trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
4.10.2006
Trần Hữu Thục
Hiện tượng chống Mỹ
 1   2   3 
 
Nhà văn Ý Ignazio Silone có lần viết: “Nước Mỹ ở khắp mọi nơi”.

Có lẽ đúng thế! Hầu như không có nơi nào trên thế giới mà thiếu dấu vết Mỹ: đó có thể là các tòa đại sứ nguy nga, là những căn cứ quân sự to lớn cùng với bom đạn, máy bay, xe cộ dềnh dàng, cũng có thể là những sách báo, phim ảnh, xe hơi, áo quần đầy ấn tượng, là vô số các thứ lỉnh kỉnh khác như giày dép, hộp quẹt, kẹo bánh, giấy bút, đồ chơi,… và cả… tiếng Mỹ. Chúng mang lại những gì rất mới, rất tiện lợi, rất văn minh đồng thời với những gì rất đáng ngại: tạp chí Playboy, phim pornography, đồng đô la và đôi khi… cả chiến tranh. Thế cho nên trong cả thế kỷ qua, Mỹ là một giải pháp mà đồng thời cũng là vấn đề của thế giới. Sự thành công hay thất bại và những sai lầm của nó, cách này hay cách khác, đều có một ảnh hưởng đáng kể trên tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của cả hành tinh. Tuy thế, bàn đến nó không phải là điều đơn giản như bàn về một nước nào đó, Trung Quốc hay Pháp, chẳng hạn. Mỹ là một cái gì khác hơn, đa dạng hơn và phức tạp hơn một đất nước bình thường khác.

Với mọi người trên thế giới, Mỹ mang tính nhị nguyên. Nói đến Mỹ là nói đến sự hùng mạnh, giàu có, năng động và tự do đồng thời cũng là nói đến bạo động, bá quyền, bất bình đẳng và phân biệt chủng tộc. Mỹ vừa là kẻ gây lắm rắc rối mà cũng là người cứu chuộc. Tòa Đại sứ Mỹ ở một nước Phi châu nào đó vừa là mục tiêu hàng đầu mà những tổ chức khủng bố nhắm đến để phá sập nhưng đồng thời cũng vừa là nơi mà những người dân nước đó cố tìm vào bằng mọi giá để được cấp chiếu khán đến Mỹ, biến giấc mộng vàng mà họ khát khao thành sự thật. Mỹ là kẻ thù mà cộng sản Việt Nam (CSVN) tìm mọi cách để thắng, bây giờ lại mở rộng vòng tay mời kẻ thù trở lại và đưa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cán bộ đến Mỹ thăm viếng, học tập: Trung tâm William Joiner (Boston) đón tiếp cả hàng trăm nhà văn nhà thơ từ Việt Nam sang nghiên cứu, hội thảo về chiến tranh từ sau 1975. Chưa bao giờ Mỹ và CSVN lại thân thiện như hiện nay.

Khi Mỹ là giải pháp thì OK: viện trợ, tham quan (như chuyến viếng thăm của thủ tướng CSVN Phan Văn Khải năm 2005 vừa rồi). Khi là vấn đề, thì: chống Mỹ. Và xu thế chống Mỹ cũng ở khắp mọi nơi. Không chỉ ở thế giới Hồi giáo, ở các nước Châu Mỹ Latinh, các nước Phi châu hay ở Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Bắc Hàn mà ở cả những đồng minh thân thiết nhất của Mỹ là các nước Tây Âu. Và lạ lùng hơn là… ngay cả trong nước Mỹ. Mỹ đã là một vấn đề, vẫn còn là vấn đề và càng là vấn đề, nhất là sau biến cố 11/9.

Biến cố đó, thật trớ trêu, không giảm bớt cường độ chống Mỹ chút nào mà trái lại, còn chuyển biến nó thành một hình thức kỳ dị, đôi khi có tính cách bệnh hoạn. Ở một số nơi trên thế giới, nhiều người dân không những tỏ ra mừng rỡ trước biến cố 11/9 mà còn thống trách nạn nhân (tức là Mỹ) hơn là trách những kẻ khủng bố. Nhất là sau khi Mỹ tấn công Afghanistan và Iraq trong một nỗ lực toàn cầu chống khủng bố theo một cung cách rất… Mỹ. Các thăm dò dư luận quốc tế về thái độ của thế giới đối với Mỹ do Pew Research Center [1] tiến hành cho thấy uy tín của quốc gia Hoa Kỳ trụt giảm một cách thê thảm trên toàn thế giới. Xu thế chống Mỹ gia tăng, nhất là tại các nước Hồi giáo và Âu châu. Theo thăm dò năm 2002, ở 34 trong số 43 nước, phần lớn dân chúng không muốn xứ sở của họ chịu ảnh hưởng của Mỹ. Thăm dò tháng 3/2005 cho thấy, đại đa số người dân ở các nước Đức, Ý và Anh xem Mỹ là xứ sở phân biệt chủng tộc, bạo động và ưa thống trị. Tỷ lệ của những người có cảm tình với Mỹ chỉ 48% ở Anh, 31% ở Pháp và 14% ở Tây Ban Nha.

Nhiều người Trung Quốc tin rằng chính Mỹ là thủ phạm gây ra bệnh dịch SARS [2] ở Trung Quốc năm 2003; các lãnh tụ Hồi giáo tại Nigeria không cho chích ngừa thuộc chủng chống sốt tê liệt cho trẻ em vì sợ rằng đó là âm mưu của Mỹ gây ra bệnh AIDS ở Phi châu, nhằm vào dân cư theo đạo Hồi. Thậm chí, Anh là đồng minh thân thiết nhất của Mỹ trong cuộc chiến tranh Iraq thế nhưng đa số người dân ở đó, qua các cuộc thăm dò dư luận, xem Mỹ là đe dọa lớn nhất cho hòa bình thế giới không thua gì Iran và Bắc Hàn. Một vài cuốn sách xuất bản ở Pháp và Đức cho rằng biến cố 11/9 là một âm mưu của Mỹ do cơ quan tình báo Mỹ phối hợp cùng các tổ hợp kỹ nghệ-quân sự thực hiện nhằm kiếm cớ để gây chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Điển hình là tác phẩm September 11, A Big Lie, (được bày bán tại Mỹ từ cuối tháng 8/2002) dịch từ nguyên tác Pháp văn L'Effroyable Imposture (Sự dối trá đáng sợ) của một tác giả thuộc tả phái có tên là Thierry Meyssan, cựu lãnh tụ của đảng Xã hội cấp tiến Pháp. Là một nhà lý thuyết về âm mưu (conspiracy theorist), ông cho rằng thảm kịch 11/9 chỉ là một sự lừa dối vĩ đại của chính phủ Mỹ. Theo tác giả này, nhân dân thế giới cũng như nhân dân Mỹ hoàn toàn bị tung hỏa mù, tưởng rằng đó là sản phẩm của một vụ khủng bố quốc tế.

Cuộc thăm dò được thực hiện vào tháng 6/2005 của Pew Charitable Trusts [3] cho thấy dân chúng tại nhiều nước vẫn có ấn tượng tiêu cực về Hoa Kỳ mặc dù Tổng Thống Bush cố gắng trình bày một hình ảnh khác đi. Bản phúc trình thường niên của Pew Charitable Trusts nhấn mạnh một điểm là tại nhiều nước Âu châu, vốn là đồng minh lâu năm của người Mỹ, Hoa Kỳ không được cảm tình bằng Trung Quốc. Ngay tại Anh, đồng minh số một của Hoa Kỳ, gần 2/3 người được hỏi cũng nói họ có cảm tình với Trung Quốc hơn. Giám đốc của Pew Charitable Trusts nhận xét rằng ác cảm đối với Hoa Kỳ dường như xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới và khó lòng thay đổi được điều đó [4] . Bản phúc trình thường niên năm 2006 - cũng của cơ quan thăm dò này công bố vào giữa tháng 6/2006 - cho thấy hình ảnh của Hoa Kỳ trên thế giới chẳng những không cải tiến hơn chút nào mà còn có dấu hiệu tệ hơn [5] .

Đa số cho rằng chính quyền Bush và chính sách chống khủng bố, đặc biệt là vụ xâm chiếm Iraq, là nguyên nhân chính gây ra tình hình này.

Không hẳn như thế. Theo nhận định của những nhà chuyên môn, đó chỉ là một phần sự thật. Tổng thống Bush rõ ràng làm bùng nổ hiện tượng chống Mỹ, nhưng hiện tượng đó lớn hơn nhiều so với cá nhân của một tổng thống hay là của một chính sách. Trong quá khứ, rất nhiều lần, một số chính sách giai đoạn nào đó của Mỹ cũng gây ra nhiều phản ứng giận dữ trên toàn thế giới, như chiến tranh Việt Nam chẳng hạn. Sau đó, khi mọi chuyện qua đi thì thứ tình cảm đó lắng xuống nhưng không hề biến mất. Sư sai lầm của một chính quyền hay một chính sách chỉ làm nổi bật lên thứ tâm lý chống Mỹ tiềm tàng, tồn tại từ lâu, rất lâu, ngay từ khi nước Mỹ mới được thành lập. Chưa có dấu hiệu cụ thể nào cho thấy là hiện tượng đó sẽ chấm dứt trong một thời gian có thể nhìn thấy trước, cho dù bản thân chính quyền Bush hay các chính quyền kế tiếp tìm cách sửa chữa lại những sai lầm của mình.

Hiện tượng chống Mỹ (HTCM) [6] tạm dịch từ chữ anti-Americanism. Thực ra, từ này có thể hiểu theo nhiều cách, tùy trường hợp: tình cảm chống Mỹ (anti-American sentiment) hay thái độ chống Mỹ hay phong trào chống Mỹ. Cũng có thể hiểu là chủ nghĩa chống Mỹ. Xét về nhiều mặt, HTCM có vẻ như là một xu hướng hơn là một hệ thống gồm những niềm tin và phán đoán chặt chẽ nào đó. Nó là một nhãn hiệu chứa đựng ít ra là ba nội dung khác nhau:
  • hống lại các chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ;

  • chống lại bất cứ cái gì mang tính cách Mỹ, từ cách sống, các hình tượng, vật dụng, sản phẩm và người dân của nó;

  • chống lại “Hiện tượng Mỹ” (Americanism) [7] , bài bác cái gọi là “Tín điều Mỹ” (American Creed). Trong một số trường hợp, HTCM được một số nhà trí thức Âu châu hệ thống hóa lại trong một số ý niệm căn bản đưa đến một cái gì từa tựa như một lý thuyết, một “chủ nghĩa” (sẽ được trình bày ở phần sau).
Anti-Americanism có trước khi thuật ngữ chỉ nội dung của nó xuất hiện. Tuy nhiên, người ta không biết cụm từ này ra đời từ thời điểm nào. Từ Americanism xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ 19, được dùng trong và ngoài nước Mỹ khá lâu trước từ anti-Americanism và chắc chắn là lâu hơn nhiều so với cách dùng hiện nay của chúng ta. Nhưng vì có tiếp vĩ ngữ “ism”, người ta đoán rằng từ anti-Americanism ra đời vào cỡ những năm thập niên 1920 và 1930, là thời của sự phát triển các lý thuyết gọi là ý thức hệ.


I. Lịch sử của Hiện tượng chống Mỹ

HTCM xét như là một xu hướng văn hóa và chính trị có thể được xác định bởi lịch sử của nó hay bởi sự nghiên cứu diễn tiến tất cả những hình thức phổ biến nhất có tính cách thù nghịch với quốc gia, dân tộc, với nền văn minh và với những hành động trên thế giới của Mỹ trong tất cả các biểu hiện của nó. Các nhà nghiên cứu chia HTCM ra làm năm giai đoạn [8] .
  • Giai đoạn sơ khai - từ trước khi nước Mỹ được thành lập (1776). Người ta lập luận rằng vùng đất mới là vùng đất suy đồi, hình thành nên một lý thuyết gọi là lý thuyết suy đồi, cho rằng vùng đất dó sẽ không thể là nơi sống còn được.

  • Giai đoạn từ ngày lập quốc (1776) cho đến Nội chiến Mỹ (Civil War) - (1861-1865). Khi nước Mỹ đã trở thành một thực tế và đang càng ngày càng phát triển thì người ta cho rằng Mỹ là một phòng thí nghiệm chế độ dân chủ. Nhưng đây là một xứ sở không vua, không truyền thống, không tôn giáo chính thức, nghĩa là vô căn (rootless), nên dân chủ sẽ thất bại. Immanuel Kant (1724-1804) cho rằng Mỹ là một thứ chủng tộc hạ cấp (sub-race), bán thoái hóa (half-derenerate), vô văn hóa và giả tạo. Samuel Johnson (1709-1784 ), nhà soạn tự điển vĩ đại của Anh, cho rằng người Mỹ là những người yêu tự do một cách giả dối, đạo đức giả, những kẻ ăn cắp, bách hại thổ dân và người da đen. “Tôi yêu cả nhân loại, chỉ trừ người Mỹ”, Johnson khẳng định [9] .

  • Giai đoạn từ sau Nội chiến Mỹ đến cuối Thế chiến II (1945). Nước Mỹ trở nên hùng mạnh thật sự, nhất là sau khi giành thắng lợi vang dội trong chuộc chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha (1898) rồi tiếp đó là vai trò hàng đầu trong hai cuộc Thế chiến, Mỹ trở thành nhân tố của chiến thắng và tái lập hòa bình quốc tế. Cùng với sức mạnh quân sự, ta thấy kỹ nghệ truyền thông, ngành giải trí và chính sách ngoại giao Mỹ bắt đầu ảnh hưởng mạnh mẽ ở Âu châu. Đối với tầng lớp ưu tú Âu châu, Mỹ được xem như là một xã hội mới giàu lên, đầy đầu óc cá nhân chủ nghĩa và có xu hướng biệt lập, chẳng có ích lợi gì cho thế giới về văn hóa và tri thức. Nhà văn Pháp Henry Montherlant (1895-1972), qua miệng một nhân vật tiểu thuyết, cho rằng Mỹ là: “Một quốc gia tìm cách hạ thấp trí tuệ, luân lý, phẩm tính con người hầu như trên tất cả bề mặt địa cầu, một điều như thế không bao giờ có trước đây trên hành tinh. Tôi tố cáo Mỹ vì đó là một nhà nước tội phạm chống lại nhân loại” [10] . Sigmund Freud, cha đẻ của học thuyết phân tâm, cho rằng: “Mỹ là một lỗi lầm, một lỗi lầm khổng lồ” [11] .
Rõ ràng là sự kiêu ngạo, khinh miệt của Âu châu mất dần, nhưng tinh thần chống Mỹ lại lan rộng, tăng cao và đầy cay đắng. Người Châu Âu bắt đầu nhìn Mỹ với một thái độ ganh tỵ về sự thành công và giàu có của nó đi đôi với cảm giác bất lực, về cả ngoại giao lẫn thương mại. Nhất là khi Mỹ thi hành “chủ nghĩa Monroe” (Châu Mỹ chỉ dành cho người châu Mỹ), cấm không cho bất cứ quốc gia nào đụng đến Tân Thế Giới. Thời kỳ giữa hai cuộc Thế chiến, các sản phẩm và lối sống Mỹ liên tục tràn ngập Âu châu với một hiệu quả phi thường. Thập niên 1930 chứng kiến một Âu châu vùng vẫy cố thoát ra khỏi sự chi phối về mọi mặt của lối sống Mỹ. Sách, báo, tạp chí đủ loại đủ kiểu liên tục tung ra các bài viết phê phán, chỉ trích, chê bai Mỹ không tiếc lời, từ những bài nghiên cứu hàn lâm rất công phu với nhiều dữ kiện đầy tính cách thuyết phục cho đến đủ loại suy luận ấu trĩ lẫn vào với những thông tin vô căn cứ. Mục đích là tìm cách đánh tan ảnh hưởng của Mỹ trong xã hội Âu châu.

- Từ sau Đệ nhị Thế chiến đến khi chấm dứt Chiến tranh lạnh: chỉ trừ khối cộng sản, Mỹ chinh phục toàn thế giới hầu như trên tất cả mọi phương diện: chính trị, kinh tế, quân sự, nếp sống. Lần này, HTCM được tăng cường thêm một yếu tố mới: chính sách ngoại giao của Mỹ được hình thành trên đồng đô la và áp lực hiện đại hóa. Một sự sợ hãi toàn diện về bá quyền Mỹ bắt đầu ám ảnh Âu châu trong suốt thập niên đầu tiên thời hậu chiến. Dẫu vậy, do nhu cầu chống lại khối cộng sản, HTCM tạm thời lắng xuống. Hơn nữa, ảnh hưởng Mỹ lại được tiếp sức bởi thế hệ nổi loạn của Âu châu vào hai thập niên 50 và 60. Trong lúc thách thức với các định chế lỗi thời, đột nhiên thế hệ tuổi trẻ này tìm ở văn hóa Mỹ một cảm hứng mới, khiến cho HTCM vốn là cái gì đáng trân trọng, bỗng trở nên khôi hài, lạc điệu.

Tuy nhiên, khi cuộc chiến Việt Nam trở thành điểm nóng toàn cầu, các chính phủ liên tiếp của Mỹ bộc lộ nhiều sai lầm trầm trọng, tinh thần chống Mỹ lại được hun đúc bằng nhiều yếu tố xuất phát từ thực tiễn. HTCM tìm thấy lại giá trị thuyết phục của mình do chính hiện thực Mỹ cung cấp: một nước Mỹ phơi bày đủ nét thô lỗ, kiêu ngạo, chia rẽ trầm trọng và cũng nếm mùi thất bại như bất cứ nước nào khác (trong cuộc chiến tranh Việt Nam).

- Từ sau Chiến tranh lạnh: Liên Xô và khối cộng sản sụp đổ, Mỹ trở thành siêu cường độc nhất. Không còn sự đe dọa của chủ nghĩa cộng sản, Mỹ đột nhiên mất đi lợi thế của một kẻ bảo vệ. Và điều trớ trêu xảy ra: HTCM có cơ hội phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, tình hình chống Mỹ không như trước. Người ta không còn kịch liệt bài xích tất cả những gì dính dáng đến Mỹ, những gì Mỹ đại diện hay hành xử nữa mà thay vào đó là cuộc tranh đấu chống lại một số mệnh không tránh được giữa sự hội tụ (convergence) và đồng hóa (hemogenization) theo mẫu của Mỹ, để duy trì ít nhất một cảm giác bình đẳng trong một tình hình luôn luôn mất cân bằng. Không có một nước Âu châu nào cảm thấy mình có thể sánh được với Mỹ: sự bành trướng không ngưng nghỉ của điện ảnh Holywood, của khoa học không gian, của vệ tinh truyền hình, của máy điện toán và vũ khí. Có một cảm giác hoàn toàn bất lực khi đối phó với khả năng tổng hợp đa dạng, chồng chất của Mỹ trong bất cứ lãnh vực nào. Tính cách sáng tạo và ứng biến của nó là không lường được. Một ví dụ điển hình là sự xuất hiện vừa thực vừa hư của hệ thống truyền hình CNN siêu quốc gia 24/24 giờ vào đầu thập niên 1980 cùng lúc với sự bành trướng quân sự của Mỹ mà đỉnh cao là chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 hay sự phát triển thần kỳ của mạng lưới điện toán toàn cầu trong thập niên vừa qua.

Xu thế chống Mỹ ghi được một thắng lợi lớn (tuy không toàn vẹn) khi Mỹ đơn phương quyết định tấn công Iraq: Pháp, Đức và một số nước khác kiên trì, không khuất phục trước các áp lực của Mỹ khiến cho Mỹ gặp phải rất nhiều lao đao về ngoại giao cho đến hiện nay. Max Gallo của tờ Le Point phấn khởi viết: “Người Mỹ, được thúc đẩy bởi sự kiêu ngạo và sức mạnh quân sự của họ, hình như đã quên rằng không phải mọi sự đều được giải quyết bằng sức mạnh của vũ khí. Dân tộc nào cũng có một lịch sử, một tôn giáo, một xứ sở” [12] .


II. Hiện tượng chống Mỹ ở các nước Ả Rập

Xu thế chống Mỹ ở các nước Ả rập là một hiện tượng tương đối mới, xuất phát từ nhiều yếu tố khá phức tạp, đan xen nhau nên rất khó tìm ra một nguyên nhân chính xác. Đại thể, ta có thể quy vào hai điều: một là, các chính sách của Mỹ đối với nước Hồi giáo, hai là sự khác biệt giữa Hồi giáo và Thiên chúa giáo nói chung.

Về điểm thứ nhất, HTCM xuất phát từ chính sách của Mỹ đối với các nước Ả Rập:

- Mỹ ủng hộ Israel trong cuộc tranh chấp giữa Israel với Palestine và các nước Ả Rập. Trong suốt hơn 50 năm qua, Mỹ đứng trên cùng lập trường với Israel trong hầu hết các cuộc đụng độ, hoàn toàn trái ngược với quan điểm của các nước Ả Rập. Mỹ không bao giờ thẳng thắn lên án Israel ngay cả những lúc Israel hoàn toàn sai trái. Mỹ không bao giờ yêu cầu Israel rút quân ra khỏi các vùng đất chiếm đóng của Ả Rập. Tại Liên Hiệp Quốc, Mỹ luôn luôn phủ quyết bất cứ nghị quyết nào bất lợi cho Israel. Mặt khác, Mỹ viện trợ hết sức dồi dào cho Israel cả về kinh tế lẫn quân sự. Không có sự viện trợ lớn lao và liên tục này, Israel không bao giờ thắng được các nước Ả Rập. Điều đó cho thấy chính sách của Mỹ là thiên vị, phân biệt chủng tộc.

- Mỹ áp dụng một chính sách hàng hai đối với các nước Ả Rập. Trong lúc Mỹ ủng hộ hết mình một số các nước và đặt căn cứ quân sự tại đó như Saudi Arabia, Qatar, Bahrain, Ai Cập, Jordan, Morocco thì Mỹ lại thù nghịch với một số nước Ả Rập khác như Syria, Lybia, Iraq, Iran, đưa đến các cuộc không kích, cấm vận, xâm lăng. Việc thiết lập các căn cứ quân sự, sự hỗ trợ một số chính phủ Ả Rập thân Mỹ cũng như cuộc xâm lăng mới đây ở Afghanistan và Iraq nằm trong ý đồ chiến lược của Mỹ nhằm vẽ lại bản đồ các nước Ả Rập, kiểm soát các mỏ dầu hỏa, phục vụ cho quyền lợi lâu dài của Mỹ.

- Mỹ thiếu nhất quán trong chính sách ngoại giao. Một mặt, Mỹ luôn luôn đề cao việc hỗ trợ dân chủ và nhân quyền, nhưng mặt khác, Mỹ lại hỗ trợ các chế độ độc tài nhằm giữ các chế độ này tiếp tục nắm quyền.

Tóm lại, theo một số nhà nghiên cứu quan hệ Mỹ-Ả Rập như Ussama Makdisi thì: “Tình cảm chống Mỹ là một hiện tượng diễn ra do các chính sách của Mỹ chứ không phải là một cuộc “đụng độ giữa các nền văn minh” (clash of civilizations) như Samuel Huntington [13] quan niệm. Sự thù nghịch với Mỹ tập trung vào một số chính sách đặc biệt nào đó, chứ không phải đối với nước Mỹ hay nhân dân Mỹ. Hàng ngàn người Mỹ làm việc hay du lịch sang các nước Ả Rập đều được đón tiếp thân tình, không có những cử chỉ thô bạo nào. Mặt khác, nhiều người Ả Rập mơ ước được du học, định cư hay làm việc ở Mỹ. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy một số đáng kể các người Ả Rập bình thường rất ngưỡng mộ nền giáo dục Mỹ, sự tự do Mỹ, nền khoa học, phim ảnh, truyền hình Mỹ và dân Mỹ nói chung. Sự yêu/ghét Mỹ không xuất phát từ cội nguồn văn hóa mà xuất phát từ những gì người Mỹ thực hiện đối với các nước Ả Rập. Họ không chống lại các giá trị về tự do, dân chủ, bình đẳng và lòng khoan dung của nước Mỹ.

Tuy nhiên, đề cập đến tình hình khủng bố từ các nước Ả Rập, Paul Berman, trong một bài báo đăng trên New York Times, “The Philosopher of Islamic Terror” [14] , cho rằng: thái độ chống Mỹ không chỉ là sự giận dỗi đối với một số chính sách nào đó mà xuất phát từ một quan niệm triết lý hẳn hoi do Sayyid Qutb – một trí thức Ai Cập - đề xướng, theo đó, chủ nghĩa đế quốc Tây Phương chẳng có gì khác hơn là sự nối tiếp cuộc Thập Tự Chinh thời Trung cổ chống Hồi giáo. Qutb vạch rõ ông chủ trương chống Mỹ đến cùng không phải do những sai lầm của nó mà do ở chỗ những nguyên tắc căn bản hình thành nên nó. Nói cách khác, Qutb chống Mỹ không phải vì Mỹ thất bại trong nỗ lực của họ xây dựng một xã hội tự do dân chủ mà chính là vì nỗ lực của họ để xây dựng một xã hội như thế. Mối hiểm nguy thực sự ở Hoa Kỳ không phải ở chỗ chủ nghĩa tư bản hay chính sách ngoại giao hay sự phân biệt chủng tộc hay quan niệm về nữ quyền mà còn nằm ở chỗ chủ trương phân cách giữa Nhà nước và Giáo hội. Điều đó, theo ông, là di sản chính trị sai lầm của Thiên chúa giáo: phân cách giữa cái thiêng liêng và cái trần tục.

Vậy sự tranh chấp giữa Tây phương và Hồi giáo chủ yếu là “ý thức hệ”, tức là tôn giáo. Qutb muốn tất cả những tín đồ Hồi giáo phải hiểu rõ điều đó và hô hào tiến hành một cuộc thánh chiến liên tục, bền bỉ cho đến khi thắng lợi hoàn toàn [15] .


III. Hiện tượng chống Mỹ ở châu Mỹ Latinh

Địa lý và lịch sử giữa Mỹ và các nước châu Mỹ đan bện vào nhau trong suốt mấy trăm năm. Xứ nào càng gần Hoa Kỳ, những mối ràng buộc lại càng phức tạp và khúc mắc. Tổng thống Mexico Profirio Diaz có lần than thở: “Pobré Mexico, tan lejo de Dios y tan cerca de los Estados Unidos” (Hỡi xứ Mexico tội nghiệp, quá xa Thượng Đế và quá gần Mỹ). Trong thực tế, Mỹ luôn luôn xem các nước Châu Mỹ La tinh như là “el patio de abás” (back yard - sân sau) của Mỹ. Sân sau là gì? Sân sau là nơi anh tạm thời cất giữa những thứ mà anh không hay chưa cần, nơi anh ngồi dưới nắng uống bia, gãi ngứa, dắt chó đi tiêu đi tiểu, là khoảng không gian anh quay lưng lại, đóng cửa và không lo lắng gì, đó cũng là nơi anh trồng cây và làm vườn. Tương quan Mỹ- Châu Mỹ Latinh y như tương quan giữa chủ nhà và khoảng không gian đằng sau nhà là như thế. Nó trở thành mối quan hệ chính thức giữa hai thực tại. Kết quả là Mỹ tạo ra các chế độ độc tài quân phiệt ở vườn sau để dễ sai bảo. Tuy vậy, quan hệ đó không luôn luôn ổn định: love-hatred, yêu và thù. Khi cơm lành canh ngọt, Mỹ cư xử y như những người bạn chân thành. Khi cơm không lành, canh không ngọt thì Mỹ sẵn sàng xem như kẻ thù: lật đổ và trừng phạt không nương tay [16] .

Đầu thế kỷ thứ 19, Mỹ bắt đầu bành trướng đất đai và kinh tế tại các nước châu Mỹ. Sau khi cho ra đời chủ thuyết Monroe và tiếp đó trong suốt thế kỷ 19, Mỹ thực hiện nhiều cuộc can thiệp quân sự gây ra chiến tranh Mỹ-Mexico, chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha, lần lượt đưa quân đến Panama để đào kênh, chiếm quần đảo Haiti, cộng hòa Dominic, Nicaragua rồi Cuba, Puerto Rico. Từ năm 1869 đến 1897, trong vòng chưa tới 20 năm, Mỹ đã thực hiện tất cả khoảng chừng … 5980 hành động quân sự chống các nước Châu Mỹ La tinh. Sau cuộc chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha, tình cảm chống Mỹ ở châu Mỹ dâng cao. Nhân dân các nước đó tỏ ra căm thù Mỹ, tiến hành nhiều hành động phá hoại các quyền lợi và cơ sở Mỹ tại nước họ. Các chính trị gia và các nhà văn gọi Mỹ bằng những danh từ như “đế quốc”, “bọn can thiệp”. Từ năm 1920, các học giả và báo chí Mỹ Latinh sử dụng danh từ Yankee để chỉ Mỹ, tạo nên một thứ tình cảm bài ngoại gọi là Yankeephobia (tinh thần bài Mỹ).

Sau Đệ nhị Thế chiến, dưới thời Chiến tranh lạnh, trong quá trình bành trướng ý thức hệ cộng sản trên toàn thế giới, Liên Xô và Trung Quốc đưa cán bộ tuyên truyền vào châu Mỹ. HTCM bây giờ mang thêm sắc thái mới, trở nên rộng và sâu vì được tiếp sức bởi lý thuyết cộng sản cũng như bởi sự hình thành các nước Thế giới thứ ba (Third World) tập hợp để tạo thành Phong trào Không Liên Kết. HTCM bây giờ bao gồm cả chống tư bản chủ nghĩa, chống vật chất chủ nghĩa, chống đế quốc chủ nghĩa và nêu bật tinh thần ái quốc. Từ năm 1960, Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu sử dụng từ anti-Americanism để chỉ các cuộc nổi loạn chống Mỹ ở các nước thế giới thứ ba, trong đó có các nước châu Mỹ Latinh. Dần dần, từ chính trị, từ ngữ này mang thêm ý nghĩa tâm lý. Nhân dân ở đây vừa ngưỡng mộ sự thành công và giàu có của Mỹ đồng thời vừa đau đớn và sợ hãi. Đã thế, người Mỹ lại luôn tìm mọi cách khoe khoang sự giàu mạnh của mình mà không chú ý đến tình cảm của nhân dân trong các nước này. Y như những người trong xóm thấy người láng giềng giàu có thì vừa thèm muốn vừa giận dỗi lại vừa mặc cảm.

Trong thế kỷ 20, Mỹ đàn áp tất cả mọi nỗ lực cải cách dân chủ và tự trị về kinh tế của các nước Trung và Nam Mỹ. Lợi nhuận của chính sách này tuôn về hết ở thủ đô tài chánh thế giới Wall Street. Viên tướng huyền thoại Smedley Butler trong công cuộc chinh phục Nam Mỹ đã tóm tắt vai trò của ông ta trong cái được gọi là “chiến tranh như một cuộc kinh doanh” như sau: “Tôi giúp làm cho nước Honduras trở thành “hợp lý” cho các công ty trái cây Mỹ vào năm 1903. Tôi giúp làm cho Mexico, đặc biệt là Tampico, trở nên an toàn cho các quyền lợi dầu hỏa Mỹ vào năm 1914. Tôi giúp làm cho Haiti và Cuba trở thành nơi tươm tất cho các quý vị nhân viên Ngân Hàng National City thu thập lợi nhuận vào. Tôi đã giúp chiếm đoạt nửa tá nước cộng hòa Trung Mỹ vì lợi nhuận của Wall Street. (…) Tôi giúp làm trong sạch nước Nicaragua để xây dựng trụ sở Ngân hàng quốc tế của Brown Brothers từ 1909 đến 1912. Tôi mang ánh sáng đến cho Cộng Hoà Dominic để bảo vệ an toàn cho quyền lợi Mỹ vào năm 1916” [17] .


IV. Hiện tượng chống Mỹ ở Âu châu

Nếu HTCM ở các nước Hồi giáo hay châu Mỹ Latinh xuất phát từ các chính sách của Mỹ, nghĩa là từ thực tế, thì HTCM ở Âu châu xuất phát từ tư tưởng và xuất hiện ngay từ lúc nước Mỹ mới thành lập. Những khảo sát mới đây về nguồn gốc tri thức ở trong các trào lưu chống Mỹ cực đoan trong Hồi giáo, ngoài một số yếu tố về địa lý và tôn giáo, chịu ảnh hưởng khá sâu đậm của các dòng tư tưởng phương Tây.

Châu Mỹ, trước hết là một sản phẩm thuần túy Châu Âu. Ngay trước khi khám phá ra Tân Thế Giới, người Âu châu đã mơ tưởng đến một vùng đất mới, một thứ “terre promise” giúp họ thoát khỏi lục địa Châu Âu già nua, cũ kỹ và rối rắm. Theo Alfonso Reyes, Châu Mỹ là “một vùng đất mơ ước trước khi đuợc tìm thấy” [18] bởi vì người Âu châu đã nhìn thất mọi khía cạnh của nó trước khi là một sự thực được chứng minh, nó trước hết là một dự cảm vừa khoa học lại vừa nhiễm chất thơ”. Sự khám phá ra Mỹ châu không phải là một chuyện tình cờ. “châu Âu tìm ra châu Mỹ bởi vì châu Âu cần nó”, theo Leopoldo Zea. “Châu Mỹ không gì khác hơn là lý tưởng của châu Âu. Châu Âu chỉ muốn thấy trong Tân Thế giới cái mà nó mơ ước được thấy” [19] . Không lạ gì, sau khi được tìm thấy, nó trở thành cái nôi chứa một Âu châu khác qua rất nhiều đợt di dân. Họ - hoặc là những nông dân Âu châu nghèo đói hoặc là những tội phạm không chốn dung thân nơi quê nhà hoặc là những kẻ có đầu óc phiêu lưu, có tinh thần tự do, khai phá, v.v…, muốn đi tìm một đời sống mới. Có thể nói, ở một bình diện nào đó, Mỹ là một Âu châu mới tự do, rũ bỏ quá khứ không thương tiếc.

Nhưng rồi, do những điều kiện rất riêng của lịch sử không ai ngờ trước, thoắt một cái, nước Mỹ được thành lập và không phải chờ đợi lâu, nó vuột khỏi tầm ảnh hưởng của Âu châu. Âu châu khựng lại, ngỡ ngàng để rồi rốt cuộc khước từ thừa nhận Mỹ như là một sản phẩm của chính mình. Càng về sau, người Âu châu càng bàn về hoặc chỉ trích Mỹ y như thể nó là một cái gì hoàn toàn xa lạ và được hình thành từ một nguồn gốc khác.

Suốt hơn hai thế kỷ, Âu châu nung nẩy, dằn vặt, giận dỗi Mỹ không ngưng nghỉ. HTCM ở Âu châu xuất phát từ thành kiến và được xây dựng thành tư tưởng. Thay vì xem Mỹ là một cái gì có thực, một xứ sở, một dân tộc chẳng hạn thì họ xem Mỹ là một biểu tượng của một cái gì quái dị, lố bịch, mất gốc. Từ đó, hiện tượng chống Mỹ, vô hình trung, trở thành một chủ nghĩa, chủ nghĩa chống Mỹ, có luận thuyết hẳn hoi với đầy đủ những lập luận và sự kiện chứng minh.


1. Các “lý thuyết” chống Mỹ [20] :

Lý thuyết về sự suy đồi

Vào giữa thế kỷ thứ 18, người ta tìm thấy những nghiên cứu khoa học về Mỹ hình thành nên một lý thuyết gọi là “Degeneracy Thesis” (Lý thuyết về sự suy đồi). Đây là thời kỳ “tiền sử” của HTCM vì nó xuất hiện ngay trước khi thành lập nước Mỹ và quy cho toàn thể lục địa mới, tức châu Mỹ (America). Theo đó, vì những điều kiện môi sinh và khí hậu, đặc biệt là do sự ẩm ướt quá đáng, tất cả sinh vật không chỉ thấp kém hơn những gì tìm thấy ở Âu châu, mà còn trên đà suy thoái. Lý thuyết gia của quan điểm này là Compte de Buffon và George Leclerc, được những nhà tư tưởng như Immanuel Kant, G.W.F. Hegel và Friedrich von Schlegel ủng hộ. Một tác giả khác, Cornelius de Paw, viết một bộ sách ba cuốn khảo sát về châu Mỹ bằng tiếng Pháp, bắt đầu bằng nhận xét: “Thật là một quang cảnh vĩ đại và khủng khiếp khi nhìn thấy một nửa quả địa cầu lại bị thiên nhiên bạc đãi đến nỗi mọi vật tìm thấy ở đó đều suy đồi và quái dị” (…) “Những người Âu châu, ngay khi mới đặt chân xuống đó, là bắt đầu ngay quá trình suy thoái về cả thể xác lẫn tinh thần. Do đó, Mỹ châu không bao giờ có thể sản xuất ra được một hệ thống chính trị hay văn hóa gì đáng kể. Những con vật bốn chân chỉ nhỏ bằng 1/6 đồng loại ở Âu châu, đói rét và rất dễ bị nhiễm trùng. Cọp, sư tử ở Mỹ nhỏ bé và hèn nhát, ít nguy hiểm một ngàn lần hơn ở Á và Phi châu. Chó sói cũng thế. Những con chó mang từ Âu châu sang khó mà sống còn ở Mỹ. “Chó mất giọng, hết biết sủa”. Đất đai thì đầy lươn, rắn, đủ loại bò sát gớm ghiếc” [21] . Nói cách khác, theo nhà soạn bộ bách khoa tự điển Abbé Raynel: “Mỹ châu chẳng thể sản xuất ra được một thi sĩ hay một nhà khoa học nào”.

Lý thuyết chống-duy lý

Đến thế kỷ 19, khi cái quốc gia gọi là suy đồi đó tồn tại và có vẻ càng ngày càng vững chắc thì người ta xoay hướng chỉ trích, lần này, dựa trên nền tảng của quan điểm chống duy lý. Được sự hỗ trợ của các nhà tư tưởng lãng mạn Âu châu vào đầu thế kỷ 19, người ta cho rằng sự suy thoái của Mỹ có nguyên nhân phát xuất từ bên trong, nghĩa là từ tư tưởng. Joseph de Maistre (1753-1821), nhà văn và nhà ngoại giao Pháp, chủ trương rằng thế giới này chỉ có một nước duy nhất và nước đó được cai trị bởi giáo hoàng, là lãnh tụ tinh thần của nhân loại, còn ngoài ra, loại nhà nước dựa trên tinh thần duy lý như Mỹ hay cách mạng Pháp chỉ là những hình thức tạm thời. Vì chẳng có nguyên tắc duy lý nào là có giá trị phổ quát, tồn tại mãi mãi để hỗ trợ cho hình thức nhà nước đó. Maistre phủ nhận sự hiện hữu của cái gọi là “con người” nói chung hay “nhân loại” như trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ khi cho rằng “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng”. “Tôi đã thấy trong đời tôi những người Pháp, người Ý, người Nga… nhưng như là một con người, tôi tuyên bố rằng tôi chẳng hề gặp một ai như thế cả; nếu quả thực, hắn hiện hữu, tôi hoàn toàn không biết”.

Nikolaus Lenau (1802-1850) - một nhà thơ Áo, sinh ra ở Hung – quả quyết rằng Mỹ là một nước vô căn (rootlessness). Cái được gọi là tổ quốc ở Mỹ chỉ là một thứ kế hoạch bảo hiểm tài sản (property insurance scheme). Nói khác đi, không có một cộng đồng thực sự ở Mỹ. Văn hóa Mỹ không xuất phát từ bên trong, mà chỉ là một thứ chủ nghĩa duy vật lụn bại: “Người Mỹ chẳng biết gì, chẳng tìm cái gì ngoài tiền bạc, nó không có lý tưởng”. Đó là “Vùng đất cùng trời cuối đất thực sự, nằm ở mé ngoài của con người”.

Nhà thơ Heinrich Heine (Đức gốc Do Thái, 1797-1856) gọi Mỹ là một “vùng đất Tự Do bẩn thỉu”, là “nơi cư ngụ của những người quê mùa sống trong bình đẳng”. Hơn thế nữa, đó là “một nhà tù vĩ đại của tự do”, nơi mà thực chất chỉ là “một chế độ độc tài mở rộng” với một thứ “quyền hành thô lỗ”.

Lý thuyết phân biệt chủng tộc

Quan điểm “Aryan master race” được sáng tạo vào giữa thế kỷ 19, do Arthur de Gobineau (1816-1882), một nhà văn, nhà ngoại giao và lý thuyết gia Pháp. Trong tác phẩm dày cả ngàn trang tựa đề là An Essay on the Inequality of the Human Races (1855), ông cho là có nhiều chủng loại người khác nhau, được sắp thứ tự dựa theo sức mạnh, trí thông minh và lòng can đảm, trong đó, Aryan là chủng tộc thuần nhất và thông minh được xếp vào thứ hạng cao nhất. Để giữ gìn một giống dân như thế, không thể cho họ sống chung đụng với những giống dân khác. Cách hay nhất là quy tụ họ về một vùng đất mới. Mỹ được xem là nơi tốt nhất, nơi đó giống dân Aryan có thể bảo đảm ưu thế của họ trên thế giới. Nhưng tiếc thay, Mỹ chấp nhận chế độ dân chủ. Mà một chế độ dân chủ thì đưa đến sự hợp chủng và do đó, giống dân thuần chủng bị mất dần. Mỹ rốt cuộc trở thành một thùng rác để Âu châu vứt vào đó tất cả những “rác rưởi” của họ, tức là những di dân nghèo đói bỏ quê hương đi xây dựng đời sống mới. Mỹ tạo nên một giống dân mới, là giống dân cuối cùng của loài người. Dùng lại khái niệm của Hegel xem “Lý trí” là động cơ cao nhất tạo nên lịch sử, Gobineau cho rằng “Race” (chủng tộc) là động cơ tạo nên lịch sử. Một nước Mỹ hợp chủng, trong tương lai, sẽ tạo nên một xứ sở tầm thường cả về thể chất, sắc diện, tri thức. Nước Mỹ trở thành “vô nghĩa” (nothingness).

Quan điểm của Friedrich Nietzsche

Khi phát triển cao độ về kỹ thuật, Mỹ được nhìn dưới một biến dạng khác. Lần này nó trở thành một thứ người khổng lồ kỳ dị. Friedrich Nietzsche (triết gia Đức, 1844-1900) là triết gia đầu tiên chỉ trích phương pháp sản xuất hàng loạt, qua đó, mọi thứ biến thành con tính. “Cái cách họ làm việc vội vội vàng vàng không kịp thở đang bắt đầu lây lan một cách hung hãn sang Âu châu cũ và truyền bá một thứ tinh thần rỗng tuếch trên toàn lục địa”. Arthur Moeller Van Den Bruck (1876-1925), một môn đệ của Nietzsche, đề nghị gọi ý niệm trên là “Amerikanertum” - Americanness (Mỹ- tính). Mỹ-tính, ở đây, được hiểu như một khái niệm về tinh thần, tri thức. Mỹ-tính “đánh dấu một bước quyết định, qua đó, con người mở lối từ một sự lệ thuộc trên trái đất đến chỗ sử dụng trái đất, một bước cơ khí hóa và điện khí hóa vật chất bất động và làm cho những thành tố của thế giới biến thành những thứ cho con người sử dụng”. Con người dùng tinh thần chinh phục, sử dụng và khai thác đến tối đa thiên nhiên, đó là tinh thần kỹ trị (technologism). Ở Mỹ, mọi thứ đều là một khối, chuộng chủ nghĩa thực dụng và làm việc theo hệ thống kiểu Taylor toàn quốc.

Quan điểm của Martin Heidegger

Chuyển HTCM thành ra những khái niệm triết lý là sản phẩm của Martin Heidegger, triết gia Đức [22] . Americanism, theo Heidegger, là “yếu tính còn phơi mở chưa đầy hay chưa hoàn tất của một thứ kỳ quái nhô lên trong thời hiện đại”. Do đó, Mỹ là katastrophenhaft (mang tính tai hoạ).

Với sự phát triển không thể cưỡng lại của Americanism, Heidegger cho rằng Âu châu nằm giữa một gọng kềm lớn, bị ép một bên là Liên Xô và bên kia là Mỹ. Từ quan điểm siêu hình, Liên Xô và Mỹ giống nhau, với cùng một thứ kỹ thuật cuồng loạn và buồn chán, cùng một thứ tổ chức không hạn chế của một con người trung bình. Người Âu châu, vốn phát minh ra khoa học, nhưng luôn luôn kềm chế nó để nó không đi quá đà, còn với Liên Xô và Mỹ thì ý niệm về lượng tính tách khỏi phẩm tính và rồi phát triển thành “một thứ hổ lốn vô biên của sự dửng dưng và đồng dạng” [23] .

Cả Mỹ và Liên Xô đều là ác quỷ. “Bolschevism chỉ là một biến thể của Americanism”. Nhưng Mỹ mang lại một mối đe dọa lớn hơn và có ý nghĩa hơn, theo Heidegger. Chính vì thế, sau Đệ nhị Thế chiến, Heidegger bàn về chuyện Âu châu có thể “đối thoại” với Liên Xô bởi vì nó có cảm quan về ý nghĩa lịch sử. Còn với Mỹ thì không thể, vì Mỹ không có ý nghĩa thực sự. “Chủ nghĩa Mỹ là hình thức nguy hiểm nhất của tính vô biên giới, bởi vì nó xuất hiện trong đời sống của giai cấp trung lưu hỗn hợp với Thiên chúa giáo và tất cả cái đó đặt trong một không khí hoàn toàn thiếu vắng ý nghĩa về lịch sử”. Nhận định về việc Mỹ tham gia Đệ nhị Thế chiến, Heidegger viết: “Sự tham gia của Mỹ vào chiến tranh thế giới này không phải là để đi vào lịch sử mà là hành động mang tính cách Mỹ cuối cùng của sự vắng mặt ý nghĩa lịch sử của Mỹ”.

Trong khi tạo ra biểu tượng Mỹ, Heidegger thâu tóm vào bên trong nó nhiều nan đề hay bệnh hoạn của thời đại tân tiến, từ sự nhô lên của ngành truyền thông toàn cầu cho đến sự hờ hững với môi trường và sự giản lược văn hóa hóa thành một hình thức tiêu thụ. Heidegger đặc biệt quan tâm đến chủ nghĩa tiêu thụ (consummerism) mà ông cho là tượng trưng cho tinh thần của thời đại chịu ảnh hưởng nặng nề của Mỹ. “Tiêu thụ chỉ với mục đích tiêu thụ là thủ tục độc nhất tiêu biểu cho lịch sử của một thế giới đã trở thành một không-thế-giới (unworld). Tồn tại hiện nay là thứ tồn tại có thể thay thế”. Nó là hiện thân của sự đánh tráo (Ersatz), bắt chước, hấp thu (absorption), biến cái độc đáo và cái đích thực thành cái đồng phục và tiêu chuẩn.

Nối bước Nietzsche, Heidegger diễn tả Mỹ là một lực lượng xâm lược, chiếm đoạt linh hồn của Âu châu, làm suy yếu chiều sâu và lý trí của nó. “Yếu tính Đức đã hàng phục yếu tính Mỹ đến chỗ hiện nay thỉnh thoảng tạo ra hiệu quả tai hại đến nỗi nước Đức hiện nay cảm thấy hổ thẹn rằng dân tộc của nó đã từng được xem là “dân tộc của thi ca và tư tưởng”. Bởi thế, Âu châu xem như đã chết, nhưng chưa chết hẳn. Nó vẫn còn ngắc ngoải chờ đợi cái mà Heidegger gọi là “Cái sẽ tới” (The Happening). Nhưng “Cái sẽ tới” đó sẽ chỉ có thể có nếu nó biết huy động sức mạnh tiềm tàng bên trong nó để đẩy lùi thứ “Mỹ tính” về bên kia bán cầu.

Do Heidegger đã từng ủng hộ Đức Quốc xã nên tư tưởng của ông giảm đi nhiều ảnh hưởng về sau. Nhưng sau chiến tranh, phe Tả châu Âu nắm lấy những ý tưởng nòng cốt để tăng cường thêm tư tưởng chống Mỹ của riêng họ. Khi cộng sản sụp đổ, trái với mọi dự đoán, HTCM không những không chết đi mà lại vẫn dai dẳng sống, thậm chí còn sống mạnh hơn và đi vào dòng tư tưởng chính của châu Âu. Thay vì nằm giữa gọng kềm của Liên Xô và Mỹ, bây giờ châu Âu trở thành một cực đối nghịch với Mỹ. Điều đó cho thấy, giới trí thức Âu châu không những chỉ phê phán Mỹ, mà là bài Mỹ (Americanophobia) vì nó bác bỏ tất cả những giá trị xã hội cũng như chính trị Mỹ, xem chúng như một cái gì man dã, một loại “thiến hoạn về Tinh Thần” (emasculation de l’Esprit) theo cách nói của Heidegger.
(còn tiếp 2 kì)

© 2006 talawas



[1]Pew Research Center là một cơ quan thăm dò dư luận của Mỹ hiện do Madeleine K. Albright - nguyên ngoại trưởng Mỹ dưới thời tổng thống Clinton - và John C. Danforth, trụ sở đặt tại Washington. Xem http://people-press.org/pgap/.
[2]SARS = Severe Acute Respiratory Syndrome, Hội Chứng Hô Hấp Cấp Tính Nặng, là một chứng bệnh đường hô hấp do một loại virus hình vương miện, bộc phát lần đầu tiên ở Á Châu vào tháng 2 năm 2003, rồi lan ra nhiều nơi trên thế giới khiến khoảng 774 người thiệt mạng.
[3]Một trong 6 cơ sở hình thành nên Pew Research Center, trụ sở ở thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania
[4]BBC, 24/6/2005
[5]International Herald Tribune, 13/6/2006
[6]Từ đoạn này về sau, chúng tôi dùng các chữ cái HTCM để chỉ cụm từ “Hiện tượng chống Mỹ”. Cụm từ này, trong một vài ngữ cảnh, có vẻ không thích hợp lắm, nhưng tôi vẫn để nguyên. Cho gọn và thống nhất.
[7]Xin tạm dịch Americanism là “Hiện tượng Mỹ” cũng như anti-Americanism là “Hiện tượng chống Mỹ”.
[8]Xem Judy Colp Rubin, The Five Stages of Anti-Americanism
[9]Xem Wikipedia, mục Anti-Americanism
[10]Xem Wikipedia, như trên
[11]Judy Rubin, bđd
[12]James W. Ceaser, A genealogy of anti-Americanism.
[13]Samuel Huntington, The Clash of Civilizations
[14]Paul Berman, The philosopher of Islamic Terror
[15]Xem thêm Reuven Paz, Islamists And Anti-Americanism, Meria, Journal, Volume 7, No. 4 - December 2003
[16]Trường hợp Noriega của Panama chẳng hạn. Tướng Manuel Antonio Noriega Moreno, sinh năm 1938, là lãnh tụ quân sự của Panama. Ông là người hùng của Panama, đuợc Mỹ hết lòng ủng hộ, trở thành tổng thống Panama từ năm 1983. Về sau không nghe lời Mỹ, năm 1989, ông bị tổng thống Bush-Cha đem quân qua bắt và mang về xử tại Mỹ về tội buôn lậu thuốc phiện. Ông bị kết án 40 năm tù và bị nhốt tại Florida.
[17]Smedley Butler, War is a Racket, Round Table Press, New York 1935, dẫn theo Andrew Ross & Kristin Ross, Anti-Americanism, tr. 2 và 3
[18]Alfonso Reyes: L’Amerique fut une region desirée avant d’ être trouvée (dẫn theo Fernando Ainsa, “La découverte de l’autre et l’invention de l’utopie”, trang 48)
[19]Leopoldo Zea, dẫn theo Fernando Ainsa, bđd, trang 51.
[20]Xem James W. Ceaser, bđd.
[21]Có người cho rằng Cornelius de Paw viết cuốn này có mục đích làm nản lòng những kẻ muốn di cư sang Mỹ châu, theo ý đồ của các triều đình Âu châu thời bấy giờ.
[22]Những ý tưởng của Heidegger lấy từ Martin Heidgger, An Introduction to Metaphysics (các trang từ 45 đến 50); Denis Lacorne, Anti-Americanism and Americanophobia: A French Perspective và James W. Ceaser, A genealogy of anti-Americanism.
[23]In America and in Russia this development grew into a boundless etcetera of indifference and always-the-same – so much so that the quantity took on a quality of its own (Heidegger, sđd, tr. 46).