trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Mĩ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
Loạt bài: Mỹ thuật Việt Nam thế ká»· 20: Cá»™t mốc và những dấu ấn
 1   2   3 
11.10.2002
Nguyễn Quân
Mỹ Thuật Việt Nam giai đoạn 1945-1975: Yêu nước - tập thể - lạc quan
 
Mỹ thuật một lần nữa đổi thay, lần này được chuẩn bị rất kỹ càng qua cả 9 năm gian khổ, hào hùng, 9 năm đủ để một thiếu niên chập chững thành một thanh niên trưởng thành về mọi mặt, để một chàng học sinh mơ mộng, thành một cán bộ dày giạn kinh nghiệm để một người "lột xác" thành một người khác. Ðiều đó đã diễn ra với ba thế hệ tạo hình hoạt động trong 20 năm từ cuối cuộc chiến tranh trước tới cuối cuộc chiến tranh sau. Nét chủ đạo của xã hội Việt Nam là chiến tranh kéo dài, tạo ra một xã hội thời chiến, một lối sống thời chiến trải mấy thế hệ. Và hơn nữa xã hội đó bị đảo lộn tận gốc rễ. Một thuộc địa thành hai nước tự do, ở mức độ khác nhau. Sự chia cắt là một thực trạng mới nhưng lòng yêu nước và đòi độc lập, thống nhất là bao trùm tất cả. Những quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa đều là mới mẻ. Những cuộc di dân lớn làm cơ cấu gia đình, tôn giáo, tập tục thay đổi nhanh chóng. Sự mật thiết với châu Âu xã hội chủ nghĩa và nước Mỹ xa vời - "lạ hoắc" là một nhịp khác của giao thoa văn hoá nghệ thuật.
Chủ nghĩa yêu nước là trục chính cho sáng tác văn nghệ dù ở miền Bắc nó được chắp cánh bởi tinh thần lạc quan cách mạng và chủ nghĩa tập thể và ở miền Nam là lòng tự cường, mở ra bên ngoài và nỗi "hoài thương nhớ một chiều xưa, một cố hương!" Lê Văn Ðệ và Trường quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Ðịnh, những sáng tác lớn của Nguyễn Gia Trí, một lớp thứ hai với Tạ Tỵ, Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng... và sau đó là lớp đông đảo của Hội họa sĩ trẻ thách thức và tìm tòi với Nguyễn Trung, Mai Chửng, Ðỗ Quang Em, Trịnh Cung, Nguyễn Phước, Nguyên Khai, Hồ Hữu Thủ... và những người ở Huế vào như Bửu Chỉ, Hoàng Ðăng Nhuận... đã làm cho Sài Gòn trở thành một Trung tâm nghệ thuật mới của đất nước. Song song với những làn sóng đó là một lớp họa sĩ chiến khu (R) như Huỳnh Phương Ðông, Quách Phong, Thanh Châu, Ðỗ Ðồng, Thái Hà, Lê Lam, Cổ Tấn Long Châu... làm nòng cốt cho nghệ thuật cách mạng mang hơi hướng xã hội chủ nghĩa giàu tính tuyên truyền và tác phẩm của họ là những chứng cứ nghệ thuật cảm động của một cuộc chiến khác hẳn cuộc kháng chiến chống Pháp ở tính chất và qui mô. Nói chung hội họa miền Nam giai đoạn 1955-1975 còn cần sự nghiên cứu đánh giá kỹ càng và mạch lạc hơn, đi ra từ sự vận động của chính nó chứ không chỉ nhìn từ ngoài vào theo quy chiếu đơn giản của công tác tuyên giáo cần cho tức thời nhưng luôn phải điều chỉnh với lịch sử.

Dẫu sao Hà Nội vẫn là cái nôi của nghệ thuật, Nguyễn Sáng ra Hà Nội và ở đó hơn 40 năm để trở thành họa sĩ lớn nhất của giai đoạn thực hiện xã hội chủ nghĩa của nghệ thuật cách mang. Từ, "Giặc đốt làng tôi" tới "Kết nạp Ðảng ở Ðiện Biên Phủ", từ "Cảnh trong vườn chuối" tới "Cảnh chuà Phổ Minh". Từ "Người con trai", "Học bình dân" hay "Ðất vật" tới "Thiếu nữ với hoa sen" hay "Nhảy múa"... tác phẩm của ông đồ sộ và thiết tha ca ngợi cái hào hùng của một dân tộc, cái đằm thắm và cực nhọc mà kiêu dũng của những con người, cái lộng lẫy và tủi hận của những miền quê. Ông có một phong cách mạnh mẽ thực sự mang dấu thời đại mình. Bên cạnh ông, Nguyễn Tư Nghiêm với "Chống thuế", "Con nghé quả thực", "Ðêm giao thừa" rồi sao đó là loạt tranh Thánh Gióng, Múa cổ, Con giống... là một nhà canh tân lớn mở đường cho hội họa vừa trở lại với truyền thống vừa mang tính đương đại quốc tế cao. Bùi Xuân Phái dịu dàng hơn, hiền lành hơn với tâm hồn của phố cổ Hà Nội, của sân khấu Chèo, thơ Hồ Xuân Hương, khoả thân và trừu tượng lại là rộng rãi hơn. Hội họa ông thấm dần, hiền hậu và phơi phới như mưa xuân đất Bắc. Ðó là ba tác giả lớn nhất, thực sự là con đẻ của những thập niên này và làm vinh dự cho những tháng năm họ sống. Cùng thế hệ đó còn phải kể tới một Nguyễn Tiến Chung tài hoa và yêu quý nông thôn, Sỹ Ngọc chắc chắn khi diễn tả cái khỏe mạnh công nghiệp, một Dương Bích Liên trữ tình của ánh nắng vàng, một Mai Văn Hiến người mô tả tài tình đời sống hàng ngày của anh bộ đội. Thế hệ thành danh trước 1945 đã cố gắng "tự lột xác", nhiều người làm cán bộ lãnh đạo và sự thay đổi quan niệm sống, lối sống, cách nhìn của họ dẫn tới thay đổi lớn về đề tài và chủ đề của mỹ thuật Việt Nam. Công-Nông-Binh trở thành nhân vật chính. Một sự dân chủ hóa nghệ thuật diễn ra nhờ bao cấp! Công-Nông-Binh trong lao động tập thể và trong tinh thần lạc quan thay cho các thiếu nữ một mình buồn vu vơ. Sự mở rộng về đề tài trong sự hẹp hòi của chủ đề và sự quá đồng nhất về phong cách sáng tạo là đặc điểm chung của thời kỳ này. Nguyên Ðỗ Cung khô khan và chắc khoẻ trong ba tranh về công nhân như ba giai đoạn phát triển từ thủ công, tiểu công nghiệp tới hiện đại! Trần Văn Cẩn dù với "Mùa thu" có duyên thầm hơn "Tát nước đồng chiêm" vẫn là họa sĩ của tình cảm nhẹ nhàng của cô gái Việt. Nguyễn Phan chánh hầu như không thay đổi phong cách bởi ông vốn là họa sĩ của người đàn bà sau lũy tre làng. Tuy nhiên, ở các tranh như "Sau giờ trực chiến, "Tổ đan mây" hay "Bữa cơm ngày mùa" vẫn có cái mới bởi cái vui nho nhỏ đến hàng ngày trong lao động của họ. Tất cả các cựu học sinh Trường Mỹ thuật Ðông Dương đã đóng góp quan trọng cho giai đoạn này bằng một mùa Xuân thứ hai trong đời sáng tác của mình. Họ còn có công nữa là hình thành cái khung kết cấu của các thiết chế mỹ thuật và đào tạo các lớp nghệ sĩ kế tục, tuy rằng thiết chế nào với thời gian cũng đi vào quan liêu và sự đào tạo nào cũng mang khía cạnh bảo thủ. Thế hệ thứ ba bắt đầu đời sáng tác của mình đầu những năm 1960 là những người được đào tạo trong kháng chiến và những năm đầu hoà bình. Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Nguyễn Thụ, Hoàng Trầm... đều mỗi người một vẻ và có những tìm tòi riêng trong cái khuôn chung được sắp đặt một cách vô hình mà tất cả mọi người đều tình nguyện đi theo "Khi đứa con ra đời", "Một buổi cày", các cô gái miền núi hay các anh chị tự vệ.... vẫn làm ta thấy rõ thời họ đang sống niềm lạc quna và ước mơ của một thế hệ mới trong một nước Việt mới. Buổi sáng luôn có cái trong trẻo nhẹ dạ của nó.

Ðồ họa tuy không có các tác giả chuyên sâu và nổi bật nhưng là loại hình phát triển mạnh nhất với tranh cổ động, đồ họa sách báo và sau đó là trang trí sân khấu điện ảnh và phim hoạt hình, tranh truyện, sách thiếu nhi... đủ mọi loại hình.

Ðiêu khắc vốn còm cõi từ đầu thế kỷ và bị thiệt thòi nhiều trong chiến tranh. Những pho tượng hiện thực của Diệp Minh Châu, Văn Hoè, Phạm Xuân Thi, Nguyễn Thị Kim... thật dễ thương và cảm động khi ta đặt mình vào hoàn cảnh ra đời của nó và thông cảm với tâm sự của các tác giả. Bước chuyển thực sự diễn ra vào đầu những năm 1970 với Nguyễn Hải, Lê Công thành cùng một số các tác giả trẻ hơn. Họ quay lại tìm kiếm cảm xúc hình khối từ điêu khắc đình làng, tượng của các dân tộc thiểu số pha trộn chút ít nguyên lý của điêu khắc hiện đại châu Âu trước đó vài thập kỷ. Một gợi ý lớn đến từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa với phong trào tượng đài, một phương tiện tuyên truyền và giáo dục chính của hiện thực xã hội chủ nghĩa và của mỹ thuật do nhà nước đặt hàng và bảo trợ. Ðó cũng là "cửa" lập nghiệp và sinh sống duy nhất của các nhà điêu khắc. Ðiêu khắc phát triển bề rộng với cái lợi và cái hại dính lưng vào nhau của nó.
Lý luận, phê bình và nghiên cứu hình thành, đi những bước chập chững ban đầu và chuẩn bị cho những kết quả đáng quý trọng ở giai đoạn sau. Có những nhà phê bình có tên tuổi là một điều khó với bất kỳ nền văn nghệ nào. Thái Bá Vân có một uy tín thầm lặng trong giới mỹ thuật, sáng lập Bảo tàng Mỹ thuật và Viện Nghiên cứu Mỹ thuật ngay từ khi chưa có được một đội ngũ chuyên nghiệp và chính ông cũng là một học giả tầm đại cương hơn là một chuyên gia ở hướng hẹp. Cần đánh giá sự hình thành của ngành này ở tầm văn hoá và xã hội hơn là bó hẹp nó trong quan hệ phụ họa hay "chỉ đường" cho sáng tác, hay làm "lính gác của Ðảng".
Việc chia giai đoạn 1945-1975 chỉ là ước lệ, thực ra mỹ thuật giai đoạn này được bắt đầu từ trước cả chục năm và kéo dài trong sự trì trệ cả chục năm sau nữa, xét về cả mặt xã hội học nghệ thuật, hệ quy chiếu thẩm mỹ, hình thức và ngôn ngữ nghệ thuật lẫn phương thức tổ chức và hoạt động mỹ thuật.

Phải nói rằng 20 năm đó biết bao nhiêu tình. Nền mỹ thuật phôi thai trước cách mạng nay đã trưởng thành, lan rộng ra khắp cả nước, có những tác giả xuất sắc mà ở bài này chúng tôi không thể nêu hết tên tuổi. Các thiết chế mỹ thuật, các ngành, các thể loại dần hoàn chỉnh cho một quốc gia. Và dù chúng nhanh chóng tỏ ra bất cập với phát triển của đất nước thì ta cũng thấy đó là những rối loạn, những khủng hoảng tất yếu của một cơ thể còn phát triển.
Mỹ thuật là một ngành có thành tựu khả quan nhất trong các ngành văn nghệ nước ta giai đoạn này.


Mỹ thuật những năm 80 - Bản lề và cánh cửa

Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1980 ở Giảng Võ (Hà Nội), được đón tiếp hầu hết các vị lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và Quốc hội nước Việt Nam thống nhất tới xem, là cái mốc đầu tiên. Nó ghi nhận những mầm mống của sự đổi thay. Một Ðỗ Sơn, Lương Xuân Ðoàn, một Ðặng Thị Khuê, Ðỗ Thị Ninh, Bửu Chỉ, một Nguyễn Trung, Nguyên Khai, một Lê Huy Tiếp, Lê Anh Vân và rất nhiều người khác... thực sự gây hy vọng. Nguyên lý đồng hiện, mà các nhà nghệ thuật Xô viết và Mexico đã dùng trong phong trào cách mạng, được chấp nhận.Thực ra các tác phẩm ở đây không liên quan gì mấy với tranh trừu tượng ở trời xa, nhưng nó có nghĩa là không cần phải vẽ như trường Yết Kiêu mà vẫn được trưng bày. Những giải "khuyến khích". Một từ thường được dùng sau đó là "thể nghiệm", tránh cái từ cách tân hay đổi mới, để dung nạp những gì hơi khác trước một chút. Ngay tới triển lãm cá nhân của Bùi Xuân Phái, các tranh trừu tượng cũng được đặt tên là "Thể nghiệm 1, 2, 3, 4"!

Ba triển lãm cá nhân của các ông Sáng, Phái, Nghiêm - ba vị có lúc còn chưa được đánh giá đúng mức, nhưng ít lâu sau đã được thừa nhận là ba cây đại thụ của Mỹ thuật Cách mạng - như một luồng gió mạnh làm nức lòng giới văn hoá cả nước. Ðảng ta thực sự muốn đổi mới. Tuy nhiên, cái quan trọng không chỉ là sự đánh giá lại hay khôi phục uy tín cho họ về mặt xã hội, chính trị, mà là sự công nhận một thái độ thẩm mỹ không giáo điều về cội nguồn dân tộc và công nhận sự tự do cá nhân trong sáng tạo, điều mang tính đột phá nhất. Ba ông Sáng, Phái, Nghiêm là tấm gương của sự kiên định cá nhân cho nghệ thuật cách mạng và dân tộc.

Song song với triển lãm của các vị trên, có triển lãm khóa kháng chiến không gây tiếng vang gì lắm và hoạt động của ban nghệ sĩ trẻ cùng các triển lãm cá nhân. Bây giờ triển lãm cá nhân là "cơm bữa" bình thường, nhưng khi đó vẫn là lễ hội đông vui, có tính biểu dương và khích lệ rất cao không chỉ trong giới mỹ thuật. Trước khi có chính sách đổi mới thì cái bản lề mỹ thuật có vẻ như đã tự xoay và góp phần chuẩn bị trước, chuẩn bị tiếp cho chính sách của Ðảng ta khi mở cửa.

Cuộc tập sự, sau trở thành biểu tượng của đổi mới mỹ thuật, của trách nhiệm cá nhân nghệ sĩ là trại sáng tác Ðại Lải: 40 họa sĩ từ khắp các miền cùng sáng tác trong một khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, điều kiện sống tối ưu, vật tư loại tốt nhất. Tất cả đều do Hội cung cấp và điều quan trọng là Hội không hề nói vẽ cái gì, vẽ thế nào. Trách nhiệm cá nhân nghệ sĩ là trên hết. Và các tác giả thuộc các thế hệ hết sức hoà đồng, không gợi một mâu thuẫn nào khi không có hai câu hỏi trên được đề ra. Tổng Bí thư Trường Chinh là người duy nhất ghi sổ lưu niệm khích lệ. Họa sĩ Lê Huy Hoà nói: "Tôi đã được sống trên thiên đường". Cảm giác về tự do thật ngây ngất. Bước thứ nhất là vẽ thế nào? Giờ đây người ta vẫn vẽ những đề tài giống nhau, nhưng biểu hiện khác nhau. Bước thứ hai là vẽ cái gì? Giờ đây họa sĩ phải tự quyết định. Khi giải quyết hai câu hỏi này, mặc nhiên người ta đã có tự do.

Một cuộc triển lãm đông vui nhất, gây ấn tượng mạnh mẽ nhất là triển lãm 16 người tại Bảo tàng Mỹ thuật: 15 họa sĩ + 01 nhà phê bình (tới nay hầu hết đã thành danh). Họ tự bỏ tiền tổ chức triển lãm, bán tranh cho bảo tàng và cho tư nhân. Câu hỏi thứ ba: Ai tổ chức các hoạt động mỹ thuật? - đã được trả lời.

Tất nhiên câu chuyện đổi mới mỹ thuật không đơn giản. Ðổi mới thì ai cũng muốn, nhưng chỉ có một thiểu số có năng lực đổi mới mình. Khá nhiều người trở nên hoang mang không biết trả lời ba câu hỏi trên như thế nào, kể cả phần lớn các nhà phê bình. Lại có một số người gắn với cơ chế bao cấp, trở nên bảo thủ. Nó thể hiện quy luật của sức ì trước bất kỳ một cải cách nào, không phải là lỗi tại ai. Ðổi mới cũng không phải là phủ nhận quá khứ, lật đổ thần tượng... mà chỉ đơn giản là trở lại đời sống bình thường. Con đường từ chiến trường trở về không phải rải toàn hoa hồng và niềm vui. Cuộc xây dựng kinh tế cũng sẽ vất vả và hào hùng không kém cuộc chiến tranh. Mỹ thuật cũng phải đi con đường chông gai của nó mà ở đây là con đường tự nhận thức của mỗi nghệ sĩ. Người nghệ sĩ độc lập trong thời bình, trong kinh tế thị trường, trong thời mở cửa thay thế, nhưng không phủ định, lãng quên người nghệ sĩ - chiến sĩ. Vào nửa sau những năm 30, có hai lực lượng bổ sung làm cán cân nghiêng hẳn về đường lối đổi mới của Ðảng, làm cho những người bảo thủ, do dự cũng nhận thức dần về ý nghĩa và giá trị của đổi mới. Nếu trước đây, nhiệm vụ là giữ nước thì nay, là làm cho "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh". Chức năng của mỹ thuật cũng đã thay đổi căn bản: Nó phải làm giàu, làm đẹp cho đất nước, nó không chỉ "lành" mà phải "mạnh", cụ thể là phải phong phú, đa dạng và có tính cá nhân mạnh mẽ, có bản sắc độc đáo. Thứ nhất là đông đảo các nghệ sĩ trẻ nhất tề hoan nghênh những điều trên, lại không bị ràng buộc gì vào chế độ bao cấp. Họ gần như buộc phải và hân hoan được làm nghệ sĩ độc lập. Và ai cũng biết sáng tác nghệ thuật chân chính không khi nào lại đi ngược những điều Ðảng và Nhà nước mong ước. Nó không chỉ mang lại cuộc sống vật chất cho một số người, nó mang lại cả sự tự tin trong sinh tồn, trong cọ xát, hoà nhập về nghệ thuật. Nó mang theo những lợi thế mới cho mỗi người và cả những áp lực mới, thói xấu mới và những nguy cơ tha hoá mới. Bức tranh trôi nổi trong thị trường đó với cả yếu tố may rủi và chỉ có cá nhân người sáng tạo ra nó chịu trách nhiệm về số phận của nó. Nó tự do hơn nhưng cũng vất vả hơn, nó có thể đạt thành tựu rạng rỡ nhưng cũng có thể bị tha hoá thảm thương.

Chỉ một lĩnh vực hầu như không thay đổi gì nhiều, và nhiều người (bao gồm cả phần lớn chính các tác giả làm các đơn đặt hàng trong lĩnh vực này) hình như quên nó cũng thuộc về mỹ thuật: đó là lĩnh vực tượng đài mà từng công trình tiêu tốn rất nhiều tiền của Nhà nước, nhưng cho tới nay phần lớn vẫn chìm trong công thức sơ lược và thiếu hàm lượng thẩm mỹ.

Có thể nói, thế hệ tham gia các sự kiện mỹ thuật nêu trên, lúc đó khoảng 35-45 tuổi, đã tìm ra chìa khoá, xoay cái bản lề đổi mới và lớp trẻ ngay sau họ là lực đẩy mở toang cánh cửa. Hai thế hệ này tạo ra những giá trị thẩm mỹ mới, chức năng nghệ thuật mới và ngôn ngữ mới... làm cho toàn cảnh mỹ thuật rộng ra, sặt sỡ hơn và có những chiều kích khác. Chỉ nêu một thí dụ: Nếu trước cách mạng, ta thấy có ấn tượng và tả thực, hiện thực và trữ tình với đề tài sinh hoạt cá nhân; những năm chiến tranh, ta có công, nông, binh và sinh hoạt tập thể, chủ nghĩa lạc quan, tuyên truyền với bút pháp tả chân thì từ cuối những năm 80, có thể thấy đủ loại bút pháp, đủ loại phong cách, đủ mọi thể loại và đề tài được mở rộng hơn nhiều. Ðiều đó ít nhất cũng "tương thích" với hiện thực cuộc sống trở nên phong phú hơn, phức tạp hơn, nhu cầu thẩm mỹ, chiếm hữu cái đẹp đa dạng hơn, nội tâm con người cũng nhiều chiều hơn.
Ở thập niên tiếp theo chúng ta sẽ thấy cánh cửa này "mở" thế nào. Nó mở hai chiều: vào nội giới cá nhân nghệ sĩ và ra ngoại giới của những nhu cầu mới, quốc gia, khu vực và quốc tế.