trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtBàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"
5.12.2002
Như Huy, Bùi Suối Hoa, Bùi Hoài Mai
Bàn tròn Talawas "Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?"
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33 
 
Bùi Suối Hoa (họa sĩ, độc giả):

Nói tới hội họa, trước tiên phải nói tới ngôn ngữ của riêng nó, đó là mỹ thuật tạo hình. Cái đẹp được tạo dựng qua hình, màu sắc và ánh sang. Bạn có thể đặt vào trong tác phẩm của bạn tư tưởng, triết học, xã hội học hay gì đi nữa, hơn tất cả vẫn phải là ngôn ngữ tạo hình. Theo tôi nghĩ, một bức tranh lớn, mang đề tài xã hội, vẽ rất nhiều người, với rất nhiều ý tưởng trong đó, cũng chẳng giá trị gì hơn một bức tranh với vài nét phất phẩy của mực tầu, vẽ đơn giản chỉ một người, một bông hoa, cành lá hay con tôm, con cua.

Tôi coi trọng cảm xúc trong tranh, coi trọng sự sống động của một linh hồn trong từng nét bút. Với kỹ thuật ngày nay, những gì cần chính xác, cần biến ảo thì máy ảnh và điện ảnh đã làm cả rồi. Bạn có thể trở thành nhà văn, nhà thơ, khoa học, triết học, hay chính trị gia, hay thành nhà phê bình mỹ thuật, tùy bạn. Nhưng thành họa sĩ lại khác. Hội họa chỉ qua ngôn ngữ riêng, hình và mầu sắc, diễn tả tình người, hồn người.

Tôi cũng muốn nói chút ít về tính dân tộc. Tôi sinh ra và lớn lên, tôi sống và tồn tại với mảnh đất nào thì đó là dân tộc tôi, đất nước tôi, dù hạnh phúc hay khổ đau. Tôi yêu thích vẽ và nghiên cứu về con người, con người trong thiên nhiên và con người trong đời sống xã hội. Có lẽ suốt đời tôi, tôi chỉ vẽ về Việt Nam, tại sao lại không? Tôi vẽ con người, thông qua người Việt Nam và thông qua mảnh áo dài hay áo tứ thân từ thủa xa xưa. Những hình ảnh ấy gắn bó mật thiết với tôi, thân thương và gần gũi. Con người khắp thế giới này cũng như vậy cả thôi, thể xác và linh hồn, với đầy đủ niềm vui và nỗi buồn, với mọi Tham Sân Si. Quê hương là cội rễ, cho tôi nguồn cảm hứng lớn mạnh nhất để tôi vẽ.

Tôi muốn nắm bắt cái đẹp trong khoảnh khắc, tạo dựng nó trong tôi, qua cái nhìn của tôi mà tồn tại thành của riêng tôi. Địa lý là do con người tự đặt ra, mọi luật lệ cũng vậy. Nghệ thuật không có luật lệ, không có địa lý. Trong xã hội, chẳng ai giống ai cả, về hình thức cũng như nội tâm. Đi tìm một con đường riêng của mình, một suy nghĩ của riêng mình, tạo ra một bút pháp riêng biệt, cũng đã là một đổi mới trong hội họa. Điều mà tôi quan tâm là đi tìm chính mình, với tất cả sự chân thực. Tri thức và cảm nhận riêng của bạn trong đời sống sẽ tạo ra giá trị của bạn, tên tuổi của bạn, hơn hay kém người.
(03.12.02)


Như Huy :

Thưa chị Veronika, theo tôi, đoạn văn của chị : "Cái chính trong chuyện này là một số nghệ sĩ đã nảy ra một ý tuởng độc đáo và tuyệt vời. Họ được cười, được vui…". Đoạn văn ấy nên viết thế này thì hay hơn : "Các nghệ sỹ (của chị) đã nẩy ra một ý tưởng (mà chị thấy là) độc đáo và (chị thấy là) tuyệt vời và (chị) được cười, được vui… ". Vâng, có vẻ như qua rất nhiều ngõ ngách, chúng ta đang đi gần đến một điểm để có thể tranh luận, đó là quan niệm về chức năng của nghệ thuật.

Vâng, qua những điều chị trình bầy, tôi đã hiểu phần nào cái quan điểm nghệ thuật mà chị có cũng như muốn dậy cho các học trò của chị phải có về chức năng nghệ thuật (trong một bài viết trên diễn đàn này, chị tự nhận mình là một nghệ sỹ với cái đầu nhập nhằng, tuy thế, tôi hy vọng là quan điểm nghệ thuật của chị không nhập nhằng như cái quan điểm nghệ sỹ của chị).

Theo tôi hiểu, nghệ thuật được lớp chị quan niệm như là một nơi mà người ta được cười, được vui, được chơi hồn nhiên và các nghệ sỹ là một nhóm người vô tư lự "mơ theo video và vơ vẩn cùng perfomence rồi cuối cùng để tâm hồn treo ngược ở cành installation", vâng, tùy chị và các học trò của chị thôi, giờ tôi đã hiểu và không thắc mắc nữa. Cảm ơn chị - nhưng này, chị nghĩ sao về nghệ thuật xiếc nhỉ - chức năng của nghệ thuật đó cũng khá giống với những quan điểm về nghệ thuật của lớp chị đấy.

Chị còn viết "Nói một cách giản dị: đó là nghệ thuật trẻ! Mà rút cuộc thì "toan" lại rẻ, để dành được nhiều tiền hơn cho bia hơi…". Không rẻ đâu chị ạ, không biết bò ở Đức thì thế nào chứ bò ở VN cũng khoảng vài triệu một con và thường thì nếu không bị quét sơn đỏ lên rồi đem thả ở Documenta thì con bò ấy còn nuôi sống được ít nhất là một gia đình nông dân VN, cái người đang lao động trong "môi trường lao động của người nông dân"- như ngôn ngữ của chị viết đấy.
(04.12.02)


Bùi Hoài Mai (họa sĩ, độc giả):

Tôi là một độc giả đã theo dõi các cuộc tranh luận trên bàn tròn của Talawas. Hôm nay, tôi quyết định góp lời vào cuộc trò truyện bởi sự thích thú được mang lại từ những ý kiến của Laurent Colin. Ðó là một ý kiến khá chính xác về thực trạng của mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Chỉ tiếc rằng trong khuôn khổ bàn tròn không cho phép đủ dài để được mở rộng những vấn đề mà Laurent Colin đã đặt ra. Một điều thú vị nữa mang lại qua ý kiến này là tính khách quan hơn những ý kiến của các nhà phê bình, sử gia và nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam "chuyên nghiệp" trong bàn tròn này (như lời Laurent Colin tự giới thiệu "vài lời phát biểu mang tính "nghiệp dư" vì tôi không phải là nhà phê bình mỹ thuật, cũng không phải chuyên gia về mỹ thuật hay hoạ sỹ"). Bởi vì các phê bình gia "mỹ thuật đương đại" chịu một sức ép tâm lý khá lớn - tâm lý này được tạo ra từ bài học kinh nghiệm trong cuộc cách mạng thành công của chủ nghĩa hiện đại được bắt đầu trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất với những nghệ sỹ như những vị thánh tử vì đạo chống lại sự dè bỉu của giới truyền thông và công chúng. Ngày nay, tình thế hình như bị đảo ngược, các nhà phê bình cùng với khán giả vội vàng chấp nhận và cổ vũ cho những gì mới lạ, đó là phải "đương đại" bằng mọi giá, truyền thống của cái "mới" đã trở nên phổ thông (hay còn được gọi là quần chúng hoá) đến độ mọi truyền thống khác trở nên vớ vẩn. Chính những điều này đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạ sỹ Viêt Nam trong công cuộc "nháo nhào" đi tìm tính hiện đại trong sự lo lắng khi được các nhà phê bình nhắc nhở rằng không nhanh lên thì sẽ bị "nghệ thuật đương đại quốc tế" bỏ rơi. Tôi đồng ý với ý kiến cảnh báo về cái chủ nghĩa thực dân mới "đang cản trở các hoạ sỹ khám phá tận gốc nền văn hoá Việt Nam" và tôi cũng đã hơn một lần nói vấn đề này với các bạn bè hoạ sỹ nhưng có rất ít người để ý tới điều này, đối với họ, chủ nghĩa thực dân đồng nghĩa với việc một ông Tây nào đó chĩa súng vào và bắt anh ta làm việc mà không trả công. Còn về vấn đề cuốn "Ðông phương học" của Edward Said măc dù có sự không tương đồng giữa Châu Á và Trung Ðông nhưng nó đã mang đến một việc rất tốt là thay đổi (hoặc đặt lại vấn đề) một cách nhìn đã trở thành một lối mòn trong cách nhìn nhận, nghiên cứu... về văn hoá của một dân tộc này với dân tộc khác, của một nền văn hoá này đối với nền văn hoá khác. Trong vấn đề này, theo tôi có thể tham khảo thêm cuốn "Không gian xã hội vùng Ðông Nam Á" của Georges Condominas .
(05.12.02)

© Talawas 2002