trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
4.11.2006
Lữ Phương
Trả lời ông Đinh Từ Thức
 
1.

Bài “Lịch sử cứt chồn” của ông Đinh Từ Thức (talawas 19-10-2006) có hai ý căn bản. Ý thứ nhất: phản ứng quyết liệt bài phản biện của tôi (“Đàng sau một câu trả lời…’”, talawas 16-9-2006) về mặt phương pháp lập luận của ông cho rằng miền Bắc đã có ý đồ xâm lược miền Nam bằng võ lực ngay sau khi Hiệp định Genève vừa ký kết (“Ai phá hoại hiệp định Genève?”, talawas 7-9-2006). Ý thứ hai: phê bình điều ông cho là xuyên tạc, không trung thực của tôi khi viện dẫn một số câu của The New York Times tường trình Hồ sơ mật để phản biện về mặt nội dung với lập luận của ông, sau đó căn cứ vào chính Hồ sơ mật ấy (bản gốc mang tên “History of U. S Decision-Making Process on Vietnam Policy”), bảo vệ một cách tổng kết cho ý kiến của ông về Hiệp định Genève nói trên.


2.

Trước hết, xin trả lời ý thứ nhất của ông Đinh Từ Thức, với mấy nhận xét sau đây:

Những gì ông nói thêm về việc miền Bắc toan tính dùng võ lực để thôn tính miền Nam ngay khi Hiệp định Genève vừa ký kết, về căn bản, không có gì mới và thuyết phục hơn so với những gì ông đã trình bày trước đó. Hai yếu tố: khách quan (điều kiện chính trị sau 1954) và chủ quan (chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam) mà tôi nêu ra để phản biện, với hàng loạt những vấn nạn phi lí về hậu quả do phương pháp lập luận của ông tạo ra vẫn chưa được ông nhận thấy cần quan tâm để trả lời thoả đáng [1] .

Vấn đề lịch sử đó tôi cho như thế là đủ, ở đây xin được nói một chút về phản ứng của ông với khái niệm “chống cộng thánh chiến”, chủ đề của bài thảo luận lần trước của tôi. Xin được xác định dứt khoát rằng tôi chỉ sử dụng khái niệm ấy theo nội dung của cái ý thức hệ Chiến tranh Lạnh ra đời trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô sau Thế chiến II thế kỷ trước; được hai bên (cộng sản và chống cộng) sử dụng như một phương pháp tuyên truyền tâm lý chiến, ý thức hệ ấy đưa vào nghiên cứu đã dẫn đến những kết quả làm sai lạc tính chất hiện thực vốn có của những hiện tượng lịch sử trong đó Hiệp định Genève là một thí dụ.

Tôi không hiểu rõ tại sao khi đọc bài viết của tôi, ông lại tiếp nhận nội dung khái niệm ấy như thủ đoạn của một hình thức “cộng sản” nào đó và lại nhằm vào cá nhân ông (như đấu tố, quy thành phần kiểu thời cũ… hoặc kiểu công an ngày nay). Xin được khẳng định rằng nội dung tiếp nhận ấy của ông là không dính dáng gì đến chủ đề thảo luận và cũng hoàn toàn xa lạ với quan điểm chính trị, văn hoá đã bộc lộ trong bài viết lần trước của tôi. Tôi không cần phải nói thêm về điều hiển nhiên này, chỉ đề nghị ông Đinh Từ Thức bình thản và khách quan hơn một chút để cuộc thảo luận của chúng ta đi sâu được vào tính chất học thuật cần có của nó.


3.

Bây giờ tôi xin bàn với ông về ý thứ hai và tôi tin rằng sẽ dễ dàng hơn do lẽ tất cả đều xoay quanh những văn bản có thể kiểm chứng được: đó là Hồ sơ mật Ngũ giác Đài mà tôi đã nêu ra lần trước.

Có một vài từ ngữ ông Đinh Từ Thức dùng để nói về Hồ sơ mật ấy đáng được chú ý. “Mật ông”: những tài liệu nội bộ do Nhà nước Mỹ bảo quản, không cho tiết lộ, ở đây là những văn bản tìm thấy ở kho tư liệu Bộ Quốc phòng liên quan đến vấn đề chiến tranh Việt Nam. “Mật cha”: Hồ sơ mật của Ngũ giác Đài (mang tên “History of U. S Decision-Making Process on VietNam Policy “như chúng ta đã biết) do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ McNamara chỉ thị sắp xếp, diễn giải có hệ thống dưới hình thức một bộ sử tìm hiểu quá trình Mỹ can thiệp vào Việt Nam từ sau Thế chiến II đến 1968. “Mật cháu”: những bài báo do The New York Times (trong trường hợp đang bàn luận là ký giả Fox Butterfield) tường trình tóm tắt từ tài liệu “Mật cha” nói trên để giới thiệu với độc giả khi tài liệu ấy bị Daniel Ellsberg tiết lộ vào năm 1971.

Cách đặt tên tài liệu nói trên của ông Đinh Từ Thức đã bộc lộ một ý định chủ quan về đẳng cấp thông tin đối với các hình thức đã xuất hiện của Hồ sơ mật nói trên. Tuy xem “Ông” đáng tin hơn “Cha” nhưng ông Đinh Từ Thức lại chỉ dựa vào “Cha”, coi những thứ hậu duệ của “Cha” là thấp hơn. Điều này đã được ông Đinh Từ Thức nhấn mạnh bằng một hình ảnh diễn đạt rất ấn tượng: nếu coi tài liệu “Cha” là những hạt cà phê nguyên chất thì những thứ tài liệu “Cháu” kiểu của Fox Butterfield chỉ đáng gọi là những hạt cà phê do chồn ăn và thải ra, như người ta thường gọi là “cà phê cứt chồn”! Bạn đọc nào tò mò truy về nguồn gốc của thứ cà phê này (tiếng Indonesia là “Kopi Luwak”) ắt sẽ thấy cái hàm ý thêm vào cho khái niệm này của ông Đinh Từ Thức là rõ rệt [2] .

Từ chỗ là “Ông”, là “Cha”, ông Đinh Từ Thức đã lắp thêm vào đó hình ảnh “cứt chồn” để nói về những người có những giải thích lịch sử không giống ông. Cách chơi chữ thô sơ ở đây đã giúp ông làm điều đó. Khởi đầu là với Fox Butterfield, như ông đã diễn giải: ”Ký giả Butterfield có tên gọi là Fox. Người Việt Nam gọi fox là con chồn, một con vật khá tinh ranh”! Như vậy khái niệm “Lịch sử cứt chồn” trong sự chơi chữ của ông Đinh Từ Thức đã mang ý nghĩa khinh mạn không giấu giếm: một thứ lịch sử đã bị làm cho biến dạng qua ruột già của một con chồn thải ra như một thứ cặn bã, nhưng lại được nhà báo tên Fox Butterfield thưởng thức thú vị và “tinh ranh” gọi đó là “gin”! Một tính cách “chồn” như vậy theo ông Đinh Từ Thức là đồng nghĩa với tính cách “thiếu trung thực” của một ngòi bút.

Ông Đinh Từ Thức đã dẫn lại câu sau đây của Fox Butterfield (mà tôi đã dẫn và dịch ra tiếng Việt) để chứng minh:

* “Nghiên cứu mật của Ngũ giác Đài về chiến tranh Việt Nam nói quan điểm chính thức của chính phủ Mỹ cho rằng cuộc chiến được áp đặt cho Nam Việt Nam là do sự xâm lược từ Hà Nội là “không hoàn toàn thuyết phục”. Các chính quyền kế tiếp nhau ở Washington, từ John F. Kennedy đến Richard M. Nixon đã sử dụng cách giải thích về nguồn gốc chiến tranh này để biện minh cho sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam.

** Nhưng những thẩm định của tình báo Mỹ trong những năm 1950 chứng tỏ rằng cuộc chiến đã khởi đầu phần lớn là một cuộc nổi loạn ở miền Nam để chống lại chế độ Ngô Đình Diệm ngày càng trở nên áp bức và thối nát”? (The Pentagon Papers, bản của The New York Times, Bantam Books, Inc, 1971, tr. 67).

Ông chú ý đặc biệt đến đoạn đánh dấu * để cho rằng Fox Butterfield đã thuật lại không đúng với tài liệu “Mật cha”. Tác giả của tài liệu gốc này khi phân tích về việc miền Bắc can thiệp vào miền Nam đã đưa ra ba khả năng: a) Đã can thiệp vào miền Nam để phản ứng lại việc Mỹ leo thang, đặc biệt vào đầu năm 1961 thời Kennedy, b) Đã hoàn toàn thao túng cuộc chiến. Lập trường chính thức này của Hoa Kỳ, có thể bênh vực được, nhưng lại “không hoàn toàn thuyết phục”, đặc biệt là vào những năm 1955-1959. c) Đã thừa cơ hội nhẩy vào cuộc nội chiến đang diễn ra năm 1959, trước khi và độc lập với việc leo thang của Hoa Kỳ. Trong ba khả năng kể ra đó, người viết lịch sử chiến tranh của Ngũ giác Đài đã loại khả năng thứ nhất và phán đoán rằng “sự thật nằm trong khoảng giữa lựa chọn B và C”.

Như vậy, có đúng hay không khi căn cứ vào đó ông Đinh Từ Thức đã viết ra một câu chắc nịch như sau về ký giả Fox Butterfield của The New York Times:Từ ba giả định dè dặt, không có kết luận dứt khoát, Fox Butterfield đã chỉ đề cập tới một lựa chọn B, nhặt lấy ba chữ not wholly compelling (không hoàn toàn thuyết phục), viết lại theo quan điểm phủ nhận của mình, nhưng vẫn nói đó là quan điểm từ bản nghiên cứu mật của BQP. Sự thiếu trung thực của ngòi bút Fox Butterfield đã lộ rõ ràng”? Đem những gì Fox Butterfield viết trong “Mật cháu” so sánh” với “Mật cha” (theo chữ dùng của ông Đinh Từ Thức), tôi thấy điều ngược lại mới phải: chính ông mới là người viết lại Butterfield theo quan điểm của ông bằng cách gán cho Butterfield những điều không có.

Ký giả của The New York Times không hề có ý định xuyên tạc Hồ sơ mật của Ngũ giác Đài bản gốc khi chỉ nói đến cái khả năng B mà tài liệu này đã cho là “not wholly compelling”. Bởi vì việc tường trình ấy chỉ có ý nghĩa để nói về trường hợp các chính phủ Mỹ kế tiếp nhau ở Washington, từ John F. Kennedy đến Richard M. Nixon chỉ chính thức dựa vào khả năng B (chứ không xét đến những khả năng khác) cốt để biện minh cho sự can thiệp của họ vào Việt Nam, và chỉ trong trường hợp đó thì mấy chữ “not wholly compelling” mới đúng như nhận định của Hồ sơ mật bản gốc đã viết. Ý kiến của ông Đinh Từ Thức, chỉ trích Fox Butterfield đã viết lại Hồ sơ mật “theo quan điểm phủ nhận của mình, nhưng vẫn nói đó là quan điểm từ bản nghiên cứu mật của BQP” là một ý kiến không đúng xét về mặt so sánh văn bản [3] .

Cũng không thể gọi là đúng, ý kiến của ông Đinh Từ Thức cho rằng ba khả năng mà Hồ sơ mật nêu ra là “ba giả định dè dặt, không có kết luận dứt khoát” nhưng Fox Butterfield “đã chỉ đề cập tới một lựa chọn B” theo ý của mình, bởi vì Hồ sơ mật khi “phán đoán” rõ ràng đã loại bỏ hẳn khả năng A để đi tìm sự thật và sự thật ấy được cho rằng “nằm trong khoảng giữa lựa chọn B và C”. Và điều đó có nghĩa là sự thật về việc miền Bắc can thiệp vào miền Nam là như sau: sự can thiệp ấy chỉ diễn ra rõ rệt từ 1959 trở đi chứ không phải từ 1955 (như quan điểm chính thức của Hoa kỳ) hoặc từ khi Hiệp định Genève vừa ký xong (như ý kiến của ông Đinh Từ Thức). Thật minh bạch: dù được điều chỉnh bằng khả năng C để phù hợp thực tế hơn nhưng tính chất “hoàn toàn không thuyết phục” của khả năng B vẫn không hề suy giảm. Con số 1959 ở đây là cái mốc quan trọng làm cho quan điểm chính thức của các chính phủ Mỹ bị nghi ngờ. Lời kết án của ông Đinh Từ Thức với ký giả Fox Butterfield là không có cơ sở.


4.

Có một việc khác cần quan tâm đặc biệt trong việc ông Đinh Từ Thức chỉ trích ký giả Fox Butterfield. Ông đã cắt rời phần đánh dấu * ra khỏi phần đánh dấu ** trong cả đoạn đã dẫn để chỉ trích, trong khi theo cái mạch lập luận của hai phần *** tồn tại bên nhau thì phần ** là không thể thiếu được để tạo ra cái lôgích cho một ý tưởng thống nhất được diễn tả trong cả đoạn văn. Và cái ý tưởng thống nhất ấy là: việc chính phủ Hoa Kỳ dựa vào khả năng B để biện hộ cho chính sách can thiệp của họ vào Việt Nam sở dĩ “không hoàn toàn thuyết phục” là do những quyết định đường lối dựa vào khả năng ấy đã đi ngược lại với những thẩm định của tình báo Mỹ trong những năm 1950 chứng tỏ rằng cuộc chiến đã khởi đầu “phần lớn là một cuộc nổi loạn ở miền Nam để chống lại chế độ Ngô Đình Diệm ngày càng trở nên áp bức và thối nát”. Sự nhất quán của cái dòng chảy lôgích ở đây là quá rõ rệt: cuộc nổi dậy ở miền Nam đã bắt nguồn trước hết từ những áp bức và thối nát nội tại của miền Nam dưới chính quyền Ngô Đình Diệm bấy giờ chứ không phải như quan điểm chính thức của các chính quyền Mỹ cho là “hoàn toàn do Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thao túng” [4]

Việc cắt rời cả một mạch ý tưởng trong một đoạn văn mà ông Đinh Từ Thức đã làm để chứng tỏ tính chất “chồn” của một ký giả “người Mỹ chống Mỹ” có tên là Fox Butterfield đã mở rộng thêm sự sai lầm của ông Đinh Từ Thức và đẩy ông đến một tình thế bị đảo ngược với mấy điểm chính yếu sau đây:

Lịch sử mà Fox Butterefield đã tóm tắt lại một cách giản lược theo kiểu báo chí trong The New York Times vẫn trung thành với những điểm căn bản của Hồ sơ mật của Ngũ giác Đài bản gốc. Khái niệm “cứt chồn” theo nghĩa ông Đinh Từ Thức dùng để nói về cách viết lịch sử của ký giả có tên “Fox” đã trở thành một sự châm chích mang ý nghĩa xúc phạm.

Kết luận mang tính chất suy diễn về lý lịch chính trị đối với Fox Butterfield cũng có ý nghĩa như vậy: theo lập luận của ông Đinh Từ Thức thì một người Mỹ theo đường chống lại cuộc chiến tranh do chính quyền tiến hành vào Việt Nam cũng là một “người Mỹ chống Mỹ” và nếu làm báo thì cũng là một ngòi bút “thiếu trung thực”. Không cần nói nhiều, ai cũng biết thực tế nhất thiết không có những liên hệ tất yếu giữa những sự kiện ấy.

Theo cái cách mà ông Đinh Từ Thức phê phán Fox Butterfield thì khi dựa vào những gì mà ông Đinh Từ Thức đã viết, sự “thiếu trung thực” ấy phải trả về cho ông mới đúng: không cần nói lại thái độ chống cộng thánh chiến nay cộng thêm thái độ chống cả những người Mỹ phản chiến của ông, chỉ xét cái cách đọc không kỹ, hiểu sai ý nghĩa, cắt xén ý tưởng đối với văn bản của ông Đinh Từ Thức, ông đã phạm vào những sai lầm rất căn bản, sơ đẳng, tối kỵ với những ngưới nghiên cứu nghiêm chỉnh.

Với những sai lầm trên đây, ông Đinh Từ Thức đã dẫn quan điểm lịch sử của mình đến chỗ sụp đổ hoàn toàn về mặt lập luận: ông đã cố ý xuyên tạc ý nghĩa của cái nguồn tài liệu mà ông gọi là “Mật cha” (bản gốc của Hồ sơ mật của Ngũ giác Đài), dựa và đó để chỉ trích người khác và tự bảo vệ. Qua những gì đã viết ở trên thì chứng minh cho điều này không có gì là khó: tất cả đều đã bộc lộ trong phần ** của đoạn văn tổng thể của Fox Butterfield mà ông Đinh Từ Thức đã cố ý bỏ qua: “… những thẩm định của tình báo Mỹ trong những năm 1950 chứng tỏ rằng cuộc chiến đã khởi đầu phần lớn là một cuộc nổi loạn ở miền Nam để chống lại chế độ Ngô Đình Diệm ngày càng trở nên áp bức và thối nát”. Vấn đề chỉ là xét xem những gì Fox Butterfield đã tường trình về những “thẩm định của tình báo Mỹ” trong bài viết của mình là như thế nào, sau đó đem so những tường trình ấy với Hồ sơ mật bản gốc là biết kết quả.

Trước khi đụng tới cuốn lịch sử gốc của Ngũ giác Đài (ông Đinh Từ Thức gọi là “Mật cha”) chúng ta hãy đọc một vài đoạn ký giả “Fox” đã viết trong Chương 2 có tên “Origins of the Insurgency in South Vietnam” trong The Pentagon Papers của The New York Times 1971, (trang 67-114) mà tôi dẫn ra đây theo bản dịch của tạp chí Trình bày ở Sài gòn, số 30 ngày 22-10-1971:
  • Các viên chức ở Saigon, kể cả những người ở toà Đại sứ, Cơ quan Tình báo Trung ương và Bộ chỉ huy quân sự đều hoàn toàn hiểu rõ những khuyết điểm của Tổng thống Diệm. Họ vẫn đều đặn phúc trình về Hoa-thịnh-đốn rằng ông Diệm là một người “chuyên đoán, rất cứng cỏi và xa cách”, rằng ông ta chỉ giao quyền hành cho những người ở trong chính gia đình của ông ta và ông ta đã khiến cho mọi thành phần trong dân chúng oán ghét vì những chính sách đàn áp của ông ta” (tr. 60).

  • Từ 1954 tới 1958, Bắc Việt chú tâm vào việc phát triển nội bộ, rõ ràng là họ hy vọng đạt được sự thống nhất hoặc là cuộc tuyển cử đã được dự liệu trong thoả hiệp ở Genève hoặc là qua sự sụp đổ tự nhiên của chế độ yếu kém của ông Diệm. Cộng sản đã để lại một bộ máy sơ sài của họ ở miền Nam khi họ tập kết ra Bắc vào năm 1954 sau khi cuộc chiến tranh với người Pháp kết liễu, thế nhưng các cán bộ của họ đã được lệnh chỉ tham gia cuộc “đấu tranh chính trị” mà thôi” (tr. 60).

  • Trong cái gọi là chiến dịch Tố cộng khởi sự vào mùa Hè năm 1955, có từ 5.000 đến 10.000 người bị tống vào các trại giam giữ. Thế nhưng theo phần thuật sự thì có nhiều người trong số bị giam giữ này không hề là cộng sản” (tr. 64).

  • Một tài liệu bắt được vào đầu năm 1955 của một cán bộ CS phụ trách hoạt động tại chỗ, và được Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) gửi về Hoa-thịnh-đốn, cảnh cáo rằng “lúc này không phải lúc đương đầu với địch”. Bộ nghiên cứu nói: rõ ràng những người cộng sản đã tin rằng họ sẽ kiểm soát được xứ sở hoặc là qua cuộc tuyển cử hoặc là do sự sụp đổ của chế độ Diệm vì chính sự yếu kém của chế độ đó” (tr. 65).
Còn có thể thêm nhiều đoạn tương tự, cũng với nội dung tương tự, do các cơ quan nghiên cứu khác cung cấp cho chính quyền Mỹ được Fox Butterfield tường trình theo Hồ sơ mật bản gốc. Bây giờ chúng ta hãy mở bản Hồ sơ mật gốc ấy ra xét xem điều mà ông Đinh Từ Thức chê trách Fox Butterfield là một ngòi bút “thiếu trung thực” có đúng hay không. Hồ sơ này đã được lên mạng, gốc là một cuốn sách cũng có tên The Pentagon Papers (Boston: Beacon Press, 1971), gọi là “ấn bản thượng nghị sĩ Gravel”, gồm 4 tập, riêng vấn đề cần đọc ở đây thuộc Tập 1, Chương 5, có nhan đề “Origins of the Insurgency in South Vietnam, 1954-1960”, gồm 3 sections (sect. 1 tóm tắt, sect. 2, 3 diễn giải đầy đủ chi tiết) [5] . Khi viết bài phê bình ông Đinh Từ Thức lần trước, tôi đã tải về chương sách trên, có đọc qua, nay kiểm tra lại thì thấy có sự ăn khớp rõ ràng về nội dung giữa tài liệu thứ cấp với tài liệu sơ cấp đó. Tất cả đều khẳng định những gì Fox Butterfield đã tườn gtrình và đi ngược lại những ý kiến của ông Đinh Từ Thức về nguồn gốc cuộc chiến tranh ở miền Nam trong hai năm đầu sau Hiệp định Genève [6] . Đề nghị bạn đọc vào: Vietnam web site (tại Mount Holyoke College), hoặc địa chỉ mạng sau đây để kiểm tra: http://mtholyoke.edu/acad/intrel/pentagon/pent1.htm.

Ông Đinh Từ Thức tưởng tôi chưa biết tài liệu này nên đã nhắc đến như một con chủ bài và đặt cho nó một cái tên “Mật cha” đầy ý nghĩa (nhiều khi ông còn cho đi chung với “Mật ông” cho thêm phần bề thế), dựa vào đó hết mực tự tin chỉ trích Fox Butterfield qua đó chỉ trích tôi. Nhưng ông đã làm tôi ngạc nhiên tột độ, với một tài liệu được ông coi là “tủ”, không hiểu sao ông lại vấp phải những sai lầm quá trầm trọng như vậy.


5.

Căn cứ vào bản Hồ sơ mà ông Đinh Từ Thức gọi là “Mật cha” này, tôi đã viết xong một đoạn tranh biện tiếp với ông về điều mà ông gọi là “tổng hợp thông tin từ bài của ông Võ Văn Kiệt, với những tài liệu Mật ông, Mật cha của BQP Mỹ” để diễn giải quá trình miền Bắc dùng võ lực xâm chiếm miền Nam ngay từ khi Hiệp định Genève chưa ráo mực. Nhưng khi đọc lại những gì đã viết ở trên, tôi đã bỏ đi vì thấy thừa thãi nên dành những dòng còn lại nói đến trường hợp của tôi một chút bởi vì với ông Đinh Từ Thức, tôi mới là đối tượng chỉ trích chính yếu: nếu lịch sử viết theo Fox Butterfield chỉ là loại “cà phê cứt chồn” thì với tôi, khi viện dẫn một câu “cứt chồn” của Butterfield mà lại bỏ đi 4 chữ khi dịch tiếng Việt, thứ lịch sử ấy chỉ đáng gọi là lịch sử “cứt chồn sái nhì” thôi! Cũng là “thiếu trung thực” nhưng sự “thiếu trung thực” của tôi còn tệ hại hơn Butterfield một bậc!

Without U.S. aid in the years following, the Diem regime certainly, and an independent South Vietnam almost as certainly, could not have survived...” Đó là câu mà ông Đinh Từ Thức cho là của Fox Butterfield và đã bị tôi viện dẫn bằng cách dịch ra tiếng Việt có bốn 4 chữ in đậm bị bỏ đi. Xin nói ngay với ông Đinh Từ Thức điều này: câu văn ấy trong The Pentagon Papers đã được Fox Butterfield đóng trong ngoặc kép, nối liền với ba câu khác trước đó cũng như vậy, có xen vào giữa những dòng trong ngoặc kép ấy là mấy chữ the analyst says không đóng trong ngoặc kép – như “Without U.S support,”, the analyst says, “Diem almost certainly could not have consolidated his hold on the South during 1955 and 1956…” – điều đó cho thấy những câu trong ngoặc kép ấy không phải là của Fox Butterfield mà chỉ là những câu được Fox Butterfield dẫn lại từ tài liệu “Mật cha” mà ông Đinh Từ Thức cho là đã tường tận. Nhưng thay vì đọc kỹ để kiểm tra thì ông lại vội vàng đem gán cho ông “Fox”!

Nhưng chúng ta hãy bỏ qua điều đó để xét xem việc tôi không dịch 4 chữ in đậm ấy có thật sự trầm trọng để ông Đinh Từ Thức vin vào đó đặt vấn đề “trung thực” về mặt chính trị đối với ngòi bút của tôi hay không. Có phải tôi đã cố ý làm như vậy để xuyên tạc ý tưởng của Fox Butterfield – thật sự là của “Mật cha”– như ông cho rằng 4 chữ ấy giả định “đã có sự tồn tại của “một miền Nam độc lập”, dù phải nhờ vào viện trợ Mỹ”? Tôi thấy đây chỉ là một giả định siêu tưởng. Cho rằng miền Nam có độc lập đi nữa nhưng rõ ràng, theo lập luận của “Mật cha”, nếu không có viện trợ Mỹ thì cái miền Nam độc lập ấy không thể nào tồn tại được trên thực tế. Và trên thực tế sự giúp đỡ của Mỹ cho miền Nam đâu phải chỉ là kinh tế mà là một chính sách tổng thể, bao gồm nhiều mặt như “Mật cha” đã kể ra qua sự thuật lại của Fox Butterfield trong câu dẫn, tất cả đã tạo thành một sức ép khống chế, thao túng làm cho cái thực thể miền Nam ấy trở thành “một sáng tạo của Hoa Kỳ”! Trong cái mạch lập luận ấy thì làm sao có thể giả định sự tồn tại của một miền Nam độc lập chỉ nhờ vào viện trợ về kinh tế?

Trong sự chỉ trích nhỏ nhặt này, sự cắt xén văn bản để suy diễn lặt vặt của ông Đinh Từ Thức cũng đã được lập lại. Ông không vượt lên những chi tiết để thấy rằng trong cái mạch tổng thể của cả một đoạn sau đây do tôi dẫn ra chỉ với câu mào đầu: “Mọi thứ đều trở nên minh bạch, một lần nữa lại qua tường trình về Hồ sơ mật của Ngũ giác Đài:

Không có sự yểm trợ của Hoa Kỳ, Diệm hầu như chắc chắn không thể đứng vững được ở miền Nam (…) Không có sự hăm doạ can thiệp của Mỹ, Nam Việt Nam không thể nào từ chối hiệp thương tổng tuyển cử 1956 do Hiệp định Genève quy định mà không bị tràn ngập tức khắc bởi quân đội Việt Minh (…) Không có viện trợ của Hoa Kỳ những năm sau đó, chế độ Diệm không thể nào sống sót được (…) Nam Việt Nam về bản chất là một sáng tạo của Hoa Kỳ” (The Pentagon Papers, tr. 25),

cái đoạn dẫn ấy nó tự đứng được một mình, không cần một lời bình phẩm, diễn giải nào để làm tăng hay làm nhẹ đi mấy chữ cuối cùng nói về một cái thực thể chính trị được xem là kết quả của “một sáng tạo của Hoa Kỳ” – trong đoạn dẫn như vậy, dù có bỏ sót hay thêm vào cho đầy đủ mấy chữ “độc lập” thì ý nghĩa của nó vẫn không hề suy suyển: đã là “một sáng tạo của Hoa Kỳ” thì cái miền Nam ấy nếu không được Hoa Kỳ yểm trợ về mọi mặt chắc chắn không thể nào tồn tại được, dù “độc lập hay không “độc lập”. Mấy chữ “thiếu trung thực” mà ông Đinh Từ Thức sử dụng ở đây vẫn chỉ là kết quả của suy diễn, gán ghép.


6.

Trong bài của ông Đinh Từ Thức, tôi thấy có khá nhiều điều ông gợi ra cần được bàn thêm, mà nếu bàn thêm tới nơi tới chốn thì rất bổ ích, chẳng hạn như chuyện “chống lại những thông tin với nội dung không phù hợp với nếp suy nghĩ cũ”, chuyện “cập nhật hiểu biết”, chuyện những người mù “không nên tiếp tục nhắm mắt sờ lịch sử”, chuyện những người cộng sản tốt, cộng sản xấu… tất cả đều hấp dẫn, nhưng rất tiếc tôi xin gác lại một dịp khác. Có lẽ do “bị” đọc hơi nhiều những sai lầm về văn bản trong bài viết của ông mà tôi đã chìm sâu vào việc phân tích, đối chiếu kiểu tầm chương trích cú nên không còn thì giờ để nói thêm về những chuyện vô cùng trọng đại ấy. Dù sao tôi cũng mong được ông tiếp nhận mấy ý kiến thô lậu trên đây như là một bước dọn đường cần thiết cho việc thảo luận những vấn đề do ông gợi ra có được thực chất nhiều hơn, nếu ông muốn chúng ta thảo luận tiếp. Với ý nghĩ ấy, tôi cũng mong ông bỏ qua cho những chỗ tôi diễn tả thẳng thừng có thể làm ông không vui. Nhưng tôi nghĩ với một người có tính cách mạnh mẽ trong viết lách như ông thì điều đó có lẽ sẽ có tác động kích thích sự thật xuất hiện, hay hơn là những rào đón, yểu điệu, quanh co. Tôi hy vọng ít nhất ông cũng đồng ý với tôi điều đó.

Sài Gòn, 1.11.2006

© 2006 talawas



[1]Tất cả lập luận của ông Đinh Từ Thức đều dựa vào bài viết của ông Võ Văn Kiệt (về sự kiện Lê Duẩn lén trở lại miền Nam khi tập kết) cho đó là tài liệu nguồn đáng tin có thể lấp đầy nghi vấn lịch sử đặt ra từ lâu mà chưa có lời giải đáp: miền Bắc xâm lược miền Nam vào lúc nào. Dựa vào tiết lộ đó ông cho rằng miền Bắc cũng đã lén thông qua Lê Duẩn để chiếm miền Nam bằng võ lực ngay sau Hiệp định Genève vừa ký kết. Sai lầm quan trọng nhất trong suy diễn của ông vẫn nằm ở chỗ ông không thấy vấn đề đường lối là quan trọng sinh tử như thế nào đối với Đảng Cộng sản. Võ Văn Kiệt đề cao vai trò của Lê Duẩn trong cách mạng miền Nam (đặc biệt với sự hình thành của Nghị quyết 15 năm 1959, chủ trương đấu tranh bạo lực), nhưng không hề khẳng định Lê Duẩn đã đưa ra chủ trương ấy ngay sau khi Hiệp định Genève vửa ký kết, bởi vì vào lúc bấy giờ Đảng Cộng sản không hề chủ trương như vậy và giao cho Lê Duẩn thực hiện. Thực tế cho biết sự thực đơn giản sau đây: từ 1954 đến 1956 chính Lê Duẩn và Võ Văn Kiệt đã thay mặt Đảng chỉ thị cho cán bộ ở lại dùng biện pháp “đấu tranh chính trị”, chứ không phải võ trang, để đòi miền Nam thực hiện Hiệp định Genève thống nhất nước nhà. Là người chống cộng, nếu ông Đinh Từ Thức tiếp tục tin vào sự thành thật của ông cộng sản Võ Văn Kiệt (như ông đã bày tỏ), đề nghị ông thử làm một cuộc phỏng vấn xem ông ta trả lời ra sao.
[2]Nhân tiện, xin giới thiệu với bạn đọc tài liệu tham khảo về “cà phê cứt chồn” sau đây, tựa là “Kopi Luwak”, trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Kopi Luwak là tên một loại cà phê đặc biệt, một thứ đồ uống được xếp vào loại hiếm nhất trên thế giới. Loại cà phê này hầu như chỉ có ở Indonesia, trên các hòn đảo Sumatra, Java và Sulawesi. Từ Kopi Luwak được dùng để chỉ một loại hạt do loài cầy vòi mốc ăn quả cà phê rồi thải ra. Cái tên Kopi Luwak bắt nguồn từ từ kopi trong tiếng Indonesia có nghĩa là cà phê. Luwak là tên một vùng thuộc đảo Java, đồng thời cũng là tên của một loài cầy cư trú ở đó. Loài cầy vòi mốc (Paradoxurus hermaphroditus [1] [2]) thuộc họ cầy hương (Viverridae). Loài này phân bố rải rác ở các nước vùng Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Việt Nam và miền nam Trung Quốc. Thức ăn ưa thích của chúng là quả cà phê. Tuy nhiên, khi vào dạ dày chỉ có cùi cà phê được tiêu hoá, còn hạt cà phê lại theo chất thải ra ngoài. Người ta tin rằng dưới tác dụng lên men của các enzym trong dạ dày mùi vị của cà phê sẽ có sự biến đổi: hình như xuất hiện một thứ hương vị đậm đà, nhưng hơi ẩm mốc; như diễn viên người Anh John Cleese đã miêu tả "nó vừa có vị bùi bùi của đất, lại ngai ngái như bị mốc, vừa dìu dịu, lại giống như nước sirô, đậm đà như mang theo âm hưởng của rừng già và của sôcôla." Thực ra thì chỉ có phần thịt cà phê được lên men tiêu hoá. Hạt cà phê còn có lớp vỏ cứng bảo vệ, cho nên nếu như có chịu tác dụng của enzym đi chăng nữa thì tác dụng đó cũng là rất nhỏ.
Hương vị của Kopi Luwak do họ cầy hương ở Indonesia sản xuất ra tinh khiết hơn so với họ cầy hương ở châu Phi. Nguyên nhân là ở chỗ những con cầy hương ở châu Á chỉ ăn cây cỏ, trong khi họ hàng của chúng ở châu Phi lại quen ăn thịt. Đối với những người sành cà phê thì Kopi Luwak của Indonesia ngon hơn và giá thành do vậy cũng cao hơn. Một kg Kopi Luwak có giá thành khoảng 20 triệu VND (1300 USD) và mỗi năm cũng chỉ có khoảng 200 kg được bán trên thị trường thế giới.
Trên thực tế chất lượng hạt cà phê sau khi qua dạ dày loài cầy vòi mốc không có thay đổi nào đáng kể. Người ta uống loại cà phê này có lẽ là vì đẳng cấp nhiều hơn là vì hương vị của nó”.
[3]Xin trích dẫn nguyên văn 3 khả năng này để bạn đọc có thể trực tiếp nhận định:
Three interpretations of the available evidence are possible:
Option A-That the DRV intervened in the South in reaction to U.S. escalation, particularly that of President Kennedy in early 1961. Those who advance this argument rest their case principally on open sources to establish the reprehensible character of the Diem regime, on examples of forceful resistance to Diem independent of Hanoi, and upon the formation of the National Liberation Front (NLF) alleged to have come into being in South Vietnam in early 1960. These also rely heavily upon DRV official statements of 1960-1961 indicating that the DRV only then proposed to support the NLF.
Option B-The DRV manipulated the entire war. This is the official U.S. position, and can be supported. Nonetheless, the case is not wholly compelling, especially for the years 1955-1959.
Option C-The DRV seized an opportunity to enter an ongoing internal war in 1959 prior to, and independent of, U.S. escalation. This interpretation is more tenable than the previous; still, much of the evidence is circumstantial.
The judgment offered here is that the truth lies somewhere between Option B and C.
(The Pentagon Papers, Volume 1, Chapter 5, section 1 (summary), "Origins of the Insurgency in South Vietnam, 1954-1960", Gravel Edition, Beacon Press, Boston, 1971).
[4]Nguyên văn đoạn của Fox Butterfield:
“The U.S had gradually developed a special commitment in South Viet Nam,” writes the Pentagon analyst charged with explaining the problems facing President Kennedy. “It was certainly not absolutely – but the commitment was there…”
“Without U.S support,” the analyst says, “Diem almost certainly could not have consolidated his hold on the South during 1955 and 1956.
“Without the threat of U.S intervention, South Vietnam could not have refused to even discuss the elections called for in 1956 under Geneva settlement without being immediately overrun by the Vietminh armies.
“Without U.S aid in the years following, the Diem regime certainly, and an independent South Vietnam almost as certainly, could not have survived…”
In breaf, the analyst concludes, “South Vietnam was essentially the creation of the United States.”
(Fox Butterfield, “The Truman and Eisenhower Years: 1945-1960”, The Pentagon Papers (as published by The New York Times; Based on investigative reporting by Neil Sheehan; written by Neil Sheehan, Hedrick Smith, E.W Kenworhty and Fox Butterfield; Articles and documents editted by Gerald Gold, Allan M. Siegal and Samuel Abt), Bantam books, Inc., 1971, p. 25).
[5]Ấn bản này xuất hiện cùng một thời gian với ấn bản của The New York Times. Có tên đầy đủ là The Pentagon Papers: The Defense Department History of United States Decisionmaking on Vietnam (Boston: Beacon Press, 1971, 1972), gồm 5 tập trong đó 4 tập nội dung lấy từ bộ lịch sử mật, một tập gồm những lời bình luận và phụ chú. Bản in của nhà xuất bản Beacon này thường được gọi là “ấn bản Gravel” (Senator Gravel Edition) chính là do Thượng nghị sĩ Gravel công bố. Nguồn gốc sự ra đời của ấn bản này có quan hệ với ý định ban đầu của Ellsberg: trong khi tiết lộ với báo chí thì cũng tìm cách chuyển tài liệu mật đó đến Thượng viện, qua cơ quan này, vận động các nghị sĩ lên tiếng chống lại cuộc chiến tranh Việt Nam. Khởi đầu Ellsberg nhờ người đưa đến tay William Fulbright, sau đó Mc Govern, nhưng không tạo được tác dụng mong muốn. Cuối cùng một cách nào đó, các tập này đã đến tay thượng nghị sĩ Gravel, được ông này đồng tình vận động bằng nhiều cách, cuối cùng vượt qua nhiều khó khăn, bản thảo đã đến nhà xuất bản Beacon Press, nhờ đó một cuốn The Pentagon Papers dưới hình thức nguyên thuỷ của bộ sử mật đã xuất hiện trước công chúng. Theo những nhà nghiên cứu thì ấn bản Gravel không đầy đủ, chọn lựa hơi gấp gáp, tuỳ tiện, tuy vậy vẫn chứa đựng nhiều tài liệu quan trọng, đầy đủ trong thời kỳ Johnson làm tổng thống mà một số ấn bản của chính phủ không có.
Nhân tiện cũng nói thêm rằng ngoài hai ấn bản trên đây, bộ sử nội bộ của Ngũ giác Đài cũng đã xuất hiện dưới nhiều hình thức công khai. Có những ấn bản tương đối đầy đủ xuất hiện dưới hình thức sao chụp từ bản gốc, như cuốn United States-Vietnam Relations, 1945-1967: A Study Prepared by The Department of Defense (U.S. Congress, House Committee on Armed Services, Washington, DC: U.S. Government Printing Office, 1971), 12 tập. Nhưng cũng có những ấn bản tóm tắt xuất hiện về sau này như The Pentagon Papers: Abridged Edition, do George C. Herring biên tập (New York: McGraw-Hill, 1993. xxii, 228 p). Có một điều đáng chú ý: nguyên văn 47 tập sử nội bộ của Bộ Quốc phòng đó chưa bao giờ xuất hiện được toàn vẹn trước công chúng. Ngay trong những ấn bản công khai, những chú thích về tài liệu nguồn vốn có trong nguyên bản cũng đã bị bỏ bớt đi khá nhiều. Còn những bản gốc toàn vẹn thì vẫn được cất giữ bí mật trong thư viện LBJ và một vài chỗ khác; gần đây tại phòng tham khảo của thư viện LBJ, một số chú thích nguồn không thấy xuất hiện trong những ấn bản trước, nay đã cho phép giải toả, sử dụng. (Xem http://www.clemson.edu/caah/history/FacultyPages/EdMoise).
[6]Trong bài viết của mình, ông Đinh Từ Thức có dẫn Tập 1, Chương 5, đoạn Summary của “ấn bản Gravel” nói trên và ghi nhận câu hỏi rất quan trọng mà những nhà viết sử Bộ Quốc Phòng đặt ra để tìm cách trả lời như sau: vấn đề không phải xét xem Hà Nội có đóng vai trò gì trong cuộc nổi dậy ở miền Nam hay không mà là “Hà nội đã can thiệp một cách có hệ thống vào lúc nào”. Ông đã dựa vào một số câu để biện luận (qua một số chú thích của bài viết), nhưng kiểm tra lại tôi thấy toàn là những câu không dính dáng gì đến câu hỏi đặt ra và cần phải trả lời như trên. Ông dẫn cả một đoạn dài nói về 3 Options miền Bắc can thiệp vào miền Nam để chỉ trích Fox Butterfield là “không trung thực” nhưng lại cố ỳ lờ đi nguyên cả một đoạn sờ sờ trước đó mà ý nghĩa của nó là đã đi ngược lại tất cả những lập luận trả lời của ông cho câu hỏi đặt ra như trên. Tôi xin phép trích dẫn đoạn ấy (có tô đậm một số chữ) để bạn đọc phán đoán:
“Tentative answers are possible, and form a continuum: By 1956, peace in Vietnam was plainly less dependent upon the Geneva Settlement than upon power relationships in Southeast Asia--principally upon the role the U.S. elected to play in unfolding events. In 1957 and 1958, a structured rebellion against the government of Ngo Dinh Diem began. While the North Vietnamese played an ill-defined part, most of those who took up arms were South Vietnamese, and the causes for which they fought were by no means contrived in North Vietnam. In 1959 and 1960, Hanoi's involvement in the developing strife became evident. Not until 1960, however, did the U.S. perceive that Diem was in serious danger of being overthrown and devise a Counterinsurgency Plan.
It can be established that there was insurgency in South Vietnam throughout the period 1954-1960. It can also be established-but less surely- that the Diem regime alienated itself from one after another of those elements within Vietnam which might have offered it political support, and was grievously at fault in its rural programs. That these conditions engendered animosity toward the GVN seems almost certain, and they could have underwritten a major resistance movement even without North Vietnamese help.
It is equally clear that North Vietnamese communists operated some form of subordinate apparatus in the South in the years 1954-1960. Nonetheless, the Viet Minh "stay-behinds" were not directed originally to structure an insurgency, and there is no coherent picture of the extent or effectiveness of communist activities in the period 1956-1959. From all indications, this was a period of reorganization and recruiting by the communist party. No direct links have been established between Hanoi and perpetrators of rural violence. Statements have been found in captured party histories that the communists plotted and controlled the entire insurgency, but these are difficult to take at face value.”