trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 7412 bài
  1 - 20 / 7412 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtBàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"
5.12.2002
Veronika Radulovic, Văn Sáng
Bàn tròn Talawas "Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?"
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33 
 
Veronika Radulovic:

Tôi đồng ý với anh Tuấn rằng mỹ thuật và nghệ sĩ Việt Nam cần không khí và những cánh cửa mở rộng. Cả hai đều là những điều không rõ ràng, không có định hướng gì cả.

Natasha, chị hỏi tôi sau khi tốt nghiệp thì sinh viên sẽ làm gì, khi họ chỉ được trang bị một vốn đương đại hạn chế. Tôi chỉ là một phần của cuộc đối thoại, thế thôi. Họ sẽ đi con đường của họ, chứ không phải của tôi, hay của chúng ta. Họ ở trong một quá trình vẫn chưa kết thúc. Tôi là một điểm, chúng tôi có thể chia xẻ suy nghĩ trong một thời gian, không hơn không kém. Sinh viên và nghệ sĩ có quyền tự do di chuyển từ điểm này tới điểm khác. Họ không phải theo ý của tôi, chỉ bởi vì tôi là giáo viên. Không phải cái gì cũng có thể được đưa vào khuôn khổ theo luật của nghệ sĩ và theo cơ chế tiếp thị. Mọi thứ khác sẽ là áp đặt và giáo điều.

Tôi không có lời giải. Những đề nghị cho những lời giải đã được nêu trên bàn tròn này làm tôi thấy sợ. Tôi tự hỏi mọi việc đơn giản thế chăng? Chúng ta quan sát, nghiên cứu… và sao nữa? Có người đòi hỏi một cuộc đại phẫu thuật, phê bình, người khác đòi hỏi tiến bộ trong ngôn ngữ mỹ thuật. Anh Kaomi chỉ ra sự nhập nhằng (confusion) của các nghệ sĩ Việt Nam, và cả của tôi. Vâng, tôi muốn nhấn mạnh: tôi là một nghệ sĩ, không phải là một nhà phê bình hay quan sát viên hay nhà sử học. Tôi tự do với một cái đầu nhập nhằng.
Sự mơ hồ không phải là một nguồn năng lượng sáng tạo lớn nhất hay sao? Sự hoài nghi và những câu hỏi. Đặc biệt sau một thời kỳ dài của một sự giáo dục ngăn nắp cũng như của cách sống và nghĩ như vậy, chúng ta cần có nhiều mơ hồ hơn nữa. Có lẽ lời giải là sự tuyệt vọng. Chưa bao giờ người ta có thể quan sát nghệ sĩ một cách đơn giản. Hy vọng những nghệ sĩ sẽ nguy hiểm một cách bất ngờ.

Mai Trang, phát biểu của chị thật tuyệt vời. Tôi muốn nhắc lại câu hỏi của chị: bao nhiêu người trong số chúng ta có thể cảm nhận được cái "Việt Nam tính". Tôi không biết phải trả lời câu hỏi cuối của chị như thế nào: về tinh thần chủ động và tự chủ. Tôi không chắc tôi hiểu rõ chị. Chị nhắc tới một điểm quan trọng mà từ trước vẫn chưa được chú ý tới: trách nhiệm của nghệ sĩ. Dưới cách nhìn tiếp thị thì nhiều nghệ sĩ đã có sự chủ động. Với sự diễn đạt chính trị và cá nhân thì chỉ mới một số. Trở lại với Minh Hà, chị là phụ nữ và khái niệm mỹ thuật nữ đã được nhắc đến. Những khía cạnh tiểu sử và trách nhiệm cá nhân có vẻ rõ ràng hơn trong nghệ thuật nữ là trong giới mỹ thuật quốc tế thường được chiễm lĩnh bởi nam giới. Tất cả những điều này đối với tôi quan trọng. Không cần biết là chúng ta ở đâu: bên trong hay bên ngoài một quốc gia. Minh Hà đã thể hiện điều đó.

Về cuộc tranh luận của chúng ta, bởi vì anh Hưng đã nói đến: chúng ta ở trong một cuộc tranh luận tự do và cởi mở. Anh Hưng, tại sao lại thất vọng? Mọi việc đều có thể xẩy ra, chúng ta mới chỉ bắt đầu. Và lạy chúa, ai làm ra những tên tuổi nổi tiếng nhỉ? Tôi là một nghệ sĩ như những người khác. Ở Việt Nam tôi có một chỗ đứng đặc biệt. Nhiều người nước ngoài làm việc hay tổ chức triển lãm tại Việt Nam có chỗ đứng đặc biệt này. Đấy là một vấn đề, nhưng không phải vấn đề của tôi. Chúng ta cần phải có cái nhìn nghiêm khắc hơn đối với người nước ngoài.

Những chữ đao to búa lớn lại được tung ra: "học lại từ đầu", "nền mỹ thuật bất hạnh", "đầm lầy" v.v… Xin lỗi anh, sự chỉ trích của anh cũng mang cái đầm lầy này. Tôi không muốn đi theo cái yêu cầu: hãy quan sát và phân tích thật kỹ những vấn đề của mỹ thuật Việt Nam. Từ đầu tới giờ chúng ta nói về một nhóm người, về nghệ sĩ Việt Nam chung chung. Nhưng mỹ thuật Việt Nam được tổng hợp lại từ nhiều nghệ sĩ khác nhau, chứ không phải là một chỗ chung chung, đặc biệt là trong thời kỳ chuyển biến chính trị và của những "chỗ trống". Chúng ta rất ít khi nói về một nghệ sĩ, và điều này đối với tôi là một vấn đề: sự tập thể hoá của xã hội Việt Nam, cách hiểu khái niệm tập thể và khái niệm cá nhân ở Việt Nam. Khi tôi bàn về mỹ thuật, tôi muốn bàn về một người cụ thể. Cũng như khi tôi phát biểu thì đó là ý kiến cá nhân và không đại diện cho một người Đức nào cả. Tại Việt Nam người ta phần lớn nói về một đám đông, một nhóm, một tập thể. Cá nhân không tồn tại như nó tồn tại tại châu Âu. Với Minh Hà, chúng ta nói về chị ấy, đây là một sự khác biệt quan trọng. Tôi cho rằng (và điều này cũng liên quan tới ý kiến của anh Huy): nếu tồn tại những nghệ sĩ mạnh mẽ, ví dụ như Nguyễn Minh Thành, thì nhiều nghệ sĩ sẽ đi theo và muốn trở thành như vậy. Ở Việt Nam, không ai muốn đứng một mình.
(08.11.02)


Văn Sáng (độc giả):

Tôi là một thợ vẽ -đã tốt nghiệp cao đẳng mỹ thuật- chuyên sản xuất tranh trâu (các kiểu trâu từ hiện thực đến siêu thực, gần đây có người mách cho xem trường phái lộn ngược của hoạ sĩ Nguyễn Đại Giang thì tôi cũng thử vẽ trâu có sừng mọc từ dưới bụng và bán ngay được với giá tương đối cao) và tranh thiếu nữ (lúc đầu cóp Tô Ngọc Vân, sau đó thì cóp đủ thứ, miễn là pha một chút "chất Việt Nam"). Tranh trâu bán cao hơn tranh thiếu nữ, giá 100- 500 đô một bức. Mỗi ngày tôi vẽ 1-2 bức, thu nhập trung bình một tháng khoảng 4000 đô. Cuộc sống của tôi hiện nay rất đàng hoàng ổn định. Con trai tôi đang học đại học mỹ thuật. Tranh của nó không ai mua nhưng tôi đánh giá nó là hoạ sĩ thật, không phải thợ vẽ như tôi.
Có vài lời như thế để thưa với các anh chị rằng tôi rất say mê theo rõi bàn tròn của các anh chị và xin góp mấy ý như sau:
Thứ nhất: người mua tranh hiện nay ở Việt Nam hoàn toàn là người nước ngoài hoặc Việt Kiều, và người đi ngắm tranh tại các triển lãm hay bảo tàng cũng hoàn toàn là người nuớc ngoài hoặc người trong giới với nhau chứ không hề có một công chúng nào khác. Một khi mỹ thuật Việt Nam thuần túy là một ngành xuất khẩu không phục vụ nhu cầu trong nuớc thì tất nhiên nó phải đối diện với cách thẩm định của ngừơi nước ngoài. Cũng giống như việc xuất khẩu gạo: không thể nói như anh Nguyên Hưng rằng: cứ bàn mãi về gạo thế giới với gạo dân tộc, mệt mỏi lắm, vấn đề ở chỗ khác cơ. Vấn đề tất nhiên rất nhiều và nằm rải ra ở khắp nơi, nhưng vừa hoàn toàn phụ thuộc (cả về tinh thần lẫn vật chất) vào người nuớc ngoài, mà lại làm ra vẻ muốn bỏ qua họ thì vừa không tưởng vừa không sòng phẳng. Không có những người nuớc ngoài ấy, kể cả những người "ngố", thì các hoạ sỹ Việt Nam hiện nay đi đạp xích lô hết. Tiền bạc đã đem lại một chút tự do và sự mạnh dạn, không có hoạ sĩ nào bây giờ phải suốt ngày phủ phục xuống lạy cái tủ như ông Nguyễn Sáng ngày xưa nữa. Xin đừng nói về sự mất nhân cách khi chúng tôi làm tranh thương mại. Thợ vẽ chúng tôi không có tham vọng viết lại lịch sử mỹ thuật thế giới như anh Hoàng Ngọc-Tuấn mong muốn. Chúng tôi cũng không phải là mối đe dọa cho nền mỹ thuật nuớc nhà. Nguợc lại: sự mất nhân cách đã xảy ra khi các hoạ sĩ "thứ thiệt" chỉ vì một thời nghèo túng mà phải lụy vào nhà nuớc, vào chính trị và những mối quan hệ cửa quyền thối nát. Tranh thương mại của chúng tôi luơng thiện hơn tranh tuyên truyền và tranh phong trào trăm lần. Người nuớc ngoài muôn năm!
Thứ hai: anh Nguyễn Như Huy có nêu đòi hỏi về ngôn ngữ nghệ thuật. Ngôn ngữ nghệ thuật là cái không có sẵn, mỗi người tự đi tìm cho mình. Trong lúc đi tìm và thể nghiệm thì có lúc thành, có lúc còn non. Ngay chính tôi, tôi chẳng tìm mà chỉ "xào" lại những cái đã được tìm ra mà lúc đầu bao giờ cũng non, sau này mới thành thuần thục. Vì vậy nếu có ngỡ ngàng, chưa hiểu hết, khiên cưỡng, sống sượng v v. thì cũng là điều tất nhiên. Đòi hỏi cứ dùng một chất liệu hay ngôn ngữ, hình thức mới, là phải hoàn thiện ngay, xứng đáng ngay, cũng là một đòi hỏi quan liêu và có thể làm nhụt chí những ai muốn thử nghiệm. Theo tôi: một người tuy tiếp tục dùng chất liệu "tối thượng" và kinh điển là sơn dầu nhưng dùng không thành công nên quăng cọ đi hơn là một người dùng một ngôn ngữ còn lạ lẫm và cũng chưa thành công. Tôi nghĩ rằng những người đang "tập tành" thử nghiệm cũng không phải là mối đe doạ cho nền mỹ thuật nuớc nhà, sự lố bịch (nếu có) của họ còn đáng yêu hơn sự hèn của những người chẳng dám thử điều gì, kể cả thử làm giàu bằng tranh thương mại như bọn thợ vẽ chúng tôi!
(09.11.2002)

© Talawas 2002