trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
31.7.2006
Friedrich Nietzsche
Buổi hoàng hôn của những thần tượng
hay Làm cách nào triết lí với cây búa
Nguyễn Hữu Hiệu dịch và giới thiệu
 1   2   3   4   5 
 
Lời giới thiệu

1.

Năm 1888 trong cuộc đời và tư tưởng Nietzsche

Mặt trời lên cao đỉnh rồi bùng vỡ trong Van Gogh trong năm 1888. Đó cũng chính là thời kì sáng tạo dữ dội nhất của ông. Bóng tối lưỡng lự đã bị lùa ra khỏi tranh. Bàn tay trở nên chính xác một cách tàn bạo. Nét cọ tung hoành như sấm sét. Màu sắc loé sáng trong khi tâm trí đã bắt đầu hôn ám. Nhưng trong buổi hoàng hôn của tâm thức đó, viễn tượng đã kết hợp một cách kì diệu với thực tại. Ngày 21 tháng 4 năm sau, Van Gogh viết cho em: “Điều an ủi anh đôi chút là anh bắt đầu coi sự điên cuồng như một chứng bệnh giống như những bệnh tật khác, trong khi đó ngay cả trong những cơn khủng hoảng, anh thấy dường như tất cả những gì anh tưởng tượng trước kia đều là thực tại cả.” Và ông lăn xả vào công việc, vẽ từ sáng tới tối. Người ta kể lại rằng những người bạn đồng phòng với ông khi đi ra thấy ông đang vẽ một tấm tranh, vài giờ sau trở vào đã thấy ông vẽ một tấm tranh khác. Ông làm việc như kẻ bị quỉ ám, “j’ai une fureur sourde de travail plus que jamais” (9/1889). Ông không thể ra khỏi hội hoạ, nghĩa là ra khỏi thực tại, làm mồi cho điên cuồng và phiền não. “Trong tất cả mọi trường hợp, tìm cách trung thành với sự thực có lẽ là một phương thuốc để chống lại bệnh tật đang làm anh lo âu” (thư cho Théo, 12 tháng 2 năm 1890). Có lẽ Vincent van Gogh linh cảm thấy rằng phần ánh sáng dành cho ông sắp hết và ông phải tận dụng nó, nhìn lần cuối cùng trong ánh sáng viễn tượng những thực tại đã bị thói quen giả dối chôn vùi. Trường hợp Nietzsche cũng tương tự như vậy. Năm 1888 là cực điểm sáng suốt và sáng tạo của Nietzsche, đồng thời cũng là cực độ của đau khổ và cô đơn của ông. Ngày 12 tháng 2 năm 1888, Nietzsche viết cho bá tước Seydlitz: “Bây giờ tôi cô đơn, cô đơn một cách phi lí; trong cuộc chiến tàn khốc và âm thầm mà tôi theo đuổi (dưới uy thế Đảo Hoán mọi Giá Trị) chống lại tất cả những gì đã được mọi người tôn sùng và quí trọng từ xưa tới nay, chính tôi đã trở thành một cái u hồn cốc mà không hay…” Trong tình cảnh đó ông chỉ cầu xin một điều: “Sự thanh bình, quên lãng, sự khoan dung của mặt trời và của mùa thu cho một cái gì đang muốn chín tới, cho sự chứng thực và biện minh của toàn thể con người tôi…” (thư cho Paul Dessen, 3 tháng Giêng năm 1888). Kết quả là năm tác phẩm cuối cùng, chín mùi nhất, mãnh liệt nhất của Nietzsche hoàn thành trong năm này: Trường hợp Wagner, Hoàng hôn của những thần tượng, Kẻ chống Chúa, Nietzsche chống Wagner, Ecce Homo và tụng ca Dionysos.

Quả thực năm 1888 là cực điểm của cuộc đời và tư tưởng Nietzsche. Trước hết nó là cao độ của một thập niên đầy sáng tạo khởi đầu từ 1878 với Phàm phu, quá phàm phu, tác phẩm đầu tiên mà trong đó chan hoà ánh sáng thiên tài, kế đó Ý kiến tương hợp và châm ngôn (1879), Lữ khách và bóng hình mình (1880), Bình minh (1881), Tri thức hân hoan (1882 - bổ túc thêm năm 1887), Zarathustra đã nói như thế (1883–1885), Phi thiện ác (1886) và Phổ hệ luân lí (1887). Song song những tác phẩm trên, trong nhiều thập niên này Nietzsche còn đưa ra nhiều tư tưởng dũng mãnh quanh chủ đề Ý chí hùng cường. Sang năm 1888, Nietzsche bỏ Ý chí hùng cường và thay thế bằng Cuộc đảo hoán mọi giá trị, trong đó Kẻ chống Chúa, là tác phẩm mở đầu.

Năm 1888 còn có ý nghĩa cực điểm trong cuộc đời và tư tưởng Nietzsche ở chỗ toàn bộ tác phẩm viết trong năm này là những cuộc duyệt xét lại và toát lược lại toàn thể những chủ đề triết lí của ông và của hai ngàn năm triết học Tây phương trong ánh sáng chói loà cuối cùng của tâm thức, ở một cao độ buốt giá, bằng một bút pháp sắc bén, cô đọng. Sau đó là bóng tối và yên lặng hoàn toàn. Đầu tháng Giêng 1889, tinh anh ông đã vỗ cánh bay cao, và ông không viết thêm một dòng nào nữa mặc dầu thể phách còn ngồi lại mười năm nữa, tới tháng 8 năm 1990.


2.

Buổi hoàng hôn của những thần tượng

Tác phẩm Buổi hoàng hôn của những thần tượng hay làm cách nào người ta triết lí với cây búa? (Götzen-Dämmerung, oder: Wie man mit dem Hammer philosophiert?) được viết trong khoảng thời gian từ cuối tháng Sáu tới đầu tháng Chín năm 1888 và được đem ấn hành vào tháng Mười cùng năm. Mới đầu tác phẩm mang tựa đề Sự nhàn rỗi của một tâm lí gia hay Những giờ nhàn cư của một tâm lí gia (Müssiggang eines Psychologen). Nhưng sau đó, theo lời yêu cầu của Peter Gast, một cao đồ trung thành của Nietzsche, đòi ông phải tìm một tựa đề “huy hoàng” hơn cho tác phẩm, Nietzsche nhượng bộ, phỏng theo nhan đề vở Hoàng hôn của những thần thánh (Götterdämmerung) của Wagner, đặt lại là Hoàng hôn của những thần tượng (Götzen-Dämmerung).

Thần thoại Bắc Âu kể rằng tất cả mọi thần thánh đều có ngày tàn mạt, ngày họ tan biến vào hư vô. Đó là buổi hoàng hôn của thần thánh. Richard Wagner đã mượn thần thoại này để dựng vở kịch thứ tư trong bộ Tứ ca bộ kịch (Tétralogie) của ông, Nietzsche thay đổi tựa đề và cả ý nghĩa. “Thần tượng” là biểu tượng Nietzsche dùng để chỉ chân lí. “Buổi hoàng hôn của những thần tượng” có nghĩa là sự sụp đổ của mọi chân lí.

Không một thực tại, một ý tưởng, một lí tưởng, một chân lí, một “thần tượng” nào tác phẩm này không chạm tới. Từ những chân lí vĩnh cửu đến những chân lí, giá trị mới mẻ. “Một cơn gió lớn thổi qua rặng cây… và trái chín rụng rơi tơi tả: những chân lí”. (Ecce Homo). Nhưng những cái người ta có thể lượm trong tay chẳng có gì ngọt ngào. Vì đó chỉ là những trái thối hư, thực phẩm vô vị đã hết dưỡng chất của hai ngàn năm qua cần phải liệng bỏ. Tất cả mọi chân lí đều nhạt phai và phải xoá đi, mọi thần tượng đều hết thiêng liêng và phải tiêu diệt. Duy chỉ có cuộc đời là vĩnh cửu. Tất cả mọi hiểu biết đều sai lầm, mọi luân lí đều độc hại. Duy chỉ có bản năng là tốt lành.

Đây là cuộc Tuyên chiến vĩ đại. Đây là cuộc mổ xẻ tàn nhẫn lí trí, luân lí, tâm lí học, lòng ái quốc, vị tha, tình nhân loại… Đây là cuộc lột mặt nạ không thương tiếc những nhân vật, “những thần tượng” tượng trưng cho những chân lí, những giá trị cũ: Socrate, Platon, thiện ác, đẹp xấu… và những “thần tượng” tượng trưng cho những chân lí và giá trị mới: Renan, Rousseau, Sainte-Beuve, G. Eliot, George Sand, Schopenhauer, Comte, Kant, Schiller, Zola, Victor Hugo, Listz, Carlylle, nghệ thuật vị nghệ thuật, dân chủ, tiến bộ…

Trên tất cả, chúng ta tìm thấy trong tác phẩm này những tư tưởng hữu thể học quan trọng nhất của Nietzsche. Đúng hơn, chúng ta thấy những diễn dịch về những vấn đề cốt yếu từ quan điểm biến dịch siêu hình của ông dựa trên phương trình căn bản cũng là tiền đề của ông - là: hữu thể học truyền thống coi là “hữu thể chân thực” (Wahres-Sein) cái thực ra chỉ là một ảo tưởng, một ảo tưởng có tất cả đặc tính của phi thể (Nicht-Sein) và vô thể (Nichts) và chối bỏ, coi như “phi hữu” và phi thực cái thực ra là hữu thể đích thực và hữu thể duy nhất. Cái từ xưa tới nay, người ta coi là hiện thể đích thực, thực ra chỉ là mộng huyễn bào ảnh, trong khi cái từ xưa tới nay người ta coi là mộng huyễn bào ảnh lại chính là hiện thể chân thực. Cái từ xưa tới nay được coi là “hữu thể” (Sein) đối nghịch với biến dịch không có, trong khi chỉ có cái biến dịch hiện hữu mà thôi. Không có “hữu thể” siêu thời gian và không gian, cũng như không có tâm linh thế giới, Linh tượng giới (le monde des idées) hay thế giới của những ý tưởng vĩnh cửu mà chỉ có thế giới khả giác (monde sensible), hiện hữu trong không gian thời gian. Không có thế giới tự nội (monde en-soi), mà chỉ có thế giới hiển lộ (monde des apparences). Không có thế giới khác mà chỉ có thế giới này, thế giới chân thực, duy nhất, linh động mà nguyên động lực là ý chí hùng dũng. Không có thế giới nào khác. Tất cả những ý nghĩ, khát vọng về một thế giới khác chỉ là cách trả thù cuộc đời “bằng sự lạm dụng ảo tưởng” về một cuộc đời “tốt đẹp hơn”. Sự chia thế giới ra làm một thế giới “tự nội” và một thế giới “bề ngoài” là dấu hiệu của sự suy đồi- một triệu chứng của sa đoạ. “Sự kiện người nghệ sĩ đặt bề ngoài lên trên thực tại không phải là một vấn nạn chống lại mệnh đề này. Bởi “bề ngoài” ở đây cũng có nghĩa là thực tại nữa, nhưng mà là dưới một hình thức lựa chọn, kiên cường hoá, sửa sai… Người nghệ sĩ bi tráng không bi thảm,- hắn gật đầu nói “ừ” trước tất cả những gì còn hồ nghi và khủng khiếp của cuộc đời, hắn là kẻ theo Dionysos”.

Chương quan trọng nhất và cũng là trọng tâm của tác phẩm là chương “Lí trí trong triết học”. Trước đó là “Vấn đề Socrate”, sau đó là “Luân lí như một cái gì phản tự nhiên”. Trước kia Nietzsche lên án khoa học, triết học vì chúng bị đầu độc bởi luân lí. Bây giờ Nietzsche lên án luân lí, triết học, khoa học bởi chúng bị đầu độc bởi lí trí, hay đúng hơn, bởi những sự lầm lẫn lớn lao của lí luận. Những triết gia lầm lẫn lấy hậu quả làm nguyên nhân, nguyên nhân làm hậu quả. Nietzsche bài bác gắt gao phương trình quái gở và bệnh hoạn này của Socrate: lí trí = đức hạnh = hạnh phúc. Socrate, Platon là những triệu chứng suy đồi. Thế nào là suy đồi (décadence)? “Bị bắt buộc phải chiến đấu chống lại bản năng đó là định thức của suy đồi, khi cuộc đời hướng thượng, hạnh phúc và bản năng là một.” Tất cả mọi sự tốt lành đều thuộc bản năng. Alles Gute ist Instinkt. Nietzsche coi như có bổn phận chống lại quan niệm cho Thượng Đế = thế giới khác của “hữu thể chân thực”. Vì quan niệm như thế, người ta bắt buộc phải coi rẻ những thực tại trần gian mà giác quan chứng nghiệm, khi coi chúng là hiển thể (Schein) không thực thể, và đi đến chỗ khước từ cuộc sống nhục cảm, lành mạnh, coi như “tội lỗi”. Theo Nietzsche, với Thượng Đế, người ta đặt thành tuyệt đối thể một hữu thể tưởng tượng, phi thời gian bên trên những thực tại trần gian, những cái duy nhất có thực thể trong dòng biến dịch. Một Thượng Đế, nếu được quan niệm như thế, sẽ làm nền tảng cho một thứ luân lí vô cùng nguy hại cho con người và cuộc đời. Đó là một hữu thể học luân lí hoá hay một luân lí hữu thể học hoá. Cần phải giải phóng hiện thể khỏi thứ hữu thể học hay luân lí này. Đó là một nhiệm vụ nặng nề mà Nietzsche gọi là cuộc “Đảo hoán mọi giá trị”. Đó là công việc của người nghệ sĩ bi tráng, kẻ nói “ừ” trước tất cả mọi hồ nghi và khủng khiếp. Người nghệ sĩ bi tráng chọc thủng hiển thể để đạt tới thực thể một cách can đảm. Hắn dám chấp nhận cái chết của Thượng Đế và dám đập “bằng cây búa” tất cả những chân lí cắm rễ sâu nhất trong lòng đời và dám đốn ngã những thần tượng được tôn kính của truyền thống và thừa can đảm để gây nên những “âm thanh trống rỗng” của buổi chiều tà. Đi vào “Hoàng hôn của những thần tượng” và đương đầu với “Đêm tối của Hư vô chủ nghĩa” là những sứ mệnh lịch sử của người nghệ sĩ bi tráng cũng như của tất cả những tinh thần tự do không chấp nhận làm rêu mốc bám trên những bậc thềm, những bờ tường nứt nẻ của những miếu đường hoang vắng nữa. Nếu “Hoàng hôn của những thần tượng” có nghĩa là sự lạm phát của mọi chân lí, mọi giá trị thiết định lấy “thế giới chân thực” bên ngoài trần gian, bên kia đời sống làm bản vị, coi những kẻ bạc nhược sa đoạ là những kẻ làm giấy bạc, coi đền thờ là những ngân hàng và Thượng Đế là kẻ chế tài thì “Đêm tối của Hư vô chủ nghĩa” chính là sự phá giá của tất cả những chân lí, những giá trị đó. Cả hai đều là những giai đoạn tất yếu và cần phải vượt qua của lịch sử. Chân lí, trần gian, cuộc đời sẽ và chỉ thuộc về những kẻ chân thực, dám đốt đi những bản di chúc hứa hẹn huy hoàng nhưng giả dối và giả tạo như tấm ngân phiếu không tiền bảo chứng, những kẻ sau khi buông rời cây búa phá huỷ còn đủ sức mạnh cầm tay cầy khai phá cánh đồng khả thể, khơi mở dòng đời, tạo dựng đời sống trong dòng Hồn nhiên của Biến dịch.


3.

Song luận

Sự thức tỉnh của nhân loại bắt đầu với song luận này: “Hoặc chúng ta phá huỷ sự sùng bái của chúng ta hoặc chúng ta phá huỷ chính chúng ta” (Der Will zur Macht, III) Chúng ta đã phải trả giá khá đắt cho những “chân lí” thiêng liêng, những sai lầm in physiologicis (Ibid, II) Nietzsche tự coi như bổn phận việc “sửa soạn cho nhân loại một giây phút tuyệt vời trở về chính mình, một buổi giữa ngọ rực rỡ để quay về quá khứ và đưa mắt nhìn về tương lai, để rũ khỏi ách đô hộ của tình cờ và của những giáo sĩ và đặt câu hỏi tại sao và thế nào trong toàn bộ của nó lần thứ nhất, bổn phận này thiết yếu bắt nguồn từ lòng xác tín rằng nhân loại tự mình đã không đi theo đúng chính đạo, đã không được điều động bởi một thần tính mà trái lại đã để bị lôi cuốn và chế ngự bởi một bản năng tiêu cực, hư hỏng, bởi bản năng suy đồi mà nhân loại đặt lên hàng những giá trị tối thiêng liêng” (Ecce Homo, III, 2), vì thế “sự khôn ngoan xuất hiện trên trái đất này từ xưa tới này như một con quạ khoang bị hấp dẫn bởi mùi tử khí”, hay cũng có thể nói như một con cú vọ chuyên soi mói những khía cạnh đen tối cuộc đời và thốt lên những tiếng bi ai. Đó là sự khôn ngoan của tinh thần nặng nề, tìm sự giải thoát bằng cách tiêu diệt ý chí sống. Nietzsche gây chiến chống lại chủ trương tiêu cực mệt mỏi đó. Kết quả của nỗ lực bền bỉ, can đảm, cứng cỏi, âm thầm này là sự hân hoan hay “tri thức hân hoan” theo ngôn ngữ Nietzsche. “Kẻ nào trèo lên núi cao, kẻ ấy tự cười mọi bi kịch giả tạo hay có thực.” Trên bàn thờ những giá trị mới, tiếng cười chiến thắng đã thay thế tiếng thở dài đầu hàng. “Tôi đã phong thánh tiếng cười, hỡi những con người siêu đẳng, hãy học cười!”. Bằng tiếng cười hồn nhiên ròn rã, chúng ta quét sạch mọi thần tượng trang trọng đăm chiêu và đón chào một thế giới tinh khôi rực rỡ.

Nguyễn Hữu Hiệu
Vạn Hạnh, 26-09-1971


Khai từ

Duy trì được sự thanh thản giữa một sự vụ u sầu và có thể biện minh quá độ chừng đâu phải là một nghệ thuật không đáng kể: tuy nhiên có điều gì cần thiết hơn thanh thản chăng? Chẳng việc gì thành công nếu lòng hăng hai chẳng tham dự vào. Chỉ có sự thặng dư của sức mạnh mới là bằng chứng của sức mạnh. Đảo hoán mọi Giá Trị, dấu hỏi quá đen, quá lớn hắt bóng tối lên kẻ đặt ra nó, -định mệnh của một công việc như vậy buộc người ta từng giây phút phải lao thẳng vào mặt trời, rũ bỏ vẻ trang nghiêm đã đè ta quá nặng. Tất cả mọi phương tiện đều được biện minh, mọi “cơ hội” đều là cơ hội tốt. Trên tất cả, chiến tranh. Chiến tranh luôn là sự minh mẫn thận trọng ghê gớm của tất cả những tinh thần đã trở nên quá chuyên tâm, của tất cả những tinh thần đã trở nên quá thẳm sâu; khả năng chữa trị đã nằm ngay trong vết thương. Một câu phương ngôn mà xuất xứ tôi cố tình dấu nhẹm óc tò mò trí thức, từ lâu đã trở thành phương châm của tôi:

increscunt animi, virescit volnere virtus [1]

Một hình thức chữa trị khác, trong một vài trường hợp còn thích hợp với tôi hơn nữa, đó là thăm dò những thần tượng… Trên thế giới có nhiều thần tượng hơn là thực tại: đó là “ác nhãn” của tôi đối với thế giới này, đó cũng là “ác nhĩ” của tôi nữa… Ở đây đặt ra những câu hỏi với một chiếc búa và có thể nhận được như một hồi âm cái âm thanh trống rỗng thốt lên tự lòng hiu hiu tự đắc - thích thú thay cho kẻ nào có một đôi tai khác nữa sau đôi tai của mình, - đối với tôi, một tâm lý gia và một kẻ đánh bẫy chuột cố cựu, trước sự hiện diện của kẻ đó quả thực những gì muốn thủ khẩu như bình cũng phải thốt lên tiếng nói

Cả cuốn sách này nữa - nhan đề đã bộc lộ nội dung - trước hết là một sự giải trí, một chấm ánh sáng, một cuộc đào thoát vào những giờ nhàn rỗi của một tâm lý gia. Có thể còn là một cuộc chiến tranh mới nữa? Và biết đâu có thể bắt được quả tang những bí mật của những thần tượng mới?... Cuốn tiểu luận này là một cuộc khai chiến vĩ đại; còn về vấn đề nhằm thăm dò những thần tượng, lần này không phải là những thần tượng thời đại mà là những thần tượng vĩnh cửu ở đây sẽ bị đụng chạm đến bằng một chiếc búa như thể bằng cái âm thoa - cuối cùng không còn những thần tượng cổ kính nữa… Cũng không còn những thần tượng trống rỗng nữa… Nhưng điều đó không ngăn cản được người ta tin tưởng nhất; cũng như không ngăn cản người ta, ngay cả trong những trường hợp cao quí nhất, không gọi là thần tượng nữa…

Turin, 30 tháng Chín, 1888, ngày hoàn tất cuốn sách đầu tiên của Cuộc đảo hoán mọi Giá Trị [2]
Friedrich Nietzsche


Châm ngôn và tên nhọn

1.
Nhàn cư là khởi đầu của tất cả mọi tâm lý học. Sao? tâm lý học có thể là… một tật xấu?

2.
Ngay cả kẻ can đảm nhất trong chúng ta cũng ít khi có đủ can đảm khẳng định điều hắn thực sự biết.

3.
Để sống một mình người ta phải là một con vật hay một thần thánh - Aristote nói như vậy. Còn có trường hợp thứ ba nữa: người ta phải vừa là thú vật vừa là thần thánh - đó là triết gia.

4.
“Tất cả mọi chân lý đều đơn giản.”- Đó không phải là một lời dối trá phức tạp sao?

5.
Nói một lần dứt khoát, có nhiều điều tôi không muốn biết. - Minh triết vạch ra những giới hạn, ngay cả đối với hiểu biết.

6.
Chính vì trong bản chất của người ta có chất man rợ mà người ta có thể khôi phục lại được sự ác tà của mình, tôi muốn nói tâm linh tính…

7.
Sao? Con người chỉ là một sự nhầm lẫn của Thượng Đế hay Thượng Đế chỉ là một sự nhầm lẫn của con người?

8.
Trường chiến tranh của đời.- Cái gì không giết tôi khiến tôi mạnh mẽ hơn.

9.
Hãy tự giúp mình: rồi tất cả sẽ trợ giúp mình. Nguyên tắc bác ái của Kitô giáo.

10.
Chúng ta đừng hèn nhát trước những hành động của chúng ta! Chúng ta đừng bỏ rơi chúng ta trong cơn bối rối! - Sự hối hận của lương tâm là điều khiếm nhã.

11.
Con lừa có thể bi thảm không? - Bị đè bẹp dưới một gánh nặng mà người ta không thể mang cũng không thể quẳng đi?... Trường hợp của triết gia.

12.
Nếu người ta - thủ hữu câu hỏi tại sao của cuộc đời, người ta sẽ quen với bất cứ câu hỏi thế nào nào - Con người không khát vọng hạnh phúc; chỉ có người Ăng Lê làm vậy thôi.

13.
Người đàn ông đã tạo ra người đàn bà - nhưng bằng gì vậy? Bằng xương sườn Thượng Đế của hắn, - bằng lý tưởng của hắn…

14.
Sao? Bạn đang tìm kiếm gì? Bạn muốn nhân bạn lên một chục lần? Một trăm lần? Bạn tìm kiếm những kẻ theo mình? - Tìm hư không! [3]

15.
Những con người sống lại sau khi đã chết [4] - như tôi chẳng hạn - ít được hiểu hơn những người sống phù thời, nhưng họ được người ta lắng nghe chăm chú hơn. Nói rõ hơn: chúng ta không bao giờ được hiểu cả - và đó chính là quyền uy của chúng ta.

16.
Giữa đám quần thoa. - “Chân lý! Ồ! Chị không biết chân lý là gì rồi! Nó chẳng phải là một toan tính xâm phạm pudeur [5] của chúng ta sao?

17.
Đây là một nghệ sĩ, như những nghệ sĩ tôi yêu, đơn giản trong nhu cầu: hắn thực sự cần có hai điều: bánh mì và nghệ thuật của hắn, - panem et Circen…

18.
Kẻ nào không biết đặt ý chí của mình vào sự vật, muốn ít nhất đặt vào trong đó một ý nghĩa: điều đó khiến hắn tưởng trong đó đã hàm chứa một ý chí (nguyên tắc “tin tưởng”).

19.
Sao? Bạn đã chọn đức hạnh và tâm hồn cao thượng đồng thời lại ghen ghét nhìn lợi lộc của những kẻ thô lỗ phóng tâm trục vật? Nhưng với đức tính người ta khước từ “lợi lộc” mà… (để viết trên cửa nhà những kẻ bài Do Thái).

20.
Một người đàn bà hoàn toàn xúc phạm văn chương cũng như nàng phạm một tội lỗi nhỏ: để thử chơi, trong khi quay đầu lại ngó xem ai có để ý không, và để cho một người nào đó để ý…

21.
Phải đặt mình vào những hoàn cảnh trong đó người ta không được có những đức tính giả hình, nhưng trong những hoàn cảnh ấy, tựa như một người múa trên dây hoặc là người ta té hoặc đứng thẳng hoặc từ bỏ…

22.
“Những người độc ác không biết hát”. Vậy thì tại sao những người Nga lại biết hát?

23.
“Tinh thần Đức”: từ mười tám năm nay [6] là một contradictio in adjecto [7] .

24.
Vì muốn tìm nguồn gốc khởi nguyên, người ta trở thành một con tôm [8] . Nhà sử học nhìn lại đằng sau: cuối cùng ông ta tin tưởng vào phía sau.

25.
Sự thoả mãn bảo vệ người ta khỏi ngay cả sự cảm lạnh. Một người đàn bà biết mặc áo quần đầy đủ có cảm lạnh không nhỉ? - Tôi giả thiết trường hợp nàng mặc quần áo mong manh.

26.
Tôi hồ nghi tất cả những người muốn thiết lập hệ thống và tránh xa họ. Ý muốn lập hệ thống là sự thiếu ngay thẳng thanh liêm.

27.
Người ta nói rằng người đàn bà sâu sắc - tại sao? Bởi vì người ta không bao giờ tới được đáy sâu của họ. Người đàn bà không hời hợt nữa.

28.
Khi người đàn bà có những đức tính đàn ông, người ta lảng tránh nàng, và nếu nàng không có những đức tính ấy, nàng sẽ chạy trốn chính nàng.

29.
Trước kia lương tâm phải cắn nhiều xiết bao! Nó có bộ răng tốt biết mấy! Và ngày nay? Có chuyện gì trục trặc xảy ra? - Vấn đề của nha sĩ.

30.
Ít khi người ta phạm nguyên chỉ một lỗi lầm khinh xuất. Với lỗi lầm khinh xuất đầu tiên, người ta luôn làm quá. Chính vì lý do đó, người ta thường phạm lỗi thứ hai - và bây giờ thì lại quá ít.

31.
Khi bị giẫm chân lên, con con sâu sẽ cuộn mình lại. Đó là tính thận trọng khôn ngoan. Bằng cách đó nó giảm dần tai hoạ bị giẫm lên trên lần nữa. Nói theo ngôn ngữ đạo đức: lòng khiêm tốn.

32.
Sự ghét dối trá và che đậy có thể khởi lên từ quan niệm thái quá về danh dự; sự khinh ghét tương tự có thể khởi lên từ lòng hèn nhát, vì sự dối trá bị cấm bởi luật thiêng liêng. Quá hèn nhát để nói dối…

33.
Cần ít biết chừng nào để được hạnh phúc! Tiếng sáo mục tử. - Không âm nhạc cuộc đời sẽ là một lỗi lầm. Người Đức còn tưởng tượng ngay cả Thượng Đế như một người đang ca hát nữa.

34.
On ne peut penser et écrire qu’assis [9] (G. Flaubert) - Thế là ta tóm được ngươi rồi, kẻ theo hư vô chủ nghĩa! Ngồi đúng là phạm tội với Thánh Linh. Chỉ có những tư tưởng đến với ta khi đang bước đi mới có giá trị mà thôi.

35.
Có những trường hợp chúng ta giống như những con ngựa, chúng ta, những tâm lý gia, và chúng ta trở nên bồn chồn sợ hãi: chúng ta nhìn thấy bóng chúng ta chập chờn trước mặt mình. Tâm lý gia phải quay mặt đi đừng nhìn mình để có thể nhìn thấy tất cả.

36.
Chúng ta có gây tổn thất gì cho đức hạnh không, chúng ta những kẻ vô luân? - Cũng ít như những kẻ vô chính phủ làm hại những ông hoàng vậy thôi. Chỉ khi nào đã bị bắn rồi họ mới có thể ngồi lại một cách vững vàng trên ngôi. Luân lý: người ta phải bắn bỏ luân lý.

37.
Bạn chạy trước những người khác? - Bạn làm như vậy như một mục tử? Hay như một kẻ ngoại hạng? Trường hợp thứ ba có thể như một kẻ đào ngũ… Câu hỏi thứ nhất của lương tâm.

38.
Bạn chân thật? Hay chỉ là một kẻ đóng trò? Một đại diện? Hay chi rlà một kẻ được đại diện? Cuối cùng có lẽ bạn chỉ bắt chước kẻ đóng trò… Câu hỏi thứ hai của lương tâm.

39.
Kẻ bất mãn nói. - Tôi tìm kiếm những vĩ nhân nhưng bao giờ cũng chỉ tìm thấy con khỉ bắt chước lí tưởng của họ.

40.
Bạn là kẻ ngắm nhìn? Hay một kẻ bắt tay vào công việc? - Hay một kẻ ngó lơ quay đi chỗ khác… Câu hỏi thứ ba của lương tâm.

41.
Bạn muốn đi chung cùng bạn hữu? Hay dẫn đầu? Hoặc đi riêng lẻ một mình?... Người ta phải biết mình muốn gì và phải biết rằng mình muốn. - Câu hỏi thứ tư của lương tâm.

42.
Đối với tôi chúng chỉ là những bậc thang và tôi đã bước lên chúng - do đó tôi phải vượt qua chúng. Nhưng chúng lại tưởng rằng tôi muốn ngồi lên chúng.

43.
Có quan hệ gì việc tôi giữ lẽ phải! Tôi có quá nhiều lẽ phải. - Và kẻ nào cười nhiều hôm nay cũng sẽ là kẻ cười cuối cùng.

44.
Định thức hạnh phúc của tôi: một tiếng ừ, một tiếng không, một con đường thẳng, một mục tiêu


Vấn đề Socrate

1.
Bàn về cuộc đời, những kẻ khôn ngoan nhất của mọi thời đại đều đưa ra một phán đoán tương tự như nhau: cuộc đời vô giá trị… Bất cứ ở đâu và bao giờ cũng vậy người ta đều nghe thấy câu nói đó thốt ra từ miệng họ. - Một câu nói đầy nghi ngờ, đầy phiền não, đầy chán chường cuộc đời, đầy khinh miệt cuộc đời. Ngay cả Socrate cũng nói lúc lâm chung: “Sống - là đau bệnh một thời gian lâu dài: Ta nợ đấng cứu nhân độ thế Esculape một con gà [10] ” Ngay cả Socrate cũng chán mứa cuộc đời. - Điều đó chứng tỏ gì? Điều đó muốn trỏ cái gì?- Ngày xưa có lẽ người ta sẽ nói (- Ồ, người ta đã nói rồi và nói khá lớn, nhất là những kẻ bi quan của chúng ta): “Chắc chắn phải có một cái gì chân thực ở đây! Consensus sapientium [11] là bằng chứng của chân lý.” – Ngày hôm nay chúng ta sẽ còn nói như thế không? Chúng ta còn được phép làm thế không? “Chắc chắn phải có một cái gì bệnh hoạn ở đây” - đó là câu trả lời của chúng ta. Những kẻ khôn ngoan nhất của mọi thời đại, ta phải nhìn họ thật gần! Có thể tất cả những người đó chân không còn đứng vững? Chậm trễ? Run rẩy? Décadents [12] biết đâu? Có lẽ sự khôn ngoan xuất hiện trên trái đất này như một con quạ khoang bị hấp dẫn bởi mùi tử khí?

2.
Quan niệm bất kính cho rằng những bậc hiền nhân vĩ đại là những mẫu sa đoạ [13] khởi lên trong tôi chính trong trường hợp trong đó thành kiến bác học và thành kiến vô học đối chọi nhau kịch liệt: tôi nhận ra Socrate và Platon như những triệu chứng suy đồi, như những công vụ của sự băng hoại của Hy Lạp, như những kẻ nguỵ Hy Lạp, như những kẻ bài Hy Lạp (Sự khai sinh của bi kịch, 1872). Sự consensus sapientium - như càng ngày tôi càng thấy rõ - chẳng chứng tỏ một chút nào rằng họ có lý về điều mà họ đồng ý với nhau: nó chỉ chứng tỏ rằng chính họ, những kẻ khôn ngoan nhất, một cách nào đó về phương diện sinh lý, họ tương tự như nhau để có cùng một thái độ như nhau đối với cuộc đời - để bắt buộc phải có thái độ đó. Sau hết, những phán đoán và những thẩm định giá trị về cuộc đời, dù tán dương hay chống lại, đều không thể đúng được: giá trị đích thực của chúng nằm trong sự kiện chúng là những triệu chứng; chúng chỉ có thể được coi như là triệu chứng mà thôi - trong tự thể những phán đoán này là những điều xuẩn ngốc. Chúng ta phải cố gắng bằng mọi cách để lãnh hội sự tế nhị siêu phàm này là giá trị của cuộc đời không thể thẩm định được [14] . Không thể thẩm định được bởi một người còn sống, bởi hắn là thành phần, là đối tượng của chính cuộc tranh luận nữa, chứ không phải là quan toà; cũng không thể bởi một người đã chết vì một lý do khác. - Về phần một triết gia, nhìn một vấn đề trong giá trị của cuộc đời, là một vấn nạn chống lại chính hắn, một dấu hỏi về sự khôn ngoan của hắn, một sự thiếu khôn ngoan [15] nữa - Sao? Tất cả những người khôn ngoan vĩ đại này - không những họ là những décadents mà họ còn không khôn ngoan nữa sao? - Nhưng tôi xin trở lại vấn đề Socrate.

3.
Xét về nguồn gốc, Socrate thuộc về đẳng cấp thấp hèn nhất: Socrate thuộc dòng hạ lưu. Người ta biết, người ta có thể thấy ông ta xấu xí biết chừng nào nữa. Nhưng sự xấu xí tự nó đã là một vấn nạn, hầu như là một bác luận nơi người Hy Lạp. Socrate có đúng là người Hy Lạp không? Sự xấu xí thường là dấu hiệu của một sự phát triển bị ngăn chặn, một sự phát triển bị cản trở bởi sự pha giống. Trong trường hợp khác, nó hiện ra như một sự phát triển suy đồi. Những nhà nhân chủng học chuyên khảo về tội ác học tuyên bố rằng kẻ tội phạm đặc trưng xấu xí: monstrum in fronte, monstrum in animo [16] . Nhưng kẻ tội phạm là một kẻ décadent [17] . Socrate có phải là một kẻ tội phạm đặc trưng không? - Dù sao điều đó cũng không trái ngược với ý kiến của nhà chuyên coi tướng mạo, ý kiến khiến bằng hữu của Socrate tức giận. Trong khi đi qua thành Nhã Điển, một người ngoại quốc biết coi tướng mặt đã nói thẳng vào mặt Socrate rằng ông ta chỉ là một quái vật, ông ta chứa dấu trong mình tất cả những tật xấu và những khát vọng đồi bại. Và Socrate chỉ đáp: “Thưa ông, ông biết tôi rõ lắm”.

4.
Không những sự hoang đàng và hỗn loạn của bản năng chỉ sự décadence nơi Socrate: mà sự bội dư của những khả năng luận lý, và sự độc ác méo mó còn là những đặc tính nổi bật nơi ông ta nữa. Chúng ta đừng quên rằng những ảo tưởng thính giác, dưới danh từ “con quỷ của Socrate”, được diễn giải theo một ý nghĩa tôn giáo. Tất cả mọi sự nơi ông ta đều quá đáng, hài hước, hoạt kê, đồng thời đều dấu diếm, có ẩn ý, tà khuất. Tôi cố gắng tìm hiểu xem đặc tính nào đã có thể khai sinh ra cái phương trình Socrate này: lí trí = đức hạnh = hạnh phúc: cái phương trình quái gở nhất, và đặc biệt, nghịch lại tất cả mọi bản năng Hy Lạp xưa.

5.
Với Socrate, thị hiếu Hy Lạp biến đổi theo chiều thuận lợi cho biện chứng pháp: thực ra điều gì đã xảy ra? Trước hết, thị hiếu cao nhã đã biến mất; với biện chứng pháp, đám hạ lưu len chân tới thượng đỉnh. Trước Socrate, những lề lối biện chứng bị khai trừ trong xã hội thượng lưu: chúng bị coi như những kiểu cách xấu xa, chúng có tính cách thoả hiệp bình dân. Thanh niên được cảnh giác lánh xa. Người ta còn nghi kị cả những kẻ trình bầy lý lẽ của mình. Những sự việc lương thiện cũng như những con người lương thiện không mang phơi trần những lý lẽ của mình cách ấy. Phơi bầy cái tốt lành của mình là điều vô phép. Cái cần phải chứng rỏ không có giá trị bao nhiêu. Bất cứ nơi nào mà uy quyền hãy còn thuộc tập tục tốt, bất cứ nơi nào mà người ta không “luận lý” mà chỉ ra lệnh, thì nhà biện chứng pháp là một thứ hề: hắn bị chế nhạo, hắn không được coi trọng. Socrate là tên hề thành công trong việc bắt người khác coi mình là trọng: vậy thì chuyện gì đã thực sự xảy ra?

6.
Người ta chỉ chọn biện chứng pháp khi nào không còn cách nào khác. Người ta biết rằng biện chứng pháp gây ra nghi ngờ, rằng nó không hùng hồn lắm. Không có gì dễ xoá bỏ hơn hiệu quả biện chứng: sự kiện này được chứng minh trong những cuộc hội thảo. Nó chỉ có thể là sự tự vệ cuối cùng của những người không có khí giới. Người ta phải dành giật quyền hành của mình: nếu không, người ta không dùng đến nó. Đó là lý do tại sao, những người Do Thái đều là những nhà biện chứng; Lão Cáo- già [18] là nhà biện chứng: sao vậy? Socrate cũng là một nhà biện chứng sao?

7.
Sự hài hước của Socrate là một biểu lộ của phản kháng? Của lòng hờn oán của đám hạ lưu? Ông ta có thích thú nếm mùi tàn bạo của chính mình trong mũi dao nhọn của tam đoạn luận, như một kẻ bị áp chế không? Ông có trả thù những người quí phái ông dụ hoặc không? - Là một nhà biện chứng, người ta nắm trong tay một khí cụ tàn nhẫn; với sự trợ giúp của nó người ta có thể làm một bạo chúa; người ta thoả hiệp trong khi chiến thắng. Nhà biện chứng để nó lại cho địch thủ để chứng tỏ rằng hắn không phải là một tên ngốc: hắn làm người ta nổi điên và đồng thời trở nên bơ vơ không nơi nương tựa. Nhà biện chứng bất lực hoá trí tuệ đối thủ. Sao? Biện chứng pháp chỉ là một hình thức trả thù trong trường hợp Socrate?

8.
Tôi đã cho thấy bằng cách nào Socrate có thể làm người ta xa lánh: bây giờ điều quan trọng nhất là giải thích sự kiện ông ta đã mê hoặc cách nào. Ông ta đã khám phá ra một nghệ thuật chiến đấu mới, ông ta là kiếm sư đầu tiên của những giới quí tộc ở Nhã Điển, đó là lý do thứ nhất. Ông ta mê hoặc bởi ông ta khêu gợi những bản năng hiếu chiến của người Hy Lạp, - ông ta đã đưa vào trường đô vật giữa người lớn và thanh niên một sự thay đổi. Socrate còn là một người đại dâm đãng.

9.
Nhưng Socrate còn tiên đoán nhiều cái khác nữa. Ông ta nhìn thấu suốt những nhà quí phái Nhã Điển; ông ta thấy rằng trường hợp của ông ta, trường hợp riêng của ông ta, chẳng phải là trường hợp ngoại lệ phi thường, ngay cả trong thời đại ông ta. Sự suy đồi tương tự thầm lặng sửa soạn ở khắp nơi: thành Nhã Điển cổ kính đang hấp hối. Và Socrate hiểu rằng toàn thể thế giới cần ông ta - cần phương thuốc, cách chữa trị, phương thức tự bảo tồn đặc biệt của ông ta. Ở khắp nơi, những bản năng đều ở trong tình trạng hỗn loạn; khắp nơi người ta chỉ cách xa sự thái quá có một bước: monstrum in animo là hiểm hoạ chung. “Bản năng muốn đóng vai bạo chúa chuyên chế; cần phải tạo ra một phản bạo chúa mạnh hơn”… Khi nhà chuyên coi tướng mạo đã cho Socrate thấy con người thực của ông ta, một miệng núi lửa đầy rẫy mọi khát vọng xấu xa, nhà đại hài hước này đã thốt ra một câu cho chúng ta một cái chìa khoá mở vào bản chất của ông ta. “Điều đó đúng, nhưng tôi đã chế ngự được tất cả.” Bằng cách nào Socrate đã tự chủ được chính mình? Trường hợp của ông ta, rốt cuộc cũng chỉ là trường hợp thái quá, một thí dụ rõ rệt nhất của một trạng thái tuyệt vọng đang bắt đầu trở thành phổ quát: không ai còn có thể tự làm chủ mình nữa, những bản năng đang trở nên chống đối lẫn nhau. Ông ta cám dỗ vì là thí dụ thái quá của trạng thái này - sự xấu xí khủng khiếp của ông ta khiến mọi mắt nhìn đều tỏ rõ: ông ta còn cám dỗ hơn nữa, điều đó tự nhiên, như một câu trả lời, như một phương sách, như một cách chữa trị hiển nhiên của trường hợp này.

10.
Khi người ta thấy cần phải biến lí trí thành một bạo chúa chuyên chế, như Socrate đã làm, thì hiểm hoạ một cái gì khác cũng muốn thủ vai bạo chúa chuyên chế không phải là nhỏ. Chính lúc đó lí trí được khám phá như một đấng cứu thế. Cả Socrate lẫn những “kẻ bệnh hoạn” không được tự do chọn có lí hay không có lí: điều đó tính cách de rigueur, đó là phương thuốc cuối cùng của họ. Sự cuồng tín mà toàn thể tư tưởng Hy Lạp nhào vào lí trí tố cáo một tình trạng khẩn trương: như người ta đang trong cơn hiểm hoạ, người ta chỉ có một sự lựa chọn duy nhất: hoặc là chìm đắm tận đáy hoặc - lí trí một cách phi lí… Chủ trương đạo đức của những triết gia Hy Lạp từ Platon bị điều kiện hoá của một cách bệnh hoạn; sự thẩm định về biện chứng pháp của họ cũng vậy. Lí trí = đức hạnh = hạnh phúc chỉ có nghĩa: người ta phải bắt chước Socrate và đương đầu với những đam mê đen tối bằng cách thường trực tạo ra ánh sáng ban ngày - ánh sáng lí trí. Phải thận trọng, sáng sủa, minh bạch bằng mọi giá: tất cả mọi nhượng bộ cho bản năng, vô thức đều đưa xuống dốc

11.
Tôi đã cho thấy cách mà Socrate cám dỗ: ông ta có vẻ là một thầy thuốc, một đấng cứu thế. Có cần phải vạch ra sự sai lầm trong niềm tin vào “lí trí với bất cứ giá nào” của ông ta nữa không? - Đó là một sự tự lừa dối về phía những triết gia và những nhà luân lí khi họ tin tưởng rằng họ thoát ra khỏi sự décadence bằng cách gây chiến với nó. Điều đó ở trên khả năng của họ: cái họ chọn lựa như một phương thuốc, như một phương tiện cứu chuộc, lại chỉ là một sự biểu lộ khác của sự décadence - họ chỉ thay đổi cách biểu lộ của nó, chứ họ không huỷ bỏ được chính nó. Socrate là một sự ngộ nhận; toàn thể luân lí nhằm cải thiện, kể cả luân lí Kitô giáo là một sự ngộ nhận… Ánh sáng chói lọi nhất, lí trí với bất cứ giá nào, đời sống minh bạch, lạnh lùng, thận trọng, ý thức, không phải bản năng, chống lại bản năng, chỉ là một sự bệnh hoạn, một thứ bệnh hoạn mới - chứ không phải là một sự trở về “đức hạnh”, “sức khoẻ”, hạnh phúc… Bắt buộc phải chiến đấu chống lại bản năng - đó là định thức của sự décadence: chừng nào mà cuộc đời còn đi lên thì hạnh phúc và bản năng đồng nhất.

12.
Tự ông ta có hiểu điều đó không, ông ta, người thận trọng nhất trong những kẻ tự lừa dối mình? Ông ta có tự thú nhận với mình vào giây phút cuối cùng, trong sự khôn ngoan của lòng can đảm trước cái chết không?... Socrate muốn chết: - Không phải Nhã Điển mà chính là ông ta tự trao cho mình chén thuốc độc… “Socrate không phải là thầy thuốc”, ông ta thầm nhủ: “Chỉ có cái chết mới là thầy thuốc ở đây… Chỉ có Socrate mới đau một cơn đau dài…”



[1]Tinh thần lớn mạnh, sức khoẻ gia tăng bởi vết thương - Ghi chú của Dịch giả (G.c.D.)
[2]Tức Kẻ chống Chúa - (G.c.D.)
[3]Suche Nullen! “Nullen” có nghĩa là không ai cả, số không và đồng thời cũng có nghĩa là Hư không. - (G.c.D.)
[4]Posthume menschen. Nietzsche thường tự coi mình như một con người sống phi thời gian (unzeitghe mäss), trên thời gian, độc lập với thời đại, sống như một cái bóng trong lúc sinh thời và chỉ hồi sinh, sống động sau khi đã chết đi. Con người thuộc về tương lai, sống cho và sống với thế hệ mai hậu. CT. “Những suy tưởng phi thời” (Unzeitgemässe Betrachtungen). - G.c.D.
[5]Pháp văn trong nguyên bản: “Ist sie nicht ein Attentat auf alle unsre pudeurs?”: “Nó không phải là sự xâm phạm tiết hạnh của chúng ta sao?” - G.c.D.
[6]Kể từ ngày thành lập Reich (Đế Quốc)
[7]Trái ngược về thời gian
[8]Có lẽ phải viết: “Vì muốn tìm về nguồn gốc khởi nguyên, người ta trở thành một con cua”. Nhưng Nietzsche viết: “Damit, dass man nach den Anfăngen sucht, wird man Krebs” - G.c.D.
[9]Pháp văn trong nguyên bản: “Người ta chỉ có thể suy tưởng và viết khi ngồi.” - G.c.D.
[10]Esculape hay Asklêpios viết theo tiếng Hy Lạp, là Thần Y thuật hay tổ sư nghề thuốc.
[11]La văn: sự đồng ý của những kẻ khôn ngoan. “Der consensus sapientium beweist die wahrrheit”: “Sự đồng ý của những kẻ khôn ngoan là bằng chứng của chân lý.”
[12]Pháp văn trong nguyên bản: suy đồi, một trong những khai ngữ của Nietzsche, chỉ những kẻ bi quan, hướng vọng quá khứ, Thiên Đàng, Thượng Đế và tuyệt vọng - G.c.D.
[13]Niedergangs – Typen - G.c.D.
[14]der Wert des Lebens nicht abgeschätzt werden kann.
[15]Nietzsche công kích Engène Dühring, tác giả Giá trị của cuộc đời - G.c.D.
[16]La văn trong nguyên tác: một quái vật trên nét mặt, một quái vật trong linh hồn.
[17]Nietzsche phân biệt hai thứ tội phạm, một thứ tội phạm vì dũng mãnh, một thứ tội phạm vì yếu hèn. Do đó có một thứ tội phạm phẩm cách cao nhã, một thứ tội phạm đáng kinh tởm. Ở đây nói về loại thứ hai, trong khi ở đoạn 45, chương “Những cuộc viễn hành của con người phi thời” đề cập tới loại thứ nhất. - G.c.D.
[18]Reineke Fuchs - G.c.D.
Nguồn: Hồng Hà in lần thứ nhất tại Sài Gòn năm 1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của dịch giả.