trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtBàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"
23.1.2003
Bùi Hoài Mai
Bàn tròn Talawas "Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?"
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33 
 

Các trường phái "các mỹ học phê phán" nhận thấy sự cáo chung của chủ nghĩa cá nhân, và giống như cá nhân, nghệ thuật biến mất, nó biến mất không phải vì nó đã hoàn thành xong mục đích của nó mà vì tính lý trí được bắt nguồn từ Platon, rồi từ Hegel và Comte đã mở rộng thống trị hoàn toàn thế kỷ chúng ta. Nó nhận thấy chủ nghĩa toàn trị của sản xuất được thiết lập với các xã hội công nghiệp tiên tiến trong sự đồng thuận chung bao phủ Lịch sử mà nghệ thuật sẽ chỉ còn là sự phê phán chính nó, và nó là đối tượng để hệ tư tưởng thống trị thần bí hoá, thương mại hoá và hợp nhất nó bằng mọi cách. Chính những trào lưu mỹ học này là sự phản ứng lại, muốn thoát ra khỏi cái chiều kích phủ định và không tưởng của nghệ thuật bằng chính sự phủ định và phê phán (nghệ thuật như sự phê phán những gì hiện có). Nó dựng lên một bản buộc tội đen tối về tính hiện đại. Có thể tìm được đại diện trong tác phẩm mỹ học của Walter Benjamin (Tác phẩm nghệ thuật ở thời đại tái tạo kỹ thuật của nó) khi vòng hào quang gắn liền với tác phẩm nghệ thuật bị phá huỷ bởi sự sùng bái, bởi sự xa cách với cái thông thường và bị cái thế giới hàng hoá lợi dụng bởi giá trị trao đổi cũng như sự tái sản xuất bản gốc hàng loạt. Còn có những đại diện nữa như Th. W. Adorno (1903-1969), Herbert Marcuse (1898-1979) v.v... Ðây là trào lưu mỹ học thường cho người ta một cảm giác về sự từ chối tuyệt vọng. Ðành phải bằng lòng với câu nói của Benjamin: "Chính vì những người không có hi vọng mà hi vọng được mang lại cho chúng ta".

Một trào lưu mạnh mẽ nữa của mỹ học hiện đại là các "mỹ học phóng túng", những thứ mỹ học "không bị xiềng xích" về tính sáng tạo được in dấu bởi thuyết của Spinoza. Nó phá bỏ con đường hẻm của tính chủ thể bằng cách giải thoát sự Ham muốn. Mikel Dufrenne (Nghệ thuật và chính trị - Paris 1974) sử dụng khái niệm Tự nhiên đã đi đến đề xuất một thứ mỹ học ham muốn, sự tự do tưởng tượng, tính cảm hứng, sự tự phát, đặt lại thể chế của nghệ thuật, tính hoan lạc trong sáng tạo, những thói quen không tưởng... Và nghệ thuật đương đại đã mang lại cho chúng ta những kinh nghiệm này. Người ta thích sự kiện hơn tác phẩm, công chúng muốn tham dự trò chơi, muốn có lễ hội, người ta thích biến cuộc sống hàng ngày để đưa vào đó một chút tưởng tượng, sự viển vông trữ tình và một chút điên rồ. Và ở đây cũng đánh dấu một sự cạn kiệt về lý luận và được coi là chiến thắng của chủ nghĩa cá nhân dân chủ (Kỷ nguyên của cái trống rỗng - Gallimard 1993) và nghệ thuật chỉ là những sở thích cá nhân, các giá trị mỹ học cũng không còn vì chẳng còn qui tắc chung lẫn sự đồng thuận.

Ngoài câu trả lời của Nora và Natasha cho những gợi ý của Mai Chi về những thiếu vắng tham gia của các hoạ sỹ Việt Nam thì cái hiện thực tạo nên cái dòng chảy nghệ thuật đương đại quốc tế đó với hệ thống mỹ học đó tìm được bao nhiêu phần trăm đất sống ở Việt Nam, một đất nước có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử mới bắt đầu (mà cũng chưa chắc chắn lắm) thoát khỏi nạn đói thường niên, với một nền công nghiệp và thị trường thương mại còn thua những nước phương Tây thế kỷ 19. Tôi không nghĩ là các hoạ sỹ Việt Nam "hiền lành", "vô hại", thế nhưng họ "nổi loạn", làm "scandal" chống lại cái gì? Chống lại những người nông dân đang cố gắng chăm cho ruộng lúa để mong không bị đói vào vụ tới. Có chăng "nổi loạn" với các công ty đa quốc gia của phương Tây đang lợi dụng sự ngèo đói và dốt nát để hưởng lợi. Nước Mỹ muốn bán Coca-Cola cho nông dân Việt Nam nhưng không muốn mua tôm của họ.

(23.01.03)

© 2003 talawas