trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtBàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"
28.12.2002
Jun Nguyá»…n-Hatsushiba
Bàn tròn Talawas "Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?"
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33 
 

Xin chào các thành viên bàn tròn. Tôi vừa mới bắt đầu đọc các ý kiến khác nhau về đề tài này. Có thể một vài người trong số các bạn, do quá mệt mỏi vì sự dội bom của các ý kiến, muốn chấm dứt bàn tròn. Có vẻ có rất nhiều điểm bị hiểu sai một cách quá vội vàng. Lúc đó thì, như Nguyên Hưng nói, cuộc tranh luận của chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu cả. Nếu có một điểm nào đó bị hiểu sai thì cần phải làm sáng tỏ nó. Và nếu có gì khó hiểu, có thể dẫn đến hiểu nhầm nhau, chúng ta có thể bảo người phát biểu làm sáng tỏ. Thử tưởng tượng, nếu đây không phải một diễn đàn trên internet, chúng ta sẽ giết nhau chưa biết chừng???

Tôi quyết định đến với cuộc tranh luận này, thứ nhất, bởi vì Veronika, cũng như Mai Chi đã nhắc đến tôi một vài lần. Và thứ hai, vì tôi muốn phát biểu một vài ý kiến riêng, cho dù chúng có bị phản bác hay không. Tôi sẽ bắt đầu bằng những gì Nguyên Hưng viết gần đây nhất (14.12.02). Tiện thể tôi muốn nhắn anh Nguyên Hưng là chúng ta nên có dịp gặp nhau và làm ơn giới thiệu tôi với Kaomi.

Với tư cách một nghệ sĩ, tôi không thể nhấn mạnh hơn được nữa cái điểm mà Nguyên Hưng đưa ra, là "theo tôi, một trong những lý do chính tại sao nghệ thuật Việt Nam không thể "vượt lên" được là "đối với một người thiếu ý chí, một lời khen hay một lời phê bình có thể làm anh ta điên đảo." Theo cách tôi hiểu thì đoạn này muốn nói rằng hướng đi nghệ thuật và sự nghiệp của chúng ta cần phải được nuôi nấng bởi chính giấc mơ và quyết tâm của chúng ta.

Trong năm năm vừa qua, tôi giảng dạy về design và phát triển sáng tạo và cũng để thời gian vào việc phát triển nghệ thuật của chính tôi tại Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc 19 tuổi, tôi quyết định học mỹ thuật và trở thành một nghệ sĩ. Tôi đồng ý là bây giờ lời tuyên bố ấy nghe có vẻ ngây thơ, vì lúc đó tôi không hiểu thế nào là một nghệ sĩ. Tôi chỉ muốn thí nghiệm, muốn tạo nên những thứ của riêng mình. Trước đấy, tôi đã gần như là người của lĩnh vực âm nhạc. Không phải biểu diễn, mà là sáng tác. Vì vậy tôi không biết chơi những bản nhạc được nhiều người yêu thích mà các bạn tôi chơi rất hay. Họ có thể bắt chước và chơi được nhiều bản nhạc trong top 10. Nhiều lúc tôi cảm thấy xấu hổ vì chẳng biết giai điệu nào cả. Nếu không biết giai điệu nào của các ban nhạc nổi tiếng thì nói làm gì? Nhưng tôi nghĩ rằng điều đó cũng chẳng lấy gì làm quan trọng, vì tôi muốn tìm cách làm một cái gì đấy khác, cái do chính tôi làm ra.

Bây giờ, việc nhìn lại những ngày đó, khi tôi đang đi tìm kiếm một cách thể hiện độc đáo, cho phép tôi chia sẻ những ý nghĩ về sự sáng tạo với những sinh viên của mình. Tất cả đều quy về ý chí và quyết tâm làm một cái gì đó khác. Tôi bắt đầu học đại học với ý muốn trở thành một nghệ sĩ thành công và có tầm cỡ thế giới. Tất nhiên, ta có thể định nghĩa từ thành công theo nhiều cách, nhất là trong nghệ thuật. Và tôi hoàn toàn không biết cái gì là thành công trong nghệ thuật. Để kiếm đủ sống hay để mở những cuộc triển lãm lớn khắp mọi nơi trên thế giới? Nhưng tôi nghĩ thành công có nghĩa là có khả năng tự thách thức mình tìm ra được những vùng đất mới cho mọi người trên thế giới nhìn và suy nghĩ. Tôi sẽ không hài lòng nếu cái mới ấy chỉ mới đối với tôi. Tôi phải trở thành một người nghiên cứu cho xã hội, vì mọi người đều quá bận bịu với cuộc sống của mình. Ít nhất đó cũng là một vai trò của người nghệ sĩ, nói một cách đơn giản nhất, theo tôi. Tôi sẽ tiếp tục suy nghĩ về điều này.

Những suy nghĩ trong những ngày đầu của sự nghiệp nghệ thuật của tôi về những câu hỏi như thế nào là một nghệ sĩ có tầm cỡ thế giới, họ là ai, họ làm gì, họ nghĩ gì, họ triển lãm ở đâu, tại sao thình thoảng họ làm ra những thứ quái quỷ như vậy... khiến tôi bắt đầu tiếp xúc với những khía cạnh của "nghệ thuật đương đại", hiểu theo nghĩa của các nghệ sĩ được mời đến Documenta, Venice, Sao Paolo, v.v... Tất nhiên, nghệ thuật đương đại kiểu như thế này không chỉ có ở những triển lãm có tiếng tăm trên thế giới, mà còn ở cả những trung tâm nghệ thuật hay bảo tàng địa phương.

Tôi muốn đến Hà Nội để thăm trung tâm nghệ thuật đương đại. Nếu có thể, tôi muốn mở cuộc triển lãm thứ ba ở Việt nam. Tôi đã trưng bày tại Hà Nội vào năm 97, Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 98, nhưng từ đó thì toàn triển lãm ở những nơi khác. Tôi vẫn nhớ Minh Thành, Huy, và Cuờng đã giúp tôi dàn dựng tại 29 Hàng Bài vào năm 97. Tôi nhớ Hải, Linh, Thắng, Châu và Hà (xin lỗi vì tôi không đưa ra tên họ đầy đủ) cũng giúp tôi nhiều trong việc thu thập và chế tạo những bộ phận của cuộc dàn dựng. Họ đều tò mò muốn biết thêm về cái "khác lạ" của tôi (vào thời đó), và cách tôi tiếp cận việc làm nghệ thuật. Và tôi nghĩ là một trong những trách nhiệm của mình với tư cách một nghệ sĩ được đào tạo ở nước ngoài (Mỹ) là phải chia sẻ những ý tưởng của mình để tạo dựng một cuộc tranh luận có ý nghĩa.

Bố tôi là người Việt Nam và mẹ tôi là người Nhật, nhưng tôi đã sống một nửa cuộc đời ở Mỹ. Câu hỏi cái gì là nghệ thuật Việt Nam hay cái gì là Việt Nam tính trở nên không quan trọng đối với tôi khi tôi làm nghệ thuật, vì tôi tự coi mình là một nghệ sĩ, không phải một nghệ sĩ Việt Nam hay Nhật hay thậm chí Mỹ. Người ta có thể dễ dàng dán cho tôi một trong những cái mác này vì bối cảnh đa văn hoá của tôi. Tôi không từ chối nếu có người gọi tôi là một nghệ sĩ Việt Nam. Hay Mỹ hay Nhật. Tôi là lẫn lộn, nhưng cuối cùng thì tôi chỉ là một nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm nghệ thuật của chính mình. Khi tôi được mời đến Sao Paolo đầu năm nay, tôi nhìn thấy trong số những lá cờ của những quốc gia tham dự có cờ Việt Nam. Tôi cảm thấy vui khi thấy nó đứng cạnh cờ Mỹ, cờ Nhật, và nhiều lá cờ khác. Tôi vui khi thấy Việt Nam được tham dự vào một diễn đàn nghệ thuật quốc tế như vậy. Một Olympic nghệ thuật. Sau đó tôi được biết rằng người ta treo cờ Việt Nam vì là có tôi tham gia. Họ đã làm tôi trở thành một nghệ sĩ Việt Nam! Đó là một kinh nghiệm thú vị khi không ai ở Việt Nam ủng hộ (hay biết) sự tham gia của tôi ở Sao Paolo. Vậy nên tôi cảm thấy khá cô đơn ở Sao Paolo khi biết rằng các nghệ sĩ khác đều có sự ủng hộ từ quốc gia của họ.

Quay trở lại câu chuyện về sự nghiệp của tôi, vào năm 1996, trước khi tôi quyết định sang sống tại Việt Nam, tôi được giới thiệu với Whitney Biennial 1997 (tổng kết nghệ thuật đương đại Mỹ). Hay có thể là tôi đã không được giới thiệu một cách chính thức, nhưng người tổ chức triển lãm đã đến gặp tôi ở Dallas, Texas, không hẳn là một thành phố của nghệ thuật đương đại. Tôi đãõ không được chọn, nhưng cái tôi muốn nói ở đây là theo một cách nào đấy thì tôi đã là một người Mỹ. Và vào năm 1998, tôi được chọn để triển lãm tại Nhật lần đầu tiên với tư cách người nhận giải Nghệ sĩ Nhật bản tại nuớc ngoài, trao bởi Cartier và Shiseido. Khá là buồn cười, và cũng khá là khó xử trong những trường hợp như vậy.

Quay lại những gì Veronika nói về tôi, "một ví dụ nữa là Jun Nguyễn Hatsushiba, người có một sự nghiệp tuyệt vời với tư cách là một nghệ sĩ Việt Nam. Tôi thực sự muốn biết, liệu đây có phải là một chiến lược tiếp thị không?" (25.10.02), tôi muốn nói là tôi hơi hoang mang về những lời này. Tôi muốn Veronika giúp tôi hiểu câu cuối cùng của chị. Thực ra là cả câu đầu tiên nữa. Có phải chị nói rằng tôi dùng cái mác "nghệ sĩ Việt Nam" để tự quảng cáo mình không? Rằng nói là "có một sự nghiệp tuyệt vời với tư cách là một nghệ sĩ Việt Nam" giúp ích cho sự nghiệp của tôi? Đọc những gì Veronika viết, tôi cứ tưởng chị sẽ không coi tôi là một nghệ sĩ Việt Nam, vì chị nói Minh Hà là một nghệ sĩ Mỹ, nhưng ở đây chị lại cho rằng tôi là một nghệ sĩ Việt nam. Hay đây là một câu nói châm biếm nguồn gốc của tôi? Nếu ý chị không phải như vậy thì cho tôi xin lỗi. Nhưng tôi nghĩ, như tôi đã nói, tôi hy vọng có được một sự nghiệp với tư cách một nghệ sĩ, không cần phải là người Việt Nam.

Sự nghiệp nghệ thuật của tôi từ trước đến nay chỉ có làm việc. Đã 10 năm kể từ khi tôi tốt nghiệp thạc sĩ. Và bây giờ tôi vẫn nợ tiền!!! Tôi không được báo chí đưa lên như bộ ba họ Nguyễn ở Hà Nội ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Tại Hà Nội, Thắng và tôi gặp một người chủ phòng tranh ở Tokyo, và chúng tôi đã giới thiệu ông ta với bộ ba họ Nguyễn, người trưng bày họ lần đầu tiên tại Nhật. Tôi cảm thấy tự tin khi giới thiệu họ, vì họ đã cho tôi xem những bức vẽ trên giấy của họ. Các tác phẩm thật tuyệt! Trong mắt tôi, chúng là những hình ảnh tươi mới đầy sức sống.

Tôi nghĩ nếu muốn có tầm cỡ quốc tế, anh/chị phải suy nghĩ và ƯỚC MƠ ngang tầm quốc tế và phải tự hỏi như tôi đã nói trên, tiêu chuẩn quốc tế là gì? Chúng ta không thể mong được tham dự Olimpic và giật được huy chương nếu chúng ta không hiểu gì về tiêu chuẩn. Chúng ta phải đặt ra một mục đích và tìm cách mở rộng triển vọng của chúng ta về cái mang tính quốc tế. Tôi KHÔNG nói về việc dòng nghệ thuật chính thống trên bình diện quốc tế là gì và cố gắng bắt chước phong cách nóng sốt của thời đại. Chúng ta chỉ cần ý thức cái đang diễn ra đến một mức độ nào đó. Tất cả những hiểu biết đó sẽ giúp người ta nhận biết được vị trí của anh/chị trong thế giới nghệ thuật. Về cơ bản, như Birgit Hussfeld đã nói (22.11.02), các nghệ sĩ cần phải làm bài tập về nhà của mình. Tôi phải làm bài tập về nhà rất nhiều để biết được ai đang làm gì và ai đang trưng bày ở đâu, v.v. Ðó là một cách nghĩ mang tính chiến lược. Có lẽ tôi có cái may mắn là được học các kỹ năng này ở trường (họ dạy các kỹ năng quảng bá xúc tiến và giao tiếp tại các trường mỹ thuật Mỹ). Bởi vì như Birgit nói, "Các nghệ sĩ không chỉ đơn giản được khám phá. Ðể được chú ý, anh cần phải tạo dựng một mạng lưới rộng rãi gồm nhöõng người làm triển lãm (curator), các nhà phê bình, các nghệ sĩ uy tín, các gallery và bảo tàng."

Và giờ đây, nghệ sĩ nào ở Việt Nam cũng đều có thể mở được lối đi để bắt đầu khai triển mạng của mình. Tôi đang nói về chính cái công nghệ đang giúp chúng ta mở được bàn tròn này. Internet là cái nguồn tốt nhất của tôi khi sống ở Việt Nam. Tôi dùng email để thực hiện gần như mọi cuộc giao tiếp với các nhà triển lãm và các gallery. Và nhờ những trao đổi email đó, một số nha triển lãm đã thực sự đến Việt Nam gặp tôi. Tôi không thể đòi hỏi gì hơn thế nữa! Vậy là, các nhà triển lãm sẽ đến Việt Nam nếu họ biết anh đang tồn tại với những sáng tác đáng quan tâm.

Trở lại nhận xét của Veronika về thành công của Minh Hà khi chị viết "có phải cô ấy thành công là vì sống ở Mỹ? Cô ấy làm việc với video. Cô ấy là một nữ nghệ sĩ - các điều kiện này đã thực sự báo trước sự thành công. Cô ấy thành công vì cô ấy là một người Mỹ vẽ về đề tài Việt Nam" (25.10.02). Nhận xét này khiến tôi kinh ngạc tự hỏi lý do nào đã đẩy chị tới lối đánh giá thành công của người khác như vậy. Tôi không thể nào chấp nhận được cách đánh giá đó. Cách nhìn này làm nhụt chí người Việt, không chỉ các họa sĩ, mà cả đông đảo công chúng. Tôi đã nhiều lần nghe nói rằng vì là người nước ngoài nên anh/chị thành công. Ðiều đó nghe thật buồn. Và tất cả chúng ta đều biết hoàn toàn không phải thế. Cha tôi là người Việt trăm phần trăm. Ông được một suất học bổng Monbuso (do Bộ giáo dục Nhật Bản cấp) đi học tại Ðại học Tokyo giữa lúc cuộc chiến tranh Việt Nam đang diễn ra. Tôi nói ra điều này để nêu lên rằng một người Việt ở Việt Nam vẫn có thể tạo được sự khác biệt cho tương lai của anh/chị bằng cách tìm kiếm sự phát triển cho chính mình. Vâng, sự khác biệt có được là do ông đã được sang Nhật học, nhưng sự khác biệt đó là do ông tạo nên, do sự quyết tâm của ông. Vì vậy tôi không nghĩ và không muốn nghĩ là nếu một nghệ sĩ sống ở Mỹ với nguồn gốc Việt Nam thì anh/chị sẽ chắc thành công hoặc thậm chí dễ được chọn để tham dự Documenta. Và tôi cũng xin nói là ngay hiện nay cũng đang có nhiều nghệ sĩ gốc Việt sống chật vật ở Mỹ. Tất cả chỉ là sự quyết tâm và lao động cật lực (một công việc đích đáng) cộng với các kỹ năng giao tiếp để phát triển quan hệ. Tôi sẽ không bao giờ phát biểu như vậy khi nói với các sinh viên của mình. Nó có thể làm tiêu tan hy vọng của họ. Tôi tin là nhiều sinh viên Việt Nam của tôi có cơ hội thành đạt nếu họ nghiêm túc học hỏi mọi điều.

Về một vấn đề khác là người ta có thể phải áp dụng một ngôn ngữ khác hoặc ngôn ngữ thế giới như Natasha bình luận từ ý kiến của một nhóm nghệ sĩ châu Á tại một cuộc hội thảo ở Hà Nội khi họ nói "nếu bạn làm sắp đặt, trình diễn - một phát minh của phương Tây, bạn cần phải biết ngôn ngữ của các hình thức đó, phải biết bộ mã của chúng để đem quan niệm và làm đầy chúng với ý tưởng riêng của bạn. Nếu không bạn sẽ chẳng thể tạo được cái nền [cho] sự giao tiếp" (09.12.02). Tôi hy vọng các nghệ sĩ trẻ Việt Nam tham gia cuộc thảo luận này sẽ không quá bị thất vọng trước nhận xét đó của các nghệ sĩ châu Á khác.

Thực sự, có nhiều cách làm nghệ thuật, nhưng chúng ta không nên phân loại cái gì là ngôn ngữ cho khán giả quốc tế (bao gồm các nhà làm triển lãm) hiểu, hoặc cái gì là ngôn ngữ thế giới, bởi vì điều đó do thời gian quyết định, ngay cả những cái liên quan đến tính thế giới.Thời gian sẽ làm chuyển đổi ý nghĩa đó. Các họa sĩ ở Hà Nội cứ việc đi trước và thực nghiệm các cách mới. Khi giai đoạn thực nghiệm lên tới đỉnh điểm sẽ tới lúc có cái cách tân bùng ra. Nhưng ở đây tôi muốn nhắc lại quan điểm của Bradford Edward về cái mà các họa sĩ Việt Nam cần phải suy xét nếu họ muốn bước ra sân khấu nghệ thuật thế giới. Nhân tiện, Bradford cũng là một họa sĩ từng có thời gian làm việc ở Việt Nam và Campuchia cũng như tham gia viết bài cho các tạp chí nghệ thuật. Vì vậy anh có sự hiểu biết về mỹ thuật Việt Nam đương đại đến một mức độ chúng ta có thể học hỏi. Bradford nêu lên mấy điểm để suy nghĩ (01.12.02). Và tôi tán thành cái cần phải suy xét. Ta nên lưu ý rằng anh chỉ nêu ra câu hỏi để chúng ta trả lời. Nếu tôi phân tích cách làm nghệ thuật của mình, tôi cũng thực hành những nguyên tắc tương tự như anh đã coi là điểm xuất phát dẫn người họa sĩ ra sân khấu nghệ thuật thế giới. Cố nhiên, phần chủ đạo của những yếu tố này là:

Cái gốc của vấn đề muốn thảo luận.
Cái gốc của cách vấn đề này được đề cập, được diễn giải bởi các nghệ sĩ, được phân loại, được khai triển tiếp, và được trình bày.
Khi xem xét nghệ thuật, làm cách nào các nhà phê bình và cử tọa có thể tạo ra được nhiều sự liên tưởng và kết nối, liên quan đến văn hóa, lịch sử và sự tồn tại tương lai của họ.

Tôi nghĩ đó là cách người họa sĩ biến hoàn cảnh cuộc sống mà anh/chị đang sống thành quan niệm và viết lại nó thành một bản mới. Lấy thí dụ, họa sĩ đương đại Thái Lan (hiện nổi tiếng quốc tế) Surasi Kusolwong đã làm việc với những chiếc cần câu không phải để câu cá dưới nước, mà để thực hiện sự xếp đặt của mình, ở đó cử tọa có thể "câu" nhiều thứ vật dụng, đồ chơi bằng nhựa của Thái Lan, cơ bản là những thứ đồ màu sắc được sản xuất hàng loạt chỉ có công dụng trong một htời gian ngắn. Và người xem có thể sở hữu chúng nếu câu được. Không phải trả tiền. Tôi thích thú trò chơi này khi anh ấy có sáng kiến gọi đó là nghệ thuật của mình. Ở đây, nghệ thuật thực sự là một quan niệm. Anh ấy có thể dùng bất cứ chất liệu nào để trình bày quan niệm của anh bởi vì, giống tôi, anh ấy không dựa vào cái nghĩa truyền thống của chất liệu để làm nghệ thuật. Ðó là quan niệm và cái cách anh ấy kết hợp các đồ vật khác nhau để đưa vào sự sắp đặt đã làm tăng thêm kinh nghiệm ma thuật của nghệ thuật. Một điều hay là nó có thể hết sức tinh tế, phức tạp trong cách cử tọa đọc tác phẩm của anh ấy. Tôi nghĩ đấy là quyền lực và ma thuật của nghệ thuật, trình diễn thì đơn giản nhưng lại phơi bày được những vỉa tầng tư tưởng. Một tác phẩm khác của Surasi có tên gọi Massage miễn phí. Tôi thấy installation này thật tuyệt vời, mặc dù tôi thậm chí không được massage. Cử tọa có thể được một nhân viên lành nghề phục vụ massage miễn phí trong khung cảnh bảo tàng. Chà, tuyệt làm sao khi chỉ cần nằm xuống giường (nó cũng do nghệ sĩ sắm cho cuộc sắp đặt này), hít thở không gian thoáng đãng của bảo tàng và được massage miễn phí! Các tác phẩm của anh ấy chỉ mới là mấy thí dụ về cái đẹp của nghệ thuật đương đại. Cái đẹp không chỉ còn được hấp thụ thông qua sự tri giác của cặp mắt nữa, mà đã trở thành thể chất và tâm lý.

Nhưng tôi tin chắc là anh ấy không thể nảy ra những ý tưởng tuyệt diệu đó nếu anh nhìn nghệ thuật như một kinh nghiệm tách khỏi đời sống thường ngày của mình. Mọi cái anh ấy thấy đều có thể cung cấp một bối cảnh, một chức năng, hoặc một mục đích mới. Do vậy, một quan niệm mới.
Do đó, như tôi cố chỉ ra cho các sinh viên của mình, chúng ta cũng cần phải quan sát những thứ mà người khác thấy và bắt đầu xây dựng các cách giải thích khác nhau về cái chúng ta thấy. Tôi nghĩ đó là một việc khó khăn, nhưng đó cũng là một phần sự tinh tế mà các họa sĩ chúng ta cần phải phát triển nếu chúng ta muốn đạt tới tiêu chuẩn quốc tế.

Thôi, tôi xin kết thúc sự tham gia của mình ở đây. Cám ơn vì cuộc trao đổi này.
(28.12.02)

© talawas 2002