trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
20.9.2006
Phong Uyên
Vài suy ngẫm sau khi đọc Phan Xuân Lâm, Huỳnh Phan và Tiêu Dao Bảo Cự
 
Đi hè về, tôi mới có dịp đọc Trần Trung Đạo và những bài phản ứng sau đó. Mặc dầu những bài của Trần Trung Đạo đều mang nhiều tính cách hoài niệm, gây xúc cảm cho những người ở độ tuổi đã sống ít nhất là trong thời đầu chế độ miền Nam cũ hơn là đả đảo chế độ miền Bắc nhưng một số người vẫn cho là có tính chất chống cộng khi đề cao hay nhắc lại những khía cạnh không xấu của chế độ miền Nam cũ. Phan Xuân Lâm cố gắng giữ vẻ khách quan nhưng vẫn coi Trần Trung Đạo như đại diện một số dư luận chống cộng hải ngoại đủ khả năng chi phối công luận hải ngoại ngang hàng với cả một hệ thống tuyên truyền của Đảng trong nước và có những phán xét quá nghiêm khắc với Trần Trung Đạo. Rút cục cũng vẫn không thoát khỏi cái ý nghĩ so sánh những cái không thể so sánh được: Truyền thông hải ngoại không nằm trong một hệ thống nào cả (chính Phan Xuân Lâm cũng công nhận là của nhiều tác giả) và chỉ là phản ảnh một cách không thuần nhất "mỗi người mỗi ý" công luận hải ngoại. Còn truyền thông trong nước không phải chỉ là "một phía" mà là cả nước, là cả một hệ thống tuyên truyền của Ban Tư tưởng Văn hoá độc quyền chi phối công luận.

Huỳnh Phan có lẽ là người vì "may mắn là hoàn cảnh cá nhân đã không đẩy tôi trực tiếp tham gia bên này hay bên kia..." nên có ý muốn ra khỏi cái vòng so sánh luẩn quẩn cộng sản/quốc gia, miền Nam/miền Bắc để có thể đưa ra những nhận xét là trong "thực tế cuộc sống" của lớp tuổi trẻ thời bấy giờ là bị động tham gia vào cuộc chiến và chính nghĩa bên này hay bên kia chỉ là những biểu hiệu quá xa vời. Điều đáng khen là tác giả đã diễn tả đúng tình trạng thụ động của thanh niên thời bấy giờ khác với thế hệ thanh niên thời kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên trong thế bị động, miền Nam với miền Bắc cũng hơi có chút khác nhau: Thanh niên miền Bắc đúng là bị động tham gia cuộc chiến, chính nghĩa mà Đảng là hiện thân được biến thành tín nghĩa "chống Mỹ cứu nước", và dưới sức ép của Đảng và của bộ máy tuyên truyền, bị bắt buộc phải tin và phải tham gia cuộc chiến. Thanh niên miền Nam bị ẩy vào cuộc chiến chống cộng nhưng khác thanh niên miền Bắc ở chỗ là không một thể chế, một thế lực nào bắt buộc được họ phải tin vào cái chính nghĩa quốc gia, nên vẫn có một số tự động chống Mỹ như trường hợp Tiêu Dao Bảo Cự. Cái tự do tin hay không tin là điều khác biệt giữa hai chế độ Bắc Nam thời đó và cũng là điều mà chắc Huỳnh Phan cũng đồng ý là chưa có ở Việt Nam. Đó là điều kiện cần và đủ để những điều mong mỏi của Huỳnh Phan về bạn trẻ (hay bạn già) có thể thực hiện được.

Tiêu Dao Bảo Cự là người tôi mến phục vì đã dấn thân và sống một cách chân thật với lí tưởng của mình để phải vào tù ra khám dưới cả hai chế độ. Bài anh viết, dựa vào chính những sự kiện đã xảy ra trong cuộc đời anh, đã giúp những người như tôi tìm hiểu lí do nào đã thúc đẩy một số thanh niên miền Nam trong lớp sinh viên trí thức thành thị lên đường chống Mỹ. Theo anh, chính sự hiện diện của quân đội Mỹ là lí do chánh. Tuy vậy có những điều tôi hoàn toàn đồng ý với anh, có những điều tôi thông cảm và có một vài điều bắt tôi phải suy ngẫm và đi tới cái kết luận là không hẳn như vậy.

Không thể không đồng ý với anh trong sự xếp loại những thành phần chống chính quyền miền Nam thời ấy và động cơ chính khiến thanh niên xuống đường vào bưng là sự hiện diện của ngoại bang chứ không phải vì chính quyền miền Nam độc tài thối nát hay vì Việt cộng thành công trong việc xúi bẩy, ít nhất là cho tới Mậu Thân.

Những người như tôi, đi học và sống quá lâu xa đất nước từ hồi trẻ, quen hiểu theo tâm tính người phương Tây mà ngay trong tình cảm cũng có một phần tính chất duy lí, có thể không thấu hiểu tình yêu nước của dân Việt: Với người Việt tình yêu nước và hình ảnh đất nước gắn liền với nhau. Hình ảnh nhiều khi chỉ là một con sông, một miếng đất nhưng cũng đủ gợi lên tất cả những cái gì thiêng liêng nhất. Sự hiện diện của lính ngoại bang bất chấp vì lí do gì cũng là xâm phạm tới phần thiêng liêng đó. Bởi vậy một lũ lính ngoại bang tắm trần truồng, không những xúc phạm tới tính e lệ (pudeur) của người Việt mà còn làm "ô uế" cả một dòng sông, làm ô uế đất nước. Tuy đó có thể là một cử chỉ rất hồn nhiên đối với người phương Tây nhưng đối với người Việt, nhất là người dân xứ Huế, đó là một hành động có tính cách khinh bỉ và chạm tới tự ái người Việt. Thêm vào đó, trong khi bị giam giữ trong nhà tù có thể do Mỹ xây, thanh niên Tiêu Dao Bảo Cự lại ngây ngất trước hình ảnh một người con gái đã có thể đang "bán mình" cho Mỹ. Cái thiêng liêng nhất là đất nước mình bị xâm phạm, cái trong trắng nhất trong tim mình có thể bị hoen ố, nếu tự đặt mình vào một người trai Việt thời ấy, không thể không thông cảm với Tiêu Dao Bảo Cự trong hành động chống Mỹ của anh.

Nhưng hành động chống Mỹ đó đối với một người mác-xít chính thống của Đảng, chỉ là một biểu lộ của "tư sản tính" và tất nhiên người thanh niên Tiêu Dao Bảo Cự sẽ bị qui là có óc dân tộc, có óc tư sản, trước sau gì cũng bị loại trừ như đã xẩy ra.

Có những điều Tiêu Dao Bảo Cự nêu ra, sau khi suy gẫm tôi thấy không hẳn như vậy:

Về sự liên quan giữa chính quyền và chế độ: Ở miền Bắc chính quyền và chế độ chỉ là một. Chỉ trích chính quyền là chống chế độ, chỉ trích chế độ là chống chính quyền và đều bị kết tội là phản động, chống Đảng hay theo chủ nghĩa xét lại ngay cả đối với những nhân vật cao cấp trong Đảng. Vì vậy chỉ có thanh trừng chứ không có đảo chính (theo đúng nghĩa của nó). Còn người dân thường hay đảng viên thường nếu có ý định chỉ trích bất cứ một nhân vật nào trong chính quyền khi chưa được cho phép, dù đúng hay sai, chắc chắn là sẽ bị ít nhất là phê bình kiểm thảo, nặng hơn là học tập cải tạo và ngay chính bản thân người đó cũng sẽ bị giày vò vì mặc cảm tội lỗi đã dám nghi ngờ Đảng. Miền Nam dù sao cũng có cái tách biệt dù chỉ là lí thuyết giữa chính quyền và chế độ, khiến có thể đả phá chính quyền mà không bị kết tội đụng chạm tới chế độ. Tuy chính quyền ở miền Nam luôn luôn nằm trong tay những người độc tài, thiển cận, thối nát, từ ông Diệm tới ông Thiệu, nhưng những người chống đối, dù có bị hành hạ, bị ở tù, vẫn có thể tự coi đó là một vinh dự và được sự hỗ trợ của một số công luận chứ không đơn độc như ở miền Bắc. Vì vậy có những người, căn cứ vào tính độc lập giữa hai thể chế chính quyềnchế độ, vẫn nuôi hi vọng thay đổi được chính quyền, bằng cách đấu tranh ôn hoà trong nghị trường hay bằng bạo lực như đảo chính. Những người đó có thể là như ông Trần Trung Đạo đã nghĩ. Tiêu Dao Bảo Cự hơi sơ lược khi coi người "gọi là quốc gia" ở Việt Nam Cộng hoà chỉ có 2 loại: loại "theo thực dân đế quốc" và loại "vì miếng cơm manh áo".

Về sự tìm hiểu những khái niệm cộng sản: "cộng sản chân chính", "lí tưởng cộng sản", "chủ nghĩa cộng sản" và "chế độ cộng sản". Theo tôi, không ai có thể định nghĩa và phán đoán được thế nào là người "cộng sản chân chính" vì không biết phải theo tiêu chuẩn nào và "lí tưởng cộng sản" khác với "cộng sản lí tưởng" chỗ nào. Hồi nhỏ đi học tôi còn nhớ mang máng trong sách có vị nào nói "lí tưởng" như một vị sao trên trời. "Lí tưởng cộng sản", chắc cũng như mọi lí tưởng khác, chỉ là những ngôi sao. Còn "chủ nghĩa cộng sản" thì sao? Lịch sử cho thấy không có chủ nghĩa cộng sản mà chỉ có chủ nghĩa lêninít, chủ nghĩa stalinít, chủ nghĩa maoít... Và "chế độ cộng sản"? Cho tới nay, theo đúng kinh điển của Đảng, vẫn chỉ là một với "chính quyền cộng sản".

Cái suy ngẫm cuối cùng sau khi đọc Huỳnh Phan và Tiêu Dao Bảo Cự là cái ý nghĩ có thể hơi kì quái: biết đâu một ngày kia, vì tham nhũng gây mâu thuẫn trong xã hội đến quá độ, bắt buộc hai thể chế chính quyền và chế độ trong Đảng phải tách biệt nhau để tránh sụp đổ. Lúc đó sẽ có diễn biến gì? Sẽ có một hình thức đảo chính, một cuộc cách mạng "cam" như các chế độ Nam Hàn, Đài Loan thời Bắc Chánh Hi, Tưởng Kinh Quốc, Ukraine... và cũng có thể như Cộng hoà miền Nam ngày trước? Hiện tình kinh tế, chính trị xã hội ở Việt Nam hiện thời không khác gì miền Nam hồi đó. Nhưng đối với những người lạc quan, diễn biến gì cũng hơn giậm chân tại chỗ và cũng là những bước tập đi tới Dân Chủ.

© 2006 talawas