trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 7412 bài
  1 - 20 / 7412 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtBàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"
13.11.2002
Nora Taylor, Veronika Radulovic
Bàn tròn Talawas "Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?"
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33 
 
Nora Taylor:

Tôi nghĩ vấn đề cá nhân là vấn đề quan yếu. Đây chính là cách để vượt qua được cái nhãn hiệu "Việt Nam". Tôi cho rằng ngày Đặng Xuân Hòa hay Đinh Ý Nhi được coi là Đặng Xuân Hòa hay Đinh Ý Nhi mà không phải "hoạ sĩ Việt Nam" hay "nữ hoạ sĩ Việt Nam" sẽ là ngày hội hoạ Việt Nam thực sự đi vào nền hội hoạ thế giới. Tôi nghĩ, một cách lạc quan, ngày ấy sẽ tới. Trong một vài nghiên cứu của mình tôi có thấy rằng những hoạ sĩ bứt mình ra được khỏi những phạm trù nói trên là những hoạ sĩ xuất ngoại và tìm kiếm công danh ở ngoài Việt Nam. Nhân dịp này tôi cũng muốn bàn thêm về vấn đề "người ngoại quốc" và mỹ thuật Việt Nam. Tôi đồng ý với Natasha rằng không thể coi người ngoại quốc là những người không hiểu biết gì về mỹ thuật Việt Nam đựơc. Chẳng nhẽ chỉ người Việt Nam hiểu được mỹ thuật Việt Nam? Tôi thiết nghĩ đấy không phải cái mà các nghệ sĩ Việt nam mong muốn. Xin nói một chút về lịch sử. Có vẻ rằng trong những năm 1980, có những nghệ sĩ Việt Nam hết sức mong muốn tên tuổi mình được biết đến ở bên ngoài, muốn có triển lãm ở ngoại quốc, và cái cách để xuất ngoại là làm quen với một vài người nước ngoài đến Việt Nam thời đó. Một mối quan hệ có đi có lại hình thành giữa những hoạ sĩ muốn "ra" và những người nước ngoài muốn "vào". Những người buôn bán tranh, những người chủ phòng tranh ngoại quốc tìm kiếm hoạ sĩ để bày tranh của họ ở nuớc ngoài, và ngược lại những hoạ sĩ cũng tìm những người ngoại quốc để làm chính việc đó. Plum Blossoms kéo theo La Vong, etc. Đầu những năm 90, một vài người ngoại quốc thử mở phòng tranh ở Việt Nam. Cyril Lapointe là một ví dụ. (Suzanne Lecht đang mở một phòng tranh ở Hà Nội). Thực ra vấn đề không phải là những phòng tranh này thành công đến đâu, mà là chúng đã có những đóng góp gì trong việc mang lại tên tuổi và thành công cho cá nhân những hoạ sĩ. Nếu nhìn từ góc độ ấy thì có thể là những phòng tranh ngoại quốc thua xa những phòng tranh Việt Nam. Cũng như ảnh hưởng của các nhà phê bình ngoại quốc thua xa các nhà phê bình Việt Nam. Tôi đang nghĩ đến Nguyễn Quân hay Thái Bá Vân so với Flindlay-Brown của Asian Art News chẳng hạn (hay chính bản thân tôi). Người xem tranh và mua tranh thì là ngoại quốc. Nhiều người mua tranh ngoại quốc nghe theo Dương Tường, Nguyễn Quân hay Phan Cẩm Thượng, nhưng những người này có vẻ là không phải người trong giới, họ chỉ biết mua tranh ở Mai hay Apricot mà không thực sự suy nghĩ một cách phê phán về những tác phẩm. Tôi nghĩ nói chung mối quan hệ giữa người mua tranh ngoại quốc và hoạ sĩ Việt Nam đi theo xu hướng " patron-client " (( kẻ bán người mua). Người này phục vụ người kia. Bảo hoạ sĩ Việt Nam không cần người ngoại quốc cũng " ổn " thì cũng đúng mà cũng sai như bảo người buôn tranh ngoại quốc không cần những nhà phê bình Việt Nam cũng " ổn ". Tất nhiên thế nào là " Việt Nam ", thế nào là " ngoại quốc " cũng còn phải bàn cãi. Tác phẩm của Marita Nurmi hay Eric Leroux, những người đã sống ở Việt Nam từ nhiều năm nay, có phải ngoại quốc không? Natasha có phòng tranh ở Việt Nam từ 20 năm nay, chị có phải ngoại quốc không? Trần Trọng Vũ đã sống ở Paris 20 năm, anh là Việt Nam hay Pháp?
(12.11.02)


Veronika Radulovic:

Đôi khi tôi không biết là chúng ta có đang cùng nói về một đất nước hay không. Tôi bắt buộc phải phản đối ví dụ Minh's Club: tất cả các thể loại nhạc đều có thể được chơi ở Hà Nội. Truyền thống, Pop, Rock, Techno, thử nghiệm, cổ điển, Jazz hay Blues. Rất nhiều lựa chọn. Truyền hình cũng đem đến một chương trình nhạc rất phong phú và đa dạng. Cả Minh và câu lạc bộ của anh ta. Cũng như mọi nơi trên thế giới. Văn hoá MTV. Một nhạc sĩ Jazz có thể chơi ở mọi nơi ở Hà Nội. Tôi nhắc lại: mọi nơi. Liệu có một công chúng, hay một công chúng trẻ cho Jazz không là một câu hỏi khác. Minh's Club là một địa điểm thương mại dành cho người nước ngoài. Chương trình tối tối giống nhau và giá cả thì đắt đỏ. Vì sao quán này lại được nhắc đến? Thật là một ví dụ lạ.

Tôi muốn đi sâu vào khái niệm "cá nhân". Rõ ràng Duchamp đã là một cá tính nghệ sĩ có một không hai và đã có một vị trí chủ đạo/dẫn đường cho nhiều nghệ sĩ của thế kỷ 20. Nhưng hai khái niệm này (personality và leading position) không nhất thiết phải đi với nhau. Tôi muốn tách giữa câu hỏi về cá nhân nghệ sĩ và về vị trí chủ đạo (như với Bùi Xuân Phái, một nhân vật chủ đạo của Việt Nam, hay Picasso, một nhân vật chủ đạo của của mỹ thuật hiện đại cổ điển), như Mai Chi đã nêu lên trong câu hỏi của mình.

Tính cá nhân của một nghệ sĩ chưa bảo đảm rằng anh sẽ có một vai trò dẫn đường, một vị trí đầu đàn. Tính cá nhân của nghệ sĩ được đo bởi những điều anh ta có thể làm được, khả năng cá nhân của anh. Nó cũng có thể đi kèm với một sự thất bại trong xã hội. Và thành công về mặt vật chất thì còn là một câu hỏi khác nữa.

Mỗi một xã hội đều có những nghệ sĩ mang tính cá nhân cao độ. Tại Việt Nam, một trong những "cá nhân" nổi tiếng nhất là Nguyễn Như Ý. Một nhà điêu khắc với một lượng sáng tác đồ sộ và hết sức hấp dẫn, nhưng, với cá tính của mình, anh sẽ không khi nào có được một vị trí dẫn đường, bởi anh không phải là hiện thân của những giá trị ăn sâu trong xã hội và được hướng tới: học vấn, thành công và hơn tất cả là sự giầu có. Tóm lại, anh nằm ngoài những giá trị của xã hội này.

Tôi đã nhắc đến Nguyễn Minh Thành và muốn nói thêm vì sao đối với tôi anh quan trọng: anh đã là một trong những người đầu tiên, qua sự quan tâm tới chính mình (thể hiện qua loạt tranh tự hoạ), sự nhìn nhận lại cuộc sống cá nhân của mình, với việc dùng chất liệu Việt Nam kết hợp với sự đào tạo quốc tế và việc sử dụng những hình thức mỹ thuật của thể giới, đã thiết lập được một vị trí đầu đàn đối với nhiều nghệ sĩ trẻ. Anh đạt được vị trí này cũng một phần bởi anh sử dụng những tổ chức của nhà nước cho những triển lãm của mình và tự tiếp thị để có được một chỗ đứng trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đột nhiên có một công luận.

Thêm vào đó ta có thể thấy rằng trong những sáng tác của anh có một sự chống đối tính hàn lâm rất lớn (nói cách khác, xét về mặt học đường thì anh là một sinh viên kém). Nhưng cũng với thái độ này anh hoàn toàn hợp với khung cảnh chính trị của những năm 90, với một trường Đại học mỹ thuật nỗ lực cải cách và mở cửa ra bên ngoài.

Anh nằm trong nhóm những nghệ sĩ trẻ thành công, những người mà điều kiện chính trị mới cho phép ra nước ngoài mà không cần visa xuất cảnh. Thêm vào đó là việc tự do tiếp thu thông tin nước ngoài. Một điều khác nhấn mạnh vai trò của anh là: anh không phải thành viên của bất cứ tổ chức hay hội đoàn Việt Nam nào (điều này cũng dẫn tới sự bực bội, khó hiểu và khâm phục trong giới nghệ sĩ nằm trong các tổ chức).

Sự thành công mà ai cũng nhận thấy của anh (tham gia các triển lãm ở Paris, Fukuoka, Berlin, Brisbaine etc.) đã đặt một câu hỏi lớn về lý do tồn tại của những Hội nghệ sĩ (mặc dù bản thân anh chắc không dụng ý). Nhưng thành công này đã dẫn đến việc anh và một số những nghệ sĩ nằm ngoài tổ chức khác đã được những tổ chức này chú ý đến, làm triển lãm và kéo vào công việc hội đoàn qua "cánh cửa sau". Tôi cho rằng đây là một sự tính toán của các cán bộ hội đoàn, không muốn thú nhận sự vô nghĩa của mình, người ta tìm cách gom góp lại những kẻ "cá nhân", những người thực ra không cần đến họ.

Nguyễn Minh Thành có một vai trò quan trọng không riêng chỉ vì những installation, bài viết và tranh bảng thú vị và authentic của anh. Bản thân cá nhân anh cũng là một đại diện cho một đường lối chính trị mới. Đối với tôi, anh thể hiện sự đáng tin tưởng và khả năng thành công của một hướng chính trị mới (nghe thì có vẻ lạ). Đó là: được phép mang chất Việt, cảm nhận chất Việt, có một sự sung túc vật chất, tư duy và hành động mang tính Việt, tự hào mình là một nghệ sĩ sống ở Việt Nam, mà phong cách này hoàn toàn không bị ép buộc hay mang tính nghĩa vụ, giống như các nghệ sĩ thời trước.

Đối với nhiều người anh thể hiện phần nào sự tới đích của hoài bão, của hy vọng và tự do của Việt Nam. Anh có thể sử dụng những tự do trong nghệ thuật, bởi trên phương diện chính trị, những tự do này đã được cho phép.

Nguyen Jun Hatshushiba và những nghệ sĩ "nước ngoài" khác, với những sáng tác rất thú vị và quan trọng của họ, sẽ không khi nào có thể đạt được những vị trí tương tự ở Việt Nam, bởi họ không được coi là "anh ta đã và sẽ tiếp tục một người của chúng ta". Điều đó cũng đúng cho chúng ta, những nghệ sĩ nước ngoài sống ở Hà Nội. Tôi muốn bàn một chút tới lời phản đối của Natasha: tất nhiên qua thời gian sống ở Việt Nam chúng ta có những thông tin về điều kiện sống ở đây, hiểu biết một số thứ, đặc biệt đối với chị là người đã sống rất lâu ở đây. Nhưng, chúng ta vẫn là người nước ngoài. Có thể một ý thức dân tộc đã được hình thành một cách sâu sắc là nguyên nhân để người Việt Nam cho rằng "người nước ngoài không thể hoàn toàn hiểu mình, và nhân loại vận hành theo những nguyên tắc khác nhau". Người nước ngoài chúng ta không khi nào có những luật chơi giống như người Việt Nam (cả về mặt tốt cũng như mặt xấu). Tôi có một hộ chiếu Đức.
(13.11.02)

© Talawas 2002