trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
28.8.2006
Lê Kim N.
Tìm một chỗ đứng...
 
Những góp ý quanh bản dịch tác phẩm A Bend in a River của V. S. Naipaul cho thấy cố gắng của nhiều bạn đọc để tìm một cách dịch tối ưu, trước tiên để đạt tiêu chuẩn tín, tức là chuyển nghĩa và ý của tác giả cho trung thực. Câu văn ở giai đoạn này có thể chưa được gẫy gọn cho lắm.

Tiêu chuẩn thứ hai, đạt, là phải chuyển được văn bản sang ngôn ngữ đích, người dịch là native speaker (người bản ngữ) vì như vậy mới tránh được lỗi chính tả, văn phạm, lỗi trong cách hành văn. Tín và đạt là hai điều kiện cần, còn một điều kiện đủ để hoàn chỉnh bản dịch là nhã: đó là việc chọn từ ngữ thích hợp, gọt dũa câu văn cho nhuần nhuyễn, thanh thoát. Người đọc không có cảm tưởng đang đọc một bản dịch.

Những điểm ông Cao Xuân Tứ đưa ra "góp vui" (Ý kiến ngắn ngày 26.8.06) nằm trong giai đoạn cuối. Lời văn trau chuốt, nhưng xem ra tính chính xác có cơ giảm thiểu.

Ở ví dụ 3: "Phải khéo thương lượng với mấy ông đeo súng kia họ mới cho phép tôi và chiếc Peugeot đi qua, chẳng qua là để di chuyển từ chốn bụi bờ này sang chốn bụi bờ khác. Rồi lại thương lượng găng hơn, hao thêm dăm tờ giấy bạc, vơi thêm một ít đồ hộp để cho tôi và chiếc Peugeot được ra khỏi cái nơi mà tôi phải bỏ công thương lượng mới được phép vào", ông Cao Xuân Tứ lặp lại ba lần từ thương lượng tuy mức độ khác nhau cho phép thay bằng "điều đình, mặc cả, trả giá, cò kè bớt một thêm hai" chẳng hạn. Ngày còn ngồi ghế nhà trường, nếu phạm lỗi này tôi bị thầy cô phê là thiếu cố gắng tìm tòi trong vốn từ vựng phong phú của tiếng nước ta! Từ bush được ông Cao Xuân Tứ dịch thành chốn bụi bờ tuy quen thuộc với người đọc sống ở Việt Nam nhưng không chuyển tải được hình ảnh rừng rậm xen với những vùng đất hoang vắng, khô cằn, ít cổ thụ, thường chỉ có cỏ khô và những bụi cây gai thấp lè tè hoặc cao ngang đầu người, tiêu biểu cho phong cảnh Phi châu nhiệt đới.

Nguy cơ lớn hơn trong giai đoạn gọt dũa là việc diễn dịch đi xa ý tác giả, chẳng hạn khi ông Cao Xuân Tứ dịch "They were no trouble at all" trong ví dụ 4 bằng câu "Họ hiền như đám cừu". Hình ảnh đám cừu non không nhất thiết là hình ảnh tác giả muốn người đọc mường tượng về những kẻ bị cưỡng bức bắt đi, trước đó hay xôn xao nhốn nháo làm bọn cai tù canh giữ luôn lo ngại họ tìm cách trốn thoát hay nổi loạn, giờ đây họ phải khuất phục, cam chịu số phận, và không còn là mối lo cho bọn chúng nữa.

Trên đây là những vấn đề câu chữ, khó nhất vẫn là ví dụ 1 trong góp ý của Cao Xuân Tứ, đó là câu mở đầu của tác giả Naipaul: "World is what it is; men who are nothing, who allow themselves to become nothing, have no place in it."

Nếu Naipaul viết: "Men who are nobody..." thì có thể dịch nobody là kẻ vô danh tiểu tốt, không ai lý tới, không ai tôn trọng, kẻ thấp cổ bé họng, phận con sâu cái kiến, không có quyền ăn nói, quyền mở miệng, vân vân... Nhưng ông lại viết: "Men who are nothing...", làm liên tưởng đến từ “A good-for-nothing”, kẻ vô tài bất tướng, vô tích sự, làm đâu hỏng đó, không hữu dụng cho gia đình xã hội, từ đó đưa đến những từ ngữ chỉ kẻ lười nhác, ăn bám, báo hại, thậm chí có khi thành cặn bã của xã hội, nguy cơ cho đồng loại. Trong ngôn ngữ nào cũng có nhiều từ chính thống hay tiếng lóng, tiếng chửi với nhiều mức độ khác nhau tùy đối tượng bị đánh giá.

Để hiểu ý và dịch sát câu giáo đầu này dĩ nhiên phải đọc hết tác phẩm. Nếu có độc giả nào đã thấu đáo góp ý may ra mới có thể phân giải. Người đọc như tôi thú thật không hiểu tác giả ngụ ý gì.

Xin liệt kê các bản dịch để tiện so sánh:

Nguyên bản của V. S. Naipaul: "World is what it is; men who are nothing, who allow themselves to become nothing, have no place in it."

Cao Việt Dũng: "Thế giới vẫn chỉ là thế giới; ở đó con người chẳng là gì, tự cho phép mình chẳng là gì và do đó không hề có vị trí cho mình."

Khánh Hội: "Thế giới này vốn như thế đấy; những ai chẳng là gì cả, những ai buông thả để thành kẻ chẳng làm nên trò trống gì không có chỗ đứng trong đó."
Phan Cao: "Thế giới này luôn là như thế, con người, thành phần vốn là vô dụng và hài lòng với sự vô dụng của mình, không có một vai trò nào trong đó cả."

Cao Xuân Tứ: "Thế giới này vốn là thế đấy. Những kẻ chẳng là gì, những kẻ để mặc cho mình trở thành kẻ chẳng là gì, không có chỗ đứng."

Đây không phải là chuyện chẻ sợi tóc làm tư của những kẻ vô công rỗi nghề (Men who are nothing...). Tôi rất trọng các dịch giả và độc giả như Phạm Toàn, T. N., như nhiều người khác trước đó, bỏ thì giờ dịch không thù lao một bài báo của François Weyergans (“Tấm thẻ đỏ”) và Trần Thiện Đạo hay Khánh Hội mới đây bỏ công phân tích bản dịch, chỉ để độc giả talawas có bài đọc chơi, lại thêm được chút hiểu biết về chữ nghĩa. Thiết tưởng nếu mỗi người thỉnh thoảng dịch một bài về đề tài mình thích, vừa luyện tiếng ta tiếng Tây, vừa qua đó thông cảm khó khăn của những ai vướng phải nghiệp dịch thuật, những ai ở trong nước không có điều kiện sống trong ngoại ngữ mình muốn trau dồi, thì cũng là một đóng góp trong bối cảnh “thảm họa dịch thuật” nói đến lâu nay.

Có trao đổi, đối thoại tất nhiên cũng cần có luật chơi rõ ràng, được mọi bên tôn trọng. Chẳng hạn mục tiêu phải là tìm một giải pháp tối ưu cho câu văn, tránh gây hiểu lầm là chỉ trích cá nhân nào đó. Kinh nghiệm cho thấy người dịch lúc đầu bao giờ cũng cố gắng theo sát văn bản, sau đó có cố gắng sửa câu cú, nhưng thường vẫn cần có người khác đọc lại mới thấy những chỗ vướng mắc. Người dịch lại khó chấp nhận kẻ khác sửa sai mình, âu cũng là chuyện thường tình. Phản ứng hay gặp là: “Nếu giỏi thì cứ bắt tay vào dịch đi, xem ai hay ai dở nào!”.

Nếu tạo được một truyền thống phê bình mang tính xây dựng thì kể ra cũng không hoài công, chúng ta có cơ thành người “hữu dụng”, tìm được “một chỗ đứng nào đó” trong thế giới này! Dĩ nhiên không thể quên nhắc đến công lao Ban biên tập talawas đã tình nguyện – không tính thù lao - dọn sẵn sân chơi cho bao người từ nhiều năm, đăng tải và hướng dẫn chọn lọc bài vở ý kiến từ mọi phía trên mọi đề tài, góp phần xây dựng một nền “văn hoá Việt kiều” mới, chưa rõ nét nhưng đang dần thành hình này.

© 2006 talawas