trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
29.12.2006
Nguyễn Đức Tường
Salut, Vietnam
 1   2 
 
Cuối cùng, tôi cũng về đến đây. Sau nhiều tuần náo nức chờ đợi, suy nghĩ vẩn vơ, chúng tôi đã lên máy bay, trút bỏ tất cả lại đằng sau: mấy chục cen-ti-mét tuyết mới rơi, nhiệt độ bên ngoài âm 15 độ C; đáng kể nhất là những chiếc áo đại hàn dùng để đi trượt tuyết. Việc làm sau cùng này thuận lợi, đáng khen vì, sau chừng 24 giờ, khi máy bay hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất, vào lúc nhá nhem tối vài ngày sau Tết, trời mới đổ mưa xong, nhiệt độ bên ngoài hãy còn là 28 độ.

Suốt mấy tuần lễ liền, bài hát Bonjour Vietnam của ca sĩ người Pháp Marc Lavoine, hát bởi Quỳnh Anh được phổ biến trên một diễn đàn trên Internet một cách “khá” bất hợp pháp. Khá bất hợp pháp là vì nhà quản lý mạng Internet nói hy vọng Quỳnh Anh cùng tác giả bài hát sẽ cho phép phổ biến trên mạng; nhưng rồi, sau vài tuần, theo lời yêu cầu của Quỳnh Anh và tác giả, bài hát bị rút lại không phổ biến trên mạng nữa.

Ca sĩ Lavoine viết bài hát này cho Phạm Quỳnh Anh, một em học sinh 18 tuổi, sinh trưởng ở gần Bruxelles bên Bỉ. Cô là một ca sĩ đang lên. Giọng hát khỏe mạnh, trong sáng của cô đã khiến nhiều người Việt thuộc nhiều lớp tuổi đang sinh sống ở nước ngoài mủi lòng, chảy nước mắt. Có lẽ Quỳnh Anh không cảm thấy được sức mạnh bão táp của lời hát thực sự gây ấn tượng đối với một số người. Như lời Lavoine kể lại, cô chợt ngưng hát, bỏ ống nghe, hỏi anh muốn nói gì với tựa đề bài hát. Sau khi Lavoine giải thích, Quỳnh Anh đeo lại ống nghe, hát ba lần và, vẫn theo Lavoine, “une voix magique”.

Bài hát này nhiều hơn là một bài hát, nó khiến ta nhớ đến Trịnh Công Sơn. Đó là một bài thơ. Rõ ràng là Lavoine đã đi lại dọc ngang trên đất nước, bằng cách nào đó, sinh khí Việt đã thẩm thấu, chảy trong huyết quản của anh. Một ông bạn vong niên của tôi, giáo sư Đàm Quang Hưng, tuổi ngoài bảy mươi, đầu tóc bạc phơ, cũng háo hức nghe bài hát. Tôi không rõ ông đã nghe bao nhiêu lần, bỏ bao nhiêu thì giờ, thức bao nhiêu đêm để đẽo, gọt, cắt, xén, xoa, nắn, mài, rũa từng câu, từng chữ bởi vì cứ vài ngày ông lại hỏi ý kiến bạn bè về chữ này, chữ nọ. Cuối cùng, ông gửi cho bạn bè bài Chào Mẹ Việt Nam như sau:

Kể con nghe cái tên vừa lạ, vừa làm con khó đọc nên lời,
Mà con mang từ thủa chào đời.
Kể con nghe vương quốc cổ thời, với giống dòng hùng anh mắt xếch,
Nói rõ hơn những điều con biết, mà ngại ngùng mẹ chẳng nói ra.
Con chỉ biết mẹ qua hình ảnh, cuộc chiến tranh tàn khốc bạo thô,
Một cuốn phim đạo diễn Cốp Pô [1] , với những chiếc trực thăng thịnh nộ...

Một ngày kia, con về thăm mẹ, sẽ nói lời chào mẹ của con,
Một ngày kia, con về thăm mẹ, sẽ thốt lên hai tiếng Việt Nam.

Kể con nghe sắc da, màu tóc, với đôi chân thon nhỏ tuyệt vời,
Đã mang con từ thủa chào đời.
Kể con nghe căn nhà, đường phố, với những vùng đất lạ miền quê,
Kể con nghe phiên chợ bồng bềnh, với sự tích con thuyền tam bản.
Con chỉ biết hình dung Tổ Quốc, qua ảnh hình cuộc chiến bạo thô,
Một cuốn phim đạo diễn Cốp Pô, với những chiếc trực thăng thịnh nộ...

Một ngày kia, con về thăm mẹ, sẽ nói lời con tự chào con,
Một ngày kia, con về thăm mẹ, sẽ thốt lên hai tiếng Việt Nam.

Con sẽ chào nhà chùa, tượng Phật, giùm lớp người hàng chú, bậc cha
Con sẽ chào các bà cấy lúa, giùm lớp người hàng cô, bậc mẹ
Trong nguyện cầu, thấy lòe ánh sáng, anh em con hiện rõ trong tâm,
Con về với hồn mình, nguồn cội, với quê cha thơm ngát hương trầm...

Một ngày kia, con về thăm mẹ, sẽ nói lời con tự chào con,
Một ngày kia, con về thăm mẹ, sẽ thốt lên hai tiếng Việt Nam,
Sẽ thốt lên hai tiếng Việt Nam.

Từ “nói lời chào mẹ của con” (dire bonjour à ton âme) đến “nói lời con tự chào con” (dire bonjour à mon âme), người nghe tưởng đang nghe một bản nhạc chuyển âm từ cung trưởng sang cung thứ, lắng xuống trong hồn người, tạo nên một cảm giác vừa ngậm ngùi, xót xa vừa giải toả, sung sướng, một khám phá, một revelation. Nhìn qua phản ứng của con gái tôi trước bài hát, (mặc dù cô mới đi chơi Việt Nam về mấy tháng trước, rất thích và lần này đòi đi theo,) tôi chắc Quỳnh Anh cũng cần phải có một thời gian mới có thể cảm thấy được “dire bonjour à mon âme” với đầy đủ trọng lượng của chữ nghĩa. Ngày đó tất sẽ đến vì đất nước này không là vật sở hữu của riêng ai, mặc dù có những xu hướng chính trị khác nhau hay những ông tướng Quảng Lạc đã passés hay những kẻ bịp bợm không từ cả tiền an sinh xã hội của những bà già khốn khổ; họ làm như thể đất nước là một cây kiểng trong nhà, tha hồ thao túng.

Một mâu thuẫn kỳ diệu cho phép mọi người toàn quyền sở hữu và ai cũng có phần, như khi dịch “ma terre”, một phần để cho có vần có điệu, ông bạn tôi dịch là “quê cha” nhưng bịa thêm “thơm ngát hương trầm”; đó là một cử chỉ tuyệt vời của con người xa xứ, tuyên bố chiếm toàn quyền sở hữu. Riêng đối với tôi, “toucher mon âme, mes racines, ma terre...” đem đến cho tôi hình ảnh của Scarlett O'Hara ở cuối phim Cuốn theo chiều gió – Gone With The Wind. Sau khi đứa con độc nhất đã chết, vô vọng, Rhett Butler bỏ đi để cô ở lại một mình trong một trang trại rộng lớn. Bóng Scarlett in trên nền trời đỏ rực, bộ mặt xinh đẹp đanh lại, đượm vẻ tàn nhẫn, cô quyết tâm xây dựng lại, tìm lại cội nguồn, mảnh đất thân yêu của cô không thơm ngát hương trầm mà có lẽ thoang thoảng mùi phân bón...

Bonjour Vietnam, đúng hơn, Bonsoir Vietnam! Sau chuyến bay dài, không có gì đáng kể ngoài chuyện được ăn sáng bằng mì gói trên máy bay, chiếc Boeing khổng lồ đổ xuống ngót 500 hành khách. Trời mới mưa nhưng ra khỏi máy bay vẫn cảm thấy cái nóng hầm hập. Thủ tục kiểm soát hộ chiếu và hành lý nhanh chóng. Tôi do dự, nghĩ đến những chuyện kinh hoàng mà tôi đã được đọc như khám xét hành lý, đô-la Mỹ kẹp sẵn trong hộ chiếu, vân vân. Tấm bảng to trên tường nói ngoài chiếu khán xin đừng để gì trong hộ chiếu khiến tôi yên tâm hơn. Anh công an kiểm soát hộ chiếu tươi cười hỏi phiếu nhập cảnh. Anh hỏi một câu gì đó, tôi không chú ý và không nghe thấy, sau khi hỏi lại, giọng anh hơi xẵng, nói, “thì viết vào đấy!” Tôi hơi ngạc nhiên về sự thay đổi thái độ khá bất ngờ của anh. Có lẽ trong cuộc giao lưu mới của thời đại kinh tế thị trường, ván cờ đổi thế, đồng tiền biết nói – money talks – hàng ngày anh phải chịu đựng, tiếp xúc với nhiều hạng người mà trước đó không lâu, đúng hay sai, anh vẫn nghĩ là kẻ thù, nay khinh khỉnh, rủng rỉnh đem đô-la Mỹ về tham quan đất nước. Tôi muốn nói với anh có thể tôi không là bạn của anh nhưng cũng không phải là thù, nhưng không phải lúc này.

Sau vài phút, hành lý đi qua hải quan và máy khám, không phải mở. Ngoài phi trường, nhân viên khách sạn đã đợi sẵn để đưa về khách sạn.


*


Thành phố Hồ Chí Minh – Sài Gòn – ngày nay không phải là Sài Gòn ngày xưa. Ngày ấy, cách đây đã 32 năm, năm 1974, là lần tôi về thăm Việt Nam lần đầu. Đất nước chia đôi. Ngoài thành phố, đường đi cứ một vài cây số lại có một ụ đất chặn đường để kiểm soát, trông như những mụn lở gớm ghiếc, những người lính Cộng hoà thời ấy trông khỏe mạnh, hùng dũng như bất cứ người lính của một quân đội tinh nhuệ nào trên thế giới. Trong thành phố, một hôm, một anh bạn bác sĩ lái xe đưa tôi đi chơi, đến gần bến Bạch Đằng, gặp một đoàn xe tang nhà binh, trên một cam nhông có mấy chiếc áo quan. Anh dừng xe để nhường, nhưng sau anh nhiều xe sốt ruột bóp còi, vài chiếc xe bóng loáng, đắt tiền vượt anh, len lỏi cắt qua đoàn người trong đám tang. Anh lắc đầu nhìn tôi, hất hàm nói, “cậu trông...” Đó là một ấn tượng khó quên. Vài ngày sau, bàn chuyện đất nước với một anh bạn khác, vị này là một kiến trúc sư, nhớ lại chuyện này tôi nói, “tôi nghĩ Sài Gòn sụp mất.” Anh cãi lại, đưa ra nhiều lý luận để phản bác. Riêng tôi, nhận xét của tôi chỉ là một cảm tưởng nên câu chuyện dừng ở đó. Tôi không bao giờ ngờ Sài Gòn sụp nhanh đến thế, sáu tháng sau!

Sài Gòn ngày nay là cờ đỏ. Nhìn lá cờ bay ngạo nghễ lần đầu tiên, sau bao nhiêu năm, tôi hơi bỡ ngỡ, không còn thấy xao động như khi mới lớn, cách đây hơn nửa thế kỷ, hàng ngày hát đến long phổi, “Diệt phát-xít, giết bầy chó đê hèn của chúng...” Thời gian đã xoa dịu những đau thương của thời đại, phát-xít đã bị tiêu diệt hay đánh đuổi. Lý do khác có lẽ là tại sự hiện hữu của một lá cờ khác, lá cờ vàng ba sọc đỏ, có một thời đã bay ở nhiều nơi trên đất nước. Thật sự, Tây đẻ nó ra, Tây nuôi dưỡng nó với một mục đích đen tối. Cựu hoàng Bảo Đại – công dân Vĩnh Thuỵ – ngồi ở Hồng Kông, nhiều nhân vật đến gặp ông. Tây muốn lợi dụng ông để trở lại Việt Nam (“giải pháp”, “lá bài” hay “bù nhìn”, tuỳ theo người nói), còn những người Việt chống cộng sản muốn dùng ông làm cái neo để quy tụ lực lượng. Tây thắng!

Vua Bảo Đại có lẽ không là một người xấu, nhưng ông không phải là người quyền biến, mưu lược để cáng đáng một công việc khó khăn như những người chống cộng mong muốn. Theo GS Hoàng Xuân Hãn, sử gia Trần Trọng Kim nói vắn tắt, “Tây nó lừa ông!” Một số người như Nhất Linh, Hoàng Đạo,... nhìn rõ ông chỉ là một giải pháp hay lá bài, bỏ về ở ẩn; vài người khác như luật sư Trần Văn Tuyên cộng tác ít lâu, không chịu nổi, cũng bỏ đi luôn. Chính phủ đầu tiên của Quốc trưởng Bảo Đại ra đời với Thủ tướng là một ông tướng Tây, thực sự là Tây, tướng Nguyễn Văn Xuân, trước đó không lâu hãy còn là một lãnh tụ của chính phủ Nam Kỳ tự trị. Lá cờ vàng ba sọc đỏ ra đời.

Thủ tướng của những chính phủ kế tiếp cũng thường là những ông Tây. Chút ít vốn liếng uy tín của Quốc trưởng Bảo Đại, vốn đã không nhiều, theo thời gian rơi rụng như lá mùa thu. Thật oái oăm, những chính phủ của ông càng ngày càng có thêm quyền, Việt Nam càng ngày càng độc lập, nhưng đó không phải là câu chuyện “bất chiến tự nhiên thành”, vì đâu đó, trên khắp nước, không biết bao nhiêu người Việt đã đổ máu chiến đấu và Tây càng ngày càng thua đậm. Chính nhà vua cũng phải than trong cuốn sách của ông, Le dragon d'Annam, Tây cho độc lập đến năm lần mà vẫn chưa xong. Lần thứ nhất là cuộc trao đổi giữa vua Bảo Đại và Tổng thống Pháp Vincent Auriol tại điện Elysée ngày 8 tháng Ba 1949; lần thứ năm chính phủ Pháp mới lập của Thủ tướng Joseph Laniel tuyên bố sẽ “làm cho hoàn hảo nền độc lập của các quốc gia liên kết” – parfaire l'indépendance des Etats associés – ngày 3 tháng Bảy 1953 và mãi đến ngày 4 tháng Sáu 1954, trước khi chính phủ của ông bị đổ và sau khi Tây đã hàng ở Điện Biên Phủ, vị Thủ tướng này và Thủ tướng Bửu Lộc mới trao đổi văn kiện cho Việt Nam độc lập một cách “hoàn hảo”.

Công bình mà nói, ở vào giai đoạn “làm cho hoàn hảo nền độc lập của các quốc gia liên kết” này, cuộc chiến không còn là chiến tranh thuộc địa nữa mà chỉ còn là cuộc chiến để bảo tồn sự vinh quang của nước Pháp – Liên hiệp Pháp. Các quốc gia liên kết trong Liên hiệp Pháp (Việt-Mên-Lào) được trao trả lại những quyền quyết định, định nghĩa một quốc gia: ngoại giao, nội vụ và quốc phòng. Sự việc không xảy ra dễ dàng, đã đành rằng quân đội viễn chinh đang gặp khó khăn trên khắp các mặt trận nhưng người làm cho chính phủ Pháp lúng túng nhất lại là Quốc vương Sihanouk của Cao Mên. Vua Sihanouk, ở vào thời đại của ông và như một người Á Đông, thường có những hành động khác thường; nhiều người Việt coi ông như một anh hề – bouffon – nhưng nếu có ai chịu khó tìm đọc New York Times số ngày 19 tháng Tư 1953 thì sẽ thấy “anh hề” quả đã có một kiệt tác, đi rất xa trước thời đại của mình. Sihanouk sang Paris nói chuyện với chính phủ Pháp về vấn đề độc lập. Không hài lòng, ông sang Hoa Kỳ, nói chuyện với báo chí ở New York. Về Cao Mên, ông đóng đô ở Siamreap, không về Pnom Penh, và tuyên bố sẽ ở đây cho đến khi nước ông được độc lập. Với hành động này, Sihanouk đã thắt chặt hàng ngũ dân Cao Mên sau lưng ông và ngay cả những người đang chống đối ông cũng phải nhìn nhận ông là một người ái quốc.

Lịch sử không có chữ “nếu” nhưng ta hãy cứ “nếu” thử để tưởng tượng mà chơi. Nếu vua Bảo Đại đã có một cử chỉ tương tự như Sihanouk thì lịch sử Việt Nam sẽ đi theo chiều hướng nào? Vào năm 1953, có lẽ đã muộn quá, nhưng trước đó nước Pháp đã cho ông độc lập đến bốn lần, ông không thiếu cơ hội, người Pháp không thể truất phế ông dễ dàng như đã từng làm với cha anh ông. Với hành động này, trước hết dưới mắt người dân Việt, ông không là cái bung xung của Pháp và, do đấy, ông là một biểu tượng đáng kể, không thể bỏ qua được, cục diện đất nước sẽ khác hẳn; biết đâu đấy, cuộc chiến với người Mỹ có thể đã không xảy ra.

Như đã xảy ra, với nền độc lập “hoàn hảo” thì ông Thủ tướng Tây Nguyễn Văn Tâm (cũng đã từng là mật thám Tây) không thể còn chỗ đứng. Từ đây, cuộc chiến sắp tới được gieo mầm bắt đầu bén rễ. Tưởng cũng nên thêm, vào mấy năm này Đảng Cộng sản Pháp xuống đường chống chiến tranh, ủng hộ người anh em thuộc địa rất hăng hái. Điều đáng tiếc là khi ấy họ chỉ là một cái túi đựng nhiều gió lớn, đã bị gạt ra ngoài chính phủ. Chiến tranh đã kéo dài bảy năm. Nước Pháp đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để giải quyết vấn đề một cách tốt đẹp vào những năm 1945, 1946 và 1947; trong những năm ấy, Đảng Cộng sản Pháp đang mạnh, có quyền quyết định vì giữ nhiều bộ trong chính phủ; tuy vậy, họ không bao giờ xao lãng việc bỏ phiếu phê chuẩn ngân sách chiến tranh hay việc gửi thêm quân sang Đông Dương. Rồi đến Hiệp định Genève, mấy nước đồng minh anh em Nga-Tàu, vì quyền lợi của riêng họ, cũng ít nhiều bán đứng người anh em luôn. Những người lãnh đạo miền Bắc Việt Nam không quên những chuyện này, qua những tài liệu được giải mật trong những năm gần đây, điều đó hiện ra rõ ràng trong những cuộc điều đình rất gai góc với người Mỹ, nhiều khi không có lợi cho Việt Nam nữa.

Ít tháng trước Hiệp định Genève, một nhà cách mạng lão thành, ông Nghiêm Kế Tổ, cho xuất bản cuốn sách Việt Nam máu lửa. Vì lý do nào đó, ông không bỏ được vị vua đã hết thời; mặc tất cả những lỗi lầm, đúng hay sai, mà ông kể bên phe kháng chiến, những cố gắng tô điểm cho những ông Tây của ông là những nỗ lực buồn thảm đến Hercules có lẽ cũng phải chịu thua. Trong sách của ông, người ta cũng được đọc cụm từ “chính nghĩa quốc gia”, và có lẽ đó là lý do người ta cố gột rửa cụm từ này mãi mà không sạch.

Lần thứ sáu, không còn gì để cho nữa, Tây ra đi, trao trả lại cái xác nhà, Việt Nam độc lập dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng rồi Tổng thống Ngô Đình Diệm, sau khi Quốc trưởng Bảo Đại bị truất phế. Người ta có thể phê bình nhiều về cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, nhưng một điều không thể nghi ngờ là ông đã nhận trách nhiệm không phải để làm bù nhìn, phục vụ quyền lợi của ngoại bang (ông đã từng từ quan triều Nguyễn, bù nhìn của chính phủ bảo hộ) và đó là một trong những lý do mà anh em ông bị giết. Chính thể của ông đã dẹp được các sứ quân cùng những tướng tá tay chân của Tây như Nguyễn Văn Hinh, Nguyễn Văn Vỹ và, ít nhất trong một thời gian, đã thổi luồng sinh khí chính nghĩa vào cụm từ “chính nghĩa quốc gia”. Sau ông, chính phủ là một tập hợp phép hoán vị những chiếc ghế diễn nhạc của hầu hết những tướng tá được đào tạo từ thời Tây cũ (người ta nói trừ tướng Dương Văn Minh, các ông tướng khác đều đã từng thuộc nhóm đảng của tướng Tây Nguyễn Văn Hinh), quân đội Mỹ đổ bộ vào Việt Nam, không hề được mời, dù lấy lệ, của chính phủ của các ông tướng này. Dù thế nào chăng nữa, thực tế phức tạp, người ta không thể bảo những người lính Cộng hoà bấy giờ chỉ là những tên lính đánh thuê, chết mướn cho ngoại bang như dưới thời Tây / Quốc trưởng Bảo Đại. Mặc tất cả những ông tướng ấy, quá nhiều người Việt lương thiện đã chết dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ, tin tưởng ở chính nghĩa của họ. Đó là cái thảm kịch của đất nước, một nội chiến bị lồng vào cuộc chiến tranh khác, người ta nói là uỷ nhiệm hay ý thức hệ, nhưng cốt lõi, nhìn từ chỗ đứng của một anh dân thuộc địa, nó vẫn chỉ là cuộc chiến giành quyền tự chủ nằm trong quan hệ chung là sự tranh giành quyền lợi giữa các đế quốc. Không có những thế lực ngoại quốc này, chiến tranh cũng chỉ nhì nhằng như dưới thời Trịnh-Nguyễn. Kết quả của cuộc chiến dai dẳng mới, còn hơn cả những thiệt hại về tài sản, tính mạng không thể tả nên lời, đó còn là nguyên nhân của những hận thù cay đắng giữa người Việt với người Việt, đến nay vẫn còn tồn tại, một hai thế hệ khó bề giải toả hết.


*


Hà Nội mùa này không vắng những cơn mưa; đó là những cơn mưa dầm dề, rỉ rả, rất Hà Nội, không ướt mà cũng không khô. Sáng ra, thực sự nhiều khi không thấy mưa nhưng mặt đường ẩm ướt. Vài ngày đầu, ta thấy hay hay, gợi nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa, nhưng rồi quen dần với những hoài niệm nhẹ nhàng đã cũ, bắt đầu để ý thấy nước lép nhép dưới chân, và sốt ruột. Đúng là Hà Nội của hơn nửa thế kỷ trước, mưa bụi – không có hoa sữa. Thứ hoa này tôi tò mò muốn biết, được nhắc đến biết bao lần trong bài hát, trong văn chương nửa thế kỷ sau. Một ông bạn nhà văn, người Trung, nhưng sống ở Hà Nội lâu năm, ông kể mỗi khi phải xa Hà Nội, công tác trong Nam, ông lại nhớ, thấy thiếu mùi hăng hăng của hoa sữa. Hoa sữa được trồng đầy đường Nguyễn Du; tôi cuốc bộ dọc con đường quen thuộc, thanh lịch này đến hồ Thiền Quang, đi tìm hoa sữa. Trái mùa, hoa đã kết thành quả, từng chùm từng chùm như những chùm đậu đũa. Và tôi vẫn chưa biết mùi hoa sữa.

Đi từ Sài Gòn ra Hà Nội, sự tương phản rất rõ. Sài Gòn sống vội vã, cho ta cảm tưởng mọi việc làm cần phải có kết quả tức thì. Có người nói Sài Gòn mộc mạc, thiếu chiều sâu nếu không nói là hời hợt, nhưng đó có lẽ là một nhận xét mộc mạc, thiếu chiều sâu của người Bắc. Chỉ mãi sau này, đọc sách, tiếp cận với bạn bè, qua những cử chỉ, những câu nói bất ngờ, không tính toán trước tôi mới hiểu cái vội vã ấy chỉ là bề mặt, giấu kín đằng sau sự thiết tha, thâm trầm, một thân tình quý giá bền vững. Hà Nội tà tà hơn. Đi bộ trên vỉa hè Hà Nội, ngay cả những giờ cao điểm rộn rịp, nhất là ở những đại lộ cây cao bóng mát, khách từ xa trở về cảm thấy sự gần gũi, thanh thản, một nét vẻ riêng của Hà Nội khó định nghĩa. Tám chín giờ sáng, lác đác vòng quanh Bờ Hồ đã có vài cặp trai gái ngồi ôm nhau hôn hít – light necking – ấy vậy mà ta quên mất chuyện này, nhìn qua hàng liễu rủ cùng Tháp Rùa mờ mờ, ta đột nhiên cảm nhận cái thanh lịch, cái élégance của đất nghìn năm văn vật mà người ta vẫn hay nói.

Hà Nội ngay sau Tết, không là mùa du lịch nhưng khách du lịch vẫn đầy đường, phần đông là Tây ba-lô. Tây ba-lô là những khách du lịch đủ mọi quốc tịch, không nhất thiết phải mũi lõ, mắt xanh vì có không thiếu gì những thanh thiếu niên Úc, Mỹ, Canada,... gốc Việt. Đặc điểm của Tây ba-lô hiển nhiên là chiếc ba-lô, một túi lớn có nhiều túi chứa đủ mọi thứ vật dụng; chất đầy, tôi nghe nói có thể nặng đến bốn mươi ki-lô. Có những cô Tây (Đầm) ba-lô gốc Việt, nhỏ thó, tải trên lưng những chiếc ba-lô cao gần bằng cô. Tôi gặp nhiều gia đình Tây ba-lô; tôi nhớ đặc biệt một gia đình Hà Lan, hai vợ chồng và hai con nhỏ, một trai, một gái chừng 6-8 tuổi; bà mẹ thỉnh thoảng mở đọc cuốn sách du lịch về Việt Nam, rồi ngồi cẩn thận cắt nghĩa cho hai con; đây là một cuộc đi chơi học hỏi tương đối rẻ tiền. Hay một gia đình Tây ba-lô khác, có lẽ người Đức, sau khi đã an vị trên tàu (đi vịnh Hạ Long), ông bố kiểm điểm đồ đạc, nhân sự, rồi mở ba-lô lấy nước, phó mát lá và bánh bích quy xốp phân phát cho mọi người. Tây ba-lô con đeo chiếc ba-lô con (ở Việt Nam, tôi chưa thấy Tây ba-lô dắt theo một con chó như ở Montréal.)

Đi du lịch những nước đắt đỏ, Tây ba-lô thường cắm lều ngủ ngoài trời. Ở Việt Nam, chỉ cần chừng mười đô-la ta cũng có thể ở khách sạn đàng hoàng, có máy lạnh, nếu khéo ra có khi được cả ăn sáng; Tây ba-lô hầu hết ngủ trong khách sạn. Tiết kiệm nhưng không nghèo, Tây ba-lô nào cũng có máy ảnh số đắt tiền; mỗi khi máy ảnh đầy, họ chỉ việc đến quán Internet, tốn chừng mười xu (hai nghìn đồng Việt Nam), viết thư, đọc thư và tải ảnh lên chứa trên Internet, máy ảnh lại như mới. Hàng năm Tây ba-lô đem vào Việt Nam một số ngoại tệ không nhỏ, nhất là sau vụ sóng thần ở Nam Dương, mùa Giáng sinh 2004.

Trời bắt đầu quang sau vài ngày mưa, tôi đi vịnh Hạ Long. Chừng ba mươi lăm đô-la (nhiều người nói là tôi đã trả đắt hơn mất mười đô-la) cho phép ta thăm vịnh Hạ Long hai ngày một đêm, ăn tổng cộng ba bữa, đêm ngủ lại một khách sạn ở đảo Cát Bà. Tuy các công ty du lịch cạnh tranh nhau rất gắt gao, vì cần thiết, trong dịch vụ này họ vẫn phải thu xếp, làm ăn với nhau để sao cho chiếc xe van mười lăm chỗ ngồi và tàu du lịch ở bến tỉnh Hạ Long bao giờ cũng đầy khách. Bến tàu rất chật, tàu chen chúc; muốn lên tàu thường phải trèo qua hai ba tàu khác.

Trong nhóm đi Hạ Long của tôi, ngoài một cặp vợ chồng Việt mới cưới ở Hà Nội, đi tuần trăng mật, còn lại quá nửa là Tây ba-lô. Xe đóng kín cửa sổ vì mở máy điều hoà nhiệt độ, mùi người hôi ẩm, ngột ngạt đến nỗi một bà phải xin cô hướng dẫn mở cửa sổ mươi phút, cho thoáng. Cô hướng dẫn tốt nghiệp đại học, nói tiếng Anh lưu loát, duyên dáng, thân mật, dọc đường từ Hà Nội đến Hải Phòng giới thiệu về vịnh Hạ Long và những nơi chốn đi qua.

Tây ba-lô thì cũng là người, nghĩa là gồm đủ mọi từng lớp, mầu sắc. Ngồi nghe họ trao đổi, so sánh khách sạn, hàng quán ta có thể có đầy đủ tin tức sống động, hữu ích, không sách du lịch nào bằng. Còn kể về xấu ăn thì có lẽ không Tây ba-lô nào tệ bằng Tây ba-lô on budget – tiêu pha hết sức chi li. Trong nhóm của tôi có ba người Mỹ, Tây ba-lô on budget như thế, một bà tuổi trung niên, giọng nói dáng chừng Mid-West, một cậu giọng Brooklyn, còn một cậu phát âm, thí dụ chữ downtown, giọng dài bẹp xuống, phải là dân Texas. Trên bàn ăn, hai mâm cho mười người, bà nhìn một lượt thấy có một món có vẻ hợp khẩu vị của mình, rất thoải mái, bà trút vào đĩa mình quá nửa đĩa. Còn hai cậu Texas và Brooklyn thì ngồi đối diện nhau, giữa hai mâm, cũng rất thoải mái, ăn ở mâm này một miếng, gắp ở mâm kia một miếng, nhanh vô địch. Tôi ăn ít, không phải tranh nhau với ai; chỉ tội nghiệp cặp vợ chồng mới cưới ngồi đầu bàn, quá lịch sự, e dè thành ra bị đói. Mấy bữa ăn sau, rút kinh nghiệm, như con diều hâu nhảy xuống bắt gà con, thấy đĩa nào ưng ý, tôi chụp xuống lấy đĩa, không phải cho tôi mà để tiếp cặp vợ chồng mới cưới, hậu hĩ. Họ không ngớt miệng, “cảm ơn chú!”


*


“Hai trăm năm chục, mua không, chú?” Cô đầu cơ vé chào khách trước cửa Nhà hát lớn Hà Nội.

“Nhưng chỗ ngồi tốt không, em?”

“Chỗ tốt, chú, E10.”

Vé gồm ba hạng: tám mươi, một trăm và một trăm hai mươi nghìn đồng Việt Nam. Như vậy, vé đắt nhất vẫn chưa đến mười đô-la, tính nhẩm số ghế E10 cũng không xa sân khấu bao nhiêu, tôi làm một cố gắng yếu ớt, mà cả với cô bán vé. Đó là một việc làm không lợi nhuận bởi vì cô có thể ngửi thấy mùi Việt kiều đang ham từ xa mười thước. Một cô khách hàng khác nhìn với con mắt nửa thương hại nửa chán ghét; cô bình luận nhẹ nhàng Việt kiều quá thật thà, tuy mang về cho đất nước ngoại tệ nhưng đồng thời cũng lại làm đời sống thêm đắt đỏ, vật giá leo thang.

Tôi mua được vé đi xem Thương lắm, Tóc dài ơi, chương trình gồm nhiều nghệ sĩ ưu tú: Mỹ Linh, Thu Hiền, Ngọc Anh, Xuân Nhị,... Tôi chưa bao giờ được ngồi chỗ sang, dưới nhà Nhà hát lớn Hà Nội, lần này sẽ là lần đầu tiên và, với ghế ở hàng E, tôi có thể gần như với tới sân khấu. Nhưng tôi đã nhầm. Khi cô đưa chỗ chỉ đường lên gác, tôi mới biết mình lại phải lên tận từng thứ ba. Bực mình vì bị hớ, nhưng rồi nghĩ lại thấy vui vui: tôi được ngồi ở chỗ ghế rất quen thuộc của mình. Ngày xưa, từng này gọi là “chuồng gà” – poulailler – đó là nơi túi tiền học trò của tôi ngự trị.

Nhìn xuống từ chuồng gà, xem Mỹ Linh – gái một con trông mòn con mắt – hát, khói mờ mờ ảo ảo, kỹ xảo sân khấu, ta tưởng như đang nhìn xuống từ thiên đường hay thế giới bên kia! Dần dà, tay chân co duỗi tự do, thần trí mung lung, cũng từ chuồng gà này ta đã nghe Thái Thanh hát. Cũng từ sân khấu này cô thổn thức, tả Quê nghèo,

Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói,
Có những cánh đồng cát dài,
Có luỹ tre còm tả tơi...

Tiếng hát xâm nhập khiến cho hồn người sôi động, nhớ lại những ngày tản cư, ăn bao giờ cũng đói, mang về những nơi chốn, làng xóm, ruộng đồng, vật nhau với bạn trên cánh đồng Mũa Đồng sau mùa gặt, mỗi khi đi học về, gốc rạ đâm vào lưng... Thật hạnh phúc khi ta có thể làm được những điều nực cười một cách thoải mái, như đạp xe đạp dọc đường Trần Hưng Đạo, nơi có villa Thái Thanh và ban Hợp ca Thăng Long ở, “thám thính” mỗi ngày vài lần. Hơn ba mươi năm sau, nghe Thái Thanh hát lại Quê nghèo ở Montréal, giọng – bây giờ là bà – vẫn hay tuy đã bị thời gian gọt đẽo khá nhiều, nhưng tôi đâu có nghe bà vì tôi, mắt muốn đẫm nước, đang mải nghe tiếng cô Thái Thanh vang lên từ Nhà hát lớn Hà Nội, giọng cô cao vút, tròn đầy, mạnh khỏe không thua giọng Mỹ Linh dưới kia, nhưng truyền cảm hơn nhiều. Thái Thanh, Tiếng Hát Vượt Thời Gian!

Nhà hát lớn Hà Nội, chuồng gà, không chỉ là một rạp hát mà còn là cả một đời người cho một số người. Cũng ở đây, từ chuồng gà này, trong một tuần lễ tôi đã xem kịch Lôi Vũ của Tào Ngu hai lần, một lần thứ ba ở Nhà hát lớn Hải Phòng, Tiền Phong đạo diễn với vai chính là Kiều Hạnh và Phạm Đình Sỹ. Lôi Vũ ở Hà Nội dài sáu tiếng, khán giả có hai giờ nghỉ ở giữa, tôi chạy ù về nhà ở đầu đường Phan Chu Trinh để ăn rồi quay lại xem tiếp; trình diễn ở Hải Phòng, Lôi Vũ bị cắt đi vài đoạn, còn bốn tiếng. Tình cờ được đọc cuốn Tầm xuân, hồi ức của Đặng Anh Đào, tôi mới được biết Lôi Vũ cũng đã được trình diễn năm 1946, bản dịch của Đặng Thái Mai, với Kiều Hạnh trong vai cô Phượng, con sen nhà họ Chu; Phượng dan díu với Chu Bình, cậu cả con ông chủ. Trong Lôi Vũ tôi xem, Kiều Hạnh đóng vai Phồn Y, vợ kế của ông chủ, mẹ Chu Xung. Phồn Y chỉ hơn Chu Bình vài tuổi; mối tình loạn luân mẹ kế – cậu cả khiến Chu Xung hoảng loạn, chạy ra ngoài trong cơn giông bão (Lôi Vũ) bị điện giật chết. Từ trên cao này, tôi nhìn Phồn Y điên dại, hai tay giơ cao, mặt ngửng lên trời vừa cười hay khóc (?) vừa nói: “Tại sao con nhe răng cười mẹ như thế?” Câu hỏi và vẻ mặt Kiều Hạnh in hằn trong tâm trí tôi, cũng giống như một câu nói và vẻ mặt khác trong một vở kịch của Ibsen mà sau này tôi xem, khi cô vai chính ngồi vừa xé từng tờ tập bản thảo ném vào trong lửa vừa nói: “Tôi đốt con anh! Tôi đốt con anh!”

“Ai về mua lấy miệng cười, Ta về mua lại mảnh đời thơ ngây...” Hai trăm năm chục nghìn đồng để mua lại những ngày trong sáng của thời mới lớn. Liều thuốc cải lão hoàn đồng. Quá rẻ!


*


“A, cụ ông đã về! Cụ ông đã về! Thưa cụ bà có về cùng không ạ?”

Who? Me? Tôi giật mình nghe cô cháu họ xinh đẹp, nhanh nhẩu bế con ra chào. Thì ra tôi đã có chắt gọi bằng cụ. Hoàn toàn không phải lỗi tại tôi! Lần đầu tiên về quê nội, được chắt ra đón còn hơn không. Ngày xưa về làng, ta hình dung một cổng làng, một luỹ tre, và nếu con em trong làng học hành thành đạt về làng thì được làng nước tiếp đón nồng hậu. Tôi biết bác tôi đã từng được tiếp đón nồng hậu. Bà Anh Đào kể chuyện khi còn nhỏ về làng được chào đón, “A, con gái Quan Đốc đã về!” bà giải thích thêm ông Đặng Thái Mai, thân sinh của bà, khi ấy là hiệu trưởng một trường trung học. Ngày đi tản cư, đến ở làng ông Nguyễn Mạnh Tường, tôi nghe dân làng thì thầm kể chuyện về ông “Nghè Tường” vừa kính cẩn vừa huyền bí như một truyện cổ tích. Ngày nay, thời buổi tân tiến, không thấy nhà cô cháu có sập gụ, tủ chè nhưng có ti-vi, hi-fi và hình như người nào cũng có điện thoại di động. Nhưng không còn thấy cổng làng với luỹ tre xanh và về làng thì được... chắt ra đón. Tôi mất một hai ngày chào hỏi họ hàng, thăm viếng mồ mả tổ tiên cho đúng phép. Nhà thờ chi họ chính, tuy ở ngay trong tỉnh lỵ, đã bị mất vào thời cải cách ruộng đất. Đất bị chia cắt; ngày nay họ hàng bàn định mua lại đất cũ để xây lại nhà thờ tổ.

Chuyện vui buồn nhiều không kể xiết. Tôi đi tìm lại những bạn bè thời niên thiếu. Sau hơn nửa thế kỷ không liên lạc, bạn bè dù thân gặp lại nhau cũng chỉ là những người xa lạ. Bỡ ngỡ, ngậm ngùi, mừng rỡ nhưng dè dặt, ta diễu võ vòng quanh hồi lâu để tìm lại những điểm chung nhau, những chuyện nên nói, những điều cấm kỵ; tìm cách trấn an bạn đi xe gắn máy không có nghĩa là nghèo hèn và lái ô-tô không nhất thiết là sang trọng hay hạnh phúc. Có một người bạn tôi rất muốn gặp lại nhưng không kịp; nghe nói anh sống khá vất vả, tôi muốn kể cho anh nghe chuyện bài Quốc tế ca của anh đã gây phiền nhiễu cho tôi như thế nào, để cười cho bõ. Gia đình anh ở lại Hải Phòng sau Hiệp định Genève, từ đó anh gửi vào Huế cho tôi bài hát khi hai miền vẫn còn thư từ đi lại. Tôi dại dột mang Quốc tế ca ra khoe ở giữa lớp trường Quốc Học. Ngày hôm sau, sợ xanh mặt vì, sau giờ học, hai ông công an đứng chờ sẵn ngoài cửa, mời lên ngồi giữa trên xe jeep đem về nhà, khám xét, lục lọi sách vở, đọc hết thư từ mà các ông ấy gọi là thư... tình; tai hại hơn nữa là mấy hôm sau, cả lớp biết vì ông hiệu trưởng kiêm giáo sư toán ra cười hỏi chuyện thư tình ngay giữa lớp. May mắn, không chuyện gì tệ hơn xảy ra nhưng tôi được tiếng là “học sinh kháng chiến”.

Những bạn bè cũ, nói chung, đều thành đạt, nhiều người có học vị cao, bác sĩ, kỹ sư. Một người bạn tôi rất mến, đẹp giai, đàn giỏi, hát hay, ngày nay là một giáo sư tiến sĩ, tuy đã nghỉ hưu nhưng anh vẫn còn dạy những lớp cao học ở Nhạc viện. Như đã kể ở trên, chúng tôi cũng phải mất đến nửa giờ diễu võ để tìm tần số cộng hưởng. Ngày xưa, ngày đại hội của nhà trường, đứng trước tấm màn nhung trên sân khấu Nhà hát lớn, anh hát “Đêm qua ra đứng bờ ao, Trông cá cá lặn trông sao sao mờ...” đã khiến nhiều con tim thổn thức. Một anh bạn khác, học cùng với tôi từ khi còn ở thị xã Hải Dương, khi chúng tôi chừng tám chín tuổi, nay là kỹ sư cũng đã nghỉ hưu. Anh kể cho tôi nghe giờ phút kinh hoàng mà anh đã sống qua những cuộc ném bom rải thảm của máy bay B52. Ông thân của anh giục mọi người xuống hầm; ở dưới hầm nghe những tiếng nổ “thịch, thịch, ...” không lớn lắm, anh vội chạy lên tìm bố thì thấy cụ chỉ bị thương nhẹ, nhà cửa chung quanh còn đứng trước đó mới mấy phút đã biến đâu mất. Nhưng những cảnh đó không thấm gì với bom bỏ ở nhà máy dệt rồi sau đó anh phải đẩy xe đi chôn đồng nghiệp. Đó là những biến cố làm đứt đoạn đời người, chia thành những mảnh đời riêng biệt. Sau buổi hàn huyên và đọc lại truyện tôi viết về ông thày học cũ ở Hải Dương cùng tháng Ba năm Đói, nằm qua đêm, anh nói thấy lòng lâng lâng, nhìn lại diễn biến của một đoạn đời mình đã hoàn toàn quên hay đã đánh mất. Kể lại những biến cố đã xảy ra từ hơn ba mươi năm trước, mặt anh vẫn còn lộ vẻ đau thương, cảm xúc tràn đầy nhiều lúc như đê chực vỡ. Quãng đời trước, anh thuộc thành phần tiểu tư sản “nòi”, quãng đời này có lẽ anh là người cộng sản, nhưng nhìn sự phẫn nộ trong ánh mắt anh, tôi không nhìn thấy màu sắc chính trị mà chỉ thấy sự phẫn nộ đơn thuần của một anh dân nước nhược tiểu, cái phẫn nộ tôi chia sẻ đã manh nha từ ngày còn rủ nhau đi học, bước qua những xác người chết đói.

Một niềm vui khác là được gặp lại một bà bạn đồng nghiệp cũ – “bạn” là tiếng thậm xưng, tuy hy vọng được kể là bạn của bà từ nay. Để tôi giải thích thêm. Năm 1974, bà là giáo sư, thành viên của phái đoàn đi dự một hội nghị quốc tế ở Canada. Phái đoàn đến thăm trường đại học tôi đang dạy. Nói chuyện bên lề, bà là người rất cởi mở, vui vẻ. Tôi có ý định mời cả phái đoàn đi ăn cơm cùng tình nguyện hướng dẫn đi thăm thành phố. Nhưng phái đoàn lớn hơn là một tập hợp những thành viên. Không thật sự có lý do nào chắc chắn cả, tôi đột nhiên cảm thấy có một bức tường vô hình chắn ngang và cũng không có lý do nào vững chắc cả, tôi thấy tự nhiên mình đứng ở phía bên kia bức tường. Tôi ngần ngại, không muốn mời vì cảm thấy có thể làm cho mọi người lúng túng. Hơn ba mươi năm sau, về Hà Nội, tôi gọi điện thoại cho bà, tự giới thiệu. Bà nói chuyện qua điện thoại vẫn cùng với một giọng nói niềm nở, óng ả của người Hà Nội, không già thêm một ngày nào. Ngày hôm sau đến thăm bà, vẫn cùng một cách probing sắc bén, bà hỏi thăm điều này điều nọ. Mấy giờ đồng hồ qua nhanh như giờ tán gẫu giữa những bạn lâu năm.


*


Tôi định đi chơi Trung Quốc, nhưng nghĩ lại nước mình chưa xem đủ, nên thôi, bèn đi từ Nam ra Bắc bằng máy bay rồi vào Nam lại bằng đường bộ. Đôi lời về kỹ nghệ hàng không. Việt Nam có hai hãng hàng không cạnh tranh nhau ráo riết: công ty nhà nước Vietnam Airlines và công ty cổ phần Pacific Airlines. Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài Anh BBC, ông Tổng Giám đốc công ty nhà nước phản ứng hết sức quái dị trước mấy câu hỏi vô tư, cho người nghe cảm tưởng ông mới về xuôi, gây nên một ấn tượng xấu. Thật ra, các công ty hàng không Việt Nam ngày nay không thua kém ai, việc ăn uống trên máy bay còn có phần hơn hẳn. Và cũng đúng như nhà văn kiêm bác sĩ tâm thần người Pháp François Lelord đã tả, các cô chiêu đãi của Vietnam Airlines tha thướt trong những chiếc áo lụa dài đỏ thẫm, cổ viền vàng nhạt, có dáng vẻ của “những nàng công chúa trong truyện cổ tích phương Đông”. Các cô cũng không khinh khỉnh, khinh người, mà luôn miệng mỉm cười nói nhẹ nhàng, thân thiện, “Dạ, đây là chỗ ngồi của chú!” Trong sự nồng nhiệt của ông, nhà văn hình như đã quên mất chiếc áo lụa dài cũng là một thứ đồng phục; hơn nữa, ông đã không công bình khi cho xuống cấp những bộ đồng phục cùng các cô chiêu đãi phương Tây. Quả thực, các cô chiêu đãi của Pacific Airlines không mặc áo dài; trong bộ đồng phục phương Tây màu xanh, trông các cô cũng duyên dáng, kiều diễm chẳng thua gì những nàng công chúa bước ra từ truyện cổ tích phương Tây (thế nào là phương Đông và phương Tây? Ta có thể viết nhiều trang để bàn luận, chính danh cách nói ngắn gọn qua mấy từ này. Nó phiến diện và lười biếng quá!) Bay Pacific Airlines, Hà Nội – Sài Gòn rẻ hơn Vietnam Airlines chừng mười đô-la. Máy bay trễ mất mười phút, cô chiêu đãi xin lỗi hai lần, lúc lên và lúc xuống.

Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay
Ta đi từ miền hoang vu vượt hết núi đồi
Vượt thác cheo leo
Tay ta vượt đèo
Từ quê nghèo lên phố lớn
Nắm tay nối liền biển xanh sông gấm...

Chiếc xe chạy êm ả trên đường xuyên Việt, trên đường vào Nam, những câu hát của Trịnh Công Sơn vang lên trong trí óc tôi; lần về thăm nhà năm 1974, tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần bài hát này, mà tôi cho chỉ là mộng tưởng. Đem tôi về thực tại, chú tài nói xa xa kia là cầu Hàm Rồng, Mỹ ném bom mãi mới sụp, nay sửa lại cho tàu hoả chạy. Xe chạy qua Thanh Hoá, ra bãi biển Sầm Sơn. Đây là lần đầu tiên đi Sầm Sơn nhưng tôi tưởng như rất quen thuộc. Ngày xưa, mỗi vụ hè, bố tôi thường vào đây cắm trại cùng đoàn hướng đạo, ông hay kể về Sầm Sơn cùng những rặng phi lao; cũng có thể vì tôi bị ám ảnh bởi số phận của anh Vọi, Trương Chi tân thời. Ngày nay, không còn thấy những rặng phi lao, thay vào đấy là đủ loại khách sạn, nhà khách lớn nhỏ, mùa này vắng vẻ, thiếu khách. Hòn Trống Mái vẫn còn đó nhưng không có anh Vọi.

Rồi đến Nghệ Tĩnh thanh bình nhưng đã từng là một xứ sở sôi động, quật cường. Miền Trung của đất nước, ở đâu là nơi người ta hay nói “chó ăn đá, gà ăn muối”? Miền đất này không trù phú nhưng cũng không thể gọi là nghèo nàn, và về phong cảnh hữu tình thì cũng không đặc biệt hơn so sánh với nhiều nơi khác. Đêm ngủ lại ở nhà bà con ở Cầu Giát, tôi nghĩ mãi về lý do tại sao miền này đã cung cấp cho đất nước không biết bao nhiêu những người con văn hoá, cách mạng. Không lẽ đó chỉ là vấn đề phong thuỷ, ông Tả Ao đã kiếm đúng mạch đất đầy vượng khí quanh quẩn đâu đây, cũng nên! Nằm nghe chó sủa, tôi vẩn vơ nghĩ đến Hà Nội, người Hà Nội, bây giờ chỉ đôi khi mới được nghe tiếng đặc Hà Nội, như “... phải chờ lâu lắm cơ!” Chữ “cơ” duyên dáng như chỉ có người sinh đẻ ở Hà Nội, đã sống ở đây trước thời chiến mới có thể đặt câu, phát âm uyển chuyển, tự nhiên như thế. Bởi vì tiếng Hà Nội ngày nay vẫn là tiếng Bắc nhẹ nhàng, thanh lịch nhưng phảng phất pha giọng Nghệ Tĩnh, còn tài xế taxi thì hầu hết nói ngọng n ra l hay ngược lại. Nghe tôi phát biểu, bà bạn, tác giả của chữ “cơ” ở trên, cười, không phản đối.

Đi dọc theo chiều dài của đất nước không phải là du lịch, mà là một cuộc hành hương. Ngồi ăn với một đám thanh thiếu niên người Úc gốc Việt; mấy người này đã về chơi nhiều lần, vài người đã đi làm, vài người còn là sinh viên. Họ thuộc loại người có đời sống dễ dàng, sung túc, luôn nói luôn cười, vui nhộn, vô tư,

“Chú ơi, chú có con trai không? Con này nó đang đi kiếm chồng đó!”

“Không, tôi chỉ có con gái.”

“Ồ, vậy tốt cho thằng này quá! Nó đang kiếm vợ.”

“Nhưng học có giỏi không mới được chứ?”

“Dạ, nó vừa bắt đầu hành nghề bác sĩ nội thương!”

Đối thoại vui đùa như vậy qua bữa cơm trưa. Một cô hỏi, “cảm tưởng của chú về Việt Nam thế nào sau bao nhiêu năm sống xa đất nước?” Thú thực, tôi không nhớ đã trả lời cô như thế nào, có lẽ chỉ là một câu nói chung chung, không có gì đặc sắc. Hình như tôi nói rất sung sướng thấy đất nước ngày nay không còn chiến tranh, chết chóc và nhất là không bao giờ tưởng tượng được rằng, trong phần đời mình, tôi có dịp đi chơi từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam thoải mái như ngày hôm nay. Không lẽ chỉ có vậy thôi mà cô khóc; tôi để ý nhìn thấy cô nước mắt đầm đìa sau khi bạn đồng hành của cô cười chế giễu: “Bọn bay xem con M. mau nước mắt, lại khóc kia kìa!”

Đứng ở bên này (hay là “bên kia”?) cầu Hiền Lương nhìn sang bên kia bờ sông Bến Hải, nước sông lười biếng chảy, đầu óc tôi trống rỗng. Trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, thi sĩ Federico García Lorca đã cảnh cáo: “Ở Tây Ban Nha, người chết sống động hơn người chết ở bất cứ nước nào trên thế giới.” Ngày nay, kỷ niệm 70 năm cuộc nội chiến (ngày 18 tháng Bảy), có thể nói Tây Ban Nha đã tìm được cách để chung sống yên ổn và đã chôn được hết các bóng ma của họ. Hiển nhiên, García Lorca nói vậy vì ông không biết cuộc chiến ở Việt Nam; ông bị ám sát bởi những tên phát-xít của Franco năm 1936. Cổ thành Quảng Trị, nay đã được trùng tu, đài kỷ niệm chiến sĩ xây ở giữa đầy khách thăm viếng, khói hương mù mịt. Một bà, mặt tỏ vẻ khó chịu, lẩm bẩm cốt ý cho người khác nghe thấy, “du khách thì đến đây làm gì?” Vậy đó, chỗ này là chỗ rất riêng tư trong gia đình, du khách thì đến đây làm gì? Mà ai là du khách? Không phải tôi, tôi đã từng dạy học ở thị xã này một vụ hè, gia đình tôi đã sống ở đây trong nhiều năm. Năm 1974, tôi về thăm, tìm lại ngôi trường cũ, căn nhà cũ; không dấu vết, toàn là cây dại tràn lan, cổ thành là một khúc tường đổ nát. Mặc cho bao nhiêu hương khói, hằn học hận thù có vẻ vẫn chưa tan, các bóng ma vẫn chưa được siêu thoát.

Đã hơn ba mươi năm từ ngày hết chiến tranh, đất nước còn rất nhiều bóng ma rất cần được siêu thoát. Trên đường vào Nam, bắt đầu từ Vinh đã thấy lác đác những nghĩa trang mới, và rồi từ Quảng Trị trở đi thì đất nước là một cái nghĩa trang khổng lồ. Hầu như mỗi làng, mỗi xóm, mỗi thị trấn đều có nghĩa trang mới được xây cất chu đáo, ở giữa là tượng đài “Tổ quốc ghi ơn”. Tổ quốc ghi ơn, Tổ quốc ghi ơn... Mấy nghìn năm lịch sử, Tổ quốc luôn luôn ghi ơn những đứa con đã bỏ mình cho đất nước. Nhưng ngoài chuyện ta đọc đi đọc lại trong sách vở, không có mấy thứ đập vào mắt, nhắc nhở ta về những đứa con đó. Từ nay, cho đến ngày cuối cùng của lịch sử, dân Việt có những nghĩa trang này làm bằng chứng. Đó là những người đã chết vì chiến đấu. Nhưng còn cả triệu dân thường chết thầm lặng không vì chiến đấu, còn hai triệu người chết đói năm 1945, Tổ quốc không phải ghi ơn họ nhưng Tổ quốc có nợ họ một chút gì không?

© 2006 talawas



[1]Cốp Pô: Francis Coppola, đạo diễn phim Apocalypse Now