trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
13.12.2006
Tạ Chí Đại Trường
Ả Trần, Mai Kiện, Hồi Hột – Phía khuất của Sử-được-kí
 1   2 
 
Không kể đến vấn đề Trần Quốc Tuấn, có những biến động tranh chấp trong dòng họ chỉ được ghi lại bằng những lời sơ sài, không đầu đuôi: “Tháng 2 (âl. 1283, trước khi quân Nguyên sang), trị tội Thượng vị Hầu Trần Lão, cho chuộc tội 1.000 quan tiền, đồ làm lính, lăng trì tên Khoáng là gia nô của Lão ở chợ Đông, vì tội làm thư nặc danh phỉ báng nhà nước.” Lệnh năm 1250 “xuống chiếu cho thiên hạ gọi vua là Quốc gia” đã bị người dịch Toàn thư (1993, II, 22) sửa lại là “quan gia” vì cho rằng “chưa có sách nào gọi vua là ‘quốc gia’”. Nhưng nguyên văn chữ “nhà nước” trên chính là “quốc gia”, đúng là chỉ người đương quyền: Nhân Tông, đâu có cần tìm sách nào cho xa! Tước Thượng vị Hầu chứng tỏ Trần Lão là con một bà Phi theo thứ tự sắp xếp năm 1241. Lê Tắc nhắc đến một người bị tội, cầu cứu quân Nguyên, tên Trần Thôi, là “quốc đệ”, theo cách nhìn từ phía Nguyên, là em (thượng hoàng) Thánh Tông, hẳn là Trần Lão của sử Việt (chắc tên riêng bị bỏ, chỉ còn là “thằng cha / già / lão Trần”). Cho nên Trần Ích Tắc muốn giành ngôi của Nhân Tông không phải là kẻ lạc loài. Trong lúc sử quan ghi sơ sài vài gia thần của các tông thất khác thì với Ích Tắc đã kể ra đến 20 người được tập họp ở học đường bên phải phủ đệ, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài, đủ để làm một bộ tham mưu cai trị nước khi đảo chính xong! Người sưu tập ngày nay, ngoài tiền mang niên hiệu vua, chỉ thấy loại tiền của Trần Ích Tắc đúc mà thôi, không có của vương hầu nào khác. Phần rất lớn tiền của các vua, lãnh tụ Việt, đúc ra không phải để tiêu dùng vì lượng tiền Trung Quốc đầy dẫy trong nước, tiền vua chỉ để tiêu riêng, như một bằng chứng uy thế của mình mà thôi, cho nên sự kiện Ích Tắc có tiền đúc riêng chứng tỏ một ý muốn độc lập với chính dòng vua – và đủ khả năng tiền bạc để bày tỏ sự độc lập ấy. [Học giả Nhật đã dựa vào thư pháp để xác định được khoảng thời gian ngắn (1325-1350) của dòng chữ “Thiên Trường phủ chế” trên gốm Trần vậy mà không chịu để tâm nghiên cứu đến thư pháp dồi dào trên các đồng tiền Đại Trị. Thế mới biết nhà nghiên cứu cũng có thể là kẻ chỉ đi theo “phong trào”!]

Trần Lão – chắc là ông em, đã thất bại, Ích Tắc phải trông chờ nơi khác. Sự trông chờ này chỉ mang tính phe phía, không phản bội “dân tộc / đất nước” như người sau kết án, bởi vì như đã nói, “vùng sông nước” ở cuối trung châu Đại Việt là phần lẫn lộn, nhập nhòa tập đoàn, thuận tiện cho “Ích Tắc đưa thư nhờ lái buôn Vân Đồn xin quân Nguyên xuống nam”. Tính chất hải đảo của Vân Đồn lệch bên ngoài trung tâm Thăng Long khiến điểm tập kết buôn bán này tùy thuộc vào Miền Dưới hơn là Miền Trên. Và khi tóm thâu quyền hành trên vùng duyên hải của Tống, thế lực của Nguyên do đó cũng lấn lướt hơn ở Vân Đồn, ở Miền Dưới, ảnh hưởng đến quan niệm chủ quyền địa vực của Trần Ích Tắc để ông ngiêng về phía bắc. Tính chất lờ mờ của “chính nghĩa” đương thời đó đã khiến cho sử quan giải thích việc “về Bắc” của Trần Ích Tắc như đã được thiên đình định trước, qua dấu vết của một thần nhân, không phải là kết quả phản bội của một nhân vật trần thế.

Nhóm Trần Miền Dưới tiến lên Thăng Long trải qua những giai đoạn bị Nguyên uy hiếp nhục nhã khiến ý thức về một khối Đại-Việt-của-họ trở nên rõ ràng hơn (trước Hịch tướng sĩ còn bó gọn trong tông tộc trị nước đã có những lời phẩm bình cay đắng của Lê Văn Hưu 1272). Chiến thắng trên quân Nguyên đem lại sự tự tôn không phải chỉ ở tông tộc cai trị mà còn tỏa rộng đến đám dân dưới quyền – bị cai trị sít sao hơn, cho nên về sau (1374) có lệnh cấm ăn mặc theo người Bắc (Trung Quốc), cấm nói tiếng Chiêm, Lào theo những chuyển biến thời Trần vững vàng quyền hành tiếp theo. Cho nên Nguyễn Đại Phạp đi sứ Nguyên (1292) mới có thể trả lời Trần Ích Tắc: “Việc đời thay đổi, Đại Phạp trước vốn là tên biên chép / thư nhi cho Chiêu Đạo Vương (Trần Quang Xưởng), nay là sứ giả, cũng như Bình chương xưa kia là con vua, nay lại là người đầu hàng giặc.” “Việc đời thay đổi...” mà Trần Ích Tắc lại không biết thân phận mình để cho có kẻ thuận thời thế lên mặt dạy dỗ, từ đấy không còn ngồi ở Hành tỉnh khi sứ thần Việt qua, không còn dịp để nhìn một khuôn mặt quen thuộc, thấy một dấu vết của quê cũ, biền biệt... Ông đành chấp nhận sự lựa chọn thất bại, chỉ có thể ngồi lãnh trợ cấp của nước đến nhờ vả, lâu lâu chờ vua mới lên ngôi, tiến kinh để nhắc nhở xin phần tưởng thưởng đặc biệt... Có chút an ủi nào cho ông không khi có nguồn sử cho rằng con ông là Trần Hữu Lượng, nhân vật Trưởng lão Cái bang đầy mưu mô sâu hiểm của Kim Dung, là người chống Nguyên, lập nên nhà Hán vắn số trước khi bị Chu Nguyên Chương tiêu diệt? Tính chất lạc loài của một nhân vật trong khu vực, cố ý chen chân hay vô tình bị đưa đẩy vào biến động quốc tế cũng thấy ở một nhóm người khác mang cái tên núp lén: Hồi Hột.

Hồi Hột / Cốt là tên do sử gia Việt bây giờ nhận ra về lớp người Tống năm 1274 tránh quân Nguyên, đem 30 thuyền chở đầy của cải vợ con vượt biển đến cánh đồng La Cát (?) rồi được đưa về Kinh thành. Tống cũng có mặt trong quân của Trần Nhật Duật, hãnh diện với một tên “gia tướng” Triệu Trung của dòng vua Nam Tống, những người không những chiến đấu bằng vũ khí mà còn tác động đến tâm lí của quân cựu-Tống dưới quyền Nguyên nữa. Có thành phần Tống binh làm nơi đày ải nhân viên sứ bộ Trần Di Ái. Phe phía làm chủng loại lẫn lộn khiến nảy ra nhận định tức cười của sử quan: “Người Tống (phe ta) và người Thát tiếng nói và y phục giống nhau”. Sự cập nhật của danh xưng làm cho người ra đi phải mang tên của phía họ rời bỏ dù đã về nơi lựa chọn mới: “quân Thát của Chiêu Văn”, khác với quân họ hô “sát Thát!” Là kẻ của thân phận lao đao phụ thuộc vào chủ, Lê Tắc đã ghi về hành trạng quanh quất phức tạp theo tình thế dời đổi của những người Tống chạy qua Việt khi nước mất (1279). Có người tự tử theo vua nhưng được cứu sống, làm thân lưu lạc lại trở về với kẻ thù cũ, quên việc đất nước đã đổi chủ, bởi vì với những người đó, lúc này, đất nước chỉ là ý niệm trừu tượng không thể sánh bằng tình quê hương cụ thể. Có người đổi xoay vì ân oán riêng tư. Có người như Trần Trọng Vi (chỗ khác viết: Huy) được Thánh Tông trọng đãi, quyết tâm “Lưu lạc thà làm ma nước Việt”, chết đi được vua làm thơ điếu nhưng con lại theo phe Trần Thôi, em Thánh Tông, trở về với quân Thoát Hoan khiến Thánh Tông sai quật quan tài trị tội. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra trên đất Chiêm Thành tuy ta không có một Lê Tắc ghi chép mà phải qua dấu vết từ phía Bắc. Quân Toa Đô thắng ở dọc biển khiến những người Tống lưu vong trên đất này trở cờ theo quyền lực mới, còn một tên Tăng Diên để lại. Chiêm phải giết cả hàng trăm người nhưng cũng không ngăn được kẻ khác chỉ cho quân Nguyên biết nơi trú ẩn của chúa họ để đến vây bắt.

[Còn nhiều người khác từ trong biến động của một thời đại. Phong trào vượt biên ở phía Nam gây khích động phía Bắc, xúi người “đánh bạc với Liên Hiệp Quốc, có mất hào đếch nào đâu... qua Hồng Kông lấy bảy chỉ rồi về cho nhanh, kịp mùa gặt” (Đỗ Quyên 1997) nhưng vẫn để lại 2000 người giữa đảo Hải Nam, không thành Hoa, hẳn là không Việt nữa mà Mĩ thì quá xa vời (P. Hattaway 2000, mục “Vietnamese”.) Với ông Trần (Văn) Trường vượt biên thì qua thời gian làm chức sắc đạo Vô Vi có người lòn trôn tâm phục, Mĩ cũng không còn hấp dẫn nữa. Ông đòi làm vua cứu nước Việt, rồi thấy việc ca tụng một ông vua có sẵn là dễ dàng hơn nên quấy đảo cộng đồng Bolsa (1999), tự biến thành con chiên ghẻ, phải mang chiếc lá tàn rụng về cội (2005). Không biết có thuyết phục nổi nhà cầm quyền trong nước bằng lời hứa đòi hai tỉ rưỡi đôla nhờ quen với gia đình Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân không mà bị chút tai nạn với tỉnh Đồng Tháp, ông không hề hấn gì. Chỉ có điều là không còn đường ra biển nữa. Lớp người khác, dân “áo pull quần jean thay áo gấm, về xứ” có ai nhớ đến những người bị hải tặc bán cho nhà thổ Thái Lan, được Liên Hiệp Quốc cứu về lại trốn đi vì không còn mặt mũi nào nhìn đồng bào nữa? Những người đó bây giờ đang tàn tạ nơi xó rừng, góc phố tối tăm nào, ai có tâm để nhớ, những người một thời là em, là chị, là mẹ, từng có cuộc sống tuy không cao vời gì nhưng vẫn đáng được hưởng một đời bình thường, đâu phải chui nhủi vì là con cờ rủi ro của biến động, của một thời làm dân hạng nhì ở chính nơi mình sinh ra và lớn lên? Thà là họ chết đi trong bụng cá!]

Tác động trên lãnh vực thương mại, sản xuất được chứng thực ngay từ lúc đương thời. Không phải bỗng nhiên mà Thánh Tông cho đem người lạ về ở Thăng Long. Dân chạy loạn trên 30 thuyền biển kia đã chứng tỏ khả năng mang lại phồn thịnh cho nơi ở mới nên sử quan mới chịu khó ghi chép về một tên riêng là “người Kê (sửa là Cốt/Hột) quốc” với các “hàng vải lụa, dược phẩm, bày hàng mở chợ buôn bán riêng”. Và chúng ta ngày nay có một bằng chứng về hoạt động của họ và con cháu trong vấn đề “gốm Chàm / gốm Bình Định / gốm Gò Sành” theo phát hiện khảo cổ của thời đại mới.

[Có lẽ không cần căn dặn nữa. Bản thân chúng tôi trước năm 1975 đã thấy một vài miếng gốm được mang tên Gò Sành nhưng vì “bận việc nước” nên không để sự tò mò đi xa hơn. Sau 1975, cả nước làm-ve-chai: phía Nam bán ve chai còn phía Bắc “mua” ve chai. Vào.vơ.vét.về, chuyện bình thường của lịch sử, có gì mà phải xấu hổ, tô vẽ? Hết của trên mặt đất, người ta lục lọi phía dưới. Hợp với lúc các nhà khảo cổ Miền Bắc loay hoay mãi đến cạn kiệt các di chỉ kiểu Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn mà chứng minh không ra một ông Hùng Vương cụ thể, nên như một cách thế “tự giải phóng”, họ vác cuốc xuổng đi vào vùng đất mới chiếm được, gây ra một phong trào nhân dân làm Khảo cổ học Đào mả. Chuyện lộ ra đến toà án thì có mấy cái hoa tai gì đó của bà Từ Dũ được cho phép nấu chảy để định giá trị thị trường mà luận tội khiến cho ông ngụy Vương Hồng Sển kêu trời với ông cách mạng Nguyễn Đắc Xuân – ý hẳn cho rằng ông học trò cũ có quyền lắm, như cách thức các ông “nhảy núi” lúc đầu ở khu về lộ ra cho người ta thấy. Trong dân gian thì cứ mỗi sáng ra, người ta lại thăm hỏi nhau: “Hồi hôm ở phía nào? Gò nào?” Chẳng ai biết gì cụ thể về tên tuổi các cán bộ khai quật, về hiện vật thu được, vì nếu có ai tò mò đến gần chỗ lao xao thì nghe có tiếng lên cò súng lắc cắc ghê hồn!

Bộ môn Đào mả mới nếu mở rộng ra có thể thấy mấy cái mả chôn ngồi ở Bình Thuận, Ninh Hòa (khoảng 1945 trở đi), mấy cái mồ tập thể, lấp đất rồi còn nghe tiếng rên ở Quảng Ngãi (1945) của kẻ chặt người cùn rựa, thấy độ chừng mươi cái mả chôn đứng ở Bình Định (1975) mà người sống tự nguyện đào huyệt cho mình, tự nguyện bước xuống đó để bị đập đầu cá lóc trước khi bạn bè còn lại lấp đất rồi bản thân người cuối mới nhờ người Giải phóng thức hiện khâu san bằng. (Có ai cung cấp thêm “tư liệu” không? Tư liệu về thân phận những Nghĩa quân, lớp người từ lính tới trung đội trưởng, lúc sống trong chiến tranh chỉ được hưởng quyền lợi “đánh giặc gần nhà”, khi chết không có một dấu hiệu dù là cáo phó trên báo, còn khi “tan hàng” tuyệt tích thì vẫn không một dòng trên các KBC hải ngoại, nói gì đến sự lưu tâm của các chính khách an lòng không thấy “tắm máu”?) Vài trăm năm sau có nhà khảo cổ học nào tò mò thấy ra, sẽ làm báo cáo khoa học về người Việt cổ ờ Bình Định từng có táng thức lạ: chôn đứng! (Kết luận giản dị giống như các nhà khảo cổ học ngày nay thấy mấy bộ xương chôn ngồi, nằm co, xác định không thắc mắc vì không biết đến tính chất rigor mortis của khoa pháp y.) Mà nhằm-nhò-gì-ba-cái-lẻ-tẻ. Vụ tàn sát ở Dakson (1967) khuất lấp vì là “chuyện xứ Mọi”, vụ Huế 1968 ồn ào một chút chỉ là do Mĩ ngụy tạo bằng cớ giả (Trần Độ), đánh trống lảng che lấp tội ác Mĩ Lai của chúng. Đâu có đáng chú ý bằng hình của Nick Út, hình Đại tá Loan bắn người, bằng các tin trên tờ Times của Phạm Xuân Ẩn đưa! Phương Đông có tinh thần hắc bạch phân minh, phe phía rõ rệt, đã chọn “phe” (có “bản chất” tốt) thì không thắc mắc gì về hành động của phe mình, cứ “cầm gươm ôm súng xông tới” giết, nếu vì lẽ gì phải tha ngoài ý muốn thì đó là “vì lòng nhân đạo / lượng bao dung trời biển của Lãnh tụ và Tổ chức”. Khác với Âu Mĩ mang tinh thần tự trách (“Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”) nên cứ thắc mắc ngay cả lúc cần để chiến thắng (Hiroshima 1945), lúc trên chân (Mĩ Lai / Sơn Mĩ 3-1968), thấy chưa đủ, đến 30 năm sau khi thua còn kể tiếp. Trong lúc đó, người phe ta mang tinh thần Xuân thu Chiến quốc, thì huênh hoang khoe rằng đã lừa gạt được người với những phương cách không chừa đến cả nguyên tắc đạo lí căn bản nhất của chính nền văn hóa mình hãnh diện, như việc đưa đám ma mang hòm chứa vũ khí vào thành phố để tấn công ngày rước ông bà về vui vầy... Cán bộ Đồng Khởi Bến Tre khoe chuyện “ôm hè, giựt súng” dân vệ không cần nghĩ rằng bọn ác ôn kia không được huấn luyện để bắn đàn bà con gái! Kết quả thật là tốt đẹp như đã thấy nhưng đất nước cứ theo đà đó mà trượt đi. “Đêm trước” Đổi mới đầy những chứng cớ về người nắm quyền vi phạm luật pháp do chính mình đặt ra bắt dân chúng phải theo, lừa trên gạt dưới, phục vụ cấp trên / lãnh tụ theo cách vừa sợ vừa coi thường, miễn sao cho sống được để sau cùng khoe khoang về sự thành công “khôn ngoan” của mình. Ở xứ khác, trong chế độ khác những điều ấy vẫn xảy ra nhưng người ta đâu có hãnh diện, khoe khoang? Bản thân người ta tự thấy xấu hổ, quần chúng cũng không nín nhịn chấp nhận những người ấy đứng trên đầu mình mà cai trị...

Đúng là kể chuyện đánh nhau giữa các người cùng văn hóa xem ra ít nhức đầu hơn. Chuyện con cháu lính Đại Hàn (thâm nhiễm một nền văn hóa khác) tố cáo cha anh họ “mạnh tay”ở miền Trung liền bị chìm ngay tức khắc, thật khoẻ. Chừng mực nào đó thì cách đối phó với kẻ địch cũng giống quân Giải phóng gài lựu đạn trên xác lính ngụy để có thể tiêu diệt địch quân cả sau khi im tiếng súng. Họ bắn vào người y tá lồm cồm mang túi cứu thương chạy qua chạy lại, giết chắc-ăn hơn người lính chiến đang núp kĩ, huống chi bắn y tá là giết trước cả số người bị thương về sau không còn kẻ băng bó. Ông đại tá bắn người biệt động mặc áo dân thường chắc chắn gặp được sự tương đồng với người ông bắn giết hơn là với đồng minh của ông, bởi vì kẻ địch ông cũng nửa đêm lôi đầu người đâm một dao đổ ruột bỏ ruồi bu kiến đậu – những người chết đó cũng mặc áo dân thường đấy! Gần hơn, có thể kể chuyện trong thời các nhà văn nghệ hát Nối vòng tay lớn nhỏ, thì trong trại cải tạo giữa rừng người ta lôi tù hàng binh ra bắn vài con số lẻ để dỗ yên giấc ngủ. Có người soạn thảo Công ước Genève nào đứng đó để giám sát đâu. Ông E. Adam cũng không có mặt để chụp thêm tấm ảnh đặt vào bên cạnh hình Đại tá Loan trong sự nghiệp của mình.

Sự lệch chuẩn văn hóa đã khiến ông đại tá phải tàn tạ thân danh chỉ vì sự việc qua ống kính ngoại quốc, lên báo chí đã đẩy ông vào một vùng văn hóa có tiêu chuẩn khác. Cũng vậy, người dân Mĩ đang nằm dài trong phòng ngủ có máy điều hòa không khí đã la ó, xốn xang khi nhìn lên truyền hình thấy người lính dí ngọn đuốc vào mái nhà tranh. Chiến tranh với Mĩ đưa Việt Nam vào điểm trung tâm chú ý của thế giới, theo văn vẻ của các nhà truyền thông quý tộc, trở thành “đỉnh cao của loài người”, “lương tâm của nhân loại” nên người ta càng dễ xúc động. Cho đến khi đánh với Trung Quốc, Việt Nam trở lại thành một chiến trường địa phương, tin tức không sôi nổi như cũ về sự tàn phá ở các thành phố biên giới mà phi công Mĩ chừa ra nguyên vẹn, dù có anh nổi hứng ngông ngênh đòi đưa kẻ địch “trở về thời kì đồ đá.” Từ đó không ai chú ý đến lời người phóng viên địa phương về việc Hồng quân khi rút khỏi thị xã Lạng Sơn đã đập nát cả đến những cái nồi đất. Phải là người suy nghĩ cùng văn hóa mới thấy điều này là không bất thường: cái nồi nấu cơm kia là vật dụng nuôi sống kẻ địch, nên là kẻ địch phải tiêu diệt. Phải đem điều đó nói với người dân Mĩ (hay ai khác) sống sung sướng quá nên trở thành khờ dại: Cái nhà tranh kia có hầm bí mật, chứa giấu cán bộ, vũ khí bên dưới, dù chỉ có hũ gạo nuôi quân cũng là một địa điểm gây nguy hại cho quân nhà, và đốt nó không phải là đốt một túp lều rách nát, dễ thương, vô tội mà là phá huỷ một chiến luỹ đầy cạm bẫy chết người thật sự, xét về quy luật của chiến tranh thì không cần gì phải ân hận cả. Chính sự lệch chuẩn văn hóa được che khuất thêm bằng cách biệt mức sống đã gây nên nhận thức sai lầm. Từ điểm chuẩn là cái nhà tù Mĩ nơi tù nhân đòi kiện chính quyền vì không có tivi xem giải trí, Don Luce đã tố cáo cái Chuồng cọp với các khoen xích dài theo thanh sắt trên nền nhà tối tăm, âm u nhưng rộng rãi thênh thang ở Côn Đảo. Ông không có cơ hội được thấy cái cùm tập thể làm bằng nguyên thân cây xẻ đôi, khoét tròn nham nhở, ban đêm phập xuống cổ chân lở lói của tên tù cải tạo chỉ có 4 tấc bề ngang cho mỗi người.

Nhưng, nói cho cùng thì một lập luận cũng chỉ có giá trị khi có sức mạnh kèm theo mà thôi.]

“Gốm” của khảo cổ học tương đương với chữ céramique nhưng trong dân chúng nó chỉ các vật dụng đất nung không men, thường là đồ gia dụng. Gốm có men thô là sành, cao cấp là sứ, nhưng gốm thu lượm được trên gò Sành ở xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, Bình Định là sành cao cấp – tạo ra tên riêng của gò, của làng, theo đà bán ve chai được đưa ra thị trường, lọt vào mắt một nhà nghiên cứu Úc, từ đó hình thành khái niệm về một loại hình gốm lấy tên từ nơi xuất hiện đầu tiên, gọi là gốm Gò Sành, gốm Bình Định, và do thời điểm chế tạo đoán định, được gọi là gốm Chàm, là điều chúng ta sẽ bàn nơi đây.

Ở gò Sành có dấu vết của hơn 20 lò gốm cổ. Cùng loại gốm còn thấy ở nhiều “gò” khác trên đất hai huyện An Nhơn, Tây Sơn (Bình Khê cũ). Cuộc khai quật của các nhà khảo cổ học Nhật, Bỉ, Việt các năm 1993-95, 2002 thu được một số lượng hiện vật gốm tráng men, văn in chìm nổi... phong phú và độc đáo. Gốm Gò Sành còn xuất hiện ở các vùng xa trong nước (Phố Hài ở Bình Thuận, Đại Lào, Đại Làng ở Lâm Đồng nơi có lẫn gốm Long Tuyền thế kỉ XIII, gốm Nhật thế kỉ XVIII) và trên thế giới, ở bán đảo Sinai (Ai Cập), trong địa tầng di chỉ khảo cổ Juffa (Vương quốc Ả Rập Thống nhất), trong các thuyền đắm ở Philippin với tiền Vĩnh lạc (1403-27) cùng đồ sứ Trung Hoa nửa sau thế kỉ XV, nửa đầu thế kỉ XVI. Và còn thấy cũng trong thuyền đắm ở nam Trung Quốc, Thái Lan (niên đại 1403-1442).

Với nhà nghiên cứu trong nước (Đinh Bá Hòa) thì trận thắng 1471 của Lê Thánh Tông là dấu ấn lịch sử rõ rệt quyết định điểm tàn rụi của gốm Gò Sành – hoạt động trong thế kỉ XIII, XIV. Còn với học giả Nhật (Yogi Aoyagi) thì với các chứng tích không tùy thuộc vào biến động ở Việt, họ cho rằng các lò gốm này hoạt động trong khoảng thế kỉ XI – XIV và vẫn còn tiếp tục sản xuất tập trung trong thế kỉ XV-XVI, thậm chí còn đến thế kỉ XVIII. Chính vì thời gian tồn tại đó mà học giả Nhật, được giải thích từ chữ gò/”mound” có nghĩa là “làng” (Momoki Shiro 1993) và gợi ý từ tên gò Hời chỉ một tộc người lạ (thật ra chỉ người Chàm) nên chuyển dịch là “village of foreigners”, để cho rằng ở đây hình như là làng của người Hoa hay có liên hệ một cách nào đó với Trung Quốc. Và dẫn đến kết luận là loại gốm Chàm này chịu ảnh hưởng Trung Quốc hay có thể thợ là người Hoa. Như thế cũng là tiến bộ rồi vì trước khi có các phát hiện ở Bình Định thì người ta thường ghép chúng vào với gốm Trung Quốc. Tuy nhiên vẫn còn sự dè dặt về vấn đề chủ nhân, là vì người ta đã đặt tên “gốm Chàm”, cho nó phải là của người Chàm, chủ nhân cũ vùng đất Vijaya/ Bình Định. Người ta chỉ mới nghĩ thêm rằng thợ ở các lò gốm kia là người Hoa mà không dám nghĩ rằng chủ nhân cũng chính là người Hoa, người Tống lưu vong khi quân Nguyên xua đuổi họ đến đất mới, không về lại nơi cũ nữa.

[Lẽ tất nhiên đời nay không phải là đời xưa nhưng những gì chúng tôi chứng kiến năm 1970 ở một vùng Bình Thuận đã để lại ấn tượng sâu sắc. Tôi đã thấy cung cách làm gốm của người Chàm qua đủ cung đoạn. Hình như người phụ nữ Chàm vì làm chủ gia tộc nên lãnh nhận hầu hết các công việc, để đàn ông cà-nhỏng làm công tử vườn rong chơi, với thời thế thì đi lính nghĩa quân theo tiêu chuẩn sắc tộc để khỏi xa nhà, hay nhậu nhẹt theo các ông Xế ở các lễ hội cổ truyền, theo các ông chức sắc Việt bàn chuyện cứu dân (Chàm) cứu nước (Việt). Anh trung sĩ đơn vị tôi chỉ vác cuốc ra các ụ mối ngoài đồng đem về một mớ đất sét rồi bỏ đó cho bà vợ với chú bé chập chững bên cạnh, đập vụn đất, nhào trộn nước, nắn từng khoanh đất sét tròn đặt trên cái bệ gỗ, tự mình đi quanh, từng vòng từng vòng nhỏ to chồng chất làm nên cái nồi, cái ấm, cái trả, cái trách... đem cất ở khoảng êm mát nào đó trong nhà rồi đi nấu cơm, dệt vải. Một ngày làm vài cái, để đó đến khi chỗ chứa đã chật thì đem ra khoảnh đất trống, quơ củi đốt, khói bay mù trời!

Tất nhiên đó chỉ là gốm gia dụng nhưng không thể ngăn sự suy luận đi xa hơn. Toàn cảnh làm chúng tôi liên tưởng đến chuyện thi đua xây tháp được nghe kể và sau này thấy ông Nguyễn Đình Tư đem vào sách Non nước Phú Yên của ông, với tên nhân vật lịch sử Lương Văn Chánh, quan trấn thủ đương thời. Ông ta vốn là người “yêu chuộng hòa bình”, không muốn gây tranh chấp binh đao tàn hại đến cả dân tộc dưới-tay, nên đề nghị với người Chàm hai bên thi đua xây tháp xem “ai thắng ai”. Trong khi người Chàm hì hục đào đất, lụi hụi nhào trộn nước, đúc gạch... thì ông quan bảo lính lấy tre đan kết tháp, phất giấy lên, xong ngay! Muốn cho bọn Hời tâm phục khẩu phục, ông lại đề nghị đốt tháp xem ai hoàn thành việc tiêu thổ nhanh hơn ai. Kẻ ưu việt thắng là quy luật đương nhiên của lịch sử. Chuyện đời xưa nhưng cũng có chút gì là “vang bóng một thời”. Người ta suy ngẫm đến việc xây tháp của người Chàm. Tất nhiên đến nay thì đã có rất nhiều thí nghiệm khoa học, phân tích chất liệu... để đưa ra nhiều lời giải thích khá thoả đáng. Nhưng với người “tay không” thì nhìn không thấy một cái lò gạch nào của người Chàm để lại, phối hợp chuyện đốt tháp với thực tế đốt gốm giữa trời, người ta phải nghĩ rằng người xưa đã thực hiện theo cung cách đó, tất nhiên với một tổ chức phức tạp hơn. Điều đó cũng dính dáng đến vấn đề các trang trí trên phần gạch của tháp. Trước năm 1975 có ông đạo diễn buôn đồ cổ, xây tháp Chàm trong vườn ở Sài Gòn, cũng khắc, cũng chạm nhưng các hình voi ngựa, garuda... xù xì thô kệch vì gạch nung đã chín, khó tạo hình. Thế mà nhìn tượng con voi trên tháp Bà Nha Trang (tháp nhỏ?) trơn láng, uyển chuyển đường nét, chỉ có thể hiểu rằng nó đã được thực hiện lúc cái nền còn là đất mềm, không quá mềm để chảy nhão ra, còn chịu đựng được sức nặng chồng lên theo một chừng mực tính toán nào đó, chạm hình xong người ta mới nung toàn thể lên để cố định hình dạng. Mà thôi, đừng lấn sang chuyện người khác!]

Chỉ có thể thấy là người Chàm cho đến nay không biết đến bàn xoay để làm vò hũ, nồi trả, nói chi đến làm đồ sành cao cấp. Trên tháp Chàm không hề thấy vật dụng sành sứ gắn theo như trên lăng vua Khải Định! Gốm Gò Sành có dấu gạch / ngói (tiles) tráng men mà không thấy trên tháp Chàm, trước nhất là loại hiện diện trong vùng Bình Định, vốn được cho là xây cất trong các thế kỉ XI, XII, XIII (không đến 20 năm cuối của thế kỉ này vì tình hình chiến tranh với Nguyên.) Gốm tráng men celadon là chuyên ngành của người Hoa, là chứng tích riêng biệt của gốm Tống, Nguyên kế tục Tống. Tất nhiên tới địa phương khác đất gốc nó phải có ứng biến đổi thay mà vì chúng ta chỉ phát hiện được vật-câm, nên chỉ có thể đoán mà thôi. Gốm Gò Sành (tên khoa học nên không cần thay đổi) được gọi là gốm Chàm vì xuất hiện trên đất Chàm xưa, nhưng là của những người Tống lưu vong sản xuất, chủ cũng như thợ, không cần phải chỉ là thợ. Dấu vết thế kỉ XI mà học giả thấy trên gốm của họ là di chủng của quá khứ (thế kỉ XI còn là của thời đại Tống) bởi vì đã không thấy chúng trên các tháp ở Bình Định / Vijaya, nghĩa là chúng chỉ xuất hiện trong thời bình về sau, sớm nhất là những năm cuối thế kỉ XIII, qua thế kỉ XIV, thời gian tương đồng với phỏng đoán của các nhà khảo cổ học. Gốm đó là chứng tích của một tập đoàn dân tộc bỏ chạy đến đất Chàm, có kẻ bị giết vì sự xung đột của các đối phương nơi họ sống gây vạ, trong đó không phải họ không có phần trách nhiệm, cuối cùng một lớp người bám trụ được, như bà con họ ở tất cả các nơi khác, đem lối sống, kiến thức kĩ thuật từ quê gốc, thực hiện trên đất mới. Những con người đã chết, những kết quả phi vật chất đã tan biến, hòa lẫn với địa phương không còn có thể nhận ra, nhưng dấu vết vật chất thì khó huỷ họai: Các đồ gốm sành cao cấp đã theo thương thuyền đi khắp thế giới, và còn lại nơi dấu vết các lò nung sụp đổ, chìm lấp.

Với cung cách luồn lách trên đất lạ để tồn tại, tạo thịnh vượng còn được chứng kiến đến tận ngày nay, tập đoàn lưu vong đó có thể thoát qua biến cố xung đột Chàm Việt, rồi khi đất thuộc về Việt, họ lại luồn lách qua các thủ lãnh địa phương mà chúa Nguyễn nuôi dưỡng bằng cách thu tiền phong chức như Lê Quý Đôn còn thấy. Tiền mua chức của các thổ hào hẳn không sai chạy là có sự đóng góp của các chủ lò sành sứ trong vùng. Con cháu họ tàn tạ dần theo sự chuyển hướng dòng thương mại chung, hoặc mua ruộng thành địa chủ, hoặc thuê ruộng thành tá điền, hay cùng với những lớp người sau, đóng chốt ở các “thị tứ” Nước Mặn, Cảnh Hàng, Đập Đá (có Canh Hãn xã, Thạch Kiều trên bản đồ 1774), An Thái theo dọc sông Côn từ dưới biển lên nguồn Tây Nguyên... Không biết có nhà cổ tiền học có khả năng nào chịu khó nhìn vào đống tiền đồng – vẫn các niên hiệu Tống nhiều nhất, không thấy dấu vết triều Nguyễn, đang được cất giữ ở nhà Bảo tàng tổng hợp Bình Định để đưa thêm một suy ngẫm về tình hình thương mại thời chúa Nguyễn trở về trước của vùng này không. Chịu khó một chút mới có thể tìm thêm kiến thức còn không, cứ lấy (tiền đồng) của người làm (tiền đồng) của mình thì vẫn chỉ là ngông ngênh với nhau mà thôi.

Một dấu vết về sản xuất gốm như thế cũng thấy ở Đại Việt tuy khuất lấp hơn vì ở đây đã có truyền thống bàn xoay, gốm sành sứ trước Trần, không đợi đến người Tống bỏ xứ lưu vong vì quân Nguyên. Người ta thấy gốm Trần có loại hình Long Tuyền của Trung Quốc. Gốm Gò Sành ở Đại Làng, trong con thuyền đắm ở Pallawan cũng nằm chung với gốm Long Tuyền. Khu sản xuất Chu Đậu chìm khuất, chỉ mới phát hiện từ 1984, được cho rằng có đời sống từ thế kỉ XIV, phát triển và tàn tạ chung một nhịp với Gò Sành gợi ý ra một ảnh hưởng cùng thời. Và cùng loại với Chu Đậu còn có Thanh Khơi, Hợp Lễ... Dù có những rối loạn triều chính, đất nước Đại Việt sau hồi thắng Nguyên cũng tiếp tục đi theo những bước phát triển riêng của nó. Triều đình Nguyên với cái chết của Hốt Tất Liệt (1293), bãi bỏ lệnh chinh Nam (1294), đã trở thành giải đãi, dịu bớt sức hăng của thời ở sa mạc. Cho nên Chu Đạt Quan đi sứ Chân Lạp (1296) đã chỉ quan sát xứ sở đó như một du khách (Chân Lạp phong thổ kí) [1] chứ không xoi mói như một sứ thần nước lớn. Khuôn mẫu tổ chức chính trị, xã hội theo mẫu hình Trung Hoa đẩy từng lớp nho sĩ Đại Việt vào triều nhiều hơn theo với các kì thi, với nhu cầu giảm dần gia thần của các vương hầu Trần. Cho nên đến năm 1323 thì sử quan nho gia thấy đầy phấn khởi: “Nhân tài rộ nở”. Người nhiều hơn chức nên mới có ông Thiên chương học sĩ Nguyễn Sĩ Cố đã nói, và Nhân Tông mới phàn nàn với ông con (chuyện năm 1320): “Cái nước bằng bàn tay mà sao phong quan tước nhiều thế!” Và theo lời Nghệ Tông (1370), vào khoảng năm Đại Trị (1358-1369) “bọn học trò mặt trắng được dùng, đem phép cũ của tổ tông thay đổi theo tục phương Bắc... nhiều không kể xiết.”

Điều đáng chú ý ở đây là cũng năm 1323 đó có việc đúc tiền kẽm, không nói rõ tên nhưng chắc là lấy theo niên hiệu đương thời: Đại Khánh, Khai Thái. Việc đó chỉ thực hiện được một năm thì huỷ bỏ chứng tỏ người ta thấy bất lợi – có thể là không cạnh tranh được với tiền đồng, hay gây khủng hoảng như với chúa Nguyễn thế kỉ XVIII sau này. Nhưng điều đó cũng chứng tỏ là một nhu cầu có thật đã xuất hiện theo với sự phát triển thương mại trong vùng, bởi vì sau niên hiệu Khai Thái ta có niên hiệu Đại Trị đã đúc tiền đồng hiện nay còn lại trong sưu tập với số lượng tương đối lớn, nhiều kiểu dáng, nhiều hơn hẳn các niên hiệu khác của Trần. Thế rồi sự phát triển của sản xuất, thương mại tuy không đưa đến sự xoá bỏ tầng cấp xã hội nhưng cũng làm dịu sự cách biệt: Con ông vua lê lết đến chơi nhà ông gia thần (Phạm Ngũ Lão), ông vua (Dụ Tông) đánh bạc với nhà giàu trong dân, ông Trần Khắc Chung ngay lúc còn mang họ Đỗ khuất lấp đã khiến hình quan không dám xử em mình, đến lúc chen vào tông tộc quý hiển của đất nước, làm “Thủ tướng”, lại khen vợ con “quân nhân” biếu món ăn ngon, Trương Hán Siêu làm quan đề cử của vua trông coi chùa lại gả con gái cho người nô của chùa... Họ Trần từ bỏ vai trò chủ ruộng của Lí, lên làm chủ nước nên để người thay mặt trực tiếp trông coi ruộng đất, tích trữ làm giàu, tìm cách bứt phá khỏi tầng cấp xã hội dành cho họ.

Trên vùng có sách sử ghi chép, bằng cớ quân lưu vong Tống tỏ rõ ảnh hưởng rộng lớn, sâu xa hơn ở đất Chàm. Dấu vết của nhóm người Tống không phải chỉ ở tầng lớp trên của Đại Việt mà đã đem ảnh hưởng chồng chất thêm một lớp văn hóa của mình trên một nơi thờ cúng địa phương. Từ biến động kinh hồn của trận chiến Nhai Sơn (1379), tác động đến Đại Việt như sử quan ghi “Qua 7 ngày có đến hơn 10 vạn xác chết nổi lên mặt biển”, cửa Cờn của Nghệ An vốn là một nơi thờ cúng cá Ông (voi), đã trở thành chỗ bà cung phi Tống hiển linh đoạt quyền thần Po Riyak, không nổi sóng lớn, giúp cho Trần Anh Tông đem quân đánh thắng Chiêm Thành (1312). Rồi hai thế kỉ sau, lại thêm ông Hùng Vương XIII chen vào thành một thứ thần pha trộn, đủ để thờ, để sợ mà không cần thắc mắc đến gốc gác nơi đâu. Giống như xa tận về phía nam, một đền thờ thần Balaha của Thủy Chân Lạp chuyển qua thần Bạch Mã của Việt lại trở thành chùa Ông Bổn, giằng co giữa Thành hoàng (bổn cảnh) và Thái giám Trịnh Hòa [2] !

Có tướng đầu hàng đánh trận giúp chủ mới cho đến chết (Trương Hiển 1298), có người đem trò du hí (Đinh Bàng Đức) góp vui thêm cho cuộc sống dân dã. Trâu Tôn về hàng, chữa bệnh cho các vương hầu trở thành giàu có. Con là Trâu Canh vào cung mà khả năng chuyên môn đủ sức cứu bản thân dù có làm liều: Cứu thái tử khỏi chết, chữa bệnh liệt dương cho vua, không những bằng thuốc mà còn bằng ngôn từ lí thuyết, chỉ dẫn thực hành (“hay dùng những câu kì lạ, những kế quỷ quyệt để dụ” Dụ Tông, chuyển phương pháp chữa trị qua bà công chúa chị Thiên Ninh), “đụng” đến cung nữ mà khỏi chết, còn truyền trong dân gian rằng lẩn khuất ở bờ ao, bờ mương đâu đó có sợi dây leo “tăng cường sinh lí”. Và cuối cùng, nhưng chưa hết, có người phường hát Lí Nguyên Cát mang đến đất Việt lối “tuồng truyện” đã quyến rũ danh tướng Trần Nhật Duật “không ngày nào không mở cuộc hát xướng, làm trò”, lối du hí đã đi vào cung, suýt lật đổ triều đại sớm hơn 30 năm, với con của người đào hát: Dương Nhật Lễ.

Có thể nghĩ rằng việc cải cách âm nhạc, ăn mặc theo lối người Bắc của nhóm nho sĩ vào triều năm 1323 cũng có đà từ sự hiện diện của nhóm Tống lưu vong, nhưng lối “cải cách không kể xiết” đó đã gây phản ứng bất lợi cả về mặt sản xuất. Sự suy tàn của gốm Chu Đậu trùng hợp với chính sách “dân tộc hóa” cụ thể bằng lệnh trở về thời Khai Thái của Nghệ Tông (1370), của lệnh cấm ăn mặc theo lối người Bắc (1374) làm cạn kiệt nguồn tiếp tế nhân lực, kĩ thuật từ ngoài vào. Sự suy tàn của gốm Gò Sành thì khác, có lẽ là do nguyên nhân biến động địa mạo nơi này. Nhà khảo cổ ngày nay thấy một khu lò bị bỏ vì con đường nước ra sông lớn bị bồi lấp. Nhìn ở tầm mức rọng hơn cũng thấy có hiện tượng tương tự. Đường nước thông ra biển: Sri Banoi / Chiêm Thành Cảng / cửa Tì Ni / cửa Nước Mặn đang trên đà cạn dần. Đã có vùng đất bồi sau này mang tên Gò Bồi, quê mẹ Xuân Diệu, xuất hiện xa hơn Nước Mặn về phía đông (vì dòng chảy đã yếu đi?) chặn lối ra biển trong khi các đụn cát dồn lên từ phía bờ đông nối hòn đảo có núi Rổ Đó Khổng Lồ của “...Bình Nam đồ” thành bán đảo Phương Mai ngày nay. Phải nói đến tác động của địa mạo vì sự phát triển của gốm Gò Sành không thấy có nguyên nhân lụn bại vì yếu tố chính trị mà có thể nói nó đã là yếu tố xây dựng triều đại vinh quang cuối cùng của vương quốc Chiêm Thành: triều đại Chế Bồng Nga.

Kì lạ, không thấy dấu tích trên đất Chàm tên ông thủ lãnh khi tiến quân ra Thăng Long đã làm cho vua tôi Việt khóc lóc chia tay, kẻ được lệnh đánh giặc, người chạy trốn theo tiền của cất giấu. Không thấy một bia Chàm nào mang tên có thể xác nhận tương đương với Chế Bồng Nga của sử Việt. Niên giám Hoàng gia của Chàm đưa ra tên (Po) Binosuor nhưng niên đại thì không giống: 1328-1373. Người ta đã chỉ cho chúng tôi một vùng cát trắng ở (Hòa Đa?) Bình Thuận bảo rằng ở đó có mả một ông vua không được nằm trong các đền miếu thờ cúng vì mất đầu. Chi tiết đó có vẻ hợp với Chế Bồng Nga bị Trần Nguyên Diệu cắt đầu định đem về Trần lập công chuộc tội, nhưng nếu như thế thì lớp tro được La Ngai đem về chôn trong nước phải ở Bình Định / Vijaya chứ sao lại là Bình Thuận? Tuy nhiên dù coi Chế Bồng Nga đã đem đến giai đoạn cực thịnh của Chiêm Thành hay chỉ là tia nắng quái chiều hôm của lịch sử nước này, thì ông cũng là một nhân vật nổi bật chưa từng thấy trong tương quan Việt Chàm. Điều đó phải có lí do sâu xa từ trong hiện tình đương thời của đất nước này. Cả sử quan cũng phải ghi nhận: “Chiêm Thành từ đời Lê Lí tới đây, quân lính hèn nhát, hễ quân ta đến là đem cả nhà chạy trốn hoặc họp nhau khóc lóc xin hàng. Đến Bồng Nga, La Ngai mới tập họp dân họ lại bảo ban dạy đỗ, thay đổi dần dần thói cũ, trở nên can đảm hăng hái, chịu được gian khổ nên thường hay sang cướp, trở thành tai họa của nước ta.”

Sự kiện có những người nổi bật như thế vì vùng đất của “vương quốc” Chiêm Thành bị chia nhỏ theo từng khu vực sông ngắn, ngăn cách bởi những dãy núi đâm ra biển, khó cho sự thống nhất từ xưa. Hãy kể vào giai đoạn gần gũi là khi Anh Tông thân chinh (1312), ngoài “Quốc chủ” Chiêm Thành ở Vijaya còn có “trại chủ” Câu Chiêm (Quảng Nam). Mối đe dọa của Nguyên còn khiến hai nước Chàm Việt phải giữ thế liên kết mà dấu hiệu rõ rệt là cuộc hôn nhân Huyền Trân – Chế Mân. Hai chốt gạch có chữ “trần” (Hán) tìm thấy ở Mĩ Sơn năm 2004 có thể là dấu hiệu một công trình xây cất công quả của Nhân Tông khi thăm Chiêm tìm liên kết (1301). Ông đã đi với tính cách một hòa thượng – “vân du” nên hẳn có vật biếu tặng Chiêm, và “quốc danh” Trần từng chỉ có trên các đồng tiền của vua (Nguyên Phong, Thiệu Phong...) không thể được sử dụng bừa bãi, trên đất lạ cũng phải là chỉ dấu của “quốc gia” / vua. Sức ép của phương Bắc yếu đi dẫn theo sự liên kết lơ là của hai nước, huống nữa tầng lớp nho sĩ đang lên sau chiến tranh nâng cao thêm ý thức tự tôn của Việt, cho nên sau khi Chế Mân chết là xung đột tiếp tục xảy ra. Chiêm vẫn bị đàn áp, phải “chạy trốn hay khóc lóc xin hàng”. Tiến trình vực dậy phải qua sự phát triển thương mại, dấu hiệu là ở cửa biển chính Tì Ni, là “bến tàu xung yếu... nơi tụ tập người buôn bán (tuy) phức tạp” nhưng vẫn có tổ chức với “viên coi cảng” mà Đoàn Nhữ Hài ranh ma hù dọa (1303).

Khảo cổ học ngày nay cho ta thấy món hàng chính là “gốm Gò Sành” tung ra khắp thế giới. Tổ chức sản xuất gốm cao cấp đã mang tính cách phức tạp, đòi hỏi kĩ thuật cao, kỉ luật nội bộ, đưa lên thành món hàng quốc tế lại còn phải thêm kiến thức về giao dịch, tất cả là nền tảng của một vùng Vijaya phục hưng mà Đoàn Nhữ Hài không thể thấy đến chi tiết được. Sự buôn bán phồn thịnh trên mặt biển làm đà cho việc tạo dựng một lực lượng thủy quân hùng mạnh. Sự bình yên này lại kéo theo sự thịnh vượng khác: nghề đánh cá. Thầy giảng Ý Odoric de Pordenone (không đến Champa) ghi chuyện vào thế kỉ XIV rằng có “một điều rất kì lạ, là mọi loài cá trên biển đều đến đây, tựa như người ta không thấy gì trên biển ngoài cá cả...” Nhà du hành A Rập Ibn Batutah đến Panran cũng nói: “dường như tất cả các loài cá đều tụ tập ở đây”. Sự dồi dào đó còn thấy dưới thời chúa Nguyễn, trên tấm bản đồ “Giáp ngọ niên (1774)...” có vẽ tháp Phố Hài (Phan Thiết) như cái tháp chùa 9 từng, có ba con cá quay đầu về tháp với ghi chú” Mỗi năm ngày tháng 5, bọn cá quay đầu chầu về tháp”. Và dân Việt đến thay thế, ngày nay cũng vào khoảng thời gian ấy có tế lễ, có hội Cầu ngư, chỉ khác là dùng phương tiện văn hóa của mình: hát Bả trạo. Trên nền tảng của sinh hoạt phồn thịnh đó là vai trò của những cá nhân nổi bật, biết thu tóm sinh lực chung để phục vụ cho tham vọng riêng của mình: Chế Bồng Nga, La Ngai như sử quan đã nêu ra.

Sự hồi phục của Chiêm Thành trở lại lần đầu qua nhiều thế kỉ là trận đánh thắng quân can thiệp của Trần đưa Chế Mỗ về nước tranh quyền (1352). Không thấy bóng dáng Chế Bồng Nga nhưng đã thấy hiện tượng lính Chàm “thay đổi dần dần thói cũ, trở nên hăng hái...” Không thấy mặt Chế Bồng Nga nhưng đã thấy quân Chàm cướp phá châu Hóa (1362) sau năm tấn công Dĩ Lí xa hơn về phía bắc (1361). Và đòi đất cũ, đánh tan quân Trần ở Quảng Nam (1368). Đó là lí do, sau khi thanh toán nội bộ (Dương Nhật Lễ 1370), Trần Duệ Tông với nhiều năng động hơn, đã tiếp tục thanh lọc nội bộ theo lệnh chỉ cấm nói tiếng Chiêm (1374) khiến đám nô Chàm từ đây mất tính cách riêng biệt họ giữ được trên hai, ba trăm năm nhờ sự buông lỏng của Lí. Và ông chuẩn bị tấn công Vijaya. Ông thất bại, chết trên chiến trường (1377) để quân Chiêm tràn ra ào ạt, liên tục (1378 cướp Thăng Long, 1380, 1382, 1383) đưa tên Chế Bồng Nga xuất hiện trong sử Việt (1380), tung hoành đến khi chết (1390) mà không để lại dấu tích nào ở quê hương mình, khác với những đảo lộn gây ra trên đất Bắc.

Với sử quan mang tinh thần nước lớn miệt thị phiên liêu thì những dòng khen Chế Bồng Nga như trên đã là quá nhưng sự lấn lướt của Chiêm trong thời gian này có vẻ còn trầm trọng hơn các sự kiện được ghi chép. Trong trận phản công 1378 sau khi thắng Duệ Tông, Chế Bồng Nga đem các tôn thất Trần bị bắt, trở cờ lập một triều đình ngụy chiêu dụ dân Việt. Người nổi bật là Trần Húc, con Nghệ Tông, cưng đến mức mang tên là Con ngựa non của Vua / “Ngự Câu Vương”, khi lấy vợ được cha tự thân đón dâu khiến cho sử quan chê trách. Bên cạnh Chế Bồng Nga còn có các tôn thất khác. Toán quân ngụy đánh ra đã khiến gây dao động phe phía: Sử quan nói đến “dân Nghệ An ăn ở hai lòng còn dân Tân Bình, Thuận Hóa thì phần nhiều làm phản theo Chiêm Thành”. Toán người này khi bị thua (Trần Húc bị chiêu dụ trở về bị giết) thì có người chạy sang Minh cầu cứu (Trần Thiêm Bình) gây mối loạn lan cả về phía bắc. Quân Chiêm không phải chỉ đánh ra rồi rút về theo loại chiến tranh Gió mùa truyền thống mà còn có dáng đã chiếm đóng dài lâu. Khi có người bội phản chỉ thuyền Chế Bồng Nga cho quân Trần bắn thì vua Chiêm bị chết chứng tỏ đó là nơi đồn trú cố định. Và quân La Ngai kéo về lại không đi đường thủy mà theo đường bộ chứng tỏ phần quân bộ có ưu thế hơn. Nhưng dù sao thì vai trò nổi bật của Chế Bồng Nga làm suy yếu nhà Trần đã suy yếu sẵn cũng góp phần tạo dựng con người thay thế họ Trần: Lê (Hồ) Quý Li, người làm nổi lên vùng Trại bên lề các chính quyền Thăng Long.

Với con người này là bắt đầu một thế lưỡng cực bắc nam của Đại Việt cứ kéo dài mãi vì khả năng quản trị đất nước của các triều đại tiếp theo đã không theo kịp với lãnh địa bành trướng. Hồ Quý Li đem thêm một “đô” – Tây Đô để đối chọi với Đông Đô, Thăng Long cũ, đưa một lượng người lớn về phía nam để làm quân bình đất nước có đô mới ở trung tâm. Hiểu biết xa về phía nam từng được Lê Tắc ghi nhận “Chiêm Lạp Vương, Cầm Bồ Gia” (Cambodgia/Kampuchia, người chép sách ngắt câu thành: “chiêm lạp, vương cầm, bồ gia”) không biết là do kiến thức có từ quê nhà (1285) hay thêm mới từ Trung Quốc. Nhưng trong trận chiến với Ai Lao ở Nghệ An 1335, Đoàn Nhữ Hài đã biết đến Mekong / “sông lớn” Tiết La mà ông dự tính “sau khi thắng trận, bắt được tù binh theo dòng xuôi xuống, đi qua Chân Lạp và các nước phiên khác, diễu võ giương oai, dụ bảo con em các nước ấy vào chầu...” Mộng tưởng không thành vì thất trận, chết đuối nhưng đã mở đường kiến thức cho Hồ Hán Thương năm 1404 dự tính lấy hết đất Chàm (Bản Đạt L[R]ang – Pandaran), luôn phần Chân Lạp (Hắc – vùng Tức Khmau / Cà Mau rộng?, Bạch?, Sa Li Nha?) đến giáp giới Xiêm La.

Việc khai thác phía nam cùng với những biến động tự trị một phần do ảnh hưởng quân Chiêm phục hồi đã làm nổi lên những thổ hào thiểu số gốc Thái. Ở trung châu phía bắc, các tập đoàn này bị chận lại vì các cuộc viễn chinh của triều đình, nhưng có vẻ nơi phía nam, tộc đoàn Thái đã lấn lướt nhiều hơn chỉ vì Trần, “người Miền Dưới” tuy có khả năng nhưng cũng gặp phải giới hạn của mình. Điều đó chứng tỏ ở những trận thua vùng Nghệ An (1334-36) vì quân Trần đã xa Thăng Long mà còn lấn qua đến Mekong như đã thấy; và lệnh cấm “nói tiếng Lào” hẳn là do tình hình lấn lướt chủng tộc này. Tuy nhiên ở phía bắc, họ gần với Trần nên có tên riêng (Ngưu Hống) trong sử còn ở phía nam khuất lấp, họ chỉ là những nhóm vô danh theo các triền sông đi xuống các đồng bằng phía đông, lẫn lộn với các tập đoàn thiểu số khác, chịu nói tiếng Việt, Việt hóa / trung châu hóa với các họ Phan, Phạm, Trịnh, Hoàng, ẩn giấu bên trong cả họ Lê, Nguyễn của Mường nữa theo liên hệ hôn nhân tộc đoàn... Vị thế lãnh đạo trên trước của họ lại vẫn không mất trước đám dân gốc Việt tại địa phương nên với triều đình, họ là “thổ hào” nhận chịu chức tước cai trị, quản lĩnh binh lính trong vùng, có trường hợp đủ sức chen vào triều chính Hồ-Trần như Phan Mãnh (1391) – thất bại. Sức mạnh thiểu số đơn lẻ không làm họ thành đạt cao hơn nhưng khi gặp cơ hội phối hợp với các lực lượng khác thì có kết quả khả quan đến tột đỉnh. Đó là trường hợp thành công của nhóm Mường Thái Lam Sơn trong công cuộc chống ách đô hộ nhà Minh, kết thúc vào năm 1428.

11-06

Lời cuối: Tất nhiên viết bài sử theo lối “Hậu hiện đại” này phải nhờ đến sách vở xưa nay, nhờ bạn bè, người quen kẻ lạ cung cấp kiến thức nhưng không nêu ra hết vì muốn để chỉ một mình chịu trách nhiệm mà thôi.

© 2006 talawas


[1]- Châu Đạt Quan, Chân Lạp phong thổ ký, Lê Hương dịch (từ tiếng Pháp - Paul Pelliot, Mémoires sur les coutumes du Cambodge de Tcheou Ta-Kouan, Paris, 1951), Kỷ nguyên Mới xb, Sài Gòn, 1973 (có thể xem tại: http://www.viethoc.org/phorum/read.php?10,7478)
- Chu Đạt Quan, Chân Lạp phong thổ ký, Hà Văn Tấn dịch (từ tiếng Hán trong Tứ khố Toàn thư), NXB Thế giới, Hà Nội, 2006. BT
[2]Trịnh Hòa (鄭和; Cheng Ho), tên thật: Mã Tam Bảo (馬三寶; Mǎ Sānbǎo tên Ả Rập: Hajji Mahmud Shams), 1371–1433, nhà hàng hải và nhà thám hiểm Trung Hoa nổi tiếng nhất. Trịnh Hòa phục vụ Minh Thành Tổ - hoàng đế thứ ba của nhà Minh (trị vì từ 1403 đến 1424). Ông chính là người đã chỉ huy các chuyến thám hiểm được gọi chung là "Thái giám Tam Bảo hạ tây dương" từ năm 1405 đến năm 1433.
Theo Minh sử, ông quê ở Côn Dương 昆阳, (nay là Tấn Ninh 晋宁), tỉnh Vân Nam. Trịnh Hòa thuộc về đẳng cấp Semur và theo Hồi giáo. Ông là hậu duệ đời thứ 6 của Sayyid Ajjal Shams al-Din Omar, một viên quan cai trị tỉnh Vân Nam thời nhà Nguyên và đến từ Bukhara, ngày nay thuộc Uzbekistan. Life Magazine xếp Trịnh Hòa đứng thứ 14 trong số những người quan trọng nhất trong thiên niên kỷ vừa qua. (theo http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BB%8Bnh_H%C3%B2a) BT