trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
10.8.2006
 
Con đường sáng tạo
(Tư tưởng và quan niệm về sáng tác của Nietzsche, Rimbaud, Henry Miller, Schopenhauer, William Faulkner, André Gide, Georges Simenon, Rainer Maria Rilke, Emerson, Thomas Wolfe)
Nguyễn Hữu Hiệu dịch và giới thiệu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14 
 
Trong cuộc đời và trong cả hội họa cũng vậy, rất có thể anh bỏ qua không cần Thượng Đế, nhưng anh, kẻ khổ đau, anh không thể bỏ qua không cần tới một điều cao viễn hơn anh, chính là đời anh: quyền năng sáng tạo.

Vincent van Gogh, “Thư cho Théo”, Ngày 1 tháng chín 1888



Tựa cho lần ấn hành thứ hai

1.

Tôi không bao giờ có ý định điên dại soạn thảo một cuốn sách bàn về nghệ thuật viết văn.

Hiển nhiên văn chương là một nghệ thuật và bút pháp là phương tiện và đồng thời sự đạt thành của chính nghệ thuật ấy. Nhưng nghệ thuật văn chương là một nghệ thuật chỉ có thể thủ đắc được bằng kinh nghiệm cá nhân, về chính bản thân và thực tại. Tiêu chuẩn duy nhất để thẩm định một dòng văn chương là quan niệm và mức độ nó đến gần thực tại.

Tôi đồng ý hầu hết với Nietzsche, trừ tư tưởng căn bản về cùng đích của nghệ thuật và chủ thuyết Siêu nhân mà càng ngày càng tôi thấy càng sai lầm, vô hiệu và vô ích. Nietzsche rất có lý khi viết: “Chủ trương hiện thực trong nghệ thuật là một ảo tưởng” [1] , vì người ta chuyển nhượng tất cả những gì làm ta mê đắm hay gớm ghét vào trong sự vật. Nhưng ta không thể chấp nhận khi ông quan niệm: “Những nghệ sĩ không bao giờ được phép nhìn vào sự vật như chân tướng của chúng” [2] và nghệ thuật là một thứ “sùng bái mê lầm” (culte de l’erreur), một “thiện chí về si tưởng” (bonne volonté de l’illusion) [3] . Chân lý xấu nên “nghệ thuật được ban cho chúng ta để ngăn cản chúng ta khỏi chết vì chân lý” [4] . Không, nghệ thuật phải là một phương tiện giúp ta đạt tới chân lý, tới cái mà thuật ngữ Phật giáo gọi là NHƯ THẬT hay NHƯ THỊ - (Yathabhutam hay Yathatatham). Nghĩa là “sự thật khách quan như thế nào nhìn đúng như thế ấy. Bản chất mình như thế nào, nhận đúng như thế ấy”. Và phải cố gắng gột rửa mọi thứ cảm nhiễm lâu hoặc cho tâm thể trong sáng như gương không lấm bụi trần, “hoa qua chiếu hoa, nguyệt qua chiếu nguyệt” [5] .

Nghệ thuật cũng không hướng tới cái gì xa xôi vĩ đại, (le lointain de l’art) [6] mà là cúi nhìn cái rất gần gũi, khiêm nhường. Chỉ cần với tinh thần Như Thật kiến, Như Thật tri chuyên chú, chúng ta sẽ nhìn thấy cái đẹp ngay trong những sự vật rất mộc mạc, giản dị. “Chỉ có những cái thông thường là kỳ diệu (thực sự vĩ đại), từ lúc được bàn tay thiên tài chạm tới” như nhận xét sâu sắc của Pasternak. Sự kiện này đã được chứng nghiệm bởi hai nhà thơ Đông Phương Basho và Quách Thoại. Basho viết một bài Haiku tuyệt diệu gồm vỏn vẹn mười bảy âm như sau:

Nhìn kỹ
Tôi thấy đóa Nazuma
Bên hàng dậu!


Bông Nazuma tầm thường, khép nép gần như không ai thèm để ý tới nở bên một hàng dậu đổ nát ven đường quê hẻo lánh kia thì có gì đặc biệt đâu, nhưng khi ta chăm chú nhìn nó với tâm trong sáng hồn nhiên thì phép lạ xẩy ra: nó tự biến thành cả một vũ trụ linh thánh, hồng diệu, “rực rõ hơn có vẻ rực rỡ của vua Solomon nữa!” [7] . Bông hoa thược dược của Quách Thoại cũng vậy:

Đứng im bên hàng dậu
Em nở nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Ta lắng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lậy cúi đầu



2.

Cái mà ta gọi là bút pháp thực ra không phải là kỹ thuật sắp xếp , dụng ngữ xảo diệu như người ta thường lầm tưởng mà chỉ là cách diễn tả thật chính xác điều mà ta thấy, biết, suy nghĩ theo đúng chân tướng của chúng. Stendhal đã cho chúng ta một định nghĩa rất đáng giá về bút pháp: “Bút pháp phải giống như một nước sơn trong suốt, nó không được biến đổi mầu sắc, hay những sự kiện và tư tưởng, trên đó nó được phối trí.” (Mélanges de Littérature).

Văn chương chỉ có giá trị độc đáo khi nghệ sĩ đạt tới chỗ thấy biết như thực và diễn tả như thực điều hắn thấy biết như thực. Nhưng dĩ nhiên điều người nghệ sĩ thấy, biết đó không phải là sự thực khách quan cứng nhắc chết chóc mà là sự thực sinh động, hủy diệt – tái tạo thường xuyên, rung động hơi thở sự sống, rộn ràng nhịp đập thiên thu.

Bài thơ của Basho và Quách Thoại cho ta thấy người nghệ sĩ, tự bản chất tuy là một người hiếu cảm, dễ bị xúc động, đụng chạm đủ mọi phía, có khuynh hướng tự nhiên quay về phía những kích động, thác loạn, nhưng những cực đoan thường gặp nhau nên tới một lúc nào đó hắn cũng có thể ngung thần tĩnh lặng chiêm ngắm sự vật. Và khi tâm thức tĩnh lặng, mở phơi một cách hồn nhiên hay thần bí, người ta có thể thấy vẻ đẹp ngay cả trong từng ngọn cỏ lá cây, một vẻ đẹp siêu việt đưa người ta vượt thoát những lo toan thực tiễn của đời sống tang thương thường nhật để thể nhập vào cảnh giới huy hoàng của Tịnh Độ. Chừng nào mà chúng ta chưa đạt tới linh tưởng này thì nghệ thuật đúng chỉ là sự sùng bái mê lầm, hảo ý về ảo tưởng.

Sáng tạo, trong chiều hướng đó, là sáng tạo bản thân, thị hiện hình tượng, gột rửa tâm hồn, kiến chiếu THỰC TẠI. Công việc đó không chỉ dành riêng cho một thiểu số nghệ sĩ chuyên môn mà cho tất cả mọi người – những nghệ sĩ của đời sống, trong đời sông. Và đó chính là cứu cánh của cuốn sách này.

Nguyễn Hữu Hiệu
Vạn Hạnh, Trung Thu 73

*


Lời nói đầu

Tôi đã có dịp đọc một số sách bàn về nghệ thuật viết văn, từ những tuyển tập gồm bài vở của những văn gia, triết gia lừng danh tới những chuyên thư soạn cho sinh viên đại học. Xin kể sơ qua:

Inquiry and Expression, a College Reader, edited by Harold C. Martin and Richard M. Ohmann, Haward University, Holt, Reinehart and Winston, 1962.
Thought in Prose, edited by Richard S. Beal, Boston University and Jacob Korg, University of Washington, Prentice - Hall, Inc, 1964.
Thought and Experience in Prose, Craig Thompson, Oxford University Press, New York, 1963.
Language and Ideas, Robert Montgomerry, Boston, Little Brown and Company, 1962.
Subject and Structure, John Wasson, Boston, Little Brown and Company, 1963,
Study in Prose Writing, James R. Kreuzer, Holt, Reinehart and Winston, 1960.
The Written World, Forms of Writing, edited by Robert W. Daniel, University of Washington, Prentice – Hall, 1962.
The Writer’s Book, edited by Helen Hull, Barness and Noble, 1966.
The Novel Now, Anthony Burgess, Faber and Faber, 1967.
L’Art du Roman, Virginia Woolf, Éditions du Seuil, 2- 1963.
Writers at Work, first series, edited, and with an Introduction by Malcolm Cowley, Viking Press 1958, second series, edited by George Plimpton and introduced by Van Wyck Brooks, Viking Press, third series edited by George Plimpton and introduced by Alfred Kazin, Viking Press, 1968…

Nhưng không tác phẩm nào khiến tôi thích thú bằng cuốn Henry Miller on Writing do Thomas Harry Moore ấn hành (New Directions). Tôi say mê đọc tuyển tập trên nhiều lần và nẩy ra ý muốn trình bầy một tuyển tập gồm nhiều tác giả tôi ngưỡng mộ cùng viết về cái ý hướng nguyên thủy, ý hướng đớn đau, con dốc hiểm nghèo ma đưa quỷ dắt một người đăm chiêu khiến hắn trở thành một nghệ sỹ: ý hướng Sáng Tạo. Và tất cả những nỗi lo âu liên quan tới sự sáng tạo như: sứ mệnh của nhà văn, đề tài, bút pháp, kinh nghiệm, nghệ thuật viết, những điều răn, những giới cấm, thái độ đối với tác phẩm mình, thái độ với độc giả, thái độ đối với nhà phê bình… Vậy thì cuốn sách này đây chính là sự tựu thành của ước muốn đó vậy.

Song Con đường sáng tạo gồm có những bài mà, nếu độc giả đọc kỹ, ắt sẽ nhận ra chưa từng xuất hiện trong nhưng chuyên thư trên trừ cuốn Thư cho một thi sỹ trẻ tuổi của Rilke, lược bỏ những câu xã giao, rút gọn thành một bài in trong cuốn tập Thought in Prose.

Con đường sáng tạo gồm những tác giả mà, nếu độc giả lưu tâm, hẳn sẽ nhận thấy họ không thuộc vào hàng ngũ những nghệ sỹ thông thường. Đó là những kẻ sáng tạo, những kẻ không coi nghệ thuật như một phương tiện giúp con người lẩn tránh mình; một cách giải khuây, nhưng như một con đường dẫn về chính mình, con đường cô đơn, con đường phiền não, khuynh hướng về bất hạnh mà cùng đích là giải thoát – và Giải Thoát.

Ở đây nghệ thuật không phải là đám mây lơ lửng trên dòng đời; nó chính là dòng đời. Ở đây nghệ thuật không phải là một lối đào thoát khỏi thực tế; nó chính là cái neo gieo vào lòng Thực Tại. Một cây mọc càng cao, cành nhánh càng tự do trổ vào bầu trời xanh bát ngát bao nhiêu, gốc rễ lại càng cắm sâu vào lòng đất tối đen bấy nhiêu. Nghệ thuật phải cung cấp cho chúng ta những gốc rễ gân guốc ấy! Nghệ thuật phải giúp chúng ta bám chặt vào thực tại, nở hoa từ thực tại và giải thoát từ thực tại.

Tôi tin chắc rằng Con đường sáng tạo sẽ khích lệ nhiều người, sẽ mang lại thích thú cho nhiều người hơn nữa. Nhưng như thế chưa đủ. Và quá thừa. Chỉ mong sao có chàng trẻ tuổi nào, nhờ nó, thêm hăng hái dấn bước trên đường định mệnh, thêm can đảm trút bỏ hết mọi thứ hành lý, ra đi không có bất cứ một thứ gì đem theo ngoại trừ ý chí sáng tạo, lòng đam mê và ngạo nghễ như chàng Rimbaud tóc rồi tung bay, áo quần tơi tả, túi rỗng nhưng hồn đầy chất ngất vì

Ra đi là đủ rồi.

Je m’en allais, les poings dans mes poches crevées;
Mon paletot aussi devenait idéal;
J’allais sous le ciel, Muse! Et j’ étais ton féal ;
Oh! là là! que d’amours splendides j’ai rêvées!

Nguyễn Hữu Hiệu
Hoàng Hạc Lâu, 23 tháng ba Canh Tuất,

- Bao giờ cất cánh bay lên, hạc vàng?
Ta bất nhẫn Ba La Mật rồi đây.




[1]Volonté de- Puissance, Gallimard 1951, T.1. p.335, frg, 444.
[2]Volonté de- Puissance, p.333, frg.438.
[3]Le Gai Savoir, Gallimard, 1961, p.93, rg. 107.
[4]Volonté de- Puissance, T. I.p. 338, fig. 453.
[5]Hòa Thượng Thích Trí Thủ, “Ý nghĩa ngày Phật Đản”, trong Đặc san Phật Đản, GHPGVNTN, tỉnh Giáo Hội Khánh Hòa P. L. 2517 p.9
[6]Nietzsche, Le Gai Savoir, p.93
[7]Suzuki, Thiền và Phân tâm học, Như Hạnh dịch, Kinh Thi, 1973.
Nguồn: Quế SÆ¡n Võ Tánh ấn hành lần thứ nhất 1971, Hồng Hà ấn hành lần thứ hai 1973 tại Sài Gòn. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của dịch giả.