Thưa chị Ban Mai,
Tôi đã được đọc
thư chị trên talawas ngày 4.9.06. Trước hết, tôi xin cám ơn chị đã gửi cho tôi bức thư này. Bức thư cho thấy chị có tinh thần trách nhiệm, và ngôn ngữ trong thư cũng cho tôi thấy là tôi được tiếp chuyện với một người thật sự có lòng yêu văn học và ngôn ngữ Việt Nam.
Tôi đã dùng từ “tác giả” trong
bài viết trước để được trình bày về trường hợp của chị. Trong thư này, tôi xin phép được gọi chị là chị để lời nói được trực tiếp hơn.
Tôi cám ơn chị vì chị đã cho tôi thấy những nỗ lực của chị trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu và hoàn tất luận văn của mình. Ðiều đó làm tôi vui vì tôi biết được là tôi đã không cảm nhận sai trong nhận xét về khả năng và những thành tựu, những đóng góp nhất định mà chị đã làm được trong lĩnh vực nghiên cứu về Trịnh Công Sơn, đặc biệt trong phần ca từ, ngôn ngữ của ông. Có lẽ chị đã để ý và thấy rằng, dù phải viết bài đó, tôi đã cân nhắc và tránh tối đa trong việc làm tổn thương một người mà tôi nghĩ là thực sự có tâm huyết với văn học Việt Nam, nói chung, và với sự nghiên cứu để đóng góp vào việc tìm hiểu về con người Trịnh Công Sơn nói riêng. Sự đóng góp ấy đẹp và đáng quý. Những khó khăn mà chị đã cho thấy trong cả quá trình viết luận văn lại càng làm cho tôi, và cho độc giả đọc chị, thấy được sự hy sinh và cố gắng của chị để luận văn đó được hoàn tất. Tôi cũng đã đi qua con đường mà chị đã đi trong việc viết luận văn /luận án (có lẽ con đường của tôi không có nhiều chông gai như con đường của chị) nên tôi trân trọng những nỗ lực của chị. Những nỗ lực ấy tôi tin là không vô ích. Ngay cả việc tiếp nhận sự đánh giá của người đọc, điển hình là bài viết của tôi, cũng không phải là không đóng góp được gì trong việc giúp chị thể hiện rõ tính cách của mình hơn. Tôi mong thế. Nó cho tôi (và người đọc) nhìn thấy chị rõ nét hơn. Ðặc biệt trong những nét tích cực. Trong sự thiết tha đối với niềm tin yêu văn học mà chị đã cưu mang. Và trong trách nhiệm mà chị dám nhận lãnh sau khi đã thổ lộ niềm tin yêu ấy đối với độc giả qua việc công bố luận văn của mình một cách rộng rãi, cùng với một số những sai sót của nó.
Lá thư này tôi xin được viết ngắn, vì chị đã làm xong những gì có lẽ chị nghĩ là chị nên làm trong trách nhiệm của mình. Lá thư chỉ được viết để trả lời một, hai câu hỏi mà chị đã dành cho tôi trong lá thư của chị, cũng như để làm rõ một vài suy nghĩ và tình cảm của tôi đối với ngành giáo dục tại Việt Nam.
Trước hết, chị viết rằng, chị “ngạc nhiên không hiểu tại sao ông Vũ Ðông Ngọc không nói rõ những lần tôi có hiệu đính khi trích dẫn tài liệu những lời bình của tác giả Bùi Vĩnh Phúc? Mà chỉ tỉ mỉ tìm ra những sai sót để minh chứng cho sản phẩm giáo dục Việt Nam hiện nay? Và không ngần ngại đưa ngay lý lịch của tôi lên mạng để công bố. Tôi hiểu ẩn ý của ông.”
Tôi xin được trả lời là tôi chẳng có ẩn ý gì cả. Sở dĩ tôi không trình bày/liệt kê những lần chị trích dẫn Bùi Vĩnh Phúc là vì, trước đó, tôi đã nói rõ là “tác giả Ban Mai,
ngoài việc trích dẫn Bùi Vĩnh Phúc bốn lần (qua cuốn chuyên luận của ông và qua bài phỏng vấn Bùi Vĩnh Phúc do Phạm Văn Kỳ Thanh thực hiện, phổ biến trên talawas vào tháng 12, 2005) [tôi nhấn mạnh], đã sao chép nguyên văn (hoặc gần như nguyên văn, chỉ sửa đổi một vài từ) nhiều đoạn văn dài trong chuyên luận
Trịnh Công Sơn: Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật của nhà phê bình này.” Ngoài ra, trong một đoạn ngay trước đó, tôi cũng đã viết: “
Cái đặc biệt cần nhắc đến là tác giả luận văn đã sử dụng được rất nhiều nguồn tài liệu, cả trong lẫn ngoài nước, và đặc biệt là số tài liệu ngoài nước được trích dẫn khá phong phú so với dung lượng bài viết.
Ðiều đó cho thấy tác giả có sự công phu trong việc tìm và chọn lựa những nguồn tài liệu thích đáng cho nội dung khai triển của mình.” [tôi nhấn mạnh]. Như vậy, tôi có ghi nhận rõ mặt tích cực mà tôi nhận ra ngay trong luận văn của chị. Ðó là việc sử dụng được rất nhiều nguồn tài liệu của nhiều tác giả cả trong lẫn ngoài nước. Ðó là một sự công phu mà không phải người viết luận văn nào, trong hoàn cảnh làm việc với những điều kiện khó khăn như tại Việt Nam đều có thể thực hiện được. Ðó là chưa nói đến việc ai đọc luận văn của chị cũng thấy được những cố gắng của chị trong sự khắc phục những khó khăn mà tự thân đề tài chị chọn lựa phần nào mang lại. Luận văn của chị đạt được điểm tối đa (không có gì phải ngại ngùng vì sự kiện này) là một điểm son cho chị. Mà cũng là một điểm đẹp đáng ghi nhận của giáo dục Việt Nam. Vì nó đã vượt qua một số rào cản khá tế nhị để công nhận sự đóng góp của chị. Ðiều giới hạn của chị, và có lẽ của cả những người liên hệ đến luận văn của chị nữa, có thể là ở chỗ đã không (có đủ thời gian để) rà xét những chỗ còn thiếu sót trong việc ghi nhận thẩm quyền tác giả trong những trích đoạn của Bùi Vĩnh Phúc mà chị đã bỏ quên không chú thích. Chị đã thẳng thắn nhận trách nhiệm sai sót trong việc này. Ðiều ấy cho thấy nét tích cực trong con người chị. Việc chị đã sử dụng nhiều nguồn tài liệu của những tác giả khác nhau, cả trong lẫn ngoài nước, để xây dựng chứng cứ cho những lập luận của mình, với những chú thích đầy đủ, là một việc làm cần thiết. Nó là điều cần thiết và cơ bản trong thao tác viết một luận văn cấp hậu đại học mà chúng ta không cần phải nhắc tới. Tuân thủ được điều ấy là một trong những bước đầu và một trong những bước căn bản để luận văn được chấp thuận cho việc đánh giá. Chị đã thực hiện được khá tốt những bước cần thiết ấy. Dĩ nhiên đó là điều tích cực cho luận văn của chị. Dù sao, chị cũng hiểu rõ, tôi không nghĩ bài viết của mình, với mục đích đã được đặt ra, cần phải trình bày nhiều hơn nữa về những bước căn bản và cần thiết đó. Việc tôi xác nhận và đề cao chuyện luận văn của chị đã sử dụng được nhiều nguồn tài liệu, cả trong lẫn ngoài nước, như vậy là một điều đủ để cho thấy thiện chí của tôi trong bài viết.
Tôi trình bày vấn đề về trường hợp luận văn của chị vì tôi nghĩ điều đó cần thiết và công bình. Cho độc giả. Cho chị. Cho tác giả Bùi Vĩnh Phúc. Và, có lẽ, điều tôi cũng rất quan tâm, là cho nền giáo dục Việt Nam. Tôi trình bày kỹ để vấn đề được nhìn thấy rõ ràng. Nếu, ngoài tôi ra, có những độc giả khác cũng nhận ra những điều giống nhau giữa luận văn của chị và chuyên luận của nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc được viết trước đó, điều ấy có thể tác hại một cách rất tiêu cực không những đến luận văn của chị mà còn cả đến chị như một tác giả. Tôi đã cố gắng trình bày vấn đề một cách khách quan, và tôi cũng mong rằng tôi đã ghi nhận được một cách khách quan những đóng góp nhất định của chị. Tôi hy vọng chị cũng nhìn ra điều ấy để thấy rằng bài viết của tôi là một động lực tốt để, sau đó, qua lá thư của chị, người đọc biết được lòng yêu văn chương và những cố gắng của chị trong việc hoàn tất luận văn.
Tôi xuất thân từ nền giáo dục Việt Nam. Tôi xây dựng được những bước tiến sau này cho mình (hy vọng thế) qua việc học hỏi và tiếp thu thêm được phương pháp cũng như những phẩm chất của các nền giáo dục Âu Mỹ. Dù sao, tôi không quên là những bước đầu chập chững tôi đã được ai dắt tay và tôi vẫn rất yêu cái môi trường cùng khung cảnh học tập mà tôi đã có tại đất nước của mình. Dù sao, điều đó không ngăn cản tôi lên tiếng nếu tôi thấy mình có thể đóng góp được chút gì cho Việt Nam. Trong nước, và cả ngoài nước, đã có nhiều tiếng nói thiện chí với nỗ lực xây dựng và đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam như thế. Tôi không phê bình tiêu cực sản phẩm giáo dục của Việt Nam. Tôi chỉ muốn nói về một vài điểm mà Việt Nam đã và có thể còn đang khiếm khuyết trong giáo dục, với hy vọng là chúng ta sẽ sửa đổi để phẩm chất giáo dục của chúng ta ngày càng khá hơn. Nếu tôi thiếu ý thức và muốn chê bai Việt Nam, tôi đã không kể lại câu chuyện đang gây sóng gió liên hệ đến nhiều sinh viên ngoại quốc tại đại học Ohio của Hoa Kỳ. Thật sự, vì sợ có những người cực đoan chỉ nhìn thấy cái chưa được tốt của Việt Nam mà không nhìn thấy là Việt Nam cũng có những điểm tốt hay những cố gắng để làm tốt hơn, cũng như đang chia sẻ với nhiều nước khác trên thế giới (trong đó có cả Hoa Kỳ là một quốc gia được nhiều người coi là rất văn minh và tiến bộ) một số khó khăn trong vấn đề giáo dục nên tôi mới đề cập đến chuyện ấy. Hiện tại, tôi cũng học được những điều hay trong sách vở của Việt Nam. Tôi biết Việt Nam có những người rất tài, rất giỏi. Tôi cũng chia sẻ niềm hãnh diện ấy như bất cứ một người Việt Nam nào yêu đất nước và có ý thức về nguồn gốc của mình.
Việc tôi nêu lý lịch của chị khi trình bày vấn đề là một điều tự nhiên. Tôi không thể nói trống không và vô bằng. Ðó chỉ là một thao tác căn bản và cần thiết. Ngoài ra, tôi phải công bằng với mọi người trong sự trình bày của mình. Chị sẽ có cơ hội lên tiếng khi tôi trình bày rõ ràng vấn đề. Nếu tôi không rõ ràng, có thể là tôi đã không công bằng với chị. Tôi nghĩ vấn đề ta nên xét là ở giọng điệu và sự khách quan trong việc trình bày câu chuyện. Tôi đã viết bài ấy trong sự cân nhắc và khách quan tối đa mà tôi có được.
Một lần nữa, tôi xin cám ơn lá thư của chị. Không ai là không có sai sót trong đời, cho dù là có những sai sót nhỏ và có những sai sót lớn. Việc chị nhận trách nhiệm trong việc làm của mình là một thái độ tốt đẹp cho những bước chân vững chãi hơn trong tương lai của chị. Tôi thành thật cầu mong và tin rằng, với lòng tin yêu thiết tha vào văn chương như chị đã có, chị sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp cho văn học và đất nước Việt Nam.
Kính thư.
6.9.2006
© 2006 talawas