trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
12.7.2006
Hà Văn Thuỳ
Tự bạch
 1   2   3   4   5   6 
 
B. Những ý kiến ủng hộ bài báo

1. Ðồng chí Ngô Văn Tước, nhà báo:

Cái nghiệt ngã mà bản thân tôi phải chịu, như bài báo nói là có thật. Gia đình tôi là gia đình cách mạng, bố tôi năm nay 75 tuổi, vào Ðảng năm 1936, đã từng làm nhiệm vụ Xứ uỷ viên Trung Kỳ. Bản thân tôi đi bộ đội, hết nghĩa vụ quân sự, chuyển ngành tại tỉnh Kiên Giang, hai bàn tay trắng, không quen biết ai, không ô dù. Thế mà sau khi viết hai bài trên báo Xuân 1987, tôi bị coi như kẻ chống đối, không được làm nghề viết báo, không có chỗ dung thân, không xin việc làm ở đâu được, lang thang thiếu đói. Tôi phải đến nhà anh Khoa Ðăng năn nỉ mượn tạm 10 ngàn đồng bạc để mua gạo cho vợ con. Ðến nay cái nghiệt ngã ấy vẫn còn đè nặng trong tâm trí, tình cảm tôi. Khi tôi có một số sai sót trong cách dùng câu chữ và diễn tả thì cơ quan báo lại dùng hình thức cưỡng bức áp đặt bắt tôi phải nhận tội lỗi nghiêm trọng, cho tôi ra khỏi chi đoàn thanh niên, loại tôi khỏi cơ quan. Ðồng chí Tư Hồng ở Ban Tổ chức chính quyền tỉnh gọi tôi đến, cho biết tôi phải về quê sản xuất vì có ý kiến chống đối bí thư (còn một đoạn nghe không rõ).

2. Ðồng chí Ba Sáng, nguyên Phó Giám đốc Ðài Phát thanh tỉnh:

Ðến nay tôi mới được nghe lần đầu tiên đồng chí Cang cho biết là cơ quan Ban Tổ chức lúc đó cần có bảo vệ võ trang canh gác. Bảo vệ võ trang là để canh gác cơ quan chớ không phải canh gác tôi. Nói như vậy cũng có lý. Nhưng có một sự thật nữa là trong 9 ngày đêm bị giữ ở Ban tổ chức, tôi không hề được tiếp chuyện với ai. Ban ngày lúc nào cũng có người để mắt tới. Ban đêm, muốn đi ra ngoài tiểu tiện phải báo cho anh em bảo vệ võ trang biết. Anh em đồng nghiệp bên đài, báo muốn gặp tôi để hỏi thăm sức khoẻ cũng không được phép. Gia đình các em tôi muốn đến thăm phải có giấy phép của đồng chí chánh văn phòng Tỉnh uỷ (lúc bấy giờ là đồng chí Năm Loan), như thế có nghĩa là gì, tôi không hiểu nổi.

3. Ðồng chí Tư Châu, nguyên Tổng Biên tập báo Kiên Giang:

Bài trả lời phỏng vấn của đồng chí Ngô Phấn Khởi trên báo Văn nghệ Xuân năm nay là có tính răn đe. Ðồng chí đã khẳng định trước là bài báo anh Hà Văn Thuỳ có nhiều sai sót. Muốn đánh giá và kết luận về bài báo của anh Hà Văn Thuỳ, nên mời đại diện các báo Văn nghệ Việt Nam, tạp chí Người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam và tác giả Hà Văn Thuỳ. Về vấn đề của bản thân tôi, đi đâu đồng chí Chiến cũng nói Tư Châu gây bè phái, có dính đến đến tài chánh cơ quan. Như vậy có trù dập không, có áp đặt không? Cho tôi là bao che Ba Yến, đối xử như thế có nghiệt ngã không? Bài báo nói vấn đề của tôi như thế là đúng sự thật.

Cuộc họp đối chất kéo dài đến buổi chiều. Còn nhiều ý kiến phát biểu không thể ghi ra đây hết được. Ðồng chí Ngô Phấn Khởi, Trưởng ban Tuyên giáo, đứng lên tổng kết hội nghị. Ðồng chí Bí thư Lâm Kiên Trì nói xen vào: bữa nay làm việc là do Ban Tuyên giáo chủ trì. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đến để trực tiếp nghe. Mặc dù vắng mặt anh Thuỳ, hội nghị vẫn đủ tư cách và giá trị. Rồi đây Ban Thường vụ sẽ xem xét. Bài của anh Thuỳ có mục đích tính chất gì? Sẽ xem xét về trách nhiệm. Ai là người trách nhiệm trực tiếp, ai có liên quan. Từ đó có phải xử lý không, xử lý thế nào?

Ðồng chí Ngô Phấn Khởi tổng kết mấy điểm sau đây:

1. Bài báo nói có hai tờ báo bị thu hồi là hoàn toàn sai, là vu khống. Sẽ bảo anh Thuỳ đưa ra làm chứng cớ. Quyết định thu hồi báo Văn nghệ Xuân 1987 để xem ai ký quyết định đó?

2. Bài báo nói trong hội nghị sau Tết về vụ báo Xuân Kiên Giang bị thu hồi, đồng chí Lê Hồng Châu bị bao vây, trơ trọi là hoàn toàn sai sự thật (chỉ có một ý kiến của anh Tư Châu là công nhận nhận đúng). Nói anh Tư Châu bị cách chức là xuyên tạc sự thật, là vu khống. Không có quyết định nào về vấn đề này. Chỉ có quyết định cảnh cáo chức Tổng Biên tập thôi. Sau đó chuyển anh đi công tác khác.

3. Về Ngô Văn Tước, bài báo nói nhiều cái quá đáng, nhiều cái cường điệu như tả cảnh Ngô Văn Tước đi lang thang kiếm việc, nheo nhóc... Trong việc xử lý phải thấy rằng anh Tước có nhiều khuyết điểm trong công việc viết báo và trong sinh hoạt nội bộ. Tuy nhiên có thiếu sót của lãnh đạo là để anh Tước không có việc làm kéo dài lâu quá, ảnh hưởng không tốt đến đời sống của anh và gia đình. Nói luôn ở đây, trong trường hợp Ba Yến cũng vậy, để kéo dài tình trạng không có việc làm quá lâu. Nhưng gần đây, tổ chức đã cố gắng thu xếp việc làm, nhưng Ba Yến không chịu, lại muốn ăn thua kia.

4. Về việc anh Ba Sáng: bài báo của anh Thuỳ nói thời điểm anh Ba Sáng bị quản lý ở Ban Tổ chức là sau khi hai bài nói về trường mẫu giáo và PTCS Vĩnh Thanh Vân 3 phát trên đài Kiên Giang là không đúng, hoàn toàn sai. Còn vấn đề có canh giữ anh Ba Sáng không thì là có. Có canh giữ không để anh Ba Sáng quan hệ rộng bên ngoài, vì lúc đó tình thế bắt buộc như vậy. Về chi tiết bài báo nói: khi vị bí thư cũ đi thì đồng chí Ba Sáng mới được phục hồi đảng tịch là không đúng, hoàn toàn sai.

5. Vấn đề anh Dương Tôn Hưng: bài viết của anh Thuỳ nói Dương Tôn Hưng bị bắt vì hai bài báo là không đúng. Chủ yếu là do giấu lý lịch. Anh Hưng có đi lính mà chưa cải tạo thì phải đi cải tạo. Sau khi đi cải tạo về, Tỉnh uỷ đã sử dụng Hưng như thế nào, có lúc làm quyền hiệu trưởng trường Phổ thông Trung học Nguyễn Trung Trực, hiện nay là phó hiệu trưởng. Tại sao anh Thuỳ không chịu thấy điểm này.

6. Nói về công an, anh Thuỳ viết rằng có công an đến dự cuộc họp sau Tết bàn việc thu hồi báo Xuân là không đúng. Lúc đó Phương Nam ở phòng chính trị đến nghe tình hình thôi. Còn nói công an về tận Thái Bình sờ lý lịch của Khoa Ðăng là hoàn toàn không có. Nghe nói anh Thuỳ có nhân chứng về việc này. Chúng ta cứ chờ xem sao.

7. Ngoài ra còn một loạt chuyện đả kích, miệt thị, lăng mạ cá nhân như nói: chàng thư ký trẻ không xương sống, cây tâm gửi, anh giáo làng, nhà văn sọc dưa.

8. Vấn đề tờ báo Xuân năm 87, coi như Thường vụ đã giải quyết rồi. Ai không bằng lòng thì khiếu nại.

Từ chỗ đó ta mới có thể xác định anh Thuỳ viết bài ký "Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp" với động cơ cá nhân, cơ hội để nổi bật lên trong lúc này. Không có tính cách xây dựng. Anh vu khống, suy diễn một cách chủ quan, áp đặt cho người ta. Tác hại của bài anh viết rất lớn trong và ngoài tỉnh, tương đương với vụ Thanh Hoá. Anh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

9. Ðề nghị cách xử lý: có hai cách sau đây. Một là Hội Nhà báo và Hội Văn nghệ phải làm nhiệm vụ: trên cơ sở kết luận của hội nghị, giúp đỡ cho anh Thuỳ tự kiểm điểm một lần nữa để thấy được những thiếu sót của mình. Qua đó, xem tháiđộ của anh như thế nào. Nếu thành khẩn nhận thiếu sót, thì anh Thuỳ phải tự viết trên báo chí bài CÔNG KHAI NHẬN TỘI. Ðồng thời cũng phải có hình thức kỷ luật nào đó. Hai là, nếu không chịu thấy thiếu sót, thì sẽ tiến hành theo chỉ thị 15 của Ban Bí thư và theo luật pháp.

10. Trong việc xử lý này không nhất thiết phải mời báo chí Trung ương về. Sẽ làm báo cáo gửi lên Ban Bí thư, Bộ Thông tin, Hội Nhà báo Việt Nam và các báo liên quan.

11. Hội Nhà báo và Hội Văn nghệ cần xem xét lại, coi anh Hà Văn Thuỳ còn có đủ tư cách thư ký chi hội báo cơ sở không?
 
Sáng ngày 22/4, trong khi cuộc họp xét xử tôi diễn ra tại thị xã Rạch Giá thì tôi cùng Ba Yến trên xe đò về thành phố. Xuống Bến xe miền Tây, chúng tôi đi xích lô về nhà anh Phương Hà đường Ngô Thời Nhiệm quận 3. Ðấy là một biệt thự, được lấy làm chung cư cho gia đình cán bộ. Anh Phương Hà ở cùng vợ là bác sĩ Thơ và 2 cháu trên lầu 1. Gia đình nhà báo Ðinh Phong ở tầng chệt. Ngoài ra còn 2 gia đình nữa. Nhà báo Phương Hà phụ trách văn phòng phía Nam của báo Ðại đoàn kết, là người nhiệt tình ủng hộ chúng tôi trong vụ báo xuân Kiên Giang. Trước đây, anh cùng anh Tống Văn Công báo Lao động về Kiên Giang điều tra vụ báo Xuân có gặp chúng tôi. Anh Ðinh Phong phó giám đốc Ðài Truyền hình thành phố, có bài bảo vệ anh em bị oan trong vụ báo xuân Kiên Giang, ký tên Chiến Phong. Tôi bắt đầu những ngày tỵ nạn từ đó.

Dự họp đối chất về, đêm ấy anh Tư Châu thức trắng ghi lại những ý kiến được phát biểu trong hội nghị. Anh ghi vào cuốn tập học sinh và 3 giờ sáng hôm sau cô Nhiều mang lên cho chúng tôi. Khoảng 10 giờ sáng 23/4, cô Nhiều tới chỗ chúng tôi, đưa cho tôi bản ghi chép của anh Tư Châu và đồ thăm nuôi. Trí nhớ anh Tư Châu rất tốt nên chúng tôi có trong tay tài liệu tin cậy. Anh Ðinh Phong mượn cho tôi chiếc máy chữ. Từ tài liệu anh Tư Châu cung cấp, tôi viết bài báo ngắn “Vẫn còn nghiệt ngã” rồi mang thư giới thiệu của anh Năm Thạnh đến gặp anh Huỳnh Tấn Mẫm, tổng biên tập tờ Tuần tin Thanh niên nhờ in báo. Bài báo “Vẫn còn nghiệt ngã” đăng trên Tuần tin Thanh niên số 24 ra ngày 4 tháng 6 năm 89, nguyên văn như sau:

"Tôi Hà Văn Thuỳ, người viết bút ký “Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp” đăng trên báo Văn nghệ số 35-36 ra ngày 20 tháng 8 năm 1988. Ngay sau khi xuất hiện, bài báo đã gây nên dư luận sôi động trong tỉnh Kiên Giang. "Ðể rộng đường tranh luận tìm ra sự thực", báo Kiên Giang, cơ quan của Ðảng bộ Kiên Giang, ra liên tiếp 5 số có bài phản bác bài “Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp”. Nhưng khi có nhiều thư của bạn đọc gửi đến để tranh luận thì báo Kiên Giang chỉ đăng được vài ba bài rồi đánh chìm xuồng. Ðể nghe ý kiến của nhiều người, Tỉnh uỷ Kiên Giang chỉ đạo Hội Văn nghệ tổ chức hội thảo về bài bút ký của tôi. Như tạp chí Người làm báo số 4/1988 đã công bố, hội thảo có hơn 50 người dự, trong đó có những vị lão thành, những nhà báo và người có liên quan, dưới sự chứng kiến của Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ. Trong số 22 ý kiến phát biểu thì 18 ý kiến nhất trí điều cơ bản: trước đây ở Kiên Giang có sự nghiệt ngã đối với nhiều người, trong đó có giới báo chí, vì thế cần đấu tranh xoá bỏ sự nghiệt ngã để mở rộng dân chủ. Không hiểu vì lẽ gì mà nội dung hội thảo không được chấp nhận, không được công bố trên báo chí như đồng chí Chủ tịch Hội Văn nghệ đã phát biểu lúc mở đầu. Tiếp đó, trong báo Văn nghệ Kiên Giang số Xuân 89, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo lại nói: "Bài viết của Hà Văn Thuỳ có nhiều sai lầm mà tới đây cần kiểm điểm."

Ngày 22-4–89, một cuộc đối chất giữa các cơ quan và cá nhân có liên quan trong bài viết với tác giả Hà Văn Thuỳ được tổ chức. Có 30 người dự đối chất gồm các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư tỉnh uỷ, đồng chí Thường vụ phụ trách Tuyên giáo, đồng chí Thường vụ-Phó Giám đốc Công an tỉnh, đồng chí Tỉnh uỷ viên-Phó Chủ tịch tỉnh, đồng chí Tỉnh uỷ viên-Phó ban Tuyên giáo, đồng chí Tỉnh uỷ viên-Giám đốc Sở Văn hoá, cùng nhiều quan chức các ngành tư tưởng, nội chính, tổ chức. Trong số những người liên quan đến bài báo, chỉ có 3 nạn nhân báo chí được mời dự.

Trong cuộc đối chất này, hầu hết ý kiến lên án bài “Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp” là xuyên tạc, là vu khống, là lăng mạ. Có ý kiến đòi đánh sặc máu mũi tác giả, đòi truy tố tác giả. Chỉ có 3 người: Lê Hồng Châu, Phan Võ Sáng và Ngô Văn Tước là có ý kiến ngược lại, khẳng định những điều bài báo viết về mình là đúng. Kết luận cuộc đối chất của Trưởng ban Tuyên giáo là bản án nặng nề: "Nếu anh Thuỳ thấy sai thì phải viết một bài tự nhận tội và cho đăng tải các báo, nhưng đồng thời cũng phải xử lý nghiêm minh. Nếu Thuỳ không thấy sai thì sẽ truy tố trước pháp luật và không thể bỏ qua được."

Dự liệu một cuộc xử án đầy áp đặt và những gì nghiệt ngã sẽ tiếp diễn sau đó, tôi buộc phải lánh khỏi Kiên Giang.

Tránh được căng thẳng ban đầu nhưng hiện nay tôi đang bị nhiều mối đe doạ. Bài báo của tôi viết về vụ thu hồi báo Kiên Giang số xuân 1987 chỉ có thể phân định sau khi giải quyết thoả đáng cái đúng sai của vụ thu hồi báo.

Vì vậy, tôi xin đề nghị Tỉnh uỷ Kiên Giang nên đối thoại với Hội Nhà báo Vệt Nam và các báo chí có liên quan để làm rõ vụ thu hồi báo Kiên Giang số xuân 1987. Hoặc nếu không cũng thực hiện kết luận cuộc đối chất là đưa vụ này ra xét xử trước pháp luật.

Trước công luận và trước pháp luật nghiêm minh, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về bài viết của mình."

Một buổi sáng tôi đang ngồi viết ở nhà anh Phương Hà thì có điện thoại. Ở đầu dây bên kia, ông bảo vệ của báo Ðại đoàn kết nói có người ở Kiên Giang muốn gặp tôi. Chột dạ, tôi bủn rủn chân tay, lo lắng sợ rằng công an Kiên Giang tìm tới. Hỏi lại, ông nói có anh Tiến hay Tín gì đó muốn gặp. Tôi hoàn hồn vì nhớ ra Tiến, anh nông dân người Tân Hiệp có nỗi oan ức lớn. Xã thu tiền của dân làm đường điện, chúng ăn chặn quá nhiều, nông dân thưa kiện bị chúng đàn áp. Anh cầu cứu Ban tiếp dân của tỉnh rồi nghe ai đó mách, đến nhà tìm tôi. Ðúng ngày tôi về chứng kiến cuộc đối thoại ở xã thì con anh bị bắn què chân. Bà con dùng ghe thuyền đưa cháu lên tỉnh. Từ bữa đó tôi chưa gặp lại anh. Anh nói đến nhà tìm tôi nhưng tôi đã lên thành phố. Anh nài nỉ mãi vợ tôi mới cho địa chỉ. Anh cung cấp thêm tài liệu và nhờ tôi viết báo. Trước lúc chia tay, anh đưa cho tôi mớ tiền: "Anh cầm tạm trong những ngày ở thành phố." Tôi nói: "Biết hoàn cảnh anh khó khăn nên tôi không thể lấy tiền của anh." Ngần ngừ một lát, anh bảo: "Thế tôi mang gạo cho cháu vậy. Gạo thì tôi có." Tôi đáp: "Ðừng, có thể nhà tôi có người theo dõi. Anh tới sẽ khó cho anh mà còn khó cho cả tôi nữa." Trên mặt người đàn ông bỏng na pan nở nụ cười ngơ ngác.

Tôi tìm đến những nhà văn quen biết để kêu cứu. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng bảo: "Kẹt quá, mình chuẩn bị đi Mỹ, không giúp gì cậu được!" Nhà văn Anh Ðức nguyên là đại biểu Quốc hội của tỉnh Kiên Giang, tôi hy vọng với uy tín của mình, anh sẽ có tác động nào đó. "Chả lẽ mình phải viết thư cho Tỉnh uỷ Kiên Giang. Có gì đâu mà mấy chả làm to chuyện!" Sau này anh Trần Hoàng Sơn đưa tôi tới gặp nhà thơ Bảo Ðịnh Giang mà chúng tôi thân mật gọi là anh Bảy. Tôi hy vọng với uy tín lớn của ông trong giới văn nghệ, ông sẽ giúp tôi được điều gì đó. Ðọc xong bài báo của tôi, ông bảo: "Chuyện có gì đâu mà làm dữ vậy?" Tôi sớm nhận ra rằng, những người này nói thế nhưng không có hành động nào giúp mình. Lúc đầu tôi có thầm oán họ. Nhưng sau này khi hiểu biết hơn về thực tế cuộc đời, tôi nhận ra rằng quả thật các anh không thể giúp được.

Một trong những người đầu tiên tôi tìm gặp ở thành phố là nhà thơ Nguyễn Duy. Trên gác xép nhà anh tôi sống qua một đêm và bàn mọi chuyện. Anh rất lo cho hậu quả việc tôi bỏ trốn. Thực lòng, anh không tin rằng tôi có thể bị bắt. "Anh tưởng vậy chứ, chắc gì họ đã bắt?" Tôi cười và nhớ lại chuyện 10 năm trước, Hè năm 1979 anh tới Hội Văn nghệ Kiên Giang, có nói nhỏ với chúng tôi một số điều về chiến sự Lạng Sơn mà anh vừa từ đó về. Ít lâu sau, trong một cuộc họp, nhà văn Anh Ðộng nói: "Có một người tự xưng là nhà thơ Nguyễn Duy đến cơ quan nói rằng ‘Thực sự ta không giết được nhiều lính Tàu đến mức đó!’ Nói phản động vậy mà tiếc rằng nhiều đồng chí ta mất cảnh giác vẫn ngồi nghe." Anh Ðộng vừa nói xong, một vị lãnh đạo liền nổi thầu lậu: "Vậy sao? Sao không kêu công an còng cổ nó lại?" Câu chuyện thật buồn, nhưng vì tế nhị tôi không nói lại với Nguyễn Duy. Tôi hiểu suy nghĩ của anh không phải cá biệt. Nhiều bạn bè thân như Nguyễn Ðức Thọ trong lúc gần gũi nhất cũng hỏi tôi: "Anh tính lại xem, nó có khả năng bắt anh thật không?" Tôi không biết nói gì hơn. Quả thật tôi chẳng có chứng cứ nào về việc đó.

Sau này, trong buổi làm việc của đoàn nhà báo trước chuyến đi Kiên Giang, anh Ðào Tùng, Chủ tịch Hội Nhà báo, cũng hỏi lại câu ấy: "Này, có phải cậu sợ rồi bỏ chạy không? Ðã chắc gì nó bắt?" Tôi im lặng vì chẳng biết nói sao thì anh Tô Hoà đỡ lời: "Nó bắt thật đấy. Tôi ở trong này lâu tôi biết!"

Những ngày đầu tháng 6, nhà thơ Chế Lan Viên qua đời. Tôi đến viếng Anh tại 81 Trần Quốc Thảo. Anh Trần Hoàng Sơn cho tôi biết, Chín Sỹ từ Kiên Giang lên viếng nhà thơ Chế Lan Viên và tìm gặp tôi để kêu tôi về. "Lúc này mày không thể về được”, anh Sơn nói. “Vì vậy nên tránh gặp Chín Sỹ." Ðể tránh gặp Chín Sỹ nên tôi đến viếng anh Chế từ sớm, đưa cho Ban Tang lễ bài thơ viếng anh rồi lánh đi. Khi trở lại nhà anh Sơn, chị Sương nói: "Không tìm được ông, Chín Sỹ giận lắm. Hắn gửi lại cho ông cái này." Ðó là công văn của Hội:
 
Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập Tự do Hạnh phúc
“Hội Văn nghệ
Kiên Giang
Số142/CV/VN

Rạch Giá, ngày 15 tháng 6 năm 1989

Kính gửi: Anh Hà Văn Thuỳ, cán bộ Hội Văn nghệ Kiên Giang
 
Từ ngày 21/4/1989, cơ quan Hội Văn nghệ đã phân công anh đi dự cuộc họp tại Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ để đối chất với các cơ quan và cá nhân có liên quan về những nội dung anh viết trong bài bút ký "Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp" đăng trên báo Văn nghệ Trung ương vừa qua. Nhưng anh đã khăng khăng không chấp hành sự phân công, không đến dự cuộc họp, lại bỏ đi từ ngày đó đến nay đã gần 2 tháng.

Hành vi của anh về việc không chấp hành sự phân công của cơ quan và tự ý bỏ nhiệm sở gần 2 tháng qua đã vi phạm nghiêm trọng quy định tổ chức kỷ luật của cơ quan và chế độ lao động của Nhà nước, gây tác hại rất lớn về tinh thần chấp hành kỷ luật và kỷ cương trong cơ quan Hội.

Ðể đảm bảo giữ nghiêm kỷ cương của cơ quan và kỷ luật lao động của Nhà nước, yêu cầu anh khẩn trương về trình diện tại cơ quan Hội. Nếu quá 7 ngày, kể từ khi đã nhận được công văn này mà anh vẫn không có mặt tại nhiệm sở, cơ quan buộc phải có những biện pháp xử lý tiếp theo một cách thoả đáng.

T.M Ban Thường vụ Hội
Chủ tịch
Lâm Nghĩa Sỹ”

Tôi biết, trong số chức sắc của Hội, Chín Sỹ là người làm hành chính khá bài bản. Công văn này để chuẩn bị cho những bước tiếp mà mục tiêu cuối cùng là đuổi việc tôi. Tôi suy nghĩ và viết thư về cơ quan:

“Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Ðộc lập Tự do Hạnh phúc
 
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26-6-1989

Kính gửi anh Chín Sỹ cùng các anh trong Hội,

Rất tiếc là tôi đã không thể dự đối chất ngày 22/4, cũng như buộc phải bỏ cơ quan, nhà cửa vợ con đi lang thang từ bấy đến nay. Tôi cũng biết việc tôi bỏ nhiệm sở đã khiến anh Chín Sỹ và các anh chị em trong cơ quan lâm vào tình trạng khó khăn phiền hà như thế nào. Nhưng rất mong các anh thông cảm. Ðối với con người, trăm thứ sợ không gì sợ bằng tính mệnh bị đe doạ. Ðã sống ở tỉnh nhà, sống với nhau nhiều năm nên chúng ta là người trong cuộc. Ðã có những lần anh Chín Sỹ viết giấy giới thiệu cho tôi vào thăm trại giam. Và tôi cũng hiểu những gì nghiệt ngã đằng sau chấn song sắt. Tôi còn nhớ bút ký “Nhân vật của tôi trước vành móng ngựa”.

Chắc các anh hiểu tâm trạng, hoàn cảnh kẻ xẩy nhà ra thất nghiệp, phải lang thang ăn nhờ ở đậu, trong lòng bối rối những nỗi buồn lo. Tôi biết các anh nóng ruột mong tôi về. Chính tôi cũng mong tới buốt ruột!

Tôi biết rằng tình thế đã đẩy tôi tới tuyệt vọng. Tôi buộc phải nhờ tới sự can thiệp của Hội Nhà báo Việt Nam. Và tôi chỉ có thể trở về khi công việc đã được làm cho sáng tỏ, có một trung gian có khả năng phân định một cách công bằng những gì là thiếu sót của tôi, những gì không phải. Tôi biết bây giờ các anh lãnh đạo còn rất giận tôi và việc tôi trở về không phải đã hết nguy hiểm. Tuy cơ quan có công văn yêu cầu tôi trình diện, nhưng tôi biết, trong chức năng quyền hạn của mình, các anh chưa đủ khả năng đảm bảo an toàn cho tính mệnh của tôi.

Một lần nữa tôi xin thất lễ với các anh là chưa về được. Tôi chỉ biết nói với các anh là tôi sẽ trở về ngay khi biết chắc không còn mối đe doạ nguy hiểm nữa. Rất mong các anh thông cảm.

Tôi cũng rất mong rằng, tuy trong hoàn cảnh thắt ngặt này, nhưng vốn là những người làm văn học, là những văn nghệ sĩ, các anh sẽ làm được những việc mà sau này lương tâm chúng ta không phải ân hận. Tôi biết rằng, cái việc chẳng hay ho này sẽ qua đi, chúng ta còn là bạn mãi mãi. Tôi cũng biết rằng hàng triệu bạn đọc cùng đồng bào Kiên Giang và cả nước đang nhìn chúng ta và cả lịch sử Kiên Giang cũng đang nhìn chúng ta!

Một lần nữa chân thành cáo lỗi với các anh.

Hẹn gặp lại.”

Gửi thư đi rồi, tôi vẫn chưa thấy yên tâm nên tìm gặp anh Ðinh Phong xin ý kiến. Anh Phong xem xong thư tôi gửi cho Chín Sỹ rồi lắc đầu: "Thế này không được, ông phải viết cái đơn xin nghỉ việc không ăn lương để sau này họ không có cớ nói ông tự ý bỏ việc." Nghe lời anh, tôi viết là thư thứ 2 gửi về cơ quan:

“Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Ðộc lập Tự do Hạnh phúc

Kính gửi:
- Thường trực Tỉnh uỷ Kiên Giang
- Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang
- Hội Văn nghệ tỉnh Kiên Giang

Ðồng kính gửi:
- Hội Nhà báo Việt Nam
- Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang

Tôi đã nhận được công văn số 142/CV-VN ngày 15 tháng 6 năm 1989, do đồng chí Lâm Nghĩa Sỹ, Chủ tịch Hội Văn nghệ Kiên Giang, ký yêu cầu tôi trở về trình diện tại cơ quan Hội Văn nghệ Kiên Giang.

Tôi xin trình bày như sau:

1. Việc tôi phải rời khỏi tỉnh từ ngày 22/4/89 là việc bắt buộc, ngoài ý muốn của tôi. Lúc đó, trước những mối đe doạ có thể nguy hiểm đến tính mạng, không còn con đường nào khác, tôi buộc phải tạm lánh đi. Tôi hy vọng rằng công việc sẽ sớm được giải quyết và tôi mau chóng trở về tiếp tục công tác. Nhưng do công việc kéo dài, tới nay cũng chưa biết chắc rằng việc đối xử của lãnh đạo tỉnh đối với tôi ra sao. Vì vậy tôi chưa dám trở về.

2. Do tình trạng công việc kéo dài như vậy, tôi xin đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh và cơ quan Hội cho phép tôi được vắng mặt thêm một thời gian nữa theo phương thức nghỉ việc riêng không ăn lương kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1989, để tôi có thời gian giải quyết công việc của mình. Khi công việc được giải quyết, tôi xin trở lại cơ quan tiếp tục công tác.

Xin kính gửi các đồng chí lời chào trân trọng.

TP Hồ Chí Minh, ngày 29/6/1989

Hà Văn Thuỳ”
 
Những ngày đầu ở Sài Gòn, tôi mượn của cháu Sơn con anh Nguyễn Duy chiếc xe đạp cũ sửa chữa qua, làm phương tiện đi lại. Trong khi tôi lang thang tìm cách giải cứu thì Ngày Nhà báo Việt Nam tới gần. Tôi viết thư kêu cứu rồi gửi anh Phương Hà. Lúc này đồng chí Tổng Biên tập báo Ðại đoàn kết vào thành phố. Tôi xin gặp ông, trình bày sự việc và đưa hồ sơ. Và đúng ngày 21/6 Ðại đoàn kết in trên trang nhất bài “Thư kêu cứu khẩn thiết của nhà báo Hà Văn Thuỳ”:

"Thành phố Hồ Chí Minh ngày 20-5-1989

Kính gửi: Ban thư ký Hội Nhà báo việt Nam (NBVN)
- Ðồng chí Tô Hoà Phó Chủ tịch Hội NBVN
- Các đồng chí uỷ viên Ban Chấp hành (BCH) Hội ở B2

Thưa các đồng chí!

Tôi là Hà Văn Thuỳ, uỷ viên BCH Hội Văn nghệ Kiên Giang, thư ký Chi hội báo Văn nghệ Kiên Giang xin trình bày việc sau:

Năm 1987 ở Kiên Giang xảy ra vụ thu hồi báo Kiên Giang số Xuân 87 và kỷ luật một số người làm báo. Dư luận cán bộ và bạn đọc trong tỉnh không đồng tình với việc làm trên. Nhưng trong hoàn cảnh lúc đó, chúng tôi đành nằm im chịu trận. Mặc dù có những chỉ thị nghị quyết về đổi mới báo chí nhưng tình hình báo chí Kiên Giang đáng lo ngại. Cụ thể như trong thời gian dài, tất cả các bài in trên báo Văn nghệ Kiên Giang đều phải thông qua Tuyên giáo duyệt. Giữa tháng 3 năm 1988, báo Lao động đưa ra công luận vụ thu hồi báo Kiên Giang. Lập tức Tỉnh uỷ chỉ thị cho báo Kiên Giang ra nhiều bài phản bác báo Lao Ðộng.

Là người trong cuộc, trước tình hình đó, tôi thấy có bổn phận phải nói sự thật trước công luận và góp phần bảo vệ đồng nghiệp. Tôi viết bút ký “Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp” gửi tới Hội Nhà báo và báo Văn nghệ. Với sự giới thiệu của đồng chí Hồng Chương, Chủ tịch Hội Nhà báo, báo Văn nghệ đã đăng bút ký trên vào số báo ngày 20-08-88.

Tỉnh uỷ Kiên Giang đã phản ứng gay gắt với bài báo trên. Không đăng lại bài của báo Văn nghệ, báo Kiên Giang ra 5 số liên tiếp phản bác bài của tôi. Ngày 23-9, theo chủ trương của Thường vụ Tỉnh uỷ, Hội Văn nghệ và báo Văn nghệ Kiên Giang tổ chức hội thảo về bài “Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp” với ý đồ chọn lọc số người dự sao cho có số đông phản đối bài báo của tôi, để trên cơ sở đó có biên bản báo cáo lên trên. Nhưng do cuộc hội thảo được tổ chức dân chủ, có hơn 50 người dự, trong đó có nhiều vị là lão thành nguyên là Thường vụ Tỉnh uỷ phụ trách Tuyên huấn và nhiều người nắm được sự thật. Trong số 22 ý kiến phát biểu, có 18 ý kiến đồng tình với nội dung bài báo. Do không đạt mục đích đề ra nên Tỉnh uỷ Kiên Giang không chấp nhận cuộc hội thảo này, không cho phổ biến nội dung hội thảo. Trong trả lời phỏng vấn của báo Văn nghệ Kiên Giang số xuân 89, đồng chí Khởi trưởng ban Tuyên giáo nói: "Bài viết của Hà Văn Thuỳ có nhiều sai sót mà tới đây cần phải kiểm điểm."

Ngày 19-4-1989 tôi nhận được giấy mời tới dự cuộc đối chất về bài báo của tôi. Tôi xin phép không tới dự bởi đối chất là công việc giữa người có lỗi và nhân chứng. Tôi không phải người có lỗi. Tôi không thể yên tâm dự một cuộc đối chất khi mà đứng ra xử lại là những người đã thu hồi báo và kỷ luật phóng viên, còn nhân chứng phần đông lại là những người ít nhiều có lời nói và việc làm tạo nên sự nghiệt ngã với báo chí. Trong cuộc đối chất như vậy, nhất định tôi sẽ bị cô lập, bị lên án trong lúc các đồng chí trung thực từng ủng hộ tôi không được tham dự.

Thực tế đã cho thấy những lo lắng của tôi là đúng. Dù vắng mặt tôi, cuộc đối chất vẫn được thực hiện. Trong số 30 người được mời dự có Bí thư, Phó bí thư, 2 Thường vụ Tỉnh uỷ, trong đó có một là Phó Giám đốc Công an tỉnh, 3 Tỉnh uỷ viên. Phần lớn còn lại là những người có chức quyền trong ngành nội chính và tư tưởng. Chỉ có 3 người là nạn nhân của đàn áp báo chí thì cả 3 người này và chỉ 3 người này nói tiếng nói khác. Bản kết luận cuộc đối chất càng bộc lộ sự áp đặt nghiệt ngã hơn.

Thưa các đồng chí! Là người có trách nhiệm trước đất nước nên tôi nhiệt tình hưởng ứng tư tưởng đổi mới của Ðại hội VI. Tôi cũng hiểu rằng, đấu tranh thực hiện dân chủ là yếu tố quyết định để đổi mới thắng lợi. Do nhiệt tình đó, tôi đã có nhiều bài bênh vực nông dân bị áp bức (như “Bông lúa nổi giận” in trong cuốn Người đàn bà quỳ, Nhà xuất bản Tác phẩm mới); tôi viết bài bênh vực đồng nghiệp bị đối xử bất công. Và bây giờ tôi trở thành nạn nhân của vụ đàn áp báo chí mới!

Tôi khẩn thiết đề nghị các đồng chí:

1. Với vai trò và trách nhiệm của những người lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam ở phía Nam, các đồng chí cử một đoàn nhà báo xuống Kiên Giang để giải quyết dứt điểm vụ thu hồi báo Xuân Kiên Giang năm 87. Cần làm rõ việc thu hồi báo đúng hay sai? Ai có trách nhiệm về những việc cụ thể đó? Và những sai đúng đó được giải quyết thế nào cho thoả đáng. Tôi thấy rằng bài viết của tôi chỉ là bài báo, có đúng và có sai. Nhưng mọi sai đúng đó chỉ được phân định khi làm rõ sai đúng của vụ thu hồi báo Xuân- đó là đối tượng mà bài báo của tôi phản ánh. Nếu có sai lầm khuyết điểm, tôi xin chịu mọi kỷ kuật. Việc Tỉnh uỷ Kiên Giang bỏ qua vụ thu hồi báo, trong khi tập trung đánh vào bài báo của tôi, là không công bằng. Tôi thấy rằng chỉ có báo chí mới làm sáng tỏ việc này và cứu tôi khỏi tình trạng bị đàn áp như hiện nay.

2. Nếu trong thời gian trước mắt không giải quyết dứt điểm vụ này, tôi sẽ dùng quyền hội viên để tới diễn đàn Ðại hội Nhà báo công bố vụ này trước công luận và yêu cầu Ðại hội giải quyết.

Rất mong các đồng chí lưu tâm giải quyết.

Xin chân thành cám ơn!”
 
Bài báo gây xúc động lớn. Thời gian này, các đài nước ngoài như BBC, RFI, VOA nhiều lần đưa tin tôi bị bắt. Sau khi báo ra ít ngày, nhà báo Phương Hà bảo: "Có hai vợ chồng nhà báo Mỹ của tờ Lao động mới tới tìm gặp anh. Nhưng tôi bảo, anh ấy là nhà văn, đang đi sáng tác ở đồng bằng sông Cửu Long." Rồi anh nói thêm, "Ðây là chuyện nội bộ, chẳng nên gặp người nước ngoài làm chi cho rối chuyện." Tôi đồng ý với cách giải quyết của anh. Tôi vẫn nói nửa đùa nửa thật: "Bị cha đánh nên mang đầu máu mét ông, không dính dấp gì tới người ngoài."

Mang đầu máu đi mét ông nên tôi tìm đến Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương, do nhà văn Trần Ðộ chủ trì. Quả thật lúc này tôi chưa hiểu được cái khó của anh Trần Ðộ và sự mong manh của cái ban này. Ðến văn phòng 2 Trung ương Ðảng ở đường Lý Chính Thắng, tôi leo lên gác 3 và gặp anh Giang Lam, chuyên viên của ban. Tôi quen anh trong lần anh về Kiên Giang tham gia hội thảo về Nguyễn Trung Trực. Tôi nói với anh rằng, đối tượng chính tôi phê bình trong bài báo là ông Ba Hương. Không làm bí thư Kiên Giang nữa, nhưng giờ ông là thứ trưởng Bộ Nội vụ và Giám đốc Công an Thành phố. Chỉ cần sơ sẩy nhỏ phát hiện ra tôi thì cũng hết sức nguy hiểm. Anh Giang Lam nói: "Về nguyên tắc, chúng tôi phải bảo vệ Tỉnh uỷ Kiên Giang. Nhưng anh là nhà văn mà tôi yêu mến nên lúc này, bất cứ điều gì xảy ra với anh không chỉ thiệt hại cho anh mà còn cho Ðảng. Trước hết phải đảm bảo an toàn cho anh đã. Chính ở đây là an toàn nhất." Sau đó anh bố trí cho tôi trong vai trò một cán bộ của Ban từ Hà Nội vào, được ở một phòng riêng, nhỏ nhưng kín đáo. Anh còn bày cho tôi cách thức hoạt động bí mật: ít chuyện trò để khỏi lộ chân tướng, thỉnh thoảng đem về vật gì đó như gói bánh, bông hoa, tặng cô phục vụ để chứng tỏ mình đi làm việc. Từ đây tôi thường đi về nhà anh Nguyễn Duy và liên hệ thường xuyên với anh Phương Hà và Ðinh Phong. Một bữa qua điện thoại anh Ðinh Phong hỏi: "Này, ông là con chị Ngọc đấy à?" Mừng quá tôi hỏi ngay: "Ðúng rồi, vậy mẹ tôi đang ở đâu?" Hôm sau anh báo mẹ nuôi tôi hẹn gặp ở Hội Nhà báo Thành phố. Sau nhiều năm gặp lại mẹ, tôi rất mừng vì bà là chỗ dựa tinh thần của tôi. Là nhà báo lão thành, bà có những mối quan hệ giúp tôi trong lúc này. Mẹ nuôi tôi sau nhiều năm về hưu sống ở Hà Nội muốn vào Sài Gòn nơi hoạt động cũ của bà. Bà chưa có nhà, đang lang thang ở đậu nhà người thân, bạn bè. Ðã đọc bài của tôi, bà hiểu và không trách cứ gì tôi.

Một bữa trước sân nhà khách T88 tôi nhận ra ông Bảy Phục. Nhìn quanh không thấy người nào quen bên ông, tôi tới gặp. Ông được Trung ương cho đi tham quan nước ngoài. Ông trao đổi với tôi tình hình Kiên Giang và dặn tôi phải bình tĩnh thận trọng, đừng làm những việc sơ xuất. Ông là lão thành cách mạng và là nhân vật tích cực trong đấu tranh chống tiêu cực ở Kiên Giang. Ông nói là Huỳnh Hoà Bình đang tìm tôi. Hôm sau Hoà Bình đến. Ngay sau khi tôi trốn, Huỳnh Hoà Bình và Mai Nhã Tú theo địa chỉ từ vợ tôi tới Biên Hoà tìm tôi nhưng không gặp. Các bạn lo cho tôi, muốn gặp để bàn bạc cách ứng phó. Sau khi trao đổi tình hình Kiên Giang và thống nhất những công việc cần làm, Hoà Bình đưa cho tôi 100.000đ. "Bọn tôi định lập một quỹ tài trợ anh em Kiên Giang đấu tranh. Anh tạm nhận chút ít này, chuyến sau lên tôi sẽ đưa nhiều hơn để anh gửi tiết kiệm xài dần và hỗ trợ những anh em khác." Nhưng rồi Hoà Bình không trở lại. Sau này tôi được biết, hôm trở về, Mai Nhã Tú nhẹ dạ nói công khai ở Hội Văn nghệ là Bình gặp và cho tôi tiền. Lập tức Hoà Bình bị đình chỉ công tác, làm kiểm điểm.

Cuối tháng 6 anh Giang Lam bảo tôi: "Sắp tới Trung ương sẽ họp Hội nghị 7 ở trong này, anh không thể ở đây được nữa." Tôi biết là tới lúc phải đi: ở đây đã gần 2 tháng, nhiều nữa người ta sinh nghi. Hơn nữa, khi họp hội nghị Trung ương, thế nào cũng có chuyện kiểm tra. Ra đi lúc này là vừa và đủ. Từ nhà khách, tôi gọi dây nói cho anh Trần Hoàng Sơn, phó giám đốc Bảo tàng Nhà Rồng, hẹn anh đón tôi ở ngã tư Lý Chính Thắng - Trần Quốc Thảo. Khoảng 5g30 chiều, anh từ cơ quan tới gặp tôi. Như trong phim trinh thám, nhìn thấy tôi, anh ghé xe bên đường, tôi lặng lẽ leo lên đệm sau chiếc xe Vespa màu xám bạc. Ghé lề đường, anh mua bọc thịt cầy. Anh Sơn, chị Sương và hai cháu gái Mai, Minh ở căn nhà trong hẻm nhỏ ngoằn ngoèo đường Chu Văn An gần ngã năm Bình Hoà, Bình Thạnh. Nghe tôi kể chuyện anh Giang Lam giấu tôi ở nhà khách Trung ương Ðảng, anh trố mắt ngạc nhiên, vẻ lo lắng, cho rằng tôi liều. "Giả dụ có cha Kiên Giang nào lên lớ quớ gặp mầy rồi phôn cho cha Ba Hương, là mầy toi đời. Nguy hiểm quá." Anh bảo tôi về nhà anh ở. "Mầy coi, nhà tao như pháo đài, có thành vây xung quanh. Cửa sắt đóng chặt, lại có con chó Lu rất dữ. Nếu có chuyện, mày lên gác quan sát. Thấy nguy, mở cửa sau tuôn ra hẻm." Hôm sau, tôi gặp anh Giang Lam báo cáo tình hình. Và một buổi chiều y hẹn, anh Hoàng Sơn đón tôi trước cửa Nhà khách T88.

Trong những ngày đầu chạy trốn, tôi lên Biên Hoà tìm Phạm Ngọc Thản, người em đồng hương thân thiết từ ngày Kiên Giang. Chuyển được từ Kiên Giang lên dạy ở trường Mỹ nghệ Biên Hoà nhưng Thản cũng chỉ vừa mới được trường phân cho một phòng ở tạm chật chội. Tôi tìm đến người cháu họ phụ trách nhà khách của Văn phòng Tỉnh uỷ thì cũng đúng thời điểm cháu bị đánh, phải chuyển công tác sang khu trồng cây nuôi cá ở Tân Vạn, gia đình chồng chất khó khăn. Tôi đến Hội Văn nghệ tìm Nguyễn Ðức Thọ, anh bạn nhà văn tôi quen từ cuối năm 1985 khi dự Hội nghị những người viết văn trẻ. Biết chuyện của tôi nhưng Thọ vẫn không tin người ta có thể bắt tôi. Tuy vậy Thọ nói: "Dù có bị đuổi khỏi biên chế nhưng anh không bị bắt là được. Trong đó nó khiếp lắm. Anh sống bằng đầu óc, chỉ một phát tiêm là óc anh đi đứt, anh thành đồ bỏ." Thọ dẫn tôi đến thăm anh em bên báo Ðồng Nai. Thời gian đó cũng trùng với dịp Trương Thanh Nhã, Tổng Biên tập mới của báo Kiên Giang dẫn đoàn nhà báo tỉnh đi thăm giao lưu Ðồng Nai. Cố nhiên Nhã không ưa gì tôi. Một mặt tiếp khách, mặt khác anh em báo chí Ðồng Nai dành cho tôi sự thông cảm. Sau này, trong Ðại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ V, nhà báo Mai Sông Bé, Chủ tịch Hội Nhà báo Ðồng Nai ủng hộ tôi nhiệt thành. Các bạn văn nghệ Ðồng Nai có sự đồng cảm chân tình với tôi. Tôi sống với gia đình Nguyễn Ðức Thọ ít ngày, gặp gỡ Khôi Vũ, Kim Chung, Vũ Xuân Hương. Trong bữa tiệc mộc tồn tiễn tôi tại chợ Tam Hiệp quây quần năm bảy anh em, anh Kim Chung nói: "Anh Thuỳ ạ, anh cứ đi đi tìm cuộc sống của mình. Người như anh tôi nghĩ cũng không đến nỗi khốn khổ. Nhưng nếu khi nào không đâu chứa chấp anh nữa, khi nào anh không còn chốn nương thân, anh cứ về đây. Anh em văn nghệ Ðồng Nai không bỏ anh đâu!" Tôi nhận từ tay anh ly rượu và nuốt vào chất đắng. Tôi như quên đi ồn ào chợ búa mà chỉ nhớ cái sâu đậm tình người. Và chính qua cái tình ấy, tôi mới thực sự nhận ra bi kịch trong hoàn cảnh của mình.

Thản đưa tôi về Sài Gòn. Không còn tiền nên Thản không dám mua vé xe đò mà đèo tôi bằng xe đạp. Hai anh em nhẩn nha đạp trên quốc lộ giữa dòng xe ngựa nườm nượp. Nghỉ lại bên đường, uống mỗi người ly nước mía cùng nhìn ráng chiều hoành tráng phủ màu tím rực lên núi Châu Thới. Thiên nhiên hùng vĩ sao và con người nhỏ bé sao! Càng nhỏ bé hơn là cái lo toan vụn vặt của kiếp người.

Về lại Sài Gòn, mẹ nuôi dẫn tôi đến Bác Tước - nhà báo lão thành Xích Ðiểu. Do cống hiến, do tuổi tác, ông quen biết nhiều nhân vật có quyền thế. Trước đây ông cùng công tác với mẹ nuôi tôi ở Sở Báo chí Trung ương. Ông mang hồ sơ của tôi tới Hội nghị Trung ương 7 (Khoá 6) trao cho ông Ðào Duy Tùng, Uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng, nói: "Tớ giờ là ông già hưu rồi, chả có quyền chức gì. Chỉ còn lại cái quý mến của anh em bạn bè. Có con người bạn bị oan nhờ đến tớ, tớ nhờ đến cậu." Tôi chờ đợi trong hy vọng. Nhưng đáp lại tôi là sự im lặng lạnh lùng.

Cuối tháng 7, Ðại hội nhà báo diễn ra ở Hà Nội. Nhiều đại biểu như chị Kim Hạnh báo Tuổi Trẻ, anh Mai Sông Bé, nhà báo Tô Hoà, nhà báo Trần Khuyến đề nghị giải quyết việc của tôi. Nhờ thế, Nghị quyết Ðại hội Nhà báo lần thứ V có đoạn: "Giao cho Ban Chấp hành khoá mới về Kiên Giang làm rõ vụ nhà báo Hà Văn Thuỳ để có biện pháp xử lý cho thoả đáng." Ðấy là thời gian cuối tháng 7 năm 1989. Một tháng sau Ðại hội, Ðoàn công tác cấp cao của Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập do anh Ðào Tùng Chủ tịch Hội làm trưởng đoàn, cùng các nhà báo Tô Hoà Tổng thư ký, Trần Khuyến, anh Hùng Uỷ viên chấp hành, được cử đi Kiên Giang. Trước khi đi Kiên Giang, Ðoàn có cuộc họp ở phòng làm việc của nhà báo Tô Hoà tại báo Sài Gòn Giải phóng. Anh Ðào Tùng chính thức làm việc với tôi: "Theo Nghị quyết Ðại hội, Ban Chấp hành cử chúng tôi đi Kiên Giang điều tra vụ việc của đồng chí. Trước khi đi chúng tôi đã báo cáo Ban Bí thư. Ban Bí thư chỉ thị phải điều tra cho đúng sự thật để báo cáo Ban Bí thư xử lý." Trong khi các anh họp, tôi được bố trí ngồi ở bàn bên cạnh để trình bày thêm khi cần. Lần đầu tiên tôi gặp anh Ðào Tùng. Anh tỏ ra thân thiện dễ gần. Trong khi các anh khác bàn về tổ chức chuyến đi thì anh cặm cụi đọc bài báo của tôi. Ðây là lần đầu anh biết đến bài “Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp”. Ðọc xong, anh quay lại tôi, nói:

“Cậu viết giỏi quá nhưng cũng đau quá. Nó đánh cậu cũng phải!”

Sau khi nhìn bao quát mấy anh em xung quanh, anh hỏi tôi: “Này, liệu nó có bắt thật không, hay hoảng lên rồi cậu chạy?”

Tôi trả lời thành thực: “Lúc đó em cũng không hiểu tình hình ra sao, không hề nghĩ tới chuyện bắt bớ. Vậy nên khi nghe anh Tư Châu bảo phải đi ngay nếu không nó bắt, lại còn giao cho Ba Yến dẫn đi, em cũng hoảng, nên đi liền.”

Anh Hùng ở Đài phát thanh Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Tư Châu bảo đi là có khả năng họ bắt thật đó!”

Anh Tô Hoà khẳng định: “Nó bắt thiệt đó. Tôi ở lâu trong này tôi biết!”

Sau này khi trở lại Rạch Giá, vợ tôi kể:

"Những ngày anh đi, em như người mất hồn. Ðêm đêm chở con đến nhà anh chị Tư Châu để hỏi tin về anh. Thấy em, chị Tư nói đùa: "Mẹ con nghiệt ngã đã đến!" Lo quá em đi xem bói về anh. Mở bộ bài ra, bà thày bói nói, cái người này làm sao mà con tù cứ ra hoài?"

Một lần ngồi tâm sự ở Hội Văn nghệ Kiên Giang, anh Ba Nhàn Chủ tịch Hội thay cho Sáu Ðộng nói: "Lúc đó tôi đang làm thư ký bên uỷ ban, Ba Dũng (Chủ tịch tỉnh Nguyễn Tấn Dũng) gặp tôi có ý thăm dò: "Chú Ba, liệu có nên bắt Hà Văn Thuỳ không?" Tôi nói: "Mấy cậu phải thận trọng, bắt Hà Văn Thuỳ sẽ om sòm lắm đó. Mà bắt thì dễ, còn thả thì khó đấy!" Mới đây khi về Kiên Giang, anh Trụ phó văn phòng Hội Văn nghệ cũng nhắc lại câu nói đó của thủ trưởng cũ của mình.

Ði Kiên Giang trở về, Anh Tô Hoà thay mặt đoàn làm việc với tôi: "Ðoàn đã làm báo cáo trình Ban Bí thư. Về nguyên tắc, không thể cho cậu xem báo cáo, nhưng tôi được giao nhiệm vụ thông báo với cậu nội dung báo cáo như sau: "Bài viết của Hà Văn Thuỳ cơ bản đúng. Những sự kiện nêu trong bài báo là có thật." Anh nói thêm: lãnh đạo Kiên Giang nhờ tôi nói với cậu là anh Thuỳ cứ việc về, không có ai bắt bớ gì anh ấy cả! Tôi biết là tới lúc này không còn bắt bớ, nhưng họ sẽ đuổi việc tôi. Tôi nói điều lo lắng đó. Anh Tô Hoà bảo: "Tôi có hỏi Ba Dũng chuyện này, nhưng Ba Dũng nói đó là việc của cơ quan Hội Văn nghệ, Tỉnh uỷ không can thiệp." Tôi hiểu là số phận tôi đã được định đoạt: họ giao cho Hội Văn nghệ buộc tôi thôi việc! Tôi nói với anh Tô Hoà điều này, anh bảo: "Cậu cứ yên tâm về thăm cô ấy và các cháu. Việc của cậu, tôi đã tính rồi: Cậu sẽ về báo tôi. Quyền hạn của tôi có thể nhận tới chuyên viên 5. Cậu chuyên viên 2 phải không? Tôi làm việc này không phải vì cậu mà vì tờ báo của tôi. Tôi muốn tăng cường chất lượng cho tờ báo của mình."

Trở về, tôi báo cáo lại với ông Mười Thơ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam. Tôi quen ông khoảng tháng 8 năm 1988 khi ông về Kiên Giang khảo sát tình hình nông dân những điểm nóng như Hòn Ðất, Vĩnh Thuận, Giồng Riềng. Tôi được nghe anh em cán bộ Kiên Giang nói nhiều về ông là người hiểu và có quan điểm mới về nông dân, mạnh dạn đấu tranh cho nông dân. Ông như một hình tượng lãnh tụ nông dân. Trong chuyến đi vào U Minh, ngồi trên xuồng, ông chăm chú đọc bút ký “Bông lúa nổi giận” của tôi vừa đăng trên báo Văn nghệ Kiên Giang. Ðọc xong, ông cười bảo tôi: "Ông này khá quá. Dám ủng hộ nông dân Nam Bộ hết mình." Chuyến đi đó với tôi thực bổ ích. Ông già Nam Bộ với kiến thức lý luận macxit sâu sắc cùng vốn thực tế phong phú dạy tôi nhiều điều về phong trào nông dân và hướng tương lai của người nông dân như kinh tế hộ, vấn đề tích tụ ruộng đất. Ngay khi chạy lên Sài Gòn, tôi đã tìm tới ông, nhưng lúc đó chính ông cũng bị cấm cố không cho tiếp xúc với nông dân. Nhưng ông còn là đại biểu Quốc hội nên không thể không để ông đi họp. Ông nói: "Hiện nay hoàn cảnh tôi còn gay hơn ông. Nhưng tháng sáu thế nào tôi cũng được tháo cũi. Lúc đó tôi sẽ làm việc với Thường vụ Hội để đưa ông về báo của tôi, phụ trách thường trực trong này."

Ðúng là tháng sáu ông ra Hà Nội họp và có bàn việc của tôi, nhưng Thường vụ Hội không chấp nhận. Trong cương vị của mình, ông để tôi làm hợp đồng với báo Nông dân Việt Nam. Nghe tôi báo cáo kết quả làm việc của đoàn Hội Nhà báo, ông bảo tôi nên về thử. Ðể chắc ăn, ông cử nhà báo Khuynh Diệp đi cùng tôi. Do báo không có công tác phí, ông lấy tiền của mình làm lộ phí cho Khuynh Diệp. Một buổi chiều đầu tháng 9 nắng hanh heo, xuống xe đò ở Rạch Sỏi, hai chúng tôi ngồi xe lôi về thị xã Rạch Giá. Trên xe tôi nhìn phố chợ Rạch Giá sau 6 tháng xa đã thành hơi lạ lẫm đang trôi trước mắt, lòng buồn se thắt. Rất may là không nhận ra nét mặt quen nào. Sau những ngày lưu đày trở về, mẹ tôi, vợ cùng các con tôi mừng lắm. Con chó Tô giống Phú Quốc màu vàng có xoắn ngựa trên lưng nhảy chồm hai chân trước lên ngực tôi. Nhưng sợ làm dơ áo chủ, con chó khôn ngoan gập hai bàn chân lại. Nhà báo Khuynh Diệp cùng gia đình tôi ăn bữa cơm tối đạm bạc rồi anh về Hội Nông dân nghỉ, đúng với nghi thức của chuyến công tác.

Những ngày tôi bỏ nhà ra đi là những ngày nặng nề đối với vợ con tôi. Lo cho chồng, nhiều buổi chiều vợ tôi đạp xe đèo cháu gái Phương Nam đến nhà anh Tư Châu thăm hỏi tình hình tôi. Mỗi khi thấy vợ con tôi, chị Tư lại cười, chọc: "Kìa, mẹ con nhà nghiệt ngã lại đến kìa!" Cũng có một vài bạn bè tôi đến thăm và an ủi. Anh Nguyễn Văn Hội người cùng quê, giáo viên trường Sư phạm tỉnh đến nhà, nhìn sau trước rồi mới dám vào. Anh dặn vợ tôi phải chú ý đề phòng người lạ vào nhà, nhỡ họ để tài liệu gì vào thì chết. Vợ tôi kể, trong thời gian tôi đi, có đợt giảm biên chế giáo viên. Anh Khoa Ðăng đến gặp chị Bí thư chi bộ trường của vợ tôi hỏi vì sao không giảm biên chế bà Cương (vợ tôi). Chị Bí thư chi bộ ậm ừ cho qua chuyện. Ít lâu sau cả hai vợ chồng anh Khoa Ðăng lại đến, hỏi: vì sao không cho bà Cương nghỉ việc? Chị Bí thư vốn lành tính không muốn mất lòng ai nhưng cũng buộc phải lên tiếng: "Tôi hỏi ông bà vì lý do gì cho cô Cương nghỉ việc? Chưa kể nó là con liệt sĩ phải ưu tiên chiếu cố thì trong công tác nó là lao động tiên tiến thì tại sao lại cho nó nghỉ?" Bà vợ ông Khoa Ðăng chống chế: "Nghe nói năm ngoái cô ấy bị bệnh phải nằm viện!" "Ðúng, năm ngoái nó bị ốm phải đi viện nhưng năm nay nó khỏi, đảm bảo ngày công thì làm sao bắt nó nghỉ?"

Nằm bên vợ, tôi lặng im không nói mà lòng thấy ghê sợ sự ti tiện của con người. Khoa với tôi cùng quê và ít ra cũng hơn 3 năm cùng làm việc tại Hội Văn nghệ Thái Bình. Trong công việc cũng như cuộc sống, chúng tôi quan hệ bình thường, không xảy ra đụng độ gì. Ấn tượng rõ nét đầu tiên của tôi với Khoa xảy ra vào khoảng 2 tháng sau khi tôi về Hội Văn nghệ, giữa năm 1973. Bữa đó, ông Nguyễn Khắc Ðàm, tổ trưởng công đoàn của phòng Bảo quản Ty Lương thực nơi tôi công tác trước, tới thăm tôi. Trong phòng tôi lúc đó có mặt vài ba anh em, trong đó có Khoa. Sau khi truyện trò chung với mọi người, ông nói nhỏ với tôi: "Sáng kiến cải tiến kỹ thuật của đằng ấy được cơ quan xét thưởng cho 100 đồng, đằng ấy được 30%, còn lại là của tập thể. Thứ Bảy này đằng ấy về liên hoan với anh em rồi lĩnh tiền một thể. Bây giờ tớ sang chào anh Bút Ngữ một tiếng." Nói xong ông sang thăm thủ trưởng của tôi là người cùng huyện với ông. Khách vừa ra khỏi phòng, Khoa vội hỏi: "Có chuyện gì mà cơ quan cũ cho người tới tìm ông thế? Chắc lại nợ nần gì?" Tôi mỉm cười không nói nhưng lòng buồn rượi: một người viết văn mà chỉ nghĩ xấu về người khác, liệu văn chương của anh ta sẽ thế nào? Ít lâu sau anh em kể cho tôi nghe một câu chuyện còn đáng buồn hơn: Hồi còn dạy cấp hai, gia đình Khoa ở một gian trong dãy nhà tập thể của trường. Trước cửa nhà, Khoa trồng được giàn mướp lên tốt. Rồi vì nguyên nhân nào đó, Khoa phải chuyển sang gian khác. Anh đã sai con sang cắt gốc mấy dây mướp đang ra trái! Cuối năm 1977, chúng tôi cùng trên chuyến tàu vào Nam. Khoa là cán bộ "tăng cường" cho cơ quan tỉnh, còn tôi là "dân kinh tế mới" trong cách nhìn rẻ rúng thời đó. Một bận vào đầu năm 1978, Khoa dẫn nhà văn Vũ Thị Thường và nhà thơ Anh Thơ đến thăm nông trường nơi tôi làm việc. Ðây sẽ là dịp may cho tôi. Nếu Khoa giới thiệu tôi với hai nhà văn, hẳn là tôi sẽ được "lên hương" chút xíu và chắc sẽ được "chú ý nâng đỡ", điều rất cần với người mới tấp tễnh vào nghề viết lách. Không làm giàu được cho nhau nhưng bạn bè có thể làm sang cho nhau trong trường hợp như vậy. Nhưng điều đó không xảy ra. Chỉ buổi trưa tranh thủ lúc nghỉ, Khoa xuống chuyện trò với tôi một lúc. Biết lòng bạn, tôi càng tự trọng nên cũng không tự trình diện trước hai nhà văn nổi tiếng. Nhiều năm sau, khi đưa mẹ nuôi tới thăm nhà thơ Anh Thơ tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi nhắc lại chuyện cũ. Bà ngạc nhiên một cách dễ thương: "Thế à, ra hôm đó cậu cũng ở đấy. Nông trường làm ăn tệ quá, chả có gì để viết cả. Giá hôm đó mà gặp câu thì hay biết mất. Biết đâu nhờ cậu mà mình viết được cái gì thú vị!"

Ðến giữa năm 79 khi nông trường giải thể, người ta định chuyển tôi về Ty lương thực theo đúng chuyên môn nhưng tôi lại xin về Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ. Những việc như thế này rất cần người giới thiệu. Tôi mang bài viết của tôi đăng trên báo Văn nghệ Trung ương và Văn nghệ Thái Bình ra mắt anh Nguyễn Văn Việt, Thường trực Ban Vận động, đồng thời nhờ nhà soạn kịch Thanh Long nói giúp. Tôi biết là không nên nhờ Khoa vì chịu ơn con người nhỏ mọn này sẽ rất mệt. Mặt khác, tôi cũng phòng xa: khó mà tin là Khoa sẽ nói tốt cho mình! Giống như người đi hỏi vợ: bà mối mà phản thùng thì ăn cám! Khi biết tôi nhờ anh Thanh Long, Khoa rất tức tối, nói với anh Việt: "Cùng cơ quan với nhau mà ông Thuỳ ông ấy không nhờ tôi lại đi nhờ ông Thanh Long!" Tôi cười nói: "Tuy anh Thanh Long ở bên Sở Văn hoá nhưng anh ấy hiểu tôi hơn!" Tháng 8 năm 1981 tổ chức Ðại hội Văn nghệ Kiên Giang. Thời gian này Khoa đang bị kỷ luật. Chuyện chẳng lớn nhưng có cơ xoá hết công lao của Khoa là một trong những người dóng dựng nên Ban Vận động. Số là Hội Văn nghệ 10 đường Tự Do ở ngay bên bến tàu Phú Quốc. Các cháu Hải quân trẻ lên bờ tìm đồng hương Thái Bình. Vợ Khoa vừa khéo lại có cô con gái đầu lòng tuổi chanh cốm nên lính ta quyến luyến lắm. Tàu còn dư dầu DO, các cháu đem lên cho gia đình Khoa. Không có thùng phi đựng dầu, Khoa liền đổ hết nước ngọt trong các chum dự trữ của cơ quan đi để đựng sau đó đem bán. Việc được báo cáo lãnh đạo và Khoa bị án kỷ luật. Ở cơ quan lúc đó tôi được "tín nhiệm" bàn về nhân sự. Tôi nói với anh Hai Huỳnh Phó Ban Tuyên huấn: "Hội đang cần người làm việc, vì phong trào chung, anh Hai nên để Khoa vào Ban chấp hành. Chuyện cũ cũng nhỏ, nên bỏ qua!" Cân nhắc một hồi, anh Hai bảo: "Do chú nói đấy nhé!" Sau này biết chuyện, Khoa đã cảm ơn tôi.

Một bữa có cô gái tới tìm tôi. Cô nói có đọc những bài viết của tôi và là bạn của người bạn tôi làm Phó Giám đốc nông trường Phú Quốc. Cô báo tin bạn tôi đang nằm nuôi muỗi trong trai giam Cầu Ván và rủ tôi cùng cô đi thăm nuôi bạn. Cô hỏi thăm về nhà văn Khoa Ðăng- từ khi cậu bé thần đồng Trần Ðăng Khoa xuất hiện, Khoa phải đổi tên thành Khoa Ðăng. Cô nói với giọng uất ức: "Nếu có dịp trả thù thì dù trả thù bằng cách đàn bà nhất em cũng làm." Rồi cô kể, mấy năm trước Khoa Ðăng ra đảo viết bài. Vốn quý nhà văn, cô giết gà mời anh rồi kể cho anh nghe hoàn cảnh của mình. Cô là con một cán bộ ở Hà Nội, mẹ chết phải ở với mẹ ghẻ, cô bị hắt hủi. Học xong lớp 10, cô xung phong vào nông trường thanh niên. Do có chuyện lấn cấn với vợ của giám đốc, cô xin ra đảo. Trước khi về đất liền, nhà văn nói với Trưởng phòng Tổ chức hành chính: "Các anh phải cảnh giác. Cô Lâm cô ấy kể là cô ấy xung phong vào xây dựng nông trường, nhưng làm gì có người tốt thế? Rất có thể cô Lâm ra đây là để vượt biên!" Viên trưởng phòng có lần bị cô làm cho bẽ mặt, rất căm cô nên chỉ cần cơ hội đó, y báo cáo tổ chức rồi làm công văn "gửi" cô cho công an. Lúc đó còn theo tác phong thời chiến, người ta sẵn sàng "gửi" người như vậy. Người bị gửi lập tức trở thành tội phạm. Bị giam cầm cùng với người vượt biên và gái mại dâm. Ngay sau khi nhà văn rời nông trường, cô bị công an tới dẫn đi! May mà cô quen biết bà má của viên huyện phó công an nên bà má giải thoát cho cô!

Trong bài “Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp”, tôi viết công an về tận Thái Bình sờ lý lịch Khoa Ðăng là với mục đích chia sẻ với anh những hoạn nạn về bài báo, nhưng không ngờ anh lại là người đầu tiên nổ súng bắn tôi. Tại sao anh lại làm như thế? Có phần chắc là do cố tật của anh luôn đố kỵ, không muốn ai hơn mình. Nhưng việc tạo sức ép - sức ép có thực, sau khi tôi ra đi, Khoa được tín nhiệm với cấp uỷ, được kết nạp đảng và đề bạt Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ- để đuổi việc vợ tôi, đẩy cả nhà tôi vào cảnh khốn nạn là một việc làm tôi không sao hiểu nổi với lương tâm một con người, hơn nữa một nhà văn. Trong vụ của vợ tôi, vợ chồng anh Khoa không thành, nhưng vợ chồng anh góp phần đuổi việc cô giáo, vợ nhà văn Phạm Thường Gia, đẩy gia đình Phạm Thường Gia vào cảnh cùng cực! Con gái tôi năm đó học lớp 9, được giải văn của tỉnh. Trong Ðại hội tuyên dương, cháu được phần thưởng, có phóng viên đài phát thanh truyền hình tỉnh đến phỏng vấn ghi hình cháu, nhưng khi biết cháu là con tôi, cuộc phỏng vấn bị bỏ.

© 2006 talawas