trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
20.7.2006
Phạm Tùng Cương
Một bài học mới từ châu Âu cổ
Đỗ Kh. dịch
 
Vào lúc các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam được xem là ôn hoà và cải cách có phần trội hơn và vào lúc cụm từ "Hoà giải" đang thông dụng với các đảng phái hoặc nhóm chính trị Việt (kể cả Đảng Cộng sản Việt Nam) thì một sự kiện ở châu Âu vào tháng 5.2006, lạ thay, lại không thấy truyền thông trong cũng như ngoài nước để mắt đến. Đó là việc phát hành một cuốn sách giáo khoa về bộ môn Sử [1] lớp 12, chung cho cả hai nước Pháp và Đức vào dịp tựu trường 2006. Bộ sách này, theo yêu cầu của Tổng thống Jacques Chirac và Thủ tướng Gerhard Schröder là để mừng 40 năm Hiệp ước Hữu nghị Đức- Pháp do tướng De Gaulle và Thủ tướng Adenauer kí kết, và là công trình hợp tác giữa mươi giáo sư Pháp và Đức.

Sách giáo khoa môn Sử chung cho Pháp và Đức: Châu Âu và thế giới từ 1945. Bên trái: Bản tiếng Pháp. Bên phải: Bản tiếng Đức. Xem thêm: http://www.klett.de/projekte/geschichte/dfgb/
Ngoài mặt chính trị ra, việc xuất bản cuốn sách, tham gia vào tiến trình hoà giải giữa hai nước Pháp và Đức, đã bắt đầu có mặt từ khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt, để tìm cách mang lại cho những thế hệ trẻ của hai nước một ký ức chung cùng có thể chấp nhận về quá khứ.

Hình hài đầu tiên của tiến trình hoà giải này có ngay trong khai sinh của Cộng đồng Thép và Than châu Âu (CECA, tiền thân của Cộng đồng châu Âu hiện nay), được các nước Pháp, Cộng hoà Liên bang Đức, Bỉ, Ý, Luxembourg và Hà Lan kí kết tại Paris tháng 4.1951. Việc dẹp bỏ những trở ngại hành chánh để thông thương thép và than, hai vật liệu cơ bản trong kỹ nghệ chiến tranh, chứng tỏ Pháp và Đức cương quyết trong ý chí cộng tác và hoà giải trước hết là về mặt kinh tế, chỉ mới có sáu năm sau một cuộc chiến tàn phá và tai hại [2] .

Phần chúng ta, sáu năm sau 1975, giữa những người Việt với nhau, thì đã thấy có được gì?

Ngày lễ Memorial Day tại Hoa Kỳ, cử hành mỗi năm vào ngày 30 tháng Năm, bắt nguồn từ lễ Decoration Day lần đầu tiên vào năm 1868 (ba năm sau nội chiến ly khai Bắc Nam) khi vòng hoa được đặt lên mộ các chiến sĩ của cả hai bên ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia tại Arlington. Một quốc gia trẻ, trọng thương và cấu xé sau một cuộc nội chiến khủng khiếp dài năm năm (1861-1865) đã biết cách hàn gắn nhanh chóng và thành công rực rỡ tương lai.

31 năm sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, các nghĩa trang và các ngôi mộ của tử sĩ Việt Nam Cộng hoà giờ ở nơi đâu? Đây là một lãng quên vẫn chưa hết trào dâng.

Dù ở vị trí nào đối với lịch sử, chúng ta cũng không nên thản nhiên "trước cảnh đáng ngại do cái nhớ tràn đầy ở nơi này và cái quên đang trào quá ở nơi kia tạo ra", theo câu viết của Paul Ricoeur [3] . Chính sự lạm dụng hồi ức và quên lãng này khiến mọi phương cách hoà giải giữa người Việt đâm ra nhọc nhằn.

Bệnh ký ức là căn bệnh của người Việt chúng ta, ký ức áp đặt, ký ức đè nén, ký ức lừa đảo, ký ức cơ chế hoá. Một ký ức thổi phồng những chiến thắng đạt được và những nhục nhã phải gánh chịu, một ký ức tự mãn trong khi xoá bỏ hoàn toàn những tai ương của kẻ khác.

Chúng ta lại có khi hoàn toàn mất trí trước những bài học của lịch sử với "cái quên trào quá ở nơi kia".

Sự khoan dung giữa những dân tộc (hay những cộng đồng) quả là điều quá nhọc nhằn, trong khi nó ít khó khăn hơn giữa những cá nhân. Sự phẫn nộ của Trung Quốc gần đây về vấn đề các sách giáo khoa môn Sử của Nhật Bản cho ta thấy cung cách một quốc gia biệt đãi "cái nhớ tràn đầy" trong khi lại thao túng việc này một cách hữu dụng. Ngay đến hơn 60 năm sau các tranh chấp, những bất đồng về một quá khứ chung vẫn còn tồn tại giữa các quốc gia lớn vùng Đông Á.

Việc xuất bản sách giáo khoa môn Sử Pháp-Đức [4] , chỉ cần dưới ba năm để thực hiện (từ quyết định chính thức đến lúc sách ra mắt) là một kết quả của hoà giải Pháp-Đức thành công. "Dự án này có một tầm tượng trưng và chính trị rất lớn. Đây là lần đầu tiên trên thế giới, hai quốc gia ‘cùng viết một lịch sử chung’" theo ông Peter Muller, Đặc sứ về các vấn đề văn hoá của Cộng hoà Liên bang Đức.

Chúng ta có thể rút tỉa vài bài học từ dự án này. Hoà giải vừa là một mục tiêu vừa là một tiến trình, dài hơi, đầy đủ, sâu xa và nhiều mặt để đạt mục tiêu đó. Và hoà giải chỉ có thể xảy ra trong một môi trường dân chủ dựa trên tiền đề căn bản là không sử dụng bạo lực để quản lý các khác biệt cũng như các đối tác. Văn hoá dân chủ khuyến khích và đẩy mạnh sự tái lập của sự thật về quá khứ, cũng như các quan hệ tin cậy và tôn trọng giữa mọi bên. Một ý chí và một cái nhìn đường dài, được hỗ trợ bởi những hành động vừa có tính cách biểu tượng, thực dụng và hữu hiệu và được phổ biến rộng rãi đều cần thiết cũng như nhu cầu những phương tiện tri thức, tinh thần và vật chất.

Những lời tuyên bố không được đi kèm bởi hành động cụ thể và thích nghi, có tính cách xây dựng phù hợp với ý phát biểu và được thực hiện mạch lạc thì chỉ là những khẩu hiệu vô sinh. Ta mong rằng phần cao thượng của ký ức lịch sử sẽ khởi hứng các hành động và sẽ đẩy mạnh những con người trong hoà giải Việt Nam.

Nguồn: Dịch từ bản tiếng Pháp chưa công bố của tác giả

Bản tiếng Việt © 2006 talawas



[1]Châu Âu và thế giới từ 1945, Nathan (bản tiếng Pháp) và Klett (bản tiếng Đức)
[2]Chúng ta không quên là chỉ trong vòng 80 năm, hai nước này đã trải qua ba cuộc chiến tranh chết chóc: 1870, 1914-1918 và 1940-1945
[3]Paul Ricoeur, triết gia Pháp (1913-2005): "Je reste troublé par l’inquiétant spectacle que donne le trop de mémoire ici, le trop d’oubli ailleurs, pour ne rien dire de l’influence des commémorations et des abus de mémoire- et de l’oubli."
[4]Hai quyển kế tiếp đang được chuẩn bị cho niên học 2007 và 2008, quyển thứ nhất từ Thượng cổ đến thời Lãng mạn chủ nghĩa và quyển thứ nhì từ thế kỷ 19 đến Thế chiến thứ Hai.