trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtBàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"
27.10.2002
Veronika Radulovic, Dương Phúc An
Bàn tròn Talawas "Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?"
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33 
 
Veronika Radulovic: Minh Hà là một ví dụ tốt để nói về cái cơ cấu của thế giới nghệ thuật Tây phương. Trong cuộc thảo luận của chúng ta, cô ấy có vẻ được coi là trường hợp một người nghệ sĩ Việt Nam tự nhận mình là một người nghệ sĩ thực thụ chứ không phải chỉ là một người nghệ sĩ Việt Nam. Đúng. Tôi coi trọng các tác phẩm của cô ấy. Nhưng rất tiếc, cô ấy, trong mắt tôi, là một người Mỹ. Bởi vì cô ấy có thể phát triển và thực hiện ý tưởng nghệ thuật trong những điều kiện chính trị hoàn toàn khác với điều kiện chính trị của người nghệ sĩ Việt Nam. Và đây chính là cái chúng ta hay bỏ qua: những điều kiện chính trị và kinh tế. Vâng, nghe có vẻ như tôi muốn cho nghệ sĩ Việt Nam một "bonus" (điểm khuyến khích).

Nhưng câu hỏi của tôi là: có phải Minh Hà thành công được cũng là vì cô sống ở Mỹ không? Cô làm video. Cô là một nữ nghệ sĩ - những yếu tố này gần như tự động dẫn đến sự thành công. Cô thành công bởi vì cô là một người Mỹ làm về những vấn đề Việt Nam. Vâng, cô nói ngôn ngữ của chúng ta, hiểu được thị trường, có điều kiện quan hệ, và nhiều thứ nữa. Cô hoà nhập được vào cái cấu trúc của chúng ta. Làm ơn đừng hiểu sai những lời tôi nói: tôi không nói về tác phẩm của cô ấy.

Chúng ta phải cẩn thận với các loại kho tàng văn hoá dân tộc. Nó là tất cả mà cũng chẳng là cái gì cả. Nó rất nhanh chóng trở thành một thứ "ăn vào máu thịt" - nhất là đối với tôi, một người Đức: anh vĩnh viến là một người Đức hay một người Việt chỉ vì anh sinh ra trên mảnh đất ấy không? Những người nghệ sĩ sống lâu năm ở nước ngoài thì sao? Tôi có phải một người nghệ sĩ Việt Nam không? Chẳng phải hiện trạng chính trị ở Việt Nam, hệ thống giáo dục, sự tự kìm nén, sự sợ hãi, gò bó của người nghệ sĩ, v.v...là những vấn đề cần phải bàn cãi khi chúng ta thảo luận về nghệ thuật Việt Nam hay sao? Tại sao chúng ta không nói về nghệ thuật Việt Nam và những điều kiện nói trên? Bởi chúng không có trong documenta? Trong cộng đồng quốc tế? Những giá trị nghệ thuật quốc tế có phát triển được bên lề những điều kiện trên không?

Và Natasha, phải, có lẽ đúng một triển lãm ở cafe hay documenta cũng như nhau mà thôi. Documenta thực ra là một trong những sự kiện thu hút nhiều khách du lịch nhất ở Đức. Cám ơn chị đã bảo nó là một triển lãm nghệ thuật quốc tế. Đúng vậy. Quan tâm đến những khái niệm toàn cầu. Khoảng 120 nghệ sĩ tham gia. Và, thật đáng ngạc nhiên: 13 người Đức, 32 từ những nước châu Âu, và tất nhiên 24 từ Mỹ và Canada, 10 Nam Mỹ, 10 châu Á, 2 Úc, Trung Hoa cũng 2, và Natasha ơi, thật là đáng xấu hổ: chỉ có một nghệ sĩ Nga. Có vẻ như Châu Âu và Mỹ đã hợp tác tốt. Thì đã sao? Tất nhiên là trong một triển lãm như documenta, người làm triển lãm không nên đếm nghệ sĩ theo quốc tịch. Người làm triển lãm không bao giờ có nhiệm vụ phải làm việc đó! Nhưng ai đứng trong trung tâm thì đã rõ. Đúng, nước tôi và Mỹ có nhiều đại diện nhất! Đây là ngẫu nhiên hay phản ánh chất lượng?

Quay trở lại Minh Hà, tôi có nên xếp cô ta vào các nhóm các nghệ sĩ Mỹ không, hay cô ta là một nghệ sĩ Việt Nam thành công? Đây là câu hỏi. Một ví dụ nữa là Jun Nguyễn Hatsushiba, người thành công lớn với tư cách một nghệ sĩ Việt Nam. Tôi tự hỏi mình một cách hết sức nghiêm túc, liệu đây có phải một chiến lược marketing không ?

Và Natasha thân mến, một vài nghệ sĩ Việt Nam hoàn toàn có thể vươn đến tầm cỡ documenta, nhưng như Duchamp đã nói: bối cảnh tạo nên nghệ thuật, và tất cả đều có thể làm được. Những con bò bôi màu - thực hiện bởi 15 hay 20 nghệ sĩ Việt Nam của tôi ở Hà Nội. Những con bò đó hoàn toàn có thể gây chấn động ở documenta. Và không chỉ những con bò, còn cả rất nhiều tác phẩm, video và dàn dựng nữa. Tôi chắc chắn như vậy. Và Natasha, ít nhất là có một người trong vụ quan hệ quốc tế ở Hà Nội biết về documenta. Tôi muốn nói về người đã cho phép một nghệ sĩ Đan-mạch (tham gia documenta 11) lắp vài bóng đèn từ fthành phố Hà Nội và gây hứng ở Kassel. Và ngược lại. Ánh sáng điện Kassel ở Hà Nội. Tôi nghĩ anh ta sẽ không bao giờ quên lời thỉnh cầu quốc tế này. Và hy vọng ánh sáng này mang một dấu hiệu của một cuộc đối thoại quốc tế. Tôi sợ rằng không ai nhìn ra được nó. Bạn có thể kiểm tra xem nó có đang hoạt động được không ?
(25.10.02)

Dương Phúc An (độc giả): Chị Natalie có đề nghị lấy documenta như một cơ sở so sánh để bàn về vị thế hiện tại của mĩ thuật Việt Nam. Tại triển lãm này, như Mai Chi đã lưu ý, có sự hiện diện của một tác giả Việt (hay gốc Việt) duy nhất là chị Trịnh Thị Minh Hà, với hai tác phẩm video "Naked Spaces: Living is Round" (1985) và "The Fourth Dimension" (2001). Có thể nói đấy là những khảo sát mang tính nhân chủng học, ở trường hợp thứ nhất trên cơ sở chất liệu châu Phi, và ở trường hợp thứ hai với đề tài Nhật Bản. Cả hai tác phẩm này đều nằm trong thể loại nghệ thuật video, một trong những mảng chính của Documenta lần này. Chúng dường như đều theo đuổi tham vọng đi tìm một cái nhìn của người trong cuộc, của chủ-thể-ngoài-châu-Âu, là một phần của trào lưu giải thực (decolonization), phù hợp với cương lĩnh của Okwui Enwesor, giám đốc nghệ thuật người gốc Nigeria của Documenta 11. Song, khác với "Sin título" từ chùm tác phẩm "Ingeniero de Almas" của nữ nghệ sĩ Cu Ba Tania Bruguera chẳng hạn, chúng không mảy may gây ra một ấn tượng đặc biệt hay một sự xúc động nào, hay khác với tác phẩm "Gallantry and Criminal Conversation" của nghệ sĩ người Anh gốc Phi châu Yinka Shonibare chẳng hạn, chúng không hề tạo nên một cái gì đó như là một thứ nụ cười phát hiện của trí tuệ. Nhận xét về mĩ thuật Việt Nam trong nước, Kaomi Izu có nói đến "cái bẫy tượng trưng chủ nghĩa tự tạo với các ngộ nhận về cái ‚văn hoá làng". Liệu một khi vượt khỏi cái ngưỡng dân tộc, đích đến của nghệ thuật Việt Nam sẽ có phải là những "ý tưởng và khái niệm có tính toàn cầu" như mong muốn của chị Natalie hay không? Hay nó sẽ trở thành phiên bản mờ nhạt của một thứ mainstream cấp tiến, một kiểu "chủ nghĩa tiền phong phải đạo" - và chắc chắn qua đó sẽ có một chỗ đứng được đảm bảo ở các triển lãm lớn trên thế giới?
Và từ Documenta 10 diễn ra 5 năm trước đến Documenta 11 năm nay, có ai còn mong đợi một đại hội nghệ thuật kiểu ấy sẽ cống hiến thêm điều gì cho nghệ thuật không? Các nghệ sĩ Việt Nam có nhất thiết phải hiện diện ở đó cho đủ lệ bộ để được coi là có tên trên bản đồ thế giới, và để "đúng lập trường mỹ thuật hoàn cầu" một cách sang trọng và boring như vậy không? Hay họ nên làm những việc tuy chẳng được một thế giới hạng nhất nào chú ý đến, nhưng có thể đầy khai phá đối với chính môi trường trực tiếp bao bọc họ là Việt Nam?
(27.10.2002)

© Talawas 2002