trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
Loạt bài: Vấn đề chính tả
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
20.7.2006
DÅ©ng VÅ©
Vấn đề đánh dấu thanh tiếng Việt
 1   2 
 
Trên lý thuyết, ta thường nghĩ nguyên âm mới chứa thanh điệu, thế nhưng trên thực tế, khi một tiếng được phát ra, thanh điệu có tính vang lan tỏa khắp âm tiết. Ở đoạn phụ âm đầu cũng nghe được thanh điệu dù rất ít (coi như không đáng kể). Thanh điệu nghe rõ dần ở khu vực vận mẫu và đạt mức hoàn chỉnh khi quá trình phát âm toàn khối âm tiết chấm dứt. Hiện tượng lan tỏa chứng minh tính phi tuyến tính của thanh điệu (tựa như sự lan tỏa của các âm tròn môi trong toàn khối âm tiết thường thấy). Không thể nói nguyên âm nào sản sinh nhiều thanh điệu nhất ngoài tính lan tỏa ấy. Mặt khác, thanh điệu không phải là son phấn mà là yếu tố nội tại của âm tiết. Nếu đơn giản hóa vấn đề bằng cách chỉ để ý đến phần vận mẫu, ta sẽ thấy, thanh điệu còn lệ thuộc vào đoạn nguyên âm cuối. Điều này cắt nghĩa, cả hai phần nguyên âm và phụ âm cuối hợp lại thành một đơn vị âm, cùng quyết định sắc thái thanh điệu. Chính vì vậy mà đối với một tiếng đơn lập như tiếng Việt, ta không thể đơn giản cắt âm tiết ra thành từng âm đoạn riêng lẻ như các ngôn ngữ Ấn-Âu.

Hình 7: Biểu đồ mô tả 6 âm tiết "an", "án", "àn", "ản", "ãn", "ạn". Dạng F0 ở đây trông giống như F0 của "ma", "má", "mà", "mả", "mã", "mạ" (hình 5).

Mặc dầu lỗ tai bình thường không nghe được, nhưng trong khi phân tích âm, ít nhiều ta cũng nhận ra được khu vực [n] [1] với âm mũi chứa thanh điệu, chứ không riêng gì ở [a]. Thậm chí trong một số trường hợp, thanh điệu nghe được ở khu vực [n] còn rõ hơn ở [a], v.d. "án", "àn", "ãn". Xem thử hai trường hợp: "ản", "ãn" dưới đây:

Hình 8: Biểu đồ diễn tả 2 âm tiết "ản", "ãn". Chiết đoạn "ản" được chia thành 2 chiết đoạn nhỏ 1 và 2 (được đánh dấu bằng vòng tròn). Tựa vậy, chiết đoạn "ãn" cũng được chia thành 2 chiết đoạn nhỏ 3 và 4.

Vòng tròn 1 là chiết đoạn của nguyên âm "a". Nếu chỉ nghe chiết đoạn này thôi, ta sẽ nhận ra đây là âm [à], chứ không phải [a], được đánh dấu bằng [a2]. Để ý kỹ sẽ thấy đường biểu diễn F0 của chiết đoạn này chúc xuống, tần số khá thấp (trong khoảng 65-85Hz), na ná trường hợp [à] của hình 4. Đó là dạng đường biểu diễn F0 của thanh huyền.

Vòng tròn 2 là chiết đoạn của phụ âm "n". Nếu chỉ nghe chiết đoạn này thôi, ta sẽ nhận ra đây là âm mũi [n] chứa thanh hỏi, được đánh dấu bằng [n3]. Đường biểu diễn F0 hơi chúc xuống rồi vút lên diễn tả thanh hỏi.

Tuy nhiên, kết quả thực tế cho thấy, ta chỉ nghe được âm tiết "ản" (với thanh hỏi) một cách hoàn chỉnh nếu đừng tách nó ra làm hai chiết đoạn.

Vòng tròn 3 là chiết đoạn của nguyên âm "a". Nếu chỉ nghe chiết đoạn này thôi, ta sẽ nhận ra đây là âm có chút ít thanh huyền [à], chứ không phải [ã]. Đường biểu diễn F0 hơi chúc xuống nhưng tần số không thấp lắm (trong khoảng 80-100 Hz), gần như biểu diễn thanh huyền.

Vòng tròn 4 là chiết đoạn của phụ âm "n". Nếu chỉ nghe chiết đoạn này thôi, ta sẽ nhận ra đây là âm mũi [n] chứa thanh sắc, được đánh dấu bằng [n1]. Đường biểu diễn F0 vút lên cao.

Tuy nhiên, kết quả thực tế cũng cho thấy, ta chỉ nghe được âm tiết "ãn" (với thanh ngã) một cách hoàn chỉnh nếu đừng tách nó ra làm hai chiết đoạn.

Vậy, để diễn tả thanh điệu cho khá chính xác, đúng ra phải đánh dấu thanh lên toàn vận mẫu ("ãn"), chứ không riêng gì đoạn nguyên âm ("a"):



Thế nhưng không được, bởi dùng bàn phím (máy đánh chữ, máy tính), ta không thể bỏ một dấu "~" lên hai ký tự "a" và "n". Bởi điều kiện không cho phép, bắt buộc ta phải quy ước là bỏ dấu lên một ký tự nào đó mà hợp lý nhất là nguyên âm "a".

Thậm chí có trường hợp, thanh điệu nghe được khá hoàn chỉnh ở đoạn phụ âm cuối, chứ không phải ở đoạn nguyên âm. V.d. ở "ản", thanh hỏi nghe rõ nhất ở vùng [n], chứ không phải ở vùng [a] (xin xem hình 8). Vậy, hợp lý nhất là phải đánh dấu thanh hỏi lên "n" thay vì "a":




Nếu đã cải cách, tại sao người cải cách không nghĩ luôn đến cách đánh dấu thanh như vậy ? Hoặc:



Mức độ nhận diện thanh còn tùy thuộc vào đoạn phụ âm cuối ngắn hay dài. Cùng phát âm hai âm tiết "án", "át"; "n" là phụ âm dài hơn "t", thanh sắc ở khu vực [t] nghe rõ hơn ở khu vực [a], trong khi đó thanh sắc của trường hợp "án" hầu như bao trùm cả âm tiết. Giống trường hợp "ản" "ãn", lẽ ra ta phải nghi chú thanh điệu của "án", "át" như sau:



Đó là những khám phá thú vị mà xưa nay chúng ta không biết.

Lý do chúng ta không biết thường là hoặc tin vào cảm xúc mà tưởng vậy, hoặc thiếu điều kiện khảo sát. Không nhận diện rõ dữ kiện thường dẫn đến nhận thức thiếu đúng đắn. Nhiều khi ngay đến một điểm cơ bản mà có người nghiên cứu cũng còn quên: tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn âm tiết, chứ không phải đa âm tiết. Một ví dụ chứng minh:

Mỗi âm tiết trong tiếng Việt là một tiếng duy nhất và không có cách gì nhấn mạnh thanh điệu lên tiếng nào khác ngoài nó, cho dù nó có chứa nhiều nguyên âm nằm sát nhau đi chăng nữa. Người Việt phát âm chữ "Thúy" một lèo thành một tiếng [thúy] duy nhất. Nếu nhấn mạnh thanh sắc (') tại [y], chuỗi âm sẽ bị kéo dài và rời rạc ngay. Làm như thế là chẻ tiếng [thúy] ra thành hai âm tiết [thu], [ý], và vô tình biến "Thúy" thành một từ đa âm tiết. Xem hình 9 bên dưới.

Hình 9: Biểu đồ mô tả 2 lối đọc "thúy" và "thuý". Toàn khối âm tiết "Thúy" ([thu1y]) bên trái chứa thanh sắc rất rõ. Ở trường hợp sau ([thuy1]), cách phát âm nhấn mạnh thanh sắc vào "y" khiến "Thúy" bị chẻ ra thành hai âm tiết: "thu" ([thu]) không có thanh điệu, còn "y" ([y1]) thì chứa thanh sắc. Kết quả này hoàn toàn phi thực tế đối với tiếng Việt.

Thử nghĩ mai sau Việt Nam cũng có tham vọng ứng dụng trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence) để chế tạo một cái máy hiểu tiếng Việt, thì các nhà khoa học sẽ gặp khó khăn thế nào? Phải cất vào băng dữ liệu của máy âm mẫu (sound pattern) nào, [thúy] hay [thu][ý]? Chắc chắn người Việt không chấp nhận cách phát âm [thu][ý]. Vậy, chỉ còn cách chọn [thúy] làm âm tiết chuẩn, và như thế là trái ý người đã đẻ ra lối đọc [thu][ý].

Còn vô số trường hợp tương tự vậy.

Có ý kiến cho rằng, bởi "u" trong "Thúy" là bán nguyên âm, mà thanh điệu chỉ có giá trị cho nguyên âm, cho nên phải đánh dấu thanh lên "y" thì mới đúng.

Thiết nghĩ, đây lại là một nhận xét thuần cảm tính. Ta xem thử một trường hợp giống vậy bên dưới, ở đó "o" đóng vai trò bán nguyên âm của "hóa", "hòa":

Hình 10: Biểu đồ diễn tả 4 âm tiết theo thứ tự "háo", "hóa", "hào", "hòa".

Thanh sắc, huyền đều tận cùng với cường độ lớn nhất [2] vào lúc phát âm xong các âm cuối: "o", "a". Dạng chuyển động F0 của "háo", "hóa", "hào", "hòa" đều giống nhau, bất kể "o" đóng vai trò gì, nguyên âm hay bán nguyên âm. Cho nên đừng nghĩ, âm tiết nào chứa bán nguyên âm, thanh điệu sẽ không nằm ở đó mà ở nguyên âm để mà phải đánh dấu thanh nơi đó. Hình trên còn cho thấy đỉnh âm tiết nằm ở khu vực [a] trong âm tiết "háo"/"hào", và ở [o] trong âm tiết "hóa"/"hòa". Đỉnh âm tiết độc lập với tần số cơ bản F0.

Thế thì tại sao lại có đề nghị không đánh dấu thanh lên bán nguyên âm mà chỉ đánh lên nguyên âm như thể nơi có đỉnh âm đó chứa nhiều thanh điệu nhất? Có lẽ nguyên do xuất phát từ sự ngộ nhận của giới muốn cải cách; họ lẫn lộn trọng âm (stress) của ngôn ngữ đa âm tiết với trọng âm của ngôn ngữ đơn âm tiết.

Hiểu theo giới ngữ âm học Tây phương, trọng âm là một tiếng được nhấn mạnh so với những tiếng khác trong cùng một chuỗi tiếng. Ví dụ, "America" là một từ đa âm tiết, khi được phát âm, ta sẽ nghe được một chuỗi gồm 4 tiếng [ə], [me], [ri], [kə]. Trong chuỗi tiếng này, [me] là tiếng được nhấn mạnh, thường gọi là chỗ được nhấn giọng (accented), nơi có đỉnh âm cao nhất. Theo lối phiên âm ngữ âm (phonetic transcription), tiếng được nhấn mạnh sẽ được ghi chú bằng một dấu sắc (') ngay phía trước: /ə'merikə/.

Nếu tiếng Việt cũng là một ngôn ngữ đa âm tiết như tiếng Anh, thì trong nội bộ một từ đơn giả sử có chỗ cần nhấn giọng, nó cũng sẽ được ghi chú bằng một dấu sắc tựa vậy. Thế nhưng trường hợp này không xảy ra vì tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn âm tiết. Mỗi chữ riêng lẻ của tiếng Việt ghi lại một âm tiết duy nhất không có trọng âm. Trọng âm chỉ nghe được trong một câu, ngữ đoạn, từ ghép, hay nói chung là ở một cấu trúc ngữ pháp chứa nhiều chữ. "Anh khỏe không" là một câu gồm 3 chữ "anh", "khỏe", "không". V.d. "khỏe" là một tiếng có trọng âm; toàn khối âm [khỏe] sẽ được nhấn mạnh, chứ không riêng gì [e] để mà phải đánh dấu hỏi lên đó thành "khoẻ" ([kho][ẻ]) [3] .

Ý tưởng tách âm tiết tiếng Việt có lẽ còn xuất phát từ một phương cách dạy người ngoại quốc đánh vần tiếng Việt. "Nguyễn" được phát âm chậm thành [Ngu][yễn]. Thanh ngã được nhấn mạnh ở đoạn "yễn". Hậu quả là người học cứ tưởng trọng âm nằm ngay đó, mặc dù một chữ đứng một mình của tiếng Việt không bao giờ có trọng âm. Đó là vấn đề. Ngoài ra còn có một điểm khác mà ít ai để ý là trọng âm còn là một yếu tố quyết định ngữ pháp tiếng Việt trong khi nói. Nó không được hiểu sai hoặc lạm dụng cho mục đích phát âm từng tiếng riêng lẻ. Từng tiếng riêng lẻ không phải là một cấu trúc ngữ pháp.

Đồng ý rằng, phương cách tách âm có thể giúp người ngoại quốc dễ phát âm một tiếng của tiếng Việt hơn, song nên nhớ, đó chỉ là một phương cách giảng dạy có tính thực dụng. Đã biết đọc chữ "Nguyễn", người ngoại quốc phải biết, người Việt sẽ phát âm một lèo thành [nguyễn] thay vì rời rạc như [ngu][yễn]; người Việt không nhấn mạnh thanh ngã (~) ở [yễn]. Nhấn mạnh như thế, âm tiết [nguyễn] sẽ bị chẻ làm hai âm tiết [ngu][yễn] (như đã chứng minh ở hình 9). Đó không phải là tiếng Việt.


Quy tắc đánh dấu thanh

Trên lý thuyết, để xác định cách đánh dấu thanh cho chính xác, có lẽ không có cách nào khác là phải khảo sát tất cả chữ tồn tại trong kho tàng từ vựng tiếng Việt theo cách thức vừa làm. Thế nhưng biện pháp này hoàn toàn không thực tế, cho nên ta chỉ có thể xem cách đánh dấu thanh như một quy ước, mà trước giờ là vậy: Mục đích đánh dấu thanh chỉ là cho biết một chữ có thanh điệu gì, ngoài ra không ghi chú thêm gì khác.

Tính cách của quy tắc đánh dấu thanh truyền thống là:

  • Chỉ chú ý đến vận mẫu. Điều này hợp lý vì thanh điệu nghe rõ nhất ở khu vực này (kết quả thử nghiệm cũng chứng minh được điều ấy). Tuy nhiên dấu thanh chỉ được đặt lên nguyên âm để biểu thị thanh điệu cho toàn vận mẫu cũng như âm tiết.

  • Không kể trường hợp nguyên âm chứa dấu mũ, dấu ngoắc như Ă, Â, Ê, Ô, Ơ, Ư, dấu thanh có khuynh hướng được đặt lên một nguyên âm sao cho đoạn nguyên âm + đoạn phu âm cuối được cân xứng (một cách tương đối): "oại", "oáy", "oáo", "oẻo", "oàn", "oạt", "oạch", ... Nếu chỉ có hai nguyên âm và không có đoạn phụ âm cuối, dấu thanh sẽ được đặt lên nguyên âm thứ nhất để biểu thị thanh điệu cho cả hai (vì không thể đánh dấu chính giữa hai mẫu tự). V.d.: "óa", "áo", "ủy", "ẻo", "ỏe", ...
Vài trường hợp đặc biệt:

  • "qu" giữ chức năng phụ âm, nên "u" ở đây không được kể là một nguyên âm.

  • "gi" giữ chức năng phụ âm, nếu có một nguyên âm theo sau, còn không, "i" đóng vai nguyên âm và có thể mang dấu thanh (như "gì", "gỉ", "gìn").

Quy tắc truyền thống

Cách đánh dấu thanh truyền thống chỉ gồm 2 quy tắc. Cách sử dụng rất đơn giản: trước nhất xem quy tắc 1 có dùng được không, nếu không thì dùng quy tắc 2.

Quy tắc 1: Gặp một chữ có 1 nguyên âm chứa dấu mũ, dấu ngoắc như Ă, Â, Ê, Ô, Ơ, Ư, thì đánh dấu lên đó. V.d.: "Tuấn", "tập", "viết". Nếu có hai (như ƯƠ), thì đánh dấu lên nguyên âm sau (Ơ). V.d.: "đường", "được".

Quy tắc 2: Gặp một chữ có phụ âm cuối, thì đánh dấu lên nguyên âm chót. V.d.: "hoàng", "hoạt", "toán", "coóng". Nếu không có thì đánh dấu lên nguyên âm áp chót. V.d.: "họa", "hòe", "hủy". (Dĩ nhiên gặp một chữ chỉ có một nguyên âm thì chỉ còn cách là đánh dấu lên nguyên âm đó thôi. V.d.: "gọn", "quá").

Quy tắc cải cách của Vũ Xuân Lương, Hoàng Phê

Vũ Xuân Lương, Hoàng Phê liệt kê ra 5 quy tắc (trích nguyên văn từ [2]):

Quy tắc 1: Với những âm tiết chỉ có một con chữ nguyên âm, thì dấu thanh được đặt vào con chữ nguyên âm đó. V.d.:

á à, ì ạch, ọ ẹ, ủ rũ, ọp ẹp, ục ịch, hà, lán, giá, giục, quả, quỹ, quỵt... (trường hợp gi qu: Tổ hợp con chữ phụ âm là những tổ hợp hai hoặc ba con chữ phụ âm, dùng để viết một phụ âm: ch, gh, kh, ng, ngh, nh, ph, th, tr, gi, qu. )

Quy tắc 2: Với những âm tiết, mà trong âm tiết đó chỉ cần có một con chữ nguyên âm mang dấu phụ (Ă, Â, Ê, Ô, Ơ, Ư) và không kể kết thúc bằng con chữ gì, thì dấu thanh bao giờ cũng đặt ở con chữ đó (riêng ƯƠ, dấu đặt ở Ơ). V.d:

ế ẩm, ồ ề, ở rể, ứ ừ, chiền chiện, cuội, cừu, duệ, duềnh, giội, giường, ngoằng, quyệt, ruỗng, rượu, siết, suyển, tuẫn tiết, tiến triển...

Quy tắc 3: Với những âm tiết có hai con chữ nguyên âm và kết thúc bằng một con chữ phụ âm hoặc tổ hợp con chữ phụ âm, thì dấu thanh được đặt vào con chữ nguyên âm chót. V.d:

choàng, hoạch, loét, quẹt, suýt, thoát, xoèn xoẹt...

Quy tắc 4: Với những âm tiết kết thúc bằng oa, oe, uy, dấu thanh được đặt vào con chữ nguyên âm chót. V.d:

hoạ, hoè, huỷ, loà xoà, loé, suý, thuỷ...

Quy tắc 5: Với những âm tiết kết thúc bằng hai hay ba con chữ nguyên âm khác với oa, oe, uy, thì dấu thanh được đặt vào con chữ nguyên âm áp chót. V.d:

bài, bảy, chĩa, chịu, của, đào hào, giúi, hoại, mía, ngoáy, ngoáo, quạu, quẹo, ngoẻo, chịu, chĩa...

Quy tắc cải cách Đoàn Xuân Kiên

Đoàn Xuân Kiên viết (trích nguyên văn từ [3]):

Tóm lại, dấu thanh tiếng Việt có nguyên tắc viết rất nhất quán khi viết ra bằng chữ Quốc ngữ, và có thể tóm tắt như sau:

(1) Dấu thanh đặt trên thành phần âm chính cuả âm tiết khi viết;
(2) Thành phần âm chính cuả âm tiết có thể là:

  • một nguyên âm đơn: dấu thanh đặt trên nguyên âm;
  • một nguyên âm kép: dấu thanh đặt trên nguyên âm thứ nhì"
Tác giả giải thích thêm:

"Trong kết cấu âm tiết kiểu âm chính + /u/, /o/, /i/, /y/ này, thành phần âm chính có thể gồm một nguyên âm đơn hay một nguyên âm kép. Kết hợp sẽ như sau:

  • một nguyên âm + /u/, /o/, /i/, /y/: màu, sáo, nhài, lủi, vẩy
  • một nguyên âm kép + /u/, /o/, /i/, /y/: khuỷu, ngoéo, muối, nguẩy


Nhận xét về các quy tắc cải cách trên

Quy tắc cải cách của Vũ Xuân Lương, Hoàng Phê

Thật ra quy tắc cải cách của Vũ Xuân Lương, Hoàng Phê là sự mở rộng quy tắc truyền thống, cụ thể là phải để ý đến các trường hợp "oa", "oe", "uy".

Vũ Xuân Lương nhận xét:

"cho đến nay, chỉ tồn tại sự không nhất trí với các tổ hợp oa, oe, ua, ue, uy. Chẳng hạn viết HỌA, HÒE, HỦY, QỦA, QỦE, QÚY, hay HOẠ, HOÈ, HUỶ, QUẢ, QUẺ, QUÝ?", từ đó đưa ra quy tắc: "Với những âm tiết kết thúc bằng oa, oe, uy, dấu thanh được đặt vào con chữ nguyên âm chót. V.d: hoạ, hoè, huỷ, loà xoà, loé, suý, thuỷ..."

Tác giả giải thích:

" ...
  • Trong tiếng Việt, các con chữ O và U được dùng không phải chỉ để viết các nguyên âm ou, mà còn để viết một bán nguyên âm (còn gọi là bán phụ âm) w trong một số trường hợp nhất định như: oa (wa), oe (we), uy (wi), qua (kwa), que (kwe), quy (kwi) (c, q, k phiên âm quốc tế đều là /k/), v.v... Có nghĩa là âm w trong các tổ hợp nói trên thật ra không thuộc thành phần nguyên âm của âm tiết, nguyên âm ở đây là a, e, i (viết bằng Y).

  • Theo quy tắc 1, dấu thanh đánh trên con chữ viết nguyên âm; vậy viết HOẠ, HOÈ, HUỶ, QUẢ, QUẺ, QUÝ là hợp quy tắc (giống như viết HẠ, HÈ, KỸ, CẢ, KẺ), nên coi đó là chuẩn, thống nhất với các trường hợp tương tự khác như NGOAN NGOÃN, KHOÁNG ĐẠT, NGÚNG NGUẨY... (không ai viết NGOAN NGÕAN, KHÓANG ĐẠT, NGÚNG NGỦÂY...). Việc bỏ dấu thanh trên O và U trong những tổ hợp này là kết quả của một sự nhầm lẫn, cho rằng O và U ở đây viết các nguyên âm ou. "
Chúng ta biết, cách phát âm của 2 trường hợp "quả" và "của" khác nhau. Xét về mặt âm vị học (cổ điển) Tây phương, "q" giống "c", cũng có cùng âm vị /k/, chỉ khác ở chỗ là "q" không thể đứng một mình để giữ chức năng như một phụ âm mà phải kết hợp với "u". Đối với hầu hết ngôn ngữ lấy mẫu tự La tinh làm chữ viết, "qu" mới được xem là yếu tố phụ âm. Từ khi chữ viết tiếng Việt được La tinh hóa, nó cũng chấp nhận trường hợp ngoại lệ này.

Do thấy cách đọc "hóa" cùng vần với "quá", giới cải cách cho rằng dấu sắc cũng phải được dời về "a" cho thống nhất với trường hợp "quá", thành ra "hoá". Đối với trường hợp gần như cùng vần với "quá", "hoá" như "đá", "há", ... , dấu thanh cũng được đánh lên "a". Người ta nghĩ vậy là thống nhất. Ngoài ra, càng hợp lý nữa khi những trường hợp như "hoá" được gắn thêm phụ âm ở đằng sau, v.d. "n", dấu thanh vẫn nằm trên "a": "hoán", "toán", v.v. Vậy là hoàn hảo.

Từ sự quan sát về tính đồng vận mẫu/gần như đồng vận mẫu (tức cùng vần/gần như đồng vần) như trên, người ta tìm cách giải thích bằng cách lập luận, "u" theo sau "q" là bán nguyên âm, chứ không phải nguyên âm, và tựa vậy, "o", "u" cũng không phải là nguyên âm như đã nhầm lẫn mà là bán nguyên âm. Nếu vậy, có nghĩa "u" là bán nguyên âm theo sau các trường hợp phụ âm như "b", "c", "ch", "d", "đ", "g", "gi", "h", "kh", "l", "m", "ng", "nh", "n", "ph", "r", "s", "th", "t", "tr", "v", "x" ngoại trừ "k", "p", "gh", "ngh". "O" cũng giống vậy ngoại trừ "c".

Sự cải cách của Vũ Xuân Lương, Hoàng Phê tưởng chừng không nhiều và vô hại nhưng trên thực tế đã vô tình làm vấn đề nở rộng và trở nên phức tạp.

Nếu đưa yếu tố bán phụ âm vào mà giải thích cấu trúc âm tiết tiếng Việt, ta sẽ có thêm 43 trường hợp:

  • 21 trường hợp phụ âm ngoại lệ khác chứa "o": "bo", "cho", "do", "đo", "go", "gio", "ho", "kho", "lo", "mo", "ngo", "nho", "no", "pho", "ro", "so", "tho", "to", "tro", "vo", "xo".

  • 22 trường hợp phụ âm ngoại lệ khác chứa "u": "bu", "cu", "chu", "du", "đu", "gu", "giu", "hu", "khu", "lu", "mu", "ngu", "nhu", "nu", "phu", "ru", "su", "thu", "tu", "tru", "vu", "xu".
Xưa nay người Việt chỉ cần nhớ "qu" và "gi" là hai trường hợp phụ âm ngoại lệ duy nhất có chứa mẫu tự nguyên âm, nay phải nhớ thêm 43 trường hợp nữa.

Sự lý luận đã làm vấn đề trở nên phức tạp, thế nhưng không nguy hiểm, bởi đó không phải là ý tưởng cải cách mà chỉ là sự giải thích cái ý tưởng ấy dựa trên yếu tố bán phụ âm. Cái nguy hiểm nằm ở ý tưởng cải cách: thống nhất cách đánh dấu thanh do thấy âm tiết được đọc cùng vần/gần như cùng vần (tức có cấu trúc đồng vận mẫu/gần như đồng vận mẫu). Chẳng hạn, "quá"/"há" (gần như) cùng vần với "hoá"; dấu sắc được đánh lên "a". "Què"/"hè" (gần như) cùng vần với "hoè"; dấu sắc được đánh trên "e". "Quý"/"tí" gần như cùng vần với "Thuý"; dấu sắc được đánh trên "y", "i". V.v.

Thế nhưng, liệu sự thống nhất hóa của Vũ Xuân Lương và Hoàng Phê có hoàn hảo không ? Có thể trả lời ngay là không. Thử xem một phân tích dưới đây.

Tương tự "quá", "há", "hoá", "què", "hè", "hoè", "quý", "tí", "Thuý", hai chữ "múi", "muối" cũng thuộc loại đồng vận mẫu/gần như đồng vận mẫu. Xưa nay, dấu sắc của "múi" được đánh lên "u", còn của "muối" được đánh lên "ô". Nay nếu theo ý tưởng cải cách trên, dấu sắc của "muối" cũng phải được đánh lên "u" cho thống nhất, thành ra "múôi". Theo quy tắc 1, những nguyên âm chứa dấu mũ, dấu ngoắc như Ă, Â, Ê, Ô, Ơ, Ư sẽ được ưu tiên đánh dấu thanh. Quy tắc này tuyệt đối ổn định và vẫn còn giá trị. Thế nhưng sự thống nhất hóa cách đánh dấu thanh những âm tiết đồng vận mẫu/gần như đồng vận mẫu sẽ làm quy tắc 1 bị tổn thương nặng nề. Tương tự "múi - muối", các ví dụ khác như "của - thuở", "chín - chiến", "ỉm - yểm", "lịm - tiệm", "níu - kiếu", "tít - tiết", "tụt - tuột" cũng sẽ được thống nhất hóa cách đánh dấu thanh, thành "của - thủơ", "chín - chíên", "ỉm - ỷêm", "lịm - tịêm", "níu - kíêu", "tít - tíêt", "tụt - tụôt". Trong kho tàng từ vựng tiếng Việt còn vô số trường hợp này.

Nói tóm lại, với ý tưởng thống nhất cách đánh dấu thanh những âm tiết đồng vận mẫu/gần như đồng vận mẫu, chỉ cần quy tắc 1 bị tổn thương cũng đủ làm cả hệ thống quy ước đánh dấu thanh tiếng Việt bị xáo trộn hoàn toàn.


Quy tắc cải cách của Đoàn Xuân Kiên

Ý tưởng cải cách của Đoàn Xuân Kiên cũng giống như của Vũ Xuân Lương và Hoàng Phê là xác định nguyên âm đáng được đánh dấu nhất, tác giả gọi là thành phần âm chính. Điểm khác biệt là trong khi Vũ Xuân Lương và Hoàng Phê chỉ giới hạn trong vài ba trường hợp "oa", "oe", "uy", thì thành phần âm chính của Đoàn Xuân Kiên bao gồm rất nhiều trường hợp (xin xem giải thích của tác giả bên trên cũng như chi tiết trong [3]). Đoàn Xuân Kiên đã có những cố gắng tích cực trong việc dùng ngữ âm học để phân tích vấn đề và nhận định kết quả. Tuy vậy, có những điểm cần được thảo luận.

Trong khi khảo sát, Đoàn Xuân Kiên nhận định:

"Thanh có tính vang phụ thuộc vào tính cách cuả các nguyên âm trong âm tiết. Cùng ở bậc thanh cao nhất (thanh sắc), nhưng thanh sắc cuả nguyên âm /u/ khác với thanh sắc trong nguyên âm /ê/."
Thật ra thanh sắc không hẳn là thanh cao nhất. Các thử nghiệm của ngữ âm học thanh học đã chứng minh, thanh ngã cũng có thể là thanh có điểm tận cùng F0 cao nhất (xin xem hình 4, 5, 7). Cả nhận định "thanh sắc cuả nguyên âm /u/ khác với thanh sắc trong nguyên âm /ê/" cũng không rõ ràng. Không hiểu ý tác giả muốn nói về sự khác biệt nào. Kết quả khảo sát cho thấy không có sự khác biệt về thanh sắc giữa hai trường hợp. Xem hình 11 bên dưới:

Hình 11: Biểu đồ diễn tả F0 (thanh sắc) của 4 âm tiết theo thứ tự "ú", "ế", "ế", "ú" đều giống nhau.

Theo Đoàn Xuân Kiên, vấn đề đánh dấu thanh nguyên âm kép là trường hợp đáng bàn. Tác giả giải thích:

"Các nguyên âm kép trượt tăng dần cuả tiếng Việt đều có tính cách chung là âm tiết mang chúng có hai đỉnh, trong đó đỉnh thứ nhì [ ở chỗ nguyên âm thứ nhì ] cao

Hình 3: nguyên âm kép tiếng Việt có hai đỉnh cao về âm lượng (Phạm et al. 1998)

hơn và là đỉnh cao cuả âm tiết (Hình 3). Nguyên âm thứ nhì này sẽ là yếu tố cảm nhiễm thanh mạnh hơn (DV nhấn mạnh) trong bộ phận âm chính cuả âm tiết. Vì thế, đồ vị thanh được ghi trên các đồ vị ghi âm vị mạnh cuả âm tiết: tuý luý, kià, huề, quế, hoè, quẽ, khoẻ, ngoẻo, quở, muá, quấn, khoá, thưả... [] ... ta biết rằng trong nguyên âm kép tiếng Việt, yếu tố nguyên âm thứ nhì luôn luôn mạnh hơn, làm thành đỉnh cao cuả âm tiết. Điều này dẫn đến quy tắc viết dấu thanh tiếng Việt, trong các tiếng có nguyên âm kép, như sau: dấu thanh luôn luôn đặt trên các nguyên âm đứng sau. Không có ngoại lệ." [4]

Nhận xét nguyên âm có đỉnh cao nhất, cụ thể là nguyên âm thứ nhì, là yếu tố cảm nhiễm thanh mạnh hơn (DV nhấn mạnh) của Đoàn Xuân Kiên thực ra không đúng. Nói về đỉnh âm (peak) nghĩa là nói về cường độ phát âm (loudness) trong hình sóng (waveform).Thanh điệu được biểu diễn bằng F0 độc lập với đỉnh âm. Theo kết quả thử nghiệm, ở vị trí những nguyên âm càng nằm phía sau, thanh điệu càng hoàn chỉnh. Điều này có thể thấy qua đường biểu diễn F0 dần dần kết thúc theo thời gian phát âm một âm tiết. Có lẽ do ngộ nhận đỉnh âm tiết (peak của hình sóng) với thanh độ (pitch của F0), Đoàn Xuân Kiên nghĩ, thanh điệu hiện rõ nhất tại đỉnh âm tiết, cho nên phải đánh dấu thanh lên đó, cụ thể là nguyên âm thứ nhì như tác giả đề nghị (tuý luý, kià, huề, quế, hoè, quẽ, khoẻ, ngoẻo, quở, muá, quấn, khoá, thưả...). Nếu xem lại hình 8, ta sẽ thấy "ãn" chứa nguyên âm "a", nơi có đỉnh âm tiết, nhưng thanh ngã hiện đều suốt thời gian phát âm "a" và "n", thậm chí ở trường hợp "ản", thanh hỏi xuất hiện rõ ở âm mũi [n]. Hoặc xem hình 10, ta sẽ thấy đỉnh âm tiết xuất hiện ở nguyên âm thứ nhất, tức "o" (trong "hóa", "hòa"), chứ không phải ở "a". Vậy, theo cách của Đoàn Xuân Kiên, dấu thanh phải được đánh lên "o", tức nguyên âm thứ nhất. Nhưng điều này sẽ mâu thuẫn với ý tác tác giả, bởi ở các trường hợp tương tự mà tác giả lấy làm ví dụ (tuý luý, kià, huề, quế, hoè, quẽ, khoẻ, ngoẻo, quở, muá, quấn, khoá, thưả...), dấu thanh được đánh lên nguyên âm thứ nhì.

Nhận xét chung, đề nghị cải cách của Đoàn Xuân Kiên còn rộng hơn của Vũ Xuân Lương và Hoàng Phê. Không những quy tắc 1 bị triệt tiêu hoàn toàn mà hầu hết mọi quy tắc truyền thống khác cũng không còn giá trị.


Lời cuối

Như đã biết, khi một tiếng được phát ra, trong nhiều trường hợp, ở đoạn phụ âm đầu cũng nghe được thanh điệu mặc dù rất ít (coi như không đáng kể). Thanh điệu hiện rõ và hoàn chỉnh dần theo thời gian phát âm vận mẫu (đoạn nguyên âm + đoạn phụ âm cuối).

Nếu chỉ lấy đoạn nguyên âm làm nơi ghi chú thanh điệu, thì chọn nguyên âm cuối là hợp lý nhất. Như vậy chỉ cần một quy tắc đánh dấu thanh duy nhất. Quy tắc cải cách này triệt để, đơn giản và dễ nhớ nhất.

Quy tắc cải cách của Đoàn Xuân Kiên đòi hỏi phải biết xác định "âm chính". Quy tắc cải cách của Vũ Xuân Lương, Hoàng Phê đơn giản hơn nhưng vẫn bắt buộc người học nhớ thêm quy tắc cho các trường hợp "oa", "oe", "uy". Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất vẫn là sự cải cách có thể làm xáo trộn nghiêm trọng hệ thống quy ước đánh dấu thanh tiếng Việt. Cả quy tắc đơn giản nhất vừa nêu (tức đánh dấu thanh lên nguyên âm cuối) tưởng chừng tối ưu, cũng có một tác dụng nguy hiểm tựa vậy. Tất cả chỉ đem lại những hậu quả xấu khó lường, chưa kể điều bất lợi. Một ví dụ, nếu trong tương lai, các nhà khoa học Việt Nam cũng muốn chế tạo một cái máy rà văn bản (text scanner) để rà một cuốn sách thay vì phải gõ lại bằng tay để cất giữ nó dưới dạng điện tử, họ sẽ gặp vấn đề gì? Ở các xứ tiên tiến, người ta chỉ cần một chiếc máy đủ khả năng nhận mặt chữ và ghi vào máy tính, trong khi đó, các nhà khoa học Việt Nam còn cần thêm nhiều công sức, thời gian để điều chỉnh lại cách đánh dấu chỉ vì nó đã được cải cách. Có biết bao sách vở, báo chí, tài liệu, từ điển đã dùng quy tắc truyền thống vốn đã nhất quán và ổn định tuyệt đối?

Nói tóm lại, quy tắc cải cách không có lợi hơn quy tắc truyền thống như đã chứng minh.

Cải cách hay không cải cách, mọi quy tắc đánh dấu thanh tiếng Việt không thể thoát khỏi sự quy ước. Mà đã là quy ước thì nên đơn giản, dễ nhớ chừng nào hay chừng nấy; đặc biệt là không được sản sinh thêm vấn đề. Như vậy mới có lợi thực tế cho người sử dụng, và mặt khác mới thỏa tính tối ưu hóa mà mọi người làm khoa học đều phải hướng tới.

Stuttgart, 06.2006


Tài liệu tham khảo

Baart, Joan L.G. (1999) A field Manual of Acoustic Phonetics. Leiden: SIL International.
Cao Xuân Hạo (1998) Tiếng Việt - mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa. TP.HCM: Nxb. Giáo Dục.
Deutsch, D. & Hentorn, T. (2004) Absolute Pitch, Speech and Tone Language: Some Experiments and a Proposed Framework. California: University of California Press.
Do Tu Trong & Takara, T. (2004) Vietnamese Tones Generation Using F0 and Power Patterns. Nara Japan: Proc. Speech Prosody 2004.
Dũng Vũ (2006) Một khảo sát về thanh điệu tiếng Việt. Stuttgart: (tài liệu riêng).
Fujisaki, H (2004) Information, prosody and modeling - with emphasis on tonal feature of speech. Nara Japan: Proc. Speech Prosody 2004.
Hoàng Phê (2005): Từ điển tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng: Đà Nẵng
Kirose, K. & Fujisaki, H (2004) Information, prosody and modeling - with emphasis on tonal feature of speech. Nara Japan: Proc. Speech Prosody 2004.
Gu, W. et al. (2005) Analysis of fundamental frequency contours of Cantonese based on a command-response model. Pittburgh: 5th ISCA Speech Synthesis Workshop.
Mixdorf, H. & Nguyen Hung Bach & Mai Chi Luong & Fujisaki, H (2003) Quantitative Analysis and Synthesis of Syllabic Tones in Vienamese. Gevena: Eurospeech 2003.
Werner, S. & Keller, E (1994) Prosodic aspects of speech. In E.Keller (ed.), Fundamentals of Speech Synthesis and Speech Recognition. Chichester: John Wiley.

© 2006 talawas



[1]Trong mọi phân tích thực tế, ranh giới chiết đoạn chỉ có tính tương đối, thành thử một chiết đoạn chỉ nên coi là "khu vực" hay "vùng". Thực ra đối với ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt, việc phân đoạn âm trong âm tiết không hợp lý, bởi vì một âm vị hình như có giá trị như một tiếng (âm tiết) hoàn hảo, chứ không hẳn một âm tố như các ngôn ngữ đa âm tiết Ấn-Âu. Chỉ có một tiếng (gồm âm và thanh điệu) mới nghe rõ. Thao tác chia âm tiết thành chiết đoạn chỉ nhằm mục đích thí nghiệm, ở đó, mỗi âm tố có thể được phát âm chậm và có thể nhận diện được, nhưng chỉ gần đúng mà thôi. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, nét khu biệt của một âm tố tỏa khắp âm tiết, ví dụ âm tròn môi (như "o", "ô"), do đó sự xác định nét khu biệt của từng âm tố trong một chiết đoạn cứng nhắc không còn chính xác.
[2]Điểm kết thúc của F0 khi một âm tiết đã được phát âm trọn vẹn.
[3]Tiếng được nhấn mạnh là tiếng có đỉnh âm cao nhất trong chuỗi tiếng. Nó cũng có thể là tiếng được kéo dài và do đó sẽ nghe được nhiều thanh điệu nằm nhiều trong vùng ấy.
[4]Không rõ kết quả thử nghiệm trong hình được Đoàn Xuân Kiên trích dẫn dựa vào nhu phẩm nào.