trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
17.10.2006
Margaret Nguyen
Cộng đồng Pháp ngữ Việt Nam, lạc quan hay bi quan?
 
Cho đến nay, khối Pháp ngữ đã tổ chức 11 hội nghị thượng đỉnh, trên gần hết năm châu bốn bể. Các chính phủ Pháp lần lượt bỏ tiền tỉ. Nhân dân Pháp ngày càng thờ ơ, chỉ tiếc tiền đóng thuế bị các chính trị gia hào phóng dùng vô những dự án siêu thực. Không cần các thông tin đại chúng thì ai cũng rõ cái thực đơn vẫn xào đi nấu lại mấy đặc sản Molière và La Fontaine, đào Catherine Deneuve cùng kép Gérard Depardieu. Người ta chỉ coi tivi để cười dân Việt năm 1997 không phân biệt nổi hai từ «message» và «massage», nghe nói khi khách Pháp xuống hỏi tiếp tân khách sạn «ai có nhắn chi cho tôi không?», đều được các cô đưa thẳng vô mát-xa! Cũng nghe đâu dân Li-băng năm 2002 cứ chạm khách ngoại quốc là «hello, how are you?», còn dân Ru-ma-ni năm 2006 bẽn lẽn tiếng mẹ đẻ rằng cả Pháp văn lẫn Ăng-lê đều chịu cứng. Tháng 9 mới rồi, Bucarest mùa thu đến sớm, mưa gió sụt sùi, Trưởng giả học làm sang được trình diễn ở Nhà hát Quốc gia đẹp lộng lẫy. Chính quyền độc tài Ceauşescu nổi tiếng với những công trình kiến trúc khuỳnh khoàng, nhưng có bao nhiêu người coi hát bản xứ hiểu hết một câu thoại của đặc sản Pháp ngữ?

Hà Nội mùa thu 1997. Người bà con tôi văn vẻ kể trong thơ: khí trời mát mẻ, Hồ Gươm xinh tươi, Cung Văn hoá Công nhân cờ hoa lộng lẫy, đồng chí Chủ tịch nước lên đánh vần diễn văn khai mạc, cử tọa nín thở, chữ đã in bự như con gà mệ mà vẫn sợ lộn dòng. Nghe nói toàn bộ đội ngũ giáo viên Pháp ngữ được huy động cho các «cua» cấp tốc, đối tượng bao gồm cả cảnh sát giao thông lẫn nhân viên khách sạn, cả học sinh phổ thông lẫn cán bộ ngoại giao cao cấp... Thậm chí toàn thể xích lô phố cổ Hà Nội cũng nhận lệnh tập trung cho các «bonjour», «bonsoir». Lãnh đạo và nhân dân thủ đô hồ hởi, phen này thế giới biết tay. Chỉ mỗi giáo viên Pháp văn là lắc đầu - sau nửa thế kỉ cạnh tranh với Nga ngữ và Anh ngữ, trình độ Pháp ngữ của xứ ta khác gì mực nước sông Hồng mùa hạn! Chất màu biến đi đâu hết, chỉ trơ lại sỏi đá, hình chẳng ra hình, thù không ra thù!
 
Lời than ấy có ngoa không?
 
Thú thiệt tôi đã giựt mình lúc nghe lời than ấy. Rồi năm nay, nhân kỳ họp thượng đỉnh Pháp ngữ, lại giựt mình lần nữa khi làm một vòng thăm viếng các bản dịch đăng trên vài diễn đàn điện tử. Không thể không công nhận vẫn tồn tại một số dịch giả nghiêm túc và tài năng, nhưng đáng tiếc họ như đám lá mùa thu. Sau đây xin hiến độc giả vài ví dụ nho nhỏ nhưng khá ly kỳ trong hiện trạng dịch thuật Pháp-Việt.
  

I. Lỗi thuộc lãnh vực từ vựng
 
1. Camus đọc diễn từ Nobel:

«... De quel cœur aussi pouvait-il recevoir cet honneur à l'heure où, en Europe, d'autres écrivains, parmi les plus grands, sont réduits au silence, et dans le temps même où sa terre natale connaît un malheur incessant?»

Phạm Toàn dịch (talawas 21.09.2005):
 
«Thử hỏi anh ta có lòng nào đón nhận vinh quang ấy trong khi ở châu Âu còn có các nhà văn khác và là những nhà văn lớn vẫn đang bị bóp miệng ngay trong lúc quê hương họ đang gặp bất hạnh triền miên?»
 
Dịch giả Phạm Toàn đương nhiên biến một tính từ sở hữu số ít thành tính từ sở hữu số nhiều, để sa terre natale lại thành quê hương họ?

«Sa terre natale» ở đây phải được dịch là «quê hương của anh ta», của chính Camus – nhà văn đang nói về bản thân mình bằng đại từ nhân xưng ngôi thứ ba. Trên phương diện ngữ pháp thì điều này chắc như đinh đóng cột. Thêm nữa, độc giả nào từng đọc Camus đều hay rằng tuy ông mang danh nhà văn Pháp nhưng sinh ra và lớn lên tại Algérie, các tác phẩm của ông (điển hình là Người xa lạ) đều chan chứa tình cảm dành riêng cho mảnh đất này. «Sa terre natale», với Camus, không thể là nơi nào khác ngoài «quê hương» Algérie. Thời điểm Camus được giải thưởng Nobel, Algérie đang chìm đắm trong cuộc chiến với chính nước Pháp, «bất hạnh triền miên» trong câu trên chính là nỗi bất hạnh mà dân tộc Algérie mòn mỏi gánh chịu. Camus, cùng không ít văn nghệ sĩ Pháp lúc đó, đã nhiều lần lên tiếng đòi chính phủ Pháp phải trả lại độc lập cho dân tộc Algérie sau mấy thế kỉ thuộc địa.
 

2. Alain Robbe-Grillet viết:

«Maintenant que vous avez achevé le livre, que vous l’avez jugé et condamné, ne sentez-vous pas, malgré tout, que continue de vivre quelque part une île…» (trong thư gởi Emile Henriot ngày 15/06/1955).
 
Dưới con mắt của Từ Huy (talawas 21.12.2005), động từ «achever» (hoàn thành) bị biến thành «acheter» (mua), còn cặp phủ định «ne… pas» thì biến mất, để chúng ta có một câu tức cười như vầy: «Bây giờ, khi ông đã mua cuốn sách, khi ông đã đánh giá và lên án nó, ông có cảm thấy rằng, bất chấp tất cả, vẫn tiếp tục tồn tại đâu đó một hòn đảo…».
 

3. Linda Lê viết:

«Mon père apparaît, disparaît entre les ruines. Je suis sa trace»
 
Đào Trung Đạo dịch: «Cha tôi xuất hiện rồi biến mất giữa những đống đổ nát. Tôi là dấu vết của ông». Một câu ngây ngô! Chỉ con nít đang học chia động từ «être» thì mới nhắc lại như vẹt rằng «je suis - tôi là, tu es - anh là, il est – nó là...». «Suis» ở trong câu của Linda Lê phải được hiểu là động từ «suivre» - «đi theo». Tóm lại, câu trên phải dịch đơn giản như vầy: «… Tôi đi theo dấu vết của ông» (xem NHÀ/quê NHÀ TRONG VĂN CHƯƠNG VÔ XỨ VIỆT NAM, trong Gió o).
 

4. Kristeva viết trong diễn từ giải Holberg:

«De telle sorte qu’il m’arrive parfois, en rentrant de New York, après le feu des débats autour de mon travail de représentante de la french theory, de me prendre moi-même pour une intellectuelle… française. Comme il m’arrive aussi, lorsque la xénophobie de ce vieux pays me blesse, de caresser l’idée de m’installer définitivement à l’étranger».

Từ Huy dịch:

«Đến mức mà, đôi khi, trở về từ nước Mỹ sau những cuộc tranh luận nảy lửa về công trình giới thiệu french theory của tôi, tôi tự xem mình là một nữ trí thức… Pháp. Điều tương tự cũng xảy đến với tôi khi mà sự bài ngoại ở cái đất nước già nua này làm tổn thương tôi, và ve vuốt ý nghĩ là tôi đang thật sự ở nước ngoài.» (talawas 13.6.2005)
 
Từ Huy lộn 2 từ «représentante» (người đại diện) và «présenter» (giới thiệu). Chưa kể việc dịch giả tự động thêm hẳn một mệnh đề mới khiến ý nghĩa của câu thay đổi hoàn toàn: «và ve vuốt ý nghĩ là tôi đang thật sự ở nước ngoài». Theo tôi, câu này phải được dịch như vầy: «Đến mức mà, đôi khi, trở về từ nước Mỹ sau những cuộc tranh luận nảy lửa về công trình của tôi như là người đại diện cho french theory, tôi tự xem mình là một nữ trí thức… Pháp. Tương tự, khi sự bài ngoại ở cái đất nước già nua này làm tổn thương tôi, tôi cũng đôi lần ve vuốt ý nghĩ là sẽ định cư hẳn ở nước ngoài». Từ «définitivement» trong mọi trường hợp đều không có nghĩa «đang».
 

II. Lỗi thuộc lãnh vực văn phạm 

1. Camus đọc diễn từ Nobel:

«Mais le silence d'un prisonnier inconnu, abandonné aux humiliations à l'autre bout du monde, suffit à retirer l'écrivain de l'exil chaque fois, du moins, qu'il parvient, au milieu des privilèges de la liberté, à ne pas oublier ce silence, et à le relayer pour le faire retentir par les moyens de l'art».

Phạm Toàn dịch:

«Ấy thế mà sự lặng câm của một tù nhân vô danh, bị bỏ rơi trong nhục mạ ở một phương trời xa tít lại đủ để kéo nhà văn ra khỏi chốn lưu đầy, chí ít thì ngay cả khi anh ta được sống giữa những đặc quyền tự do, thì anh ta vẫn không quên nổi sự lặng câm kia, nhà văn thế chỗ cho kẻ tù nhân nọ và bằng phương tiện nghệ thuật làm cho cái lặng câm của kẻ tù nhân kia thành tiếng vang xa» (bài đã dẫn).

Một câu tiếng Việt không sáng sủa. Nguyên nhân của sự tối nghĩa đó là Phạm Toàn không nhận ra 2 cấu trúc cơ bản nhứt trong câu: «chaque fois... que» và «parvenir à». Thêm nữa, dịch giả còn lộn «le» trong «le relayer» là «kẻ tù nhân» (trên thực tế nó được dùng để thay thế cho «sự im lặng»), và động từ «relayer» ở đây có nghĩa là «tiếp sức» chớ không phải «thế chỗ».

Tóm lại câu trên nên được dịch như vầy: «Nhưng sự câm lặng của một tù nhân vô danh, bị bỏ rơi trong nhục mạ ở một phương trời xa tít, lại đủ kéo nhà văn ra khỏi sự lưu đầy, chí ít mỗi khi mà, giữa những đặc quyền của tự do, anh ta vẫn còn nhớ tới sự câm lặng ấy, và bằng các phương tiện của nghệ thuật, tiếp sức cho nó vang xa». 


2. Kristeva viết:

«C’est alors que René Girard, qui m’avait entendue présenter Bakhtine au séminaire de Roland Barthes,
m’a invitée à partir enseigner à l’université de Baltimore».  
 
Từ Huy dịch:

«Chính lúc đó René Girard mời tôi về giảng dạy tại Đại học Baltimore, ông là người đã muốn giới thiệu Bakhtine với tôi trong cuộc hội thảo của Rolland Barthes» (bài đã dẫn).
 
Từ Huy tự động dịch động từ «entendre» (nghe) là «muốn» và rõ ràng đã không nhận ra cấu trúc quá ư phổ biến «entendre quelqu’un faire quelque chose»? Người bập bõm Pháp văn cũng có thể hiểu Kristeva muốn nói như vầy: «Chính lúc đó René Girard mời tôi về giảng tại đại học Baltimore, ông đã từng nghe tôi giới thiệu về Bakhtine trong xê-mi-ne của Roland Barthes».

Thứ nữa, có lẽ ai có chút dính líu đến văn chương đều biết Bakhtine, một trong những lý thuyết gia văn học quan trọng nhứt thế kỷ 20, chưa bao giờ được nhà cầm quyền Nga Xô cho phép đặt chân ra ngoại quốc, vậy nên tham gia hội thảo của Rolland Barthes và gặp gỡ Kristeva chỉ là những điều suy diễn của dịch giả.
 

3. Kristeva viết:

«J’ai écrit là des pages, à mes yeux essentielles, d’Histoire d’amour…»

Từ Huy dịch:

«Ở đó tôi đã viết, chủ yếu là theo ý mình, những trang của Câu chuyện tình yêu» (bài đã dẫn)
 
Từ Huy kiếm đâu ra ý «chủ yếu là theo ý mình»? Theo văn phạm của câu này, tính từ «essentielles» phải là bổ ngữ cho danh từ «pages» thì mới hợp giống (giống cái) và hợp số (số nhiều). Đó là một câu cực kỳ rõ ràng, phải được dịch như vầy: «Ở đó tôi đã viết những trang mà theo tôi là quan trọng nhứt của Câu chuyện tình yêu».


4. Kristeva viết:

«Mais profondément, c’est bien une Française que vous accueillez en moi, que ce soit une Européenne francisée».
 
Rõ ràng ba chữ «que ce soit» làm Từ Huy lúng túng, nên dịch sai thành: «Nhưng sâu xa, chính là quý vị đón nhận một phụ nữ Pháp ở trong tôi, đó chính là một phụ nữ Châu Âu đã Pháp hoá» (bài đã dẫn). Lẽ ra phải dịch như vầy: «Nhưng sâu xa, chính một phụ nữ Pháp mà quý vị đón nhận ở trong tôi, dù rằng đó là một phụ nữ Châu Âu đã Pháp hoá». Đáng tiếc, «que ce soit» cũng chỉ là 1 cụm từ cơ bản, không đáng bị hiểu lộn chút nào.
 

III. Những lỗi không rõ nguồn gốc 
 
Đọc NHÀ/quê NHÀ TRONG VĂN CHƯƠNG VÔ XỨ VIỆT NAM thấy những lỗi không thuộc lãnh vực từ vựng, cũng không thuộc lãnh vực văn phạm. Có cảm giác Đào Trung Đạo tự động thêm bớt để làm sao ép văn Linda Lê vô đúng cái ý trọng tâm «vô xứ» của bài viết.
 
Đào Trung Đạo viết: «Nói như Linda Lê, nhà văn vô xứ là kẻ có tiếng nói mở mắt người. Một tiếng nói vô xứ, bởi vì tiếng nói đó tự đặt mình ngay trong trái tim của sự khổ đau mà không tìm cách xoa dịu sự khổ đau bằng ngôn từ hoa mỹ.» (Linda Lê, Tu écriras sur le bonheur, p.336) [1]
 
Tôi lần xuống chú thích [1] của bài viết thì đọc thấy: Linda Lê, Tu écriras sur le bonheur (Paris, PUF 1999): «La tâche serait donc d’inventer une parole qui donne à voir. Une parole à rebours de la rhétorique. Une parole déplacée, puisqu’elle se place au Coeur de la douleur sans chercher à lénifier cette douleur avec la panacée des mots». P.336.
 
Trong cả đoạn này, tôi không hiểu Đào Trung Đạo dịch «một tiếng nói vô xứ» từ cụm từ nào trong nguyên bản tiếng Pháp?

Dưới đây là một ví dụ khác cùng bài:
 
Đào Trung Đạo viết:

Trong Autres jeux avec le feu Linda Lê viết: «Câu cuối trong quyển tiểu thuyết của tôi là lời chào vĩnh biệt cái xứ sở tôi đã sinh ra ở đó, câu văn này làm  tôi hối hận. Trong lúc viết câu đó ra, tôi cảm thấy được giải thoát…» [18].
 
Lần xuống chú thích [18] của bài viết  thì đọc được như vầy: Linda Lê, Autres jeux avec le feu (Christian Bourgois, Paris 2002) p. 33; «Le dernìere phrase de mon roman, adieu definitive au pays òu je suis né, me donnait du remords. En l’écrivant, j’avais éprouvé un sentiment de liberation, une joie de transfuge. Et voilà que tout le plasir sauvage gôuté au moment de romper avec mes origins se transforma en angoisse diffuse.» (Tôi không hiểu làm cách chi Đào Trung Đạo chép lại đoạn trên của Linda Lê có chút xíu mà đầy lỗi ám tả như vầy? Xin coi những từ tôi viết nghiêng).
 
Đào Trung Đạo đã tự động bỏ bớt của Linda Lê một đoạn văn khá dài, trên thực tế, đã thể hiện tâm trạng phức tạp của nữ văn sĩ khi sáng tác về cố hương: «(trong lúc viết ra câu đó, tôi cảm thấy được giải thoát) cảm thấy niềm vui của kẻ phản bội. Và thế là tất cả sự sung sướng man rợ cảm thấy trong lúc cắt đứt với nguồn cội của mình đã tự biến thành cơn hoảng sợ triền miên».
 
Rõ ràng Linda Lê luôn ở trong trạng thái mâu thuẫn khi viết về quê hương: khi nói lời chia tay, cô không chỉ có cảm giác tiếc nuối (như các tác giả khác thường có) mà còn bị cảm giác sung sướng giày vò đến «hoảng sợ triền miên». Chính mâu thuẫn đó làm nên nét độc đáo trong văn phong của Linda Lê. Với cô, vô xứ vừa là định mệnh lại vừa là lựa chọn. Vậy nên, khi ghép Linda Lê vô nhóm các nhà văn «vô xứ» nói chung, Đào Trung Đạo đã tỏ ra quá gượng ép. Không nhận xét thêm về cách dịch có  thể  gọi là «tự thêm bớt», kẻ viết bài này mong rằng đừng dịch giả nào vì muốn vừa giường lại chặt chân người khác!
  

Kết luận 
 
Những ví dụ trên đây chỉ là những lỗi dịch đơn giản nhứt có thể tìm thấy trên các diễn đàn điện tử. Chính vì đơn giản mà chúng ly kỳ, không thể tưởng tượng tác giả của chúng lại là những dịch giả không cực kì tên tuổi thì cũng xuất hiện thường thường trên các mặt báo, từ trong nước ra hải ngoại.

Một bài viết «dọn vườn dịch thuật» cố đến mấy cũng không khác một bài giảng cho học trò trung học.

Chân thành cám ơn sự theo dõi của độc giả.

Cuối cùng xin quí vị tự kết luận về cộng đồng Pháp ngữ Việt Nam. Lạc quan hay bi quan?

Nhưng có lẽ cũng chẳng nên buồn làm chi. Nhờ lần họp năm 1997, người Pháp sơn lại Nhà hát Lớn đường Tràng Tiền, xây cho dân Việt Trung tâm Hội nghị Quốc tế đường Lê Hồng Phong, từ đó tới giờ mấy lần hội nghị, hết ASEAN lại APEC. Múa rối nước chẳng bao giờ dân ta ngó tới lại được dịp duy trì truyền thống.
 
Nước Pháp những ngày đầu tháng 10 năm 2006
 
© 2006 talawas