trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
7.12.2006
Phạm Công Thiện
Mặt trời không bao giờ có thực
 1   2   3 
 
I.

Gần năm tháng nay, hắn đã sống hững hờ như một thây ma; mỗi ngày bắt đầu lại một mặt trời cũ, dâng lên trên những mái nhà một xác thối của mặt trời, ánh sáng của đèn cầy còn dễ thở hơn ánh sáng của mỗi ngày dư máu. Máu ứ đọng lại trong lòng mặt trăng của tư tưởng. Hắn thù ghét sanh từ, động từ “ý thức” và thù ghét cả tính từ “ý thức”. Chỉ có hận thù mới có thể rửa sạch những vết đen mà mặt trời và mặt trăng đã để lại trái đất này. Hắn không còn ở mặt đất này nữa. Hắn bay xa đến một triệu năm ánh sáng: Hắn bay bằng hai cánh tay. Hãy thu lại lộ trình thời gian, vì hắn đã bay không cần cánh chim. Tay hắn run run, muời năm trời tập bay; bay lên rồi té xuống muốn vỡ sọ. Hôm nay, hắn đã bay xa và không trở về mặt đất nữa. Tiếng chim non hôm nay là tiếng chim non của một triệu năm không bao giờ mất mặt. Những con kiến đen hôm nay trở thành những ngôi sao đổi màu giữ không gian xanh, trắng và màu vàng cam. Hắn quỳ lạy những con kiến lửa. Kiến lửa của thoát ly, kiến máu của mực đen chảy từ ngòi bút, “con kiến này kiện củ khoai”, ngôi sao trong lòng tôi đông như kiến cỏ: Những con kiến cánh bay trên thung lũng của sợ hãi, dè dặt, tiết kiệm tinh khí, chứa chấp cơm chiều. Kiến càng vẫn chịu thua kiến gió: “con ong cái kiến” là vấn đề trọng đại của triết lý hiện nay. Tiếng phản lực cơ muốn đe dọa những con kiến dưới kia. Triết lý của con kiến là chờ phản lực cơ bay ngang để bò ẩn dưới những ngọn cỏ đọng sương, lớn lên như loài kiến riện, làm hôi đời, đất mùa thu, hôi trăng, non như thơm nách đêm rằm. Chỉ cần mặt trời mọc lên cao là mặt trăng ứ sữa, loãng ra như loài côn trùng bị xới đất. Những con kiến cánh lại thèm nhớ lửa và đã chết đi một cách thê thảm như ngững ngày quá khứ của đời tôi. Nguyệt Thu, Nguyệt Thu. Một dòng sông chảy dài qua thành phố cũ. Thành phố mang tên là Nguyệt Thu và con sông ấy được người đặt tên là Quế Hương Giang. Tiếng động cơ nổ giữa trời. Hắn bỏ viết.

Tôi muốn giết hết tất cả con kiến trong ý thức con người.


II.

Viết điên lên. Viết bất cứ cái gì; viết về gió, nước mắt, mây đen, tàn thuốc, bình minh, tiếng xe cộ, vệt mây đỏ, tiếng va chạm của kim khí, chậu hoa héo, chim, áo phơi, hang xóm, máu, bàn tay. Viết cho mệt nhoài thân thể, rã rời trí óc, tê chết ngòi bút, lạnh buốt hơi thở. Viết như chưa từng viết bao giờ. Viết cho hoang phí hết sức khoẻ, tiêu tán hết những con đường, mòn nát hết những trang giấy trắng trên đời. Viết cho chết lẵng hồn tất cả những hi vọng của trái đất. Viết như giã biệt đời sống, tuyệt bút gửi lại miền Bắc Cực và Nam Cực. Tôi ôm cả địa cầu trong đại dương chưa khám phá của Mực và Máu.


III.

Biết chờ đợi, không kết quả, không hoa mọc, không mùa xuân. Không hỏi, không hỏi gì hết. Không hỏi buổi sáng, không hỏi lòng người, không hỏi sức nóng tàn bạo của buổi trưa, không hỏi hơi ngạt u ám của buổi chiều, không hỏi quá khứ. Chịu cực hình một cách phũ phàng im lặng, đôi mắt thuộc về bong tối của mưa rừng hoang khê. Đến và đi, mặc cho đại dương, mặc cho mày trắng sơn trời, mặc cho thời gian, mặc cho thời gian, tìm đâu cho ra sữa tươi giữa khu phố vắng? Đến và đi như vệt khói điên trên đống lửa cháy. Tôi muốn giết hết tất cả những con chim trên đời: mỗi một con chim là bản án tử hình treo lên đầu nhân loại; tôi muốn giết hết tất cả thiên thần trong lòng người. Tôi vừa chuyền lửa cho điếu thuốc cuối cùng của đời sống thiên mệnh.

Nói chỉ khi cần nói, khi nói có ý nghĩa như đá va chạm vào nhau; rất ít nói và đem im lặng trả về cho sự bí mật khôn cùng của thung lũng. Rất ít nói. Và khi nói thì lời nói là lửa đánh lên giữa diêm quẹt và đá khô. Hát khẽ trong lòng những ngày lửa cháy trên từng hơi thở. Nuôi bầu trời Mễ Tây Cơ trong lòng, giữa mùa hè khô khan, tôi vụt nghe tiếng nổ của mùa xuân. Tạo Phi châu trong mỗi cái nhìn thường ngày. Mỗi một giây phút, mỗi một hơi thở của mình chứa đựng những cánh rừng hoa nở khắp hoàn cầu, những con bướm giao nhau trên những hải ngạn mùa đông, những nàng con gái mơ mộng thẹn thò, tiếng cười của trẻ thơ trong một đường hẻm bỏ hoang.

Ồ, chưa bao giờ tôi thương những con chim như chiều nay. Tôi muốn xây lên một nghĩa địa chim giữa thành phố.


IV.

Kiên nhẫn, biết chờ đợi với sự ồn ào dễ sợ của trí óc. Chưa có người nào có được kiên nhẫn lạ thường như ngày hôm nay. Thời gian là một con sân có bong trổ mầu.Tôi có dư thời giờ để làm đủ mọi sự. Tôi chưa bao giờ hấp tấp vội vã trong bất cứ lần nào trong đời sống. Thỉnh thoảng tôi tưởng rằng tôi gấp gáp vội vã nôn nóng để làm một việc gì đó; thực ra thì đó chỉ là một sự trá hình cần thiết để sống với người đời, để cho họ thấy rằng tôi không khác họ: lòng nhân đạo cuối cùng còn rớt lại trong linh thức.

Trầm lặng, tàn nhẫn, khiêm nhượng, lạnh lùng, chỉ khi nào đứt mặt nạ thì những nét lộ liễu ấy mới vụt hiện ra như trò chơi của ánh sáng và bong tối trên đám lá non.


V.

Thanh bình đã chết trong tôi như một con muỗi để máu trên chiếc mền mùa đông. Từ đây cuộc đời trở thành mực đắng.Tôi không còn phân biệt giữa mực và máu. Tôi trở thành kẻ thù của tất cả loài hoa dại.Tôi tru lên như người bị cơn điên mặt trời giữa mùa Đông vô tận của Bắc Cực. Tôi không hét; tôi nhổ vào mặt Thanh Bình. Tất cả mùa xuân đều lường gạt; vệt máu đỏ của con muỗi cũng là vệt máu từ thân thể tôi: muỗi là con chim bị đọa. Tôi xin gióng lên một hồi chuông siêu độ cho tất cả những con muỗi đã chết trên khắp hoàn cầu, Requiem pour un moustique, an bình cho muỗi, cầu nguyện cho muỗi an giấc ngàn thu…


VI.

Không bao giờ và bao giờ. Tôi cứ sống mãi với thế giới của không bao giờ và bao giờ. Triển hạn là nỗi đau đứt thần kinh của con người. Đập quá khứ nát bấy ra như bụi tro. Chỉ một lần, không bao giờ trở lại vì bao giờ trở lại. Đẩy mọi kinh nghiệm đến chỗ đường cùng, tát cạn tất cả mọi dòng sông, tát cạn tất cả mọi đại dương, đây là đường của tôi đi. Chỉ hối tiếc là đã sống không trọn nó, nuốt nó, ăn nó, liếm nó, nốc cạn nó cho điếng hồn, khô họng, tê lưỡi, đây là đường của tôi đến. Đi và đến vì không bao giờ đến đi và bao giờ đi đến, đây là tiếng hót buốt lạnh của những con chim chưa có tên. Viết như nhảy vào lửa, viết thư xối nước nguồn, bơi, chìm, ngộp, ngất, chết đi trong mực và máu. Cắt đứt mạch máu trong cơ thể để hoà với mực; ồ, mùa thu đã về trên hải ngạn. Mây trắng vẫn bay ngỗ ngược như không bao giờ hối tiếc trăng thu mọc trên cây quế thơm cách đây mười năm. Vật đổi sao dời, nhưng mùi thơm của quá khứ vẫn tràn lạnh không gian, nhờ một bong mây xa triệng vào phương trời cũ. A, ta đang làm văn chương?


VII.

Gió nồm, hoa gạo và cỏ may. Ba đề tài cho tiềm thức hôm nay. Một đám cỏ khâu là dấu vết rêu phong của một trăm năm ý thức, “Trăm năm còn có gì đâu…”. Một vùng cỏ mọc lan trong những ngày tháng trôi đi. Hai mươi sáu vùng cỏ mọc trong hơi thở liên tục và chấm dứt lại một đám cỏ khâu.


VIII.

Một đám cỏ rậm rạp mọc lan trên hình hài của tôi. Thời gian, mặc thời gian. Thời gian đi qua những đám cỏ khâu. Thời gian đọng lại, đứng lại và không đi; thời gian bắt rễ trong đất, mọc dài lên và đợi gió nồm và hoa gạo.


IX.

Không có gì thơ mộng cho bằng mất giờ. Tôi mất giờ trong những việc nhảm nhí; tôi mất giờ trong những ý tưởng rời rạc, mất giờ vì làm những việc không xứng đáng, mất giờ bằng bao hoa lải nhải, bằng tâm sự bang quơ. Mất giờ để lặp đi lặp lại những cử chỉ, những cái nhìn, những dáng đi, những hơi thở. Mất giờ quá nhiều vì không làm gì hết, mất giờ vì mơ mộng vớ vẩn suốt ngày, suốt đêm.

Mất giờ, sung sướng biết rằng mình đã hoang phí thì giờ vào những việc không đâu. Thực còn gì mơ mộng, còn gì tuyệt vời cho bằng mất giờ và chỉ mất giờ!

Biết mất giờ mà không hối tiếc mới là sống và chết với tiếng ca của thời gian, tiếng hót của Thiên Thu, tiếng cười của Chết. Tiếng kêu rì rào của suối ngọt, tiếng chuông của ban mai, âm thanh xoắn óc xoay tròn, một đám mây, một vệt nắng, một người bước qua đường, ồ, tôi đang yêu đời, yêu đời vô hạn.


X.

Tôi đang yêu đời; tôi bỗng nhiên cảm thấy lo sợ vì nếu người đời biết được rằng tôi yêu đời dữ dội như vậy thì chắc họ sẽ giết tôi chết! Cả cuộc đời tôi là một giấc mộng đẹp vô song, vô hồn, vô tác. Tôi vĩ đại hơn hầu hết mọi người ở chỗ tôi có thể tạo ra giấc mộng cho tôi và điều khiển giấc mộng theo ý muốn trong mộng của tôi. Khổ, đau, bệnh, chiến tranh, tai nạn đã sợ tôi như sợ quỉ ma. Tất cả quỉ ma và thánh thần cũng sợ tôi; tôi cười âm lên, tiếng cười của tôi nổ tung trên ba tỷ ngôi sao vừa sinh.

Tôi không thể tin được rằng trên cuộc đời này lại có thể có người dám nhận rằng mình là bi quan. Tất cả những người tự nhận là bi quan yếm thế đều là những kẻ nói dối và lường gạt. Cuộc đời là một bài thơ vĩ đại nhất mà tôi đã tự sáng tác riêng cho tôi và cái chết chỉ là đôi mắt của Quế Hương. Điếu thuốc bastos sao mà thơm tho kỳ lạ, thơm như mùi khét của lá Đà Lạt.


XI.

Tại sao tôi có thể yêu đời dữ dội như ngày hôm nay? Tôi tự nhốt tôi trong phòng kín; tôi hút liên miên từ điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, có lẽ khoảng vài ba chục điếu. Tôi tắm gần mười lần. Tôi thích nước; tôi yêu sức nóng quá độ của thời tiết; tôi sung sướng vì được đổ mồ hôi; tôi nhìn đám mây; tôi nghe từng tiếng trẻ con khóc dưới xóm; tôi thở nhẹ nhàng, tôi thở mạnh bạo, tôi yêu nét chữ in; tôi mơ mộng những lộ trình sắp đi trong tương lai, tôi hồi nhớ dĩ vãng, tôi mân mê tỏ tình với cái chết; tôi nhảy múa bước lại trong phòng, cười, nghĩ, nằm ngồi; tôi nghĩ rằng hiện đang sống ở Thiên đàng, quả quyết rằng Thiên đàng cũng không hơn được những gì tôi đang sống hôm nay.


XII.

Đêm qua mưa ào ào tuôn chảy hơn thác nước; trời xuất tinh sau những ngày nóng dữ dội. Mưa đổ ào ào suốt buổi chiều, suốt buổi tối và suốt đêm. Tôi ngủ sớm, vì lâu lắm tôi mới được ngủ trong tiếng ru thơ mộng của cơn mưa lũ; tôi đắp mền kín cả người, thức giấc thì thấy thành phố đẹp lạ thường vào lúc bình minh; những mái nhà đen xanh, màu huyền lam, ửng lên một chút đỏ phượng trên chân trời mây xám. Tôi tưởng đang sống trong thế giới của nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn mà tôi đã sống lúc còn bé nhỏ. Tách cà phê sữa và vài điếu thuốc bastos đưa tôi trở lại thế giới người đời. Mặt trời hừng sáng, tràn ngập vào phòng tôi; tôi nghe một trăm con chim đang nhảy trong tim.

Lâu lắm rồi, tôi mới được nghe tiếng chổi quét bên hàng xóm. Tim tôi nhói lên vì bao nhiêu hình bóng thơ mộng bay về lào rào theo tiếng chổi sau cơn mưa. À ơi, mẹ ru con ngủ…


XIII.

Tôi hạnh phúc quá sức, còn đòi hỏi gì hơn? Chỉ nằm trên giường, mở rộng ba cánh cửa sổ, nằm kê gối đầu giường ngước nhìn ra chân trời cây mọc đàng xa, dở vài ba trang sách, mắt ve vuốt mực in màu đen, ngửi mùi giấy thơm của trang sách in ở Paris, của một tác giả xa lạ; mộng và thực xoắn vào nhau như lá bí và bông bụt, lòng tôi tràn trề như sữa chảy bất tận từ lòng trời. Cơ thể tôi run run như khi giao hợp; ồ ồ, tôi sung sướng ngất ngư tắm trong mật ngọt của những đài hoa, của hương phấn bông rừng. Hơi thở tôi nhẹ quá, tôi không còn nghe được hơi thở tôi nữa. Tôi cũng không còn là tôi nữa. Cái tôi quá nhỏ bé và cạn cợt; tôi bay lên trên nóc nhà ướt mưa đêm qua. Tôi bay lên tiếng kêu của trẻ con bên xóm. Tôi không còn mang tên, mang tuổi; một tiếng chim con vừa kêu, tôi sụp lạy.


XIV.

Đêm trở về, tâm hồn tôi bình lặng theo con nước chảy chậm của dòng sông đen đen. Cuộc đời trôi qua nhẹ nhàng, từng ngày lũ lượt kéo đi và sẽ trở lại trong trí nhớ, trong một vết sẹo bỏ quên dưới cơ thể kín đáo của một người xa lạ nào đó ở cuối chân trời. Nét mặt bình thản thanh bình, vướng nhẹ một nỗi buồn kín đáo xa xôi, dấu trong đôi mắt của một người chết vừa sống lại. Đêm trở về, mặt trời đã đi vắng, những ngôi sao thấp thoáng mờ mờ, tất cả tiếng động xa dần, những ngày tháng yêu đời nhộn nhịp cũng đi xa tận cuối địa cầu. Tôi bắt đầu đi xa tôi; từng cử chỉ lê lết trong căn phòng đóng kín, tiếng chìa khóa của người giúp việc khua lên đôi tiếng ngoài hành lang, những con kiến cánh đã bay đâu mất, bước chân của một người ướt mưa dưới kia kéo lệch nhệch trên sân đất. Không vui không buồn, không yêu không ghét, phong vũ biểu của tâm hồn tôi xuống độ quân bình, tôi ngồi trong phòng kín, đèn mờ đỏ đủ thấy bóng mình in xuống sàn gạch xanh. Có lẽ người gác cổng của bất cứ nghĩa địa nào cũng cùng mức độ phong vũ biểu tâm hồn như tôi. Tôi hình dung mình đang rảo bước đi thơ thẩn trong nghĩa địa, tiếng chìa khoá khua nhẹ nhàng như thùng thiếc bị mưa lớn rớt vào nửa đêm, tiếng chó sủa hoang vắng kỳ lạ, mấy mảnh vải rách tả tơi bay rời rạc trên đám cỏ khâu.

Tôi muốn đốt lên một điếu thuốc để thay hương khói cầu linh, nhưng diêm quẹt không còn nữa. Tôi chờ đêm đến và đêm đã đến; tôi chờ một cơn mưa lũ và sau cơn mưa sẽ có mặt trời đỏ lửa và bình minh sẽ là bức rèm thoáng mở nghê thường của mây và gió. Một con kiến nhỏ sợ hãi bò nhanh trên cổ tay tôi. Bình minh không đến vào lúc mười một giờ khuya và mưa cũng đã dứt từ chiều, nghĩa là không biết bao giờ trở lại.

Tất cả đều xa và gần, mới và cũ; vài tiếng động dưới phố làm thành tĩnh mịch vắng vẻ. Tôi đi ngủ và tự chúc an giấc.


XV.

Tham lam, muốn vồ chụp, ngốn ngấu, nuốt trọn tất cả những gì con người đã làm, nghĩ, viết, sống, yêu, chết, thở, bệnh, đau, khóc, cười, đi, chạy, trong một triệu năm, mười triệu năm của lịch sử con người.

Giới hạn, giới hạn lại, đứng tại một chỗ, xới, đào, bơi, bới, banh, móc, cào một chỗ thôi; bao nhiêu lần tôi tự nhủ rằng phải đứng một chỗ, đứng yên lại một chỗ để đục khoét cho sâu, cho thực sâu vào lỗ trống của trái tim con người và trái tim địa cầu, tôi tự nhủ rằng phải giới hạn lại, thu nhỏ lại phạm vi, nhưng chẳng bao giở tôi làm được. Nhìn một chữ trong bất cứ một quyển sách nào, tôi lại thấy một ngàn chữ khac hiện ra; nhìn một chiếc lá xanh, tôi thấy một ngàn chiếc lá xanh khác trong đời, mỗi một chiếc lá gợi lại muôn ngàn hình ảnh khác đã qua trong đời; nhìn nét mặt một người, tôi đọc được Tân ước, và Cựu ước, đọc ngay nguyên tác Hy Lạp và Do Thái, đọc được những dấu tay, những gấp trên trang giấy, đọc được đôi mắt của người đã in vào những dòng chữ, như những vật hoá thạch trên đá khô bảo tang viện.

Đừng đọc, đừng nghe, đừng nhìn, đừng thấy, đừng nói, mà vẫn thở nhẹ nhàng như hơi thở của con chó nằm phơi nắng, đó là mục đích tối thượng mà trọn đời sống tôi đang huớng đến.

Bây giờ đúng 12 giờ trưa, mặc dù đồng hò chỉ 12 giờ 15 phút, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng bây giờ là đúng 12 giờ trưa. Chỉ có thời giờ do tôi đặt ra cho tôi là mới quan trọng; dù tất cả đồng hồ Thụy Sĩ ở thế giới nói rằng bây giờ là 6 giờ sáng, tôi vẫn cho rằng bây giờ đúng 12 giờ trưa.

Giờ ngọ, tôi tự viết chữ ngọ ở dưới cửa phòng và không tiếp khách, tôi muốn làm con trâu không ló đầu ra cửa sổ. Tôi ngồi trong phòng kín và cố gắng hồi nhớ lại tất cả con trâu mà tôi đã gặp trong đời, con trâu đầu tiên gặp lúc còn bé nhỏ và con trâu cuối cùng gặp lúc gần đây.

Tất cả con trâu, hay bất cứ con trâu nào cũng là thầy của tôi; nó dạy tôi lội bùn phơi nắng, nó dạy tôi lầm lì im lặng, nó dạy tôi kéo cầy cho dân nghèo có lúa, nó dậy tôi nhai cỏ. Ừ, tôi đang nhai cỏ khâu, một đám cỏ khâu, “trăm năm còn có già đâu…”


XVI.

Tôi gặp nó lúc nó mới vừa ba tuổi, nó tên là Mi. Bây giờ gặp lại nó lần cuối thì nó đã hai mưới sáu tuổi, nghĩa là hai mươi ba năm trôi qua và gieo giống cho một đám cỏ khâu trong tương lai; tương lai có thể là hôm nay, ngày mai, mười năm, năm chục năm, sáu chục năm vô định bất ngờ, bí ẩn, phong phú.

Mi ơi, Mi, mi là ai? Ta đã đi bên cạnh Mi gần hai mươi sáu năm trên con đường hữu hình này, có lúc ta bỏ rơi Mi, có lúc ta trốn Mi, có lúc ta chạy tìm Mi, nhưng không lúc nào ta quên Mi: ta đi theo Mi như hơi thở đi theo máu, như cỏ xanh đi theo đất ướt, như con gái mới lớn đi theo kính soi mặt.

Người ta gọi nó là Mi, chữ gọi tắt của Dominico. Tên Dominico gồm 4 vần: Do – Mi – Ni – Co. Tại sao không gọi nó là Do, không gọi là Ni, không gọi là Co, mà chỉ gọi là Mi, chỉ gọi vần thứ hai trong 4 vần quan trọng như nhau?

Dominico là tên Tây Ban Nha, nó là người Việt Nam mà vì sao lại mang tên Tây Ban Nha? Đây là điều khó hiểu thứ hai. Tại sao không gọi là Dominique, như thường lệ của những gia đình trưởng giả dưới thời Pháp thuộc thường đặt tên Tây cho con mình?

Bỗng nhiên nó được mang tên ngộ nghĩnh là Dominico và những người trong gia đình thường gọi nó là Mi, tiếng gọi gọn lại của tên Dominico.

Nó tên là Mi, tôi gặp nó lần đầu còn nhớ được là dường như lúc nó mới chừng 3 tuổi tôi gặp Mi tại một đường mang tên Pháp là Avenue Desvaux, số 47, ở một thành phố tại miền Nam nước Việt dưới thời Pháp thuộc. Lúc đó khoảng vào năm 1944. Tôi còn nhớ ngày sinh tháng đẻ của Mi, ngày 1 tháng 6 năm 1941 dương lịch tại làng Điều Hoà. Tôi nhớ rõ như vậy là vì ngày 1 tháng 6 năm 1941 là ngày mà không người nào học sử mà không nhớ, đó là ngày quan trọng như ngày 24 tháng 12 năm thứ nhất của dương lịch hay ngày 8 tháng 4 âm lịch, năm 566 trước dương lịch.

Mi ra đời vào giữa năm, đầu tháng sáu và đầu hai chu kỳ, nghĩa là năm đầu của sáu chục năm cuối cùng của thế XX. Thôi, hãy quên những niên hiệu dài dòng trên. Chỉ nên nhớ hắn tên là Mi, chỉ thế đủ rồi.

Mi ơi, Mi, tôi có cần phải nói về Mi cho mọi người nghe không? Tôi không thể nói được, vì ngay đối với tôi, Mi cũng là bí mật, xa lạ, lầm lì, kỳ dị, khó hiểu, huyền ảo. Mi giữ lại tất cả những gì tôi đánh mất. Mi không đóng kịch, không mang mặt nạ, không lễ phép, không đọc sách, không viết sách, không đi tìm chân lý, không là văn sĩ, thi sĩ, học giả, sinh viên, giáo sư trung học, giáo sư đại học, nghệ sĩ, lãng tử, tu sĩ, ký giả, v.v… Mi không là gì hết, Mi chỉ là Mi, Mi của Mi, Mi của Mi, Mi viết hoa và mi viết thường, Mi viết chữ nghiêng, italique, và Mi chữ đứng, nói gọn lại là Mi, đánh vần là mờ i mi.

Tôi thấy Mi đánh vần tên Mi lần đầu tiên lúc Mi học lớp năm tiểu học; phải chi lúc ấy tôi có máy ghi âm và ghi lại lần đánh vần đầu tiên ấy thì có thể nghe lại được âm thanh thiêng liêng đầu tiên của nhân loại, lúc mà con người đánh vần chữ đầu tiên cho thần thánh nghe để khai sinh văn minh cho hậu thế. Lúc Mi tập đánh vần lần đầu tiên thì lúc ấy cũng là lúc tôi bước vào ý thức của con người. Bây giờ tôi mới hiểu rằng ý thức công thức là đồng nghĩa như nhau; tôi ý thức rằng (hay tôi công thức rằng) không có sự khác nhau giữa ý thức và công thức, nghĩa là ý thức chính là ước thức; ước thức là ý thức về ước lệ, hay ước lệ, công ước, hiệp ước của ý thức.

Tôi bước vào ý thức con người; nói khác đi, tôi bước vào công thức con người, vào sự trói buộc của con người đối với con người. Chỉ có tiếng đánh vần đầu tiên của Mi ở lớp năm tiểu học mới có thể giải phóng sự trói buộc trên của tôi đối với tôi, của người đối với tôi.

Xin từ giã Mi trong một thời gian ngắn; bây giờ tôi cần uống sữa để lấy sinh lực mà sống cho hết hai chu kỳ tâm thức. Sữa bắt đầu lạnh rồi.


XVII.

Người con gái đẹp nhất vẫn là người con gái im lặng nhất, im lặng một cách hiền lành; tiếng nói của con gái là hương thơm của một đoá hoa; nhưng sự im lặng thường xuyên của người con gái là một đoá mai vào đêm giao thừa; hoa mai mà có hương thơm ngào ngạt thì hoa mai không còn quyến rũ một cách trầm lặng rạo rực. Tôi cầu nguyện cho tất cả những người con gái đều im lặng.


XVIII.

Tại sao mỗi ngày tôi phải sống khổ sở như vầy? Vừa mở cửa sổ ra để thấy mặt trời và thở không khí phải gặp một bộ mặt nào đó chìa ra. Tôi tránh tất cả khách; tôi tránh gặp tất cả bạn bè; tôi tránh tất cả người quen; tôi tránh gặp tất cả những người trong gia đình. Không muốn gặp ai hết và không muốn nói chuyện với hết ai hết. Tôi muốn được im lặng và sống một mình suốt ngày và suốt đêm. Thế mà mọi người đều đến tìm tôi; họ đeo vào tôi như đeo vào chiếc phao; họ là những con đỉa đói, họ hút máu tôi bằng những câu chuyện bàn tán nhảm nhí của họ, bằng kiến thức thối tha của họ, bằng những ý kiến, tin tức, khuyên răn, thăm dò, miệng lưỡi, tóc, tay, tim, bao tử, gan, mật, thận, phổi v.v… Tôi hoàn toàn lạnh lùng. Dù mười trái bom H nổ tại thành phố này, tôi vẫn thản nhiên lạnh lùng. Dù động đất, hoả diệm sơn nổ, đại hồng thủy, dịch hạch, một tỷ người chết, dù gì đi nữa, tôi vẫn lạnh lùng. Dù là ngày tận thế, dù nhân loại, văn minh, văn hóa bị tiêu diệt trước mắt tôi, tôi vẫn lạnh lùng, hoàn toàn lạnh lùng.

Tôi không muốn ai đến thăm tôi cả, tôi không muốn nghe ai nói chuyện nữa cả. Tôi muốn đi qua đi lại một mình trong gian phòng, mà không phải mỉm cười với bất cứ người nào, dù là cười thực hay cười gượng.

Tôi có chết đi thì mấy mươi tỷ người đã chết trước tôi rồi và mấy muôn tỷ người sẽ chết sau tôi; tôi không có gì để hãnh diện rằng mình khác thiên hạ cả. Tôi cũng bần tiện, lì lợm, tục tĩu, ngu si, tham lam, bẩn thỉu, tầm thường, hạ cấp, rẻ tiền, khờ khệch, nông cạn, lưu manh, hẹp hòi, xấu xa, tàn ác, hung bạo như họ. Tôi chỉ ra đời, sẽ ra đời mãi mãi để lặp lại tất cả những điên rồ, hận thù và ngu xuẩn như họ.

Muôn tỷ người ra đời trước tôi và cũng đã từng viết giống tôi vừa viết, giống từ dấu phết và dấu chấm, giống từ nét chữ viết cho đến chỗ ngồi, tâm tư, thời tiết.

Vừa viết xong câu trên, tôi sực thấy mình bay như chim. Tôi bay trên tất cả những gì thuộc con người. Tôi bay trên mái nhà xanh và giác quan tôi bắt được luồng điện thứ tám xuất từ hành tinh thứ bảy: hành tinh ấy vừa nổ thành bột, một thứ bột quánh lại như sữa đặc trong tách nước nguội. Tôi vừa lấy lại tinh thần và yêu đời lại như thường lệ.


XIX.

Tôi bỗng nhớ mấy con cá lia thia của Mi.


XX.

Một ngày chìm tận xuống đáy biển dơ, một ngày nổi lên trên trời như cá rồng. Yêu đời rồi lại chán đời, điệp khúc kỳ lạ và ngu xuẩn khôn cùng. Đời là hơi thở, yêu hay chán gì thì cũng vẫn thở. Như thế là đủ rồi. Yêu là thở, biết thở, nhớ thở, nuôi thở, dưỡng thở. Thở là sống trong mộng mị vô hình; hơi thở là một đám mây nhỏ, không màu, không hình. Không có tôi thì cả bầu trời này, cả vũ trụ này cũng sụp đổ như tất cả sự sụp đổ của những gì đã sụp đổ trên mặt đất này. Đất, rừng, núi, đá biển, cây, cỏ, chim, trâu, voi, ngựa, chó, thành phố, lăng tẩm, đền đài, mặt trời, tất cả hành tinh chuyển hoá nhau thành cát, bụi, nguyên tử, tinh lực, gió, hơi thở, để rồi kết tinh lại thành tôi, một người có thân thể, có đều óc, tay, chân, tim, phổi, bộ phận sinh dục, người rất người, rất người và rất thú, rất thiêng và rất lạ, lạ đối với mình và đối với người, khi chìm, khi nổi, khi yêu, khi ghét, khi bay vút lên tận đỉnh núi chót vót rồi lại rớt xuống vũng bùn thối tha nhất của ý thức và vô thức.

Triết lý là biến hơi thở thành khói thuốc, tất cả triết gia đều là những kẻ bị ung thư tinh thần.


XXI.

Hai tội lớn nhất của tôi là tội triển hạn và tội nuốt thời gian. Triển hạn là muốn đi thực chậm, mà nuốt thời gian là muốn đi thực mau: mâu thuẫn tượng trưng cho tất cả khủng hoảng con người. Chỉ có Mi là không bận tâm gì với những thứ ấy.


XXII.

Tất cả đều vô cùng cần thiết: nếu một hạt bụi trong phòng tôi mà mất đi thì cả vũ trụ đều mất theo lập tức. Chỉ có một ngọn gió đi qua thì hai thế giới đổi ngược lại hoặc sụp đổ tan tành như bọt sữa.


XXIII.

Tất cả sợ hãi đã chết trong tôi, như những bóng đèn xa của thuyền chài giữa đại dương vào lúc bình minh. Tôi trở nên giàu sang, phương phi, cao thượng, quí phái, trầm lặng, vĩ đại, vô danh, tĩnh mịch, uy nghi, hào hoa, phi thường, cao chót vót như đỉnh núi ở Kalimpong. Tôi bước đi giữa đám đông như một con sư tử ở xa mạc đi lạc vào thành phố Bắc Phi. Tôi gầm gừ chậm chạp bước đi hiên ngang và thỉnh thoảng đứng lại đái xuống những nơi hành hương của dân chúng. Trời hôm nay, sương mai phớt nhẹ lên mái nhà.


XXIV.

Càng ngày tôi càng đi xa giới hạn của con người; càng ngày tôi lại càng thấy mình không còn nói ngôn ngữ của loài người; tôi bắt đầu tập nói lại tiếng loài người, nhưng khó quá. Tôi nói không đúng giọng, đúng vần và sai văn phạm. Có lẽ chỉ Mi mới hiểu được tiếng nói xa lạ của tôi. Đêm nay, tôi muốn thức suốt đêm để nói chuyện với muỗi; tôi sẽ đập cánh và kêu vo vo thâu đêm. Tôi bỗng nhiên nhớ đến những trái vú sữa, trong khu vườn thơ ấu; dạo ấy, Mi ngơ ngác như con nai lạ.


XXV.

Khủng hoảng, tôi đặt tất cả tin tưởng vào tất cả sự khủng hoảng trong tất cả mọi phạm vi. Sáng tạo chỉ được giữ chín trong sự khủng hoảng của thể xác và tâm thần. Tôi muốn rước vào tim tất cả những khủng hoảng nào có được trên đời này. Đêm qua tôi muốn tự tử vì một lý do giản dị là cuộc đời không có gì để đáng tự tử cả: ý nghĩa tự tử là ước muốn đục khoét ý nghĩa vào bóng tối sâu kín của đời người; tất cả những người tự tử đều là những kẻ có tham vọng muốn tìm hiểu ý nghĩa của đời sống, bị thúc đẩy một cách vô thức hay có ý thức bằng trung gian của khủng hoảng lải nhải của cơ thể và trí óc.


XXVI.

Đứng nhìn, đừng bao giờ nghĩ về ý nghĩa cuộc đời lúc mình mệt. Tôi chỉ chán đời lúc tôi mệt. Bây giờ càng mệt thì lại càng nên không chán đời, khi mệt thì sự kiêu ngạo thụt lùi lại đằng sau và biến mất. Tập thở, và tập mất giờ; quan trọng nhất là chịu đựng Thiên đàng trong mỗi ngày mỗi đêm.


XXVII.

Đêm qua lại muốn chết, không thích sống dai nữa. Không còn gì để giữ lại tôi trong đời sống này; tôi không còn liên hệ nào đối với bất cứ ai và bất cứ cái gì. Hôm nay tôi sẽ cố gắng hết sức để yêu đời, yêu đời như điên. Tôi sẽ cố gắng tưởng tượng tất cả những cánh đồng, tất cả những tiếng ca sướt mướt lí nhí của Connie Francis, tất cả những chiếc cầu trên sông, tất cả những con gà con và tất cả những điếu thuốc mà tôi sẽ hút trong tương lai.


XXVIII.

Trời mưa, một điếu thuốc đang cháy, một ý tưởng trong đầu; tôi không đòi hỏi gì nữa; thiên đàng cũng không hơn thế. Một tiếng sét vừa nổ giữa trời. Nơi nào có sấm có sét nơi đó có tôi. Tôi ca tụng mưa, tôi ca tụng điếu thuốc, tôi ca tụng lửa, tôi ca tụng một ý tưởng đơn độc trong đầu.


XXIX.

Một chiếc lá tròn, một tiếng còi xe, ôi cuộc đời, tôi yêu tất cả con người; không yêu tất cả con người thì cũng thơ mộng như thế.
Nguồn: Phạm Công Thiện. Mặt trời không bao giờ có thá»±c. Tranh minh hoạ của họa sÄ© Đức, Paul Klee. An Tiêm ấn hành lần thứ nhất 4000 quyển. In xong ngày 10 tháng 10 năm 1967 tại ấn quan Đăng Quang, 734A Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Kiểm duyệt số 3111 ngày 16-10-67. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của tác giả.