trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
28.8.2006
Cao Xuân Hạo
Xung quanh một đầu đề sách
 
Vốn cũng là người có dịch một số truyện từ tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Anh (từ bốn chục năm trước), tôi thấy mừng vô cùng khi nghe đài VTV I báo tin là Utopia của Thomas More đã được dịch ra tiếng Việt. Quả đó là một trong những cuốn sách đáng dịch nhất trên thế giới, nhất là khi dịch giả lại là một người dịch hay như Trịnh Lữ. Cho nên tôi rất mong có ngày được đọc ấn phẩm này, và mặc dầu chưa được trông thấy cuốn sách, tôi cứ nghĩ mãi về cái đầu đề của nó và cách dịch cái đầu đề ấy. Vì vậy tôi đã xin talawas gửi cho tôi những gì đã có được, những mong có chút cơ sở để viết bài sau đây trong khi chờ ngày được đọc bản dịch. Nếu trong bài có gì sai trái, kính mong dịch giả lượng thứ cho.
Cao Xuân Hạo
Có một cái đầu đề sách có vẻ không có gì mới lạ, vì nó chỉ sử dụng những từ ngữ mà nhiều người Việt đã quen dùng từ lâu; nhưng dù không có gì mới lạ, thì cái đầu đề ấy vẫn chứa đựng những điều mà chúng tôi, những người làm nghề giảng dạy tiếng Việt, thấy có bổn phận xem thử nó đã thật ổn thoả chưa. Dù sao thì đầu đề một cuốn sách, nhất là một cuốn sách hay, có giá trị, cũng đáng cho mọi người chú ý và ghi nhớ, nhất là khi những người cầm nó trên tay lại là những học sinh còn trẻ tuổi: họ không những sẽ nhớ, mà sẽ còn học theo một cách trung thành nữa.

Ðó là đầu đề của cuốn Utopia của Thomas More [1] mà dịch giả Trịnh Lữ dịch là Ðịa đàng
trần gian.

Chắc vị dịch giả này cũng đã bỏ công tìm cách dịch chính xác, thích hợp và hay, đẹp, xứng đáng với tác phẩm, vì đầu đề của một cuốn sách cũng có thể ví như gương mặt của nó. Không có ai không muốn cho nó sáng sủa, chuẩn mực về ngôn ngữ cũng như về hình thức trình bày. Ở đây dĩ nhiên tôi chỉ xin nói về ngôn ngữ. Tôi sẽ không nói gì về chữ UTOPIA mà dịch giả sao lại y nguyên, vì tôi hoàn toàn tán thành cách làm đó, vì chữ này, vốn là một từ do chính tác giả (Thomas More) sáng tạo ra trên cơ sở những từ tố Hy Lạp [2] ( – từ tố phủ định, chiếm vị trí của một tiền tố, và - ‘nơi chốn’, chiếm vị trí của một căn tố, rồi cuối cùng là một hậu tố kiêm biến vĩ - . rất phổ biến trong các địa danh Âu châu) Từ này được More sử dụng lần đầu tiên trong lịch sử ấn loát để đặt tên cho một xứ sở hoàn toàn hư cấu, rồi từ đó trở đi, nhờ giá trị của tác phẩm và uy tín của tác giả, trong nhiều thế kỷ sau đã dần dần trở thành thông dụng trong khắp các ngôn ngữ châu Âu dưới nhiều hình thái ngữ pháp (vừa là danh từ, vừa là tính từ, với nhiều cách dùng và cách hiểu theo những sắc thái có phần khác nhau, tuy không phải là không thể tìm ra một cái gì trung dung với hy vọng có được sự đồng thuận của ít nhất là một giới nào đấy, nếu không phải lả của phần đông.

Hơn nữa dưới dòng chữ UTOPIA dịch giả có chua bốn chữ Ðịa đàng trần gian được ông coi là cách dịch đáng chọn nhất của chữ ấy.

Vậy ta thử nghĩ xem Ðịa đàng trần gian là tiếng gì, và có nghĩa gì.

Mới thoạt trông, chắc ai cũng nghĩ rằng đây là bốn chữ Hán-Việt khá tiêu biểu, tuy xét về trật tự từ thì có phần lai tiếng Việt, vì nếu là tiếng Hán cổ điển thì phải là Trần gian địa đàng mới đúng. Nhưng chỉ cần nghĩ thêm một chút cũng sẽ thấy ngay rằng trong tiếng Hán không thể nào có hai chữ địa đàng được, vì một từ tổ như vậy hoàn toàn vô nghĩa (nếu không kể hai cách hiểu duy nhất có thể tưởng tượng là “nhà đất” hay “nhà trên đất”.

Vậy địa đàng chẳng qua là một kiểu cấu tạo từ Việt thuần túy [3] , do người Việt bày ra để dịch chữ Eden – tên gọi khu vườn mà Jehovah (Thượng đế của người Do Thái) dành cho Adam và Eva trú ngụ trước khi hai ngưới này phạm Tội tổ tông vì bị satan dụ dỗ mà ăn phải Quả cấm (Quả Tri thức), nên bị trục xuất vĩnh viễn ra khỏi vườn Eden.

Ta hãy chú ý đến một chi tiết nhỏ, nhưng có ý nghĩa, là tuy thiên đường còn có thể đọc là thiên đàng mà nghĩa không có gì thay đổi, nhưng địa đàng thì không thấy có ai đọc thành địa đường cả, vì nghe địa đường sẽ có nhiều người không hiểu là cái gì hết. Cách đọc nhất quán một cách hầu như bắt buộc ấy cho thấy rằng chữ đàng trong địa đàng sở dĩ vẫn hiểu được như một khu vườn “cực lạc” là do nó đã “lây nhiễm” (contaminated) ý nghĩa của chữ thiên đàng – một hiện tượng khá phổ biến trong ngôn ngữ học lịch sử, mà nguồn gốc chủ yếu là những sự ngộ nhận của những người ít học (hay những người ngoại quốc chưa thông thạo thứ tiếng đang học).

Vậy thì địa đàng được một số người Việt (trong đó có dịch giả) hiểu là cõi cực lạc ở trần gian.

Nhưng nếu thế thì Ðịa đàng trần gian lại là một trùng ngữ (pleonasm), một lỗi ngữ pháp và ngữ nghĩa học không thể nào dung thứ được trong tiếng Việt, vì hai chữ trần gian đã hoàn toàn rõ nghĩa trong chữ địa (đối lập với thiên) rồi. Lỗi này khiến ta nhớ lại những lỗi trùng ngữ rất hay gặp trong các bài tập làm văn của học sinh cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng: “ánh nắng mặt trời” hay “bóng nguyệt của chị Hằng” chẳng hạn những lỗi khó tưởng tượng nổi ở một người có tư duy bình thường.

Cho nên bốn chữ mà Trịnh Lữ dùng để dịch Utopia, dù có dễ tính đến mấy, cũng không thể nào chấp nhận được.

Trên kia chúng tôi có tỏ ý tán thành dịch giả khi ông sao lại nguyên văn chữ Utopia của tác giả. Cái tên riêng này đã có cái vinh dự lớn lao là được cả thế giới tiếp nhận và sử dụng như một danh từ chung (common noun) và cả như một tính từ chỉ một khuynh hướng tư tưởng nào đó.

Tuy nhiên người đã sáng tạo ra nó khi viết cuốn sách này không hề biết cái số phận đặc biệt, gần như có một không hai của nó [4] . Cho nên, theo ý chúng tôi, cách dịch tốt nhất là dùng chữ Utopia mà More muốn coi như một quốc hiệu, và, theo đúng tập quán ngữ pháp của tiếng Việt, bổ sung cho nó một danh từ làm trung tâm đặt trước Utopia là Nước Utopia hay là Xứ Utopia. [5]

© 2006 talawas


[1]Thomas More (hay Morus) 1478-1535
[2]Tuy nguyên văn cuốn sách vốn được viết bằng tiếng Latin rồi về sau mới được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp và nhiều thứ tiếng khác
[3]Chúng tôi đã tra và nhờ tra nhiều cuốn tự điển và từ điển tiếng Hán và Anh-Hán, Hán-Việt, mà không thấy ở đâu có địa đàng hay địa đường cả. Trong các sách này chỉ thấy có: 1. (để dịch chữ Paradise):: thiên đường, lạc quốc, lạc viên, cực lạc. 2 (để dịch chữ Eden):: Y điện lạc viên, địa thượng lạc viên, lạc thổ, cực lạc (chứ không cần phải là cực lạc viên hay cực lạc xứ như ta có thể hình dung; 3. (để dịch chữ Utopia):: Ô thác bang (phiên âm), Lý tưởng đích quốc thổ.
[4]Thomas More từ chức vụ Tể tướng Vương quốc Anh, bị vua Henry VIII hạ ngục rồi phải lên đoạn đầu đài năm 1535, vỉ tội khi quân, Cuốn Utopia viết bằng tiếng Latin từ 1515 đến 1516 thì xong, nhưng đến 1551 mới được dịch sang tiếng Anh.
[5]Ở đây dịch giả có quyền và nên giúp người đọc hiểu Utopia là một nước hay một xứ sở, mặc dầu vĩ tố –ia đối với người đọc châu Âu cũng đã đủ chứa đựng ý nghĩa ấy rồi. Trường hợp này không giống như trường hợp một nhà thơ có chức vị cao ra chỉ thị cho cán bộ rằng “Từ nay, theo yêu cầu chính thức của đại sứ quán I-ta-li-a, không được dùng những cách gọi vô văn hoá như nước Ý, người Ý, tiếng Ý nữa”. Nhà thơ ấy không biết rằng không bao giờ có thể có một ông đại sứ nào dốt nát đến nỗi đưa ra một yêu cầu như thế, vì tên bất cứ nước nào cũng là do cách đặït tên mà mỗi ngôn ngữ đã có sẵn từ xưa. Nó chỉ lệ thuộc vào ngôn ngữ và truyền thống văn hoá của chính người bản ngữ mà thôi (chẳng hạn người Việt có thể gọi France là nước Pháp, England là nước Anh, v.v.), và không có một nhà ngoại giao Pháp hay Anh nào dám có ý kiến vào đấy hết.