trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
8.8.2006
Đỗ Quyên
ThÆ¡ đến từ đâu
Nguyễn Đức Tùng thực hiện
 1   2 
 
Nguyễn Đức Tùng: Vào giây phút im lặng sâu xa nhất, được sống với chính tâm hồn mình, bài thơ nào của mình mà anh nhớ nhất, và muốn đọc cho mình nghe nhất?

Đỗ Quyên: Đây là một câu hỏi khó, nhưng hình như nó không… thơ! Tôi không có, hoặc chưa được có, cái “nhất” này. Mỗi giây phút đó, trong tôi, có hoàn cảnh nào đó bên ngoài mời gọi một bài thơ nào đó của mình. Ví dụ, lúc ấy mà tôi nhớ, hay bỗng có gì gợi nhớ, đến mẹ thì thế nào bài thơ “Khóc mẹ’’ cũng tự đọc ra:

“Tròn ba mươi tuổi mồ côi mẹ
Đi mãi xa hay mẹ tạm vắng nhà?
Nửa đời nhớ mẹ và nuối tiếc
những ngày có mẹ nửa đời qua.”

Thành thực với mọi người (và xin mẹ tha lỗi!), hoàn toàn đây không phải là bài thơ tôi thấy hay. Nhớ thương mẹ một chuyện, mến mộ thi ca chuyện khác. Tôi tự xếp bài trên ở dạng thơ thù tạc, thơ phong trào. Thơ về mẹ, tôi cũng có một số câu, bài khác mà tôi cho là hay. Có thể vì tôi không đủ tài năng chuyển tải đề tài mẹ vào một bài thơ vừa hay nhất vừa được nhớ nhất và muốn đọc cho mình nghe nhất ở giây phút đó? Có thể cái Hay và cái Tình không phải lúc nào cũng phủ sóng lên nhau? Chắc gì Tế Hanh, có bài thơ về mẹ với hai câu: “Quê mẹ không còn mẹ/ Bao giờ con lại về?”, lại thường nhớ tới hai câu đó khi ông nhớ đến mẹ mình? Dám lắm chứ! Trong văn chương, nhiều khi đứa con này mình cưng thì thiên hạ hắt hủi, đứa mình cho là con ghẻ con hoang thì người đời lại cứ khen giống mình như lột!

Ờ, mà có thể câu hỏi này vẫn “thơ” đấy! Vậy ta nên coi là hạnh phúc hay bất hạnh cho những ai chỉ có độc một bài thơ là thơ nhất trong các bài thơ của mình? Nguyễn Đức Tùng ơi, có lẽ cái “giây phút im lặng sâu xa nhất, được sống với chính tâm hồn mình” của tôi là giây phút… sắp sửa ngỏm! Chả có khi nào tôi “im lặng” mà “sống với tâm hồn”. Cuộc đời luôn bắt mình đối thoại, giữ rịt mình sống với nó!

Nguyễn Đức Tùng: Có thật thế không? Đỗ Quyên, anh làm tôi hoang mang. Cũng có thể anh nói đúng. Trần Mạnh Hảo có hai câu thơ tôi cho là cảm động:

“Cả đời khi thức không hề khóc
Lúc ngủ say rồi lệ mới rơi”
(Chép theo trí nhớ)

Có thể là chúng ta chẳng bao giờ có giây phút im lặng sâu xa như tôi vẫn tưởng. Nhưng hãy quay trở lại với bài thơ mà anh thường nhớ lại. Bài “Khóc mẹ” của anh làm anh xúc động, tôi chắc thế, nhưng có thể không làm những người khác xúc động nhiều vì như anh nói, nó “không hay“. Đây phải chăng là điều cốt tủy của giá trị thơ ca?

Đỗ Quyên: Voa-la! Cốt tủy đấy, còn phải chăng gì nữa! Trường ca “Thơ thời gian” có nhắc tới. Ở đó, trước thi đàn, tôi cúi xin gọi đó là tính bất định của thơ. Định giá một bài thơ là công việc không phải của… con người! Hỡi các Con Người của tôi! Cho tới khi buông thơ xuôi tay, chắc tôi sẽ thảo xong một “lít” các bài thơ, các câu thơ “hay” với những lý do để nó được người đời coi là hay, trong đó rất nhiều lý do “giời ơi đất hỡi”. Bài thơ đó không có lỗi, câu thơ ấy vô tội, nhà thơ càng vô can. Đó chỉ là vì trời đất ban cho thi ca một độ bất định kỳ thú. Đây, một ví dụ: Nhà phê bình nào tự tin rằng có thể bình luận “chay” cho vuông cho tròn bài thơ nào đó mà không hề biết xuất xứ, tác giả? Tôi dám cá sẽ… cõng ba vòng quanh Văn Miếu đấy! Ừ thì “Tống biệt hành” vẫn hay, dù lỡ bị rớt đi “chapeau” Thâm Tâm nhưng cho hỏi “Phục sinh” liệu còn phục sinh đến ngày nay nếu không có “cái mũ” Thanh Tâm Tuyền dù trong bài thơ hai lần tên “thanh tâm tuyền” sinh sống trong đó? Thơ là nghệ thuật của ngôn từ và những gì không ngôn từ. Văn xuôi mới là nghệ thuật của ngôn từ. Các điều sau chỉ có trong thơ, không có trong văn xuôi. Rất nhiều câu thơ hay là “hay” nhờ vào cả cái “tình” của người đọc với tác giả, với toàn bài thơ mà câu thơ từ đó được sinh thành. Một bài thơ cũng thế: rất nhiều bài thơ hay là “hay” nhờ vào cả cái “tình” của độc giả với nhà thơ, với trào lưu, thời đại mà bài thơ đó được cưu mang. Một nhà thơ cũng có thể như thế. Không ít “nhà thơ hay” nhờ vào cả cái “tình” của người đời đối với thời kỳ, thế cuộc mà nhà thơ đó sống cùng. Thi phẩm của một thi sĩ, cái Hay và cái Tình, nhiều khi, một cái là vợ, một cái là bồ! Không phải ông nhà thơ nào cũng “vừa có vợ vừa có bồ” trong những sáng tác của mình đâu. Hiếm lắm!

Nguyễn Đức Tùng: Nếu ngày mai có một cuộc tập hợp đông người, và người ta đẩy anh lên sân khấu: đứng trước micro, anh sẽ đọc bài thơ nào của mình cho đám đông?

Đỗ Quyên: Chọn mặt gửi thơ là việc khó vô cùng! Anh cũng hiểu là, nói chung, đời tôi chẳng có vàng để mà đi gửi. Nhưng hồi xưa đâu cũng hai ba lần liên quan tới vụ “gửi vàng”, những khi đó, tôi đâu phải chọn mặt khó như khi tôi đi gửi thơ. Và anh biết rõ đấy, mười mấy năm nay, tôi ham làm trường ca, năm một năm một: lại càng khó gửi! Nếu như ngày mai anh cứ bắt phải gửi thì tôi sẽ chọn trong “Thơ thời gian” thế nào cũng được một đoạn hợp với đám đông của anh.

Nguyễn Đức Tùng: Trong các nhà thơ Việt Nam, rất ít người làm trường ca. Có thể kể Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Du Tử Lê, Đỗ Quyên. Tại sao anh chọn con đường vắng lặng gian khổ này?

“Những ai không còn không gian
Sau cái vuốt tóc thời gian ép lại
Sợi đen sợi bạc sợi màu
Em bao nhiêu tóc đau
Ở không gian khác
Ngôi nhà rèm trắng cửa hoa khép
Lẵng cây nghiêng mùa
Gốc phong già lá chưa xanh hết
Cặp chân nâu đâu còn trong mắt
Xếp trí nhớ gió mây lộn xộn chi tiết này
Là dốc nhỏ vắng người nữ
Ở thời gian khác
Có người trai ngủ ngày giật mình nhặt lên chiếc đồng hồ
Ngỡ con cu mình rớt”

(Trích trường ca “Bài thơ không thuộc về ai”, 2001)

Đỗ Quyên: Được anh nhắc vậy, các trường ca gia, còn sống và không còn sống, đỡ tủi. Bàn về vấn đề trường ca thì dài lắm!

  • Đã rất lâu rồi, các giới phê bình, sáng tác, độc giả thơ Việt Nam, và cả thế giới, coi thể loại này “sống như chết anh hùng vĩ đại”. Chỉ các nhà trường ca mới biết trường ca của chính mình còn sống.

  • Thời 1954-1975, thi sĩ trong Nam hầu như “kính nhi viễn chi” lối thơ này. Tôi chỉ được đọc Trần Tuấn Kiệt. Ngoài Bắc: Thời hòa bình 1954-65: Hoàng Cầm, Xuân Diệu… Thời chiến tranh 1965-75 và sau 1975 một dạo cho tới quá 1980 ít năm thì trường ca là “bố tướng” đấy, anh Tùng ạ! Để tôi thử kể lại, bổ sung cùng anh nha: Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh đã đành; Còn nữa: Nguyễn Khoa Điềm, Trần Mạnh Hảo, Thi Hoàng, Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Khoa, Vĩnh Quang Lê¸ Nguyễn Trọng Tạo… Vài năm nay: vẫn là Lê Đạt; thêm: Hoàng Trần Cương, Mai Văn Phấn, Trần Anh Thái… Ở hải ngoại: Trần Nghi Hoàng, Cao Đông Khánh, Du Tử Lê, Kiệt Tấn, Đỗ Quyên… A, ta như thấy ngôi nhà trường ca Việt Nam trông trống? Thì đây: Trần Dần, “bố của bố tướng” trong thể loại trường ca tiếng Việt!

  • Chửa thấy có nữ sĩ nào (ta, Tây, Tàu, Ấn, Mễ, Mẽo, Úc…) viết trường ca cả! Trường ca không phải là một danh từ giống cái?

  • Tại sao tôi lại cứ ưa viết trường ca, “chọn con đường vắng lặng gian khổ này”? Anh đi mà hỏi các nhà tâm lý học sáng tạo ấy! Hoặc về Việt Nam, lên mạn ngược hỏi cái cô gái trong bài hát nọ, hình như bài “Sao em chọn lối này”? Xin lỗi, tôi “bức xúc” như vậy ỷ y anh chẩn đoán được lòng tôi không ổn trước câu hỏi. Một, đó cũng là loại câu hỏi “nghe xong đã muốn chửi thề!”, kiểu như “Tại sao anh làm thơ?” Hai, (vụ này đụng chạm tới vô khối vị đó à nha. Thưa các văn thi hữu, lỗi tại thi hữu Nguyễn Đức Tùng mọi đàng. Bày đặt hỏi này nọ. Tôi chỉ biết giả nhời thôi!), từ rất lâu rồi, hôm đó, vào một buổi xấu trời mưa rơi bia rượu cạn, tôi vô cùng bức xúc lúc đọc ở đâu đấy một nhà thơ, nhà văn hay nhà gì đó trả lời phỏng vấn, đại để, “Văn chương nó chọn tôi!” khi được hỏi tại sao ông/bà/cô/bác lại chọn văn chương! Sau này mỗi khi bi hài kịch đó tái diễn, tôi thường phải chạy vào… cái phòng nhỏ nhất trong một căn nhà để xả nỗi bức xúc! Lý do: mời coi trong trường ca “Thơ thời gian”.

Nguyễn Đức Tùng: Anh không làm thơ nữa, có được không?

Đỗ Quyên: Khoái nhất câu này! Trước đã đọc nội dung tương tự ở một bài viết của Nguyễn Đức Tùng. Đây cũng là một cái đinh tôi găm trong túi thơ từ lâu đang chờ dịp lòi ra. Có ba cách trả lời.

  • Dân dã: “Để tôi về hỏi vợ tôi xem sao?”

  • Lý sự: “Đấy là loại câu hỏi không cần câu đáp.”; Hay: “Hỏi tức là trả lời.”; Còn nữa: “Có và không. Có vì bla bla bla… Không vì bla bla bla….”

  • Cách thứ 3. “Anh không làm thơ nữa, có được không?” - Đó là một công án thơ. Ở đây tôi tạm gọi là thi án. Xin trích đoạn sau trong “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Việt” ở Web http://vi.wikipedia.org. Chú ý: tôi đã lược đi, thay bằng (…), các chỗ chú giải thuật ngữ ở các thứ tiếng Tây Tạng, Nhật, Hàn Quốc, Pali, Phạn, Hán, vì tôi đâu có hiểu các tiếng đó.

    “Công án (…) có nguyên nghĩa là một án công khai, quyết định phải trái trong quan phủ. Trong Thiền tông, thuật ngữ quan trọng này chỉ một phương pháp tu tập thiền định đặc biệt. Công án có thể là một đoạn kinh, một kinh nghiệm giác ngộ, một câu chuyện về một vị sư, một cuộc đàm thoại, vấn đáp hay một cuộc pháp chiến. Nhưng chúng có chung một điều là đề cập đến thể tính của vạn vật. Đặc trưng của công án là thường thường nghịch lí, “nằm ngoài phạm vi của lí luận”. Công án không phải là "câu đố" thông thường vì nó không hề được giải đáp bằng lí luận, muốn hiểu nó phải nhảy qua một cấp độ khác của nhận thức.”

    “Vấn đáp (…) là những cuộc đối đáp trong Thiền tông, giữa thầy và trò về một công án hay một vấn đề làm thiền sinh thao thức. Thiền sư thường thường trả lời theo một cách nằm ngoài quy ước, với mục đích đánh thức trực giác nơi thiền sinh (Pháp chiến). Nhiều vấn đáp đã trở thành công án trong lịch sử Thiền.”

    “Người ta cho rằng, gom góp lại có tất cả khoảng 1.700 công án - một con số mang giá trị trừu tượng - và trong số đó 500-600 ngày nay còn được lưu hành tại Nhật.”
Vậy suy ra rằng, thi án có thể là một cuộc thi đàm (như của Khế Iêm, Chân Phương, và hình như cả Đỗ Kh. – trên tạp chí Thế Kỷ 21, khi Tạp Chí Thơ vừa ra mắt), phỏng vấn (như của Nguyễn Đức Tùng đây) hay một cuộc thi chiến (như tranh luận liên hồi kỳ trận thời đầu Thơ Mới hay như thảo luận lai rai lòng vòng về nhóm Mở Miệng hai ba năm nay). Đặc thù của thi án nói chung là nghịch nghệ thuật. Thi án không phải là trò chơi (như trong các cuộc thả thơ) nên không thể giải quyết bằng thi pháp, muốn tiếp cận nó phải bay sang một hình thức khác của mỹ học. Phỏng vấn thi ca là các dịp hỏi chuyện trong thi đàn, giữa các nhà thơ, về một vài thi án hay một số đề tài làm nhà thơ đau đáu. Nhà thơ được phỏng vấn thường hay giả nhời có tính phi thi pháp với ý đồ gây chuyện với nhà thơ đi phỏng vấn (thi chiến). Không ít phỏng vấn thơ đã, đang và sẽ trở thành các thi án trong lịch sử thi ca.

Bên nhà Phật được những 1.700 công án rồi. Vậy nhà thơ ta có bao nhiêu thi án đây? Thật là một công trình có tính toàn cầu xuyên quốc gia. Lâu nay, những khi hí hoáy với chuyện này nọ về thơ thẩn, tôi thảy tất cả vô bản thảo Vạch áo nàng Thơ. Cầu Giời khấn Phật, chúng con làm thơ hiền lành, không gian dối không đạo thơ, xin Ngài cho được năm bảy cái thi án là nhà con vạn phúc! Trong năm bảy cái đó, cũng ít nhiều trùng hợp với các thi án của Nguyễn Đức Tùng: “Anh (chị) không làm thơ nữa, có được không?”; Thơ cần thiết cho ai?”; “Bài thơ của anh (chị) bắt đầu ra sao? Xin cho một bài thơ làm ví dụ?”, “Tại sao anh cứ chọn trường ca mà viết, như sa vào con đường vắng lặng gian khổ, sao không làm thơ haiku cho khỏe”?

Nguyễn Đức Tùng:

“Anh còn lại một ngày
Chờ em và đợi chết
Không gian giấy trắng đầy
Thơ tha hồ mà hát

Anh còn lại một ngày
sống những ngày qua cũ
Chắc không kịp đến giờ
Lưỡi hái kề sát cổ

Anh còn lại một ngày
Sổ đời đây để ngỏ
Nợ tha nhân đã nhiều
Và nợ mình hết thảy
……
Anh còn lại một ngày
Thảo cho con hàng chữ
Ngày nào con đọc ra
Sẽ thấy điều sinh tử

Anh còn lại một ngày
Mà Đông phương xa quá
Ơi Đỗ Quyên mãi là
Cánh chim buồn không xứ”

(Trích trường ca “Buồn muộn cùng thế kỷ”, 2000)

Thơ Đỗ Quyên, trong những bài u tịch nhất, hay trong những tiểu đoạn trường ca thắm thiết nhất, lại trở về với các thể thơ cổ điển. Anh có ý định làm mới thơ, hay không hề có ý định đó?

Đỗ Quyên: Biết rồi! Khổ lắm! Hỏi mãi! Độ này, việc bàn về làm mới thơ của dân thơ nhà ta giống như chuyện thời tiết. Bài “Thơ thời gian’’ cũng có nói. Nay thêm một tí: Nhà thơ muốn làm mới mẻ thi ca thì không nên bận bịu với vụ đó giống như các cháu teens sắp sửa đi party: mặc áo nhỏ nào, váy lớn nào, call cho ai trước, đến đó không nhìn ai, nhảy với ai xong thì ngồi uống với ai, v.v… và v.v… Mà ít ra cũng cần như bà tướng đi đại tiệc. Hay nhất là được làm bà chủ tiệc tại gia: hân hoan, tự tin và thoải mái. Thơ cách tân thành công là từ các nhà thơ “gia chủ đại tiệc” như thế! Người ta hay nói rằng nhà cách tân phải viết bằng cái búa; tôi thấy là không chỉ để anh ta phá đi cái cũ già nua, cản trở bước đường khai phá mà còn để đập vỡ cái gương trước mặt mình. Anh ta làm nên cái mới cho trang viết, chứ không phải vì đang tập đóng kịch, trước khán giả và các tràng pháo tay tưởng tượng. Nếu nhìn lại chưa thấy tâm trí mình “tân” thì hãy tạm buông mouse, hạ bút. Trở ra bàn viết, về với mình mà sống, mà “cách” con người mình. Ai đó tài xạo thì có thể xạo với người đời, với thầy bà bác mẹ, qua mặt cái vù vợ con nhưng làm sao dối được với con chữ cái nghĩa nằm âm ỉ trong bụng, thòi ra bàn tay, rồi rơi vào trang thơ? Chữ nghĩa mà chưa thể mới, chưa canh tân thì người máu nóng đó sẽ chỉ làm ra các bài thơ “có ý định” làm mới thơ. Khi làm thơ, tôi coi bài thơ hợp với bản thân mình ở thời điểm đó hơn là việc mới-cũ. Tôi không bức hiếp thơ của mình. Nếu xui, nó có “cũ” nhưng tự nhiên, đồ thiệt made in ĐQ, cũng hơn là mơi mới mà khiên cưỡng kiểu tí ti Trần Dần, chun chút Allen Ginsberg, Hai Tê rưỡi nửa mùa, bỏ mẹ rồi quên chưa vắt dòng, cắt dán tùm lum thế vầy ai dám bảo không hậu hiện đại… Tôi biết trong giới văn nghệ chúng ta, ở vụ khai phá, cách tân, người viết bằng búa thì ít mà viết bằng gương thì nhiều!

Này, tôi đang khoái trá vì chộp được các chữ “có ý định” của anh. (Chắc là anh… không có ý định khi viết chúng!) Vâng, chính ba chữ đó giải thích rất nhiều cho các tranh luận, định giá những phong trào văn nghệ, trào lưu thơ, nhóm phái văn chương trong sự nghiệp đổi thay nghệ thuật. Nói thế này sẽ bị coi là hỗn, là “vạch đít tượng”: “Tình già’’ là một bài “có ý định” làm mới thơ Đường luật, thơ cổ điển kể từ mốc Tản Đà đổ về trước. Trong các cao trào thơ, người “có ý định” nhiều như các con thiêu thân vậy. Chúng ta vững tin rằng Phan Khôi hừng hực lửa canh tân không chỉ cho thơ ca mà cả văn hóa, báo chí, cả xã hội. Phải! Canh tân cả cái hình chữ S đang oằn oại trong thời kỳ thoát thai của một nền văn minh, văn hóa 6 phần Tàu 2 phần Tây 2 phần Việt! Gần đây, các tư liệu về Phan quân khá nhiều; khi đọc tiên sinh, tôi hay ngắm nhìn chữ nghĩa của ngài và ngó sang bài “Tình già’’. Ngộ rằng, thơ là chuyện nhỏ như con thỏ đối với nhà văn hóa lớn Phan Khôi. Có lẽ vì thế chất thơ ở văn hóa gia nó cứ khô khô làm sao ấy. Và ngài sinh hạ “Tình già’’ với dòng máu cách tân thi ca trong một cơ thể chữ nghĩa đúng là của mình nhưng lại không phải của… thơ!

Tôi chịu Nguyễn Đức Tùng khi anh đặt câu hỏi trên: đưa ra dẫn chứng về các đoạn thơ vần “cổ điển” để dứ tôi nhào vô vụ khai phá thơ và vụ hình thức của trường ca. Vậy, thanh minh (trong tiết tháng ba) bốn ý này:

  • Với thể loại trường ca: làm tân làm tiến toàn bộ nó là chuyện to như con voi! Maia "thì ở nước Nga" mà Trần Dần, Hữu Loan, Phùng Quán, Lê Đạt và nhiều nhà thơ lớn khác "vẫn thấy rất là Việt Nam", đến mức trường ca Maia, phong cách Maia đã được Việt hóa rất ô-kê. Nhưng, nói cho ngay, các bậc tiền bối đó chưa thoát ra được cái bóng của “những đám mây mặc quần”. Có thể chỉ ra những câu, đoạn “made in” Trần Dần, Hữu Loan, Phùng Quán, Lê Đạt theo “license” của Mayakovsky. Trong sáng tạo, đó là chuyện kế thừa tất nhiên. Tôi nêu vậy chỉ để bật tung ra cái khó của thay đổi, làm mới thi pháp trường ca. (Mà “Lão núi’’ của Lê Đạt, Mùa sạch, Jờ Joạcx của Trần Dần là ba ví dụ nhãn tiền.)

  • Trong diễn tiến đang nói, tôi đề nghị chia những nhà thơ làm mới thơ theo hai loại:

    Loại thứ nhất: Đổi mới tự thân, mở đường gần như độc lập. Đó là những Hữu Loan, Hoàng Cầm, Tô Thùy Yên, Văn Cao, Nguyễn Đức Sơn, v.v…

    Loại thứ hai: Cách tân, khai phá qua trào lưu. Là các Trần Dần, Thanh Tâm Tuyền, Lê Đạt, Nguyễn Duy, v.v…
Việc thảo luận, hơn nửa năm nay như nguôi ngoai, về nhóm Mở Miệng, về phong trào Thơ Tân hình thức Việt đã đề cập tới điều sinh tử này của nghệ thuật thơ. Theo tôi: Làm mới nghệ thuật hoàn toàn không phải là một cuộc cách mạng, theo nghĩa không làm mới thì thi ca tắc tử! Thi sĩ là nhà tiên tri; nhưng phải là nhìn được trước điều sắp đến, chứ không phải chỉ ra cái sẽ không có, trong thi ca. Không! 3 x 7 = 21 lần không! Tiến trình thay da đổi thịt của nghệ thuật là vì nghệ thuật, vì chính nó, chứ không phải vì con người. (Nhiều triết gia, bởi thế, gọi nghệ thuật là vô dụng.) Đâu phải cứ tự quất cái roi làm mới lên chữ nghĩa của mình, của người, lùa chính mình, lùa một đám thi sĩ quanh mình ham cách tân vào trong “trại cách tân” là được. Các nhà cách tân hồ hởi phấn khởi của thi ca ạ, cũng giống như tôn giáo, các cuộc thánh chiến đẻ ra từ sự không có tự do tôn giáo. Tự do đổi mới thơ cũng bình đẳng với tự do không hoặc chưa đổi mới thơ, đối với bản thân một nhà thơ hay cả một dòng thơ. Sự phi tự do trong lãnh vực này dẫn đến tội lỗi không thua gì sự mất tự do đổi mới thơ (thường bởi các thế lực độc đoán, bạo quyền). Đây còn là một tội kép: mang danh tự do khai phá để độc tôn khai phá, để phá hủy, công kích vô lối cái kinh điển vô tội. Tại sao vậy? Hơn cả tôn giáo, một lãnh vực tưởng như là vấn đề của cá nhân mà vẫn bị gia đình, cộng đồng lấn áp, làm thơ - đó là vấn đề của cá nhân và chỉ của cá nhân. Các trường phái nghệ thuật ở Tây phương thành quả hơn ở Đông phương phần vì họ mang tinh thần tôn trọng tự do cá nhân - sản phẩm của văn hóa Tây phương – vào sinh hoạt nghệ thuật nhóm phái, khuynh hướng. Tất nhiên còn vài lý do khác, như bài bản, nhà nghề, kỷ luật, biết chịu nhau… Rất ít sinh hoạt trường phái văn nghệ Việt Nam thực hiện cho ngon ngọt tiêu chí coi nghệ thuật là mục tiêu tiền phong. Nó khó nhận ra vì những nhà cách tân ấy thường là nạn nhân cụ thể của một sự mất tự do nào đó. “Thi ca đã chọn chúng ta!” Độc quyền làm tiền vệ, độc tài cách canh tân – đó vẫn là lề lối làm việc của đa số trào lưu nghệ thuật Việt Nam lâu nay. Thói xếp chiếu trên khoanh chiếu dưới làm thui chột nhiều ý muốn sáng tạo của những người không đồng hội đồng thuyền. Điển hình là nhóm Sáng Tạo, dù là sáng tỏ nhất nhì trong các ngọn đèn nhóm phái văn học Việt Nam, cũng không hề “sáng tạo” trong quan hệ văn nghệ sĩ.

Tân hình thức Việt: Ra mắt hồi tháng 5 mới rồi, cuốn Thơ không vần - Tuyển tập Tân hình thức song ngữ Việt-Anh khẳng định một tiến trình đi lên đầy khó nhọc mà vinh hiển nơi sự nghiệp đổi mới nghệ thuật thi ca Việt. Bài tựa của Khế Iêm, “Tân hình thức bước ra từ nền văn học suy tàn”, đang giăng trên Web tapchitho.org, toát lên điều đó với sự cực đoan rất dễ thương thường thấy ở các nhà khai phá thực tâm thực tài. Cuộc tranh luận về nó kéo dài hơn hai năm trước, dàn trải nhiều diễn đàn, không rạo rực mà căng thẳng. Sự khơi lại khá căn bản và đối ngược bởi Chân Phương, giữa năm ngoái, coi như là tiết mục khép màn. Tôi thấy cuộc thảo luận đó là lành mạnh xét về văn hóa tranh luận, là cần thiết xét về đóng góp khai triển thi pháp thơ Việt Nam. Kết quả mà Khế Iêm cùng các bạn thơ trong phái đã làm được là cao hơn nhiều bên mức độ cảm thụ thơ cùng sự phát triển văn hóa ở người Việt hải ngoại và người Việt Nam nói chung. Giá như nhóm Tân hình thức Việt giảm thiểu ý nghĩa “chuyển lửa” Tân hình thức Mỹ cho văn chương Việt, cho người Việt ở hải ngoại và ở Việt Nam thì cuộc tranh luận chắc sẽ dịu đi phần ồn ào về hình thức không cần có. Khai thông nghệ thuật, mở ra một quan điểm mỹ học cho một cộng đồng là nhu cầu nội tại của chính cộng đồng với dòng văn hóa của nó chảy trong thời đại chung của nhân loại. Chỉ khi đó cây “tân nghệ thuật” mới tỏa ra ngoài bóng hình của mình.

Mai Thảo: Ai cũng rõ là người chia bài bàn chơi Sáng Tạo rất sáng tạo, thông thoáng trong các tuyên ngôn, tùy bút văn học... Trong sáng tác (tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn), ông cũ mèm. Cả khi ra hải ngoại - Sáng Tạo có cháu gọi bằng ông bà rồi - Mai Thảo vẫn là Mai Thảo xưa. Các nhận định về xu thế văn nghệ, về tác giả cụ thể, các phát biểu bỏ túi bàn tiệc hay trên trang đầu báo chí của ông vẫn có độ nóng của người khoan đường. Còn sáng tác – cái sáng tạo tột đỉnh của một người viết – ở Mai Thảo hải ngoại lại còn tiền cổ điển: xưa hơn cả các truyện Mai Thảo trước 1975. Rồi thơ, cuối đời, người thơ đó cất tiếng hót Ta thấy hình ta những miếu đền. Đọc thì biết! Một tập thơ hay. Mà nó chả có tinh thần khai phóng gì sất! Tóm, trong sáng tác, Mai Thảo vẫn chỉ là người “có ý định” tân tiến.

Lê Đạt: Là nhà cách tân đầu đàn thơ Việt, là nhà lý luận của một trào lưu làm mới văn nghệ ở cái thời ngôn ngữ phải đong đưa giữa ngòi bút và dây thòng lọng, ông như sống trong nhà tù của nhu cầu cải biến hơn là dưới bầu trời cho sự khai phóng. Đang đọc lại “Mimôza” (Từ tình Epphen II) và các bài thơ mới 2003-2005 mà tạp chí Hợp Lưu vừa giới thiệu, số tháng 6&7/2006, tôi càng muốn xin được nghĩ rằng, Lê Đạt đầy ải chữ nghĩa của mình hơn là chữ nghĩa Lê Đạt đầy ải ông.

Hoàng Cầm: Chúng ta đang đi vào một đại lộ của thành phố thi ca Việt hiện đại: thơ Hoàng Cầm. Thơ ông điêu luyện một cách tự nhiên, như giời cho đất phát, từ bài hay cho tới bài dở. Ở bảng phong thần các nhà thơ Việt nêu trên, dù xin được xếp ông vị trí thứ 8/12, tôi luôn luôn đề cử thi sĩ vô giải Nobel về thơ đương đại Việt. Thơ “lưỡi gỗ” của Hoàng Cầm (khá nhiều; ngay lúc này, tôi chỉ nhớ đến bài viếng Tố Hữu (?), bài “Em bé lên sáu tuổi”) ta có thể không thích, nhưng chúng đều nằm trong mạch điêu luyện của thi sĩ. “Gỗ” này là hàng tứ thiết. Gặp những bài như thế ở Hoàng Cầm, tôi cứ việc “Chậc! Những đứa con hoang của ổng…”, như thể là thơ (của ông) bị cưỡng hiếp! Nhưng với các bài tương tự ở Xuân Diệu, Chế Lan Viên, thi thoảng ở Huy Cận, tôi lại không thể thương được. Thế giới chữ nghĩa của ba thi nhân cứ quyện vào đó, như nói với tôi rằng: “Đây vẫn là con đẻ của chúng tôi!” Thi ca quả là bất định. Những sự bất định kỳ khôi và nhọc nhằn! Làm nghệ thuật cách mạng đâu có dễ, nếu thi sĩ không một lòng một ruột tin nơi cách mạng. Tính tinh luyện trong thi tứ Hoàng Cầm đã khiến ông là nhà thơ đổi mới thơ mà vẫn tỉnh bơ như không. Cho tới cách đây ba bốn năm, cấu tứ, nhạc tính thơ Hoàng Cầm vẫn mới sáng, ngoạn mục.

Giải Nobel cho thơ Việt: Chất Việt, tính làng xã Việt ở thơ Hoàng Cầm ngày một hiện đại, toàn cầu hóa. Tiếng Việt nơi Hoàng Cầm vừa “đẳng cấp” mỹ nhân để còn dịch ra được tiếng Ăng Lê, chứ không "phù thủy" như ở Bùi Giáng, không “tẩm” như ở Nguyễn Bính, không “sến” như ở Xuân Diệu, không “cứng” như ở Chế Lan Viên, v.v… Tôi nâng cả hai tay lên thi đàn thế giới (mà biểu tượng thời thượng là giải Nobel) cái tên Hoàng Cầm là vì thế. Giải Nobel được chọn, trước là “Tay ấy con nhà ai?” (Pháp quốc hay - Mễ quốc? Ví dụ vậy.) sau mới là “Hắn viết ra làm sao?”, rồi “Không có hắn thì giải Nobel thiếu hụt gì?”, rồi v.v… Thế giới Âu-Mỹ đâu cần Thanh Tâm Tuyền. Thi sĩ Ba Tê rõ là cách tân đấy, nhưng có ích cho làng thơ An Nam. Nếu như Việt Nam mang ảnh hưởng văn hóa, kinh tế của mình tới thi xã nhân loại thì diễn đàn Nobel sẽ chọn kiểu như Hoàng Cầm, Tô Thùy Yên, Nguyễn Bính. Bùi Giáng thì bố Nobel cũng phải gọi bằng cụ! Kính nhi viễn chi thôi! (Trong “Thơ thời gian”, tôi mổ xẻ giải Nobel chưa đã, nay mần thêm!) Thật ra, nếu Trần Dần thành công toàn vẹn, không cách tân một nửa đường thơ (không phải vì làm chưa xong đã ra đi, mà vì ông chọn con đường ngôn ngữ Việt chưa hoặc không chịu đi tới đó) thì chính ông mới là Nhà Thơ Việt Nam Hiện Đại Số 1 để cho thế giới biết thế nào là thơ bằng tiếng Việt hiện đại. Phan Huy Đường mấy tháng trước kêu làng trên Web Ăn Mày Văn Chương của ảnh về chuyện cứ tưởng cái gì tiếng An Nam cũng dịch ra tiếng Tây được. Nếu ngày mai, các ông hàn lâm viện Thụy Điển có hợp đồng, cho ảnh chọn dịch Trần Dần (Jờ Joạcx) và Bùi Giáng thì ảnh chọn ai? Biết ngay là chàng chọn Nàng Thơ Thi Sĩ Trung Niên chữ nghĩa tưng tửng, chớ dại gì mà chọn Bà Lão khó chịu mài từng con tự xẻ mỗi âm lượng ra “chỉ thấy phố thấy nhà.”

Thanh Tâm Tuyền: Ba mươi năm nay ở hải ngoại có một câu hỏi lớn: Vì sao Thanh Tâm Tuyền xa lánh làng văn, không viết, hoặc viết ít, hoặc viết không được như thời xưa? Sau khi ông mất, chúng ta vẫn như chưa có lời đáp. Trên tạp chí Thế Kỷ 21 mấy tháng trước, Trần Thanh Hiệp, bạn văn và bạn thiết của nhà thơ quá cố thì biểu, diễn nôm và đại ý, “Ổng vỡn theo rõi văn chương đấy chớ, vỡn muốn viết đấy chớ. Ổng biểu mí tui là vì thấy hổng viết được gì hay và mới nên chưa tái xuất đó thôi.” Với tôi, thi sĩ Ba Tê – Nhà Khai Phá Số 1 Và Thành Công trong các thi sĩ Việt hiện đại! Gần như buông ngọn bút Sáng Tạo xưa có phải vì ông thuộc vào loại thứ hai, nếu theo cách phân loại ở trên? Sự tinh khôi trong thơ của ông nảy sinh từ một trào lưu, một thời thế, theo sự di dạt và dồn nén. Văn tài như Thanh Tâm Tuyền, tất nhiên, không thèm ăn theo trường phái, ngược lại, còn đẻ ra nó nhưng dường như lại cần trào lưu, môi trường, thời cuộc như những người đàn bà không đẻ thì không thành đàn bà. Không hiếm văn tài khác cũng vậy, như Bréton của phái Siêu thực Pháp, trào lưu Beat Hoa Kỳ. (Tôi có lộng bàn, trong Vạch áo Nàng Thơ, thêm chút chút về Thanh Tâm Tuyền - và Trần Dần – như là hai món nợ ở văn chương Việt Nam đương đại. Các cây đa cây đề của thơ Việt kể từ Thơ Mới dường như đã được giới phê bình-lý luận chiếu cố tương đối xứng đáng với ảnh hưởng chữ nghĩa của họ, ngoài nhị vị đó.)

26 nhà thơ Việt Nam đương đại: Nếu các nhà lý luận chịu rằng quả thực có hai loại vậy thì ĐQ tôi tự động chạy về vào loại thứ nhất. Để tránh bị coi cũng đòi xếp hàng thơ như “người lớn”, xin dẫn ra tác giả khác, cùng lứa tre trẻ. A, sao không lôi “lít” của tuyển tập 26 nhà thơ Việt Nam đương đại ra?

Loại thứ nhất: Văn Cầm Hải, Phan Nhiên Hạo, Lê Thị Huệ, Inrasara, Đỗ Kh., Ngô Tự Lập, Đinh Linh, Uyên Nguyên, Thường Quán, Phan Huyền Thư.

Loại thứ hai: Nguyễn Quốc Chánh, Bùi Chát, Đinh Trường Chinh, Trần Tiến Dũng, Thận Nhiên, Nguyễn Hoàng Tranh, Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Viện.

Hai trường hợp Nguyễn Đăng Thường và Nguyễn Hoàng Nam: có lẽ thơ của hai ảnh đi hàng đôi.

  • Anh nhận xét: “Thơ Đỗ Quyên, trong những bài u tịch nhất, hay trong những tiểu đoạn trường ca thắm thiết nhất, lại trở về với các thể thơ cổ điển”. Vũ Đình Kh. đọc trường ca “Đống chữ”, nói: “Khóc cũng giống như làm thơ! Hãy nhìn ông bà nào đang khóc một người thân vừa nằm xuống. Họ khóc hu hu, hù hụ. Dài lê thê. Khi nhặt, khi khoan. Đến lúc nào đó, trong khi đang thi hành việc khóc, họ chợt nhớ lại những kỷ niệm đẹp xấu, vui buồn với người quá vãng, tự dưng họ rống lên thảm thiết vô vàn. Làm thơ cũng vậy à! Khi khoan, khi nhặt. Lúc khô khốc, lúc tha thiết mẫn cảm. Vì vậy, giống như những cái khóc rống lên, trong suốt chiều dài của một bản trường ca nào đó người đọc sẽ gặp những điều khi thì bất chợt, lúc lại bàng bạc đâu đó, trước sau - Đấy là những chỗ nhà thơ muốn nói, mà vì chúng ta không trong cuộc nên khó thấy nhất thời. Ở “Đống chữ” có lắm chỗ vậy.” Làm trường ca, tôi hay “có ý định” viết những đoạn vượt biên: cho tứ thơ chạy nhung nhăng (chữ này như là bổn quyền của Kim Lân) ra ngoài đề cương, dàn bài. Đó thường là các đoạn buồn, thê thiết như anh nêu. Và quả là hình thức thơ vần, đúng luật điệu đã tìm đến. Trong “Người cùng thời” (Mai Văn Phấn), có hai đoạn vượt rào như thế cũng ở thể thơ 4 chữ và 5 chữ. Ừ, có nhiều lúc muốn xua đuổi nó. “Anh mày đang đổi mới thơ đây! Đi chơi chỗ khác!” Ở bài “Thơ thời gian” đoạn nhung nhăng thì lại là Tân hình thức.

  • Lúc viết các đoạn phóng túng, vượt biên, tôi coi nó như một bài thơ độc lập. Đôi khi ham vui, kéo thành một trường ca con; mà anh gọi là tiểu đoạn trường ca. Đó là một trong vài thủ pháp tôi từng xây dựng. Mấy tháng trước, coi trên Tiền Vệ, được biết Dương Kiều Minh đánh giá một trong những đặc thù ở trường ca Trên đường của Trần Anh Thái cũng trùng ý đó: Trường ca trong trường ca. Thực ra, đọc trường ca của nhiều người, tôi cũng có cảm giác ấy. Cho hẹn dịp khác… À, thêm một câu: “Trường ca trong trường ca” thì bình thường như vậy, mà sao khi nói “tiểu thuyết trong tiểu thuyết” thì các nhà phê bình coi bộ trang trọng lắm?
Nguyễn Đức Tùng: Khi nào thì Đỗ Quyên thôi làm cánh chim xa xứ? Bùi Giáng thường nói về cố quận, anh có cố quận không? Hơn thế nữa, anh có thương thảo (negotiate) với quá khứ và với cuộc đời không?

Đỗ Quyên: Mấy câu hỏi này coi bộ “vượt biên” rồi: ăn nằm gì với trường ca nhỉ? Hay anh muốn có “phỏng vấn trong phỏng vấn”? Vâng, đấy đã hỏi đây đáp, dù chuyện riêng tư, ngoài thơ.

Bay xa xứ tứ tung cũng tới hai lần tam quốc khi thấy hòm hòm thiên địa ra răng rùi thì tôi nghĩ về chuyện hồi xứ. Mãi tới cuối năm 2002 mới có dịp, sau gần mười lăm năm nàng Kiều. Chưa về cũng biết về là chịu liền! Quả nhiên! Nhân bảo là thần bảo! Muốn về lắm, hoặc đi đi về về mà bốn năm nay chưa được. Chỉ vì chưa kiếm đủ đô tậu một túp lều mái tôn hai trái tim đồng này về đậu. Giản dị vậy thôi!

Cám ơn anh đã hỏi về hai chữ mà tôi không được “sở hữu” trong tự điển của mình dù có đời di dạt: Cố quận. Quý vị trong Nam, lại là Bùi Giáng như anh nhắc, thì cứ như thể phi cố quận bất thành thi ca! Trong thơ, và trong đời thường, dân miền Bắc XHCN cũ, dường như ít dùng chữ này. Thời trước thì nhiều: là Quang Dũng (“Nẻo chừng cố quận nhớ thương ời!”), là Huy Cận (“Người về cố quận muôn trùng ta đi”. Hai chữ “quê hương” khế ngọt khế mặn thì khỏi nói rồi. Thời chiến tranh, hai chữ ấy ắt xếp hàng Top 10 các chữ có trên mặt báo, đầu môi. Các chữ “quê nhà” cũng gần với (chúng) tôi: “Quê nhà xa lắc xa lơ đó / Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay”. Chà, Nguyễn ơi là Nguyễn, Bính ơi là Bính! Đố anh Nguyễn Đức Tùng chữ nào đắt nhất trong 14 chữ đó? “Tha hồ”! Ta đã gặp động tác "ngoảnh lại" ở thơ Nguyễn Đình Thi và ở hàng ngàn câu thơ khác về người xa quê lìa nhà. "Ngoảnh lại" - Đó là bản năng của sự ra khỏi quê hương. Người Âu dân Mỹ lưng vừa quay khỏi cửa nhà mình mắt đã “double check” nữa là. Ý tứ hai câu của Nguyễn Bính nằm ở cái "ngoảng lại", nhưng hồn thơ thì ở thuộc tính "tha hồ" của hành vi này. Ở kẻ tha hương khác, những là “quê nhà” và “xa lắc xa lơ”, những là “ngoảnh lại” và “mây trắng bay”. Ở kiểu Nguyễn Bính giang hồ lãng tử, không có “tha hồ” là không xong. Mây cứ tha hồ bay trắng trời quê, và lòng người xa nhà thì tha hồ mà ngoảng lại. Wow!

Với tôi, cố quận, quê hương đồng nghĩa với đất nước hay tổ quốc. Vì rằng thường chỉ người ra đi từ làng xóm thì mới có tình quê nhà, lòng cố quận. Cái kẻ “cày đường nhựa”, không “giậu mùng tơi xanh rờn”, chẳng “gái quê” thì nhớ nỗi gì! Có cây sấu chua từng mài mòn đít tuổi thơ chỉ dăm tháng nửa năm là bị cưa đổ. Một dãy nhà mang số hiện lên. Đi xa về còn không tìm ra cửa nhà mình. Biết đâu mà hồi? Trong khái niệm “quê nhà”, thiệt tình, tôi không có “quê”. Nhỏ đến lớn thi thoảng có về quê: khi vì hoạn nạn (tránh bom Mỹ), khi vì việc nhà… Tuyệt không có ý niệm nhớ quê, háo hức về quê như các trẻ đồng niên được sinh ra và lớn lên thực sự ở quê cha đất mẹ. Đấy là một thiệt thòi không sao bù được cho một người làm thơ Việt Nam - xứ sở có làng quê làm cái nôi cho thi ca, kể cả đến thời hậu hiện đại hôm nay. Ở vụ “quê nhà”, tôi chỉ có “nhà”: nhớ nhà chẳng hạn, mỗi khi phải đi sơ tán ở các tỉnh xa nhà; hoặc lớn lên đi công cán, nghỉ hè đó đây. 16 năm trước, từ Tây Berlin, tôi có bài thơ ngắn “Đêm đầu tiên ở trại tỵ nạn”. Về sự Hay, cũng tàm tạm thôi; còn về Tình, đã lắm:

“Mơ là đã trở về nhà
Cửa còn hờ khép, tách trà mới vơi
Đi đâu hết cả nhà ơi!
Hay tìm tôi vẫn ngược xuôi chưa về?”

Bốn câu lục bát, hai câu sáu có hai chữ “nhà”. “Về nhà” và “cả nhà” là các chữ thường nhật trong sinh hoạt gia đình Việt. Dạo đó, thằng em út nhà tôi hay chạy hớt hải ra sân chơi của khu tập thể (toilet công cộng cũng ở đó luôn) tìm tôi, vẻ khoái chí bảo: “Bố gọi về nhà ngay! Anh đi ị gì mà lâu thế?” Dạo đó, mẹ tôi thường có câu kết thúc những lá thư gởi cho các anh chị lớn trong nhà - người bộ đội, người du học, người nông trường muối: “Cả nhà ta mong thư con…”

Nhiều năm sau, thành người ly hương thứ thiệt, tôi viết nhiều về Hà Nội, coi Hà Nội như “tư liệu” viết lách, song Hà Nội chẳng thể là “cố quận” của tôi! Đành rằng nó chứa các kỷ niệm, tuổi trẻ, tình yêu, kinh nghiệm sống và 1001 thứ khác. “Cố quận” của tôi: Việt Nam. Điều này không chỉ là chuyện chữ nghĩa mà nó định vị những suy tư, những trang văn . Khi sống, khi nghĩ, khi viết ở nước ngoài tôi không thuộc về một địa phương, một vùng quê nào của Việt Nam. Riêng việc thuộc về “miền Bắc” - với nghĩa địa lý và chính trị - thì có. Nhiều là khác; và tôi muốn và đã gắng san bằng vấn nạn này trong mình. À mà tôi Bắc gần như vô tội. Cả anh Nam cũng hầu như vô tội. Nam-Bắc là vấn nạn tiền kiếp của người Việt Nam hiện đại.

Nói chuyện xa xứ mà thiếu Tuệ Sỹ viết về Tô Đông Pha thì có nên không? Ông Thày viết: “Bơ vơ nơi khách địa, thì tình cố quận và tình tha hương, cả hai đều thắm thiết”. Đó là lữ khách bậc thượng thừa rồi! Tô Đông Pha hay Tuệ Sỹ? Cả hai. Nguyễn Tuân thì không đạt tới được vì Nguyễn đó đây nhung nhăng y như một cánh diều. Cấm dám cắt chỉ bay cái vù bao giờ! (Lang bạt quê người như Nguyễn Bính, chẳng hạn!) Chả thế mà ông giữ bản quyền của một chữ Hèn được sĩ phu tân thời miền Bắc tô đậm viết hoa suốt ngần ấy năm. Thiên hạ nống lên cho Nguyễn các huyền thoại, từ văn chương đến văn cách. Riêng khoản giang hồ với những lấy da bọc valise gì gì đó, kẻ tiểu nhân này dám xin coi đại nhân là đấng giang hồ vĩ đại nẻo chữ nghĩa mà thôi, valise làm bằng giấy bồi bản thảo mà thôi.

“Hơn thế nữa, anh có thương thảo (negotiate) với quá khứ và với cuộc đời không?” Ý này luôn thời sự, ở các câu hỏi chia tay sau phỏng vấn. Nhưng tôi chưa đọc ở đâu, chưa từng nghe ai hỏi, chưa từng hỏi ai, với hình thức ý nhị và bao quát như vậy! Anh Nguyễn Đức Tùng, nhận lấy giùm nơi tôi một “good credit”.

Trả lời: Thương thảo với thời gian là công việc chính trong đời sống của người suy tư, dù xa nhà hay ngồi nhà! Và thương thảo với quá khứ là chính, ở người di dân. Với tương lai chúng ta thường thỏa hiệp. Với hiện tại: đấu tranh, cạnh tranh, giành giật, hoặc buông xuôi. Người Việt mình, tạm so với người Hoa, hễ thân xa xứ là phận ly hương. Thân làm tội đời. Tôi nghiệm ra đó không phải từ nguyên nhân chính trị, thể chế. Trong tâm cảm di dân, lại là người ly hương, việc đối thoại và dàn xếp với quá khứ sẽ tạo nên một phong cách sống mới, rất khác khi họ còn ở cố quốc. Sự hội nhập “thắm thiết” nơi “khách địa” cũng nhờ kết quả của hành trình thương thảo với quá khứ. Cư xử với tương lai không khó lắm, khi ở những xứ sở phát triển và dân chủ. Chẳng nhà trả đứt xe mới con ba đứa vô đại học cả bốn thì cũng ôm tiền già. Với hiện tại, khỏi nói: cứ ào ra xa lộ là xe sau nó dí đít bấm kèn; khỏe thì tiến lên, chỉ đầu nó nếu ngon; non thì chầm chậm; yếu thì dạt ra lề đường mà cười mà khóc; chả chết thằng Mỹ, thằng Úc nào đâu mà sợ.

Dân tộc Việt lấy tình tự hoài hương làm đạo lý, làm nhân sinh quan: xưa thì bỏ làng, ra tỉnh, sang sông, chinh phu, lính biên ải, biệt xứ, lấy chồng quê người, v.v…; gần hơn: đăng lính Tây, công binh, phu đồn điền, di cư, du học, xuất khẩu lao động, v.v…; nay: di tản, vượt biên, bảo lãnh, đoàn tụ, di dân, lấy chồng ngoại quốc, làm việc nước ngoài, v.v… Đất nước thì bé như trái ớt, vợ chồng chỉ nhìn nhau cũng đẻ ra cả đống con. Không “đi”, lấy đâu ra miền Trung, miền Nam bi giờ? Chuyện thường ngày ở huyện đến vậy. Thế nên ai trong chúng ta mà không chán khi thấy còn khá nhiều báo chí trong nước đến 2005-2006 rồi vẫn cứ thích mân mê nỗi đau xa xứ, lòng cố quận của người Việt ở nước ngoài như một sự đắc chí: “Cho mầy chết luôn! Cứ nằng nặc đi, nay còn bày đặt nhớ nhung!” Đó là mệnh đề một. Khỏi nhắc hai mệnh đề tiếp của tam đoạn luận này, e chuyện thơ bữa nay mất vui. Tôi tin và mong: vấn đề thời cuộc, chuyện hậu chiến đang nguôi ngoai, sắp tới lúc “vô Đớp-bờ-lưu-Ti-Ô” (là nói theo cách của bà má vợ tui), dần dà làng Việt nằm trong “làng thế giới” thì tà tà việc đi chuyện ở của một công dân Việt nên được xã hội Việt và chính quyền Việt coi là vấn đề của cá nhân Việt. Cũng như việc các nhà thơ làm thơ, các nhà thơ làm mới thơ: đó là chuyện của mỗi nhà thơ.

Nào, chúng ta hãy mời độc giả tới lời chào tạm biệt! Tôi ghim lại cảm giác đầu tiên ngay lúc anh rủ vào cuộc chơi “Thơ đến từ đâu?” làm cái hẹn tái ngộ: Không có dấu chấm hết cho dấu hỏi này: đó là một công án của cuộc đời, một thi án của thi ca, của nghệ thuật .

Nguyễn Đức Tùng: Xin cám ơn anh. Hẹn gặp lại anh trong một chủ đề khác.

Vancouver – Melbourne, tháng 6 & 7-2006

© 2006 talawas