trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtBàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"
14.12.2002
Nguyên Hưng, Nora Taylor
Bàn tròn Talawas "Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?"
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33 
 
Nguyên Hưng:

Đáng lẽ ra đã không có bài này. Tôi đã viết và gửi bài cuối cùng của mình đến Mai Chi cách đây vài hôm. Nhưng vài diễn biến mới trên bàn tròn đã buộc tôi phải tiếp tục viết. Trong bài viết này, tôi sử dụng nhiều ý, nhiều câu trong bài cuối cùng Kaomi dự tính gửi đến bàn tròn mà tôi đang biên tập giúp anh phần tiếng Việt. Anh Kaomi gửi thư cho tôi ngày hôm qua, cho biết, anh quyết định rút lui không tuyên bố, và nhờ tôi xin lỗi mọi người về chuyện này. Với tôi, đây là một quyết định đáng tiếc nhưng không phải là không thể thông cảm được.

Chị Natalia, tôi rất ngạc nhiên trước ý kiến vừa rồi (09.12) của chị. Từ ý kiến của Kaomi ngày 23.11 (xin đọc lại), chị xuyên tạc thành "Hãy ngừng mang ánh sáng ngoại bang tới Việt Nam!", chụp cho anh ấy cái mũ "đi đầu tất cả" trong cái chị tưởng tượng ra là "không được đụng đến những cội rễ Việt nam!", "Bài trừ chủ nghĩa thực dân mới!" để rồi sau đó, phô diễn kiến thức phổ thông về vấn đề "toàn cầu hóa" v.v…, đã buộc tôi phải suy nghĩ rằng, tranh luận với chị là một cố gắng vô vọng. Không đối diện với các luận điểm của người khác, không phân tích hệ thống, mà chỉ tưởng tượng "người khác" như một lực lượng có những ý đồ riêng, để rồi "tấn công" hay "phản công" v.v… theo kiểu nói trên, chị đã phạm phải những nguyên tắc sơ đẳng (có lẽ ai cũng biết) trong văn hoá tranh luận. Tôi biết nói gì với chị nữa nhỉ!

Chị Veronika thân mến, tại sao chị không bao giờ dùng lý lẽ?! Không có phân tích, diễn giải…, không có tranh luận thực sự. Khăng khăng với các "cảm nhận" riêng, mọi lời qua tiếng lại chỉ trở thành một cuộc cãi vã vô lối. Chị đã từ chối lý lẽ, không dùng lý lẽ, thì, trước cái "câu trả lời của tôi là: KHÔNG" của chị (ý thứ 2 trong phát biểu ngày 01.12.02), tôi biết nói thế nào nhỉ! Chẳng lẽ chị không biết, thẩm quyền và trách nhiệm của phê bình là dựa trên lý lẽ. (Và đây là cái thẩm quyền và trách nhiệm mà không ai có thể ban cho hay cầm buộc được). Tôi thực sự không hiểu câu: "Mà nói cho cùng thì ai là người đủ thẩm quyền để đảm nhiệm vai trò của nhà phê bình, và Việt Nam sẽ có, hoặc được phép có bao nhiêu nhà phê bình mỹ thuật khác nhau?" của chị. Phải chăng chị đang muốn nói ở Việt Nam chẳng có ai, hay chẳng mấy ai có đủ lý lẽ, nói cách khác, là có đủ học vấn để đảm đang công việc phê bình?

Tôi đồng ý với các nhận định của Laurent về thực trạng nền mỹ thuật Việt Nam hiện tại. Tuy nhiên, lý giải của anh ở phần sau cùng, về sự "gò bó", "ức chế", "cản trở" của "cái chủ nghĩa thực dân mới" nào đó, theo tôi là chưa thật thỏa đáng. Nó mang tính một chiều, mà ở Việt Nam, nếu mọi người đồng tình, có thể dẫn đến nguy cơ kích động cho tâm lý "dị ứng với cái mới", và như vậy, chỉ có ý nghĩa cổ vũ cho hành động "xây thành, đắp lũy" nguy hại về mặt văn hóa, trong một chừng mực là đang diễn ra (Ý kiến chen ngang vào Bàn tròn của Bùi Hoài Mai mới đây là một ví dụ. Càng rõ hơn nữa nếu đọc bài "Thị trường hội hoạ Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những định kiến của phương Tây về phương Ðông" cũng của tác giả này trên phần Thảo luận Mỹ thuật-Talawas.) Tôi sẽ bàn sâu hơn về các ý kiến này trong một dịp khác. Ở đây, tôi chỉ muốn lưu ý, chống "thực dân hóa" theo kiểu quay lưng lại hòan tòan với thế giới phương Tây, phủ định sạch trơn những xu hướng mới mẻ của nghệ thuật nhân lọai-không tách bạch các vấn đề chính trị với các vấn đề mỹ học-quay lại cố thủ với cái gọi là "dân tộc", là "truyền thống", thì thực ra, chẳng khác nào tiếp tay cho "thực dân". Nói thẳng là phản động. Cần phải nhớ rằng, những thành tựu có được của lớp họa sĩ Việt Nam đầu tiên, không đơn giản chỉ nhờ vào sự ra đời của trường Cao đẳng mỹ thuật Đông dương năm 1925 với nỗ lực của vài cá nhân. Sẽ hết sức sai lầm nếu không đặt nó trên cái nền vận động "canh tân", "khai sáng" rất lâu trước đó, được thực hiện bởi nhiều thế hệ sĩ phu, trí thức Việt Nam.
Trên bàn tròn này, tôi đã nhiều lần nhắc đến "cái bản lĩnh tự do nơi con người sáng tạo". Theo tôi, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến mỹ thuật Việt Nam không "cất cánh" lên nổi là bởi "với người không bản lĩnh, một lời khen, một tiếng chê vu vơ, cũng đủ làm cho điên đảo". Đó cũng là lý do tại sao tôi đặt nặng vai trò của phê bình. Ở Việt Nam, cho đến nay, những hệ lụy của lịch sử (trong đó phải kể đến những hệ lụy của thời gian dài "đóng cửa" trước thế giới phương Tây) vẫn chưa được ý thức, biện biệt, những mặc cảm thuộc địa, hậu thuộc địa và cả hậu cộng sản vẫn chưa được hóa giải, vẫn còn là gánh nặng che chắn tầm nhìn, làm méo mó cách nhìn của mỗi con người Việt Nam. Và dĩ nhiên, kéo theo, là rất nhiều hệ lụy khác trong thực tiễn. (Không phải cái chủ nghĩa thực dân mới "đang cản trở các hoạ sỹ khám phá tận gốc nền văn hoá Việt Nam", như chị Laurent nói và anh Bùi Hoài Mai phụ họa, mà thực tế, là bởi chính các lọai mặc cảm này đây).

Tôi không ngạc nhiên là tại sao nhiều nghệ sĩ Việt Nam hiện tại "tôn thờ" bộ ba Installation-performance-video, trong khi chưa thực sự hiểu chúng và tại sao lại như vậy. Theo tôi, ngay cả các nghệ sĩ đang ứng dụng các hình thức nghệ thuật Hiện đại chủ nghĩa như Siêu thực, Biểu hiện, Lập thể, Trừu tượng…, phần lớn, cũng không thực sự ý thức hết là mình đang làm gì. Tâm thức, cảm quan nghệ thuật ở các nghệ sĩ Việt Nam, căn bản, vẫn dừng lại ở ngưỡng Tiền Hiện đại chủ nghĩa với những Hiện thực, Lãng mạn, Ấn tượngTượng trưng (Ý kiến của Bùi Suối Hoa trên bàn tròn này là một ví dụ. Đây là cách nhìn, cách nghĩ Lãng mạn chủ nghĩa về hội họa và về công việc sáng tác đầy cảm tính và đã rất xưa cũ, nhưng vẫn còn rất phổ biến ở Việt Nam. Thậm chí gần như là "chủ đạo"). Các áp lực đủ loại đến từ bên ngoài và từ trong tâm lý, nhất là từ trong tâm lý như nói trên, đã dẫn đến sự đứt gãy, vỡ vụn trong tư duy nơi khá đông nghệ sĩ. Khiến cho họ, "trước nghệ thuật thế giới đương đại, vừa cả tin vừa hết sức bảo thủ". Chúng ta có thể hy vọng vào một sự "đột biến" nào đó. Những nỗ lực cá nhân có thể đem lại bất ngờ. Nhưng nhìn chung, phần lớn nghệ sĩ chưa được chuẩn bị về tư tưởng và tâm lý để thâu nạp và dung hóa những thành tựu mới mẻ của nghệ thuật nhân loại. Tôi sẽ diễn giải ý này vào một dịp khác. Con đường đi đến "hòa nhập" thực sự của các nghệ sĩ Việt Nam có lẽ còn dài.
(14.12.02)


Nora Taylor :

Tôi cho rằng anh Bùi Hoài Mai đã nói những điều rất thú vị. Anh là một nghệ sĩ không nằm trong những định kiến mà chúng ta đã nêu ra trên bàn tròn. Anh vẽ trâu và cảnh nông thôn nhưng anh không nhằm bán tranh của mình cho khách du lịch. Tôi thích đề nghị của anh rằng chúng ta cần đi tìm một "giọng nói đương đại Việt Nam thực thụ", ngược với một số ý kiến từ bên ngoài về những cấu thành của "mỹ thuật đương đại". Laurent Colin và Dương Tường cũng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cần phải xem xem khi chúng ta nói về mỹ thuật "đương đại" Việt Nam thì chúng ta thực tế là nói gì. Chúng ta không được phép coi những phạm trù trên là hiển nhiên. Chúng ta đã tập trung phần lớn vào khía cạnh "Việt Nam" mà sao lãng khía cạnh "đương đại". Nhưng tôi hy vọng rằng bàn tròn này đã thay đổi cách nhìn nhận của mọi người và cho thấy rằng những người có suy nghĩ và những nghệ sĩ tại Việt Nam có phản ứng trước những vấn đề đương đại, tuy rằng khác với cách phản ứng của các nghệ sĩ Pháp hay Mỹ, bởi những vấn đề đương đại ở Việt Nam cũng khác. Đối với chúng ta (hay tôi), ngồi trước máy tính ở Mỹ, và viết về mỹ thuật Việt Nam là một chuyện, còn trực tiếp sống ở đó lại là chuyện khác. Bởi vậy, tôi cảm thấy rất thú vị với những phát biểu của độc giả và những đồng nghiệp, những người đã đóng góp những ý nghĩ rất gợi hứng.

Christine Jean, một nữ họa sĩ từ Paris, người đã từng sống và làm việc tại Việt Nam nói với tôi rằng chị nghĩ các nghệ sĩ Việt Nam rất may mắn. Họ có thể làm việc và sống bằng sáng tác của họ mà chịu rất ít ràng buộc. Họ được mọi sự gần như dễ dàng quá. Các nghệ sĩ tại châu Âu vật lộn để kiếm sống và nhiều khi phải làm vừa lòng hàng trăm nhà phê bình, viện bảo tàng và người sưu tầm. Họ luôn luôn bị căng thẳng. Cuộc sống của các nghệ sĩ Việt Nam nói chung tương đối dễ chịu. Họ ngồi quán, họ có nhà cửa đẹp đẽ, họ nuôi được gia đình. Nhiều nghệ sĩ trên thế giới, và cả những người khác cũng vậy, ghen tị với họ. Có nơi nào trên thế giới mà một người mẹ muốn con mình thành nghệ sĩ để có thể hãnh diện, giống như một người bạn Hà Nội đã nói với tôi như vậy?
(14.12.02)

© Talawas 2002