trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
1.12.2006
Anatoly Tille
Liên Xô - Nhà nước phong kiến trá hình
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
4. Kỉ luật lao động
  
Vấn đề kỉ luật lao động là vấn đề nan giải ngay từ những ngày đầu đối với chính quyền “Xô viết”. Biết bao khẩu hiệu đã bị vứt bỏ, biết bao khẩu hiệu mới theo kiểu “thi đua xã hội chủ nghĩa” đã được dựng lên, biết bao con bài đã được ném lên đầu nông dân và công nhân, những “chủ nhân ông” của xã hội, nhưng kỉ luật thì cứ ngày một xấu thêm. Chính sách “cây gậy và LỜI HỨA về của cà rốt” đã mất tác dụng vì cà rốt thì không có, còn cây gậy, đặc biệt là dưới trào Stalin, thì khủng khiếp hơn cả thời nô lệ và trung cổ, vượt mọi giới hạn có thể tưởng tượng được. Sau giai đoạn kinh hoàng đó, Khrushchev có vẻ như là một người tự do, nhưng bản chất của hệ thống thì vẫn như thế. Andropov, người đứng đầu ngành an ninh, vừa trở thành Tổng bí thư là lập tức bắt tay vào việc lập lại kỉ cương (nhiều người hiện còn tiếc rẻ: “Đáng tiếc là ông mất sớm quá, chưa lập lại được kỉ cương”). Nhân viên của ông ta kiểm tra người đi trên phố, người đang xếp hàng, người đang cắt tóc, người đang xem phim, thậm chí cả người đang tắm để hỏi xem vì sao người ta không làm việc! Đúng là trình độ tư duy của một cảnh sát, mà là người thông minh nhất, một thi sĩ nữa cơ đấy! Ông ta không thể nào nghĩ được rằng cần phải tạo điều kiện để làm sao người ta không bỏ việc trong giờ lao động! Bắt vào đồn những người đang xếp hàng mà không có giấy tờ tùy thân là sáng kiến tối thượng của người đứng đầu một cái Đảng đang xây dựng chủ nghĩa xã hội đấy!

Sự phi lí của hệ thống kinh tế và pháp luật thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực sau đây: máy móc đứng không và “giả vờ làm việc” trong công nghiệp chiếm tới gần một phần năm thời gian, các phân xưởng, các nhà máy đứng không hàng ngày, hàng tuần, còn ban giám đốc và các “đoàn viên xung kích” lại đi ghi tên những người đến muộn 10 phút để sau đó cắt lương, cắt thưởng. Bức tranh thường gặp: gạch không, vữa không nhưng không được đi về, kỉ luật lao động không cho phép. Lạnh và buồn, công nhân đành giết thì giờ bằng sát phạt, đỏ đen, lấy tiền uống rượu. Ngày làm việc thường diễn ra như thế. Và cuộc đấu tranh với tệ uống rượu tại nơi làm việc đã thành công toi.

Thật khó đếm hết được số lượng các văn bản pháp qui đã được công bố. Khen thưởng chủ yếu là về mặt tinh thần: huy hiệu, cờ, giấy khen, “bảng vàng danh dự”, huân, huy chương v.v.. (mặc dù nhiều loại phần thưởng, kể cả danh hiệu”Anh hùng lao động” có kèm theo tiền)…

Hệ thống khen thưởng luôn được coi là phương tiện nâng cao năng suất lao động nhưng trên thực tế lại dẫn đến các biện pháp trừng phạt vì người ta thường mất thưởng vì không đi họp công đoàn, vì không chịu tham gia thu hoạch nông nghiệp, vì không tham gia ngày “lao động cộng sản” hoặc đơn giản là vì đã cãi nhau với thủ trưởng. Vì vậy trên thực tế tiền thưởng không có ảnh hưởng gì đối với kỉ cương và năng suất lao động, người ta được thưởng là do lòng tốt của thủ trưởng hoặc có thể giành được bằng những cách khác (thí dụ trích một phần tiền thưởng “biếu” cấp trên chẳng hạn)

Dưới thời Brezhnev, ngày 13 tháng 12 năm 1979, Ban chấp hành trung ương Đảng, Hội đồng bộ trưởng Liên Xô và dĩ nhiên là cả Tổng liên đoàn lao động nữa đã thông qua nghị định “Về việc củng cố (!) kỉ luật lao động và giảm luân chuyển cán bộ trong nền kinh tế quốc dân” (nghĩa là tăng cường sự nô dịch). Sau này Andropov cũng để lại dấu ấn: ngày 28 tháng 7 năm 1983 các cơ quan nói trên lại ban hành nghị định: “Về việc tăng cường (!) công tác nhằm củng cố kỉ luật lao động xã hội chủ nghĩa”. Hai nghị định này đưa ra thêm nhiều biện pháp trừng phạt: chuyển thời gian nghỉ phép từ mùa hè sang mùa đông và mùa xuân, kéo dài thời gian chờ đợi phân nhà “được hiến pháp bảo đảm”, đưa thêm nhiều lí do cắt thưởng hơn… Không có mặt 3 giờ đồng hồ bị coi là nghỉ việc (không còn là 20 phút như trước đây nữa!)…

Gorbachev tiếp tục “sự nghiệp” của Andropov bằng cách “xiết chặt thêm” bộ luật lao động. Từ đây, thí dụ khi vi phạm một số kỉ luật, người lao động có thể bị phân công làm tạm thời bất cứ việc gì (kĩ sư có thể đi quét rác chẳng hạn)…

Nếu kể hết các biện pháp đó thì dài và chán lắm, hơn nữa kết quả của chúng chỉ là con số không: kỉ luật lao động ngày một kém đi, năng suất lao động ngày một giảm, phế phẩm và trộm cắp thì ngày càng gia tăng…


5. An toàn lao động. An toàn lao động của phụ nữ và trẻ em

Ước gì tôi có đủ tài năng văn học để mô tả một cách sống động điều kiện lao động khủng khiếp của người công nhân tại “đất xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới” của chúng ta và có thể làm mủi lòng… không, không phải là “những Đảng viên cộng sản” của chúng ta (chẳng có gì có thể làm họ mủi lòng! Sinh mạng con người đối với họ chẳng có ý nghĩa gì!), mà là những người theo phái tự do, những người xã hội chủ nghĩa, các nhà hoạt động công đoàn và ILO kia! Trong nhiều xí nghiệp của chúng ta, kể cả các xí nghiệp nổi tiếng nhất, “tiên tiến nhất” như nhà máy ô tô ở thành phố Volga và thành phố Gorki, đều có các phân xưởng mà chỉ có các tù khổ sai làm việc, đấy là tù nhân của những trại giam có lính canh, sau giờ làm việc họ được đưa trở lại nhà tù; các bộ trưởng “cộng sản” yêu cầu Bộ nội vụ lập nhà tù gần các địa điểm sẽ xây dựng các nhà máy mới… Người ta còn đưa những người trong tuổi nghĩa vụ quân sự đến làm những công việc nặng nhọc và nguy hiểm, thí dụ gần nhà máy Trernobưl và các khu vực phóng xạ khác, dưới danh nghĩa luyện tập quân sự (tạp chí Ngọn lửa nhỏ, số 20 năm 1990). Đứng trước lệnh động viên, người ta chỉ còn cách hoặc là từ chối và sẽ bị đưa ra tòa theo điều 198 bộ luật hình sự của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga (điều này được qui định dưới thời của người “theo trường phái tự do” Nikita Khrushchev) và sẽ bị đưa vào trại cải tạo với những công việc cũng không kém phần nặng nề và nguy hiểm, lại mất tự do, cùng với những kẻ tội phạm khác hoặc là tuân thủ lệnh động viên phi pháp của ban chỉ huy quân sự. Đây là sự vi phạm trắng trợn công ước của ILO! Nếu kể hết ra thì nhiều vi phạm như thế lắm! Liên Xô đã vi phạm tất cả các công ước đã kí với ILO! Nhưng các quan chức của ILO chỉ nhìn thấy các vi phạm của các nước “tư bản chủ nghĩa” mà thôi: vừa có tiếng, vừa có miếng, lại an toàn hơn. Tất cả những đơn khiếu nại gửi đến ILO có xuất xứ từ Liên Xô đều được chuyển thẳng cho các viên chức Liên Xô làm việc trong ILO (họ được coi là các viên chức “quốc tế” và “độc lập”), những người này liền cho vào ngăn kéo khóa kĩ.
Người ta phải chấp nhận những điều kiện lao động khổ sai như thế còn vì “luật pháp thời nông nô” nữa: không có nhà ở, không có hộ khẩu, buộc phải sống ở một khu vực nhất định và nhiều xiềng xích pháp lí khác.

Không phải vô tình mà trong các bộ luật hồi những năm 20 quyền từ chối làm việc trong những điều kiện nguy hiểm bị bãi bỏ, mặc dù trước đó quyền này đã từng tồn tại (trên giấy, dĩ nhiên). Chỉ riêng ở các mỏ than mỗi năm đã có một ngàn rưởi người thiệt mạng (gần bằng số binh sĩ hi sinh trong cuộc chiến ở Afghanistan, đấy là theo các số liệu chính thức). Chỉ trong năm 1988 con số người thiệt mạng vì tai nạn, chưa kể tai nạn giao thông, đã là 200 ngàn. “Đấy là chỉ nói số người thiệt mạng vì vi phạm an toàn lao động”, chính báo Sự thật ngày 19 tháng 6 năm 1989 viết như thế đấy. Không ai chịu trách nhiệm cả. Trong một số vụ việc đặc biệt (thí dụ như vụ tai nạn ở nhà máy điện Chenobyl) các quan chức có thể bị đưa ra tòa, nhưng thường thì đấy lại không phải là những người thực sự có tội [1] , họ bị kết án nhẹ và thường thì không tìm được tội phạm. Vụ nổ nhà máy xử lí dầu ở Tartaria năm 1989 làm mấy người thiệt mạng, nhưng ai là người có tội nếu thiết bị có niên hạn sử dụng là 10 năm nhưng đã làm việc liên tục suốt 25 năm rồi? Tôi tin rằng những người lãnh đạo trực tiếp đã báo cáo lên trên, nhưng rồi bị bỏ qua. Xử ai? Ở nước ta người ta không xử lãnh đạo cấp cao, còn cấp thấp thì xử vì tội gì? Họ có thể làm được gì?

Các cuộc điều tra bao giờ cũng do chính các cơ quan có tai nạn thực hiện, với sự tham gia của “công đoàn”, mà “công đoàn” thì bao giờ cũng bảo vệ lãnh đạo, bao giờ cũng đổ lỗi cho công nhân. Thí dụ, tại một mỏ than ở Lvov, để chữa một giếng sâu 7 mét người ta đưa bốn công nhân đứng lên một cái bệ và hạ xuống, cái bệ nghiênh, cả bốn người đều bị ngã, một người chết. Lãnh đạo đã buộc ba công nhân còn sống tuyên bố rằng họ không có mặt ở đó, còn người chết thì say rượu. Vợ người xấu số kiện cáo khắp nơi nhưng không có kết quả. Các ủy ban của “công đoàn” luôn luôn khẳng định giả thuyết của lãnh đạo (báo Lao động, ngày 17 tháng 7 năm 1986 [2] ). Còn các bác sĩ thì bao giờ cũng cung cấp những chứng cứ mà lãnh đạo cần.

Thống kê các vụ tai nạn luôn bị sửa đổi. Thí dụ việc kiểm tra có lựa chọn của viện kiểm sát tại các mỏ than ở tỉnh Karagandin đã phát hiện 12 biên bản loại N-1 (biên bản tai nạn lao động) “chụp mũ các nạn nhân một cách vô căn cứ và coi họ là người có lỗi”. Đồng thời cũng phát hiện ra 72 trường hợp tai nạn đã không được thống kê. Nồng độ bụi cao hơn tiêu chuẩn cho phép đến 23 lần, nhưng “các phương tiện bảo hộ và phương tiện hút bụi không hoạt động. Hướng dẫn của các cơ quan kiểm tra an toàn, vệ sinh không được tuân thủ đã nhiều năm” (Tập hợp luật pháp, năm 1985, số 12). Có thể thấy trên báo chí hàng trăm bài nói về việc người ta đã đuổi các bác sĩ khi những người này kiên quyết yêu cầu khắc phụ tình trạng lộn xộn và các điều kiện lao động phi nhân.

Sự kiện Kairish (ngoại ô Leningrad) đã trở nên nổi tiếng và sau khi bị dư luận kiên quyết phản đối, người ta đã phải đóng cửa một nhà máy gây ô nhiễm cao đến mức không chỉ nhân viên của nó mà bệnh hen suyễn của người dân xung quanh đã tăng lên 35 lần kể từ khi nhà máy hoạt động vào năm 1974; ngoài bệnh này thì các công nhân viên của nhà máy còn mắc thêm nhiều bệnh khác như nấm, dị ứng, rối loạn hệ miễn nhiễm v.v… Tỉ lệ tử vong trong thành phố, nhất là trẻ em, tăng lên một cách đột ngột. Nhưng Bộ y tế đã hướng dẫn cho các bác sĩ rằng phải giải thích theo hướng đây là những bệnh có nguồn gốc “di truyền” (sau vụ Chenobyl người ta cũng giải thích như thế). Cần phải nói thêm rằng người ta đóng cửa nhà máy không phải vì thương công nhân và nhân dân khu vực mà vì nó đã làm ô nhiễm nước hồ Ladoga, đe dọa việc cấp nước cho thành phố Leningrad.

Xin kể một trường hợp cười ra nước mắt: theo kịch bản, cần phải quay những điều kiện lao động kinh khủng dưới thời Sa hoàng; các nhà làm phim đến nhà máy mang tên “Chiến sĩ” ở Moskva và vô cùng kinh ngạc khi thấy điều kiện lao động ở đây, họ bảo nhau: “Chẳng cần hóa trang, cứ cầm máy mà quay tất là xong: các phân xưởng tối tăm, máy móc cũ kĩ từ đời nảo đời nào, bẩn không thể nào chịu nổi” (báo Người đối thoại, số 12 năm 1988).

Không thể nào dẫn ra đây tất cả các sự kiện đã được công bố, chứng tỏ điều kiện lao động thật là khủng khiếp [3] . Nhưng trước hết xin lưu ý độc giả trường hợp sau đây: Tại một nhà máy luyện kim ở Trerepovets đã xảy ra hiện tượng dò khí Argon làm 5 người chết. Trước đó, do vi phạm qui định an toàn mà một thợ tiện thiệt mạng. Viên chánh kĩ sư của xí nghiệp chỉ bị cảnh cáo rồi được chuyển… về bộ! Sau khi đã dẫn ra các sự kiện như thế, cơ quan ngôn luận của “Đảng cộng sản” phán: “Cho đến nay, về mặt luật pháp, CHƯA XÁC ĐỊNH ĐƯỢC TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG NHÂN TRONG VIỆC VI PHẠM QUI ĐỊNH VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG” (báo Sự thật, ngày 18 tháng 2 năm 1988)! Mấu chốt vấn đề là ở đây! Cần phải trừng phạt công nhân, nhưng may quá, chưa có luật! Đúng là tâm lí của bọn chủ nô!

Có biện pháp bảo vệ người lao động và bảo đảm điều kiện làm việc bình thường cho họ hay không? Thực tế là không, mặc dù các luật sư chuyên sống bằng nghề nịnh hót chế độ có thể đưa ra rất nhiều qui định về quyền của người lao động và trách nhiệm của ban giám đốc. Qui định thì có, nhưng cơ chế bảo vệ nạn nhân thì không, kể từ việc lập biên bản của các cán bộ “công đoàn” và cán bộ quản lí cho đến các tòa án của nhà nước. Thí dụ, để có thể thắng một vụ kiện về việc đền bù cho người công nhân bị tai nạn lao động thì phải chứng minh được rằng ban giám đốc có lỗi. Trái với tiêu chuẩn pháp lí được xác định ngay từ thời chế độ chiếm nô ở La Mã, nemo debet esse judex in propria causa (không ai được làm quan tòa trong vụ án của mình), đơn kiện được gửi cho chính ban giám đốc giải quyết [4] , mà điều kiện tiên quyết để có thể đền bù là phải chứng minh rằng họ có lỗi, nếu ban giám đốc chấp nhận đền bù nghĩa là chấp nhận có lỗi [5] thì sẽ gặp nhiều phiến toái. Vậy ban giám đốc có chịu đền bù hay không?

Sau khi bị từ chối như thế, người lao động có thể đưa vụ việc lên cấp xét xử thứ hai: ban chấp hành “công đoàn” của chính xí nghiệp đó. “Công đoàn” ăn lương của ban giám đốc và đại diện cho quyền lợi của nó. Về nguyên tắc, đơn kiện như vậy thật khó mà được đáp ứng.

Cuối cùng là nấc thứ ba: tòa án nhân dân. Lúc này tòa đã có quyết định, tài liệu và lí lẽ của hai cấp bên dưới rồi, còn nguyên đơn thì đã mệt mỏi và đã không hoàn toàn tin rằng mình đúng nữa, anh ta đã bị đè bẹp về mặt tinh thần. Vì vậy chỉ cần tòa án đáp ứng một phần yêu cầu thì anh ta đã coi là thắng lợi.

Phương pháp tính toán số tiền đền bù như sau: phần đền bù vượt ngưỡng lương hưu do nhà nước qui định phải đem trừ đi khả năng lao động còn lại (tính theo phần trăm) và phần lỗi của người lao động (nhất định họ sẽ tìm được) và kết quả số tiền đền bù sẽ chẳng đáng là bao. Đây chỉ là một thí dụ chứng tỏ trên thực tế những đảm bảo về mặt pháp lí và trách nhiệm của ban giám đốc về điều kiện an toàn lao động mù mờ đến mức nào (Điều 139 bộ luật lao động).

Điều kiện lao động của phụ nữ còn nặng nề hơn. Họ phải làm những công việc nặng nề nhất với đồng lương thấp nhất.

Đã từng xuất hiện trên báo chí các châm biếm, tranh vui với người đàn ông tay cầm bút và sổ tay thống kê công việc của những người phụ nữ với xẻng và xà beng, có khi cả búa đào đường trên tay [6] .

Luật về bảo vệ lao động của phụ nữ và trẻ em phát triển như thế nào? Làm ngoài giờ đã nói đến bên trên; ở đây xin nói về nghỉ thai sản và nghỉ đẻ. Cương lĩnh đầu tiên của “Đảng cộng sản” hứa cho 28 ngày nghỉ trước và 42 ngày nghỉ có trả lương sau khi sinh.

Cương lĩnh thứ hai còn đi xa hơn: 8 tuần trước và 8 tuần sau khi sinh. Đấy là luật lao động năm 1922. Nhưng từ năm 1938 (tất nhiên là được “công đoàn” đồng ý) thời gian nghỉ chỉ còn 35 ngày trước và 28 ngày sau khi sinh.

Năm 1944 thời gian nghỉ lại tăng thành 77 và 42 ngày.

Và hiện nay, theo điều 165 bộ luật lao động thời gian nghỉ là 56 ngày trước và 56 ngày sau khi sinh ít hơn năm 1944 (tổng số) là 5 ngày. Sau khi trải qua một đoạn đường dài “xây dựng chủ nghĩa cộng sản”, vượt qua “chủ nghĩa xã hội phát triển” chúng ta đã quay lại với tiêu chuẩn của 70 năm trước.

Cương lĩnh thứ hai của Đảng (1919) hứa: “Cấm sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi, cấm làm việc ban đêm trong những lĩnh vực đặc biệt độc hại cũng như cấm phụ nữ và người chưa đủ 18 tuổi làm việc ngoài giờ…”. Điều 130 bộ Luật lao động năm 1922 viết: “Phụ nữ và người chưa đến 18 tuổi không được làm việc vào ban đêm”. Nhưng điều này lại kèm thêm ghi chú như sau: “Dân ủy lao động, khi có sự đồng ý của Tổng liên đoàn lao động (dĩ nhiên rồi!), được quyền cho phép sử dụng lao động phụ nữ trưởng thành vào ban đêm trong những lĩnh vực đặc biệt cần thiết”.

Và thế là ngay từ năm 1925 Dân ủy lao động đã cho phép sử dụng lao động nữ vào ban đêm. Sau này luật pháp chỉ cấm hoặc hạn chế sử dụng những người đang mang thai hoặc cho con bú vào ban đêm mà thôi. Nghị định của Hội đồng dân ủy Liên Xô ngày 12 tháng 7 năm 1940 cho phép công nhân viên chức trên 16 tuổi làm ca đêm theo qui định chung.

Liệu có thể biện hộ cho sự vi phạm những lời hứa như thế, nhất là sau khi đã xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội vào năm 1936? Đối các nhà luật học đã có nghề thì đấy không phải là vấn đề: “Việc cải thiện không ngừng điều kiện lao động trong các xí nghiệp của Liên Xô đã dẫn đến sự giảm thiểu đáng kể những độc hại đặc thù của ca đêm. Mặt khác, đã tổ chức các nhà trẻ cho các cháu có mẹ làm ca đêm, trong một số (!) nhà trẻ còn có các nhóm làm việc suốt ngày đêm. Như vậy là đã tạo được những điều kiện thuận lợi cho phụ nữ làm việc vào ban đêm và loại bỏ được những ảnh hưởng tiêu cực (!) đối với người phụ nữ trong vai trò người mẹ và người giáo dục con cái [7] ”. Thật là một sự dối trá vô lương vì ngay cả bây giờ, sau 40 năm kể từ ngày “tác phẩm khoa học” ấy ra đời, cũng không làm gì có những điều kiện như thế.

Xin chuyển sang trẻ em và vị thành niên: Luật năm 1922 cấm nhận lao động dưới 16 tuổi, nhưng thanh tra lao động, trong những trường hợp đặc biệt, có thể cho phép nhận trẻ từ 14 tuổi trở lên. Điều 173 bộ luật hiện hành cũng chỉ cho phép nhận người đủ 16 tuổi, nhưng nếu được công đoàn đồng ý thì có thể nhận trẻ đủ 15 tuổi.

Nhưng luật qui định “nhận người vào làm việc” chứ không qui định việc sử dụng lao động trẻ em! Đã hàng chục năm nay trẻ em (7 – 8 tuổi), người ta còn nói với tôi rằng cả tuổi mẫu giáo nữa, phải làm việc trên những cánh đồng trồng bông và thuốc lá, dưới cái nắng cháy da ở Trung Á, khi nhiệt độ trong bóng râm là 45, khi ngay cả chó cũng phải lè lưỡi và bò vào bóng cây. Những cánh đồng đầy phân hóa học và thuốc trừ sâu, nhiều loại đã bị cấm sử dụng.

Ngay những chủ nô ở châu Mĩ, những người coi nô lệ không khác gì súc vật cũng không làm như thế vì đấy là súc vật của mình, có giá và phải giữ gìn khả năng lao động cho chúng. Không phải vô tình mà nhân dân đã nói lái “thu hoạch bông” thành “nô lệ bông” [8] đã làm cho các chủ nô của Đảng Cộng sản Liên Xô vô cùng tức tối. Mặc dù về mặt chính thức thì sử dụng lao động trẻ em bị cấm gắt gao nhưng việc đó vẫn tiếp diễn ngay cả bây giờ, ngay cả trong giai đoạn “cải tổ”, “dân chủ hóa” và “công khai hạn chế” hiện nay.

Phụ nữ và trẻ em phải làm việc trên các cánh đồng trồng thuốc lá, từ sáng sớm đến tối mịt, trong những điều kiện tương tự như thế. Ở nhà họ còn phải sử lí, nghĩa là phơi, trộn lá thuốc và tất nhiên là phải chịu mọi hậu quả. 70% phụ nữ bị bệnh thiếu máu, trẻ em thì 100% (Báo Văn học, ngày 23 tháng 3 năm 1987). Tỉ lệ tử vong ở trẻ em rất cao.

“Đảng” đã có phản ứng như thế nào đối vơi những vi phạm “chỉ thị” như thế? Năm 1990 Ban chấp hành trung ương đã “xem xét” vấn đề này. Dĩ nhiên đấy là vào mùa đông, vụ thu hoạch đã kết thúc rồi. Sau khi xác nhận “có hiện tượng sử dụng bất hợp pháp lao động trẻ em (xin lưu ý không phải việc sử dụng nói chung mà là sử dụng trái pháp luật, điều này sẽ được giải thích bên dưới), nghĩa là “làm việc mà không có giải lao theo qui định, với định mức quá cao, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo…” (người ta đã dùng những câu tròn trĩnh để mô tả những sự kiện kinh khủng như thế đấy), Ban chấp hành trung ương ghi nhận rằng những người có lỗi đã bị trừng phạt. Bạn nghĩ rằng đã bị trừng phạt đến mức sau này người ta không còn dám hành hạ trẻ em nữa ư? Trừng phạt như thế này: ở Moldavia 19 lãnh đạo “bị kỉ luật hành chính” (không phải kỉ luật Đảng, càng không phải ra tòa mà chỉ là cảnh cáo, có thể xóa một cách dễ dàng), còn ở tỉnh Trimkent của Uzbekistan (các nơi khác chẳng có gì để nói) thì có 143 cán bộ bị thanh tra kĩ thuật của công đoàn bị phạt tiền (trong nghị quyết Ban chấp hành trung ương không thấy nói phạt bao nhiêu, nhưng các thanh tra viên chỉ có quyền phạt không quá 10 rub). Đấy là tất cả mức độ kỉ luật mà nghị quyết Ban chấp hành trung ương ghi nhận. (Tin tức của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, số 2, trang 23-24, năm 1990). Cái nghị quyết như thế có thể ngăn chặn được “nạn diệt chủng âm thầm” này hay không [9] ?

Thường thì những đứa trẻ mà theo luật pháp chỉ phải làm việc bán thời gian sẽ chỉ được nhận vào làm nếu chúng tự nguyện làm việc toàn thời gian (lúc còn nhỏ tôi đã từng chấp nhận như thế, thậm chí đồng ý làm việc cả ca đêm; biết làm sao, nếu không thì đừng hòng được nhận). Tờ Tin tức ngày 21 tháng 10 năm 1985 viết rằng những đứa trẻ chăn cừu 15 tuổi phải làm việc không có ngày nghỉ từ 6 giờ sáng đến 7 giờ chiều. Cậu bé Seriogia mới 13 tuổi còn phải đóng thuế… không con! Năm 14 tuổi cậu đã phải đứng máy gặt đập liên hợp “từ sáng sớm đến tối mịt”.

Hình thức “trại hè lao động - bồi dưỡng sức khỏe cho trẻ em” (chính là trại đấy!) cũng rất thịnh hành và được khuyến khích, ở đây các em được nghỉ ngơi kết hợp với lao động sản xuất. Nhưng thường thì điều kiện lao động, sinh hoạt và nghỉ ngơi không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu. Thí dụ tại tỉnh Omsk người ta đã phun thuốc trừ sâu vào các cháu bé đang làm việc trên cánh đồng làm nhiều cháu bị ốm (báo Sự thật thanh niên ngày 15 tháng 7 năm 1983).

Tôi mới chỉ đưa ra ở đây một phần rất nhỏ các sự kiện đã được công bố. Một phương pháp mị dân cũ kĩ, đã được sử dụng từ thời Stalin, đấy là báo chí của Đảng tự phát hiện và phê phán một số hiện tượng tiêu cực để khắc phục. Nhưng, thứ nhất, báo chí chỉ công bố một phần rất nhỏ (các tờ báo trung ương nhận mỗi ngày từ 1 đến 2 ngàn bức thư, đa số là đơn tố cáo); thứ hai, cách phản ứng của họ thể hiện rõ qua nghị quyết của Ban chấp hành trung ương về sử dụng “bất hợp pháp lao động trẻ em” trên các cánh đồng trồng bông và thuốc lá đã nói bên trên; thứ ba, tình hình nói chung không thay đổi. Tháng 2 năm 1991 tại nhà máy Liublinski đã xảy ra một cuộc đình công phản đối điều kiện lao động tại đây (công nhân đã thắp lửa để sưởi).


6. Tranh chấp lao động
  
Những vụ tranh chấp về lao động được giải quyết như thế nào (tranh chấp có thể xảy ra, thí dụ, về vấn đề phân phối nhà ở, phân phối đất vườn, vé đi nghỉ, cũng như thái độ bất nhã của lãnh đạo đối với công nhân v.v…)? Không có một khung pháp lí nào để giải quyết những vụ tranh chấp như thế. Cho đến mãi giai đoạn gần đây, pháp luật chỉ điều chỉnh những vụ tranh chấp giữa các cá nhân người lao động với ban lãnh đạo mà thôi. Điều 70 bộ luật lao động Liên Xô viết như sau: “Ủy ban hòa giải là cơ quan đầu tiên có trách nhiệm xem xét các tranh chấp về lao động”. Nhưng điều này sai bởi vì thủ tục giải quyết nhiều trường hợp tranh chấp lao động được qui định khác [10] .

Ủy ban hòa giải được lập trên cơ sở đại biểu bằng nhau, đại diện cho ban lãnh đạo xí nghiệp và “tổ chức công đoàn”. Sau những điều đã trình bày về “công đoàn” thì rõ ràng là người lao động phải trình bày tố cáo ban lãnh đạo xí nghiệp với chính những người đại diện và bảo vệ cho nó.

Ủy ban hòa giải phải xem xét yêu cầu của người lao động trong thời hạn 5 ngày, nhưng pháp luật lại không đưa ra bất kì bảo đảm nào về việc tuân thủ thời hạn, thành ra người lao động phải chờ đợi hàng tháng trời. Quyết định của ủy ban chỉ có hiệu lực nếu nó được nhất trí thông qua. Nếu ủy ban không đưa ra được quyết định hay người lao động không chấp nhận quyết định đó thì trong thời hạn 10 ngày anh ta phải đưa lên ban chấp hành “công đoàn”. Ban chấp hành công đoàn phải xem xét trong thời hạn 7 ngày, nhưng ở đây cũng không có qui định nào về việc tuân thủ thời hạn cả (mặc dù người lao động có quyền đưa lên cấp cao hơn sau thời hạn này).

Chỉ sau khi có quyết định của công đoàn người lao động mới có quyền, trong thời hạn 10 ngày, đưa vụ việc ra tòa. Tòa sẽ xử theo trình tự tố tụng dân sự.

Không cần phải là luật sư, từ những điều đã trình bày ngắn gọn bên trên, cũng có thể rút ra kết luận rằng mục đích của những thủ tục đó là: tạo ra thật nhiều trở ngại và chứng tỏ sức sống của câu ngạn ngữ: “Tránh voi chả xấu mặt nào” [11] .

Người lao động bị ban lãnh đạo cho thôi việc có thể đưa vụ việc ra tòa án nhân dân trong vòng một tháng. Nếu người lao động bị cho nghỉ việc mà chưa có sự đồng ý của ban chấp hành công đoàn thì theo bộ luật “cải tổ” năm 1988 của Gorbachev, tòa án sẽ chỉ cứu xét vụ án sau khi ban chấp hành công đoàn đã xem xét (điều 213, bộ luật lao động Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga). Nếu ta biết rằng không có gì bảo đảm là ban chấp hành công đoàn sẽ xem xét đơn của đương sự đúng kì hạn và sau khi nghỉ việc người lao động không còn được lĩnh lương nữa, sau khi nghỉ việc một tháng “thời gian công tác liên tục” cũng bị cắt và phải làm thêm 6 năm nữa thì khi nghỉ ốm mới được lĩnh phụ cấp ốm đau là 100% lương, chỉ những người cực kì nguyên tắc và tin tưởng tuyệt đối vào sự đúng đắn của mình mới dám theo đuổi việc kiện cáo ban lãnh đạo. Cần phải nói rằng có những vụ kiện kéo dài hàng năm trời, nhưng năm 1988 Gorbachev đã chấm dứt chuyện này bằng cách sau: sau một năm kể từ ngày tòa án hoặc cơ quan cấp trên ra phán quyết về việc từ chối khôi phục, đơn từ của người lao động sẽ không còn được xem xét nữa.

Trong trường hợp được phục hồi, theo Luật lao động năm 1922, người lao động sẽ được nhận toàn bộ tiền lương do bị buộc phải nghỉ việc, điều này có thể coi là công bằng (nhưng phải nhận rằng luật của Cộng hòa liên bang Đức còn công bằng hơn, theo luật nước này thì người lao động được trả toàn bộ tiền lương cho đến khi được phục hồi hoặc từ chối phục hồi). Nhưng nghị định liên tịch ngày 28 tháng 12 năm 1938 của Hội đồng dân ủy Liên Xô, Ban chấp hành trung ương Đảng (b), và dĩ nhiên của Tổng liên đoàn lao động nữa, qui định chỉ trả cho người được phục hồi không quá 20 ngày! Chuyện đó xảy ra là vì sau khi đã phê phán một cách giả vờ “chủ nghĩa Ezhov” (vụ khủng bố hàng loạt năm 1937) tại hội nghị trung ương năm 1938, rất nhiều tù nhân được tha và vì trước đây, khi những người đó bị bắt thì tất cả bạn bè, người thân của họ đều bị đuổi việc, nhiều người được phục hồi, nhà nước phải hoàn trả một số tiền rất lớn. Thế là nhà nước quyết định tiết kiệm. Năm 1972 (gần 20 năm sau khi Stalin chết) thời hạn được nới thành 3 tháng. Rõ ràng là 3 tháng thì hơn 20 ngày, nhưng có thể coi đấy là công bằng không khi người lao động phải theo đuổi một thời gian dài hơn nhiều mới được phục hồi [12] .

Bây giờ xin nói đến những người gọi là “trong danh sách”: đây là tiếng lóng mà các luật sư dùng để chỉ những chức danh nằm trong danh sách số 1 và số 2, Phụ lục số 1 của Qui định về thủ tục xem xét các tranh chấp về lao động. Đây là danh sách rất dài các chức vụ lãnh đạo kể cả các đốc công và những công nhân viên bình thường: bình luận viên vô tuyến truyền hình và đài phát thanh, hướng dân viên và phiên dịch viên của Hãng lữ hành quốc tế, nghệ sĩ, ca sĩ .v.v.. Nếu bị cho nghỉ việc hoặc bị thi hành kỉ luật thì những người này không được quyền đưa vụ việc ra tòa. Họ chỉ có thể tố cáo hành động của lãnh đạo lên cơ quan cấp trên, trên thực tế những người này không được pháp luật bảo vệ. Những người lao động trong một số ngành tuân theo cái gọi là qui tắc kỉ luật như: vận tải, thông tin, năng lượng, thợ mỏ… cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Vì vậy một trong những yêu cầu của thợ mỏ đình công năm 1989 là bãi bỏ qui tắc kỉ luật (được họ gọi là “luật thời chiếm nô”).

Tình trạng một số rất đông người lao động không được pháp luật bảo vệ rõ ràng là không phù hợp với nguyên tắc bình đẳng giữa các công dân mà “hiến pháp Stalin” tuyên cáo. Vì vậy mà điều 58 “hiến pháp Brezhnev” năm 1977 đã qui định quyền kiện ra tòa hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi công dân của tất cả các quan chức. Nhưng điều khoản này cũng như tất cả các điều khoản của hiến pháp Liên Xô đều có kèm thêm: “theo qui định của pháp luật”. Vì vậy mà điều này đã trở thành vô nghĩa trong một chục năm trời và mãi đến năm 1987 người ta mới ban hành bộ luật được chờ đợi từ lâu. Nhưng hóa ra sự chờ đợi lại bị phản bội: luật này vẫn giữ nguyên các trình tự khiếu kiện trước đó và thật không hiểu người ta ban hành cái luật ấy để làm gì.

Vì luật này bị phê phán mạnh mẽ nên ngày 2 tháng 11 năm 1989 Xô viết Tối cao Liên Xô “thời cải tổ” đã thông qua luật mới: “Về trình tự khiếu nại ra tòa các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan quản lí nhà nước và các quan chức xâm phạm quyền lợi của công dân”. Nhưng nó cũng chẳng khác luật năm 1987 là mấy. Ngay trong Lời nói đầu nó đã tuyên bố rằng vì luật pháp Liên Xô đã qui định các công dân được bảo vệ tại tòa án nếu xảy ra những xâm phạm quyền lợi của mình, trong đó có quyền lao động nên công dân không được quyền đưa ra tòa “…nếu pháp luật Liên Xô và pháp luật các nước cộng hòa có qui định khác về thủ tục khiếu nại”. Nói các khác sự bất bình đẳng vẫn được giữ nguyên.

Cuối cùng Ủy ban giám sát hiến pháp đã công nhận rằng điều này là vi hiến. Nhưng pháp luật lại không qui định hiệu lực trực tiếp của phán quyết này nếu không thay đổi ngay chính điều luật. Vì vậy thật khó dự đoán tương lai sẽ như thế nào.


7. Bảo hiểm xã hội của nhà nước
 
Xin trình bày một cách khái quát tình trạng bảo hiểm xã hội của các tầng lớp dân cư tại “đất nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới”. Nông trang viên hoàn toàn không được bảo hiểm, còn lương hưu, đấy là nói từ khi được áp dụng, chỉ là 20 – 30 rub một tháng. Mặc dù luật hưu trí năm 1964 qui định các điều kiện như nhau về hưu bổng đối với nông trang viên, công nhân và viên chức, nhưng theo “nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội” là “hưởng theo lao động” nên lương hưu phụ thuộc vào tiền lương mà lương của nông trang viên, đặc biệt là của nữ nông trang thì bao giờ cũng thấp nhất. Chỉ từ ngày 1 tháng 11 năm 1985 lương hưu tối thiểu của nông trang viên mới được nâng lên mức 40 rub một tháng.

Nhưng khái niệm “tối thiểu” cũng chưa phải là “thấp nhất” vì “mức lương thấp nhất” vì nhiều lí do có thể còn thấp hơn tối thiểu (“thấp hơn tối thiểu” – có phải là một sự phi lí không?). Báo Tuần lễ (số 2 năm 1988) đưa tin một bà mẹ có 7 người con nhận 13 rub lương hưu! Mẹ của viên thuyền trưởng tàu ngầm tên là A. Marinesko, người bị Hitler coi là “kẻ thù trực tiếp”, còn nhà nước Liên Xô thì tặng cho nhiều năm tù đầy (năm 1990, sau khi chết, ông được phong anh hùng Liên Xô) được mức lương hưu là 27 rub một tháng. Chỉ riêng ở Nga (các nước cộng hòa khác không có số liệu) đã có 4,5 triệu người nhận lương hưu với thời gian làm việc chưa đủ niên hạn (không có qui định mức tối thiểu). Hiện nay mức lương tối thiểu được qui định là 70 rub. “Người ta cảm thấy kinh hoàng vì những con số như thế”, tờ “Tin tức” (ngày 18 tháng 2 năm 1991) viết, “khi biết rằng mức sống tối thiểu theo tính toán hiện nay là 110 rub. Một số nhà khoa học cho rằng tối thiểu phải là 220-250 rub một tháng thì mới sống nổi. Trong trường hợp đó gần một nửa dân số nằm dưới mức nghèo khổ. Xin nói thêm rằng nếu so với mức sống tối thiểu của người công nhân phương Tây thì đa số nhân dân sẽ phải được coi là thuộc loại nghèo đói.

Lương hưu tối đa theo luật hiện hành (chưa kể phụ cấp một số nghề nghiệp) là 120 rub. Trong những năm 80, những gia đình có thu nhập bình quân đầu người là 50 rub (ở Viễn Đông và Siberia là 75 rub) được coi là khá giả (Bản tin của tòa án Tối cao, 1983, số 51). Người tàn tật và người già cả không nơi nương tựa, theo luật, được nhà nước nuôi, người tàn tật bẩm sinh được trợ cấp 30 rub một tháng (nghĩa là 1 rub một ngày cho tất cả các nhu cầu từ ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc…!). Từ ngày 1 tháng 1 năm 1987 trợ cấp cho người tàn tật bẩm sinh đã được nâng lên: loại 1 (hoàn toàn mất khả năng lao động và cần người chăm sóc) được 50 rub một tháng, loại 2 được 40 rub, nhưng qua 16 tuổi thì tất cả đều chỉ được 30 rub!

Trợ cấp cho các bà mẹ đông con còn đáng ngạc nhiên hơn (và kinh tởm hơn!). Trợ cấp bắt đầu khi đứa trẻ đủ một năm tuổi và chỉ có trong vòng BA NĂM (!!! tại sao?) với số tiền như sau: gia đình 4 con được 4 rub một tháng (không phải đánh máy nhầm đâu, đúng là 4 rub một tháng! Dưới đây cũng không đánh máy nhầm!), nghĩa là mỗi đứa trẻ được 1 rub một tháng, nhưng nếu có 11 con thì được hơn: 15 rub một tháng! Xin hãy so với giá lương thực, thực phẩm, hoa quả: 3 rub mua được 10 quả trứng gà, 3 rub một cân táo (đấy là nói trong cửa hàng mậu dịch, ngoài chợ thì 8-10 rub, có khi đắt hơn), 50 xu một cân khoai tây (ngoài chợ 3-4 rub), cân thịt giá 25 – 30 rub (cửa hàng không bán)… Xin không liệt kê thêm nữa vì giá cả tăng một cách đột biến từng ngày và khi tôi viết những dòng này thì số liệu đã trở thành cũ, nhưng trợ cấp và lương hưu thì không tăng nhanh như thế. Cần phải nói thêm rằng trợ cấp không được phát cho các bà mẹ tại nhà. Để được nhận họ còn phải xin hàng chục chữ kí, xếp biết bao nhiêu hàng nữa kia… Tên khốn kiếp nào có thể nghĩ ra biện pháp hạ nhục con người đến như thế? Làm sao những “đại biểu của dân” có thể thông qua mức trợ cấp như thế [13] ?

Các nhà “xã hội chủ nghĩa” phương Tây nhất định sẽ hỏi: làm sao lại như thế, trợ cấp thế thì làm sao sống? Số trẻ em tử vong, dù đã được “sửa chữa”, sẽ giải đáp những câu hỏi ấy của họ.

Dối trá! Tartuf [14] còn lâu mới vươn tới được mức độ đạo đức giả của radio, TV, báo chí trong việc nịnh hót nhà nước “cộng sản”!

Ở Liên Xô chính phủ cũng như “công đoàn” không tiến hành tính toán mức sống tối thiểu. Đôi khi các trường đại học có làm việc này. Theo số liệu của một trong những trường như thế thì chi phí cho riêng nhu cầu mặc của một bé gái 7 tuổi “ít nhất cũng là 420 rub một năm” (Tin tức, ngày 22 tháng 9 năm 1987). Tôi đã thử tính lại, với chất lượng quần áo thấp như hiện nay thì chi phí phải lớn hơn nhiều.

Người ta đặt ra mức trợ cấp thấp, không khác gì một vụ lăng nhục như thế để làm gì? Để cho các bà trong “quĩ nhi đồng” và các nhà hoạt động “công đoàn” có thể tuyên bố ở nước ngoài rằng: “Các bà mẹ đông con được nhận trợ cấp của chính phủ”. Họ sẽ không nói cụ thể là bao nhiêu. Ai ở phương Tây quan tâm đến chuyện đó?

Điều 100 Cơ sở của luật lao động Liên Xô viết: “Bảo hiểm xã hội của công nhân viên chức do nhà nước thanh toán” (!). Quĩ bảo hiểm xã hội do các xí nghiệp, công sở, cơ quan đóng góp mà không có bất kì khoản khấu trừ nào từ tiền lương của công nhân viên chức…”

Ôi, đất nước “xã hội chủ nghĩa”, đất nước của “toàn thể nhân dân” của chúng ta! Người cho chúng tôi tất cả, người cho chúng tôi cơm ăn, áo mặc, nhà ở, không khí để thở và nước để uống! Cám ơn người mãi mãi! Cám ơn người đã bảo hiểm “miễn phí” cho chúng tôi! Cám ơn người đã chữa bệnh “miễn phí”, nhưng chúng tôi lại phải trả cao hơn bất kì nước nào khác! Cám ơn người đã dạy chúng tôi học “miễn phí” trong những ngôi trường sắp sập, ca ba và đôi khi cả ca bốn nữa! Xin cám ơn người [15] !

Nhưng vẫn còn đó một câu hỏi nhỏ: nhà nước ta lấy đâu ra tiền để làm tất cả những chuyện đó?

Xin hãy suy nghĩ một chút, biết bao khoản chi tiêu: cho quân đội, đông hơn cả quân đội Mĩ và Trung Quốc cộng lại, cho hàng ngàn xe tăng, rồi còn tầu vũ trụ, tên lửa, bom nguyên tử và nhà máy điện nguyên tử Chenobyl nữa! Lại còn những khu nhà nghỉ của nhà nước, những khu nhà dành riêng cho những chuyến đi săn, những người cần vụ và biết bao thứ khác nữa! Thế mà nhà nước vẫn còn dành cho chúng ta một khoản gọi là bảo hiểm nữa! Các bà mẹ đông con còn được lĩnh mỗi tháng 1 rub cho mỗi đứa con!..

Năm 1989, ngay trước mắt bàn dân thiên hạ, những người “đại biểu của nhân dân” đã yêu cầu tăng mức trợ cấp cho những người nghèo nhất mà không đợi luật hưu trí mới có hiệu lực. Chính phủ trả lời: không có tiền! Thế là các “đại biểu” đành im. Nhưng ngay sau đó người ta đã nâng lương cho cán bộ Đảng và nhà nước lên gấp đôi (các đại biểu dĩ nhiên là cũng được). Việc này thì có tiền!

Sự lạc hậu của chế độ bảo hiểm được công nhận một cách chính thức vì luật bảo hiểm đã được soạn lại. Nhưng khác với các văn bản về quyền hạn của lực lượng vũ trang thuộc bộ Nội vụ hay các “đơn vị đặc nhiệm”, về tình trạng khẩn cấp, về ngăn chặn các cuộc đình công, về việc tuần tra hỗn hợp giữa quân đội và công an v.v… là những văn bản có hiệu lực ngay lập tức, luật hưu trí thì còn lâu mới được đem ra áp dụng. Vì vậy mà trên thực tế chứ không phải trên giấy nó sẽ như thế nào thì chỉ lúc đó mới rõ mà thôi. Nhưng có một điều đã rõ: nó sẽ chẳng tạo ra một tí thay đổi nào đối với cuộc sống của chúng ta.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas



[1]Tầu mang tên Nguyên soái Nakhimov, được đóng từ năm 1924, đã bị thủy lôi bắn trong chiến tranh, dĩ nhiên là mức độ an an toàn đã giảm, sau khi đụng độ với một tàu khác đã bị chìm trong vòng 8 phút làm thiệt mạng hơn 400 người. Cả hai thuyền trưởng đều phải ra tòa. Nhưng ai là người có lỗi, nếu người ta vẫn cho dùng những chiếc tàu có thời hạn sử dụng, theo luật, chỉ là 20 năm (hiện nay có hơn 100 tàu thủy như vậy, có những chiếc được đóng từ năm 1917)? Thực ra sau khi Nakhimov bị chìm, Bộ trưởng bộ hàng hải và một số quan chức khác đã bị cách chức, nhưng hình phạt như vậy có tương xứng không? Ngành công nghiệp đường sắt cũng ở trong hoàn cảnh tệ hại, một phần ba số toa tầu đã hết hạn sử dụng, cháy, lật khỏi đường ray, chết người… Có gì thay đổi đâu? Chỉ có một điều là trong giai đoạn “công khai” thì các vụ tai nạn được thông báo, các lái tầu và nhân viên bẻ ghi thường là những người có lỗi.  
[2]Phù hợp với qui chế điều tra và thống kê các trường hợp tai nạn lao động, được chủ tịch đoàn Tổng liên đoàn lao động thông qua ngày 13 tháng 8 năm 1982, các trường hợp say rượu có thể không được công nhận là tai nạn lao động. Điều đó tước đoạt người lao động hay vợ con người đó (trong trường tử vong) quyền được bồi thường. Nhưng để người lao động làm việc ở trong tình trạng say rượu mà ban lãnh đạo lại không có lỗi ư?  
[3]Xin dẫn một vài thí dụ: Moskva, nhà máy Stankolit - nồng độ bụi cao hơn giới hạn cho phép từ 5 đến 10 lần (Sự thật Moskva, ngày 12 tháng 9 năm 1986). Ulianovsk, nhà máy Kontaktor - nồng độ chì trong không khí vượt mức cho phép 16 lần, nồng độ khí HF cao hơn 20 lần. Công nhân phàn nàn với giám đốc là thiết bị vận chuyển không hoạt động thì được trả lời: “Các anh sẽ khiêng, vác thế nào thì tùy, nhưng kế hoạch vẫn phải hoàn thành” (Tin tức, ngày 26 tháng 12 năm 1987).
Ủy ban của Xô viết Tối cao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga thảo luận về tình hình tại liên hợp Krasnoiarsklesprom: bụi xi măng cao hơn giới hạn cho phép 10 lần, mùa đông nhiệt độ trong các phân xưởng thấp hơn – 50oC, bệnh tật và tai nạn năm sau cao hơn năm trước, ngoài cảm cúm còn có thêm các bệnh như phụ khoa, xương-cơ, bệnh đường tiêu hóa. Bệnh viện, phòng khám đa khoa, nhà ăn, quần áo bảo hộ đều thiếu nghiêm trọng. Công nhân phải làm ngoài giờ rất nhiều. Tổng giám đốc liên hiệp phải công nhận: “Đôi khi công nhân phải sống trong các thùng đựng hàng!” Mà đây là Sibiria, nhiệt độ có khi xuống đến – 50oC! “Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” kết luận như thế nào? Không có kết luận gì hết. Họ “sẽ quay lại vấn đề này vào tháng 3 năm sau” (Nước Nga Xô viết, ngày 24 tháng 7 năm 1987).  
[4]Những vụ kiện như thế “chỉ được tòa án xem xét nếu lãnh đạo xí nghiệp và công đoàn đã có quyết định về tranh chấp” (mục 7 nghị quyết của đoàn chủ tịch tòa án Tối cao Liên Xô ngày 23 tháng 10 năm 1963).  
[5]Xem mục б nghị quyết trên.  
[6]"4,2 triệu phụ nữa lao động chân tay, không hề có máy móc gì hết… Trên các công trường xây dựng có 2500 phụ nữ làm công việc đào đất mà không có bất kì dụng cụ cơ khí nào, 3,5 triệu phụ nữ làm việc trong môi trường độc hại…”. Báo Tin tức, ngày 28 tháng 6 năm 1989 đã viết như thế.  
[7]N. G. Aleksandrov và những người khác. Pháp luật về lao động. Hướng dẫn. М, 1947, trang 201
[8]chơi chữ “khlopkorob” và “khlopkorab”, rab nghĩa là nô lệ -ND
[9]Tôi đã viết mấy bức thư gửi một số tờ báo trung ương, trong đó có tờ Tin tức, về nghị quyết này của Ban chấp hành trung ương Đảng, nhưng không nhận được trả lời. Xin nói thêm rằng tôi còn viết cho cả tờ Tư duy Nga ở Paris và đài Tự do nữa. Cũng không có hồi âm. Có vẻ như chẳng ai thèm quan tâm đến đề tài này. Ngoài các cháu nhỏ và cha mẹ chúng. Nhưng họ thì làm được gì?  
[10]Như trên đã nói, khiếu nại về đền bù thiệt hại cho nhân viên trước hết được ban lãnh đạo xí nghiệp, sau đó là công đoàn xem xét. Khiếu nại về phục hồi công tác được chuyển thẳng cho tòa án nhân dân. Khiếu nại về bảo hiểm xã hội do КТС xem xét, tòa án không giải quyết. Các vấn đề này được “các ban chấp hành công đoàn” và các cơ quan bảo hiểm xã hội xử lí.
Khiếu nại của một số thành phần về nhiều lĩnh vực tranh chấp, như đã nói bên trên, chỉ được giải quyết bởi các cơ quan quản lí cấp trên.
[11]dịch thoát ý, nguyên nghĩa là: Đừng đánh nhau với người khỏe, đừng kiện cáo người giầu - ND
[12]Tôi từng có mặt, hồi những năm 1960, trong một buổi tọa đàm của các luật sư, nơi người ta thảo luận dự thảo bộ luật lao động, trong đó có vấn đề trả tiền cho người nhân viên nếu người đó bị buộc thôi việc một cách trái pháp luật. N. Aleksandrov, cây đa cây đề, của nền luật học Liên Xô đã giải thích tại sao lại không trả toàn bộ thời gian nghỉ việc: “để nhà nước không phải tốn quá nhiều tiền, tòa án sẽ không phục hồi công tác cho những người bị buộc thôi việc một cách phi pháp”. Đúng là logic của luật sư Liên Xô!
[13]Tất cả các số liệu có thể được kiểm tra trong cuốn: Bảo đảm xã hội ở Liên Xô. Tập hợp các văn bản pháp qui. М, 1986, trang 417,458 ..v.v..
[14]Nhân vật của Molie, Kịch tác gia Pháp. BT
[15]Tiếu lâm hiện đại: “Mất mùa là tại thiên tai, Được mùa là tại thiên tài Đảng ta” (dịch thoát ý – ND).

Nguồn: Nguyên bản tiếng Nga: http://lit.lib.ru/t/tille_a/text_0010.shtml