trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Văn học
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcCác giải thưởng văn học
21.10.2006
Phạm Xuân Nguyên
Giải thưởng không thành giải thưởng
 
Nhìn vào danh sách giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2006 tôi buộc phải nói vậy. Năm nào thì cái giải thưởng vẫn được coi là mang tầm quốc gia của cái hội quốc gia này vẫn chịu nhiều tiêng chê hơn khen. Năm nay nó lại bị chê hơn.


1.

Truyện “Cánh đồng bất tận” (CĐBT) của Nguyễn Ngọc Tư in ba kỳ trên báo Văn Nghệ, sau đó được báo Tuổi Trẻ và nhà xuất bản Trẻ in lại và chính từ lần in lại này CĐBT mới thành ra “hiện tượng” trong đời sống văn học của năm. Nó càng là hiện tượng khi báo Tuổi Trẻ phát hiện và đưa ra công luận cái công văn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Cà Mau quy kết tội lỗi cho cô nhà văn trẻ thuộc diện quản lý của mình vì cái truyện đó có ý bôi xấu hiện thực quê hương vùng miền. Giới văn học và dư luận bạn đọc cả nước đã nhất tề lên tiếng ủng hộ và bảo vệ Nguyễn Ngọc Tư và phê phán cái nhìn thiển cận ấu trĩ của một số cán bộ đọc văn sang thành đọc nghị quyết. Hội Nhà văn Việt Nam chỉ góp phần vào vụ việc này chứ không có công lao gì lớn bảo vệ một nhà văn, một hội viên của mình, như vừa rồi tại Hội nghị Đồ Sơn ông chủ tịch Hội đã vơ vào. Công lớn và công đầu tạo nên “hiện tượng CĐBT” là của báo Tuổi Trẻ, điều này khỏi phải bàn cãi, tranh công. Nhưng, hiện tượng đó chỉ là của đời sống văn học (cũng như cái truyện “Dòng sông tật nguyền” được ăn theo nó). Còn bản thân CĐBT là một truyện hay, đậm chất Nam Bộ và đầy tính nhân văn, được viết sâu sắc khiến đọc truyện là bị ám ảnh. Cả tập sách mang tên CĐBT gồm truyện vừa này và một số truyện ngắn khác của Nguyễn Ngọc Tư là một tác phẩm hay, có chất lượng văn học cao. Trao giải cho chỉ CĐBT tách ra khỏi tập truyện đã là khác thường. Càng khác thường hơn nữa khi CĐBT được trao giải với lý do là tạo ra hiện tượng văn học trong năm. Như thế là vứt bỏ giá trị văn học tự thân của tác phẩm (nếu với tiêu chí “hiện tượng” là gây ồn ào dư luận thì năm ngoái truyện Bóng đè mới đáng được trao giải hơn). Như thế là phủ nhận văn tài và cống hiến văn chương của Nguyễn Ngọc Tư. Như thế là xúc phạm văn giới và độc giả đã đánh giá đúng và đánh giá cao giá trị của CĐBT ngay từ khi truyện mới xuất hiện, và vì vậy họ mới công phẫn trước cái công văn lỗi thời kia. Giải thưởng không thành giải thưởng là vậy.


2.

Đến lần ăn giải này nữa, ông Hửu Thỉnh đã lập một “hat-trick giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam”. Lần một, năm 1980, ông được giải cho trường ca Đường tới thành phố, và đó là lần xứng đáng. Lần hai, năm 1995, ông được giải cho tập thơ Thư mùa đông, lần đó thì hơi gượng, vì như nhà văn Tô Hoài đã có nhận xét, tập thơ đó lẫn lộn nhiều thứ như một gánh đồng nát. Lần này, năm 2006, ông lấy giải với tập thơ Thương lượng với thời gian thì quả thực không xứng, theo ý tôi. Ngay khi tập thơ ra đời, đọc nó tôi đã thấy là nó cũ: cũ về ý tứ, cảm xúc; cũ về giọng điệu, lối thơ. Kiểu làm duyên làm dáng trong câu chữ (Sông chảy chậm đợi chiều đang bị ướt), kiểu triết lý chuyện đời (Hãy yêu lấy con người, Dù trăm cay nghìn đắng, Đến với ai gặp nạn, Xong rồi chơi với cây), một lần nghe thì được, nghe sang lần hai lần ba thì thấy chán. Dạng câu Xa vắng quá bồn chồn đi hỏi cát là rất... Hữu Thỉnh. Bài “Thương lượng với thời gian” lấy làm tên chung cả tập: Buổi sáng lo kiếm sống, Buổi chiều tìm công danh, Buổi tối đem trí khôn ra mài rũa, Tỉnh thức những hàng cây bật khóc đọc lên nghe giả. Tôi nghĩ: Hữu Thỉnh thương lượng với thời gian nhưng thời gian không còn chờ đợi ông. Tôi không nghĩ rằng ông chủ tịch Hội thì không nên nhận giải Hội mình trao (mặc dù thật tình ở nước ta thì tránh được chuyện đó là hay nhất), nếu đúng tác phẩm của ông hay thật, xứng đáng thật. Trong trường hợp giải thưởng cho tập thơ của ông Hữu Thỉnh năm nay tôi thấy không xứng đáng vì tập thơ đó không hay. Và còn vì bên cạnh nó có một tập thơ khác xứng đáng hơn.


3.

Đó là tập Lô Lô của Ly Hoàng Ly, một nhà thơ và một họa sĩ trẻ rất nỗ lực cách tân sáng tạo, cùng các bạn đồng nghiệp cùng thế hệ. Thơ Ly Hoàng Ly thể hiện khá rõ nét cách cảm, cách nghĩ, cách biểu đạt của lớp người hôm nay trong một thế giới “hành xác và thể nghiệm”, trong một ngôi nhà nghiêng “đổ ra đường những đau thương từ đỉnh mái”. Đọc Lô Lô là đọc thì hiện tại, là sống thì hiện tại, với những Installation và Performance, khi người nghệ sĩ lấy chính mình làm phương tiện thể hiện mình. Từ cách trình bày bên ngoài như sắp đặt các con chữ, các hình khối minh họa, đến cách viết hiện đại bên trong, Lô Lô là một tập thơ hay lúc này, ở đây. Đáng tiếc, nó đã bị đẩy xuống hạng “tặng thưởng” thay vì đáng được giải thưởng. (Mà sao đã giải thưởng lại còn đèo thêm tặng thưởng? Kỳ quặc!). Trong “tặng thưởng” có cuốn tiểu thuyết Paris 11 tháng 8 của Thuận cũng có thể đưa lên giải thưởng vì nội dung và vì cách viết.


4.

Giải thưởng HNVVN 2006 không có cho mảng sách dịch và sách phê bình, kể cả ở hạng “tặng thưởng”. Điều này có chính xác không? Tôi không biết hội đồng chung khảo của Hội đã đưa những cuốn nào thuộc hai bộ môn đó vào xét giải vì thông báo không cho biết. Nhưng như cuốn Sống để kể lại hồi ký văn học của G. García Marquez qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha của Lê Xuân Quỳnh là đáng xét giải, không biết nó có tên trong danh sách chung cuộc không.


5.

Vậy thôi, mỗi năm một lần xét giải và tặng giải. Căn cứ trên danh sách giải thưởng năm nay của HNVVN, xin nhắc lại, tôi thấy một giải thưởng không thành. Vì đâu? Câu trả lời nằm ở người không muốn trả lời.

Nguồn: báo Thể thao & Văn hóa, ngày 20.10.2006