trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
27.9.2006
Nguyễn Thuỵ Kha
Hành trình thơ Hoàng Hưng
 
So với bạn đồng môn Đại học Sư phạm Hà Nội khoa Văn khóa ấy như Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Nghiêm Đa Văn… Hoàng Hưng đăng quang sớm hơn cả. Năm 1965 anh đã đoạt giải thưởng báo Văn nghệ. Cũng năm ấy ra trường, anh được phân công về dạy văn cấp 3 ở Hải Phòng. Nếu hồi lớp 10 dạo đó, tôi không sang học cấp 3 Thuỷ Sơn mà sang học cấp 3 An Dương thì thầy dạy văn của tôi sẽ không phải là nhà thơ Thúc Hà mà là nhà thơ Hoàng Hưng. Số phận đã khiến cho mãi tới năm 1982, anh và tôi mới gặp nhau trong một thời điểm nhạy cảm đặc biệt. Song ấn tượng về anh thì tôi đã có từ lâu. Điều lạ đầu tiên về Hoàng Hưng là khi biết anh là tác giả bài thơ "Tiếng hát người chăn bò" mà nhạc sĩ Thanh Phúc phổ nhạc rất hay. Bài thơ viết về bộ đội nông trường Điện Biên. Có lẽ đấy là dịp anh lên Tây Bắc làm lính nghĩa vụ [1] . Ấn tượng sâu đậm hơn khi biết anh là một trong những nhà thơ có tiếng của nhóm thơ Hải Phòng thời chống Mỹ. Những bờ đá, những sợi dây xích bến cảng, dòng sông Dề ngoại thành trong thơ Hoàng Hưng đã gợi lên trong tôi một Hải Phòng gan góc và u trầm. Mặc áo lính vào Trường Sơn, thơ Hoàng Hưng vẫn đồng hành với tôi qua tiếng đàn bầu "thắt ngang bầu nắng/ Trưa bỗng vỡ thành thác trắng…"

Lúc ấy hình như Hoàng Hưng bắt đầu rời Hải Phòng trở về Hà Nội làm báo Người Giáo viên Nhân dân. Sau thống nhất, anh đưa gia đình vào Sài Gòn thì tôi lại ra Hà Nội. Mùa hè 1982, Nguyễn Duy đưa Hoàng Hưng tới căn gác 60 Hàng Bông của tôi. Anh đưa tôi xem một tập bản thảo dịch thơ G. Lorca và một tập bản thảo thơ anh. Tôi đọc và thích thú cả hai tập nên đã chép kín cả một quyển sổ tay. Năm đó nhân dịp giải thưởng Thơ báo Văn nghệ sẽ công bố vào dịp tháng 8, anh Nguyễn Văn Bổng (Tổng biên tập) có ý định làm một số thơ đặc biệt giới thiệu thơ của các nhà thơ đã được giải thưởng báo Văn nghệ từ khi có giải thưởng lần đầu. Tôi đã chuyển cho Bế Kiến Quốc bài "Mưa rào và trẻ nhỏ" của Hoàng Hưng tặng Văn Cao. Bài thơ đã được duyệt và lên khuôn chờ in thì có tin Hoàng Hưng có chuyện rày rà với nhà chức trách [2] . Không hiểu ai đó đã "nhanh mồm nhanh miệng" xui bản báo nên bóc bài thơ của Hoàng Hưng ra khỏi số báo đặc biệt cho khỏi phiền. Sau thời điểm ấy, mấy năm sau tôi mới gặp lại Hoàng Hưng. Còn bài "Mưa rào và trẻ nhỏ" thì mãi tới năm 1988 mới được in trong tập Ngựa biển cùng với nhiều bài thơ, trong đó có cả "thơ vụt hiện" mà tôi đã từng chép vào sổ tay. Những cảm xúc mà anh có được trong khoảng thời gian từ 1982 đến 1985 thì sau này được anh chọn in trong tập Người đi tìm mặt năm 1994. Cả hai tập thơ đếu bị giới phê bình văn học "làm um lên" vì sự mới mẻ đến không chịu nổi. Đọc những bài đó, cả Hoàng Hưng và chúng tôi đều cười phá lên vì biết trước là mọi việc sẽ xảy ra như thế. Nổi tiếng và tai tiếng riêng với Hoàng Hưng thì chẳng có gì khác mấy. Anh đã quá quen và đã "lì đòn". Nhưng với tất cả những gì tôi biết ở Hoàng Hưng từ năm 1982 thì trong cảm nhận của riêng tôi, hành trình thơ Hoàng Hưng là một hành trình thơ đích thực, không vụ lợi và quyết liệt đến cùng trong đổi mới, cách tân. Cho đến bây giờ, tập thơ Hành trình ấn hành, thì cảm nhận ấy ở tôi hoàn toàn được chứng nghiệm.

Cũng là nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ, song cái khác của Hoàng Hưng là bằng hiểu biết văn hoá và bằng tiếp cận với nhũng nhà thơ "từng chìm trong im lặng" như Hoàng Cầm, Văn Cao, Trần Dần… Hoàng Hưng sớm tỉnh ngộ trước hiện thực rất đỗi phong phú và phức điệu của đất nước. Bài "Tỉnh giấc ở Hòn Gai" là bài thơ tự chuyển từ giọng thơ ca ngợi một chiều sang gịong thơ hiện thực, chiêm nghiệm:

Thốt tỉnh. Bây giờ là mấy giờ đêm?
Oi ả quá. Sóng không buồn vỗ
Sà sà mảng núi ngang đầu
Trắng bệch màu mây mệt mỏi
Vụt đứng dậy, bồn chồn kinh hãi
- Sáng mau đi, đá sập đến nơi rồi!

Chính nhờ hiểu biết văn hoá, mà nhờ căn bản là có ngoại ngữ, Hoàng Hưng đã đọc và nhận biết được tiến trình phát triển của thơ thế giới để tự hoạch định một lối đi riêng bằng "nước mắt một đời/ đổi một dòng hư ảo/ thế thôi".

Có lẽ ông trời nhận ra được lòng lành của Hoàng Hưng nên vào thời kỳ đổi mới của đất nước, Hoàng Hưng cũng được và cũng tự cho phép đổi mới mình bằng những chuyến đi "thực tế" trên nhiều miền đất của hành tinh này. Đến Hành trình, thơ Hoàng Hưng vừa mang chứa được bề rộng thế giới và cả bề sâu của tâm linh. Tập thơ vập vạp và sức vóc khiến nhiều "thi nhân" trong "làng thơ ao tù" nước nhà phải giật mình và phải nhận ra rằng "Thơ ôi là Thơ/ Mày là cái gì thế hả Thơ?"

Nhờ có một cuộc sống thăng trầm từng trải đáng nể, đến Hành trình thơ Hoàng Hưng đã đạt tới độ "như không" để thông báo nhiều ẩn chứa trong tâm tưởng qua nhiều tầng nghĩa của câu thơ, của chữ thơ mà nếu như chưa đạt tới độ giải thoát cao, tuyệt đối không thể "xuất chiêu" điềm tĩnh đến mức như thế được. Phải sống đến độ nào đấy mới nhận ra "Đời sống nảy buồn mà đẹp quá" để mà thanh thản "Đi thôi/ Về thôi" ở cửa sông chảy ra đại dương vô cùng. Câu thơ sau khi được ngâm ngợi, nhào luyện đến độ chín thì viết ra cứ nhẹ tênh, giản dị và lay động. Bàn về thời gian qua "Ngày lạ", về hữu hạn qua "Sống chết", về thế giới qua "Made in USA" và tâm linh qua "Đường lên núi tuyết" đều là những ý niệm lớn lao và rộng rinh mà thấy giọng thơ Hoàng Hưng thật dịu dàng ngỡ như đã "ngộ" ra tất cả. Thế giới này vừa lạ lùng vừa dễ hiểu qua những nhịp thơ trầm tịch và biến hiện không ngờ. Cái nỗi đời và nỗi người tha hương khắp xứ và ngay cả ở chính quê hương mình vì nhiều chuyện éo le cứ chảy róc rách qua từng câu thơ thấm thía. Nào là:

Vịnh xanh co lại
Vòng vây gạch đá vươn dài

Nào là:

Ông già trằn trọc nỗi nhớ sáu mươi năm

Đi bất cứ đâu
Trừ trở lại quê nhà

Nào là ca sĩ "Báu bệt sàn đất hát" ở Hà Nội, đến "Người đàn bà di-gan hát khàn họng bên con chó ngúc ngắc đầu/ Anh chàng Đông Âu ắc-cooc chiều Matxcơva" và "Ta hát như điên bài hát rẻ tiền", "Làm tôi đau/ Muốn khóc cho tuổi trẻ mình". Nào là các nhà thơ "Thằng bên lề thằng chạy trốn quê hương" để đón nhận "Đất hứa phục những đòn bầm tím/ Chết không xong thì phải sống thôi", để có những giây phút "Những câu thơ/ Một mình đọc một mình tan nát", "Thê thảm và quyết liệt/ Ta biết chỉ có Thơ giúp mày sống sót". Tất cả đều ước mong một điều gì đó tốt đẹp hơn, nhưng "Tự do!Tự do! Một đời khao khát/ Phút này nàng vẫn cách xa".

Tôi rất tâm đắc với cách nhìn bình tĩnh và khách quan của Hoàng Hưng về nước Mỹ. Bài "Made in USA" tuy dùng thi pháp cũ nhưng vẫn phát ngôn một thực tế mới, còn bài "America" thì cho ta nhìn thấu bản chất không đơn giản của một đât nước khổng lồ:

America America
Những xa lộ dọc ngang vun vút 18 bánh xe của ngươi cả mặt đất chịu
Những đèn đuốc sáng trưng ngày đêm của ngươi cả bầu trời chịu
Những đại học mênh mông của ngươi cả tuổi thanh xuân được
Những bãi cỏ xanh rười rượi có thể nắm lăn ra bất cứ chỗ nào của ngươi cả thế giới được
Bệnh béo phì của ngươi cả giống người chịu
Bạo lực tivi của ngươi cả tương lai chịu

Mấy ai, mấy nhà thơ đi Mỹ về ngoài chuyện khoe khoang, huênh hoang, điệu đà, đã nhận ra nước Mỹ như Hoàng Hưng?


*


Hoàng Hưng "không sợ chết mà sợ phút giây tổng kết cuộc đời" nên đến Hành trình, cách bàn về "sống và chết" ở một người đã qua tuổi lục tuần như anh là lẽ thường tình. Và có cái quí nhất mà anh nhận ra như lời dối dăng là "Hãy tập làm người bình thường" để ngày sinh nhật nào đó ở quê người nhận ra niềm sung sướng:

Bắp ngô non ăn mừng sinh nhật
Quạt thơm vỉa hè
Hai đứa cười như hai trẻ nhà quê
Được ngày ra phố

Phần mới và lạ nhất trong Hành trình là "Đường lên núi Tuyết". Mùi thiền lặng lẽ ngấm vào Hoàng Hưng qua tuổi tác và đã cho anh một góc nhìn, "một niềm tin bên trên lý lẽ". Dường như anh đã tự nhiên như nhiên thoát khỏi hiện thực để bồng bềnh thật nhẹ vào hư không:

Xa lắc rồi
Cõi vui buồn hờn giận của chúng mình
Cõi lo toan vặt vãnh của chúng mình
Anh cầm tay em
Buông mình vào thế giới khác
Giữa tiếng quạ kêu ở Calcutta

và để thốt lên:

Sông Hằng sông Hằng cho tôi một giọt nước thiêng
Một giọt thôi
Giọt nào tẩy hết ưu phiền
Sông Hằng sông Hằng cho tôi chết giữa dòng để tái sinh làm thiền sư hay nhà thơ lang bạt

Một cảm giác hư thực không dễ có khi nghe tiếng chó rừng ở Nepal:

Suốt đêm thao thức hồ nghi
Tiếng chó rừng có thật không có thật?
Tiếng vô minh
Hú lên lừa mị trên đường ta đi tìm sự thật?

Và để nhận ra giữa cõi đời "bãi phân bò bốc khói", con người đã tìm ra cõi đạo của mình. Cõi đạo như lũ trẻ "Trong rừng xê xan":

Các em hãy tới bên ta
Nhảy múa trên những ưu phiền của ta
Trên mình ta rác rưởi phù hoa
Hãy rửa sạch ta bằng tiếng cười
Trong vắt

Hoàng Hưng đã cực thiền khi nhận ra:

Thày vào như gió thoảng
Tăng đoàn rạng rỡ tuệ quang
An tịnh - mỉm cười
Đã về - đã tới
Bây giờ - ở đây
Tự do ngay phút này hoặc không bao giờ nữa.

Hành trình thơ Hoàng Hưng là hành trình bền bỉ và kiên định suốt hơn 40 năm qua. Mừng là anh đã tới được cái riêng của mình mà không phải nhà thơ nào cũng có được. Anh sẽ còn tới hơn bởi những dự liệu khoẻ khoắn còn chất chứa đầy trong "hành trình" mà đến một lúc nào đó sẽ lại phát xạ lấp lánh trước chúng ta.



[1]Thực ra đây là thời gian Hoàng Hưng tình nguyện lên Tây Bắc phục vụ bộ đội trong cương vị giáo viên văn hoá và tự nguyện đi lao động thực tế ở nông trường quân đội Điện Biên (BT).
[2]Tháng 8 năm 1982 Hoàng Hưng bị bắt vì cầm trong tay bản thảo tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm, sau đó vì việc "lưu truyền văn hoá phẩm phản động" đó và cả vì những bài thơ trong sổ tay của chính Hoàng Hưng mà anh bị tập trung cải tạo cho đến hết tháng 10 năm 1985 (BT).

Nguồn: Tạp chí Sông Trà, số 14/ 2006