trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
3.10.2006
Châu Diên
Một số ý kiến về lý luận văn học
 
1.

Trước hết cần thống nhất cách hiểu thế nào là lý luận văn học.

Tức là cần định nghĩa khái niệm đó.

Vậy thế nào là lý luận văn học?

Để định nghĩa cho chắc ăn, ta sẽ tách nó ra, bước một, định nghĩa thế nào là lý luận, rồi tiếp đó, định nghĩa thế nào là lý luận văn học.

Một sự vật muốn đạt tới trình độ lý tưởng thì cần có lý luận, để chỉ ra nội dung và phương thức đưa sự vật đạt tới trạng thái lý tưởng đó.

Thí dụ dễ hiểu nhất có thể tìm thấy trong cái lý tưởng nói đã thành quen miệng về một xã hội độc lập, tự do, hạnh phúc chẳng hạn. Chắc chắn là phải có lý luận cho cái trình độ phát triển xã hội lý tưởng đó.

Thí dụ nữa, ta có thể bắt gặp một sự vật là con người trong lý luận về hai kiểu người lý tưởng của Khổng Tử và Lão Tử. Hai lý tưởng đó khác nhau, nên phương thức tu dưỡng để phát triển thành hai kiểu người lý tưởng đó cũng không giống nhau.

Cũng có thể lấy thí dụ khác trong hai trình độ lý tưởng của một sự vật là cái nhà trường. Có một trình độ lấy phương thức nhồi nhét kiến thức để có sản phẩm cuối cùng là mảnh bằng, và có một trình độ coi nhà trường như một “khu vườn công nghệ cao” để trẻ em tự làm ra sản phẩm trí tuệ của riêng mình.

Còn có thể có vô vàn thí dụ tương tự.

Không một lý luận nào lại không chỉ đạo cho cái sự vật ở trình độ lý tưởng để con người lấy làm mục tiêu vẫy gọi mà thúc đẩy một sự vật vươn tới; và không một nhà lý luận nào lại không bầy vẽ ra con đường cho sự vật đó đạt tới cái lý tưởng ấy.

Lý luận văn học cũng vậy thôi. Đó chính là sự dắt dẫn đi tới cái lý tưởng về một đối tượng, một sự vật xưa nay vốn vẫn là “con văn” hoặc “cái văn” trong đời người, cùng cách thức dắt dẫn cho con kia hoặc cái kia phải đạt đến cái trình độ lý tưởng mong muốn.

Vậy thì, nếu xét trên giả định đó, ta nên suy nghĩ ra sao trước cái giấy mời, bên trên có dòng chữ Hội nghị lý luận (phẩy) phê bình văn học?

Cái giấy mời không có tội khi nó lẫn lộn phạm trù. Nhà tổ chức công cuộc lý luận đó có lỗi. Mà lỗi kiểu này trong xã hội ta cũng không bị coi là nặng lắm đâu, vì đó chỉ là lỗi nói năng quen mồm, lỗi tư duy luộm thuộm.


2.

Khi đã xác định lý luận văn học như cách dắt dẫn cái lý tưởng của cái/con văn, từ đây gọi là Văn viết V hoa, ta dễ dàng hình dung sẽ có thể có nhiều lý luận văn học chứ không chỉ có nhõn một thứ.

Tại sao? Tại vì, nếu bạn thích Văn của bạn vươn theo cái lý tưởng này, thì người khác cũng có thể có cái lý tưởng khác của họ để Văn của họ vươn theo.

Có rất nhiều lý tưởng đó, chứ không chỉ có một lý tưởng, nhưng nếu chỉ kể ra vừa đủ về cái điều mong ước tối thượng kia thôi, thì có lẽ ta có cái lý tưởng Văn phục vụ nhân dân và cái lý tưởng Văn của tính bất tử. Một cái lý tưởng luôn luôn được những người thực dụng vồ vập. Còn một cái thì chỉ dành cho những người không thực dụng.

Hai cái lý tưởng Văn vừa nói trên có trong cả người sáng tác lẫn nhà lý luận chuyên nghiệp. Chỗ khác nhau là, ở nhà lý luận thì cái lý tưởng đó hiện ra một cách tường minh, nói năng uốn éo đến đâu thì cũng hiển ngôn. Còn ở người sáng tác thì lý tưởng đó có khi tường minh song phần nhiều thì mang tính hàm ẩn, thậm chí trong rất nhiều trường hợp, hữu ý hoặc vô tình theo một lý tưởng, nhưng vẫn tỏ ra như là không đếm xỉa gì đến lý luận cả.

Vồ vập nhất với lý luận lại là phe thực dụng. Cách nghĩ và cách “làm” lý luận Văn theo lối thực dụng rất gần với tư duy của nhà cầm quyền các kích cỡ. Cách nghĩ đó bộc lộ ra ở hai điều: một là, gắn lý luận văn học với phê bình hoặc quảng cáo văn học và những “kết quả trông thấy” của tác phẩm văn học, dù chỉ gắn bằng một vài dấu phẩy; và hai là, nhà lý luận đồng thời cũng là kẻ có quyền hành điểm danh tác phẩm văn và ban phát, này thì củ cà rốt này thì cái cây gậy. Dĩ nhiên ban phát khen chê là vì quyền lợi của giới cầm quyền mà nhà lý luận kia được ăn lương (kể cả lương mất sức và lương hưu). Còn “nhân dân” lắm khi cũng chỉ là cái cớ – nhân dân kia cũng có ba bẩy đường!

Ngược với cách nghĩ và làm như thế theo lối trương tuần, dù là trương tuần thổi tù và hoặc nói qua walkie-talkie, đó là cái lý tưởng hay là cái ao ước về Văn như là một hành động vì tính bất tử của con người.

Có ít nhất hai điều kiện cần có để đẩy cái Văn đến tầm lý tưởng như là hành động biểu đạt tính bất tử của con người. Điều kiện thứ nhất là phải có một nhà văn. Điều kiện thứ hai là, nhờ một sự may mắn nào đó, nên nhà văn ấy đã diễn đạt nổi cái Văn theo lý tưởng kia.

Cái gọi bằng sự may mắn của nhà văn nằm ở cả hai vùng, một vùng khách quan, đó là nơi để nhà văn tiếp xúc được với cái bất tử của con ngưòi, và một vùng chủ quan, là năng lực biểu đạt cái tính bất tử ấy. Nhà văn tuỳ theo nhân cách của mình sẽ có cách riêng để nhập làm một với cái vùng khách quan nơi gặp gỡ tính bất tử của con người. Vùng khách quan thì dễ thấy, còn cái vùng chủ quan thì vô cùng mờ mịt, song đó mới lại chính là cái địa điểm cần khảo sát của nhà lý luận văn học.

Công việc nghiên cứu vào tâm lý sáng tác cần được các nhà lý luận quan tâm hơn, chứ không phải công việc chúi mũi nghiên cứu các sản phẩm văn đã ra đời.


3.

Tâm lý sáng tác là một vấn đề mang tính thách thức. Nếu không, nó đã chẳng bị bỏ trống biết bao nhiêu năm!

Vì vậy, tạm thời hãy lý giải bằng thí dụ thì có lợi hơn.

Đây là thí dụ thứ nhất:

Khi suy ngẫm hoặc nghiên cứu tâm lý sáng tác văn, ta sẽ nhận ra vì sao Nguyên Ngọc lại viết và viết thành công Đất nước đứng lênRừng xà nu. Con người ấy, nhờ một sự tình cờ của lịch sử đã được sống trong thế giới Đam San vào thời hiện đại. Cũng con người ấy, nhờ một sự cộng hưởng của một tư chất lãng mạn trong một cậu học trò ra trận, nên cũng dễ dàng thả hồn mình vào những hình ảnh giản dị hồn nhiên mang chất anh hùng ca ngay trong thời đại mới. Đất nước đứng lênRừng xà nu ra đời theo cung cách “khách quan và chủ quan” mang tính sử thi như vậy.

Đây là thí dụ thứ hai:

Ta có nên coi những truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đích thực là “truyện ngắn” không? Ta cũng có nên coi “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư đích thị là “truyện ngắn” như vẫn gán cho nó? Nghĩ rằng nên coi nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp và riêng “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư là tiểu thuyết. Vì sao? Vì cái tâm lý nung nấu của người viết đối với các tác phẩm “ngắn” đó. Tâm lý đó khiến cho sau khi ra đời, tác phẩm không còn là một “truyện ngắn” nữa, hiểu theo nghĩa sự hình thành truyện ngắn trong tâm lý tác giả như là cùng dạng hình thành tậm lý khi làm ra một bài thơ. Hệ quả là, sản phẩm sẽ được coi là “truyện ngắn” đích thực khi nó gần với phẩm chất sinh thành một bài thơ. Khi nào “truyện ngắn” hừng hực một không khí bi thương trong một môi trường bi thương, thì dù ngắn như “A. Q chính truyện”, như “Chí Phèo”, như “Tướng về hưu” hoặc “Cánh đồng bất tận” thì đó vẫn là những “đoản thiên tiểu thuyết”.

Có lẽ nên có một thí dụ nữa cho đủ quá tam ba bận:

Đó là trường hợp tác phẩm Jean-Christophe của Romain Rolland. Dù “tiểu thuyết” này được viết trong hơn chục năm mới xong, dù nó in ra thành nhiều tập, ta vẫn không nên coi đó là “trường thiên tiểu thuyết”, mà vẫn chỉ nên coi đó là một bài thơ dài. Cái bố cục không chặt là dấu hiệu đầu tiên dễ thấy nhất – nói cho chính xác, Romain Rolland thừa biết về bố cục, nhưng tâm lý sáng tạo của một nhà thơ trong con người viết văn xuôi đó khiến ông không tự trói mình vào bố cục như các nhà tiểu thuyết đích thực khác. Chưa hết, cái bố cục còn lỏng lẻo đến độ cố ý! Nhân vật chạy theo một tuyến hàng dọc, có nhiều nhân vật một đến một đi không quay lại, không quy tụ theo những cuộc trùng phùng. Những nhân vật và chi tiết ta gặp như những cánh hoa, những con suối, những mỏm đồi ta bắt gặp trên đường thiên lý ta đi và cũng không hẹn gặp lại – con đường thiên lý cuộc đời mỗi con người vĩ đại vì trái tim vĩ đại chứ không vì chiến tích vĩ đại, như chủ đề của bộ tiểu thuyết Jean-Christophe.


*


Xác định về lý luận văn học một cách khách quan, khoa học, sẽ giúp ta tôn trọng sự hình thành và cùng ganh đua vì những lý tưởng Văn khác nhau và tôn trọng nhau.

Xác định cái lõi của nghiên cứu tác giả và tác phẩm theo tâm lý học sáng tạo nghệ thuật sẽ giúp các nhà lý luận tránh được lối mòn khen chê tuỳ tiện.

Một hệ quả quan trọng khác, ấy là sự dân chủ hoá công việc dạy Văn cho thế hệ trẻ và công việc cảm thụ Văn cho tất cả các thế hệ đang cùng sống với nhau đây, ít ra là tránh không để một cô bé quàng khăn rằn yếu đuối bị đe doạ đuổi biệt xứ khỏi Cánh đồng đát phèn bất tận miệt Cà Mau.

(Tham luận gửi Hội nghị Lý luận, phê bình văn học cũa Hội Nhà văn Việt Nam tại Đồ Sơn trong hai ngày 04 và 05 tháng 10.2006)

Biệt thự Thu Trang, 28-9-2006


© 2006 talawas