh Kiên Giang có sự đàn áp báo chí. Hội Nhà báo Việt Nam cần can thiệp. Về từ inspiration không phải giải thích như trong bài báo. Ðúng nghĩa của nó là cảm hứng văn chương. Từ này có từ xa xưa, trước thời Nguyễn Trãi. Người ta chỉ dùng trong lĩnh vực văn chương thôi. Còn nói đến chuyện công an phải về tận Thái Bình (miền Bắc) để sờ lý lịch của tôi thì là trắng trợn vu khống. Tôi không làm gì đến nỗi công an phải đi sờ lý lịch. Hơn nữa, muốn kiểm tra lý lịch của tôi, công an chỉ cần một cú điện thoại về Thái Bình là đủ rõ mọi chuyện. (Xin mở ngoặc, không lâu sau đó, khoảng cuối năm 89, trong khi ngồi chuyện phiếm tại Hội Văn nghệ, anh Khoa Ðăng có nói: Ðúng là công an về quê sờ lý lịch tôi thật. Giờ thì viết được rồi đấy, ai viết viết đi!)
 
3. Ðồng chí Anh Ðộng, nhà văn:

Bài viết của anh Thuỳ là một đơn tố cáo, mà đơn tố cáo thì phải thật chính xác. Bài này nêu chủ đề nghiệt ngã của nghề nghiệp hay nghề nghiệp nghiệt ngã. Ai nghiệt ngã với ai. Người ta chỉ thấy tác giả nghiệt ngã với mọi người xung quanh, đả kích mọi người, phá rã hết cái mặt trận của mình, coi bạn bè đồng nghiệp là kẻ thù hết trơn. Trong lúc đó thì miệt thị đối thủ, lăng mạ đối thủ. Cần chú ý vấn đề là tại sao mỗi lần họp xong thì lại có chuyện bằng mặt mà không bằng lòng, sau đó lại bùng ra vấn đề mới, có gì đó để gây dư luận từ phía xa, tạo những sự hiểu lầm nhau. Tại cuộc họp ngày 19/3, anh Tư Châu viết giấy rằng không còn cần nói gì nữa, nhưng sau đó lại nói rất nhiều việc ở chỗ khác. Cuộc hội thảo ở Hội Văn nghệ có thu băng rồi tạp chí Người làm báo lại sử dụng băng đó.

Bài báo của tác giả là thứ đơn tố cáo mà nội dung sai sự thật thì có phải đưa ra luật hình sự không? Xin chú ý điểm này, người bị tố cáo có quyền tố cáo tác giả trước luật pháp không?
 
4. Dương Tôn Hưng:

Về sự việc của tôi, bài báo của anh Hà Văn Thuỳ viết hoàn toàn không chính xác. Tôi bị bắt ở tù không phải vì đã viết hai bài báo phát trên đài Kiên Giang. Tôi bị bắt là do trước kia tôi có đi lính cho chế độ cũ, mà đi hai lần. Lần đầu đi lính quân cảnh được một năm rồi đào ngũ. Lần thứ hai bị bắt quân dịch, rồi đào ngũ ở nhà người quen. Ðến tháng 3 năm 75 tôi trốn vào đơn vị quân y của Quân giải phóng. Ðến sau giải phóng miền Nam, tôi được đi học Ðại học Cần Thơ, cấp bậc hạ sĩ. Sau khi phát hai bài trên đài khoảng một năm, tôi mới bị bắt. Tôi ở tù 14 tháng 23 ngày.

5. Ðồng chí Huỳnh Vĩnh Ái, Phó Văn phòng Tỉnh uỷ:

Bài báo mạt sát tôi là thư ký trẻ, không biết tiếng Việt, nhưng tôi đã tốt nghiệp đại học, cho tôi không biết tiếng Việt là coi thường việc giảng dạy ở đại học của ta. Bài báo còn cho tôi là cây chùm gửi, không xương sống. Vậy đề nghị phải có chứng minh cụ thể. Ðề nghị nếu ai vu khống thì phải trả lời trước pháp luật. Những người bị bài báo nhục mạ là công dân. Tác giả cũng là công dân. Mọi công dân phải bình đẳng trước pháp luật.

6. Ðồng chí Cang, Phó ban Tổ chức Tỉnh uỷ:

Ban Tổ chức Tỉnh uỷ có quản lý đồng chí Ba Sáng tại chỗ nhưng không khí rất thoải mái, đồng chí đã ăn ở như chúng tôi trong cơ quan, ăn tại bếp ăn tập thể cơ quan. Chúng tôi không có gì phân biệt đối xử với đồng chí. Bài báo của anh Thuỳ nói có công an võ trang canh gác không cho Ba Sáng giao tiếp với bên ngoài là không đúng. Ðó là điều vu khống trắng trợn.
 
7. Ðồng chí Năm Hiền, Phó Giám đốc Công an tỉnh:

Bài anh Thuỳ có nhiều vấn đề lợi dụng tính công khai dân chủ để vu khống tập thể lãnh đạo tỉnh, lợi dụng văn chương để lăng mạ người này người khác. Tôi chưa bao giờ có nghe nói một cán bộ bảo vệ nào báo cáo là cần đi sờ lý lịch của anh Khoa Ðăng. Anh Thuỳ nói đây là cố ý, nói có ý đồ. Ðề nghị có xử lý rõ ràng. Vu khống là vi phạm luật hình sự. Ở đây, ta không phải trả đũa anh Thuỳ, mà cứ theo đúng pháp luật nhà nước. Còn vấn đề băng ghi âm về cuộc hội thảo, tại sao đưa lên Hội Nhà báo Trung ương? Thường vụ có duyệt chưa?
 
8. Ðồng chí Bảy Yên, Giám đốc Ðài Phát thanh:

Tán thành bản báo cáo của Ban Tuyên giáo. Tán thành ý kiến xác nhận của các đồng chí và các ngành, trừ một số ý kiến của đồng chí Tư Châu. Bài báo của anh Hà Văn Thuỳ có hàng loạt sai sự thật. Hậu quả như thế nào, phạm đến uy tín của ban lãnh đạo tỉnh, uy tín của các ngành, các cơ quan báo chí trong tỉnh. Phải xử lý theo chỉ thị 15 của Ban Bí thư và luật hình sự.
 
9. Ðồng chí Bảy Lam, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch tỉnh:

Tỉnh uỷ lúc nào cũng đối xử tốt với báo chí. Không có biểu hiện gì đàn áp bạc đãi báo chí. Tỉnh uỷ có thể có một số thiếu sót đối với báo chí nhưng không có động cơ gì xấu đối với báo chí, không thể ai xuyên tạc được. Bài của anh Hà Văn Thuỳ căn bản là viết sai, phản ánh không đúng bản chất sự thật. Bài báo này gây một hậu quả xấu ghê gớm. Tỉnh uỷ Kiên Giang cũng được coi gần ngang Tỉnh uỷ Thanh Hoá về đàn áp báo chí. Bài báo làm xoá đi một truyền thống tốt đẹp của tỉnh ta. Từ lĩnh vực báo chí này, người ta sẽ liên tưởng đến các vấn đề khác. Nên xem xét vấn đề trách nhiệm của tác giả, của những người ủng hộ bài báo (như Hội Nhà báo Việt Nam). Ít nhất anh Thuỳ phải có sự nhận lỗi công khai trên báo chí. Một số báo ở trung ương đã nói oan cho địa phương thì phải đính chính. Kết luận xong, lập biên bản gởi về Ban Bí thơ, Hội Nhà báo Việt Nam và một số báo ở trung ương có liên quan.

© 2006 talawas