Văn há»cVăn há»c Việt Nam 27.12.2006
Nguyễn Xuân Khánh
Äá»c “Ba ngÆ°á»i khác†của bác Tô Hoà i
Tôi đã đọc những tác phẩm của nhà văn Tô Hoài từ trước Cách mạng tháng Tám. Những tác phẩm thời trẻ của ông đã ảnh hưởng tới tôi. Mỗi lần trở về quê làng Noi, phải đi qua Nghĩa Đô, qua ngõ Noi, qua con đường có hàng cây sòi giữa cánh đồng ngăn cách hai làng Noi - Bưởi là tôi lại nhớ đến ông. Phải nói những tác phẩm ở quãng giữa đời ông không gây ấn tượng với tôi. Nhưng những tác phẩm từ thời đổi mới tới nay lại làm tôi rất khâm phục. Tôi thích Cát bụi chân ai và Ba người khác. Ba người khác là một thành công mới của nhà văn lão thành, và có một vị trí đặc biệt trong các tác phẩm của ông.
Nhà văn Tô Hoài đã đổi mới rất nhiều cả về mặt nội dung lẫn hình thức thể hiện tiểu thuyết.
Cuốn sách đã chạm tới một vấn đề rất nhạy cảm là Cải cách ruộng đất (CCRĐ). Cuộc cách mạng thổ cải đã diễn ra nửa thế kỷ rồi, mọi việc tưởng như đã quên lãng. Một nhà văn hỏi tôi rằng: “Sao các nhà văn chúng ta lại vẫn có nhiều người quan tâm viết về CCRĐ thế nhỉ?”. Tôi nghĩ CCRĐ là một vấn đề rất lớn, vì nó động tới vấn đề nông dân tức là đến tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam. Nó động chạm tới văn hóa làng tức là nền tảng văn hóa Việt Nam. CCRĐ đã làm đảo lộn tất cả những giá trị truyền thống Việt Nam. Con tố cha, vợ tố chồng. Rồi bao nhiêu người oan khiên. Người trí thức, người giàu có, người tầng lớp trên, tức là những người thực sự làm ra văn hóa Việt, đều bị ảnh hưởng. Tôi có một người họ hàng tham gia cách mạng từ thời bí mật, đảm nhiệm qua nhiều chức vụ cao. Một lần bàn tới chuyện hồi ký, vì anh đã có thời làm bí thư đoàn ủy cải cách, tôi hỏi: “Các công việc của anh chắc chắn đã có nhiều người viết. Riêng việc CCRĐ nếu anh viết hồi ký, tôi nghĩ sẽ rút ra được nhiều điều bổ ích”. Người họ hàng của tôi im lặng hồi lâu rồi bảo: “Khó đấy! Khó đấy!” Xem như vậy mới thấy nhà văn Tô Hoài, một đội phó CCRĐ, đã viết lại những ký ức của mình về cái thời kinh hoàng “nhất đội nhì giời” ấy thành văn, mà văn hay, thật đáng quý biết bao. Nó là một kinh nghiệm nhắc lại thật buồn lòng, nhưng vẫn phải viết ra. Bởi vì đó là một kinh nghiệm về sự tả khuynh, cực đoan. Mà cứ khi nào tả khuynh cực đoan là đất nước ta mắc sai lầm. Rồi vấn đề văn hóa nữa chứ. Người phương Bắc đã nhiều lần tiêu diệt văn hóa nước ta đã đành. Hình như người Việt ta cũng lắm khi chẳng biết giữ gìn văn hóa của tổ tiên mình. Lê Chiêu Thống đốt phủ chúa Trịnh, CCRĐ tiêu trừ văn hóa phong kiến. Vậy chúng ta cần nhắc lại để những điều tương tự sẽ không xảy ra trong tương lai.
Cuốn Ba người khác đã nói đến vấn đề to lớn ấy bằng một giọng điệu rất bình tĩnh, dung dị, không hề lên gân, hầu như rất thản nhiên mà lại ám ảnh chúng ta vô cùng. Anh em nhà văn thường bảo ông Tô Hoài khôn, hay tránh né. Cuốn sách này bác Tô Hoài chẳng hề né tránh. Khi cuốn sách còn ở dạng bản thảo, mấy năm trước tình cờ tôi đọc được, từ khi ấy tôi đã khâm phục ngòi bút của bậc lão trượng, già rồi mà ngòi bút còn táo bạo, làm chủ được cảm xúc trong một vấn đề gai góc hắc búa, viết cứ như chơi mà thật đau đời.
Đấy là đổi mới về nội dung. Còn việc đổi mới về mặt hình thức của nhà văn Tô Hoài cũng làm người ta sửng sốt.
Trong biểu hiện văn học, tôi vẫn thích cung cách cổ điển cộng thêm với thủ pháp hiện đại hơn là hiện đại hoàn toàn. Có lẽ vì thế nên tôi thích văn phong Ba người khác của nhà văn Tô Hoài.
Đầu tiên là điểm nhìn. Ba người khác viết dưới dạng tự thuật thông qua lời kể của nhân vật Tôi (Bối), đội phó một đội cải cách. Sự lựa chọn ấy thật khéo. Bối có lý lịch là một anh thành thị, không dính líu tới nông thôn, vậy anh ta không bị động chạm trong thổ cải. Không bị động chạm quyền lợi thì sẽ có cái nhìn khách quan hơn, có thể tỉ mỉ trong việc quan sát. Sự lựa chọn ấy cũng khéo vì hoàn cảnh của nhân vật gần giống với tác giả (làng Bưởi đã nửa đô thị hóa từ thời Pháp) vậy nên cách nói Tôi dễ nhập hơn. Điểm nhìn này còn khéo vì nó liên quan tới điểm mạnh trong phong cách làm việc của nhà văn Tô Hoài: đó là sự quan sát tinh vi rồi lại ghi chép tỉ mỉ hàng ngày một cách thường xuyên. Đọc cuốn sách, bản thân tôi cũng được sống lại quãng thời gian 50 năm về trước, lúc đó tôi ở bộ đội và cũng phải đi dự những cuộc đấu tố, xử án. Những kỷ niệm ấy tôi đã lãng quên, nay qua cuốn sách chúng như sống lại.
Tuy nhiên điểm nhìn này cho chúng ta cảm giác một sự bàng quan và hạn chế để soi vào số phận của những người thực sự trong cuộc. Số phận ấy bi kịch và bi thảm vô cùng.
Nhưng điều làm người ta sửng sốt hơn cả là phương pháp biểu hiện của Tô Hoài: ông đã tự sự và miêu tả những chi tiết mà không chọn lọc theo kiểu điển hình hóa. Mở đầu sách là chi tiết một cố nông mút bòi một địa chủ mắc bệnh tim la. Rồi anh đội phó ăn cắp bánh đúc. Các cô bần cố thì đói khát dâm dục. Rồi ăn cám ra sao. Mấy anh đội Cự, Bối, Đình thì đi đến thôn nào là ngủ ngay với cốt cán ở đấy. Rồi bắt rễ xâu chuỗi, chỉnh đốn tổ chức, cụng đầu tố khổ, chia quả thực... Thật tỉ mỉ. Thật u tối. Thật chất phác mộc mạc. Thật hoang sơ sù sì. Con người khốn khổ đến mức bán khai. Và cũng thật là ấn tượng và ám ảnh. Có lẽ tác giả muốn cho thật thực, thực đến mức tàn nhẫn, hơn là muốn tả cho đẹp, theo một định hướng nào. Có lẽ tác giả muốn lạnh lùng, khách quan nhưng là một tiếng thét to mà không thành tiếng: cái nông thôn của ta khốn cùng bi thảm quá. Phải thay đổi nó, nhưng không phải cách như cách các anh đội đang làm.
Cái cách miêu tả, tự sự ấy là cái cách hiện đại: tả đến mức dư thừa, đến mức thái quá, để cho sự miêu tả ấy quấy rầy, ám ảnh người đọc, buộc người đọc phải bàng hoàng suy nghĩ. Cái cách miêu tả ấy là sự pha trộn cả những chi tiết ít giá trị và những cái thực sự quan trọng, cốt yếu là tạo ra sự thái quá gây bàng hoàng cho người đọc.
Còn một điều nữa trong sự mới mẻ của Tô Hoài: đó là tả nhục cảm. Sự miêu tả nhục cảm của bác rất tự nhiên. Ở nông thôn cuộc sống tình dục vốn như thế. Nó suồng sã, nó hồn nhiên, và điều quan trọng là bác Tô Hoài đã vượt qua được sự cấm kị mà ở những người lớn tuổi và có địa vị như bác dễ gì đã vượt được qua.
Trong mỗi con người đều có cả cái ác lẫn cái thiện, cả những bản năng hung bạo và tính văn hoá. Phải giải quyết vấn đề nông thôn bằng văn hoá và nhân nghĩa chứ không thể bằng bạo lực. Năm mươi năm đã trôi qua nhưng vẫn còn quá ít tác phẩm hay nói về vấn đề to lớn đó. Vấn đề vẫn còn đó, nó nằm trong vô thức của cộng đồng. Nhiều người chứng kiến nhưng không ai nói cho rõ được vấn đề. Trong khi đó tôi nghĩ văn học là giải toả, văn học là chữa bệnh. Tôi chợt liên tưởng tới cách chữa bệnh về tinh thần cho con người. Người thầy thuốc, bằng những biện pháp tâm lý, tìm cho ra cái nguyên cớ sinh ra bệnh tật. Tức là làm cho nguyên nhân bệnh từ vô thức chồi lên ý thức. Ở một khía cạnh nào đó, tác phẩm văn học cũng có giá trị như vậy. Cộng đồng người cũng như một con người. Cộng đồng cũng có những ẩn ức. Đưa những ẩn ức nằm trong vô thức của tập thể trở thành minh bạch trong ý thức sẽ giúp cho cộng đồng phòng ngừa được những điều không lành mạnh trong tương lai. Riêng việc bác Tô Hoài mạnh dạn viết được điều gai góc ấy ra thành sách, chúng tôi cũng cảm phục và biết ơn bác.
Chỉ có một điều nhỏ tôi chưa được thích trong cuốn Ba người khác, đó là phần kết. Ba anh đội: Huỳnh Cự thì hàng Mỹ, Tôi (Bối) thì mất việc, lại đi làm thuê cho Tư Nhỡ, Đình thì đi bới rác để hy vọng vào Lâm Đồng lập xóm mới. Giá như tìm được cái kết mở để cho người đọc tự mung lung tưởng tượng về số phận của ba con người đó. Tuy nhiên đó là chuyện riêng của ông Tô Hoài, tại sao tôi lại giá như được.
Xin chúc mừng nhà văn Tô Hoài và cám ơn ông đã cho tôi được đọc một cuốn sách hay.
Hà Nội 12. 2006
© 2006 talawas
|