trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
24.10.2006
Phong Uyên
Có dấu hiệu sửa soạn thay đổi thể chế giữa Đảng và nhà nước năm tới?
 
Từ sau Đại hội 10 đã gần nửa năm, tôi có chú ý theo dõi thời sự chính trường Việt Nam, tìm dấu hiệu một dò dẫm đưa tới một thể chế tránh một phần nào sự lẫn lộn cho tới nay giữa Đảng và nhà nước. Không thể chối cãi được là sự thay đổi về nhân sự trong Bộ Chính trị sau Đại hội 10 đã đưa tới kết quả là những nhân vật được tiếng là cấp tiến nắm được hầu hết những chức vụ then chốt trong bộ máy hành pháp và nhà nước khiến Đảng, tượng trưng bởi chức vị Tổng Bí thư, đã một phần nào bị vô hiệu hoá và tân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận được nhiều lực lượng hỗ trợ hơn ông Phan Văn Khải khi trước. Tôi cũng đã có dịp nói về sự tương quan lực lượng "bên tám lạng bên nửa cân" giữa phe bảo thủ và phe đổi mới mà có nhiều người cho chỉ là hai mặt của Janus. Tôi thì vẫn nghĩ là không thể không có hai phe được. Không phải vì có hai ý thức hệ khác nhau, mà vì một phe là tập hợp của những thành phần cần phải bảo vệ quyền lợi hiện đang nắm trong tay, một phe có ý thức trách nhiệm hơn về bộ máy nhà nước và tương lai Đảng về lâu về dài, cần tìm ra một đường lối chống tham nhũng một cách hữu hiệu hơn, thoả mãn một phần nào khát vọng dân chủ của người dân hơn.

Cho tới nay phe bảo thủ, tuy vẫn làm chủ được những lực lượng ngầm nằm trong công an, trong các ban bí thư Đảng ở các địa phương, trong các tập thể kinh tế quốc doanh, nhưng về mặt giám sát tư tưởng, Ban Tư tưởng Văn hóa đã mất khả năng chi phối giới văn nghệ sĩ, ngành giáo dục, báo chí, truyền thông công luận... và những phản ứng hay biểu lộ của một Nguyễn Hoà, Trần Thanh Đạm hay Đào Duy Quát chỉ có tính cách cảnh cáo và ngăn cản phe cấp tiến không được đi quá đà.

Phe cấp tiến cũng có những người "bắn tiếng mở đường". Người điển hình nhất là ông Võ Văn Kiệt rồi đến ông Nguyễn Trung: Trong toạ đàm bàn tròn trực tuyến "Đột phá giành thời cơ vàng" ông Nguyễn Trung đã công khai đả động đến sự cần thiết phải "thay đổi trong hệ thống" và tuy ông vẫn phải tránh né không đụng tới đa đảng nhưng cụm từ "đa nguyên" đã được nhắc tới nhiều lần và gần như đồng nghĩa với đa đảng hay ít nhất là đa phần. Một vài cơ quan truyền thông như VietNamNet, Tuổi Trẻ v.v... đã không ngần ngại phát tán những ý kiến đó trong khi bài của các ông Nguyễn Hoà, Trần Thanh Đạm phát biểu trên mặt báo Nhân Dân hay giới hạn trong "nội bộ" không đủ tính thuyết phục mà chỉ có tính cách "dằn mặt". Tuy vậy đó cũng vẫn chỉ là ý kiến của những nhân vật đã rời khỏi chính quyền.

Yêu cầu "thay đổi trong hệ thống" của phe cấp tiến đã có đáp ứng? Ngày 16-10 mới đây ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã công khai trao đổi với phóng viên Khánh Linh trên VietNam Net về quan hệ giữa Đảng và Nhà nước sẽ được đưa ra bàn trong Hội nghị Trung ương 4 sắp tới, sửa soạn cho cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5 năm 2007.

Không thể nói cuộc phỏng vấn này có thể thành hình nếu không có sự "cho phép" của một phe nào đó vì lần đầu tiên một nhân vật đương nhiệm có trọng trách trong Quốc hội được phát biểu trước báo chí về vị trí tương lai của Đảng trong quan hệ với hành pháp và lập pháp hay nói cho đúng nghĩa, về thể chế tương lai của Đảng.

Tôi thử phân tích tuần tự từng phần trong bài phỏng vấn:

Trước hết có một điểm làm tôi lưu ý và thoạt đầu tôi cho là rất quan trọng vì có thể đưa tới một đột phá chính trị sau cuộc bầu cử Quốc hội năm tới: ông Nguyễn Sỹ Dũng không một lần nào nhắc đến cụm từ "xã hội chủ nghĩa" và mô hình chính thể Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, "về mặt lý thuyết lẫn về mặt thực tế chỉ có 3 mô hình chính thể đã được thiết kế và vận hành tương đối thành công trên thế giới ngày nay là mô hình đại nghị như kiểu Anh, mô hình tổng thống như kiểu Mỹ và mô hình hỗn hợp như kiểu Pháp".

Nếu theo đúng nhận định của ông Nguyễn Sỹ Dũng, chính thể tương lai của Việt Nam tất nhiên phải là một trong 3 mô hình ấy và nền chính trị Việt Nam sẽ hội nhập thế giới như nền kinh tế sắp hội nhập WTO.

Nhưng khi đọc kỹ nội dung những câu trả lời của ông với phóng viên VietNamNet, tôi hoàn toàn thất vọng:


1. Trả lời câu chính thể Việt Nam hiện thời giống mô hình nào?

Lẽ thông thường từ trước tới nay vẫn được khẳng định và được đề cao: Cộng hoà xã hội chủ nghĩa là mô hình chính thể Việt Nam. Nhưng ông Nguyễn Sỹ Dũng tránh cụm từ đó, có lẽ vì nó bị mất giá quá rồi, cho Việt Nam gần mô hình đại nghị hơn "... chỉ khác là người cầm đầu đảng lãnh đạo không phải là thủ tướng". Tuy tránh nói nhưng vẫn nghĩ tới nó. Ông giả đò như không phân biệt được là trong mô hình đại nghị một đảng chỉ có thể cầm quyền (vì nắm được đa số sau một cuộc bầu cử) trong một thời hạn nào dù thời hạn đó có thể kéo dài hơn 70 năm như Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển được dân tín nhiệm bầu đi bầu lại, chứ không trường tồn lãnh đạo như Đảng Cộng sản Việt Nam, tự cho mình cái quyền lãnh đạo tuyệt đối. "Ghép" chế độ độc đảng Việt Nam vào mô hình đại nghị là chuyện "đầu gà đít vịt". Mô hình đại nghị kiểu nào đi nữa, một đảng được đa số là so, đối với đảng khác. Không lẽ đa số với chính mình khi độc đảng? Bởi vậy câu ông nói: "Đảng Cộng sản Việt Nam có đa số trong quốc hội và có quyền thiết lập chính phủ là phản ảnh nguyên tắc mô hình đại nghị..." thật là hồ đồ. Ngay như Trung Quốc, nếu tôi không lầm, cũng có 5-6 đảng "anh em" khác mà còn không bao giờ xưng là một nước theo chế độ đại nghị.


2. Hoàn toàn sai lầm khi diễn giảng về mô hình đại nghị nhất là mô hình kiểu Anh:

Ông Nguyễn Sỹ Dũng cho là một khi được đa số trong quốc hội, Đảng đương nhiên được nắm toàn vẹn quyền hành pháp, chia chác mọi chức vị trong nội các cho toàn bộ ban lãnh đạo Đảng "...theo mô hình đại nghị, toàn bộ ban lãnh đạo đảng (ví dụ như Công đảng Anh chẳng hạn) tạo thành nội các và nằm trong quốc hội... Ban Chấp hành Trung ương sẽ là bộ phận nòng cốt của đảng đoàn quốc hội. Bộ Chính trị sẽ là nội các đồng thời là ban lãnh đạo đảng đoàn quốc hội...". Theo ông, không những nắm toàn quyền hành pháp và toàn bộ chính phủ, Đảng còn nắm toàn quyền lập pháp và "cư ngụ" ngay trong quốc hội: "Việc tranh luận và hoạch định đường lối chính sách của Đảng xẩy ra ngay trong đảng đoàn quốc hội... Đảng, Nhà nước (Quốc hội và chính phủ) gắn kết hữu cơ với nhau". Ông không nghĩ rằng ngay ở những nước gọi là lưỡng đảng (vì những diễn tiến chính trị trong lịch sử chứ không phải vì có luật nào bắt buộc chỉ có hai đảng) cũng có những đảng nhỏ khác trong quốc hội, những phần tử không thuộc đảng nào mà đảng đã được đa số tương đối muốn có đa số tuyệt đối để cầm quyền vẫn phải liên minh và đổi lại một số ghế trong nội các mình. Ngoài ra một đảng, dù đã góp được đa số trong quốc hội để cầm quyền không có nghĩa là có được đa số để chuẩn y luật theo ý mình. Để duy trì độc lập giữa hành pháp và lập pháp theo đúng nguyên tắc phân quyền, những thành viên trong nội các, phần nhiều đã là đại biểu quốc hội, một khi được đề cử giữ một trách vụ gì phải nhường ghế đại biểu quốc hội cho người khác chứ không được kiêm nhiệm. Cũng như ngược lại, một khi trúng cử đại biểu quốc hội, tân đại biểu phải từ nhiệm những chức vụ khác dù công hay tư chứ không được ôm đồm. Như vậy không có sự đồng loã giữa hành pháp và lập pháp ít nhất là về mặt hình thức. Mô hình đại nghị Anh hoàn toàn không như ông Nguyễn Sỹ Dũng tưởng tượng: Nước Anh quân chủ lại là một nước có lịch sử đại nghị xưa nhất thế giới và là một nước dân chủ gương mẫu. Một công việc Hercule để giải thích thế nào là chính thể đại nghị Anh đang chờ tùy viên văn hoá toà đại sứ Anh ở Hà Nội.


3. Trả lời câu hỏi của phóng viên Khánh Linh về quyền lực ở Việt Nam đang bị phân tách hơn cả những nước theo đuổi học thuyết phân quyền:

Mới đầu chính tôi cũng không hiểu câu hỏi của Khánh Linh vì "quyền lực" (quyền hành và thế lực) và học thuyết (nguyên tắc?) "phân quyền" (hành pháp, lập pháp, tư pháp) có dây mơ rễ má gì với nhau? Tôi cho là một câu hỏi "gài bẫy". Nhưng câu trả lời của ông Nguyễn Sỹ Dũng mà tôi xin chép lại nguyên văn sau đây, không cần một lời bàn vì đã tự phản ảnh đầy đủ ý của vị Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Quyền gì cũng là quyền Đảng: "Sợ là không khéo đó là tình hình thực tế. Chúng ta sẽ thấy tất cả các nước theo mô hình đại nghị, đảng với nhà nước, quốc hội với chính phủ bao giờ cũng gắn kết chặt chẽ với nhau làm nên sự thống nhất rất cao: Đảng không quyết rồi giao cho quốc hội thể chế hoá mà đảng quyết ngay ở quốc hội (!!!)

Để kết luận, tôi xin mượn câu trả lời của ông Nguyễn Sỹ Dũng khi Khánh Linh hỏi ông về vai trò lãnh đạo của Đảng như thế nào: "Đảng sẽ lãnh đạo trực tiếp nhất vì Đảng đã hoá thân vào nhà nước". Vừa là chính phủ, vừa là quốc hội, vừa là nhà nước, thể chế "đại nghị" tương lai của Việt Nam rõ như ban ngày. Chỉ tóm vào một chữ: Đảng.

Thật là: "Mình với ta tuy ba nhưng một, ta với mình tuy một mà ba". Câu thơ này sẽ được ngâm ở Hội nghị Trung ương 4.

© 2006 talawas