trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 80 bài
  1 - 20 / 80 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
12.12.2006
Đỗ Văn Phác
Mình không muốn cho con viết văn
Ngô Minh thực hiện
 
Ở Trại viết văn Quân đội tại Cửa Lò, tôi ở cạnh phòng nhà văn Đỗ Văn Phác. Anh là giáo viên trường làng ở Tĩnh Gia, Thanh Hoá, đã nghỉ hưu. Anh viết văn từ những năm 70 của thế kỷ trước. Anh từng có 11 năm viết báo tự do để kiếm tiền nuôi con học đại học. Năm 1998, anh mới bắt đầu in sách. Anh đã xuất bản 5 tập tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện ký. Cuốn tiểu thuyết mới của anh có tên là Đồng tôm hiện đang xếp hàng ở NXB Văn học. “Viết lách dày dặn thế sao anh không vô Hội Nhà văn?”, tôi hỏi. Anh cười: “Mình ở làng, lại tỉnh lẻ nên mù lắm. Cứ sợ văn chương chưa ra gì nên không dám làm đơn vô Hội. Năm ngoài có mấy người bạn nhà văn ở Hà Nội giục, mình mới liều viết cái đơn…”. Anh là bố của nữ nhà văn trẻ Đỗ Hoàng Diệu, một cái tên mới lần đầu xuất hiện với tập truyện ngắn Bóng đè đã nổi tiếng trên văn đàn. Tôi nghĩ năm 2005 là “năm Đỗ Hoàng Diệu”, trong một năm mà ước có tới hàng trăm bài phê bình Bóng đè. Khen có, chê có, chụp mũ, mạt sát có, răn dạy có v.v… Diệu cũng đã trả lời tới mấy chục cuộc phỏng vấn. Tôi đã đọc Bóng đè, tôi hiểu những gì Diệu viết. Tôi cho đây là tập truyện hay, phản ánh được những bi kịch lớn của đời sống hôm nay. Ở trại viết, nhiều lúc rỗi rãi, ngồi tán gẫu bên chén rượu, hay cùng đi tắm biển Cửa Lò, tôi hay hỏi nhà văn Đỗ Văn Phác về Đỗ Hoàng Diệu, anh bộc bạch nhiều điều thú vị.


Ngô Minh: Anh có cảm thấy tự hào khi tác phẩm của con mình được độc giả tìm mua và trở thành đề tài nóng cho các nhà phê bình?

Đỗ Văn Phác: Tôi lo lắm, vì tôi biết làm văn chương thật ở xứ ta rất nguy hiểm, khi còn bọn cơ hội mượn “phê bình” để tâng công, lên chức. Khi các con tôi trưởng thành, tôi sợ nhất là chúng “dính” vào nghiệp văn như bố thì khốn khổ. Tôi từng “mục sở thị” những vụ án không có án trong văn chương làm cho nhiều người điêu đứng, cùng quẫn. Tôi từng thấy nhà thơ “Màu tím hoa sim”, “Đèo Cả” Hữu Loan “bỏ thơ chạy lấy người” về Xứ Thanh cuốc đất làm ruộng, đi xe thồ. Nhưng hồi đó ngoài đồng lương giáo viên còm tôi không biết làm thêm nghề gì ngoài việc viết để kiếm thêm ít đồng nuôi con. Tôi cho tôi mà cũng dám xông vào con đường văn chương cũng là một thằng liều. Vợ chồng tôi có 5 người con, hai trai ba gái. May bốn đứa con đầu đều tốt nghiệp đại học, nhưng không đứa nào dính tới viết viếc gì. Đến đứa con gái út Đỗ Hoàng Diệu sinh năm 1976, thì lại “sinh sự”. Nỗi lo của gia đình đã thành sự thật. Cái “gien” văn chương dở hơi của tôi lại “lặn” vào nó. Tội nghiệp.

Ngô Minh: Thế Đỗ Hoàng Diệu lúc nhỏ đã viết lách gì chưa?

Đỗ Văn Phác: Tuổi nhỏ Diệu học rất giỏi văn, lại ương tính. Lên cấp 3, cháu được chọn vào Trường chuyên Lam Sơn của tỉnh, phải vô thị xã ở trọ học. Cháu tập viết văn từ khi lên 9, 10 tuổi. Năm 1990 (khi 14 tuổi) cháu đã được giải thưởng Tác phẩm tuổi xanh của báo Tiền phong với truyện ngắn “Ông già hàng xóm”. Khi Diệu học hết lớp 12, làm hồ sơ thi đại học, tôi khuyên con không nên đi học văn mà phải đi học luật. Học luật, con người đứng đắn hơn, làm nghề “thầy cãi” lại tự bảo vệ được mình, giúp được người “thấp cổ bé họng”. Thế nhưng cháu vẫn làm hồ sơ thi vào khoa báo chí của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trường Tuyên giáo Trung ương, và đã thi đỗ vào loại xuất sắc. Cháu còn định thi cả khoa biên kịch trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, nhưng tôi can, kiên quyết bắt học ngành luật. Và Diệu đã nghe lời của bố. Tôi yên tâm là cô con gái út cưng của mình sẽ không dính gì đến chuyện văn chương vớ vẩn, phù phiếm. Không ngờ đến năm thứ hai đại học, Diệu lại viết văn, mà lại viết nhiều. Cháu bảo với tôi, con phải viết để kiếm sống, để đỡ một phần tiền chu cấp của bố mẹ. Tốt nghiệp cử nhân luật xong, Diệu học tiếp 2 năm để thành luật sư.

Ngô Minh: Trước khi in tập Bóng đè, Diệu có nhờ anh đọc, hay xin ý kiến anh không?

Đỗ Văn Phác: Thực tình, tôi không bao giờ muốn con mình viết văn, nên mới bắt con học luật. Truyện ngắn “Bóng đè” Diệu viết năm 2004, gửi không báo nào in. Cháu tập hợp thành tập truyện ngắn gồm 11 truyện và đưa tôi đọc. Cháu hỏi ý kiến tôi. Tôi bảo, tập truyện này nếu in ra sẽ gây xôn xao dư luận đấy. Con sẽ trở thành “tấm bia” để những tên “võ bút”, những tên cơ hội ngắm bắn để “khẳng định lập trường”. Nhưng Diệu bảo: “Nếu viết mà chìm nghỉm đi thì cũng chán. Nhưng con đâu có viết để chìm hay nổi?”. Các báo trong nước không in, cháu gửi một số truyện ngắn ra in báo mạng hải ngoại. Anh Dương Thắng, Nhà sách Kiến thức đã gặp cháu, bảo cháu gửi bản thảo tập truyện cho Nhà xuất bản Đà Nẵng. Trước đó nhà văn Hồ Anh Thái chọn truyện ngắn “Bóng đè” của cháu vào Tuyển tập Văn Mới 2004-2005 đã gây dư luận. Nhờ đó nhà văn Đà Linh, giám đốc NXB đã quyết định in tập truyện ngắn của Diệu, nhưng lại cắt đi 3 truyện: “Tình chuột”, “Những sợi tóc màu tang lễ”, “Cô gái điếm và 5 người đàn ông”. Tuyện ngắn “Tình chuột” sau đó được in trên báo Tiền phong và được chọn vào sách Những truyện ngắn hay trên báo Tiền Phong do “nhà” Thanh Niên ấn hành.

Ngô Minh: Theo anh, dư luận khen che tập truyện Bóng đè của Diệu có gì đúng, sai?

Đỗ Văn Phác: Tôi không dám làm người phê bình, vì mình là người viết văn nhưng lúc nào cũng tự nhận là “văn dốt võ dát”. Tôi ra Hà Nội nghe nhiều ý kiến khác nhau xung quanh tập Bóng đè của Diệu. Nhìn chung họ đều khen. Tôi đọc báo thấy có người khen truyện ngắn của Diệu là hay, có tư tưởng, viết mạnh bạo, dám đụng đến những bị kịch của cuộc sống… Có người chê là văn chương bình thường, không mới, bị ảnh hưởng người này người khác, mô tả tình dục sống sượng v.v... Tôi cho rằng việc khen chê một tác phẩm là chuyện bình thường. Khen đúng, chê đúng thì tác giả hàm ơn lắm lắm. Nhưng tôi hoàn toàn không tán thành những nhà phê bình mà Diệu hay gọi là nhà “kê bình”, chuyên chụp mũ, răn dạy, phán định đúng sai một cách cực đoan theo kiểu “đấu tố” xưa. Có nhiều tờ báo in bài phê bình với dụng ý “đánh chết” Diệu. Những nhà phê bình đó tôi sợ lắm, tởm lắm. Tại Hội nghị Lý luận Phê bình ở Đồ Sơn mới đây, có nhà văn già còn lên diễn đàn lăng mạ Diệu là “đồ truỵ lạc”, “suy đồi”… Thật không đáng mặt một nhà văn lớp trước!

Nhưng cũng nên nói lại cho rõ: Tuy tôi không thích con mình sa vào đường viết văn, nhưng văn chương nó đã được công bố, thì tôi cũng đọc và có cảm nhận riêng của mình chứ. Rõ ràng, những cái cháu nó viết là rất mới, rất lạ, rất dũng cảm. Thời tôi các nhà văn không dám viết như thế. Cháu viết được thế cũng nhờ xã hội đã cởi mở hơn. Nhưng không thể phán bừa là không viết cho con người, hay suy đồi, truỵ lạc được. Văn chương không viết cho con người thì viết cho ai? Trong truyện ngắn "Tình chuột", Diệu kể về mối tình giữa một người đàn ông là chuyên viên người Việt ở hải ngoại và cô gái Hà Nội. Vì trục trặc công việc, chàng trai ở nước ngoài không thể về đúng hẹn để lo việc cưới hỏi. Cô gái nóng lòng muốn được xuất ngoại sớm, nên phải hối lộ bọn cán bộ các cơ quan công quyền, để chúng làm giấy tờ xuất ngoại cho… bằng cách cho hết đứa nọ đến đứa kia ngủ với mình. Đó là truyện ngắn tốt, rất có lợi cho việc chống tiêu cực, sa đoạ của cán bộ nhà nước hiện nay. Sao lại phán là xấu, là sa đoạ...? Tôi đọc tiểu thuyết dịch ra tiếng Việt của Vệ Tuệ, Cửu Đan, Mạc Ngôn (Trung Quốc) hay Rừng Na Uy của Murakami (Nhật Bản) gần đây thấy họ còn mô tả tình dục gấp trăm lần Diệu, sao không thấy ai nói gì? Khi tình dục là cái cớ để người viết giãi bày ý tưởng nhân văn, ý tưởng xã hội của mình, thì tình dục kia không có tội lỗi gì cả, đúng không?

Ngô Minh: Ngô Minh nhận được một số thông tin xung quanh độc giả với Bóng đè, như thống kê của trang web Mỗi ngày một cuốn sách: 96% độc giả cho rằng truyện ngắn của Diệu là rất hay. Tập truyện Bóng đè trong năm 2005 đã bán được hàng vạn bản, chưa kể bị “luộc” thêm. Theo báo Thể thao Văn hoá trong năm 2005 Bóng đè đứng đầu danh sách các tác phẩm bán chạy nhất, trên cả Harry Potter, Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi. Anh Đỗ Văn Phác có ý kiến gì về thông tin này?

Đỗ Văn Phác: Thông tin đó tôi cũng có nghe. Tôi nghĩ, sức sống của một tác phẩm do thời gian phán xét, không thể đánh giá ngày một ngày hai, càng không phải nằm ở sự phán quyết của những nhà phê bình đao búa. Nhưng dẫu sao thì tôi cũng nói với con nhiều lần rằng: Thôi, đừng viết văn nữa con ạ! Nguy lắm! Nguy lắm!

Ngô Minh: Thế nhưng nghe nói Đỗ Hoàng Diệu vẫn viết và viết dài hơi hơn.

Đỗ Văn Phác: Quả là nó đã “mang lấy nghiệp vào thân” thật rồi. Cháu đã hoàn thành bản thảo cuốn tiểu thuyết Rắn và Tôi dày tới ba bốn trăm trang. Nó chưa cho tôi đọc. Nó bảo có nhiều nhà xuất bản dạm mua, nhưng đang lưỡng lự. Nhưng tôi thì cứ trông mong cháu sớm ổn định cuộc sống riêng. Ba mươi rồi còn gì. Lúc đó vợ chồng tôi mới yên tâm. Mọi thứ vinh quang, hào nhoáng chỉ là thoáng chốc. Gia đình truyền thống mới là muôn đời, mới là tác phẩm lớn nhất, phải không anh Ngô Minh?

Nguồn: Tạp chí Sao Việt số 4, tháng 12.2006