trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtBàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"
17.12.2002
Bùi Hoài Mai, Bùi Quang Ngọc
Bàn tròn Talawas "Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?"
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33 
 
Bùi Hoài Mai (hoạ sĩ, độc giả):

Tiếp chuyện với anh Bradford Edwards: Theo anh, việc định nghĩa "nghệ thuật đương đại" là quan trọng bậc nhất để xác định được mỹ thuật Việt Nam nằm ở vị trí nào trong "Mỹ thuật đương đại thế giới". Thực ra dù khi anh có tìm ra một định nghĩa chính xác nhất về thế nào là nghệ thuật "đương đại" và sắp xếp xong vị trí của mỹ thuật Việt Nam trong dãy thứ hạng của "Mỹ thuật đương đại toàn cầu" thì nó giúp gì cho họa sỹ Việt Nam? Anh sẽ tiếp tục tìm kiếm những đầu sách, những "bối cảnh và những phong vũ biểu để đo xem những gì tạo thành công trong đấu trường toàn cầu", để giúp các hoạ sỹ Việt Nam tăng thứ bậc trong bảng " xếp hạng top-ten" ở chương trình "ATV" quốc tế chăng? Chẳng nhẽ "đương đại" là một tiêu chuẩn để được "ngoại quốc" chấp nhận, và các tác phẩm nghệ thuật cũng cần một thông số chung như những nhà sản xuất linh kiện điện tử cần một tiêu chuẩn chung mang tính quốc tế.

Thưa anh Braford, những ý kiến của tôi vừa nói trên không hề mang tính ác ý. Tôi chỉ muốn chứng minh một điều là từ ngữ phê bình cho đến ngày hôm nay, sau bao những biến cố của các trào lưu nghệ thuật đã mất hết độ chính xác vì được sử dụng trong quá nhiều trường hợp khác nhau. Thế nhưng tôi vẫn tiếp tục góp chuyện cùng anh mặc dù có thể chính tôi cũng đang sa vào cái bẫy ngôn từ do có đọc chút ít lịch sử mỹ thuật (do người phương Tây biên soạn).
Anh dùng định nghĩa thứ hai của anh để cho rằng đa số họa sỹ Việt Nam (tôi tự giới hạn là trong giai đoạn gần đây, giai đoạn mà ông Dương Tường cho là nghệ thuật Việt Nam được công nhận và thành danh) chưa phải là nghệ thuật đương đại, tôi đồng ý với anh, nhưng không phải xuất phát từ định nghĩa đó, cũng như không phải vì nó là "tân hiện đại" hay "tân truyền thống". Mà bởi vì nó đánh mất đi công chúng gần gũi nhất với nó, một công chúng hàng ngày, hàng giờ cùng với nó hít thở không khí "đương đại" từ đời sống thực. Nó đang mải "mang chuông đi đánh nước người". Tiếp theo nữa, khi anh nói về trào lưu hiện nay trong giới mỹ thuật đương đại toàn cầu đang có sự đồng thanh nào đó mà nó chiếm tới "90% các tác phẩm đương đại được biết đến", thì theo tôi, có thể là khôn ngoan hơn chăng, khi cần chọn ra một nghệ sỹ quán quân nào đó, có lẽ nên chọn trong số 10% còn lại.

Ðể trả lời vấn đề C của anh: nếu nói rằng " thế giới mỹ thuật đương đại bị thống trị và điều khiển bỏi phương Tây" thì e rằng bị phản đối, nhưng anh lưu ý một điều là toàn bộ cái bộ máy truyền thông khổng lồ đang nằm trong tay của phương Tây, và chắc anh sẽ hình dung ra điều gì, mặc dù giới truyền thông này đủ khôn ngoan để làm cho có vẻ khách quan và công bằng.
Và cuối cùng, tôi ngạc nhiên vì sự "tin tưởng mạnh mẽ" của anh khi nói rằng "sự vắng mặt của mỹ thuật Việt Nam trên sân khấu thế giới (khi dùng từ này anh có nhắc nhở rằng do thiếu từ ngữ chính xác hơn, nhưng tôi cho rằng nó chính xác với nghĩa khôi hài của nó) không phải do chất lượng mà là do nội dung". Tách chất lượng và nội dung thành hai nửa để đánh giá một tác phẩm, nó làm cho tôi nhớ đến giai đoạn các nghệ sỹ chúng tôi bị ảnh hưởng của cuộc "đại cách mạng văn hoá" khi bị những "hồng vệ binh" vắt mũi chưa sạch chụp mũ "chất lượng tranh là việc của các anh, nhưng chúng tôi không đồng ý vì chưa có nội dung xã hội chủ nghĩa".

Anh cho mọi người thông tin về "một số lớn những hoạ sỹ Cuba được "xuất khẩu" và đạt được những thành công lớn mang tầm quốc tế". Tôi muốn anh cho biết rõ hơn "tầm quốc tế" này nằm ở khu vực nào, thành phố nào, hay quốc gia nào đại diện cho "tầm quốc tế": New York, Paris hay Bắc Kinh..., và người dân Cuba "nhập khẩu" được gì từ những hoạ sỹ "xuất khẩu" đó? Nhân đây, khi anh nói là đó là những tác phẩm "được chất đầy khái niệm và ẩn ngữ (sub-text) và nó hợp với thị trường phương Tây hiện nay!", tôi muốn gợi ý có thể thay từ "ẩn ngữ" bằng từ "sự lập lờ", một từ đã được nhà văn Milan Kundera dùng rất tuyệt vời cho căn bệnh của thế giới hiện đại, người mà giới phê bình châu Âu đánh giá cao và gọi ông là Stăngđan của thế kỷ 20, và coi loạt tác phẩm của ông như là bộ "tấn trò đời thế kỷ 20" của văn học thế giới hiện đại.

Ðể trả lời cho hai câu hỏi cuối cùng của anh: Là ở Việt Nam đang có một đội ngũ họa sỹ đông đảo đang từng ngày từng giờ tìm mọi cách điều chỉnh các tác phẩm (chính xác hơn là các sản phẩm) mỹ thuật cho phù hợp với "thực tế thị trường toàn cầu". Tuy nhiên "thực tế thị trường toàn cầu" thì vô cùng phong phú và phức tạp, các hoạ sỹ có lẽ phải dùng nhiều thời gian để tìm hiểu và tiếp cận thị trường đó, tôi e rằng song song với việc trở thành hoạ sỹ, họ còn thêm một nghề nữa là thương gia. Hoặc câu hỏi thứ hai của anh: "chân thật và tự nhiên" đối với bối cảnh của chính nó" cũng không ổn. Bởi vì người nghệ sỹ lại phải biết lựa chọn những gì và phải vượt lên trên bối cảnh. Chả có bối cảnh lý tưởng nào cho sáng tạo nghệ thuật cả. Thật là những câu hỏi hóc búa.

Tiếp chuyện ông Dương Tường: Tôi cũng như ông không tin vào việc một hoạ sỹ nào vừa tụng bài kinh "giữ gìn bản sắc dân tộc" vừa vẽ, điều đó quá thô thiển khi nói về công việc sáng tác. Truyền thống chỉ trở thành "hòn đá tảng" cho những ai hiểu biết hời hợt về truyền thống, coi truyền thống như là một thứ thời trang để người ta nhận biết mình trong đám đông, giống như ông nói trong nhiều bài viết trước đây của ông rằng đó là: "một đặc điểm khiến người ta chú ý đến mỹ thuật Việt Nam". Và bây giờ, cũng theo ông: "thập kỷ cuối thế kỷ 20, mỹ thuật Việt Nam mới vượt ra khỏi tình trạng không được công nhận, thậm chí khỏi tình trạng vô danh" thì cái bộ cánh thời trang đó đã hết thời rồi và trở thành gánh nặng chăng? Ông khoái Mỹ thì không ai bàn, nhưng ông nói ông khoái vì "ở cái nước hơn hai trăm năm tuổi đấy không có truyền thống" thì oan cho nước Mỹ quá. Cách đây hơn hai trăm năm, nước Mỹ không phải được tuyên bố thành lập bởi Adam và Eva. Mang trên mình khá nhiều hành trang văn hoá truyền thống Châu Âu, trong nhiều lúc, cái nước Mỹ mà ông cho là không cần truyền thống đó nhiều khi còn bảo thủ hơn cả cái văn hoá truyền thống mà nó kế thừa từ Châu Âu. "Hỗn chủng văn hoá thì cũng không phải là không hay" tôi đồng ý với ông nhưng vấn đề phải tiêu hoá được nó tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử của mỗi dân tộc. Lạy trời đừng để cho những đứa trẻ con của tôi vài năm nữa sẽ nói với bố nó bằng tiếng Tây Ban Nha với một lý do là điệu nhảy của người Brazin làm say mê lòng người. ( Ðể công bằng hơn với nước Mỹ, ông có thể tìm đọc cuốn "La civilisation Américaine" của Jean-Pierre Fichou, nhà xuất bản Presses Universitaires de Frace,1994 tái bản lần thú ba. Nó đã được Nhà xuất bản Thế giới dịch và in năm 1998)
(17.12.02)


Bùi Quang Ngọc (hoạ sĩ, độc giả):

Tôi đã theo dõi trọn cuộc thảo luận bàn tròn Talawas. Hai từ "xa xỉ" trong "đoản văn 2002" của Võ Ðình cứ ám ảnh tôi hoài, liệu cuộc bàn tròn bàn vuông này đối với cái thực trạng xã hội VN hiện nay có xa xỉ quá không? Tuy nhiên, dù sao, (bàn tròn) Talawas rất bổ ích và theo tôi có thể đã trở thành một dấu ấn trong mỹ thuật đương đại VN. Vì vậy, là một họa sỹ "lão thành" (sinh 1934), lão mà vẫn chưa thành, tôi muốn được cảm ơn các anh chị chủ trương Talawas đã bỏ ra nhiều tâm lực cho cái sự "xa xỉ " ấy, nhất là đối với các bạn ngoại quốc và các bạn VN đang sống ở nước ngoài.

Cuộc bàn luận sắp mãn, các vấn đề gay cấn nhất của Mỹ thuật VN hầu như đã và vẫn đang được bàn đến, kể cả những điều cấm kỵ. Theo tôi, những ý kiến của Kaomi Izu, Hoàng Ngọc Tuấn, Veronika, Birgit, Natalia... là rất tuyệt vời. Sự quan tâm của các bạn đến Mỹ thuật VN tôi đánh giá như vàng, như ngọc quý, đặc biệt trong thời điểm này. Thời điểm mà những người VN, dù là trung thực nhất cũng chỉ ngậm miệng như hến để "dĩ hòa vi quý" mà "vinh thân phì gia", xả thân vì nghĩa chỉ là chuyện của các hiệp sỹ xa xưa. Có thể nói gọn thế này: chủ nghĩa thực dân cũ đã tạo ra cho VN những nghệ sỹ "vàng", chủ nghĩa "tập thể" mới đã và đang dựng nên những nghệ sỹ "thau", hoặc có "vàng" đi nữa thì cũng bị suy dinh dưỡng hoặc chết yểu. Theo tôi, chủ nghĩa "tập thể bầy đoàn" và ngay cả phần nào đó của sự tiến bộ đến chóng mặt của khoa học nhân loại cũng đã và đang muốn xóa đi cái gọi là cá nhân - những cá thể lương thiện, hữu ích và hiện đại. Xoá bỏ cá nhân, tức là xóa bỏ cái tôi, xóa bỏ cái tôi, nghĩa là không còn nghệ sỹ. Khi hạt cá nhân không được tôn trọng thì mầm cây sẽ thối và thui chột. Người nghệ sỹ là đơn vị kết tinh cuối cùng trong cái tôi lớn lao đó. Và nếu vậy, không có nghệ sỹ, sẽ không có tác phẩm. Từ đó sẽ sinh ra những sự nhập nhằng, lẫn lộn vàng thau, hiện đại giả cầy, cá mè một lứa. Còn nói gì đến chuyện sáng tạo hay giải thoát tâm linh.
Vậy là đã rõ, trên cái tam giác cơ bản tạo nên bộ mặt mỹ thuật, nghệ sỹ, tác phẩm và công chúng, những nhà phê bình cũng là công chúng. Họ đại diện cho công chúng phần trí tuệ, tâm cảm và lương tri thời đại. Họ san sẻ cho công chúng sự thưởng ngoạn của chính mình. Vậy ở VN, những nhà phê bình là ai, để có thể "cầm cân nẩy mực" cho một nền nghệ thuật. Hiện nay, tôi tin chắc rằng, những nhà phê bình nghệ thuật VN hiện nay không có hề có cái râu radar của một nghệ sỹ và nếu vậy, họ sẽ tự biến mình thành "cây tầm gửi" hoặc thành "bánh xe phụ" của cỗ xe nghệ thuật. Những nhà phê bình nghệ thuật bất đắc dĩ của VN hiện nay đã và đang xơ cứng, lập luận đầy cảm tính với nhiều thiên vị và định kiến. Ðối với tôi, họ chưa làm được một trạm trung chuyển đáng tin cậy cho người nghệ sỹ. Có người trong số họ đã và đang vụ lợi và bóp méo các giá trị nghệ thuật. Trong tình hình đó, theo tôi, câu nói của Nguyên Hưng là tích cực và đáng khích lệ. Trong bàn tròn Talawas, tôi đồng ý với Nguyên Hưng "Mỹ thuật VN đang tồn tại như một ảo ảnh".

Theo tôi, ở Sài gòn trước 75 đã có một vùng mỹ thuật sáng giá với đầy đủ tư liệu, trí tuệ, tác giả và tác phẩm... Nếu biết tiếp thu, sử dụng và tham khảo thì sẽ rất có ích cho cuộc bàn luận của chúng ta. Tôi cũng lại tiếc không được thông qua bàn tròn này để đối thoại với những tên tuổi là bạn cũ của tôi xưa như: Huỳnh Hữu Ủy, Cao Bá Minh, Nguyên Khai...
(17.12.02)

© Talawas 2002