trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
1.1.2007
Nhất Linh
Giòng sông Thanh Thuỷ
(ChÆ°Æ¡ng 1, 2, 3)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Phần thứ nhất
Ba người bộ hành

Chương một

Ngọc tiến về phía cửa hàng cà-phê của Thanh ở Cổng Bắc, trong người cảm thấy lạnh hơn mọi buổi sáng. Chàng mỉm cười vẩn vơ, chờ đón một cách khoan khoái những cơn gió cuối thu từ ngoài cánh đồng thổi lọt qua các đường ngõ chật hẹp của thành phố Mông Tự.
Ngày hôm trước, chiếc áo da Mỹ đắt tiền do một người bạn ở Côn Minh biếu để chàng mặc phòng rét, chàng đã bán được một giá rất hời. Đây là lần đầu tiên chàng có được một số tiền khá lớn từ khi hơn hai năm trước, chàng rời bỏ đất Việt sang tỉnh Vân Nam để cùng các anh em khác, sống một cuộc đời cách mệnh nghèo khổ nhưng hào hứng lúc nào cũng chỉ mong chóng đến ngày trở về nước, giải thoát dân tộc khỏi ách đô hộ của người Pháp.

Lòng tuy vui vì được sống một cuộc đời khác thường ở Côn Minh, Khai Viễn, Mông Tự, một cuộc đời đầy nguy hiểm, nhất là những lúc được Ninh bí danh N.3, trung ương uỷ viên ban chấp hành hải ngoại bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng phái về các "công tác trạm" đặt rải rác ở biên giới Hoa Việt, nhưng chàng vẫn thèm ăn các thức ngon; địa vị cách mệnh, sự thiếu thốn về tài chính của Đảng chỉ cho phép chàng ăn cơm với một ít rau hoặc một ít "tàu sì" kho thật mặn, hoặc có khi chỉ có cơm hẩm với muối ớt trộn dấm.

Chàng nhớ lại cái thú đêm hôm trước, đến Cổng Tây, ngồi xuống chiếc ghế gỗ của một hàng quà rong, hai tay đón lấy một bát phở thịt cừu bốc hơi nghi ngút. Ngọc vẫn thích nhất phở cừu, lại gặp lúc thèm nên ăn càng thấy ngon. Người chàng mặc phong phanh có chiếc áo sơ mi mỏng; quanh chàng chỉ toàn người Tàu nên chàng không cần e dè, giữ lễ độ; thỉnh thoảng chàng đưa bát phở cừu lên và lua một hơi rồi ngừng lại nghe ngóng cái thú ăn ngon và đợi những cơn gió lạnh ban đêm thổi tới.

Ăn xong bát phở, thấy còn thòm thèm, Ngọc gọi thêm một bát "qua cầu mễ phẩn" [1] . Tuy bát nước dùng không bốc khói vì mặt nước có nhiều mỡ, nhưng rất nóng, chàng không thể lấy tay cầm lên được, đành phải đặt nó xuống cái bàn thấp chân của nhà hàng. Ngọc không ăn theo cách cho dần bún ở bát bên cạnh sang bát nước dùng, đúng lối ăn "bắc cầu bún" từ bát nọ sang bát kia như mọi người Tàu; chàng đổ cả bát bún lạnh sang bát nước dùng nóng bỏng cho nguội bớt rồi húp một hơi dài, vừa ăn vừa ngẫm nghĩ đến chất béo của nước dùng, đến các miếng bồ dục, cổ hũ, gan lợn, ngọt đậm mà từ lâu lắm chàng chưa được hưởng.

Tuy đã ăn hết hai bát phở cừu và "qua cầu mễ phẩn" nhưng vì thiếu chất bổ từ lâu nên chàng không cảm thấy no quá, trong người ấm áp không nghĩ tới gió lạnh nữa. Ngọc cũng bắt chước người Tàu vỗ vào bụng mấy cái, trả tiền rồi đứng dậy, tiến ngược lên chiều gió lạnh. Chàng thấy có lẽ từ bé đến giờ chưa từng được ăn ngon như thế, mà lại ngay trong lúc là một người cách mệnh, chàng không có quyền nghĩ đến ăn ngon cũng như nhà tu hành phải lấy khổ hạnh làm vui. Dẫu sao chàng cũng "hà" một tiếng khoan khoái, tự nhủ:

"Mai kia có chết vì phận sự thì cũng hả cái dạ dầy này."

Đêm ấy, chàng tạt qua nhà đồng chí Hoạt; Phương em gái Hoạt đương ngồi đan dưới ánh nến như đợi chàng. Phương đặt chiếc áo đan dở xuống ngửng nhìn Ngọc. Hai con mắt Phương sáng hẳn lên và long lanh dưới ánh nến. Phương nhìn chàng đầy tình tứ:

"Anh đi đâu về thế? Anh chị em đi ăn tiệc đằng bác Cần, có lẽ khuya lắm mới về. Năm nay Mông-Tự rét sớm quá anh nhỉ?"

Ngọc ngồi xuống cạnh chỗ Phương đan, nhìn ngắm Phương. Sau một lúc yên lặng, chàng hỏi:

"Cô đan gì thế?"

"Em đương đan chiếc áo len. Trong lúc chiến tranh khó kiếm được len quá! Em phải nhờ một người bạn lên tận Côn Minh mới mua được thứ len tốt này. Anh trông màu len này có ưng ý không?"

Bỗng nàng sửng sốt nhìn vào người Ngọc:

"Kìa, đêm lạnh, sao anh lại chỉ mặc áo sơ mi trần. Cái áo da Mỹ của anh đâu?"

Ngọc mỉm cười:

"Tôi đã bán nó đi rồi, được một số tiền khá nhiều."

"Đời nhà ai, mùa đông sắp đến lại đi bán áo rét. Anh lạ thật! Em đến chịu những người như các anh thôi!"

Rồi Phương đứng lên, lại gần Ngọc giơ một mảnh len đan dở, hỏi:

"Anh có ưng màu len này không?"

Phương vừa nói vừa ướm thử miếng len vào ngực Ngọc rồi thốt lên:

"Màu này hợp với nước da anh quá. Em cố đan thật mau, đan đêm đan ngày... em đan quen lắm không bao giờ mỏi tay cả; sao anh lại có vẻ như không tin em?"

Phương nói luôn một hồi, tay vẫn không quên thoăn thoắt cử động hai chiếc que đan. Ngọc đã hiểu là Phương định biếu mình chiếc áo len, nhưng ngượng không nói hẳn ra. Chàng cảm động và câu mà chàng chú ý đến nhất là câu Phương nói rằng hai vợ chồng Hoạt đi ăn cơm khách khuya lắm mới về. Ngọc biết Phương đã yêu chàng từ lâu và săn sóc chàng đủ thứ mỗi khi chàng đi công tác ở biên giới trở về. Ngọc cũng để lòng yêu Phương, vì Phương có một vẻ đẹp đôn hậu, dịu dàng. Chàng nói:

"Màu áo len này có vẻ hợp với tôi lắm. Cô đưa tôi xem lại."

Chàng cầm lấy mảnh len đan dở và vô tình tay chàng chạm vào tay Phương. Chàng đưa miếng len ra gần ánh nến để xem màu cho kỹ, rồi cũng bắt chước Phương đặt miếng len lên ngực Phương chỗ hai bầu vú phồng lên. Chàng ngắm len rồi lại ngắm nét mặt Phương, nhất là hai con mắt nàng dưới ánh nến mà chàng biết đã long lanh sáng lên vì sung sướng. Chàng nhớ lại lời Phương bảo hai vợ chồng Hoạt đi vắng nhà chỉ có mình nàng. Chàng nói không nghĩ ngợi:

"Đan xong áo này, cô cho tôi, vì mùa lạnh tới nơi mà tôi trót dại bán áo da rồi."

Phương cúi mặt đáp:

"Em cố đan thật mau, chắc độ ba hôm nữa xong. Để em lấy thước đo tay anh. Nhưng thôi cũng chẳng cần đo, em cứ đan dài tay một chút, lúc mặc anh cuốn lên thì vừa. Sáng thứ ba, đúng thứ ba, em gói cẩn thận để khi anh đến rồi lúc đi, anh cứ cầm đi như một cái gói anh đã đem sẵn từ khi tới... Hay thế này tiện hơn, hôm thứ ba anh đợi em ở đầu phố, đúng lúc tám giờ sáng, em đi chợ rồi đưa anh; như vậy anh chị Hoạt không biết gì cả."

Một cơn gió mạnh từ cửa sổ thổi vào suýt làm tắt ngọn nến. Ngọc chạy ra đóng cửa sổ lại. Lúc quay trở vào, chàng nghĩ giá có ôm lấy Phương mà hôn chắc Phương cũng thuận, nhưng tự nhiên có thứ gì ngăn chàng lại. Chàng nói:

"Thứ ba, đúng tám giờ tôi đợi cô ở đầu phố. Bây giờ đành phải chịu lạnh đợi đến hôm đó vậy. Thôi chào cô, tôi về. Đêm nay, chắc thế nào cũng nằm mê thấy được mặc áo đẹp của tiên nữ ban cho."

"Anh nhớ đúng hẹn. Em mong đấy."

Phương ra mở cửa rồi đứng nhìn theo Ngọc đi khuất dần vào bóng tối. Nàng đặt tay lên ngực, chỗ Ngọc vừa ướm thử miếng len rồi mỉm cười, thở hắt ra một cái nhẹ.


*


Sáng hôm sau, Ngọc thức dậy mới biết là đêm không mơ thấy tiên nào ban áo cả; chàng đã ngủ một giấc ngon lành không mộng mị, một giấc ngủ cũng ngon như bát phở cừu ăn trong gió lạnh đêm hôm trước.

Tám giờ sáng, chàng mặc xong quần áo và bước chân chàng tự nhiên tiến về phía cửa hàng cà-phê của Thanh có tiếng ngon nhất Mông Tự. Lúc bước vào cửa hàng không có một người khách nào. Chàng gọi to, giọng đùa:

“Cô chủ hiệu Thanh Hương đi đâu mà biệt tăm tích. Tám giờ sáng còn ngủ sao?”

Một tiếng nói thanh thanh từ trên gác vẳng xuống:

“Nghe như tiếng anh Ngọc. Sáng nay tôi không bán chịu đâu. Anh có tiền trả ngay tôi mới xuống, nếu không mời anh đi nơi khác. Mà anh còn nợ tôi bốn cốc cà-phê. Anh đợi đấy tôi xuống đòi nợ, nếu không có tiền thì tôi lột áo.”

Ngọc ngửng lên nhìn sàn gác gỗ hở khe, nghe tiếng guốc đi vội vàng của Thanh:

“Có mỗi chiếc áo da Mỹ để diện thì đã bán hôm qua rồi. Còn áo đâu để cô lột nhưng tiền thì vô số.”

Thực ra Ngọc không biết Thanh người ở đâu, làm gì và tại sao lại đến Mông Tự mở một hiệu cà-phê; tuy cà-phê rất ngon nhưng khách hàng không đông lắm. Chàng cũng biết chắc Thanh không phải là nhân viên của Quốc Dân Đảng phái về vì chàng đã hỏi Ninh về việc ấy. Chàng thấy đời Thanh có điều gì bí ẩn, nhưng vì cà-phê của nàng ngon nhất Mông Tự, Thanh lại săn sóc và có cảm tình đặc biệt đối với chàng, nên chàng thường lai vãng cửa hiệu, có khi ngồi hàng giờ để nói chuyện với Thanh. Chàng thấy Thanh có đôi mắt đẹp và sắc sảo, ăn nói rất có duyên; những ý nghĩ của nàng rất hợp với chàng; Thanh nói về bất cứ vấn đề gì cũng tỏ ra thành thạo và sâu sắc; giữa chàng và Thanh có ngầm một thứ gì mà chàng chưa nhận rõ.

Thanh bước xuống cầu thang hỏi Ngọc:

“Tám giờ rồi cơ à anh?”

“Thì cô trông ánh mặt trời là biết.”

Thanh vào nhà trong pha cà-phê, có vẻ vội vã. Khi đem hai cốc cà-phê phin, Thanh nói với Ngọc:

“Mời anh lên gác uống. Tôi cũng uống với anh cho vui.”

Ngọc chẳng hiểu vì cớ gì nhưng cũng theo Thanh lên gác. Quả nhiên ở ngay cạnh cửa sổ có một cái bàn trải khăn rất xinh và hai cái ghế bành mây đối diện ngồi thật thoải mái. Cửa sổ lại mở ra phía cánh đồng có hàng cây dương liễu loang loáng vàng về phía mặt trời mọc. Chàng ngồi xuống ghế đối diện Thanh và định bắt đầu nói những chuyện bâng quơ với Thanh như những khi hiệu vắng khách. Trái hẳn mọi lần, Thanh lơ đãng không bắt chuyện. Nàng hình như băn khoăn, bứt rứt điều gì. Thỉnh thoảng nàng lại nghe ngóng xem có tiếng ai dưới nhà không. Ngọc đợi chất đặc cà-phê rỏ xuống hết rồi cho thêm nước nóng cầm cốc uống thong thả.

Bỗng Thanh bỏ cốc đang uống dở xuống bàn, bảo Ngọc:

“Anh cứ đợi tôi trên gác. Hình như có khách.”

Rồi nàng ghé tai Ngọc nói khẽ:

“Anh cứ ngồi yên lặng uống, đợi tôi lên hãy hay.”

Có tiếng kéo ghế rồi tiếng thìa khoắng cốc. Ngọc nghĩ thầm:

“Người khách hàng này chắc không phải tay sành cà-phê vì chắc là uống cà-phê đen thường hoặc cà-phê sữa.”

Chàng tò mò, rón rén đi thật nhẹ rồi cúi rạp xuống sàn gác nhìn qua khe hở. Chàng thấy đầu một người khách đàn ông và đầu Thanh ghé sát gần chạm nhau. Hai người thì thầm nói chuyện; Ngọc cố lắng tai song không nghe rõ được tiếng gì. Chàng cố nhận mặt người đàn ông nhưng người ấy lại ngồi xoay lưng về phía chàng; chàng chỉ thấy hai vành tai hơi to, cái cổ gầy và vai bên phải hình như hơi cao hơn vai bên trái. Người đàn ông mặc bộ quần áo tây màu xám tro, đi đôi giầy tây vàng đã cũ, đế bằng lốp ô-tô. Độ hơn mười lăm phút sau, Thanh lên; Ngọc làm bộ nhìn ra cửa sổ ngắm phong cảnh và ngẫm nghĩ đến hương vị điếu thuốc lá Mỹ đắt tiền mà chàng đã mua hôm trước.

Ngọc quay lại hỏi:

“Khách nào thế?”

Thanh nhắp môi vào cốc cà-phê đã nguội của mình rồi nói thẫn thờ:

“Khách lạ. Chẳng biết ông nào, nhưng chắc không phải người Mông Tự.”

Ngọc nói:

“Dân ấy uống mau thế chắc là dân cà-phê đen thường.”

“Sao anh biết?"

"Vào uống một lát rồi ra, mà cà-phê phin của cô thì phải ít nhất mười lăm phút mới xong. Bây giờ hết khách, cô ngồi đây uống với tôi cho vui. Để tôi chế thêm nước sôi trong phích. Tôi không ngờ đâu có chỗ ngồi uống thích như thế này. Ngồi đây, có thể ngồi cả ngày cũng được. Lần sau tôi đến, cô cho phép tôi ngồi đây nhé."

"Được anh cứ lên. Nhưng bây giờ anh hãy trả nợ bốn cốc và trả tiền cốc hôm nay đi đã."

Ngọc kéo ra một tập giấy Quan Kim đưa Thanh.

“Sao nhiều thế này, anh? À tiền bán áo, anh trả nợ năm cốc rồi anh cho tôi vay cả số tiền này có được không?”

“Vui lòng, cô cứ cầm lấy rồi trừ dần vào tiền tôi uống cà-phê.”

Thanh chạy sang gian bên cạnh đem một bình hoa hồng đặt giữa hai người.

“Cô xơi một điếu Lucky?”

“Làm cách mệnh mà sang nhỉ?”

Hai người vừa uống cà-phê vừa hút thuốc lá nhưng chưa biết sáng nay định đem chuyện gì ra nói. Thanh đột nhiên hỏi:

“Lần này chắc anh sắp đi xa. Hàng cà-phê tôi lại vắng một quý khách.”

Ngọc nghĩ thầm chắc người khách lạ là người của Ninh phái về báo tin cho Thanh và Thanh cũng là một nữ cán bộ của Ninh nhưng Ninh không cho chàng biết vì Ninh rất kín đáo, làm việc gì cũng chu tất; nếu đúng vậy thì nay mai chàng sẽ được lệnh đi xa. Chàng chỉ việc ngồi đợi xem có đúng như mình dự đoán không?

“Hay là anh chàng vừa tới là nhân tình của Thanh nên Thanh vội vã mời mình lên gác để hai người trò chuyện tự do.”

Nghĩ đến điều đó, Ngọc thấy nhói ở tim. Nhưng chàng vội gạt ngay ý nghĩ ấy, mắt nhìn vào mắt Thanh dò xét:

“Sao cô biết tôi sắp đi xa?”

“Việc gì mà tôi chẳng biết. Anh không nghĩ ra à? Có mỗi một cái áo da Mỹ mà anh lại đem bán đi thì chắc anh không lên phía bắc nữa, không lên Côn Minh, vậy chỉ còn một đường là anh sắp xuống biên giới; một là ở biên giới ít lạnh hơn, hai là mặc bộ áo da Mỹ sang trọng ấy, đi về biên giới thì có khác gì mặc áo gấm đi chăn lợn không. Tôi là đàn bà xoàng cũng đoán được, anh đi làm cách mệnh như anh, anh nghĩ liệu có xứng đáng không? Rồi anh xem, nếu tôi đoán không trúng thì anh cứ chặt đầu tôi đi.

"Tôi chặt đầu cô? Để làm gì? Đêm qua bán áo tôi đã ăn luôn một bát phở cừu và một bát ‘Cô sèo mi siển’ [2] , những thứ đó ngon hơn là thủ cấp của cô. Thà cứ để đấy mà ngắm còn thú vị hơn. Chặt đầu cô rồi, dẫu mắt cô vẫn mở nhưng trông lờ đờ như mắt lợn luộc còn đâu cái vẻ linh lợi sắc sảo như bây giờ."

Bỗng Ngọc thốt ra như nói một mình:

"Đẹp quá!"

"Cái gì đẹp cơ anh?"

Ngọc nhìn qua cửa sổ về phía vườn sau, chỉ cho Thanh một cây lựu lá lăn tăn, loáng bóng ánh sáng mặt trời, trong lá lẫn vài nụ lựu mới nứt để xòe ra mấy cánh trắng trong như lụa nõn và những quả đã gần chín da xanh nám hồng một nửa, trông như ngọc thạch.

"Cô thấy còn gì đẹp hơn không?"

Thanh gật gật; nàng biết là Ngọc mượn cớ lấy lựu để khen nàng đẹp. Thanh nói:

"Anh thi sĩ nhỉ. Làm cách mệnh như anh, giết người nổi tiếng mà anh còn thấy hoa lựu nở là đẹp cơ à?"

"Tôi giết ai bao giờ?”

“Anh lại còn giấu, không kể những người phản quốc hay Việt Minh anh giết ở các vùng biên giới, không ai biết đấy là đâu nhưng riêng tôi, tôi biết anh đã ‘đưa lên núi’ [3] rất nhiều người phản quốc, cộng sản hay thân Pháp ở Khai Viễn, Mông Tự. Anh nổi tiếng mà anh không tự biết.”

Ngọc uống cạn cốc cà-phê bảo Thanh:

“Cô pha cho tôi cốc cà-phê phin nữa.”

Khi Thanh đem lên một cốc mới, Ngọc nói:

“Tôi hiền lành như bụt thế này mà cô bảo tôi giết người.”

Thanh nhìn thẳng vào mắt Ngọc:

“Hiền thì hiền thật, tôi cũng đã biết rõ anh là người giầu tình cảm, có một tâm hồn thi sĩ; anh rất nhân đạo nhưng một khi anh đã gia nhập cách mệnh, anh chỉ như một người lính không muốn giết người mà vẫn phải giết khi ra trận; anh với người lính, một khi đã bị cái ‘guồng máy’ nó lôi cuốn, chỉ biết phục tùng mệnh lệnh. Giá anh đừng gia nhập cách mệnh thì hơn. Bây giờ anh kể cho tôi nghe vì cớ gì anh sang đây gia nhập hàng ngũ Việt Quốc. Tôi thích nghe anh kể chuyện lắm nhưng cốt nhất là anh đừng giấu tôi cái gì cả, cũng đừng nói khoe mẽ. Tôi, tôi hiểu anh lắm.”


Chương hai

Ngọc uống từng ngụm cà-phê nóng thơm, mắt đăm đăm như nhớ lại quá khứ, rồi thong thả kể chuyện cho Thanh nghe. Chàng thổ lộ với Thanh cả những điều thầm kín nhất trong tâm hồn mà chàng chưa từng dám ngỏ cùng ai nhất là mối tình của chàng đối với Thuý từ khi chàng mới mười chín tuổi. Hồi đó vì nhà Ngọc sa sút chàng phải đi sang học nghề đan “den” ở làng bên cạnh. Ông Cả thân sinh cô Thuý nhận hàng ở Hà Nội về rồi thuê thợ nam nữ ở các vùng lân cận đến đan. Ông dậy cả con gái ông nữa. Lúc Ngọc đến vì chưa quen nghề, nên Thuý thường đến chỉ bảo. Thuý là con gái nhà quê nhưng hai má hồng tự nhiên và đôi mắt đen tinh nghịch đã quyến rũ chàng ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Tính Ngọc cả thẹn nên không dám ngỏ tình ý gì; chàng chỉ thấy lòng mình lâng lâng mỗi buổi sáng sang bên làng La để học nghề. Chàng học đan rất tấn tới mặc dầu không kiếm được bao nhiêu để giúp đỡ nhà, gồm có một ông bố, một người chị và mấy đứa cháu họ mồ côi.

Trong bọn thợ đến làm den chỉ có chàng là người có học và mọi người không ai bảo ai đều gọi chàng bằng cậu vì họ biết chàng là con một ông đồ bên làng Bằng, chỉ vì nhà sa sút nên phải học nghề thợ den. Học được ít lâu chị chàng kiếm được cho chàng một chân dậy học tư ở nhà một cụ Phủ về hưu, công việc rất nhàn lại kiếm được gấp đôi tiền. Nhưng chàng từ chối nói với chị:

“Em thích học nghề.”

Thuý cũng cảm ngay Ngọc từ khi chàng tới. Cô con gái quê ấy lấy cớ dạy chàng đan den nên suốt ngày ở cạnh chàng; nàng rất vui tính và nói đùa với Ngọc trước mặt mọi người, không thẹn thùng gì cả. Thuý nhí nhảnh như con chim non và lần đầu tiên nàng biết thế nào là tình yêu.

Ông Cả bà Cả chỉ có hai người con: một trai và một gái. Người con trai đã lớn tuổi bỏ đi đâu, làm việc gì bố mẹ cũng không biết, thỉnh thoảng lắm, có khi tới nửa năm mới tạt qua nhà một lần, vì vậy hai ông bà rất đỗi chiều chuộng Thuý; hai ông bà không ai nói với ai nhưng đều ngầm tán thành việc con gái mình lấy Ngọc vì nhà Ngọc là nhà gia thế và tính Ngọc hiền hậu rất hợp ý hai ông bà.

Dần dà mọi người thợ den đều nghĩ thầm với nhau cho Ngọc sẽ là rể tương lai của ông bà Cả. Nhưng Ngọc vẫn chưa lần nào ngỏ tình yêu với Thuý. Mặc dầu vậy, Thuý đã biết rõ là Ngọc yêu mình; những ngày ông bà Cả không đem được hàng ở Hà Nội về thì Thuý đi ra vào không thiết làm gì cả, lúc nào cũng chỉ mơ tưởng đến Ngọc. Nhiều lần nàng sang bên làng Ngọc lấy cớ là đi chợ Bằng mong có dịp Ngọc ra chợ chơi và được nhìn thấy Ngọc cho đỡ nhớ. Song vì Ngọc không bao giờ ra chợ cả nên Thuý lúc trở về lại buồn hơn lúc chưa đi, và tuy biết là vô lý nàng cũng tức Ngọc như là chính Ngọc đã sai hẹn với mình. Có lần không chịu được nữa, nàng tạt vào nhà Ngọc, bảo chàng:

“Sáng mai có hàng ở Hà Nội về; nhân tiện tôi qua chợ Bằng có tí việc, thầy tôi nhắn sáng mai cậu lại sang làm giúp đúng giờ như mọi lần, vì thầy tôi sợ không đủ người để kịp làng hàng giao họ. Có một cái ‘com-măng’ rất gấp của một bà đầm cần phải giao kịp trước ngày bà ấy đi Hải Phòng xuống tàu thuỷ về Pháp.”

Sáng hôm sau Thuý trang điểm rồi đón Ngọc trên con đường từ làng Bằng đến làng La. Lúc gặp Ngọc, Thuý nói cái món hàng đó vì người đầm hoãn ngày đi Pháp nên vài hôm sau mới có món hàng khác.

Ngọc nói:

“May quá nếu không gặp cô, lại mất công sang tận làng La. Tôi lại về Bằng vậy.”

Hai người đứng nhìn nhau một lúc. Thuý ngả nón phe phẩy quạt cho mát; nàng kéo tà áo lên lau vừng trán lấm tấm mồ hôi. Ở cạnh đường có một khu rừng cây, đứng ngoài đường nhìn vào không rõ. Ngọc bảo Thuý:

“Hay cô hãy vào chỗ cây kia nghỉ cho mát rồi trở về La. Trời hôm nay mới sáng mà đã oi quá, tôi cũng nghỉ một lúc trước khi trở về làng Bằng.”

Ngọc nghĩ nếu Thuý ưng chịu vào khóm cây kín đáo kia thì chắc chắn Thuý đã yêu chàng và vào đấy chàng chắc sẽ có đủ can đảm ngỏ tình yêu với Thuý, nếu tiện.

Thuý đi nón lên đầu, nhìn vào khóm cây rồi thốt lên:

“Cậu có ý kiến hay quá. Tôi cũng đương nóng bức cả người. Ta vào nghỉ cho mát một lúc đã.”

Ngọc và Thuý đi theo con đường nhỏ, qua vài thửa ruộng rồi khi nhìn lại không thấy đường cái nữa hai người mới ngừng bước. Sẵn có một bờ cỏ sạch sẽ và râm mát, Thuý lấy nón kê rồi ngồi xuống. Ngọc cũng ngồi xuống bên cạnh, trên thảm cỏ:

“Mát quá nhỉ, cô nhỉ. Chỗ này tôi cũng đã có đến nhiều lần bắn súng cao-su. Chính ở đây tôi bắn chết được một con chim vành khuyên.”

“Chim khuyên bé thế mà cậu cũng bắn trúng được cơ à? Nhưng sao cậu ác thế, sao cậu không làm lồng bẫy cho nó khỏi chết, khi được con nào cậu cho tôi xin một con.”

“Cô Thuý ạ, bắn chết con chim xong tôi cũng thấy thương hại nó, cho nên khi về nhà tôi đã chôn cất nó tử tế. Phải đấy, từ nay tôi làm lồng bẫy, nhưng khi bẫy được hai con cho đủ đôi tôi mới đem biếu cô.”

“À nhưng tôi không có lồng, cậu làm một cái lồng tre rồi cho tôi xin luôn thể. Cậu đừng quên nhé.”

“Tôi quên thế nào được. À từ nay cô đừng gọi tôi là cậu nữa, cô cứ gọi tôi là anh cho thân mật hơn. Vả lại cũng nhờ cô chỉ bảo, bây giờ tôi mới thành một anh thợ lành nghề.”

Thuý bỗng nhìn thẳng vào mắt Ngọc mỉm cười:

“Từ hôm đầu tiên anh đến tôi đã thấy ngay anh là người có học. Vì cớ gì anh cứ muốn làm một người thợ.”

"Vì nhà tôi sa sút. Về sau làm được mấy tháng nhờ cô chỉ bảo cách thức rồi, chị tôi mới bảo có một ông Phủ về hưu muốn nhờ tôi dậy học tư mấy đứa trẻ, vừa nhàn vừa kiếm được tiền gấp hai. Nhưng tôi từ chối vì tôi thích làm thợ hơn, vả lại vì..."

Ngọc ngừng lại đột ngột nhưng Thuý đã hiểu. Nàng nói:

"Hôm nay không có việc chúng mình đi chơi đi. Anh đưa tôi đi xem khu rừng, lần này là lần đầu tiên tôi dám vào đây. Nghe người ta nói rừng này có nhiều rắn, có cả cọp nữa."

"Rắn thì hoạ hoằn có, nhưng để tôi đi trước nó có cắn thì nó cắn tôi."

Chàng cất tiếng cười:

"Ai bảo cô rừng này có cọp. Có con cọp đáng sợ nhất là tôi nhưng cọp này hiền lành lắm. Cô đi với cọp rồi còn sợ gì cọp. Nào ta đi đi."

Ngọc phủi áo đứng dậy; Thuý cũng đứng dậy bóp lại cái nón cho tròn rồi đi theo sau Ngọc:

"Em sợ rắn lắm."

Nàng tình cờ thốt ra tiếng xưng em; Ngọc nghe rõ nhưng làm như không để ý tới. Càng đi sâu vào rừng, cây cối càng rậm rạp. Con đường nhỏ vì ít người qua lại nên nhìn kỹ mới nhận thấy nhờ ở những cây cỏ nằm rạp xuống.

Bỗng một con rắn cạp nong dài hơn thước nằm chắn ngang lối cỏ. Thuý hốt hoảng nắm lấy người Ngọc:

"Anh Ngọc ơi! Con rắn! Con rắn!”

“Cô đừng sợ.”

Ngọc cúi xuống nhặt một cành cây khô quăng về phía con rắn. Con rắn vụt biến vào trong cỏ cao và bụi rậm. Thuý vẫn chưa dám bỏ người Ngọc ra, thở hổn hển:

“Chết, anh... nó hình như quay lại phía sau. Kìa, anh trông nó trở lại phía kia kìa! Chỗ... chỗ... lá... động cạnh em.”

Ngọc quàng tay ôm lấy ngang lưng Thuý nói thản nhiên:

“Tôi đã bảo cô đừng sợ mà! Cô cứ đi với tôi, có sao đã có tôi.”

Chàng lấy tay ấn vào lưng Thuý giục nàng tiến qua chỗ con rắn nằm lúc nãy. Đi khỏi chỗ cỏ cao và bụi rậm tay Ngọc vẫn ôm ngang lưng Thuý; hai người đứng lại ở một chỗ đất trống rồi không nói một lời nào Ngọc ôm chặt lấy Thuý, cúi xuống sát gần mặt Thuý. Thuý ngửa mặt lên như chờ đợi, Ngọc đặt lên môi Thuý một cái hôn đầu tiên.

Tình yêu bấy lâu vẫn ngấm ngầm giữa hai người lúc đó đã bộc lộ rõ ràng trong sự trao hôn.

Sau ngày hôm đó, đến khi Ngọc trở lại làm việc nhà ông Cả, thái độ Thuý thay đổi khác hẳn. Nàng không nhí nhảnh, không nói đùa với Ngọc nữa, thường ngồi xa chỗ Ngọc làm việc, chỉ thỉnh thoảng lắm hai người mới lặng lẽ nhìn nhau như trao hết cả tâm hồn cho nhau.

Những ngày nghỉ, Ngọc thấy mình tương tư Thuý; có khi đêm khuya chàng ra đi xuyên quãng cánh đồng tối cách làng Bằng và làng La nhưng đến trước cửa nhà Thuý, qua dậu duối thấy có ánh đèn sáng chàng chỉ nhìn vào một lúc rồi lại quay về nhà. Những đêm khuya trời mưa lạnh tiếng chó sủa ở phía sau nhà làm chàng thức giấc; chàng nghe ngóng tiếng chó sủa mỗi lúc một xa, chàng đoán người nào có việc cần hay đi bắt ếch và nghe tiếng chó sủa chàng biết người đó đi về phía làng La. Sau một lúc yên lặng vì người ấy đi qua cánh đồng không có nhà ở rồi sau lại có tiếng chó sủa rất xa như từ phía làng La đưa tới. Chàng nằm yên trong chăn ấm và vơ vẩn nghĩ đến Thuý có lẽ giờ này cũng đương tưởng nhớ tới chàng.

Dần dà có khi ông bà Cả bảo chàng ở lại ăn cơm và nghỉ trưa ở nhà để khỏi đi lại thêm vất vả. Nhờ vậy Ngọc được gần gũi Thuý, cùng ăn cơm với Thuý và một hai lần gặp Lễ anh Thuý.

Lúc đầu Lễ với Ngọc không để ý tới nhau mấy nhưng dần dà Ngọc thấy Lễ hay nói chuyện với mình để làm thân và toàn nói những chuyện bâng quơ. Lễ rất vui tính, cả ngày đùa với trẻ con. Chàng có một trò nghịch làm trẻ con bao giờ cũng thích: chàng lấy một sợi dây chỉ vo tròn một đầu rồi nuốt hẳn vào dạ dầy. Để một lúc lâu, Lễ cầm cái đầu dây hơi thòi ra ngoài môi rồi vừa há miệng cho trẻ con nhìn, vừa kéo dây cho trẻ con thấy rõ là mình có phép kéo được cái đầu dây cuộn tròn từ ở bụng ra. Trẻ con vì vậy thích Lễ lắm và Lễ đi lại dễ dàng các nhà trong làng. Còn thỉnh thoảng Lễ đi đâu làm gì thì ngay đối với Ngọc chàng cũng không nói rõ. Rồi sau một độ ở làng, Lễ lại biến đâu mất.

Bỗng một hôm Ngọc không thấy Thuý ra ngồi đan; nàng nằm lỳ ở trong buồng kín đến nửa tháng. Khi Thuý gượng dậy ra ngoài, Ngọc thấy nàng gầy hẳn đi, đôi má không còn hồng nữa, nước da xanh, hai con mắt đen sáng hơn trước và trông to hẳn ra. Ít lâu sau các ông lang có tiếng ở quanh vùng ai cũng nói Thuý bị lao. Một buổi trưa nhân lúc vắng người Thuý đến gần nói nhỏ với Ngọc:

“Em biết trong mình em lắm. Chắc em không còn sống được bao lâu nữa."

Nhìn chung quanh không có ai, Ngọc hôn lên vầng trán phẳng đẹp, hôn xuống đôi mắt to của Thuý, hôn vào đôi má gầy và đôi môi khô của người yêu, rồi nói giọng run run:

“Anh yêu em. Em chết chắc anh cũng không sống được nữa."

Khi Thuý sắp chết thì Lễ về. Lễ biết là Ngọc yêu em mình lắm, nhưng chàng vẫn thản nhiên đùa với trẻ con và đi chơi với các nhà trong làng.

Hôm Thuý hấp hối, nhân Lễ vào thăm, Ngọc cũng theo sau, đứng chắp tay lặng nhìn Thuý. Thuý lịm dần. Ông bà Cả vừa khóc vừa gọi; Thuý mở mắt ra và qua vai Lễ, nàng đưa mắt nhìn thẳng vào mắt Ngọc, như để vĩnh biệt người yêu. Một lúc sau mắt nàng mờ đi. Bà Cả sờ vào người con nói với ông Cả:

“Người nó lạnh ngắt, ông ơi, Thuý ơi! Con, con nỡ nào…"

Rồi bà khóc tru tréo lên, vừa khóc vừa gọi tên con. Lễ nói:

“Em con nó đi rồi.”

Chàng lấy tay vuốt mắt em. Ngọc đứng lại nhìn nét mặt và thân hình Thuý; cả người nàng như dẹp hẳn xuống trong chiếc mền trắng. Vầng trán thân yêu của Thuý đã nhiều lần chàng đặt môi lên, bây giờ chàng thấy yên lặng, một sự lặng yên hơn cả những tảng đá ở ngõ đi vào. Các đồ đạc trong phòng cũng hình như có một sức sống linh động chỉ riêng có nét mặt Thuý và nhất là vầng trán, chàng thấy lạnh hơn cả mọi thứ và yên lặng hơn cả mọi thứ.

Thấy đứng lâu bất tiện, Ngọc ra ngoài nói với bọn thợ đan:

“Cô Thuý đã mất rồi.”

Các thợ đan ngừng tay làm việc. Chàng thấy mọi người đều thản nhiên tuy có thì thào bàn tán với nhau; chắc họ chỉ nghĩ đến việc Thuý chết là một cơ hội để họ được nghỉ dăm ba bữa mà vẫn được trả lương.

Nửa tháng sau, Ngọc cùng Lễ đứng ở ngoài cánh đồng cạnh ngôi mộ mới đắp của Thuý. Lễ nói:

“Tôi kiếm được việc làm cho anh rồi, nhưng hơi xa anh có nhận không. Lương cao hơn là đan den. Tôi có ông bạn là ký rượu, tôi giới thiệu anh phụ việc.”

Lễ vỗ vai Ngọc, hỏi:

“Anh nhận chứ?”

“Tôi đi được mà càng đi xa càng hay.”

Ngọc nói với cha và chị rồi đi Chí Linh nhận việc. Ông ký Hoành đi vắng luôn nên Ngọc phải thay thế; tuy vậy chàng vẫn nhàn vì ông ký Hoành có thuê một người làm công tên là Chuân, nhà nghèo và có bà mẹ già, để cho rượu thùng đóng vào các chai bán lẻ.

Một lần Ngọc đi chơi về thấy Chuân đương cho rượu vào chai nhưng Chuân không biết chàng về. Thấy có vẻ khả nghi, Ngọc yên lặng nhìn qua khe liếp; chàng nhìn rõ Chuân cứ mỗi lần cho rượu thùng vào chai lại chỉ cho thật vơi, rồi Chuân ra sau nhà mang một cái vò lớn mà Ngọc đoán là vò nước lã, đem đổ vào các chai rượu nguyên chất còn vơi. Ngọc đứng lại một lúc lâu ngẫm nghĩ. Chàng có thể chạy vào chỗ đổ rượu và bắt quả tang Chuân đang làm một việc gian lận. Nhưng chẳng biết vì lẽ gì, chàng lại không làm vậy. Chàng lặng lẽ rút ra khỏi nhà rồi giả vờ lên tiếng gọi Chuân rồi đi vào nhà rất thong thả để Chuân có đủ thì giờ đổ cái vò nước lã đi. Lúc vào tới nhà trong, chàng thấy Chuân đương lấy rượu nguyên chất đổ vào các chai còn vơi. Chuân ngửng lên nói:

“Cậu mới về.”

“Ừ, tôi mới về, anh cho vào chai hết chưa?”

Ngọc biết là Chuân vừa thoát khỏi một cơn hú vía. Nhưng còn chàng, tại sao lại dung túng cho Chuân thoát khỏi tù tội thì chính chàng, chàng cũng không hiểu vì lẽ gì. Dẫu sao chàng cũng thấy trong người nhẹ nhõm như đã làm một việc nhân đạo, chứ không phải ăn năn vì đã dung túng một tội lỗi. Nhìn nét mặt hớn hở của Chuân, chàng lại thấy bằng lòng với mình. Nếu Ngọc bắt được quả tang Chuân pha rượu, nhìn nét mặt chắc đau khổ của Chuân, có lẽ Ngọc lại tự xấu hổ với mình, hay đau khổ, vì đã làm cho người khác đau khổ. Chàng lại biết trước rằng sẽ xấu hổ với Chuân, một người có tội, chàng xấu hổ chỉ vì làm một việc rình bắt, một việc mà chàng cho là xấu hơn cả việc Chuân làm bậy, vì Chuân nhà nghèo và có mẹ già. Lúc đó chàng chưa đủ trí phân tách lòng mình, nhưng về sau khi gia nhập hàng ngũ cách mệnh làm những việc giết người tội lỗi gấp mấy việc pha loãng rượu, chàng mới nhận thấy có một thứ gì cao hơn cả việc chàng giết người không hối hận và việc pha loãng rượu của Chuân để kiếm thêm ít tiền nuôi mẹ già. Dẫu sao chàng không phải là một người có óc triết lý để phân biệt ở đời thế nào là tốt, thế nào là xấu. Chàng chỉ biết chàng giết người và tha không bắt quả tang Chuân là một việc chàng cho là phải và bản tính cùng bổn phận bảo chàng phải làm như vậy. Chỉ có thế thôi.

Làm ở ty rượu Chí Linh được gần nửa năm, một hôm chàng thấy Lễ đi tạt qua và rủ chàng về quê thăm nhà. Lễ đã xin phép ông Ký Hoành cho chàng nghỉ ít ngày. Chàng vui vẻ vì được thăm quê nhưng có một điều chàng ngầm thấy tha thiết nhất: thăm mộ Thuý.

Sau khi về làng Bằng, Ngọc cùng Lễ sang làng La ra thăm mộ Thuý; trên nấm mồ cỏ đã mọc lơ thơ. Ngọc nhìn tấm bia đề mấy chữ:

Nguyễn Thị Thuý
Sinh ngày 27 tháng 6 năm 1924
Mất ngày 14 tháng 1 năm 1941

Ngọc quay mặt đi lấy tay áo lau nước mắt. Lễ đến gần hỏi:

“Anh có muốn đi nơi khác hay trở về ty rượu anh Hoành?”

“Anh bảo tôi đi đâu?”

“Nhưng anh có muốn đi không?”

Lễ vỗ vai Ngọc nói:

“Lần này đi là đi thật xa.”

Ngọc quay lại:

“Anh bảo đi xa là đi tận đâu?”

“Đi xa lắm, đi khỏi nước, ngày về không định trước được.”

“Đi với anh?”

“Tôi sẽ đi với anh cho đến biên giới rồi tôi phải quay lại. Nhưng sang đến nơi nghĩa là đến Vân Nam đã sẵn có người săn sóc đến anh, anh không phải lo ngại gì nữa.”

Ngọc đã hiểu, nhưng cũng hỏi Lễ:

“Sang bên ấy làm gì?”

“Làm gì tôi sẽ nói với anh sau nhưng anh có muốn đi không?”

“Tôi vốn thích đi xa.”

“Thế thì được, anh về qua nhà thăm bác và chị, rồi anh lại ở hẳn nhà tôi, tôi sẽ có chuyện nói với anh, trong ít lâu rồi anh sẽ đi với tôi.”

Trong mười ngày liền, Lễ đem mọi chuyện nói với Ngọc. Ngày cuối cùng, Ngọc lại ra thăm mộ Thuý. Lễ đưa chàng đi thực hành ở một vài tỉnh rồi sau cùng lên Lào Kay. Một đêm tối trời, Lễ dẫn Ngọc đến bờ sông, bắt tay chàng một cái mạnh rồi nói:

“Thôi anh đi, tôi biết anh là người đủ can trường và nhẫn nại. Anh chắc thành công.”

Một chiếc thuyền tiến đến đậu gần hai người. Ngọc nói với Lễ:

“Khi nào anh về qua nhà, xin anh ra mộ Thuý và lúc khấn nhớ nói là tôi không bao giờ quên được... Thôi anh trở lại, tôi sẽ không bao giờ phụ lòng tin của anh và của Thuý.”

Thuyền sang bên kia bờ sông đã có người đợi sẵn. Chàng đã trốn thoát sang đất Tàu. Chàng ngoảnh nhìn ánh đèn sáng ở Lào Kay, giơ tay vẫy mấy cái như tạm biệt đất nước và cuộc đời cũ.

Ninh đợi sẵn Ngọc ở phố Đức Phương. Ngày hôm sau Ngọc cùng sáu người ở trong nước mới ra đi xe lửa lên Khai Viễn.

Từ lúc đó Ngọc bắt đầu sống cuộc đời cách mệnh ở hải ngoại.


Chương ba

Nghe Ngọc kể xong câu chuyện, Thanh biết rõ là Ngọc đã rất thành thực. Câu đầu tiên Thanh hỏi Ngọc là về Thuý:

“Thế bây giờ anh đối với Thuý như thế nào?”

“Còn như thế nào nữa. Lòng tôi đối với Thuý trước thế nào bây giờ vẫn nguyên như vậy.”

“Sao độ rày anh hay đến thăm cô Phương em ông Hoạt thế?”

Ngọc đáp:

“Cũng như tôi đến đây luôn vì có cà-phê ngon.”

Thanh mỉm cười mỉa mai:

“Nhà cô Phương cũng có cà-phê ngon à?”

Ngọc nói:

“Sao việc gì tôi làm cô cũng biết cả. Tôi cũng chẳng cần giấu cô làm gì. Lòng tôi đối với Thuý vẫn như trước, điều ấy đúng, nhưng Thuý đã chết rồi. Còn đối với Phương quả thực đến luôn không phải vì nhà Phương có cà-phê ngon. Nhưng vì...”

“Thôi tôi hiểu rồi, anh chẳng cần nói... Nhưng cái cớ thúc đẩy anh sang đây làm cách mệnh kể cũng hơi kỳ. Không nói thì anh cũng rõ, làm cách mệnh là vì một lý tưởng mình cho là cao đẹp, phải gác mọi tình cảm lại để đạt được lý tưởng. Anh thì làm cách mệnh theo lối tài tử, như một nghệ sĩ.”

“Sao chị bảo tôi không lý tưởng, chị bảo đuổi Pháp đi, lấy lại độc lập không đủ là một lý tưởng à?”

“Đấy cũng là một lý tuởng nhưng không đủ, còn việc kiến quốc: nếu độc lập rồi, có chính phủ người Việt cai trị người Việt, nếu chính phủ đó - tôi thí dụ bọn cộng sản lên nắm chính quyền – lại áp bức dân quá ư đế quốc thì có phải công anh vất vả là công toi, việc anh giết người là việc vô ích. Nhưng thôi bàn những chuyện ấy làm gì cho anh bận tâm. Để tôi lấy anh một cốc cà-phê phin nữa anh ngồi uống cà-phê, tha hồ ngắm hoa lựu nở. Sáng mai đến, tôi cũng mời anh lên đây ngồi ngắm cảnh đẹp. Anh là khách quý cơ mà, tiền cà-phê trả trước, không như các anh khác túi rỗng lại hay uống trạc.”

Thanh vừa bưng cốc cà-phê phin đặt trên bàn thì có tiếng người ở dưới nhà gọi:

“Cô Thanh.”

Thanh bước vội xuống cầu thang rồi nói:

“À anh. Anh xơi cà-phê phin hay cà-phê đen.”

“Xin lỗi cô. Hôm nay tôi vội quá. Tôi chỉ muốn hỏi cô xem anh Ngọc sáng nay có lại đây không? Tôi cần gặp anh ấy ngay."

Tiếng Thanh vọng lên chỗ Ngọc ngồi:

"Có, sáng sớm anh Ngọc có đến đây uống cà-phê nhưng đi đã lâu rồi."

Ngọc chỉ nghe tiếng, cũng biết là Lăng, thư ký của Khu Đảng bộ Việt Quốc ở Mông Tự. Đợi cho Lăng đi khỏi, Ngọc chạy xuống gác bảo Thanh:

"Thôi cốc cà-phê phin vừa đem lên, cô chịu khó uống giùm tôi. Tôi quên mất một việc cần phải về nhà ngay. Lúc nãy khách nào thế?"

"Anh Lăng đến hỏi anh, nhưng tôi không dám nói anh ngồi trên gác vì e bất tiện, vả lại tôi muốn anh ngồi uống ung dung ngắm hoa lựu."

Ngọc tỏ bộ ngạc nhiên:

"À, anh Lăng. Chắc anh ấy muốn đòi nợ tôi. Thôi mặc anh ấy đấy, tôi về nhà ngay bây giờ. Chào cô; sáng mai tôi lại đến. Đến bẩy giờ sáng cho sớm để xem lại nụ hoa lựu đã nở to được chừng nào rồi. Mai, cô nhé.”

“Vâng. Chào anh. Mai bẩy giờ sáng tôi sẽ đợi anh đấy.”

Ngọc đi về cùng phía với Lăng. Khi đã khuất hiệu cà-phê chàng chạy thật mau để cố đuổi kịp Lăng. Thấy Lăng ở xa, chàng chậm bước lại rồi gọi to:

“Anh Lăng ơi, anh đi đâu thế?”

Lăng ngừng lại đợi Ngọc tới rồi khẽ bảo Ngọc:

“Anh Ninh ở Côn Minh về tối hôm qua, có bảo tôi triệu tập Khu Đảng bộ sáng nay hồi mười giờ ở nhà anh Kính. Anh Ninh bảo có việc kín và rất cần. Tôi đến nhà anh kiếm thì anh đã đi rồi. Gặp anh may quá.”

“Có việc gì thế?”

“Anh Ninh không cho biết là có việc gì, chỉ dặn rằng cần có mặt anh lắm. Anh Ninh giữ việc sắp đặt hệ thống tổ chức ở biên giới. Ninh cố nhiên là tên giả.”

Ngọc nhớ lại lời Thanh nói: chàng nghĩ thầm chắc Thanh và người khách lạ mặc bộ quần áo Tây màu xám tro là những người bí mật của Ninh và chắc Ninh sẽ phái chàng về biên giới Hoa Việt.

“Thanh chắc đã được Ninh huấn luyện kỹ nên mới giỏi như vậy. Thế này chưa chắc mình đã được mặc áo len của Phương, vì chắc là việc gấp phải đi ngay.”

Lúc ở nhà Kính, anh em ở Khu Đảng bộ đã tới đông đủ. Có cả Ninh ngồi đăm chiêu ở góc phòng. Sau mấy lời của anh Khu trưởng về lý do buổi khai hội, Ninh đứng lên nói:

“Tôi có lệnh của Hải ngoại bộ về đây nhờ anh em giúp cho việc đưa mấy đồng chí về biên giới. Vậy yêu cầu đồng chí giữ về giao thông đi giao thiệp ngay với bộ đi Mỹ, xin cho ba người đi xe nhà binh lên Khai Viễn để chuyển sang xe về Văn Sơn. Việc gấp. Ba đồng chí ấy cần sáng mai đi sớm. Vậy yêu cầu đồng chí phụ trách giao thông đi thương lượng ngay với Mỹ. Còn các anh em khác cứ nhân buổi họp này mà bàn bạc. Lần này tôi đề nghị thảo luận về thời cuộc đệ nhị lục cá nguyệt năm 1944 và các anh cho ý kiến về việc phe nào sẽ thắng, Nhật hay là Đồng minh.”

Ngọc thấy Ninh vừa nói vừa nhìn về phía chàng đăm đăm. Chàng ngẫm nghĩ:

“Sao lại ba người, trong số đó chắc có mình vì Thanh đã nói vậy. Còn hai người kia là ai. Hay có lẽ là Thanh và người khách mặc bộ quần áo màu xám.”

Ninh rút ra khỏi phòng họp mắt vẫn nhìn Ngọc:

“Thôi để các đồng chí bàn việc. Tôi cần đi một vài nơi.”

Lúc tan buổi họp, khi Ngọc đi qua mấy phố vắng để về nhà ăn cơm thì bỗng gặp Ninh. Ninh có vẻ như đợi chàng từ lâu, thấy Ngọc đến Ninh tiến lại gần nói nhỏ:

“Tôi cần gặp chú. Chiều nay bốn giờ tôi đợi chú ở Cổng Tây, trên con đường đi Cơ Cầu. Chỗ ấy vắng. Chú sửa soạn sẵn sàng để đi. Còn nhiều việc tôi sẽ nói rõ với chú khi gặp nhau.”

Ngọc về nhà đồng chí Việt, nơi chàng ở trọ. Ăn cơm xong chàng không ngủ trưa, đợi cho hai vợ chồng Việt ngủ yên, chàng lấy cái túi vải quàng vai ra, yên lặng xếp các thứ cần dùng vào. Nghĩ tới việc được đi với Thanh về biên giới chàng thấy trong lòng nhẹ lâng lâng. Con đường từ Khai Viễn đến Văn Sơn rồi Ma-Lì-Pố chàng đã nhiều lần đi qua. Từ Văn Sơn đi Ma-Lì-Pố chàng sẽ chọn con đường cao, vì con đường ấy đẹp nhất, có nhiều suối trong; chàng sẽ đưa Thanh vào những quán trọ chàng đã quen thuộc, chàng sẽ chỉ cho Thanh lạch suối nào nhiều rau cải soong. Nếu Thanh không quen đi bộ, chàng sẽ vào Đảng bộ Trung Hoa mượn con ngựa thật hiền để nàng cưỡi. Chàng sẽ cùng chung sống với Thanh ở Văn Sơn ở nhà chị Nam làm nữ khán hộ và ở công tác trạm Ma-Lì-Pố, còn nếu cần phải về nước chàng sẽ đưa Thanh vào nhà đồng chí Long ở Thanh Thuỷ và cố nài Thanh uống rượu ngô... Chàng dự tính mọi việc, coi lần đi này như một cuộc ngao du đầy thú vị. Song chàng chỉ mới theo ý muốn của mình dự tính chứ thực ra từ Văn Sơn có hai con đường về nước, chàng chưa biết Ninh sẽ ra lệnh cho chàng đi theo con đường qua Ma-Lì-Pố về Thanh Thuỷ, Hà Giang hay con đường qua Mã-Quan về Hoàng Su Phì hay Mường Khương.

Sửa soạn xong thì vợ chồng Việt đã dậy. Ngọc ra đứng cạnh cửa sổ huýt sáo miệng và hát một bài hát Tàu thịnh hành nhưng lại hát bằng tiếng Việt:

Ăn cháo hoa hay là... là ăn súp.

Chàng không nghĩ đến rằng chàng đã quên hẳn Phương đi trong lúc mình vui và quên hẳn chiếc áo len Phương định tâm biếu mình.

Xuân vợ Việt hỏi:

"Chú có việc gì mà vui vẻ thế? Thổi sáo miệng rồi lại hát lại mãi câu: ‘Ăn cháo hoa hay là ăn súp’".

"Không em có gì vui đâu? Đấy có lẽ là em ở nhờ anh chị mà anh chị thì nghèo, cháo hoa được ăn luôn, có khi được ăn thay cả cơm, nhưng súp thì chẳng bao giờ em được ăn với anh chị."

Ngọc mỉm cười nhìn Xuân. Đối với hai vợ chồng Việt, chàng như là một người nhà - một người em thì đúng hơn - nên tuy nói vậy mà Xuân vẫn cười xoà:

"Chú cứ đợi ít lâu nếu anh Việt mở được cửa hiệu cơm Tây cho bộ đi Mỹ ở trường bay thì chú tha hồ ăn súp. Lúc đó chị sợ chú lại thèm cháo hoa. À, hay là chiều nay chị nấu cho chú một nồi súp ngon. Súp rau với xương ống thôi."

"Phải đấy chị. Chiều nay mấy giờ xong súp để em về. Đừng ăn mảnh trước đấy nhé."

Xuân lại cười:

"Có chú ăn mảnh thì có. Chiếc áo da Mỹ đâu, chắc chú bán lấy tiền ăn ‘Cô Sèo mi siển’ rồi chứ gì."

"Chị đoán đúng đấy. Thôi em đi."

Ra Cổng Tây đợi một lát thì Ninh cũng tới nơi. Hai người vừa đi trên đường vắng vừa nói chuyện. Ninh tháo chiếc đồng hồ đeo tay giao cho Ngọc và nói:

"Giờ giấc rất quan trọng. Còn áo mặc đi đường thì chú không phải lo, đã có người trù liệu sẵn."

Nhưng Ngọc vẫn chưa hiểu được việc chính, hỏi Ninh:

"Công tác chính của em là gì?"

Ninh suy nghĩ một lát rồi nhìn thẳng vào mắt Ngọc:

"Công việc của đồng chí đi phen này rất quan trọng. Tôi rất tin chắc chắn đồng chí làm xong phận sự Hải ngoại bộ giao phó. Nhưng việc chuyến này hơi khó khăn. Một mình chú đi dọc đường từ Văn Sơn tới Ma-Lì-Pố phải thủ tiêu hai tay Việt Minh và thân Pháp."
Ninh giơ tay vỗ lên vai Ngọc, rồi nói:

"Chú không khéo một chút thì chú sẽ bị hại."

Ninh lấy ở túi ra một tờ giấy rồi đưa Ngọc xem:

"Đây là nghị quyết của Hải ngoại bộ. Chú xem cẩn thận và nhất là dấu đóng."

Ngọc nhìn qua rồi đưa trả lại Ninh:

"Em không cần xem. Em tin ở anh. Đời em có kể làm gì, anh đã biết rõ. Nếu cần chết thì em sẽ chết. Nhưng anh cứ tin là em làm nổi việc."

Ngọc nghĩ ngay rằng đây không phải là một cuộc ngao du với Thanh nữa. Nhưng chàng không hỏi xem Thanh và người khách sáng ngày có phải là hai người sẽ đi với chàng không, vì nếu vậy, chàng phải giết cả Thanh.

Thấy Ngọc suy nghĩ, Ninh nói:

"Hay chú lưỡng lự, chỗ chú với tôi chú cứ nói thật."

Ngọc ngửng lên nhìn Ninh.

"Việc này em làm được. Cần giết bất kỳ ai em cũng giết."

Ninh lại lấy ở túi ra một gói giấy thiếc nhỏ:

"Đây là một thứ thuốc độc rất mạnh, uống vào chết ngay. Tới Văn Sơn trước khi đi bộ về Ma-Lì-Pố chú bảo chị Nam pha cho một cái bi-đông nước cà-phê thật đặc để át mùi thuốc độc. Còn lúc nào cho thuốc độc vào cà-phê là tuỳ chú định liệu. Con đường từ Văn Sơn về ngang qua Ma-Lì-Pố chú đã đi nhiều lần; chú biết rõ hơn tôi là ở khu rừng nào cần ra tay và ra tay cách nào là tuỳ chú. Nhưng chuyến đi này, tôi nhắc lại, rất quan trọng. Hạ thủ xong chú phải lột hết quần áo hai người đó cho mất tang tích. Khi về công tác trạm Ma-Lì-Pố hay về Văn Sơn chú đánh điện cho tôi nói là: 'Mọi việc đều tốt đẹp’. Nếu trong sáu ngày không thấy chú trở về công tác trạm Ma-Lì-Pố hoặc nhà chị Nam ở Văn Sơn thì họ sẽ đánh điện lên cho tôi rõ. Như vậy tôi sẽ biết chú đã bị hại rồi. Công việc Đảng cũng không đến nỗi nào, vì bọn họ không có người ở Văn Sơn và Ma-Lì-Pố - nhưng biết đâu họ không có liên lạc với những người Tàu thân cộng ở hai nơi đó - họ sẽ đi lọt được về nước để cổ động tuyên truyền dân Hà Giang hoặc liên lạc với vua Mèo ở Quản Bạ Yên Ninh. Chúng nó rất có thể mưu mô với Pháp để phá tan hệ thống tổ chức của mình ở biên giới hoặc bắt các anh em rải rác từ Đồng Văn tới Lào Kay."
Ngọc từ biệt Ninh về trước. Ninh dặn thêm tối nay còn gặp Ngọc một lần nữa. Kim đồng hồ đeo tay đã chỉ năm giờ; đáng lẽ về nhà, Ngọc tạt qua hiệu cà-phê Thanh Hương. May lúc đó không có khách. Thanh hỏi:

"Anh lại nhớ hoa lựu đến ngắm, có phải không? Anh lên gác trước đi. Tôi sẽ đem cà-phê lên ngay."

Thanh vừa ngồi vào ghế, Ngọc hỏi ngay:

"Ngày mai cô cũng về biên giới?"

Thanh nhìn Ngọc ngơ ngác:

"Anh điên à? Tôi còn phải ở lại đây trông hàng cà-phê và ngắm hoa lựu hộ anh. Mai anh đi phải không? Đấy anh xem tôi đoán có đúng không? Bây giờ không lo bị anh chặt đầu nữa."

Thanh cười rồi hỏi:

"Mai mấy giờ anh đi? Anh đi về miền nào? Hà Khẩu hay Văn Sơn?”

“Tôi đi Văn Sơn. Đi kỳ này chưa chắc đã về để uống cà-phê ngon, ngắm hoa lựu và thăm cô. Có khi đi không về nữa!”

“Quan trọng thế cơ à?"

Thanh đứng lên lấy bình hoa hồng đặt giữa hai người. Ngọc thấy Thanh mắt sáng hẳn lên. Thanh nói:

"Hay là tôi bỏ mặc quán cà-phê đấy. Anh biết không, tôi chán ghét lạ lùng cuộc đời đương sống hiện giờ, ngồi cả ngày tiếp những ông khách gàn dở. Tôi muốn sống một cuộc đời khác thường; tôi thích đi đây đi đó như anh. À, này anh Ngọc."

Giọng Thanh trở nên dịu dàng, nhưng quả quyết:

"À hay là mai tôi đi với anh. Anh có tiền bán áo, tôi, tôi cũng có tiền vốn. Chúng mình về biên giới. Anh ạ, xa nước bao lâu tôi chỉ mơ ước được về biên giới, trông thấy cái mốc đề những chữ Hoàng Su Phì hay Hà Giang. Nếu về nước nguy hiểm thì tôi chỉ cốt đưa bàn chân sang bên kia mốc hoặc cúi xuống lấy tay sờ bãi cỏ của nước nhà. Chắc là cỏ bên nước nhà sờ vào mát tay lắm và mát cả hồn nữa. Đấy là tôi không còn bố mẹ gì cả, vì thầy mẹ tôi đã mất từ trước khi tôi sang Vân Nam làm ăn; dầu sao mỗi lần nghĩ tới cái cổng gạch với bờ tre làng, với ao bèo hay ao rau rút thì lòng..."

Thanh quay mặt đi và Ngọc nhìn thấy rõ một giọt nước mắt chảy lăn trên gò má nàng. Ngọc hỏi:

"Chắc cô có việc gì buồn. Khi tôi đi về cô sẽ kể cho tôi nghe về đời sống của cô như sáng ngày tôi đã kể rõ cô nghe về đời sống của tôi."

Thanh lấy vạt áo lau nước mắt, quay lại nhìn Ngọc, hai con mắt rớm rớm ướt lệ. Nàng nói:

"Đời em khổ lắm. Còn đau khổ hơn anh nữa.

Ngọc ngồi yên một lúc rồi cất tiếng bảo Thanh:

"Tôi rất tiếc không thể cùng cô đi chuyến này được. Nếu cô cùng đi, công việc tôi làm sẽ hỏng mà có khi nguy cả tính mệnh tôi và cô nữa. Để một lần khác vậy, nếu tôi thoát nguy về được. Cô cứ tin như vậy và gắng đợi tôi..."

Thanh nói:

"Tôi không sợ nguy hiểm. Biết đâu tôi lại không cứu được anh khỏi cơn nguy. Nhưng việc gì mà anh bảo nguy hiểm đến tính mệnh anh."

Nghe giọng nói thành thật của Thanh và vốn sẵn biết Thanh sáng suốt nên chàng nói luôn không đắn đo:

"Mai tôi phải đi Khai Viễn rồi đi Văn Sơn, Ma-Lì-Pố và một mình tôi phải đảm nhiệm giết hai tay Việt cộng. Họ có thể nghi ngờ mà thủ tiêu tôi trước khi tôi ra tay. Đấy cô xem, việc nguy hiểm như vậy. Cô đi thế nào được với tôi. Cô cứ ở đây làm ăn buôn bán. Nếu độ nửa tháng nữa tôi trở về thì tức là tôi còn sống, nếu quá hạn đó cô không thấy tôi trở lại Mông Tự thì cô mất hẳn một người khách biết thưởng thức cà-phê ngon và ngắm cây lựu của cô nở hoa. Thôi bây giờ tôi đi đây, chào cô và có khi vĩnh biệt cô."

Ngọc cho tay vào túi quần, nắm gói thuốc độc Ninh mới đưa rồi mỉm cười đứng dậy. Thanh cũng đứng dậy. Hai người yên lặng nhìn nhau một lúc lâu. Thanh nói:

"Tôi vẫn tin ở anh. Mong anh đi được may mắn và độ nửa tháng nữa sẽ trở về. Nhưng anh có thể từ chối việc ấy được không? Dẫu sao tôi vẫn lo cho anh.”

Mắt Thanh chớp mau như để cố giữ cho khỏi khóc. Ngọc cúi đầu chào Thanh rồi đi về phía cầu thang. Xuống hết cầu thang, quay mặt lên, chàng thấy Thanh đứng tựa vào thành tường đương nhìn theo chàng. Thanh gật khẽ rồi giơ tay vẫy chàng. Ngọc cũng giơ tay lên vẫy rồi quả quyết đi qua các bàn cà-phê để trở về nhà ăn súp của Xuân và đi gặp Ninh. Ngọc cũng không cần báo cho vợ chồng Việt vì chàng thường đi về một cách bất ngờ. Lúc tới chỗ dặn gặp Ninh, Ngọc thấy Ninh ngồi viết ở bàn. Ninh ngửng lên hỏi:

“Chú đã xếp đặt mọi việc xong chưa?”

“Vâng, mai sớm em có thể lên đường.”

Ninh lấy ra một gói quần áo đưa cho Ngọc:

“Trong này đủ cả, còn tiền đây chú cầm lấy để tiêu dọc đường.”

Ngọc hỏi:

“Còn việc xe hơi của Mỹ đi Văn Sơn anh đã thu xếp xong chưa?”

“Xong cả rồi.”

“Nhưng còn hai người đi với em, anh cần cho em biết để mai ra xe nhận được nhau.”

Ninh nói:

“Hai người đi với chú là hai tay Việt Minh lợi hại len lỏi vào hàng ngũ Việt Quốc đã lâu, nay muốn dựa vào thế của Việt Quốc để về nước. Một tay tên là Tứ, đeo kính cận thị, hói trán, để râu mép nhỏ, môi dầy, răng vẩu và yết hầu lộ, trạc gần bốn mươi tuổi. Đặc điểm là có cái ve ở mắt trái. Còn người kia tên là Nghệ, cố nhiên là hai người đều là tên giả. Nghệ vai lệch người gầy và nước da vàng như người đau gan, và vì vậy anh em gọi đùa là Nghệ...”

Ngọc ngắt lời Ninh:

“Nghệ vai bên phải hơi cao hơn vai bên trái, vành tai hơi to, lúc về đây mặc một bộ quần áo Tây mầu xám và đi một đôi giầy vàng đã cũ, đế bằng lốp cao su.”

Ninh xoay hẳn người về phía Ngọc tỏ vẻ ngạc nhiên. Ngọc kể cả lại mọi việc xẩy ra ban sáng ở tiệm cà-phê của Thanh rồi hỏi Ninh:

“Còn Thanh là người thế nào? Theo ý em thì Thanh chắc không phải cùng bọn với Tứ, Nghệ. Em thấy có cái gì uẩn khúc ở trong.”

“Thế chú có nói gì với Thanh về việc đi này không?”

Ngọc ngồi thẳng người lên:

"Thưa anh có, em kể hết, kể cả việc em phải thủ tiêu Tứ và Nghệ cho Thanh nghe."

Chàng thấy Ninh cau lông mày, mắt lộ một vẻ giận dữ cố nén cho khỏi bùng ra. Tay Ninh vuốt vuốt trán mấy cái như nói một mình.

"Việc hỏng cả rồi. Chú... chú... tôi không ngờ đâu. Chú..."

Ngọc hỏi:

"Trước em vẫn tưởng Thanh với Nghệ là người của anh."

"Chú tưởng? Từ rầy chú đừng tưởng như thế! Bây giờ việc hỏng rồi thì phải thôi hẳn đi. Đồng chí đã biết thế nào là kỷ luật Đảng, tôi không cần nói nhiều. Bây giờ chú phải đi ngay báo cho đồng chí Khu bộ trưởng và cắt đặt người suốt đêm nay canh gác nhà tôi thuê cho Tứ, Nghệ ở và nhất là cho ngay lập tức người lại gác hiệu cà-phê Thanh Hương."

Ngọc đứng lên nói:

"Em xin lỗi đã làm phiền lòng anh, em xin chịu hình phạt Đảng đã định, nhưng theo ý em thì công việc chưa hỏng. Mai em sẽ đi với Tứ, Nghệ và em sẽ làm tròn phận sự. Nếu em lầm thì em sẽ chết về tay họ, Đảng không cần đem kỷ luật ra nữa. Nhưng em tin là em không lầm. Em chưa rõ lắm nhưng em nhận có cái gì uẩn khúc giữa Thanh và Việt Minh. Đối với em, có khi lại là việc hay. Em sẽ lại ngay đằng Thanh và bảo Thanh không được ra khỏi cửa cho đến ngày em về. Khi em đi rồi anh cứ bảo anh em canh gác cầm chừng. Em thấy Thanh là người rất tài giỏi; nếu Thanh đứng về phía mình thì là một việc rất hay cho Đảng."

Ngọc ngừng lại đợi chờ Ninh suy nghĩ một lát rồi hỏi:

"Xin anh thuận cho em làm như thế. Chỉ có hai đằng một là em sẽ chết về tay Thanh hai là nếu em nghĩ đúng thì Đảng thêm được Thanh một nữ cán bộ rất giỏi. Em đợi anh trả lời rồi em sẽ đi ngay lại nhà Thanh."

Ninh cũng đứng dậy, giơ tay bắt tay Ngọc một cái mạnh:

"Được, tôi tin ở chú. Nếu chú lầm thì tôi sẽ chia sẻ trách nhiệm với chú."

"Em cảm ơn anh."

Nói xong Ngọc chào Ninh và đi ngay tới nhà Thanh.



[1]Một thức ăn đặc biệt của tỉnh Vân Nam
[2]Qua cầu mễ phẩn
[3]"Đưa lên núi" là chỉ việc giết người vì ở bên Trung Hoa, các nghĩa địa đặt trên các gò đống hay núi đồi
Nguồn: Nhất Linh, Giòng sông Thanh Thuá»·, Đời Nay xuất bản, Sài Gòn 1961, Văn Má»›i tái bản tại Hoa Kỳ. Bản Ä‘iện tá»­ do ông Nguyá»…n Tường Thiết cung cấp. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của gia đình tác giả.