trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
14.8.2006
DÅ©ng VÅ©
Vài suy nghĩ từ một câu chuyện nhỏ
 
Sau khi đăng bài viết "Vấn đề đánh dấu thanh tiếng Việt" trên talawas, tôi đã nhận được hồi âm: một bài viết của Cao Xuân Hạo, hai lá thư độc giả của chị Hương Xuân và của anh Trần Quốc Việt, và nhiều email gửi thẳng đến tôi.

Tôi xin chân thành cảm ơn tất cả.

Sau đây tôi xin phép trả lời chung và nói thêm đôi chút về suy nghĩ của mình.


*


Sở dĩ tôi viết bài trên là do nhận thấy cách đánh dấu thanh trong tiếng Việt không còn thống nhất. Mọi cải cách có thể đem đến sự xáo trộn quy ước chính tả tiếng Việt vốn đã ổn định. Ngoài ra, theo cá nhân tôi với một chút kinh nghiệm của người làm việc với ngôn ngữ học điện toán, tôi thấy nó có thể gây ra những bất lợi khác như đã trình bày.

Bàn về cấu trúc âm tiết, Cao Xuân Hạo có viết một bài rất hay. Các bạn đã gửi email xin tôi tài liệu có thể tìm đọc bài ấy. Bài ấy tên là "Mấy vấn đề âm vị trong tiếng Việt" trong cuốn Tiếng Việt - Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ nghĩa, Cao Xuân Hạo (1998). Nxb. Giáo Dục: TP.HCM. Trong bài viết, ông có nói rõ chức năng của các thành phần cấu tạo nên âm tiết. Bài viết ấy tôi đã đọc và có nhận xét không khác Cao Xuân Hạo. Thực ra, đúng như anh Trần Quốc Việt đã nói, giới ngôn ngữ học Tây phương cũng biết cấu tạo âm tiết các ngôn ngữ đơn lập thế nào. Tựu trung, đề tài ấy đã có Cao Xuân Hạo giải thích, tôi không cần lặp lại. Công việc của tôi là đi khảo sát thanh điệu ở bình diện vật lý và cũng chỉ giới hạn ở phần ấy. Nghĩa là chỉ khảo sát F0 chứ không khảo sát các formants F1, F2,... vốn được dùng mô tả những yếu tố đóng/mở, cao/thấp,... của nguyên âm.

Vài bạn đã thử nghiệm với nhu phẩm của SIL, cũng thấy cùng kết quả và đồng ý rằng quy ước đánh dấu nơi nguyên âm/phụ âm chót là sát với thực tế nhất.

Ngược lại, có bạn tán thành Cao Xuân Hạo về sự cắt nghĩa cách cấu tạo âm tiết dựa vào quan điểm chức năng và không đồng ý với tôi về cách đánh dấu thanh ở cuối vận mẫu. Lý do là toàn thể F0 không nằm ở đó. Nhưng nó cũng không nằm trọn trên âm chính mà bao trùm khắp 4 phần: âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối. Ghi chú âm ở đâu cũng không diễn tả được toàn thể F0. Rốt cuộc chỉ có thể quy ước mà thôi.

Đúng vậy, cho nên bài viết của tôi đã tỏ ý không ủng hộ sự cải cách cách đánh dấu thanh. Bởi nói theo kiểu của Cao Xuân Hạo là: bỏ dấu chỗ nào cũng sai hết. Mọi quy tắc chỉ có tính quy ước mà thôi. Mà từ lâu, chúng ta đã có một quy tắc đánh dấu thanh truyền thống rồi. Nó cũng thuần quy ước, ổn định, không đáng phải làm một cuộc cải cách. Tiếng Việt còn nhiều vấn đề khác thiết thực hơn nhiều và cần được tập trung giải quyết. Chỉ có điều là làm sao và quan trọng nhất là ai làm.

Đã có lần tôi thỉnh ý nhóm Cao Xuân Hạo về một chủ đề có liên quan đến tiếng xưng hô trong tiếng Việt. Có lẽ tiếng Việt là một ngôn ngữ có nhiều cách xưng hô nhất thế giới nhưng vẫn chưa đủ. Vẫn còn thiếu cách xưng hô trung hòa giống như I, You của tiếng Anh, Je, Tu, Vous của tiếng Pháp, Ngộ, Lị của tiếng Hoa. Theo Phan Khôi, Cao Xuân Hạo, ngày xưa tiếng Việt cũng có cách xưng hô trung hòa nhưng để mất. Tương tự vậy, chữ Nôm cũng bị mất. Nhiều người luyến tiếc muốn phục hồi lại chữ Nôm, hoặc muốn sáng tạo một loại chữ viết khác thích hợp hơn là dùng mẫu tự La tinh.

Chữ viết tiếng Việt đã lỡ được La tinh hóa, người Việt ngày nay đành chấp nhận. Nội muốn "tôi"/"tớ" lại trở thành tiếng xưng hô trung hòa như xưa đã khó huống gì phục hồi hoặc sáng tạo chữ viết. Thế nhưng đó là một vấn đề thực tế đáng được giải quyết. Chẳng lẽ muốn xưng hô cho trung hòa, người Việt chỉ còn cách là gọi nhau bằng "tôi" và "đồng chí".

Tôi có hai cuốn sách Những vấn đề ngôn ngữ học (Kỉ yếu hội nghị khoa học 2002 và 2003), Viện Khoa học Xã hội, Viện Ngôn ngữ học, Nxb. Khoa học Xã hội, 2004-2005, Hà Nội bao gồm khoảng 100 vấn đề, dày hơn 1200 trang, nhưng không thấy bài viết nào nói về cách giải quyết vấn đề tiếng xưng hô trung hòa.

Nếu giới Việt ngữ Việt Nam làm không được, thì vẫn có thể tổ chức một cuộc thi sáng tạo "cách xưng hô trung hòa cho người Việt". Một đề tài tuy đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa và mang tính đại chúng.

Hoặc vấn đề ngữ pháp. Làm sao để câu tục ngữ "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" giảm bớt ý nghĩa. Mất được càng tốt.

Phải nói, tiếng Việt cũng là một trong những ngôn ngữ có cách hành văn phức tạp nhất thế giới. Ngữ pháp của nó rất đa dạng và rất khó học chứ không dễ như ta tưởng. Đừng thấy tiếng Việt không chia động từ, cách (case), thì (tense), v.v. như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức mà tưởng dễ.

Cần biết sơ một điều. Không kể những lý thuyết cũ, hơn 50 năm qua, ngành ngôn ngữ hiện đại đã cho ra đời nhiều lý thuyết ngữ pháp để giải thích ngữ pháp ngôn ngữ con người: Ngữ pháp biến hình tạo sinh (Generative Transformation Grammar), Lý thuyết tiêu chuẩn (Standard Theory), Lý thuyết tiêu chuẩn mở rộng (Extended Standard Theory), Lý thuyết chi phối và ràng buộc (Government and Binding Theory (GB)), Nguyên tắc và thông số (Principles and Parameters (P&P)), Tối thiểu luận (Minimalism (MP)) của Chomsky, Ngữ pháp cấu trúc ngữ đoạn tổng quát hóa (Generalized Phrase Structure Grammar (GPSG)) của Gazdar et al,... Tất cả có thể giải thích ngữ pháp tiếng Âu châu dễ dàng, nhưng đụng đến tiếng Việt là gặp trở ngại.

Ngành cú pháp học (ngữ pháp học) của Việt Nam, theo nhận xét của tôi, đã bị bế tắc suốt nhiều thập niên một phần cũng là do không chọn được lý thuyết thích hợp cho tiếng Việt. Đáng mừng thay, tình trạng ấy đã chấm dứt sau sự thành công của Cao Xuân Hạo và nhóm của ông trong việc giải thích tiếng Việt dựa vào Ngữ pháp chức năng.

Ngữ pháp chức năng (Functional Grammar) của Halliday vốn thích hợp cho các ngôn ngữ Á châu (Nhật, Đại Hàn, Trung Hoa, Nam Dương, Việt Nam,...), song chắc chắn trong tương lai các nhà ngữ học Việt lại khám phá ra rằng, nó vẫn chưa giải quyết được hết mọi nhu cầu có liên quan tới tiếng Việt. Đây là một vấn đề mà tôi muốn trình bày trong thời gian tới để các bạn thấy và cùng suy nghĩ.

Soạn sách giáo khoa tiếng Việt cũng là một đề tài đáng quan tâm.

Kỳ rồi về Việt Nam, tôi có mua được một số sách giáo khoa dạy tiếng Việt. Đọc sơ qua vài cuốn, phải nói, người lớn như tôi còn thấy khó huống gì học sinh còn nhỏ. Tôi thấy ở bên Đức, học sinh không phải học cực khổ như học sinh Việt Nam. Học sinh Việt Nam học quá nhiều, quá khó, nhưng không biết sau 12 năm học, các em có giỏi tiếng Việt hơn không.

Cách soạn sách giáo khoa tiếng Việt hết sức rườm rà. Người biên soạn cố nhồi nhét thật nhiều kiến thức vào. Có nhiều kiến thức vượt khỏi tầm phổ thông. Ngược lại, có nhiều kiến thức đáng cho học sinh nắm vững nhưng không được soạn kỹ. Cho nên mới có hiện tượng sáng tạo những từ quái gở như "vi tính", "chí ít", "siêu nạc", "phần cứng", "phần mềm". Tuy nhiên, sự sáng tạo vụng về của một vài cá nhân vẫn không nghiêm trọng bằng sự sử dụng thản nhiên những sản phẩm thiếu chính xác về cú pháp, ngữ nghĩa mà đại đa số quần chúng không nhận ra. Thế mới biết tri thức ngôn ngữ cơ bản của người dân như thế nào.

Tất nhiên cũng có những yếu kém của sách giáo khoa mà dư luận có thể nhận ra. Họ than phiền mãi. Năm nay soạn, năm sau sửa. Làm việc theo kiểu Try & Error không biết bao giờ mới khá.

Thành thử không nên để tình trạng này tiếp diễn, chứ còn không, chỉ mất uy tín, phí tiền dân, mất thì giờ, hại đủ điều.

Dịch thuật, phiên dịch cũng là một vấn đề tương tự thường bị báo chí phê bình. Nhưng oái oăm thay, chính người làm báo cũng làm sai. Ví dụ, vấn đề phiên âm tên riêng nước ngoài. Nghe nói, năm 1984, nhà nước ra quy định là không phiên âm tên nước ngoài. Vậy mà bây giờ, nghĩa là sau hơn 20 năm, đọc tin của TTXVN, độc giả vẫn thấy phiên âm. Đáng lý người làm báo phải là người gương mẫu, nhưng không, vẫn coi thường luật lệ, rồi truyền tải cái tinh thần bất cần luật và cái sản phẩm phiên dịch mà thường là phiên dịch sai đi khắp nước. Đáng lý người làm việc trong lĩnh vực thông tin (báo chí, truyền thanh, truyền hình,...) phải là người giỏi tiếng Việt, nhưng không, chỉ thấy trình độ viết văn của họ không mấy văn chương và hay bị phê bình về lỗi chính tả, ngữ pháp.

Phát triển ngành ngôn ngữ học Việt Nam cũng là một đề tài đáng quan tâm. Nghiên cứu tiếng Việt không phải là một công việc mới mẻ. Kể từ lúc Trương Vĩnh Ký bắt đầu và được biết đến qua cuốn Ngữ pháp tiếng Việt (Grammaire de la langue annamite) của ông xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1883 cho đến nay đã hơn một thế kỷ, lĩnh vực ngôn ngữ học Việt Nam vẫn được coi là non trẻ. Người ta có thể đổ thừa cho chiến tranh, nước ta còn nghèo theo thói quen. Nhưng thay vì vậy, có nên xem lại cách làm việc của mình?

Giới ngôn ngữ học Việt Nam cần năng động và biết yêu nghề hơn nữa. Trong xu hướng toàn cầu hóa, ngành ngôn ngữ học Việt Nam cần hòa nhập với thế giới hơn bao giờ hết. Điều đó đòi hỏi nó cần được hiện đại hóa và mở rộng sự giao lưu. Khâu nghiên cứu phải được trang bị tri thức mới và kỹ thuật mới. Tin học là một phương tiện quan trọng. Thành tựu khoa học kỹ thuật là thành tựu chung của nhân loại. Chúng ta cũng có trách nhiệm đóng góp chứ không nên đóng mãi vai trò người thừa hưởng. Làm được việc ấy có nghĩa là tự đặt cho mình một tầm nhìn xa và một thử thách sáng tạo vượt ra khỏi chu vi của thói quen tư duy cục bộ.

Còn nhiều vấn đề thiết thực khác nữa, nhưng bấy nhiêu cũng đủ việc làm và đáng làm ngay, còn hơn làm mấy việc nhỏ bé như bỏ dấu ở đâu, viết i ngắn hay i dài.

Stuttgart, 08.2006

© 2006 talawas