|
Mẫu Thượng Ngàn, tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, Nxb Phụ nữ, 2006 |
Ông Kennedy có bà Jacqueline quá xinh, nên ông thích giới thiệu thế này: “Tôi là chồng của Jackie”. Còn tôi cũng thích giới thiệu tác giả
Hồ Quý Ly và
Mẫu Thượng Ngàn thế này: tôi là bạn của Nguyễn Xuân Khánh.
Chúng tôi quen nhau trong Hội nghị những người viết văn trẻ đầu tiên năm 1959. Ông giời sau đó hình như tạo cho hai chúng tôi có điều kiện gặp nhau nhiều. Nhà tôi nằm trên đường anh từ làng Thanh Nhàn dưới ô Đống Mác về quê ở Cổ Nhuế, tiện cho anh ghé xe đạp vào chơi. Mà Khánh thì hay về quê lắm, hình như tuần nào họ nhà anh cũng có giỗ. Mỗi đám giỗ lại là một nhân vật để lúc nào đó anh kể cho tôi nghe. Tôi chẳng ngờ song cũng không ngạc nhiên khi thấy nhiều “nhân vật” ấy năm chục năm sau lại có mặt trong tiểu thuyết
Mẫu Thượng Ngàn.
Bản thảo đầu tiên đầu những năm 1960 Nguyễn Xuân Khánh đưa tôi đọc là cuốn
Làng nghèo, chừng dăm trăm trang. Đó đã là một cái làng gần đủ sức làm nền cho một câu chuyện trong chiến tranh, song ngay từ lúc ấy ấn tượng
Làng nghèo trong tôi đã là một cái
gốc văn hoá học ở Nguyễn Xuân Khánh. Tôi nhớ là trong bản thảo đó Khánh hiểu biết và tỉ mẩn mô tả cả những món ăn làm bằng thịt dơi của người dân vùng
làng nghèo. Anh mô tả tủ sách và đam mê đọc sách giữa súng đạn của anh đồn trưởng như là những hoang mang nung nấu của Nguyên Xuân Khánh về thân phận một dân tộc, về câu hỏi dân tộc đó sẽ tồn tại trong tư thế gì và rồi nó sẽ đi về đâu.
Làng nghèo làm hai chúng tôi thân nhau hơn và chung vui trong công việc văn chương, kết quả đầu tiên là những tiếng lóng. Bắt đầu từ một nhận xét của tôi:
“Cậu tả phụ nữ chán bỏ mẹ, cô nào cũng
đẹp nhất nhì trong xã”.
Khánh cười hơ hớ, cái lối cười cực kỳ hiền hậu, mắt tít lên, thừa nhận sự vụng về của mình. Từ đó, hễ cùng chứng kiến trong cuộc sống hàng ngày chỗ nào xuất hiện sự vụng về, chúng tôi đều nháy nhau “nhất nhì trong xã!”.
Một bận khác, không biết trong bản thảo của ai, có mấy đoạn triết lý rẻ tiền. Không nhớ khi đó anh nào trong chúng tôi đã buột miệng trước:
“Cái thứ triết lý này mình véo đùi một cái là có cả chục!”
Từ đó “véo đùi” cũng đồng nghĩa với triết lý rẻ tiền trong tác phẩm, áp dụng cả khi đi nghe giảng bài, đi xem hát, khi đọc sách với nhau, đoạn nào “như thế ấy” đều khiến chúng tôi nhìn nhau cười, và giọng Khánh khi đó kéo dài ra rất hay:
“Đang véo đùi… mày!”
Nguyễn Xuân Khánh rất có tài đặt biệt hiệu cho bạn bè, tinh quái nhưng nghiêm túc, và không bạn nào bị xúc phạm cả. Hoàng Tiến được Khánh gọi là “Văn Miếu di động”, con người quan trọng hoá sách vở chữ nghĩa và quá giữ lễ trong cuộc sống giản dị hàng ngày. Có khi biệt hiệu cũng chỉ cốt vui, đó là trường hợp Nguyễn Trí Tình có tên là “Tình Tang”. Nguyễn Trí Tình hoàn toàn chay tịnh, không như chuyện “Tình ơi tao hãy còn tang”, nhưng ông bạn lãng mạn vẫn thành ông Tình Tang. “Lâu không gặp thằng Tình Tang, lên thăm nó một tí đi?”. “Tết này thằng Tình Tang lại lên xe lửa đi suốt để chơi giao thừa với những người không có Tết.”
Tiếng lóng “phí một đời con gái”, có lai lịch hơi dài. Khánh và tôi cùng biết hai vợ chồng ông bà hàng nước ở số nhà xx phố Bà Triệu. Ông chồng có khuôn mặt nhăn nheo như trẻ con đẻ thiếu tháng, người nhỏ bằng một phần ba bà vợ đồ sộ. Tôi đi qua đời họ như người vô tình, còn Khánh thì không! Một hôm Khánh bảo tôi: “… bà ấy thế mà hay dằn vặt ông chồng lắm, rằng tôi lấy ông phí cả một đời con gái”. Thế rồi, một đêm kia đầu những năm 1960, hai chúng tôi đi lang thang ở Đường Thanh niên, thời đó chúng tôi hay có thói quen như vậy, đến quá nửa đêm thì Khánh bảo:
“Vô lý quá, mày! Kê ghế thế kia phí cả một đời con gái!”
Thì ra công viên mới có những bồn hoa, và những ghế đá được chở tới bị người của Công ty Công viên đặt quay lưng ra hồ, cho tiện ngắm hoa. Khánh rủ tôi hai đứa xoay ghế quay lại phía hồ nước. Một đêm ấy chúng tôi vần đủ mười ba chiếc ghế đá, cho xoay mặt ra phía hồ. Xong việc, xoa tay hể hả:
“Suýt nữa thì phí một đời con gái!”
Những ngày sau, công nhân lại đặt tiếp ghế theo hướng đã có, nhìn ra hồ như ghế bây giờ mọi người đang ngồi ấy.
Tôi khâm phục Nguyễn Xuân Khánh ở cái chí viết văn. Khi gặp khó khăn trong nghề văn, tôi thường chuồn, làm việc khác. Khánh thì khác, lậm lụi viết văn, không bao giờ bỏ của chạy lấy người. Rời khỏi tạp chí
Văn nghệ Quân đội về báo
Thiếu niên Tiền phong, Khánh rất chăm chỉ đi vào tuyến lửa miền Trung. Sau đó một tai hoạ ập đến, anh “được” về hưu non. Về làng Thanh Nhàn, anh được bầu làm bí thư chi bộ Đảng Cộng sản. Con đường lát gạch phẳng phiu, ống nước sạch dẫn vào từng nhà hồi đầu những năm 1970 có phần công lao của Nguyễn Xuân Khánh. Đến hôm có người của “cấp trên” đến đọc quyết định khai trừ Đảng thì các “đồng chí” cùng chi bộ cứ ngây người ra: họ không sao hiểu vì lý do gì một bí thư do họ bầu ra, một con người tích cực và dễ thương như vậy, mà lại bị khai trừ!
Phải ngồi nhà, anh nuôi lợn, anh làm thợ may nuôi con. Có lần Khánh cười tít mắt khoe tôi “Thằng Nội đánh nhau với trẻ con hàng xóm, bị chúng nó chửi ‘đ. m. thằng Nội con nhà Khánh thợ may’ nhé!”… Vất vả, nhưng anh không ngừng hoà vào cuộc đời những con người đáng yêu đáng thương ngay trong làng Thanh Nhàn. Bản thảo
Suối đen chính là cuộc sống trong cái làng Thanh Nhàn nằm dọc cái cống nước đen quạch chảy từ Nhà máy Rượu ra sông Lừ.
Trư cuồng là những suy tư Kinh Dịch trong những cảnh đời khác nhau của những người nuôi heo khác nhau.
Miền hoang tưởng là tiểu thuyết của sự suy tư về nghệ thuật mà đời mỗi nghệ sĩ đích thực đều như một anh Trương Chi. Cuốn
Hồ Quý Ly của anh ban đầu là bản thảo một vở kịch công phu, sau đó thành tiểu thuyết thì
Hồ Quý Ly đã kịp đến với công chúng vào thời đất nước đổi mới toàn diện. Một cuộc đổi mới như trận đau đẻ, mà bạn đọc có dịp nghiền ngẫm thực tại qua một nhân vật cách tân trong lịch sử hết sức dễ hiểu và vô cùng khó đánh giá.
Và bây giờ là
Mẫu Thượng Ngàn, một biến thể hoàn toàn mới của
Làng nghèo xưa, nhưng vào chặng đường chín chắn nhất của đời nhà văn.
Suốt mấy năm viết
Mẫu Thượng Ngàn, tuy ít gặp nhau hơn trước, nhưng hễ gặp nhau thì Khánh lại cho lọt tai tôi một bí mật. Bí mật nằm trong cái ý nghĩ lặp đi lặp lại của Khánh thế này: “Quyển này tao viết cứ gọi là tình tang từ đầu đến cuối!”. Lúc khác lại nói: “Dân tộc mình giỏi nhất hạng cái khoản tình tang…” Lúc khác nữa lại nói: “Kỳ này mình cho cả thần thánh cũng tình tang với nhau, tình tang rung cả xóm làng lên suốt đêm…” Lúc khác: “Tình tang là văn hoá…” Đôi ba lần Khánh nói to lên những luận điểm văn hoá anh gửi vào
Mẫu… mà nay bạn đọc có thể cùng suy tư trực tiếp với tác giả.
Chuyện xảy ra ở một làng trung du, nơi cao trào khởi nghĩa theo Đảng Văn thân đã bị dẹp tan; nay đã thành đồn điền Pháp như một phần của công cuộc chiếm đóng và khai thác thuộc địa.
Trong bối cảnh làng đó, các kiểu nhân vật gặp gỡ nhau: quan cai trị người Tây lãng mạn hoặc thực dụng, quan cai trị người Nam cương trực hoặc tham lam hèn yếu, người dân thuộc các tầng lớp từ phu đồn điền cho tới những người trí thức Nho học hoặc Tân học…
Ở cái làng này, con người tiếp tục cuộc sống hàng ngày, thường trực trước những vật lộn vật chất, nhưng thẳm sâu bên trong và vô cùng quan trọng lại là những vật lộn của một đời sống tinh thần đầy sức mạnh sâu rễ bền gốc. Trong cái đời sống tinh thần này, tiếng con cu cườm, mùi ngào ngạt bát canh nấm, tiếng đàn đệm cho những điệu hát văn trong đêm lên đồng, tục lệ mà như là trò chơi gọi tên là “trải ổ” của thanh niên mới lớn, và những cuộc tình không cuộc nào có biểu hiện lặp lại nhau về tính cách và nỗi khát khao trường tồn…
Nếu Nguyễn Xuânh Khánh in bản
Làng nghèo, anh sẽ có một cuốn tiểu thuyết bậc trung, hiện thực tàm tạm. Đẩy lên thành
Mẫu Thượng Ngàn, anh đã có một tiểu thuyết mang tầm khái quát văn hoá, nhân vật không còn là những thân phận riêng lẻ, mà là cả một cộng đồng. Cái tài của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là ở chỗ anh dùng gần như toàn bộ những “nhân vật” anh từng quen khi về quê ăn giỗ mỗi tuần một bận, để rồi sắp xếp họ lại trong một không gian là một cái làng vẫn như thế mà lại khác hẳn, trong một thời gian là cuộc khủng hoảng giành lại một bản sắc dân tộc.
Nguyến Xuân Khánh năm nay tuổi 74, kém tôi một tuổi, nhưng anh chững chạc hơn tôi nhiều. Chị gái tôi năm nay gần tám chục tuổi đầu, chăm chú đọc các tác phẩm Nguyễn Xuân Khánh, thích những ý kiến đúng mực của Khánh, thường mắng tôi không theo được cái chững chạc trong tư duy của Khánh. Còn Khánh thì lại bênh tôi: “Thằng này là con nít không bao giờ nghiêm túc được, nó thích gì kệ nó can thiệp làm sao được…”. Nhưng trong phác hoạ chân dung Nguyễn Xuân Khánh này, tôi mang một tâm trạng nghiêm túc từ đầu chí cuối, lạy
Mẫu Thượng Ngàn, tôi xin thề là như vậy!
Biệt thự
Thu Trang 14-7-2006
© 2006 talawas