trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
1.1.2007
Phạm Xuân Thạch
Của chuột và người - Tiểu thuyết như là diễn ngôn về sự hiền minh của chuột
 
1. Của chuột và người. Tiêu đề cuốn tiểu thuyết của Steinbeck đã ám ảnh tôi khi đọc Ba người khác của Tô Hoài. Ám ảnh như ấn tượng về cảnh cái hậu cung ở phần đầu cuốn sách, nơi đoàn cải cách của đội trưởng Cự chọn làm "đại bản doanh" bí mật. Một cái hậu cung "hai bên tường đổ trống hoếch nhưng vẫn còn bệ gạch chưa ai ăn trộm. Đội trưởng Cự nhìn quanh, thấy người đi trên đê qua lại, chưa yên tâm đã được bảo mật. Cả bọn chui vào qua cái sân cỏ mọc lưng ống chân cho được kín đáo chặt chẽ. Những con chuột thấy động chạy rào rào nơi hậu cung đã mất cả cánh cửa, ẩm ướt, tối om" (Ba người khác, tr. 20). Một bọn người chui vào một chốn "ẩm ướt, tối om". Và những con chuột chạy rào rào. Một thứ điềm báo cho toàn bộ thiên truyện. Một thiên truyện về những con chuột, tình trạng người hóa chuột. Một tiểu thuyết về sự hiền minh, sự hiền minh của chuột. Và, đáng cảm động, cả của người.


2. Cải cách ruộng đất, cái biến cố vĩ đại và kinh hoàng của lịch sử Việt Nam là một đề tài không mới. Không mới trong cái nghĩa là nó đủ sức trở thành một thứ chất liệu đủ để làm nên những tác phẩm xuất sắc. Không mới nhưng cũng không có nghĩa là đã cũ. Bởi cũng chỉ mới đây thôi. Bước qua lời nguyền, Lão Khổ, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh, Hoa của trời của Đỗ Minh Tuấn, Cỏ thiêng của Hồng Phi hay Dòng sông mía của Đào Thắng (tôi không muốn chỉ dừng lại ở văn học). Và không mới cũng không có nghĩa là đã đủ. Bởi thực ra thì có những đề tài có thể trở đi trở lại trong văn học và mỗi lần tái xuất hiện lại làm nên những tác phẩm lớn. Đại chiến Thế giới thứ nhất và thứ hai, Trại tập trung, Cách mạng Văn hóa… Và bằng chứng là lần trở lại này của một đề tài cũng lại làm nên một tác phẩm xuất sắc : Ba người khác.


3. Tôi khẳng định đây là một tác phẩm xuất sắc nhưng không quá bất ngờ. Ba người khác là một sự tiếp nối của những Cát bụi chân ai, Chiều chiều hay rộng hơn, nó là sự hiện thực tiếp tục của một cái nhìn thế giới rất "Tô Hoài" được hình thành trong suốt cả cuộc đời viết văn của ông. Có lẽ là một tiền định khi tác phẩm đầu tiên làm nên tên tuổi của Tô Hoài là Dế mèn phiêu lưu ký. Một thế giới toàn những loài "sâu bọ": dế, cào cào, châu chấu, ếch nhái, bọ ngựa… Một sự thân mật của sâu bọ. Một sự nhạy cảm kỳ lạ. Và để từ đó phát hiện ra một cái gì không hề sâu bọ. Cần phải nói thẳng ra rằng Tô Hoài có một sự nhạy cảm kỳ lạ với những điều nhỏ nhặt tầm thường, thậm chí đến mức nhếch nhác. Và ông có biệt tài trong việc viết về những điều nhếch nhác ấy, phát hiện ra trong cái thế giới ấy một điều gì đó không hề nhếch nhác. Trong Chiều chiều, cái biệt tài đó đã tạo nên một thứ màu sắc thẩm mỹ đặc biệt. Nó sáng lên trong cái cặp đôi Tô Hoài – nhân vật tự truyện – và Nguyễn Tuân – cũng nhân vật trong tự truyện của một đồng nghiệp. Một thứ cặp đôi kiểu Don Quichotte – Sancho Panca. Sư nhạy cảm về cái nhếch nhác lột mặt nạ cuộc sống, lột trái sự vật, đánh đổ những thần tượng (có nhiều người khó chịu về điều này) và cuối cùng tạo nên một cảm giác ngậm ngùi về cái hư vô. Giống như cái kết của cuốn tự truyện: "vết chân người lẫn vào chân con kì đà in vân trên cát". Và như vậy thì lần xuất hiện này, không có gì là bất ngờ khi lại là cái nhìn ấy, dẫu là về một đề tài khác. Mà thực ra thì cũng không quá khác. Cũng vẫn là những hồi cố về quá khứ. Làm sao trách được. Người già thường sống với quá khứ.

Nhưng dù vậy, vẫn cần phải khẳng định, đây là một tác phẩm xuất sắc. Xuất sắc bởi lẽ nó tạo nên được một cái gì khác. Và cái khác ấy không thuần túy chỉ là cái khác mà là một giá trị. Có thể khẳng định Cải cách ruộng đất là một đề tài nguy hiểm. Nguy hiểm bởi lẽ bản chất của nó dễ đánh bẫy nhà văn đi vào những lối mòn. Anh có cố tìm kiếm bao nhiêu chất liệu đi chăng nữa thì tác phẩm của anh cũng sẽ trở thành một sự khai triển quanh một công thức: một tình thế kiểu Kafka. Và làm xuất sắc điều này không ai khác chính là Tạ Duy Anh với cuốn tiểu thuyết đỉnh cao Đi tìm nhân vật. Bản thân Cải cách ruộng đất với tất cả sự bồng bột, ấu trĩ của nó cũng đã là một cái kho của những tình thế kiểu Kafka. Một con số về tỉ lệ địa chủ nào đó, và vậy là một buổi sớm thức dậy, anh sẽ trở thành một địa chủ. Bởi vì tỉ lệ quy định như thế. Một tình thế kiểu Kafka được xây dựng trên cơ sở của cái phi lý. Phạm trù ngữ nghĩa cơ bản của tiểu thuyết là cuộc chiến đấu chống lại, đối diện lại cái phi lý. Anh phải chấp nhận rằng nó là một cái Thực, nó hiện hữu, nó đe dọa cuộc đời của anh và anh phải chống lại nó, phải tìm cách vùng vẫy thoát khỏi nó, phải khám phá ra nguồn gốc và ý nghĩa của nó. Một con đường mòn khác của đề tài Cải cách ruộng đất là một thứ chủ nghĩa duy cảm và một niềm tin có tính nhân văn hồn nhiên. Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh là tác phẩm tiêu biểu cho khuynh hướng này. Cải cách ruộng đất, cái nhân tạo làm chia rẽ con người. Còn tình yêu, nhân tính nguyên sơ thì hòa giải và làm cho con người tha thứ cho nhau. Và còn nhiều lối mòn khác…

Công tâm mà nói không phải là không có hình bóng của những chủ đề nói trên trong cuốn tiểu thuyết của Tô Hoài. Những tình thế phi lý vây bủa con người. Người ta phải chết hoặc có thể phải chết không vì cái gì cả. Rồi chủ đề về cơn cuồng say ảo tưởng hóa thân trong giấc mơ về cái trại đại đồng của nhân vật Đình. Kiểu như Bọn người quỷ ám của Dostoievski. Nhưng tất cả không phải là nền tảng ngữ nghĩa của thiên truyện. Toàn bộ tiểu thuyết của Tô Hoài được xây dựng trên một biến thể của tình thế kiểu Kafka. Nếu như một tình thế kiểu Kafka là cuộc chiến đấu và tìm kiếm ý nghĩa, lý giải cho một hiện hữu phi lý thì trong Ba người khác, con người sống với một ý thức khác. Ý thức về sự giả dối.

Có thể nói trục ngữ nghĩa trung tâm của tiểu thuyết được xây dựng trên sự giả dối. Không một nhân vật nào trong tiểu thuyết tin vào điều mình làm, tin vào cái mà mình đang theo đuổi. Họ biết nó là không thật. Nhưng họ phải đối phó với nó. Và cách tốt nhất là sử dụng sự giả dối, đủ mọi cách, cách của Bối, nhân vật chính, người kể chuyện xưng tôi, cách của Đình, của đội trưởng Cự, của tất cả nhân vật tham gia vào tấn kịch lịch sử này. Bối là hiện thân cho một kiểu hành xử chủ đạo của các nhân vật tiểu thuyết: lén lút, thu mình, vụng trộm, giả dối,… Một minh triết của chuột. Minh triết vì nó là một hành xử để đối lập lại một tình thế bất lợi cho tồn tại của con người. Cái độc đáo trong việc thể hiện trục ngữ nghĩa này chính là cấu trúc ngôn ngữ của tiểu thuyết. Đó là một thứ ngôn ngữ tự lột mặt nạ. Nhân vật tự lột mặt nạ chính mình và kẻ khác. Chỉ cần lấy một câu bất kỳ: "Tôi thao thao, dõng dạc, mạch lạc, tự tin, như thật" (tr. 53). Cả một chuỗi từ ngữ, nhưng chỉ cần một từ ở cuối ngữ đoạn, nó lột trần toàn bộ phát ngôn: "như thật". Và toàn bộ thế giới từ ngữ là một thế giới như thế. Điển hình cho khuynh hướng này chính là đoạn đối thoại về giữa Đình và Bối về trại đại đồng, cái sản phẩm quái đản được xây dựng bằng sinh mạng của không biết bao nhiêu người. Nó là một đối thoại quái đản. Nó pha trộn giữa sự hoang tưởng và sự sáng suốt tàn bạo. Đình vừa khoái trá với mô hình hoang tưởng của mình, lại vừa đủ sáng suốt để tìm mọi lý do hợp lí nhất để biện minh cho tất cả hành động của mình. Và sự sáng suốt ấy phản lại cơn hoang tưởng khoái trá. Cái đáng ghê sợ không phải chỉ là sự hoang tưởng mà là một tình thế khi mà con người hiểu rõ điều mình hoang tưởng là dối trá. Ở một khía cạnh khác, tôi tin rằng nhiều bạn đọc đáng kính sẽ nhăn mặt, khó chịu, lên án ngôn ngữ trong tiểu thuyết với một loạt tính từ: trần trụi, tự nhiên chủ nghĩa, tục tĩu… Nhưng đó là một sự trần trụi cần thiết. Trong tiểu thuyết có một sự pha trộn những diễn ngôn chính trị với lớp ngôn ngữ tục tĩu, tầm thường, hạ lưu, dung tục. Đẩy đến tận cùng lớp ngôn ngữ này chính là một cách để lột mặt nạ, để hắt ánh sáng của sự hoài nghi lên lớp ngôn ngữ khác.

Trục ngữ nghĩa thứ hai của tiểu thuyết được cấu thành trên sự tha hóa. Nó là một phát hiện về một kiểu tha hóa. Sự tha hóa gắn liền với thứ minh triết của chuột. Sự tha hóa được xây dựng trên sự dối trá. Mà về bản chất, đó là một sự mất ý nghĩa. Trong tiểu thuyết có nhiều trang nói về quan hệ tình dục. Nhưng đáng ghê sợ là cái cách mà người kể chuyện nói về hành vi tình dục. Nó bị tẩy trắng khỏi những giá trị. Nó hiện lên như một hành động thuần túy. Một hành động thuần túy với những từ kiểu như "ưỡn lên, gồng mình, dằn xuống, thở dốc, lăn, thằng đàn ông, con đàn bà, cuộc quần thảo, lồng lộn…". Nó giống như khi A. Camus để cho Mersault quan hệ tình dục với người tình của mình sau đám tang mẹ. Và đi kèm với nó là hình dung của chính nhân vật về mình: "Đến lúc tôi chỉ còn như con chó què, bước xiêu vẹo, lử khử". Nó là điển hình của hành trình con người tha hóa và biến thành động vật. Biến thành động vật bởi lẽ mọi giá trị đều bị khủng hoảng, bị hoài nghi, hoặc đơn giản, bị mất.

Tất cả những điều đó làm nên một thứ minh triết của tiểu thuyết. Hoàn cảnh biến con nguời tha hóa thành chuột. Đối diện với sự giả dổi, với sự khủng hoảng giá trị, con người phải dùng chính sự giả dối để tồn tại. Nghĩa là một sự hiền minh của chuột.


4. Nhưng đó chỉ là phần của chuột. Tiểu thuyết còn có phần của người. Của chuột và người. Trường đoạn khủng khiếp nhất của tiểu thuyết là trường đoạn về cái chết của Vách – người đồ tể. Y không giết ai, y giết chính mình. Và y bắt kẻ khác phải chứng kiến để làm nhân chứng cho cái chết. Cái chết là một sự phản ứng tiêu cực. Có thể nói vậy. Nó mang ý nghĩa tự ý thức sâu sắc một cách bi thảm. Nó là một sự không thỏa hiệp, không thỏa hiệp với dối trá, không thỏa hiệp với minh triết của chuột. Nó là một minh chứng rằng sự thật tồn tại và cần phải tồn tại. Nó là phần người nhất của toàn bộ tiểu thuyết: sự vùng lên của con người đòi quyền tự quyết số phận và đòi sự thật.

Chính cái phần người này làm nên sự xuất sắc của tiểu thuyết. Nó đủ tỉnh táo, sắc lạnh, tàn bạo, đủ uy mua đen để làm nổi lên một tình thế bi thảm. Đủ để cảnh báo con người. Nhưng nó cũng đủ phần người để nói về một chân lý mà không bao giờ thôi làm cảm động con người: Không chấp nhận tha hóa.

(Bài gửi đến cuộc toạ đàm về Ba người khác do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức ngày 22/12/2006 nhưng tác giả vắng mặt vì công tác khác, và cũng chưa được công bố trong hội thảo)

© 2007 talawas