trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
41 - 60 / 3021 bài
41 - 60 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
19.9.2006
Đặng Tiến
Hiệp định Genève
 
Trong bài «Ai phá hoại Hiệp định Genève» , talawas ngày 7-9-2006, ông Đinh Từ Thức đã dựa theo văn kiện của Richard Nixon mà ông trích dẫn cẩn thận ở ghi chú số 3:

«Văn bản của tuyên cáo Genève về bầu cử không có giá trị pháp lý buộc Hoa Kỳ hay Nam Việt Nam phải thi hành. Chín nước gặp nhau tại hội nghị đã sản xuất ra sáu tuyên bố đơn phương, ba thỏa thuận ngừng bắn song phương, và một tuyên bố không có chữ ký. Chỉ riêng các thỏa hiệp ngừng bắn có hiệu lực thi hành đối với các bên ký tên; dự trù liên hệ tới thống nhất bằng bầu cử xuất hiện trong tuyên bố riêng sau cùng. Chỉ bốn trong chín nước có mặt can dự vào nội dung tuyên bố. Hoa Kỳ đã không tham dự. Nam Việt Nam không hiện diện ngay cả ở Genève, giữ lại quyền tự do hành động của mình bằng cách chính thức lên tiếng phủ nhận bản tuyên bố. Bắc Việt cũng không liên hệ tới bản tuyên bố. Rất giản dị, vì nó không có giá trị pháp lý.»

(No More Vietnams, Richard Nixon, Avon Books 1985, bìa giấy, trang 41)
 
Sao 9 nước gặp nhau tại hội nghị mà chỉ có 4 nước can dự?

Sao lại nói Hoa Kỳ không tham dự, Nam Việt Nam không hiện diện, Bắc Việt không liên hệ?

Đúng là Hiệp định gồm có ba thỏa ước quân sự: giữa Việt Nam (Dân chủ Cộng hòa), Lào, Campuchia, với Pháp; sáu tuyên bố đơn phương (2 của Lào, 2 của Campuchia, 2 của Pháp). Một chung cáo (déclaration finale) không chữ ký. Ngoài ra còn mười ba tuyên bố, của 9 nước tham dự, trong đó những đại biểu: Việt Nam (Quốc gia), Pháp, Campuchia, Mỹ, đã lên tiếng hai lần.
 
Bản chung cáo không có chữ ký mực đen trên giấy trắng là một thủ thuật ngoại giao thời đó, tránh cho Mỹ khỏi ký chung với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mà họ không thừa nhận. Nhưng vẫn là sự đồng thuận và cam kết giữa 9 thành phần tham dự.
 
Bản chung cáo này đã tiên liệu tổng tuyển cử vào tháng 7-1956. Tướng Bedell Smith đại biểu Hoa Kỳ, qua tuyên bố đơn phương, đã ghi nhận và nhắc lại lập trường Anh-Mỹ ngày 29/6/1954: «trong hoàn cảnh các quốc gia bị chia cách, chúng tôi luôn tìm cách thực hiện thống nhất bằng tuyển cử tự do».
 
Ngoài ra, việc ông Lê Duẩn ở lại miền Nam, hoặc bất cứ thành phần quốc gia nào ở lại miền Bắc, đều không vi phạm Hiệp định. Thỏa ước quy định các lực lượng vũ trang, cơ quan hành chánh phải được tập trung và di chuyển vào Nam hay ra Bắc trong một thời hạn nhất định. Nhưng không có điều khoản nào bắt buộc cá nhân, vì chính kiến, phải di cư vào Nam hay tập kết ra Bắc. Hơn thế nữa, điều 14C, trong hiệp ước ngưng bắn, yêu cầu hai chính quyền Nam-Bắc không được trả thù, kỳ thị những cá nhân hay đoàn thể trước đây là đối thủ và bảo đảm cho họ mọi quyền tự do dân chủ.
 
Như vậy Hiệp định là một văn kiện quá ư tốt đẹp để có thể thi hành trong thực tế. Nó là sản phẩm của những chính khách lỗi lạc và lão luyện nhất thế giới thời đó; họ phải hòa giải những đòi hỏi quá ư đối lập giữa các quốc gia tham dự nên phải tìm ra một thỏa hiệp, một khung chính trị lý tưởng mà lịch sử sẽ biến thành ảo tưởng nếu không phải là hoang tưởng.
 
Hiệp định Genève mà thực hiện được thì không những Việt Nam đã tránh đuợc cuộc chiến hai mươi năm mà còn có cơ may hưởng một chế độ chính trị bình thường, nghĩa là tự do, dân chủ, trong sạch; và một nền kinh tế bình thường, nghĩa là không cần phải mở cửa, đổi mới gì ráo.
 
Hiệp định đã không được thực hiện, không phải do một mình Hoa Kỳ. Hai chính quyền Nam-Bắc Việt Nam, lẫn chính quyền Pháp đều có trách nhiệm trực tiếp, Liên Xô và Trung Quốc trách nhiệm gián tiếp.
 
Bây giờ còn lại câu chuyện giữa người Việt với nhau. Như cụ Nguyễn Du đã dạy “cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”, chúng ta nên tự trách mình, mỗi người một ít, mỗi bên một ít. Có lẽ dân tộc ta không đủ, hay chưa đủ nội lực để khống chế uy thế ngoại lai, cho nên các chính quyền Nam-Bắc đã không đủ bản lĩnh hay mưu lược để thống nhất đất nước trong êm thắm. Thống nhất lãnh thổ là khát vọng của dân tộc, không phân biệt Bắc Nam hay chính kiến, nhưng nó đi ngược lại quyền lợi của các thế lực quốc tế đã và đang chế ngự thế giới. Bi kịch Việt Nam là ở chỗ đó và thất bại của Hiệp định Genève là ở đó.
 
Nói rằng Hiệp định “không có giá trị pháp lý” thì cũng đúng thôi.
 
Nhưng Việt Nam là vấn đề quyền lợi và quyền lực, không phải là chuyện luân lý hay pháp lý.
 
Không có hiệp định nào có giá trị pháp lý: chỉ có kẻ mạnh, và người chiến thắng là có lý, và pháp lý. Lại độc quyền thêm chân lý.
 
Orleans, 17/9/2006