trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
4.12.2006
Huỳnh Phan
Có hay chăng một ngôn ngữ đang chết?

Tôi là dân miền Nam nên cảm thông với Trịnh Thanh Thuỷ với nỗi lo về sự mai một của tiếng Việt Sài Gòn trước 1975. Tuy nhiên, khác với Trịnh Thanh Thuỷ tôi chẳng thấy thương tiếc các từ như: cộng quân, thiết vận xa, ấp chiến lược, nhân dân tự vệ, chiêu hồi… mà cứ mong chúng mau đi vào quên lãng cùng với cuộc chiến gắn liền với chúng, và xét cho cùng chúng cũng do… ngưòi Bắc (di cư 1954) đẻ ra để sử dụng cho cuộc chiến đó (phần lớn sĩ quan, viên chức cấp cao của chính quyền miền Nam lúc ấy là người Bắc). Đó chỉ là những từ của một phía, dùng trong một thời chứ không thât sự là phương ngữ Sài Gòn hay miền Nam nói chung. Tôi cũng không buồn lòng vì các từ miền Nam rặt như sức mấy, bỏ qua đi Tám,… từng nổi đình nổi đám một thời nay đã hoàn toàn mất dạng. Trái lại, tôi lại cảm thấy hết sức tiếc nuối một số từ hoặc cách dùng từ miền Nam đang dần dần biến đi trước thực tế giao lưu giữa các miền đất nước ngày càng thông thoáng. Ngày nay rất hiếm được nghe những cách nói như: thôi, em đi yìa ngheng anh…, mơi mình gặp lợi héng… mà thay bằng: đi về, mai, gặp lại… Ngay cả mẹ tôi, một bà lão nhà quê nay trên 85 tuổi đang ở trong nước cũng nói là đĩa [DVD] cải lương nhưng chẳng khi nào lại gọi chén dĩabát đĩa, trong khi tôi đang ở nước ngoài thì lại dùng chén dĩa, dĩa CD, dĩa DVD, ổ dĩa cứng… tất tần tật. Nhưng tiếc nuối chỉ là tiếc nuối cái mà mình đã thấm vào máu từ thuở nhỏ mà thôi chứ đã có tiếp xúc, giao lưu là phải chấp nhận sự có đi có lại, sự trao đổi ngôn ngữ, văn hoá…. Thực tế cho thấy hiện nay người Nam sử dụng rất nhiều từ mới có gốc miền Bắc (như Trịnh Thanh Thuỷ đã chỉ ra một số) nhưng ngược lại thì người Bắc cũng bắt chước dùng các từ hoặc cách nói kiểu người Nam, ngay cả tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư viết bằng giọng văn đặc sệt Nam bộ cũng được cả nước đón nhận một cách nồng nhiệt. Đây là một sự trao đổi hai chiều chứ không phải chỉ có một chiều Bắc - Nam, tuy nhiên tuỳ lúc, tuỳ nơi mà chiều này có thể trội hơn chiều kia. Trước 1975 ở miền Bắc cũng có hiện tượng này - xem bài viết “Sự thâm nhập của từ địa phương miền Nam vào tiếng Việt toàn dân giai đoạn 1945–1975” của Nguyễn Tài Thái – Phạm Văn Hảo (ngonngu.net). Ở miền Nam cũng vậy. Người miền Nam chịu ảnh hưởng nặng ngôn ngữ của người Bắc, đặc biệt là Bắc di cư (đa số sách báo, tạp chí, sách giáo khoa đều do người Bắc viết – xem thêm “Một cuộc thảo luận về sách giáo khoa tiếng Việt trên báo chí Sài Gòn 1929–1930” của Lại Nguyên Ân (talawas). Đến trường đọc sách báo thì quả na, hoa sen, đi về… về nhà thì trái mảng cầu (ta), bông, sen, đi yìa… về sau này thì trộn lẫn cả trái/quả, hoa/bông, về/yề/yìa… Ngôn ngữ (lẫn nếp sống) của người Bắc (di cư) cũng thế, đã thay đổi, không còn rặt Bắc kì.

Nhân đây cũng xin lạm bàn một ít về việc sử dụng từ Hán Việt mà Trịnh Thanh Thuỷ có đề cập. Hiện nay ở nước ngoài thì đả kích trong nước lạm dụng, còn trong nước cũng kêu ca bên ngoài còn dùng quá nhiều từ Hán Việt. Lạm dụng từ Hán Việt là không hay nhưng trong khá nhiều trường hợp chúng ta không thể tránh được, ngay cả trường hợp có thể có từ thuần Việt tương đương. Có thể lấy ngay ví dụ mà Trịnh Thanh Thuỷ đưa ra là từ tham quan: đi Nha Trang chơi, đi thăm lăng vua Minh Mạng về mặt ngữ nghĩa không hẳn đồng nhất với tham quan Nha Trang, tham quan lăng vua Minh Mạng (đi chơi, đi thăm không hoàn toàn có nghĩa là tới để viếng /xem/ngắm cảnh như trong nghĩa của tham quan). Hoặc với từ đăng kí, cứ lấy những cụm từ mà Trịnh Thanh Thuỷ đã google được và thay đăng kí bằng ghi danh thì dễ thấy rất nhiều chỗ không thể thay được. Ngoài ra, cũng để ý rằng có những từ mới được hình thành không theo các quy tắc ngôn ngữ học đã biết mà không một cấp thẩm quyền nào, kể cả các nhà ngôn ngữ học có thể ngăn cản nếu chúng đã được số đông chấp nhận - xem “Về việc dùng từ ngữ Hán-Việt” của Hải Thuỵ (Tuổi Trẻ).

Tiếng Việt là một ngôn ngữ sống nên luôn luôn phát triển. Có những từ cũ mất đi và cũng có những từ mới thêm vào theo sự phát triển của xã hội. Việc giao lưu thông thoáng giữa các miền, các phương tiện truyền thông ngày càng phổ biến đã làm cho tiếng Việt phát triển theo hướng thuần nhất hơn. Đối với người Việt ở nước ngoài, lúc ra đi chỉ ôm theo vốn liếng tiếng Việt có tới lúc đó, do đó dĩ nhiên sẽ có sự hụt hẫng khi gặp những từ ngữ mới có sau này. Ví dụ trước đây chưa có internet nên tiếng Việt làm gì có các từ như trang nhà/chủ (home page), kích hoạt (activate), đăng nhập (log in)… Từ đó, người đang sống ở nước ngoài có thể có hai thái độ khác nhau: hoặc chấp nhận từ mới đã được trong nước dùng hoặc tìm cách tạo một từ mới khác để dùng riêng (và như thế sẽ hơi trở ngại khi giao lưu với trong nước). Mỗi bên cứ dùng theo cách riêng của mình và rồi sẽ được số đông sàng lọc theo thời gian (và kết quả cũng có thể đoán trước được).

Tóm lại theo tôi chẳng có cái chết của một ngôn ngữ nào cả, có chăng chỉ một số từ ngữ do một phía đặt ra và dùng cho một thời (kể các từ như: nguỵ quân, nguỵ quyền, tề điệp, xuống đường, chống càn, ruồng bố,…) nên không thể sống quá hơn cái thời của chúng, còn những từ ngữ nào trung tính (kể cả một số từ mà Trịnh Thanh Thuỷ cho rằng đã chết nhưng không được tôi nhắc lại ở trên) thì cũng sẽ có số phận bình đẳng như những từ bình thường khác.