trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 38 bài
  1 - 20 / 38 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcCác giải thưởng văn học
30.10.2006
Phạm Xuân Nguyên
Giải thưởng phải là giải thưởng tử tế
Diễm Huyền thực hiện
 
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên là người đầu tiên lên tiếng về giải thưởng 2006 của Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) với bài “Giải thưởng không thành giải thưởng” (Thể thao & Văn hóa, 20/10/2006). Sau sự kiện nhà thơ Ly Hoàng Ly từ chối nhận thưởngbài nói lại của dịch giả Phan Hồng Giang trong ban chung khảo, chúng tôi đã đề nghị nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên phát biểu tiếp ý kiến quanh chuyện giải thưởng này. Cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu từ... giải Nobel văn học 1964.

Trường hợp từ chối giải thưởng văn học hình như đã có cả ở giải Nobel?

Năm 1964 Jean-Paul Sartre được trao giải Nobel văn chương và ông đã từ chối. Lý do cá nhân của ông trong việc từ chối này là ông với tư cách nhà văn không muốn vướng vào một thiết chế nào để dễ bị chi phối nghề văn của mình. Trong thư gửi Viện Hàn lâm Thụy Điển Sartre nói quan niệm của ông về nhiệm vụ của nhà văn buộc ông luôn phải từ chối các vinh dự chính thức, nếu nhà văn nhận một vinh dự như thế thì hắn sẽ phải thỏa hiệp mình với thiết chế trao giải, và trên hết, nhà văn không được cho phép mình sa vào một thiết chế nào cả.

Còn ở ta?

Ở ta, đã có những nhà văn đang là hội viên nhưng xin ra khỏi HNVVN vì thấy hệ lụy quá với cái thiết chế này. Riêng về giải thưởng của Hội thì năm 2003 nhà văn Hồ Anh Thái đã từ chối tặng thưởng trao cho tập truyện Tự sự 265 ngày của anh (chỗ này ông Phan Hồng Giang nói nhầm là giải của HNV Hà Nội, xin nói lại cho đúng là của HNV VN). Bây giờ là Ly Hoàng Ly từ chối tặng thưởng 2006 cho tập thơ Lô Lô của chị.

Lý do từ chối của họ, theo anh?

Họ không chấp nhận cách xét giải và sự đánh giá của Ban xét giải đối với tác phẩm của họ.

Anh thấy lý do đó có chính đáng không?

Chính đáng. Một giải thưởng mà liên tiếp có người được giải lên tiếng từ chối thì người trao giải không thể cứ bình tâm mà nói rằng trao là quyền tôi, nhận hay không là quyền anh/chị được. Cũng như việc kết nạp vào hội vậy. Tôi biết kỳ này có những người được trân trọng mời vào hội nhưng họ cám ơn và từ chối. Nghe thế tôi có bảo một người chức trách ở hội rằng cái hội các anh cũng nên xem lại mình ra sao mà những người tử tế được mời vào lại quay đi. Tôi nói thế chắc họ sẽ bảo: còn khối người tử tế vẫn xin vào hội, vẫn mong được kết nạp. Vâng, người vào cứ vào, nhưng một người tử tế quay lưng đi thì chủ nhà cũng phải giật mình, xem lại mình có còn tử tế hay không.

Trở lại Ly Hoàng Ly. Trong bài nói lại sau khi có bức thư từ chối nhận thưởng của Ly, ông Phan Hồng Giang cho rằng Ly làm thế chỉ là vì thấy anh đề cao tập Lô Lô hơn tập Thương lượng với thời gian, chứ còn câu ông ta nói trong bài trên TTVH chỉ là giọt nước tràn ly thôi. Anh bình luận gì về điều này?

Tôi khẳng định một lần nữa: Tôi đánh giá Lô Lô mới hơn, hay hơn Thương lượng với thời gian. Tôi cho Lô Lô đáng giá giải thưởng hơn Thương lượng với thời gian. Và tôi đoan quyết rằng nếu tập Thương lượng với thời gian không phải của Hữu Thỉnh đang là đương kim chủ tịch Hội thì nó chưa chắc đã ăn giải, hoặc sẽ chỉ là tặng thưởng, còn Lô Lô sẽ là giải thưởng. Mà không riêng gì tập của Ly, tập của ai khác vào cạnh tranh với tập Hữu Thỉnh trong trường hợp này cũng đều sẽ bị bật ra hết. Rất lâu trước khi giải được xét, hay tin tập ông Thỉnh dự giải, người ta biết chắc ông ta được giải, khỏi phải dự đoán và tốn công chờ đợi sự bất ngờ.

Ông Giang nói: “Các tác phẩm thơ năm nay so với mặt bằng chung của thơ ca không có gì quá nổi trội, chẳng qua là một bước tiến so với chính bản thân tác giả”. Cứ cho là vậy đi, thì từ đây suy ra: Thương lượng với thời gian là bước tiến của Hữu Thỉnh so với Hữu Thỉnh xa hơn Lô Lô là bước tiến của Ly Hoàng Ly so với Ly Hoàng Ly. Tôi để bạn đọc tự bình luận về logic xét giải này. Phần tôi, tôi đồng tình với sự từ chối nhận giải của Ly Hoàng Ly khi chị tự tin vào giá trị tác phẩm của mình và bất tín với cách xét giải của ban xét giải.

Giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam thường gây tranh cãi có lẽ cũng có phần như anh nói là do nó mặc nhiên được coi như một giải thưởng có tính quốc gia. Phải có thêm nhiều giải khác nữa, phải đa dạng các giải thưởng văn chương đi. Điều này ông Giang cũng đã nói đến. Còn anh nghĩ sao?

Điểm này tôi đồng ý với ông Giang. Nhưng thưa ông Giang và bạn đọc: ai cho phép các giải thưởng khác được ra đời và hoạt động? HNVVN và giải thưởng của nó là một thiết chế, một tổ chức và một hoạt động bị hành chính hóa lâu nay rồi. Lịch sử còn ghi HNVVN đã trao thưởng cho tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và rồi chính Hội lại quay ra phủ nhận và phê phán giải thưởng đó, tác phẩm đó. Và Nguyễn Huy Thiệp thời lừng lẫy nhất văn nghiệp ông lại không được giải thưởng nào, không phải vì các vị xét giải hồi đó không thấy, nhưng thấy mà đành chịu.

Cho nên câu chuyện giải thưởng hàng năm của HNVVN, cũng như chuyện lập ra nhiều giải thưởng khác, vẫn còn là “chuyện dài bất tận”.

Cám ơn anh.


(Ghi chú: Bài trả lời này làm theo yêu cầu của trang mạng www.vtc.vn. Như lệ thường gửi bài cho báo chí, tôi đề nghị dùng nguyên văn, không cắt bỏ. Nửa chiều đang đi đường nghe điện thoại: anh ơi, bài đã trình “sếp” nhưng có bị cắt đi vài chỗ. Thôi thôi, em rút bài lại hộ anh, anh biết bị cắt chỗ nào rồi, cái câu anh nói về cái sự HNVVN tự mình chửi mình ở giải thưởng trao cho Bảo Ninh chứ gì. Vâng, sao anh biết thế, “sếp” em bảo chỗ đó nhạy cảm, hay cứ bỏ chỗ đó đi cũng được, anh cứ để bài bọn em đưa lên. Cám ơn, anh rút bài, anh không đăng nữa. Hết điện thoại, xe vẫn len lỏi trên đường. Trao giải cho Nỗi buồn chiến tranh là một sự thật. Chửi lại giải thưởng đó là một sự thật. In lại Nỗi buồn chiến tranh sau mười năm vắng bóng là một sự thật. Sự thật tiếp nối sự thật. Sao lại che đậy, xóa đi một sự thật. Để làm gì?)

(Ghi chú của ghi chú: Tôi chán những ghi chú thế này lắm rồi. Khi nào thì tôi không phải bị ghi chú thế này nữa. Khi nào?)

© 2006 talawas