Thì “kiếp phù sinh trông thấy mà đau” (Nguyễn Gia Thiều). Thì con người chỉ là công cụ trong tay tạo hóa của xã hội, chỉ là một thứ đồ chơi trong cuộc vần xoay của số phận, của lịch sử. Một con quay. “Cái sợ, cái buồn, cái vui, cái hồi hộp, tôi như con quay ném vào đám chơi, cái dây vật quay tít hay để con quay lăn long lóc, tự tôi chẳng biết ra thế nào” (tr. 216). Nhân vật Bối (người xưng Tôi kể chuyện), đội phó một đội CCRĐ, đã bần thần thế khi đội sửa sai về. Và rồi khi rã đám, tàn cuộc chơi, anh ta bỗng thấy ra: “Chúng tôi đều nhơ nhớp cả, có gì mà nói” (tr. 222). Cả một biến cố lịch sử long trời lở đất tưởng như có thể nằm gọn trong hai câu này của nhân vật chính.
Ba người khác viết trực diện về cải cách ruộng đất. Chuyện kể trong sách là ở thì hiện tại. Cái nhìn biến cố là cái nhìn của người trong cuộc. Anh đội Bối vốn là dân thành phố, trôi nổi trong chiến tranh rồi giữ một chân coi sổ sách và coi kho, khi còn ở Việt Bắc đã lẩn được mấy đợt đi làm giảm tô vì “chẳng biết mặt mũi ruộng đồng bao giờ”, nhưng đến khi về Hà Nội thì không tránh được nữa, phải đi làm “thổ cải”. Thế là Bối thành anh đội, không những thế còn là đội phó, phụ trách việc lập tòa xử án, nắm quyền sinh quyền sát bao mạng sống những người anh không biết, không hiểu. Nói cho ngay thì Bối luôn tránh né phần việc của mình, đùn đẩy sang cho Huỳnh Cự đội trưởng làm tất. Phần vì bản tính anh ta thế. Phần chính là thực chất Cự nắm hết quyền, làm hết việc. Cứ thế cả một đợt cải cách ruộng đất ở một làng quê Bắc Bộ diễn ra dưới con mắt Bối, theo cái nhìn cái thấy cái cảm của nhân vật này, cũng tức là của nhà văn.
“Nhất đội nhì giời” - câu nói một thời, ám ảnh một đời. Nó là sự thực đời sống. Còn hơn thế, nó là sự thật lịch sử. Nhưng mà đọc trong sách thấy cứ như một trò đùa số phận. Một vô thức lịch sử. Một chứng điên tập thể. Và rồi cuộc sống cứ trôi theo quy luật vốn có, những gì bị phá đi thì phải làm lại, đánh mất phải tìm lại, quẳng đi phải lấy lại. Nhưng có những cái không thể làm lại, tìm lại, lấy lại được. Đội trưởng Cự sau ngày cải cách trốn vào Nam theo địch, rồi bị một chiến sĩ giải phóng là con một bần cố nông ngày trước (“Tôi biết mặt thằng Cự, nó đã ở nhà tôi mà”) chém đứt cổ tại cơ quan chiêu hồi ngụy. Chuyện đó “không biết thực hư thế nào”. Cuốn truyện kết lại ở câu văn đó. Thật là Tô Hoài!
Từng có người nói Nam Cao viết tiểu thuyết như tự truyện và Tô Hoài viết tự truyện như tiểu thuyết. Những hồi ký
Cát bụi chân ai, Chiều chiều đã nói đến những cái nhếch nhác, bụi bặm của đời người, không trừ một ai. Lần này,
Ba người khác là tiểu thuyết hóa hồi ức, vẫn là cái mạch viết đó nhưng tập trung vào một biến cố đời sống, vừa là sự trải nghiệm vừa là sự khảo nghiệm. Kinh nghiệm trường đời lưu giữ gần như nguyên vẹn trong ký ức một con người sống hầu xuyên suốt một thế kỷ như ông lão Tô Hoài là khối nguyên liệu vô giá cho nhà văn Tô Hoài viết về cái thời mình sống đầy lão thực và minh triết. Ông chỉ thuật và tả, tả và thuật, giọng văn nhẩn nha, điềm đạm, không đi đâu mà vội, không việc gì mà lớn lối to tiếng. Người đọc cứ thế là theo ông qua nhân vật Bối nhập cuộc một phong trào đấu tranh chính trị mà cứ như đi dạo đi chơi xem phong tục làng quê, xem cảnh sống dân quê, ngó ngàng những thân phận quê, ngủ với gái quê, như không hề biết mình đang can dự, và phải chịu phần trách nhiệm, vào một biến cố lịch sử có một không hai. Ông viết cứ tửng tưng như không, viết cứ như đùa, cứ như kể một câu chuyện ở đâu đâu, không phải của làng nước mình, không phải của mình. Thế mới lại càng đau. Hóa ra là như đùa như bỡn tất, cả cái anh Bối đi làm CCRĐ mà chẳng biết gì về nông thôn và nông dân. Cả cái anh Đình làm trại đại đồng để rồi thân tài ma dại vì trại đại đồng. Cả cái anh Cự đội trưởng cải cách quyền sinh quyền sát rốt cuộc là theo địch. Và ngay cả cái việc họ làm như trong truyện cũng là như một chuyện đùa. Vậy mà không, bởi vì nạn nhân của trò đùa ấy là sinh mạng của bao con người bình thường, là số mệnh của cả một đất nước, là dòng chảy của cả một dân tộc. Đọc
Ba người khác tôi thật rùng mình trước sự đùa mà thật, thật mà đùa của bàn tay nhào nặn lịch sử dưới ngòi bút “ma quái” của bậc lão trượng văn chương Tô Hoài.
Người đọc cũng bị mê mụ đi như người trong cuộc trong sách. Cuốn sách không dày (250 trang) nhưng đọc thì thầy ngồn ngộn lên những người, và việc, và cảnh, thấy thế sự và lòng người dồn chật vào nhau. Con mắt Tô Hoài cứ thế là nhìn khắp lượt, nhìn săm soi mọi cảnh vật, đồ vật, người vật, và ngòi bút Tô Hoài cứ thế là ghi lại mọi thứ một cách chi tiết, tỉ mỉ. Cả cái chuyện ăn nằm trai gái của mấy anh đội với mấy cô bần cố cốt cán cũng vậy, kể như là thấy thế thì kể thế, trong mạch chuyện đã thế thì phải thế. Hiệu quả nghệ thuật ở đây là người đọc bị ném vào một hiện thực như đang có, một hiện thực hữu lý tự nhiên vô cùng, nhưng cũng chính bởi thế mà thành ra như phi lý, bất bình thường. Chỉ đến khi gấp sách rồi, người đọc mới bàng hoàng thấy mình sống được, thoát được cái hoàn cảnh tưởng chừng hết lối sống, hết lối thoát ấy. Cách viết ấy ở một nhà văn lão thành như Tô Hoài phải nói là cao thủ, cao tay. Văn ông còn hiện đại là ở cách viết ấy.
Cách viết ấy có lẽ sẽ đắc dụng hơn nữa, hiệu lực hơn nữa nếu cuốn tiểu thuyết được viết dài hơn nữa. Nhưng mà
Ba người khác được viết ra từ 1992 và đến bây giờ, cuối 2006, mới được xuất bản. Gần mười năm trước đọc nó ở dạng bản thảo tôi đã thấy hay và mong sao nó được sớm in ra. Bây giờ đọc nó ở dạng sách, mừng là nó đã được in ra, và vẫn thấy hay, thấy cái bút lực, sáng tạo của nhà văn Tô Hoài dường như không vơi cạn, không cũ chút nào theo thời gian. Khi viết
Ba người khác ông ở tuổi 72, và những sự kiện đời sống làm thành nội dung cuốn truyện thì ở độ lùi hơn ba chục năm. Tuổi đời ấy, tuổi lịch sử ấy đã cho ông sự từng trải và điềm tĩnh sâu sắc để nhìn lại cuộc sống và ngẫm về thế sự. Cải cách ruộng đất là một vấn đề lớn của lịch sử đất nước, nhưng đó là một đề tài khó cho văn học, một thử thách bản lĩnh và tài năng của nhà văn. Tô Hoài đã chấp nhận và vượt qua thử thách đó phải nói là thành công ở cuốn
Ba người khác này.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, một bạn văn thân thiết của Tô Hoài, ghi nhật ký ngày 9/7/1956: “Cuộc cải cách đợt 5 đáng lẽ làm cho nhân dân phấn khởi thì đã gây bao nhiêu xót thương. Biết bao những người oan uổng. Đau xót vô cùng là đồng chí có công lao trong kháng chiến vào sinh ra tử, ở hầm, ở hố, nay bị đem ra bắn. Có những người theo lệnh của Trung ương ký giấy cho bà con di cư, nay bị đem ra xỉ vả, không có một lời khiếu nại minh oan. Có những người đeo huy hiệu Điện Biên Phủ, cải cách ruộng đất, huân chương, đội trưởng đem lột để bỏ tù, đánh đập. Có những người [được] Bác cho áo, chúng cũng lột cho là làm giả và nghi cho là gián điệp. Rất buồn là đưa lên những cốt cán 17, 18 tuổi không biết gì nhân tình thế thái, cũng không hề tham gia kháng chiến, nay là đội trưởng điều khiển bao nhiêu cán bộ đã tham gia kháng chiến, lăn lộn trong cải cách ruộng đất, và áp bức nông dân, ho ra lửa, thét ra khói. Ironie du sort (
sự trớ trêu của số phận). Bần cố nông chủ nghĩa. Đâu là nhân đạo cách mạng”
[1] .
Đoạn viết này của Nguyễn Huy Tưởng có thể lấy làm ghi chú cho tiểu thuyết
Ba người khác của Tô Hoài. Và cuốn sách của Tô Hoài có lẽ phần nào “vật hóa” được nỗi day dứt đau đớn trong lòng của bạn văn mình. Không biết Nguyễn Huy Tưởng nếu sống đến bây giờ thì có hình tượng hóa nỗi đau ấy thành tiểu thuyết không?
Ba người khác. Cái khác là cái ác chăng? Cái ác có tự trong mỗi người như một con quỷ mà không ai tự biết, khi có hoàn cảnh thì nó trỗi dậy hoành hành. Cái ác do từ ngoài nhập vào biến đổi con người ta thành quỷ. Ba người ở một đội cải cách rốt rồi thành ba người khác, chẳng ai còn nguyên vẹn, tử tế. Nhưng còn nhiều người khác nữa. “Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy”. Nửa thế kỷ sau cải cách ruộng đất, lịch sử đã bắt đầu hiện hình qua văn học.
Hà Nội 22. 12. 2006
© 2006 talawas
[1]Nguyễn Huy Tưởng,
Nhật ký, tập 3:
Nghệ sĩ & công dân, tr. 113, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2006.