trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
4.12.2006
Đoàn Tiểu Long
Trao đổi với anh Hoàng Giang: phải hiểu nhau thì mới trao đổi được!
 
Rất thú vị khi anh Hoàng Giang dùng vũ khí tối tân là kinh tế học hiện đại để phê phán các luận điểm dựa trên lý luận kinh tế chính trị cổ lỗ của tôi.

Dĩ nhiên khi xem xét một vấn đề người ta có thể sử dụng các công cụ khác nhau, xuất phát từ các góc nhìn khác nhau, nhằm các mục đích khác nhau: tôi dùng kinh tế chính trị học của Marx, anh dùng kinh tế học hiện đại, không sao hết. Dẫu vậy, nếu có ý định phê phán đối phương, thì trước hết cần hiểu rõ đối phương nói gì cái đã. Nhưng qua những gì anh Hoàng Giang trình bày thì dường như anh hoàn toàn không hiểu tôi viết gì. Chính vì thế mà tôi rất đắn đo có nên trao đổi với anh Hoàng Giang hay không, vì hình như anh mới chỉ học kinh tế học, mà thiếu hẳn các kiến thức của môn kinh tế chính trị, kể cả những khái niệm sơ đẳng nhất.

Anh Hoàng Giang hẳn không nắm được các khái niệm giá trị của hàng hóa, lao động vật hóa, lao động quá khứ kết tinh, nên mới có cái phát hiện lý thú: khi viết rằng 500$ là biểu hiện của lao động vật hóa trong 5 tấn than, 2 tấn gạo hay 1 con chip, tôi đã “không nhận thấy có một nhân tố nữa, ngoài lao động, góp phần tạo nên sản phẩm (và được hạch toán khi tính giá trị sản phẩm), đó là tài nguyên cần dùng trong quá trình sản xuất”. Lại càng thú hơn nữa khi anh cho chúng ta biết “5 tấn than đá nằm dưới đất đã có giá trị khá lớn rồi (có thể thấy người ta vẫn bỏ tiền ra để mua các mỏ than, sắt, vàng, dầu v.v…) còn giá trị do lao động của công nhân ít hơn nhiều”. Xem tình hình này thì có vẻ sẽ rất khó khăn nếu muốn giải thích cho anh Hoàng Giang hiểu rằng than đá nằm dưới đất, con cá bơi dưới sông hoàn toàn không có một chút giá trị nào, chừng nào chưa có lao động của con người tác động tới. Và nếu như ai đó bán mỏ than, thì không phải là bán giá trị than đá như anh tưởng, mà chỉ là bán cái quyền khai thác than. Tuy nhiên tôi không vội vã kết luận anh nói sai như anh kết luận về tôi, vì tôi biết đó là cách nhìn của môn kinh tế vi mô.

Đã không hiểu thế nào là giá trị của hàng hóa theo nghĩa kinh tế chính trị, thì hiển nhiên cái cách anh Hoàng Giang hiểu hàm lượng lao động, hàm lượng tri thức trong hàng hóa cũng hết sức mù mờ:

Hàm lượng lao động là lượng lao động mà người lao động phải bỏ ra để tác động vào tư liệu sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm… Khái niệm hàm lượng tri thức có hơi khó đo đếm hơn một chút, nó được hiểu như trình độ tri thức, tay nghề của người lao động tạo ra sản phẩm”.

Vốn lo ngại rằng có nhiều người lầm tưởng lao động và tri thức là những thứ khác biệt, giống như cách anh Hoàng Giang giải thích trên đây, trong bài viết trước tôi đã cẩn thận ghi rõ:

Cần nói thêm, lao động kết tinh trong hàng hóa bao gồm cả lao động giản đơn như của người thợ, và lao động phức tạp – chính là tri thức - như của các kỹ sư, nhà quản lý, nhưng đều là lao động.” Để từ đó nhận định: “Vì thế, việc phân chia hàng hóa thành loại có “hàm lượng lao động cao” và loại có “hàm lượng tri thức cao” là cách phân loại hết sức cảm tính”.

Nhưng rõ ràng đoạn trên đây đã không được anh Hoàng Giang để mắt tới.

Tôi đồ rằng hầu hết những người sử dụng cụm từ “sản phẩm có hàm lượng tri thức cao” thực chất không hiểu họ đang nói gì. Bởi thế tôi mới phân tích để cho thấy:

- Nếu họ hiểu “sản phẩm có hàm lượng tri thức cao” là những sản phẩm kỹ thuật cao, tính năng hiện đại, như máy vi tính, thiết bị điện tử, con chip v.v..., đối lập với sản phẩm có tính năng đơn giản, như chiếc cày, chiếc cuốc, gạo, than, nghĩa là ám chỉ hàm lượng tri thức chứa trong giá trị sử dụng của sản phẩm, và cho rằng sản phẩm càng hiện đại thì giá trị càng cao, thì họ đã sai lầm, vì giá trị không phụ thuộc vào giá trị sử dụng. Đây là kiến thức kinh tế chính trị sơ đẳng.

- Nếu họ ám chỉ hàm lượng tri thức chứa trong giá trị của hàng hóa, thì thực chất là họ hiểu sai khái niệm lao động. Giống như anh Hoàng Giang, họ tưởng rằng lao động là việc khua chân múa tay, còn suy nghĩ, động não, sử dụng kỹ năng, tri thức không phải là lao động. Nhưng không sao, cứ cho sản phẩm có hàm lượng tri thức cao là sản phẩm thuần túy do lao động phức tạp (kỹ sư, nhà khoa học v.v...) tạo ra, mà không có sự tham gia của lao động giản đơn. Sản phẩm kiểu này rất hiếm: họa chăng là các phần mềm, các bản thiết kế của kiến trúc sư v.v... Nếu đã thế, thì đương nhiên không thể bắt người lao động giản đơn đi làm những công việc này để nâng cao giá trị lao động của họ, vì thế khẩu hiệu “chuyển từ sản phẩm có hàm lượng lao động cao sang sản phẩm có hàm lượng chất xám cao” là hoàn toàn vớ vẩn. Còn trong thực tế, như tôi đã phân tích với ví dụ về sự hình thành giá trị của chiếc điện thoại di động trong bài “Có chăng nền kinh tế tri thức?”, thì nói chung giá trị của hàng hóa chỉ chứa lượng chất xám rất ít, còn lại vẫn là do lao động của những người lao động bình thường tạo nên.

Chính vì chỉ học kinh tế học nên anh Hoàng Giang không hiểu cái cách tôi xem xét vấn đề tri thức trong việc tạo ra 5 tấn than đá và con chip. Anh vẫn bị cái ấn tượng đống than đá to lù lù bên cạnh con chip nhỏ xíu, để nhất quyết cho rằng tri thức càng nhiều thì sản phẩm càng nhẹ. Có lẽ phải lấy thêm ví dụ nữa cho anh hiểu rõ hơn cái vấn đề hết sức đơn giản này. Giả dụ các kỹ sư chế ra robot đào than thay cho thợ mỏ, và vẫn với chi phí 500$ giờ đây người ta khai thác được những 50 tấn than, thì thử hỏi hàm lượng tri thức trong 50 tấn than này có ít hơn lượng tri thức trong con chip không? Theo cách nhìn “kinh tế học” của anh thì ở đây rõ ràng chẳng có tý “lao động” nào, mà toàn bộ là tri thức, hẳn thế? Hy vọng anh đã hiểu cái câu “tri thức giúp cái này to lên, lại giúp cái khác nhỏ đi” là sao.

Vì anh Hoàng Giang thích dùng kinh tế học, tôi sẽ dùng kinh tế học để bồi đáp. Thực ra chẳng cần phải học kinh tế mới biết rằng tài nguyên thiên nhiên có hạn nên phải sử dụng hợp lý, tiết kiệm nhất. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc hô hào ai ai cũng đi làm con chip vì thấy nó nhỏ. Nếu anh Hoàng Giang đã đồng ý rằng than, gạo, xe máy, chip đều cần thiết, nghĩa là câu hỏi “sản xuất cái gì”, “sản xuất cho ai” đã được trả lời. Chỉ còn câu hỏi “sản xuất như thế nào”. Vậy thì, nếu anh nắm vững kinh tế học vi mô, anh phải hiểu vấn đề ở đây là cần sử dụng tối ưu các nguồn lực trong việc sản xuất ra than, gạo, xe máy, chip, chứ không phải nên làm chip và thôi đào than như ẩn ý của cái kiểu so sánh của Tom.

Do không hiểu khái niệm giá trị trong kinh tế chính trị, lại chỉ quen với các khái niệm của kinh tế học như tăng trưởng, GDP, GNP v.v… nên đương nhiên anh Hoàng Giang không hiểu cái câu “tổng giá trị sản phẩm trong xã hội là một con số nhất định, tương ứng với tổng thời gian lao động của tất cả những người lao động trong xã hội” nghĩa là gì, và có lẽ càng không hiểu cái câu tôi nói về tổng giá trị hàng hóa do 1 triệu người thời Tần Thủy Hoàng làm ra bằng đúng tổng giá trị do 1 triệu người thời nay làm ra. Anh lại cho rằng tôi đã nhầm lẫn tổng tài nguyên với tổng giá trị tạo ra. Tôi biết, môn kinh tế học dạy anh như vậy.

Tôi sẽ không tiếp tục chỉ ra những điều anh không hiểu rõ nhưng lại muốn phản bác để khỏi làm mệt bạn đọc talawas. Thực sự cuộc trao đổi sẽ không có ý nghĩa về mặt học thuật nếu như một bên không hiểu bên kia nói gì. Người ta có thể tranh luận về mọi vấn đề bằng cùng một ngôn ngữ, nhưng không thể tranh luận dù chỉ một vấn đề bằng các ngôn ngữ khác nhau.

Từ đầu đến giờ tôi thường xuyên đối lập người chỉ học kinh tế học với người đã học kinh tế chính trị, là có lý do của nó. Quả thực, tôi không rõ anh Hoàng Giang có biết hai môn đó khác nhau thế nào không?

Nếu anh chưa biết, thì tôi xin nói ngắn gọn: môn kinh tế mà anh học và khuyên tôi cập nhật chỉ nghiên cứu các hiện tượng bề mặt của nền kinh tế, còn môn kinh tế chính trị nghiên cứu các quan hệ thực sự, ẩn giấu, bị che lấp dưới các hiện tượng bề mặt đó. Vì thế môn kinh tế học chủ yếu mang tính kỹ thuật, trong khi học thuyết kinh tế chính trị của Marx mang tính triết học. Theo quan điểm marxist thì môn kinh tế học đó khá hời hợt, vì nó chỉ loay hoay với các hiện tượng bề mặt: sản xuất cái gì, như thế nào, cạnh tranh ra làm sao, quản trị kinh doanh thế nào, kể cả các vấn đề có vẻ vĩ mô như tăng trưởng, lạm phát, thất nghiệp v.v... Dĩ nhiên nó có giá trị của nó. Nếu ai muốn làm kinh doanh, hay điều hành kinh tế đất nước, hẳn cũng nên học môn này. Tuy nhiên dùng các lý thuyết kinh tế học sẽ không giúp hiểu được bản chất thật sự của nhiều vấn đề. Đó là lý do vì sao tôi lại sử dụng kinh tế chính trị trong các lập luận của mình. Chằng hạn, chính do không hiểu kinh tế chính trị nên mới có chuyện người ta ngộ nhận sản phẩm kỹ thuật cao thì sẽ có giá cao, hay tưởng rằng chỉ cần đào tạo cho người lao động là họ sẽ “nâng hàm lượng tri thức trong sản phẩm lên, và cái đó gọi là kinh tế tri thức”.

Hay lấy một ví dụ khác. Kinh tế học vi mô dạy người ta các lý thuyết về cung, cầu, hành vi người tiêu dùng, quản trị doanh nghiệp sao cho giành được lợi nhuận tối đa v.v… Nếu có doanh nghiệp nào đó thua lỗ và hỏi ý kiến anh Hoàng Giang, hẳn anh sẽ đối chiếu hoạt động của doanh nghiệp với các lý thuyết, các mô hình, phương trình này, đường cong nọ, xem có chỗ nào sai không. Bây giờ giả dụ mọi doanh nghiệp đều áp dụng chuẩn xác các lý thuyết, mô hình đó, thì liệu có còn hiện tượng thua lỗ, phá sản không? Nếu có, thì làm sao giải thích cho các ông chủ phá sản khốn khổ đây, khi rõ ràng họ làm đúng lý thuyết?

Nhưng nếu dùng kinh tế chính trị thì có thể giải thích hiện tượng đó, như tôi đã trình bày vắn tắt trong bài viết trước bằng công thức của Marx. Bởi sự thua lỗ, phá sản của một bộ phận doanh nghiệp là chuyện tất yếu. Nó, cũng như các hiện tượng khác: tăng trưởng, suy thoái, thất nghiệp, lạm phát v.v... chỉ là biểu hiện ra bên ngoài của những quan hệ thực sự, những mâu thuẫn nội tại của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Người ta có thể làm dịu các vấn đề đó bằng cách này cách khác, ví dụ như tăng cường xuất khẩu, chi tiêu Chính phủ để giải quyết đống hàng hóa dư thừa C+M kia. Lấy ví dụ nước Nhật: nếu không nhờ xuất khẩu, thì nền kinh tế Nhật đã suy sụp từ lâu, chứ đừng mong có sự phát triển thần kỳ. Nhưng nếu nhìn ở tầm toàn cầu, coi cả thế giới là một nền kinh tế, thì các mâu thuẫn này không thể giải quyết bằng cách đó.

Nếu anh Hoàng Giang muốn thấy rõ hơn sự khác biệt giữa hai môn kinh tế nói trên, anh có thể xem một bài viết hết sức sinh động, thú vị, vừa sâu sắc vừa tiếu lâm, của nhà nghiên cứu Phan Huy Đường bên Pháp, tác giả cuốn Penser librementTư duy tự do mới phát hành tại Việt Nam, tại: http://www.viet-studies.org/hoithao/PHDuong-thangdu.pdf. Hy vọng sau khi đọc bài của Phan Huy Đường anh sẽ có cái nhìn khác đi về một môn học mà thầy không muốn dạy, trò không muốn học. Có chuyện đó là vì người ta đã tầm thường hóa các tư tưởng của Marx thông qua các sách giáo khoa dạy môn kinh tế chính trị, và cứ tưởng dạy đại trà như thế là hay! Như Viện sĩ D. Rosenberg (Liên Xô) cách đây hơn 70 năm trong cuốn sách của ông giới thiệu bộ Tư bản đã cảnh báo, người ta đã biến những tư tưởng đó thành những đồng tiền đúc lưu thông dễ dàng, và như mọi người đều biết, những đồng tiền này đã bị hao mòn và giảm dần trọng lượng.

Cám ơn anh Hoàng Giang đã khuyên tôi cập nhật kiến thức kinh tế, tôi cũng có đọc báo chí kinh tế thường xuyên, Tây ta có cả, phần lớn nhờ vào trang web của giáo sư Trần Hữu Dũng bên Mỹ, và thú thực, không thấy có gì khó hiểu (và thú vị) lắm. Khác hẳn với khi đọc Marx, đọc mười lần mà cảm tưởng mới chỉ hiểu được 1/10 những gì Marx trình bày. Tuy nhiên tôi không có ý định khuyên anh Hoàng Giang và những người khác nữa nghiên cứu kinh tế chính trị của Marx, vì thấy thực ra nếu chỉ để làm ăn kinh doanh thì có lẽ các lý thuyết kinh tế học cũng đủ. Rảnh rỗi và có hứng thú thì hẵng đọc Marx, thỉnh thoảng đem ra bàn luận khơi khơi cho vui.

© 2006 talawas