trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtBàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"
16.4.2004
Kaomi Izu, Mai Chi, Birgit Hussfeld
Bàn tròn Talawas "Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?"
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33 
 
Kaomi Izu:

Trong ý kiến phản bác Nguyên Hưng ngày 04.11, Patrick đã viết:'Sự lên án của Nguyên Hưng rằng "các nghệ sĩ của thời đổi mới" hoàn toàn không hay ho gì hơn những người chỉ quan tâm tới khía cạnh "hiện thực" của một tác phẩm, mặc dầu đúng và có lý, nhưng hoàn toàn không có giá trị gì cả , bởi khi mấy thế hệ đã được đào tạo trong những kinh điển của chủ nghĩa hiện thực XHCN thì phải cần nhiều hơn một thập kỷ để thay đổi những khái niệm đã ăn vào máu này." (tôi nhấn mạnh, Kaomi Izu). Đây là một ý kiến lạ. Sức ì của cái "truyền thống" ấy, thể hiện qua sự "không hay ho gì hơn" ở các nghệ sĩ "thời đổi mới", rồi có thay đổi được không, nếu nó không được gọi tên, được "ý thức hóa", được trở thành "đối tượng của phê bình"(như cách nói của Nguyên Hưng)? Hơn nữa, chẳng lẽ, đó cũng không phải là vấn đề chúng ta cần phải để ý tới, để có được một cái nhìn thực tế hơn về mỹ thuật Việt Nam?

Từ ý kiến này của Patrick, và nhìn lại cuộc thảo luận của chúng ta cho đến nay, tôi có mấy nhận xét:

Một, chúng ta đang thảo luận về một nền mỹ thuật. Đối tượng của chúng ta, cơ bản gồm mấy thành tố:
Một, cách nhìn, cách thể hiện của các thành phần nghệ sĩ.
Hai, thái độ, trình độ và thị hiếu v.v…của các thành phần công chúng.
Ba, môi trường văn hóa xã hội, cơ sở học thuật, thiết chế văn hóa, thị trường v.v… Nói chung, là các yếu tố chi phối, ảnh hưởng

Chúng ta có thể thảo luận bắt đầu từ một yếu tố bất kỳ -từ một vấn đề thời sự, từ một họa sĩ nổi bật v.v…, nhưng không được tách rời cái toàn thể (mỹ thuật Việt Nam). Chỉ trong sự tiếp cận hệ thống, chúng ta mới có cơ may xác định được một hệ qui chiếu chung cho sự đánh giá, thẩm định.

Cho đến nay, ít nhất trên bàn tròn này, đúng như anh Lê Hải viết trong bài "Bản sắc Việt Nam trong tranh chép và mỹ thuật Việt Nam", ở mục Thảo luận trên Talawas, là chúng ta vẫn chưa đề ra được một định nghĩa thống nhất về mỹ thuật Việt Nam, trong khi đã "đào sâu" vào nó. Nói rõ hơn, chúng ta vẫn chưa xác định được hết các thành tố của đối tượng và các mối liên hệ mang tính nội tại giữa chúng.

Bởi vậy mà chúng ta tranh luận, tuy có gay gắt, nhưng thực sự, có lẽ, "ai nói người ấy nghe". Chị Veronika phản đối hình tượng "đầm lầy" của Nguyên Hưng (ý kiến ngày 08.11), nhưng trong ý kiến ngày 13.11, ở đoạn sau cùng, khi nói về "luật chơi" riêng ở Việt Nam, chị cho ta cách hiểu gần gần như vậy… Nói chung, mỗi người một góc nhìn, mỗi người chăm chú vào một yếu tố…, chúng ta thường xuyên đứng trước nguy cơ đi lạc sang những lãnh vực khác, ngoài lãnh vực đang dược bàn luận. Các vấn đề càng lúc càng được mở rộng, theo sự xô đẩy của các ý kiến, nhưng càng ngày, càng khó đi đến một kết luận chung nào. Tôi nghĩ, để thảo luận tiếp, chúng ta phải quay lại nhận diện cái toàn thể. Biết đâu, khi quay lại cái toàn thể này, chúng ta lại thấy sự "thất vọng", cái hình tượng "đầm lầy", cái cảm giác "bất hạnh", cái kết luận về tính "lâm thời…" v.v…của Nguyên Hưng là có lý.

Hai, ở đây, chúng ta sử dụng chung những khái niệm, tưởng xác định, nhưng thực ra hết sức mù mờ. Rốt cuộc, càng khó hiểu nhau. Ví dụ:

Khi nói, "giới mỹ thuật quốc tế thấy "Việt Nam trước", "mỹ thuật sau"…", thì, riêng khái niệm "giới mỹ thuật quốc tế" đã "vừa mơ hồ vừa hàm hồ" (ý của Nguyên Hưng về vấn đề công chúng mỹ thuật trong bài Phê bình mỹ thuật Việt Nam, Talawas, phần Thảo luận). Làm gì có một khối "giới mỹ thuật quốc tế" đồng nhất như vậy. Không phân biệt, chúng ta đã bỏ qua, không phân tích điểm nhìn của bộ phận "giới mỹ thuật quốc tế", có thể là rất lớn này. Liệu cái bộ phận này có thoát khỏi các định kiến được nhào nặn bởi giáo dục phổ thông và bởi các phương tiện truyền thông đại chúng của chúng ta về "người khác" hay không? V.v… Và do đó, họ có đại diện được cho "giới mỹ thuật quốc tế" hay không? Chúng ta đã quá vội vàng bỏ qua cơ hội trình bày cách nhìn của mình. Phản ứng của Nguyên Hưng về cái bộ phận "phải học lại từ đầu" này, theo tôi, là có cơ sở. Nó cũng giống như sự nghi ngờ của nhiều người Việt Nam đối với khả năng nhìn nhận của chúng ta. Chúng ta đừng vội than thở về điều này. Cần phải chứng minh về sự sáng suốt của mình. Cho rằng các curators nước ngoài đã phát hiện được nhiều gương mặt độc đáo ở Việt Nam, chúng ta cần phải chứng minh được những gương mặt này thực sự đã độc đáo như thế nào, đã có những đóng góp gì trong việc thay đổi cách nhìn, cách thể hiện của mỹ thuật Việt Nam và thế giới v.v… Đây là một thách thức. Ý kiến mới đây của chị Veronika về trường hợp Nguyễn Minh Thành không thuyết phục, vì đã không làm rõ được điều này.

Ngược lại, khi nói, "đa số họa sĩ Việt Nam cũng đang tự thể hiện mình theo kiểu Việt Nam trước, mỹ thuật sau", chúng ta cũng thiếu cái nhìn phân tích khoanh vùng đối tượng này. Về thái độ và ý thức thẩm mỹ, về phương thức tư duy v.v… Và các yếu tố chi phối, ảnh hưởng, từ các quan hệ thị trường, lịch sử, truyền thống văn hóa với các hệ lụy của nó v.v… Thiếu phân tích, chúng ta bỏ qua cơ hội phân định những cách nhìn khác nhau về vấn đề "chất Việt Nam" trong những thành phần nghệ sĩ khác nhau. Và do đó, không phân lập được cách nhìn nào thuộc phạm vi nghệ thuật, cách nhìn nào mang mục đích tiếp thị, cách nhìn nào thuộc mưu đồ chính trị v.v…để đi đến thống nhất một thước đo chung…

Tóm lại, theo tôi, chúng ta đang thiếu một cái nhìn hệ thống. Và thiếu luôn cả một cái nhìn phân tích. Những phán đoán chủ quan không chứng minh được cho hiểu biết, và cả cho thiện chí của chúng ta.
(20.11.02)


Mai Chi:

Các anh chị thân mến, bàn tròn đã chạy được một tháng, tôi xin phép thử làm một việc khó khăn và nguy hiểm là tóm tắt lại những nét chính đã được nêu lên từ trước tới nay (tất nhiên là theo cách tôi lĩnh hội, có thể không đúng hoàn toàn với ý của tác giả).

Chúng ta đã bắt đầu bằng việc xem xét cái nhìn của bên ngoài vào mỹ thuật Việt Nam, cũng như đưa ra các nhận xét tổng quát, đánh giá chung về nền mỹ thuật Việt Nam.

Chị Nora cho rằng vấn đề của mỹ thuật Việt Nam có nguyên nhân hai chiều. Một mặt, Việt Nam tiếp tục bị giới mỹ thuật quốc tế dán lên những nhãn hiệu như "mỹ thuật primitive", "lạ", và đất nước Việt Nam thường được chú ý trước, sau đấy mới đến các nghệ sĩ. Nhưng mặt khác, các nghệ sĩ Việt Nam dường như cũng cùng tham gia trò chơi này, bởi họ phần lớn tiếp tục nuôi dưỡng cái nhìn mang tính dân tộc quốc gia, chứ không tìm cách đưa những giá trị tổng quan vào trong các sáng tác của mình.

Chị Veronika cho rằng người ngoại quốc, những thương gia hay khách du lịch nhiều tiền săn lùng những đồ dễ tiêu, là người chịu trách nhiệm chính của việc tạo ra một mỹ thuật dân gian du lich tại Việt Nam. Chị cho rằng Việt Nam có một scene mỹ thuật đương đại mạnh mẽ và nhiều sức sống, nhưng chưa được phát hiện. Nhiều nghệ sĩ Việt Nam có đủ tầm cỡ tham gia những triển lãm quốc tế như Documenta, nhưng chúng có trọng tâm là các nước phương Tây, bỏ qua những khu vực khác.

Anh Kaomi một phần đồng ý rằng giới mỹ thuật quốc tế có cái nhìn thành kiến với mỹ thuật Việt Nam, nhưng theo anh, không nên đổ lỗi cho người nước ngoài. Vấn đề chính nằm ở chỗ mỹ thuật Việt Nam không có chất, không lột tả cuộc sống Việt Nam. Các nghệ sĩ nói chung kém, có một khủng hoảng về nhận thức mỹ thuật, thậm chí một khủng hoảng về nhân cách. Cộng vào đấy là một môi trường thiếu thông tin, được định hướng bởi nhà nước và một công chúng ít hiểu biết.

Theo chị Natasha, Việt Nam tuy có một số cá nhân có khả năng, tuy nhiên họ không có một môi trường thích hợp, bởi nếu họ có được triển lãm ở Documenta thì cũng không ai, kể cả đồng nghiệp lẫn cán bộ văn hoá, biết tới, hoặc đánh giá đúng mức. Chị cũng cho rằng số đông các nghệ sĩ Việt Nam tự bó hẹp mình trong những chủ đề dân tộc, và do đó không đến được với công chúng quốc tế. Tác động của thị trường có sức phá hủy lớn và chị đồng ý có một khủng hoảng về nhân cách và đạo đức.

Anh Hưng nhấn mạnh vào việc thiếu bản lĩnh của nghệ sĩ Việt Nam. Các nghệ sĩ hiện nay vẫn có tầm nhìn lạc hậu, hời hợt, không có suy nghĩ độc lập, và chỉ là những nghệ sĩ lâm thời. Quan trọng hơn, ở Việt Nam chưa có một ý thức về những vấn đề này, do đó chúng cũng không trở thành đối tượng của phê bình. Mỹ thuật Việt Nam nói chung là không có nền tảng và không phát triển được.

Những đánh giá cá nhân được nêu trên có nhiều điểm giao nhau, nhưng cũng có những điểm khác nhau cơ bản. Do vậy, tôi cho rằng việc bàn tròn có thể cùng nhau đi đến một kết luận chung (như mong muốn của anh Kaomi) là rất khó thực hiện, và có lẽ cũng không cần thiết. Tôi hy vọng khi chúng ta tiếp tục phân tích những thành phần và mảng khác nhau của mỹ thuật, ví dụ về ngôn ngữ và hình thức mới (các ý kiến của anh Như Huy, anh Văn Sáng), hay về vai trò của các cá nhân nổi bật (ý kiến chị Veronika, chị Nora), cũng như trong những vòng tới, về các thành viên khác của nền mỹ thuật (công chúng, người làm chính sách, phê bình v.v…), chúng ta có thể cung cấp những chứng minh, những ví dụ cụ thể minh họa cho các đánh giá tổng quát được nêu ban đầu. Tôi nghĩ người đọc cần có những dẫn chứng, những thông tin cụ thể này để có thể hiểu được chúng ta đã đi đến đánh giá của mình như thế nào.

Theo tôi hiểu nhận xét của chị Veronika về vai trò của Nguyễn Minh Thành thì ở Việt Nam hiện nay, sáng tạo mỹ thuật chỉ là một trong những yếu tố để một nghệ sĩ có thể trở thành đầu đàn, có ảnh hưởng lớn tới các nghệ sĩ khác. Các yếu tố khác là thái độ chính trị, là việc người nghệ sĩ đó thể hiện trong mình những giá trị của xã hội (học vấn cũng như sự thành công về vật chất). Việc nghệ sĩ phải thể hiện trong mình những giá trị của mainstream để được chấp nhận, theo tôi, là một điều hết sức khác với phương Tây, nơi mà các nghệ sĩ lớn đặt dấu ấn của mình chủ yếu qua sự nghiệp sáng tác (chứ không phải qua thành công về vật chất hay học vấn). Có phải sự khác biệt này là một đặc trưng của Việt Nam trong quá trình các nghệ sĩ đang thoát khỏi một sự phụ thuộc về tinh thần cũng như vật chất vào một ý thức hệ, thoát khỏi sự nghèo túng và sự bó buộc của các đoàn thể? Nói cường điệu lên thì những ngôi sao mới của mỹ thuật Việt Nam không những phải đặc sắc trong sáng tạo, mà còn phải thành công trong việc tự marketing mình, độc lập với các tổ chức nhà nước, có giao lưu quốc tế cũng như có một cuộc sống vật chất sung túc? Các anh chị khác trên bàn tròn nghĩ sao? Tôi hy vọng qua một số cá nhân chúng ta có thể làm thấy rõ hơn tư duy của các nghệ sĩ, cũng như những quan hệ hiện nay của họ với các yếu tố xung quanh khác.

Một số ý kiến đã nhắc đến phê bình. Anh Nguyễn Đại Giang cho rằng nghệ sĩ cần phê bình như võ sĩ cần huấn luyện viên. Vai trò và ảnh hưởng của phê bình mỹ thuật ở Việt Nam là gì? Họ chỉ là những công cụ của bộ máy văn hoá nhà nước, hay họ có khả năng kéo các nghệ sĩ ra khỏi sự "khủng hoảng" của mình? Chị Nora có nhắc tới Nguyễn Quân, Dương Tường, Thái Bá Vân và Phan Cẩm Thượng. Sự đóng góp của những nhà phê bình này là gì? Phê bình hiện nay đang gặp phải những vấn đề lớn nào, và những biện pháp giải quyết ra sao? (Một số bạn đọc phản ánh rằng mặc dù việc phân tích các vấn đề và nhược điểm là hết sức quan trọng, nhưng họ cũng mong muốn được nghe những đề nghị, những biện pháp giải quyết. Xin các anh chị lưu ý tới mong muốn này của bạn đọc).
(21.11.02)


Birgit Hussfeld:

Tôi hoàn toàn đồng ý với anh Huy rằng nhiều người trong số chúng ta đã bị emotion chi phối, và cám ơn anh đã nhắc nhở rằng chúng ta phải cẩn trọng hơn, phải nêu lên tên vấn đề cụ thể, chứ không nên dùng những từ như "tranh vẽ trâu" để nói đến những vấn đề phức tạp. Nhưng cũng xin thứ lỗi bởi bây giờ bản thân tôi cũng hơi có emotion một chút.

Tôi nhận thấy có rất nhiều sự mỉa mai từ một số thành viên bàn tròn mỗi khi nói đến người nước ngoài (dù là người mua tranh, "chuyên gia" hay gì nữa). Tôi đặc biệt bị xúc phạm bởi ý kiến của anh Hưng nói rằng những người như chị Veronika, người đã làm việc nhiều năm tại Việt Nam với các nghệ sĩ và sinh viên ở đây, đã "khai sáng" cho trường Mỹ thuật Hà Nội. Sao anh không đơn thuần coi chị và những người làm những công tác tương tự là một nguồn giúp đỡ nhỉ. Chị có thể giúp đỡ bằng những kinh nghiệm làm việc với giới mỹ thuật quốc tế của chị, qua kiến thức về những dạng mỹ thuật còn ít được biết đến ở Việt Nam, và cả qua sự quen biết của chị. Chúng ta ai cũng biết, chẳng phải các nghệ sĩ được phát hiện ra một cách đơn giản. Để có được sự chú ý anh phải xây dựng một mạng lưới rộng bao gồm curator, phê bình, người đã thành công, phòng tranh, bảo tàng v.v… Đây là một phần việc mà người nghệ sĩ phải làm, nếu không thì dù có những sáng tác độc đáo nhất cũng sẽ chả ai biết đến anh, cũng như triển lãm của anh. Các nghệ sĩ phải giữ những mối liên hệ này, song song với việc sáng tạo, không ai có thể làm thay họ cả. Những người như chị Veronika không thể quyết định sự nghiệp của một nghệ sĩ, tuy nhiên, những người như chị có thể làm một cầu nối quan trọng, một nguồn cung cấp thông tin. Cũng như những người Việt Kiều có một quan tâm thực sự tới mỹ thuật Việt Nam vậy. Tôi có cảm giác rằng người ta như có một nỗi lo ngại bị thực dân hoá khi những người nói trên lên tiếng. Cũng dễ hiểu. Nhưng những curator không đơn thuần đi vòng quanh thế giới để phát hiện ra những "nghệ sĩ đặc sắc". Vì vậy, những người đã nói trên, những người tồn tại cả ở hai nơi, có gốc rễ và tiếng nói cả ở hai nơi, với sự hiểu biết sâu sắc về Việt Nam cũng như về giới mỹ thuật quốc tế, sẽ là những mắt xích quan trọng. Không hơn không kém. Họ là một cấu phần của quá trình mở cửa, của những đối thoại đang hình thành.
(22.11.02)

© Talawas 2002