trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
23.10.2006
Phạm Xuân Yêm
Ðể góp ý với Ðặng Tiến trong bài "Hiệp định Genève" (talawas mục ý kiến ngắn 19.09.2006), trước hết xin trích lại câu của ông: "Có lẽ dân tộc ta không đủ, hay chưa đủ nội lực để khống chế uy thế ngoại lai, cho nên các chính quyền Nam-Bắc đã không đủ bản lĩnh hay mưu lược để thống nhất đất nước trong êm thắm. Thống nhất lãnh thổ là khát vọng của dân tộc, không phân biệt Bắc Nam hay chính kiến, nhưng nó đi ngược lại quyền lợi của các thế lực quốc tế đã và đang chế ngự thế giới. Bi kịch Việt Nam là ở chỗ đó và thất bại của Hiệp định Genève là ở đó."

Như ông viết, thống nhất lãnh thổ Việt Nam đi ngược lại quyền lợi của các thế lực quốc tế, vậy khi chính quyền (Bắc hay Nam) tìm cách thống nhất đất nước tức là chính quyền đó đã đi ngược lại quyền lợi của các thế lực quốc tế, có phải thế không? Vậy có cái gì mâu thuẫn trong lô-gích của ông chăng vì một đằng chính quyền đó đủ bản lĩnh dám chống lại quyền lợi ngoại lai, đằng khác lại không đủ bản lĩnh hay mưu lược để thống nhất đất nước. Họ có quá nhiều là đằng khác, nhưng cái quá nhiều đó có phục vụ lợi ích chung của toàn thể dân tộc ta hay không là câu hỏi mà mỗi cá nhân chúng ta đủ chín chắn để tự trả lời.

Từ những năm 60 khói lửa tràn đầy trên đất nước cho mãi đến ngày nay, riêng tôi vẫn nghĩ và ước ao hai chính quyền Nam-Bắc, nằm giữa cao độ của chiến tranh lạnh bấy giờ, nhận thức kịp thời cái giá kinh hoàng phải trả để thực hiện khát vọng thống nhất, và hãy tạm ngưng ở bờ sông Bến Hải, bên nào bên ấy thi đua phát triển phần mình như thời Trịnh Nguyễn ngày xưa. Nhất là chấp nhận sự chia cắt tạm thời đó phải dễ dàng hơn là quyết tâm thống nhất bằng mọi giá, vì nó thuận theo quyền lợi của các thế lực quốc tế lúc ấy chủ trương chung sống hoà bình, nếu không nói đến đại đa số dân chúng thầm lặng ở cả hai miền? Ðó cũng là đường lối khôn ngoan (chứ không dám làm đỉnh cao trí tuệ loài người!) của chính quyền hai bên Ðông-Tây Ðức, và của Bắc-Nam Triều Tiên sau ba năm nội chiến thảm khốc với vũ khí và can thiệp của từng ấy thế lực chế ngự thế giới. Sớm muộn, theo tôi nghĩ, Triều Tiên rồi cũng sẽ hợp nhất trong êm thắm như Ðức quốc, và biết đâu nếu cả hai bên Bắc Nam không đánh giết nhau để thống nhất, vài chục năm sau Hiệp định Genève người Việt cũng sẽ theo dòng chảy của văn minh toàn cầu mà tìm cách hoà thuận với nhau? Phải chăng chuyện này không hoàn toàn vô khả thi nếu mỗi chúng ta đã suy tư đắn đo, can đảm hành động theo lương tâm và trí tuệ?

Tiếp theo Ðặng Tiến: "Bây giờ còn lại câu chuyện giữa người Việt với nhau. Như cụ Nguyễn Du đã dạy ‘cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa’, chúng ta nên tự trách mình, mỗi người một ít, mỗi bên một ít."

Tôi cũng nghĩ đại khái như vậy với câu ngạn ngữ Pháp "On a ce qu’on mérite". Dân tộc ta không đủ, hay chưa đủ nội lực để kiềm chế chính quyền, mà Tiêu Dao Bảo Cự trong bài "Tỉnh thức, cảnh giác nhưng thông cảm và bao dung" (talawas 14.09.2006) gọi là "Nhân dân nào, chính phủ ấy", mà Nguyễn Tường Bách [1] diễn tả: "Và dường như tâm thức giác ngộ đó thúc tôi hiểu thêm cho rõ rằng, chính cộng nghiệp của một dân tộc đã tạo tiền đề cho một nhóm người nhất định lên nắm chính quyền và cai trị lại chính mình."

Ôn cố tri tân, nhìn lại lịch sử, đúng bảy trăm năm trước đây (1306), công chúa Trần Huyền Trân nước Ðại Việt đã về hợp hôn với vua Chế Mân nước Chăm, trao phận mình nổi trôi theo hai vận nước với nuôi ước dần hòa bình trong ái ân [2] . Qua khúc tình sử trên, chúng ta xuôi ngược dòng thời gian, tản mạn trên ba miền không gian trải dài từ Bắc xuống Nam, ở đó thăng trầm ba nền văn hiến rất khác biệt đã xây dựng nên nước Việt Nam hiện đại. Ðó là văn hóa Ðông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo gắn liền với sự hình thành của ba quốc gia riêng: Ðại Việt, Chăm (hay Chiêm Thành) và Phù Nam-Thủy Chân Lạp theo thứ tự nằm ở ba miền Bắc, Trung và Nam trên dải đất hình chữ S của nước Việt ngày nay. Chúng ta nhất là con em ta nên ý thức là sự thống nhất hành chánh ba quốc gia khác biệt nói trên thực ra mới từ năm 1802 thời Gia Long để tạo thành lịch sử Việt Nam cận đại. Hai trăm năm thôi so với chuỗi thời gian trải dài cho đến nay ít nhất từ thế kỷ thứ năm của Chăm quốc [3] , và từ thế kỷ thứ mười của Ðại Việt, hai nước láng giềng khi hòa lúc chiến. Nhưng đó lại là một đề tài khác vô cùng quan trọng chưa đề cập đến.



[1]Hương sen, http://www.quangduc.com/tapsan/05phapluanso7.html#HƯƠNG%20SEN
[2]Mời bạn đọc thưởng thức giọng hát Thái Thanh và Vũ Anh trong “Nước non ngàn dặm”của Phạm Duy http://dactrung.net/nhac/noidung.aspx?BaiID=0PrRJv8E5ZDi%2fj2Cv6GjyA%3d%3d. Dòng chữ viết nghiêng trong đoạn này trích từ ca khúc trên.
[3]Po Dharma trong http://www.chamyouth.com/phpBB2/xchampaka.php. Anne-Valérie Schweyer, Le Vietnam ancien, Les belles Lettres (2005).