trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
13.12.2006
Tạ Chí Đại Trường
Ả Trần, Mai Kiện, Hồi Hột – Phía khuất của Sử-được-kí
 1   2 
 
Đây là bài viết thứ ba của một Bài-ba-tập – gọi là một trilogie cũng được, về một giai đoạn lịch sử nhìn theo hướng tỏa rộng dần: 1/ “Hành trình khởi phát của một anh hùng” nhìn từ một cá nhân; 2/ “Nhà ta: người Miền Dưới” như lời nhận định từ bên trong về một tập đoàn tông tộc; và 3/ “Ả Trần, Mai Kiện, Hồi Hột – Phía khuất của sử-được-kí” đặt vấn đề một giai đoạn lịch sử Việt Nam trong tính chất quốc tế của khu vực. Sức mạnh ào ạt của hệ thống đế quốc Sa mạc – Trung nguyên tràn xuống nam va chạm mạnh với một tập đoàn sông nước vừa thu thập quyền bính đất đai nhưng vẫn chưa tách khỏi trọng tâm bềnh bồng phía biển, khiến biến động lây lan đến toàn khu vực nước được nối kết. Lịch sử triều Trần, lịch sử thời đại này, do đó, xứng đáng được hưởng một lối nhìn khác, không giản dị như của sử thần xưa về một triều đại riêng biệt, hay của sử gia mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa được nâng cấp lên đến đỉnh cao trong cuộc chiến vừa qua. Cho nên nối kết chuyện xưa, chuyện nay không theo quy trình thông thường, chính thức của ngành sử không phải là một lỗi lầm làm văn tệ hại, bởi vì chỉ cần một người đọc không thông minh lắm tách rời ra là xong. Nó giúp tác giả, nhân tiện, viết sử đời Tùy (ý) như ông Tây Sắc xúi (talawas 27-10-2006), để phải chép lại một vài điều đã ghi trong Sử Việt, đọc vài quyển, (Nxb. Văn mới, California 2004) mà thôi.
Giữa năm 1289, trong thời gian bình công luận tội về trận chiến với quân Nguyên, sử quan ghi rõ có hai hương Bàng Hà và Ba Điểm vì “quân dân” hàng giặc nên quân thì bị đồ làm lính của vương hầu, dân bị buộc làm nô tì cho các quan lớn trong triều. Và viết thêm: “Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua, bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng (Thánh Tông) sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc”. Hú hồn! Tuy nhiên, sử quan cũng không thấy rằng Thánh Tông đã mua sự an toàn của dòng họ mình bằng hành động có dáng bao dung kia.

Tuy là không kể rõ từng “vương hầu” khác nhưng không thể phủ nhận các tang chứng rành rành nên phải có thái độ đối với những người mang tăm tiếng rõ rệt: Trần Ích Tắc, Trần Kiện (cháu nội Trần Liễu), Trần Văn Lộng (cháu Trần Thủ Độ). Còn có Trần Di Ái nữa, nhưng việc đã xử xong tức thời rồi. Hãy nhìn xem cách xét xử để rõ tình thế.

Sau những năm bị bức bách sang chầu, đến 1281, Thánh Tông (Thượng hoàng, và đối với Nguyên là vua Việt) bất đắc dĩ phái một sứ bộ sang Nguyên, cầm đầu là ông em họ Trần Di Ái. Gặp dịp chộp được một tôn thất Trần, Nguyên liền ra lệnh thay thế Thánh Tông, cho Di Ái về nước (1282) theo bước sứ thần Sài Thung đã ngênh ngang đến Thăng Long trước để truyền báo lệnh Thiên tử lớn (1281). Toan tính của Hốt Tất Liệt không thành, vả lại đâu có nề hà gì một con cờ thí nhỏ, nên toán “Việt gian” không có quân bảo vệ khiến ngay chính sử quan cũng ghi bình thường “...bọn Trần Di Ái đi sứ về nước.” Lê Tắc cũng nhận rằng Di Ái (hiểu là toàn sứ bộ) “sợ, ban đêm trốn về nước” – không có quân hộ tống. Kết quả thấy rõ: Hai tháng sau, Di Ái (được sử đổi tên ghi là “Ải”) bị đồ làm lính Thiên Trường, nhân viên dưới tay bị đày vào đơn vị Tống binh. Không có ai bị giết hết. Thánh Tông đã xử sự rất đúng. Sao ông không cử mấy ông em ruột (khác mẹ) như Trần Nhật Duật từng được ca tụng là một Quách Tử Nghi của Đường, một mình đi vào đất địch với lời nói hiên ngang: “Nếu nó có giáo giở với ta thì triều đình còn có vương khác đến”? Sao không cử Trần Ích Tắc cho tiện thể lộ mặt chống đối khỏi phải dài dòng về sau? Hay gửi Trần Quang Xưởng khuất lấp mà tên lưu lại sử sách chỉ nhờ một gia thần gặp lúc đắc thế? Gửi đi một ông em họ là Thánh Tông cũng đã có ý nghĩ dùng một con cờ thí tồi rồi. Ông biết phần lỗi có ở mình dù đó là do tình thế cực chẳng đã. Cho nên đày ông em, tiếng là làm “lao công chiến trường” nhưng ở quân Thiên Trường của nhà mình thì chỉ là về quê ghi sổ sách tôm cá tanh tưởi, than củi đen điu mà thôi. Các nhân viên khác của sứ đoàn hưởng lây ân huệ từ đó để khỏi phải chết phanh thây, xẻo thịt.

Với tình hình “phân biệt đối xử” như vậy nên Trần Kiện, Trần Văn Lộng phải đổi làm họ Mai trong lúc Trần Ích Tắc chỉ bị chê là nhát như đàn bà mà thôi. Trần Kiện có cái thù của ông nội thêm mối hận mới là giành gái với Trần Đức Việp (em Nhân Tông, ông vua đương thời thực thụ đối với dân Đại Việt). Thế rồi phải trấn giữ ở đất xa, thật thuận tiện cho ý nghĩ đầu hàng được thực hiện – Trần Văn Lộng chắc cũng một phần giống như thế. Sử quan phục vụ chủ Trần nên không cần nhắc đến một gia thần của Kiện mà sử gia ngày nay một thời chà đạp để nêu danh yêu nước của mình, cam chịu mù kiến thức thay vì tìm chút sự kiện của thời đại không thấy ở đâu khác: Lê Tắc chỉ nổi danh (xấu) vì một quyển sách để lại, nếu không thì người ta cũng chẳng biết ông là ai. An Nam chí lược [1] được văn nhân Trung Quốc ca tụng vì mớ kiến thức về đất nước ông rời bỏ nhưng điều quan trọng ở một hướng khác, là những lời tha thiết đối với chủ cũ và những người liên quan đã chứng tỏ vai trò phụ thuộc của riêng mình và địa vị thấp của nho sĩ đương thời – địa vị mà họ cảm nhận thành thật, chỉ dám kiêu ngạo với hoạn quan dốt nát như trường hợp Đinh Củng Viên lên mặt để hưởng nhờ cậy, với Lê Tông Giáo, ông “bõ” quản lí đất gốc Thiên Trường của dòng vua. Tuy nhiên việc hầu hạ dòng vua cũng không hấp dẫn lắm đâu: Có ông Bạch Liêu đỗ trạng nguyên ở vùng thứ hai của nước, vùng Trại, lại chê không làm quan triều đình, chỉ chịu làm “môn khách” / gia thần cho ông Đại Vương Trần Quang Khải thôi.

Các biến động phù trợ dòng vua đẩy hào sĩ / nho sĩ lên một bực như Đỗ Khắc Chung mang họ Trần – trường hợp độc nhất lập công trong nguy khốn cùng cực, còn thì ông Phạm Ngũ Lão văn võ toàn tài, chiến công lai rai, giàu đến mức không thèm chiến lợi phẩm, giàu có đủ để con ông vua lê lết đến làm quen nhờ cậy, rốt lại cũng chỉ lấy được con nuôi ông Đại Vương – đứa con gái nào đó, rồi len lỏi đẩy con vào cung vua thì vẫn không được đoái hoài, rốt cục xin vua đi tu, chết già! Ông “Học sĩ (đọc / biết) Ngàn Chương sách” Nguyễn Sĩ Cố có mả chôn rộng cả ngàn mẫu nhưng chức chỉ là đặt cho có tên, còn một ông đồng liêu khác thì trông coi mấy cái mũ quan quân! Cho nên đến cuối đời, Nghệ Tông đẩy luôn ông Chu An cao quý trồi sụt vào miếu Khổng Tử ngồi chung với ông Trương Hán Siêu “chơi với kẻ không đáng chơi”, với Đỗ Tử Bình “ăn chặn vàng đút lót” của Chế Bồng Nga, chạy về bỏ vua chết tươi trên mặt trận, thêm ông quý tộc Trần Nguyên Đán “ bó tay bỏ mặc vận nước”, trở cờ gả con cho họ Hồ để cầu an thân – lối sắp xếp này không mang “ý thức dân tộc”, “đề cao Thánh giáo” nào cả mà chỉ là một cách phân loại, xếp chung một nhóm mà thôi. Danh tiếng “kẻ sĩ”, “sĩ phu” – không đi theo với “hào kiệt”, chỉ có khi gắn vào bia đá thế kỉ XV, và hơi nổi trội dưới thế kỉ loạn lạc XVII, XVIII mà thôi.

Việc hàng Nguyên của hai người trước có thể coi là thụ động, cơ hội nhưng với Trần Ích Tắc thì sử quan chỉ rõ là có ý thức, có toan tính, vì ông “từng gửi thư riêng cho khách buôn ở Vân Đồn xin quân Nguyên xuống Nam.” Dù cho rằng đó là vì ý xấu muốn tranh ngôi với anh (Nhân Tông) nhưng sử quan vẫn không ngớt lời khen Ích Tắc “thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử lục nghệ, văn chương nhất đời” chi li cả đến những loại nghề vặt như đá cầu, đánh cờ... Đến lúc ông hàng Nguyên, sử quan dường như muốn bào chữa cho ông còn viện dẫn linh thiêng, nhắc rằng ông là thần nhân báo mộng đầu thai, thần nhân ba con mắt như Siva thành người, hẹn sẽ “về phương Bắc”. Chứng cớ bất thường này có vẻ như một vướng víu của tình hình đương thời mà sử quan, qua thời tuyệt tình một lần nữa với việc chống Minh, đã không rứt bỏ được. Có chút gì bình thường của quá khứ còn rơi rớt mãi đến lúc sử quan cầm ngọn bút lên?

Giai đoạn chống phương Bắc của Trần thường được coi chỉ mang một tính chất trong cả ba lần đánh nhau. Tựa đề “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông...” (điểm một tên tình cờ) của Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm (1975) [2] là một ví dụ. Gom góp sự việc vào một đề mục gọn gẽ giúp cho người ta mau hiểu nhưng cũng khiến tập tính biếng lười, lầm tưởng việc đời lúc nào cũng là giản dị như vài nét chữ gộp lại. Thật ra Trần chỉ chống quân Nguyên có hai lần: 1285, 1287-88, lần đầu 1257-58 là chống quân Mông Cổ. Đây không phải là chuyện “chơi văn giỡn chữ”, không phải đặt căn bản ở sự chính danh cầu kì mà là vạch ra sự khác biệt về tính chất lực lượng cùng tham vọng thời đại khác nhau của đoàn quân phương Bắc. Đành rằng người lập nên triều đại Nguyên là Hốt Tất Liệt đã có mặt trong toán quân chiếm Vân Nam năm 1252 nhưng ông chỉ chính thức làm vua Trung Quốc (1280) sau khi đánh tan Nam Tống. Trận chiến 1257-58 ở Đại Việt chỉ là của một toán quân Mông Cổ và phụ lực, tìm đường đánh ép tiêu diệt Nam Tống mà không thành công thôi. Đánh tan quân Tống (1279), chiếm Trung Nguyên, Hốt Tất Liệt – không là Khan của Sa mạc nữa, mà là Hoàng đế toàn Trung Nguyên, có cả một vùng đất mới, rộng lớn, kết tập được lực lượng mới, đưa tầm mắt ra xa hơn cùng với những hệ lụy của khả năng vừa gộp thêm trong vòng tay. Về phía Đại Việt, cách thế ứng xử cũng đổi thay theo tình thế mới đó: Bắt nhốt sứ Mông Cổ đến ngất ngư năm 1257 nhưng Sài Thung năm 1281 lại một mình một ngựa xông vào cửa kinh thành, ngênh ngang không thèm tiếp tể tướng Việt chịu nhũn đến sứ quán cầu chuyện. Sự liên tục của hệ thống chỉ huy trên cao làm cho người đương thời đã không thấy được sự đổi thay tính chất sử dụng quyền bính sẽ mở ra những hướng tiến nhiều nẻo về sau, trong đó có cả sự rủi ro không nằm trong toan tính lúc đầu. Còn đối với người sau, sự liên tục của thời gian là điểm tựa nối kết xuyên suốt để cho óc nhân tuần [3] bám giữ luận cứ đã thành hình.

[Như cuộc chiến Ba mươi năm vừa qua. Úi dà! Sách vở viết thành đống ném ra Chợ trời đọc không hết, trong nước chất đầy kệ bán không trôi mà còn đòi xen vào! Nhưng ở đây chỉ lược qua điều khuất lấp, điều bị lấn át. Lịch sử không lặp lại nhưng bản tính con người vẫn có chút gì tương đồng – để người nay đọc mà hiểu được người xưa. Huống hồ lịch sử vốn là quá khứ hiển hiện lại bởi người thời nay nên dễ rộng lượng dung chứa một ít đòi hỏi điều chỉnh. Không phải lan man, vô định hướng mà là ước mong nhận chân quá khứ sít sao hơn.

Trong khoảng trống quyền lực ở vùng châu Á, trực tiếp hay gián tiếp gây nên do đế quốc địa phương Nhật Bản xô đổ các đế quốc Tây Âu rồi lại thất bại tan rã, các thuộc địa thừa cơ nổi lên đi tìm đường riêng của mình trong đó, Việt Nam với thế lực chính trị có tổ chức nhất vì thêm ưu thế yểm trợ quốc tế, đã nhất quyết đi theo con đường xã hội chủ nghĩa – kẻ địch gọi là “nhuộm đỏ Việt Nam”, người bình dân gọi nôm na là “làm cọng/cộng sản”. Tính chất xuyên suốt bề ngoài của một phía trong ba mươi năm chiến tranh giành độc lập được gìn giữ bởi hình treo của các lãnh tụ lúc nào cũng trẻ như ba mươi, bốn mươi, của dáng vẻ tiên phong đạo cốt đậm đà tình thân ái khiến cô giáo dạy văn vào Nam vẫn khóc mùi mẫn khi nhắc đến đôi dép của Người, khóc không ngượng ngùng giữa đám bạn đồng nghiệp mất-dạy, vô-lương được “lưu dung” mà còn “ăn nói linh tinh”. Các lãnh tụ Việt đến hơi sớm trong lịch sử, khỏi phải chịu cảnh thần tượng F. Castro té lăn cù lồm cồm bò dậy trước ống kinh truyền hình thế kỉ XXI, mà lại được bồi đắp dồn dập bởi kĩ thuật tuyên truyền tinh vi, trong đó công lớn còn phải kể từ nơi kẻ địch hào phóng của họ. Chứng cớ mới nhất là trong lúc người ta “phần thư”, triệt hạ mồ mả để tiêu diệt quá khứ đối phương (giữa khi sử gia “yêu nước” tha hồ chửi Gia Long và đồng bọn!) thì Mĩ giữ và trao trả tập nhật kí của cô bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm khiến “tác phẩm” thành một best-seller nhờ công nhà nước đẽo gọt, cổ động mua, và cô, thay vì nằm thui thủi trong nghĩa trang nào đó lại được lên tượng đồng, bia xi măng ở Quảng Ngãi nối kết tình “vì miền Nam”, thêm một cái đinh cho cái ghế người cầm quyền chưa đổ nhưng hơi lung lay – bồi đắp dù mới sầy sướt cũng vẫn là hay hơn!

Những người làm chính trị chuyên nghiệp bôn-sê-vích không chừa một sơ hở nào cho sự dẫn dụ: Họ làm cách mạng giải phóng dân tộc là để làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Giải phóng dân tộc chỉ là phương tiện cho cách mạng xã hội. (Cũng như không nói chia ruộng cho dân cày là để sau này thu góp chung lại làm hợp tác xã vậy.) Không tin cứ giở Văn kiện Đảng ra xem, đứa nào ngờ nghệch cả tin, ráng chịu! “Vừa đánh vừa đàm”, đàm xong đánh tiếp cho đến khi đạt mục đích, phái đoàn Canada giám sát hiệp định Paris biết rồi nên la làng, bỏ chạy. Ai tin ở mấy tờ giấy kí kết đó thì cứ cãi nhau cho vui đi. Nói cho ngay tình: không chịu cũng phải ráng mà chịu. Con cá trong lờ giương đôi mắt đỏ. Năm 1955, mới vừa ở “vùng Tự do”, biết chuyện bà già có liên hệ thân tộc bị bắt quỳ trên đá dăm, giang tay đỡ cục đá, đầu đội thúng cứt cho người ta xối nước lên, ra đến “vùng Tạm chiếm” nghe bà già ngồi trên xe lửa ga Nha Trang kể chuyện đấu tố như thời Chu Văn Vương bên Tàu vẽ vòng trên đất nhốt tội nhân (“gọi địa chủ ra ‘kể khổ’, ‘đấu lí’ nếu nhận tội thì cho về”, khoẻ re), nghe xong mà quay cuồng đầu óc, thấy trời đất không còn chỗ nào để dung thân được nữa! Nhìn lên bản đồ thế giới: một mảng đỏ rực phía tây đẩy tư bản chân trên bờ chân dưới biển, trách nào người hùng chống Cộng Kravchenko của J’ai choisi la liberté, J’ai choisi la justice không kê khẩu súng vào màng tang, bóp cò (1946). Phía đông, mảng đỏ thò ngón tay qua bán đảo Triều Tiên, xuống đến bờ Bến Hải với các ngón khác giấu kín hành quân theo Issara Lào, Issarak Miên, quân du kích Việt Hoa ở Thái Lan, ở Mã Lai, với hàng triệu đảng viên cộng sản ở nước Hồi giáo Nam Dương, với quân du kích Huk ở Philippin... Cho nên học sinh trường Kiến Thiết Sài Gòn (và nhiều trường khác) chuyền nhau dưới bàn tờ giấy kêu gọi ra khu tập kết. Con cá ngoài mương lấp ló muốn vô... Không phải loại cá lòng tong, cá chốt mà cả thứ thường vỗ ngực tự phụ hay được xã hội cho là cá thu, cá chép...

Sự lầm lẫn cũng là bình thường với con người chỉ có một thời gian để sống và một không gian cụ thể để cựa quậy / vùng vẫy – ông Nguyễn Hiến Lê biết rõ muộn màng điều ấy, nhưng hơn người khác là đã công khai thú nhận ở bản hồi kí bị cắt xén trong nước. Nhiều người, khi mới ngậm cái đầu dê treo quảng cáo, có kẻ vội vã khen “Sống ở trên đời...”, rồi thấm thuốc bị allergie, ụa mửa, ợ ngáp (“Ông Bà hành”), văng ra bên lề té bò lê bò càng, gặp người nhạo chê, lại trả lời ương bướng: “Hình thức, đường lối sai lầm chứ bản chất vẫn là tốt, phải xây dựng lại.” Trời đất, vài triệu người chết với hàng trăm ngàn nằm theo tục Bỏ mả của người Bà Na, chưa chịu coi là đủ sao? Ai wỡn đâu mà chịu khó đẻ con cho anh làm thí nghiệm cách mạng wài vậy cà? Ờ, nếu còn đủ dũng khí thì cứ làm cách mạng mình-ên đi. Chứ cứ hỏi con cháu anh Ba anh Tư, anh Văn anh Võ xem có muốn xây dựng lại không, cái thứ cách mạng đã chuyển qua thời đi Mercedes, đổi giống, vào chat room, viết blog, trai/gái giung giăng giung giẻ với bà già / ông già... ngày nay đã khác xa rồi đó. Một phía thì kín mít như bưng – kín đối với cả từng phân đoạn khu vực bên trong, có rỉ ra cũng không có bằng chứng nhãn tiền, huống chi đưa bằng cớ ra cũng vẫn không tin, hay bào chữa: “Quân Triều Tiên, Trung Quốc có bi nhiu đâu, Mĩ mới là nhiều!” Phía khác thì “hở” (tôi không nói “mở”) để phóng viên ngoại quốc bây giờ hồi tưởng lại, khen đó là thời kì “hành nghề tự do” nhất. Thập (vạn vạn) mục sở thị, thập (vạn vạn) thủ sở chỉ, xứ sở toang hoác ra, các anh lãnh tụ chết ngay từ trong trứng nước, ráng / may mắn còn sống thì như kiếp thiêu thân, hay vật vờ kẻ khiêng người đỡ, muốn tự đứng cũng không đứng được. Đang đánh nhau sống chết mà cứ ba, bốn năm đổi Tổng tư lệnh một lần – qua bầu cử cãi nhau chí choé, tận diệt nhau, cái trò chơi dân chủ đó đắt giá quá đến giàu như Mĩ cũng phải buông tay. Không đủ hình ảnh để người ta thấy tình thế đã đổi khác. “Quốc gia” của Bảo Đại còn là sự lợi dụng (nhưng chính trị nào không là sự lợi dụng lẫn nhau?) nhưng điểm kí kết ở Genève là một bước ngoặt: sự đối đầu của Chiến tranh lạnh có thêm một địa điểm là Việt Nam. Đó là điểm ngoặt để ông cựu Đệ tứ Hồ Hữu Tường tung ra thuyết Trung lập chế của ông, là thời điểm tưởng có nền tảng kéo dài để ông Nguyễn Thế Truyền rời bỏ quá khứ “một phần (mang tên) Nguyễn Ái Quốc” của Việt Nam hồn mà ghi danh ứng cử Tổng thống VNCH.

Lịch sử có khía cạnh vô thức của nó, theo đó một chút lùi của thời gian sẽ giúp nhìn ra được phần tích cực bị các biến động tức thời và sự ồn ào phụ họa phù-thịnh, che khuất. Về phía Mĩ, những ngày tháng 4-1975 cho thấy thuyết Containment thất bại một phần vì không giữ được Nam Việt Nam nhưng ván cờ domino ĐNÁ sau đó không đổ lại chứng tỏ hơn 50 ngàn lính của họ đã chết không uổng phí. Trên rẻo đất có đời sống mỏng manh hai năm được quy định cho rồi-việc, một bọn người tan tác nhờ Mĩ đưa lên, chống đỡ – mang cả xác con em họ chống đỡ giùm, bọn “bán nước đó cầm súng Mĩ (không phải A. K[alachnikov]) bắn giết đồng bào”, hục hặc bóp cổ lẫn nhau mà kéo dài đời sống được đến hai mươi năm – yểu tướng nhưng lại đủ để một xã hội công dân sơ khởi thành hình khiến sau chiến thắng quân sự người ta còn phải tìm cách tiếp tục tận diệt. “Phòng (?) trưng bày tội ác chiến tranh Mĩ Ngụy” ở TP. Hồ Chí Minh sau 1975 còn vướng víu quá khứ (chứng cớ là tác giả một quyển sử viết không giống các danh gia Miền Bắc, đứng lù lù ở đấy), đến “Phòng (?) trưng bày chứng tích chiến tranh” (2005) đàng hoàng hơn, to/cao đẹp hơn thì chỉ còn Đảng ta và Pháp Mĩ, không thấy ngụy đâu nữa. Dưới chiếc đũa thần của Đảng, hai mươi năm VNCH biến mất trong nháy mắt, pho tượng Tiếc thương từng hớp hồn người dân trong vùng đã bị nấu chảy tuyệt tích, nghĩa trang Gò Vắp đã xoá sổ (có bao nilông bọc xác từ chiến trường về, đào lên lùng nhùng nước nhầy, thịt xương, áo quần), chút còn lại là mấy cái mả ở Biên Hòa, rồi với thời gian sẽ xây cao ốc lên là xong.

Tuy nhiên hai mươi năm VNCH đó đã khiến cho CHXHCN VN tiếp thu một khu vực có dân chúng nằm trong vùng “mở”, họp cùng với lớp dầu mỏ thay cho củi rừng được bứng tận gốc của thời khai hoang vỡ hóa Lí Trần Lê, tất cả làm đà cho Đổi mới thành công. (Đọc Đêm trước Đổi mới Nxb. Trẻ 2006, để thấy sau lưng Đảng là lù lù ngụy đẩy cán bộ địa phương ra đại diện xí-gạt trung ương Hà Nội. Có người thấy tỉnh Đồng Nai đổi mới thành công, lên tiếng khen thì được trả lời: “Nhưng mà Trung ương thu hết (?) ông ơi!”) Hai mươi năm đó khiến cho thế giới không thấy xuất hiện các nước CHND Lào, Kampuchia, Thái Lan, Mã Lai, CHND Sư Tử Quốc / Singapore – thành phần thứ tư của MỘT nước Trung Hoa bốn chế độ, không thấy chiến hạm (cũng) CHND Trung Quốc tuần hành ở bờ biển đối diện Australia, khiến cho tàu thuyền thế giới xuyên đông tây, nam bắc phía đông châu Á không phải nạp tiền mãi lộ vì đi ngang qua phần biển có Đảng Lao Động Việt Nam và Thủ tướng Phạm Văn Đồng thêm một lời công nhận chủ quyền, khỏi chờ đến năm 1974 góp chút công lao vào cuộc chiến Hoàng Sa. Lẽ tất nhiên nếu đứng vào quan điểm thế giới đại đồng, thái bình an lạc Pax Sinica thì lại là vấn đề khác.

Người dân thường không thể thấy được điều đó, không thể biết chuyện ông Lê Duẩn “quần kết” (chữ nghe được từ 1956) để đánh tiếp – chuyện bây giờ, xong rồi, người ta công khai ca ngợi, “Ai làm gì ai nào!” Đem gộp tập họp chữ rời rạc “yêu nước” và “XHCN” thành nhóm từ “Tổ quốc XHCN” mang niềm tin tôn giáo để tự huyễn hoặc và đàn áp người, họ có quần chúng để thúc đẩy tiến chiếm quyền hành. Còn sử dụng được “tinh thần yêu nước” thì người ta còn la: Mĩ đem quân sang Việt Nam vậy là xâm lăng chứ Việt Nam (cộng) không đem quân qua Mĩ...” Giỡn sao, cha nội! Năm 1988 đánh nhau với Trung Quốc còn tiếp tế Trường Sa bằng chiếc tàu cũ của VNCH thì làm sao mở đường HCM-trên-biển, bơi qua Thái Bình Dương để làm “nghĩa vụ quốc tế” cho được? Kể ra cũng còn thua Cuba đã chĩa mấy cái SAM xuống Washington D.C., đã đem Chí nguyện quân đến tận Angola, Mozambique đánh tay sai tư bản giẫy chết, chận chủ nghĩa Đại Hán trên đất Phi Châu xa xôi. Việt Nam chỉ có thể làm điều đó trong mức độ thấp hơn: đánh đế quốc hạng cá kèo qua tay tù binh Algérie, làm nhiệm vụ “phức tạp” ở Kampuchia, đe dọa có lật đổ ở Thái Lan như là một “tất yếu của lịch sử” như ông Uỷ viên trung ương Đảng Trần Quỳnh nói năm 1976 với người Đại biểu nhân dân lỡ đà Nguyễn Công Hoan. (Hình như cả hai đều còn sống đấy. Câu nói được in trên sách Mĩ mà chuyển ra đúng như từ miệng của một chính uỷ thì có thể tin được, chắc-như-bắp.) Nhưng xưng làm kẻ đứng ở tuyến đầu của một phe, đi đánh cái tiền đồn của “thế giới Tự do”, với danh nghĩa gì đi nữa thì cũng là mở rộng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, một khi người ta đánh lại tất phải đụng đến cái luỹ tre có AK bảo vệ đó, sao lại la “Tui có làm gì đâu mà người ta dội bom lên đầu nhân dân con cháu vua Hùng/Bác của tui?”

“Preventive war” không phải là lí thuyết chiến tranh độc đáo của riêng Tổng thống Bush đang điêu đứng, bị nhạo chê chỉ vì không thành công. (Rõ rệt chứng minh trái lại, là khi Mĩ kéo đổ tượng Saddam Hussein xong thì Pháp dịu giọng, Liên Hiệp Quốc – bị khinh rẻ trước đó, cũng nhảy vào định chia phần nên ăn đòn dân Irak hậu-Xađam.) Anh cựu tù binh gốc Chàm Bố Đông có citizenship Đại Việt mang tên Kim Trung Liệt, khi giữ thành Đa Bang cho Hồ Quý Li đã hiến kế cho chủ mới (nói tiếng Việt Chăm lơ lớ): “Hay đanh quan Minh tư ngoài cõi!” Đó là đòn “Đánh phủ đầu” theo kinh nghiệm năm 1075 của Thằng Cặt / (Lí) Thường Kiệt, bậc tiền bối của G.W. Bush! Dân Việt Nam loại bán nước hay vật vờ theo thời thế – “sao cũng được”, không nói làm gì nhưng những người “yêu nước không chịu hối cải”, hay đang thừa hưởng thành quả 75, vẫn nhất quyết, kiên trì không nhận rằng Đảng đã khiêu khích Mĩ qua! (Nói tội nghiệp, để thông cảm: “Họ chỉ còn có chừng ấy để hãnh diện thôi mà!”) Tuy nhiên màn kịch yêu nước vẫn luôn luôn có hiệu quả. Kịch Shakespeare mấy thế kỉ rồi đâu có thiếu người dàn dựng, nhắc nhở?

Đáng lẽ phải nhắn trước “Thấy mất lòng thì xin đừng đọc” hay “Đọc qua rồi bỏ”.]

Vậy là trong hai trận chiến sau, Nguyên và Trần đã đánh nhau trên cơ sở xuất phát khác. Nam Tống tuy yếu ớt binh lực nhưng có cả một nếp sinh hoạt nghệ thuật cao độ (chứng cớ có ông vua nghệ sĩ Huy Tông) mở rộng theo nguồn thương mại dồn dập từ phía đại dương sau khi bị các bộ lạc sa mạc Kim, Liêu cắt đứt Con đường Tơ lụa phía lục địa. Nguyên có đất Nam Tống nên nhân danh một triều đại Trung Quốc đòi Đại Việt bắt những người Tống di tản – người “Hồi Hột”, trả về nước cho họ. Họ sẽ tiếp tục truyền thống đó, lần này có thêm sự thúc đẩy cường ngạnh chưa mất từ sa mạc, để đè áp lực trên các nước bên kia đại dương. Và điểm đến chuyên chú đầu tiên không phải là Việt Nam mà là Chiêm Thành.

Vòng cung đất nhô ra biển của Chiêm Thành là điểm tiếp nhận các thuyền buôn đến, đi từ nam Trung Quốc khi né tránh các rạng san hô, đá, cát ngầm ngoài khơi. [Chỉ ở thời chiếm hết đất liền rồi nhìn ra biển phân định biên giới, với mỏ dầu chưa nổi mà đã đánh động trên các ống khoan thăm dò người ta mới tranh giành cật lực Hoàng Sa, Trường Sa thôi.] Lê Tắc ở gần đó, với kinh nghiệm trước 1285, nói về Chiêm Thành, nêu được điểm chủ yếu: “Lập quốc tại mé biển, thương thuyền Trung Quốc vượt biển đi qua các nước phiên bên ngoài, thường tập trung tại đây để chứa củi và nước, là bến tàu lớn nhất tại phía nam.” (Tôi nhấn mạnh) Đại Việt và Chiêm Thành đánh nhau không phải chỉ để cướp của, chiếm đất mà còn là giành bến đỗ nữa. Năm 1303, Đoàn Nhữ Hài đi sứ Chiêm, tuy biết rằng không thể cấm được nhưng vẫn lấy danh nghĩa nước lớn, treo bảng cấm buôn bán ở cửa Tì Ni / Sri Banoi / Chiêm Thành Cảng (1282) / cửa Nước Mặn (Đàng Trong) / cửa Cách Thử (nay đã lấp). Tuy có ưu thế thu lợi về quyền bến đỗ nhưng chuyện cướp phá thuyền buôn vẫn là điều không tránh khỏi. Tống muốn bảo vệ thuyền buôn của mình đã nhiều lần đòi hỏi Chiêm Thành ngăn cấm nhưng không thực hiện được. Với Nguyên còn tràn đầy sức mạnh sa mạc thì không phải chỉ đòi hỏi qua người địa phương mà tự mình đi thực hiện. Vì thế không phải là vô lí mà Hành tỉnh [4] Chiêm Thành đã thành lập trước của Giao Chỉ. Không phải ngẫu nhiên mà trận đánh Chiêm xảy ra trước, vào năm 1282-83, và chuyến đánh sang Đại Việt 1285, đòi “mượn đường sang Chiêm Thành” không phải chỉ là lời nói dối.

Cuộc chiến ở Chiêm Thành được ghép với Đại Việt và được sử gia Việt Nam lưu tâm (cho nước mình) nên trở thành lớn rộng, cao cả hơn mức thực tế. Tất nhiên người Chiêm không thụ động trong việc giữ gìn đất đai của họ. Quả đã có Toa Đô đem quân đánh Vijaya không bắt được chúa Chiêm, có lần thất bại trong cuộc tấn công trên núi nhưng ông cũng đã dẫn quân chiếm vùng Cựu Châu (Quảng Nam) để đánh thông sang Việt với Thoát Hoan đang ở đấy. Nhưng ông ta chỉ đem có 5.000 quân cựu-Tống, số lượng rõ ràng ghi trên những toán xuất phát, lại còn chia người cho toán đi Chân Lạp – không về là phải. Với quân số như thế thì trận thất bại ở núi Nha Hầu là dĩ nhiên. Thất bại lớn nhất của Toa Đô là không bắt được chúa Chiêm – cũng như trong trận 1257, tướng của Ngột Lương Hợp Thai vì không bắt được Thái Tông mà phải tự tử. Khác với những điều hay nói về “chiến tranh nhân dân”, chiến trận ngày xưa thường chỉ kết thúc khi bắt được chủ tướng. Với lực lượng có trong tay như thế mà đã không bắt được chúa thì vấn đề sứ giả điều đình qua lại hẳn nhiên không thể coi như một chiến thuật khôn khéo, tài ba tột đỉnh của người Chiêm, trong đó nhân vật phía Chiêm thực ra vẫn cho thấy tính cách lợi dụng để lấy lợi riêng cho mình, đến khi thấy không thành tựu thì bỏ trốn. Quân của Toa Đô lúc thắng thế cũng có mặt hai hoàng tử Chàm theo về (rồi xoay chiều lẩn mất), lúc ra bắc cũng có các quan chức Chàm theo, sau khi thất trận bị Đại Việt trả về nam. Trong tình hình khó khăn như thế mà Toa Đô giải quyết như lịch sử đã ghi thì khi thấy đầu viên tướng này, Nhân Tông lên tiếng thương tiếc thật cũng đã biết đánh giá đúng người.

Trận chiến Chiêm tất yếu dẫn đến Đại Việt. Nắm được lực lượng chiến thuyền và thương thuyền của Tống, Nguyên đã mở rộng quyền hành về phía biển. Cuộc chiến lần thứ ba (1288) nặng về thủy quân chứng tỏ khả năng thu tóm đó tuy rằng điều tiêu cực cũng hiện rõ, là khi trao điểm sống chết của chiến dịch vào tay quân tướng đầu hàng (Trương Văn Hổ và thuyền lương tiếp tế) thì thất bại đã có điềm thấy trước. Tuy nhiên Nguyên bao gồm Tống đã khiến các tập họp phía mặt biển dao động. Điều này dẫn đến vấn đề Trần Ích Tắc. Đã thấy tông tộc Trần gốc biển, “đời đời làm nghề đánh cá”. Và tập họp biển đó không thuần nhất, còn riêng họ Trần-mới-làm-vua thì cũng không phải lúc nào cũng thuận thảo với nhau.

[Nhắc: “Bỏ qua đừng đọc”, hay “Đọc qua rồi bỏ”. Một cá nhân, tập đoàn trong phát triển, gặp tình thế lớn rộng không vừa với khả năng sẵn có của mình thường thấy phát sinh những rối loạn bản thân, nội bộ mà các tay chính trị chuyên nghiệp lạc quan đặt tên là “Cơn sốt vỡ da”, không biết có được ông bác sĩ nào đồng ý không. Như chuyện không (dám) nói về người Danh nhân Văn hóa hụt của UNESCO. Được đào tạo theo cung cách một chuyên viên lật đổ, phối hợp tinh thần Tam Điểm của nơi đào tạo với Thiên Địa Hội của nơi xuất phát, chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc trở thành Hồ Chí Minh già dặn, một lúc đầu mang khả năng đó qua mặt Quốc tế Cộng sản lấn lướt các đảng viên “cấp tiến” kiểu Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập... gạt gẫm Quốc Dân Đảng Trung Hoa, ve vãn Mĩ, từ vùng “biên khu” nhẹ áp lực truy bức của Pháp Nhật tạo dựng lực lượng riêng cho mình, tuy nhỏ bé nhưng cũng đủ “thừa hư lấy Kinh Châu”, lập nước một phương – sau này tự khen: “nước XHCN đầu tiên của châu Á” trước cả đàn anh! Chút hơi âm mưu vẫn có tác dụng trong thời hỗn loạn tiếp theo còn mang tính phe phía hội kín, người đó cho phe mình ẩn náu, tránh né với bên ngoài bằng tiếng “giải tán Đảng”, để dùng quyền lực chính thống công khai tiêu diệt các tập đoàn chống đối bên trong (vụ Phố Ôn Như Hầu, Hà Nội), lấy vàng thu vét từ lòng ái quốc không toan tính của dân chúng đem đút lót cho Tàu khỏi can thiệp lật đổ, mời gọi Pháp vào thay thế, tưởng dễ đòi hỏi bằng lời nói như thời mang cục gạch nóng (?!) ở Paris xưa cũ. Nhưng thời thế đã khác, khả năng xây dựng đảng-hội-kín không đủ để quản trị nước (chưa nói đến tính từ “văn minh”), điều yếu kém đó được chiến tranh che chắn nhưng càng lúc càng bộc lộ khiến phải có sự can thiệp của những người kế tục, các đệ tử này phải vận dụng đến cả phương thức dùng thân xác lãnh tụ như phương tiện cho mục đích tiến chiếm quyền hành.

Trong chiến tranh kháng Pháp, ngoài chuyện “Đêm nay Bác không ngủ, ngày mai Bác ngủ bù...” và các tấm hình ghé nhìn sa bàn... còn thì chỉ thấy ông cặm cụi dịch sách Nga khoe khả năng ngoại ngữ, từ tủn mủn Sửa đổi lề lối làm việc lại vụt thoát qua khu vực viễn tưởng của Giấc ngủ mười năm (1949), rồi hụt hơi, chuyển trao việc huấn luyện đại quân, tổ chức điều hành xã hội theo phương thức Mao cho người Bạn lớn. Bởi vì các đệ tử (và ông) chỉ được thầy-chú Côn Đảo, Bà Rá, Sơn La... cấp phát bằng “Đại học” giúp hào quang đi chiếm đoạt, bám giữ chính quyền chứ không đủ để làm nhiệm vụ cầm quyền. Dự phóng làm Cách mạng dân tộc tư sản rồi sẽ làm Cách mạng xã hội được bày vẽ từ Quốc tế giúp họ an tâm với mẫu mực có sẵn, không cần chuẩn bị cho mình, và không để cho ai tranh việc quản lí đất nước. Họ không cần người “khác” họ, như ông Phạm Văn Đồng (1945) chê: “Thằng Phan Thanh thì được, còn cái thằng Hoàng Xuân Hãn, không xài được!” (Hoàng Văn Chí kể.) Giống như 30 năm sau, với thế giới tiến thêm một cấp dài nữa, họ lo “tiến về Sài Gòn (ta) chiếm nhà mặt tiền”, móc lưới (chống) B40 dày đặc, vẫn với bài bản sao chép bậc hai từ Stalin, Mao, Kim Nhật Thành (lí thuyết “Ba cuộc Cách mạng... mà Cách mạng kĩ thuật là then chốt” – Donald Macdonald, The Koreans, Contemporary Politics and Society, 1990: 179). Giống như bây giờ với các anh sinh viên VNCH bỏ học biểu tình, khôn khéo / may mắn luồn lọt được qua thời thế với cả các anh “B quay”, với các anh từ hầm Củ Chi khoét rộng cho du khách chui xuống được, với những công thần hậu phương, những Con Ông Cháu Cha thời mới...

Bởi vậy về Hà Nội, có đất đai được công nhận, có thủ đô với đại sứ các nước, ông Chủ tịch cũng còn quá nhiều thì giờ rảnh xắn quần lội ruộng để chụp hình tát nước, rảnh rang để đọc truyện ngắn của con ông Bí thư mình (Vũ Thư Hiên), không bàn được việc lớn mà tẳn mẳn sửa đổi câu chữ trong các bản văn đưa trình (ghi của phóng viên Xuân Ba), làm lộ ra dấu vết đào tạo theo khoa bảng ngày xưa, rị mọ lựa chọn từng chữ, từng câu cân đối để đưa vào trường ốc hòng “bia đá đề danh”. (Phát hiện “thần sầu quỷ khốc” này của người viết là từ kinh nghiệm gia đình đấy, tuy không dám đem ra so sánh với bậc vĩ nhân.) Đến tình trạng như vậy thì các đệ tử phải ra tay bao che cho lãnh tụ. Tố Hữu nói nhẹ nhàng: “Bác đã lẫn...” Còn ông Lê Đức Thọ thì gạt ngang không cho Chủ tịch phát biểu, không phải lấn lướt (như ông Nguyễn Văn Trấn than thở, kiểu “Giá còn có Bác...”) mà là để Người khỏi lộ cái “lẫn” trước nhĩ mục quan chiêm, trước quần chúng thân yêu. Họ hiểu “Bạc là dân...” mà! Trong mặc cảm phải chia xẻ chủ nghĩa thực dân, các học giả Âu Mĩ đã nhìn sự êm ả tương đối của chính quyền Hà Nội – trái với những biến động thanh trừng sắt máu ở Liên Xô, Trung Quốc – cho đó là do vai trò ông Chủ tịch (bất lực) đứng trên cao điều hòa mâu thuẫn mà không nhận ra thực tế chịu đựng, nín nhịn để cứu vớt danh vọng trong quá khứ, để cùng tồn tại với nhau của tập đoàn lãnh đạo đó.

Kẻ coi thường người có quyền chức, trước hết thường là những nhân viên thân cận, gần gũi – cũng như ông Nguyễn Hữu Hanh mạt sát các viên chức cao cấp VNCH mà né tránh mơn man các lãnh tụ CHXHCN VN, không được lại đổ thừa cho đồng nghiệp xưa chơi xấu. (Lúc này ông đang từ dưới thấp ngước lên xin việc thôi mà! Ông không được ôm hầu bao đi theo các Anh Lớn, chán nản với cái “lỗ không đáy” Việt Nam để thốt ra lời mỉa mai Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị là “anh Bị Gậy” / The Beggar.) Ông được đào tạo theo trường phái Tây phương nhắm vào việc đẩy mạnh sự phát triển cá nhân, một chừng mực nào đó cũng giống như các người vừa đi theo kháng chiến, trọng nể thì có nhưng không có niềm say mê thần tượng. Cho nên lúc đầu, khi các văn nghệ sĩ chưa quen nịnh bợ mà không ngượng miệng, và cũng không thể đợi đến thế kỉ XXI có dân chữ-nghĩa thất nghiệp để thuê mướn, ông Hồ không có người viết tiểu sử, đành phải tự mình nhân lúc rảnh rang việc nước (?!), “vừa đi vừa kể chuyện” Bác. Các đệ tử sau đó mới nhận ra ích lợi của huyền thọai chồng chất – chỉ với người xa, nhất là xa tận phía Nam, nên không nói rõ Bác đang nằm khoèo buồn bã ở bên Tàu mà cho Bác đọc lời kêu gọi “Tiến lên...” vào đêm giao thừa Tết Mậu thân. Dù sao thì hào quang cũng đã dựng lên, không thể để cho tắt nên khi Người đi-xa phải “Xin phép trái lời Bác, ướp xác Bác để một mai cách mạng thành công, bạn bè năm châu đến viếng thăm, còn thấy mặt.” (Nhớ loáng thoáng và có sửa đổi lời nói lấn lướt ngang ngạnh một cách ngọt ngào của ông Nguyễn Văn Linh.)

Tất nhiên là có người đến coi vì tò mò nhưng lại chê là “không văn minh!” Trước kia họ không biết tận mặt đã đành nhưng có thấy cũng chỉ là nhìn người theo hình ảnh của phong trào thời đại tạo dựng lên mà thôi. Có ai chú ý đến bài tường thuật cuộc phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp của O. Fallaci, nhận thấy nó như một trò hề trình diễn vụng về mà ngang ngược để suy từ đó ra cái chế độ mà đương thời người ta ca tụng ngất trời không? Có ai nghe những lời của B. Russell mà thấy rằng, té ra trong một khối óc vĩ đại cũng vẫn có những ngóc ngách ngu độn tối tăm, cứ lặp lại ý kiến của anh cán bộ thông tin xã “Anh hùng Núp”, không cần suy nghĩ?

Cái thế không thích ứng với thời cuộc cũng thấy ở những người khác, nếu bó gọn trong vị trí cá nhân thì hoặc chỉ là chuyện nhàn đàm hoặc là mới ảnh hưởng đến bản thân mà thôi. Như chuyện Bác Tôn không có việc gì làm, muốn xem đá bóng cũng khó có vé nên các người bảo vệ phải mang xe đạp hư (không hư cũng tháo ra cho hư) để Bác loay hoay vạn bù lon con ốc chữa cho lành. Nhưng ông lại là Phó chủ tịch nước! Ngày xưa người ta cũng đặt chức tản quan để đền ơn những người có công nhưng có đâu đưa cho lên đến chức Phó vương, Phó Hoàng đế? Cứ tưởng thời vua Lê chúa Trịnh đã qua từ lâu trên đất Hà Nội rồi chứ! Lạ kì là với cung cách nhào nặn thần tượng cho đám dân chúng cả tin như thế mà khi thuật lại người ta không những coi như chuyện vui mà còn như là dịp, là bằng chứng để đề cao lãnh tụ nữa! Người nữ sinh viên già làm Bài thơ [1986] gây chấn động dư luận... “đêm trước Đổi mới” (Nxb. Thông tấn 2006) đã cẩn thận núp bóng Bác, đưa cho lãnh đạo đọc trước, được khuyến khích cho công bố (Vũ Mão, Lê Đức Thọ), được nhắn nhe “Trung ương thấu rồi! Về lại lớp đi!” (Phạm Văn Đồng). Thế mà lúc bị tai nạn – “Có người đòi treo cổ tôi”, vẫn không thấy ai lên tiếng ra tay cứu giúp, phải sống “du mục” ở thủ đô, “một mình xây nhà giữa Sài thành”, được xúi vượt biên, tránh quê nhà Bình Định hăm he “Để đợi nó về đây...” cho đến hơn mười năm sau, mà năm 2002 người con còn thấy vướng vào tiếng nhơ “con phản động”. Rồi người ngoại quốc đánh động (3-2003), tháng 3-2006 người ta viết báo, in sách khoe công lao bảo bọc của lãnh tụ, khoe sự can đảm của cấp truyền thông thuộc hạ dù cũng hé cho thấy ông Lê Đức Thọ oai quyền trùm trời mà vẫn phải né tránh đám âm binh do mình dựng nên, đang phản kích. Đâu có ai dại như ông Trần Xuân Bách.

Người ngoại quốc cứ trông chờ các Đại hội Đảng mà không biết rằng các lãnh tụ không có tí can đảm nào, “trên bảo dưới không nghe”, mắt phải lo canh chừng thành phần “cơ cấu”, lực lượng bảo thủ “bảo vệ Đảng đến cùng” đang nằm ở lớp cán bộ huyện, tỉnh (thêm sức mạnh tiền bạc thời đổi mới), ở các tổ Đảng phường xã với các đảng viên già về hưu nhớ tiếc thời bao cấp an bình trong sáng đi theo hình ảnh Bác, được tô vẽ thêm từ những luận thuyết thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Hồ Chí Minh. (Có người được khuyến khích cật lực, rủ vào Đảng cho xứng với chức Trưởng phòng gì đó không ai đảm đương nổi, nhưng khi nạp đơn khai có ông bác ở Mĩ liền bị bác ngay – ông bác đó suốt hơn 20 năm, đêm đêm ngồi cắt chỉ, đạp máy may, ráp áo quần để nuôi con ăn học, đem xe đến chở đi Las Vegas cũng không đi!) Tình thế đó là yếu tố đe dọa ngược lên các cấp uỷ trên cao chót vót, sự đe dọa thấy cả từ vài người “đối lập” hiện nay, có bài phổ biến trên báo chí hải ngoại nhớ tiếc quá khứ của mình! Thật may mắn cho dân Việt biết bao nếu quả đúng là có ai đó trong nước cố đẩy Việt Nam vào vòng sinh hoạt thế giới (vào WTO chẳng hạn), không phải theo kiểu “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai chạy quấy” mà là để mượn tình thế bên ngoài, đàn áp đám âm binh do chính các lãnh tụ tạo ra mà không quản lí nổi cũng chỉ vì phải dựa vào chúng để tồn tại!

Các sử gia bây giờ mắc lo tán tụng, không đủ tâm trí rảnh rang để vẽ ra sự thay đổi đến chóng mặt của dân Việt Nam từ trong lạc hậu (có bị mắng là “nói xấu dân tộc” thì cũng xin chịu thôi), lạc hậu không phải kể từ thời điểm xung đột khởi đầu với bên ngoài mà còn tăng tiến tụt hậu trong thời gian có tranh chấp nữa – ở đó khoảng cách cấp độ văn minh cứ tăng lên qua những thời điểm đánh dấu, ví dụ 1945, 1955, 1975, 1986... Người ta thả bom nguyên tử thì dân Việt thấy cái radio còn chạy ra phía sau xem có người nào núp ở đấy không. Người ta xây cao ốc ngước nhìn rớt nón cối mà không ngờ người chiến thắng đứng trên Đỉnh cao của thời đại dùng làm chỗ nuôi heo, xả phân làm nghẹt ống nước đến phải xách từng thùng nước ăn ì ạch lên các bậc cấp thang gác... Tính chất hội kín căn bản, chuyển qua trong hệ thống cai trị hai-tầng có cấp uỷ Đảng ẩn mặt với bên ngoài, lại thấy trong hệ thống hành chính công khai qua thời đấu tranh Cải cách ruộng đất 1956, sau 1975 với thời Đánh tư sản bù thiếu hụt ngân sách sau khi tiêu hết 16 tấn vàng, thời Bán vé chính thức đi biển để thu tiền thanh lọc ngụy (The Rust Bucket Inc.), lại vẫn tiếp tục đến thời Hội nhập bây giờ, qua những cuộc vận động “quần chúng” đàn áp đám đối lập lẻ tẻ, yếu xìu... Trên bình diện quốc tế thời đã qua, là Hà Nội đóng vai chính quyền công khai, đàng hoàng tử tế xây dựng một chủ nghĩa xã hội không ai được quyền nói khác, còn Mặt trận đóng vai hội kín nổi dậy làm “cách mạng dân tộc dân chủ”, hưởng tất cả những ưu thế dành cho một phong trào quần chúng rộng đường múa may với các hoạt động hợp pháp, “nửa hợp pháp”, bất hợp pháp đối với thế giới, đối với chính quyền VNCH. Với thời gian, sự sử dụng đồng thời quyền lực công khai và thảo khấu đó đã chứng tỏ có hiệu quả, đã thành truyền thống rồi, khó bỏ. Khó thể ước mong có một nước Việt Nam trọng pháp như quan niệm bình thường của thế giới ngày nay được.

Không muốn đưa những chứng dẫn “tầm thường” thì hãy mượn ở nơi người ta nói nhiều, ở văn học với “truyền thống làm thơ” chẳng hạn, truyền thống khiến các lãnh tụ lớn nhỏ muốn chứng tỏ mình văn võ toàn tài, cứ phải làm thơ Con cóc, tuy không khiến cho nghệ thuật được nâng cao nhưng lại cung cấp dồi dào bằng cớ cho sử gia làm tài liệu mà không phải mang tiếng xâm phạm đến ngành khác. Có lẽ nhờ vết tích Vijaya mà Bình Định có một Collège Quy Nhơn cho dân các tỉnh nam Trung Kì, dân trời-ơi-đất-hỡi đến học tập và chắc chắn do tầm mức kiến thức của vùng, đã sản sinh ra các nhà thơ được Hoài Thanh gọi là Nhóm Bình Định. Không cao bởi vì đến trước Thế chiến II, Collège Quy Nhơn cũng chỉ mới có vài lớp ở bậc ngày sau gọi là Trung học Đệ nhất cấp / Trung học Cơ sở. Không cao nên không làm được văn mà chỉ mới làm thơ. Không cao nhưng cũng đủ cao hơn người khác nên Chế Lan Viên mới lầu bầu: “Cái thằng Hoài Thanh đụng gốc đa nào cũng vái!” Đủ cao nên Xuân Diệu đòi xem đá bóng khỏi trả tiền, đòi cung phụng, và kết quả khi đi-xa cũng được có tên nơi một “ngõ” của Hà Nội chật chội chen lấn, rướn thêm về Bình Định thì được thay ông Nguyễn Huệ trên bờ biển thênh thang, theo thuận chiều gió thời thế khiến người địa phương không bao giờ ngạc nhiên tự hỏi: “Sao ở đất Tây Sơn mà không thấy tên người khởi xướng phong trào vang danh đó: Nguyễn Nhạc?”

Họ, cũng như một số nhà Thơ Mới khác đi theo Kháng chiến, được biến cố 1945 giúp khỏi kéo dài đời sống gượng gạo. Vì nội lực chỉ có thế mà thôi. Hoài Thanh vẽ ra sự tiến triển của Thơ Mới qua ảnh hưởng của dòng thơ Pháp mà không cho thấy ông Thanh Tịnh mượn hẳn của thi sĩ Pháp “Rồi một hôm nếu về cha hỏi...” – giỏi hơn ông Hữu Thỉnh với thơ Đức (dịch) vừa bị phác giác. Cho nên, một phía, Quách Tấn chuyển sang viết địa phương chí với nhiệt tình của nhà thơ, mà người biết chuyện phải thấy dè dặt khi muốn lấy làm tài liệu dẫn chứng. Phía kia, trong khi Yến Lan mờ nhạt (cũng như Thanh Tịnh, Lưu Trọng Lư, Anh Thơ...) thì Xuân Diệu phải có thêm giải thưởng của Nhà nước, của Đảng. Huy Cận lo làm Bộ trưởng. Chế Lan Viên dừng lại ở Điêu tàn, chuyển sang Vàng sao (Vũ Ngọc Phan đã chê: “thành công sớm nên hơi dóc!”), trên đà đó nói chuyện triết lí phục vụ Đảng (pha chút dân tộc), nhiệt tình quá trở thành Muốn nói gì thì nói: “Bọn sĩ quan ngụy mỗi khi ra trường nấu cháo đầu người ăn để hăng hái phục vụ đế quốc tận tình.” Thơ mới cụt đường, được cứu vớt vì chuyển qua Thơ Phục vụ.

Biến động đảo lộn ngắn không đủ kịp nhận định cứu thân xác nên ông Khái Hưng nghe người của chính quyền mới mời gọi lại vẫn đĩnh đạc mang cặp, thắt cà-vạt ra đi! Có kịp thấy nguy hiểm thì nhóm Đệ tứ cũng không thoát khỏi bàn tay tận diệt của đối thủ Đệ tam đã nắm được chính quyền, đối thủ mà lúc còn đế quốc làm trọng tài, họ cãi nhau ngang hàng, không lường được lúc kẻ kia có quyền hành, có vũ khí. Và nhóm Đệ tam, trên đà hăng say đã đụng độ với các nhóm quần chúng cuồng nhiệt của các tôn giáo mới, tạo những thế tử đạo tân thời (diệt Cao Đài ở Nam, Ngãi, giết Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ ở Nam Bộ), kéo dài thành những mối thù truyền kiếp. Thù dai dẳng cả từ một phía đã nắm quyền, trên chân như khi tỉnh uỷ Quảng Ngãi không cho thân nhân bốc mộ Bích Khê vì “tội (tiếng đồn) là Đệ tứ”. Biến động lớn gây đảo lộn khiến cho người thường, chỉ qua một giai đoạn ngắn ngủi năm mười năm mà đọc lại quyển sách cũ từng say mê (kể cả của ông Kim Dung), thấy nhạt nhẽo, vô duyên chi lạ. Ông Nguyễn Tường Tam vượt được Nho phong, Người quay tơ của phong kiến, thuộc địa An Nam, đem không khí Paris về tạo lập Đôi bạn, Đoạn tuyệt, Bướm trắng cho Nhất Linh nhưng không đủ bình tĩnh để chịu đựng sự thất bại của Phong hóa Ngày nay tục bản (1958?), không nhận ra Giòng sông Thanh Thủy thiếu cái lãng mạn hào hùng phảng phất của Đôi bạn, để co lại ở Xóm Cầu Mới tủn mủn u buồn hơn cái phố huyện Cẩm Giàng xưa kia – cô Mùi đó lại xuất hiện giữa Sài Gòn đảo chính và bắt đầu twist, à terre! Lời tuyệt mệnh “Đời tôi để lịch sử xử...” thường được coi là chứng tích khảng khái của kẻ sĩ nhưng có mấy phần là nỗi thất vọng của một nhà chính trị lỡ thời, của một văn gia nhận ra buổi chiều tàn xế bóng của thân danh?]

© 2006 talawas


[1]Lê Tắc, An Nam chí lược, Ủy Ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế xb, 1961.
[2]Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, NXB Khoa học Xã hội, Hànội, 1975
[3]nhân tuần (循): rụt rè không dám làm gì. (Thiều Chửu, Từ điển Hán-Việt. Xem:
http://www.huesoft.com.vn/hannom/
). BT.
[4]một cơ quan trung ương thành lập cho địa phương