trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
12.1.2007
Nhật Tiến
Thư gửi Nguyễn Đình Chính
 
Bài “Cách mạng không đào tạo được trí thức lớn”, ghi lời nhà văn Nguyễn Đình Chính trả lời phỏng vấn của talawas, đang gây nhiều dư luận. Với cuộc trao đổi giữa hai nhà văn Nhật Tiến và Nguyễn Đình Chính xung quanh một số nội dung của bài phỏng vấn này, lần đầu tiên một tác giả trong nước và một tác giả ngoài nước công khai đối thoại về những vấn đề rất nhạy cảm và cần tiếp tục thảo luận của đời sống văn học và chính trị Việt Nam.
talawas
California ngày 4-1-2007


Thân gửi anh Nguyễn Đình Chính,

Tôi đã đọc kỹ bài của talawas phỏng vấn anh. Xin có một đôi điều trao đổi. Trước hết là một vài quan niệm của anh về:
  • trí thức (Anh nói: Tiêu chuẩn đầu tiên của trí thức lớn là “phải độc lập về tư tưởng, phải suy nghĩ bằng chính cái đầu của anh, và anh phải thể hiện ra trong các hoạt động bằng chính cái tư tưởng, suy nghĩ của anh”.);

  • về tự do sáng tác (Anh nói: Tự do sáng tác là một “thuộc tính rất cá biệt chỉ thuộc riêng nhà văn. Không một thế lực nào có thể tước đoạt cái quyền đó ngoại trừ chính nhà văn”);

  • về sự làm “tha hóa thẩm mỹ của đám đông” do giới phê bình trong nước đã gây ra (tất nhiên không phải toàn thể);

  • về thái độ viết lách của nhà văn (Anh nói: “Tốt nhất là các nhà văn Việt Nam không nên ngồi nhận lương viết văn. Ai giỏi thì nên tự trả lương cho mình bằng nhuận bút, còn thì nên kiếm sống bằng một nghề nào đó trong xã hội” )...

  • và về sự minh bạch của anh khi anh phân biệt rạch ròi hai trường hợp khác biệt đi làm cách mạng của những vị như Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh với Nguyễn Ðình Thi (Anh nhận định: Nguyễn Ðình Thi “là một trí thức của phong trào cách mạng cộng sản”).
Tất cả những quan niệm kể trên của anh, tôi đều chia sẻ và hết sức tâm đắc.


*


Ngoài những điểm nói trên, tôi có 2 điều muốn trao đổi:


1. Về phong trào Nhân văn-Giai phẩm 1956 và vụ văn nghệ đổi mới năm 1990

Dĩ nhiên là anh có trong tay di cảo của ông cụ thân sinh (về phong trào NVGP) và anh lại có mặt tại chỗ vào thời điểm 1990 (về vụ đổi mới văn nghệ), nên với cả hai yếu tố này, anh là người hoàn toàn có thẩm quyền hơn tôi về sự nhận chân thực chất của hai biến cố văn nghệ này và có thể đưa ra một kết luận khả tín về những phong trào đó. (Anh nói: “Ẩn giấu bên dưới là những âm mưu, những đầu cơ vốn liếng chính trị cá nhân để tự bảo vệ mình nhằm tranh giành quyền lực ở văn nghệ và cũng ở một nơi khác ngoài văn nghệ. Ðám anh em văn nghệ sĩ chỉ là những quân bài, những bung xung bị đem thí như thí tốt.”).

Cũng theo anh thì: “Di cảo của Nguyễn Ðình Thi có giải mã cả hai vụ này. Có đúng sự thật hay không thì tôi không biết. Nhưng đó là một quả bom. Và chúng ta hãy kiên trì đợi quả bom đó nổ vào năm 2014, nếu như từ bây giờ đến năm đó không có ai làm hộ anh Thi.”

Bẩy năm nữa không phải là một thời gian dài, chắn chắn độc giả cũng muốn và có thể chờ đợi quả bom ấy được tung ra, chưa biết nó chứa đựng những gì, nhưng qua những điều tuyên bố mấp mí của anh, hẳn nhiều người cũng có thể đoán ra sự thực là thế nào. (Anh nói: “Cụ nhà văn đồng ý với tôi là nên cho những phần tài liệu này trong di cảo của Nguyễn Ðình Thi được hoá vàng. Theo cụ, nếu bóc mẽ cả hai vụ ra thì thảm hại quá cho cái giới văn nghệ này. Thế giới ngưòi ta cười cho thối ruột.”)

Tôi không đồng ý với “Cụ nhà văn” này, vì sự thật cần phải trả cho lịch sử, mọi sự che giấu đều không nên làm vì che giấu là vô trách nhiệm với những thế hệ đi sau, nhưng tôi thấy lo ngại cho cái điều kết luận sẵn có của anh về hai vụ này mà qua văn phong của bài phỏng vấn, người đọc có thể cảm nhận được. Ðại để như đó chỉ là những cuộc tranh giành quyền lực trong giới văn nghệ và cũng ở một nơi khác ngoài giới văn nghệ.

Có thực là toàn bộ những người đã tham gia hai phong trào ấy đều là những người cầm bút muốn tranh giành quyền lực không? Ðành rằng nếu có sự thực là “đám anh em văn nghệ sĩ chỉ là những quân bài, những bung xung bị đem thí như thí tốt”, nhưng cũng chẳng thể vì thế mà cái mộng ước (đồng ý là chưa thể gọi là lý tưởng) về tự do cầm bút của họ lại bị lên án là tranh giành quyền lực và những đóng góp cũng như những đau khổ mà họ phải chịu đựng lại bị nhấm chìm trong cái bể ô nhục mà di chúc của Nguyễn Ðình Thi sẽ bật mí ra.

Vì không thể để những người có lòng phải bị vùi dập tới hai lần, nên khi nhắc tới những vụ này thì cần phải có một thái độ cẩn trọng, một sự phân biệt rạch ròi giữa những kẻ có ý đồ riêng tư với những người có thực tâm muốn đem lại một bầu không khí mới mẻ cho văn nghệ vào những thời điểm đó. Cũng vì thế ta nên trân quý những nỗ lực tốt đẹp của nhiều người đã thực tâm đóng góp cho hai phong trào ấy. Những điều này, những thái độ thận trọng này, theo ý tôi, cần phải biểu lộ ngay từ bây giờ chứ không phải chờ tới lúc di cảo của nhà văn Nguyễn Ðình Thi được công bố. Nhưng rất tiếc, hình như anh đã mang sẵn thành kiến với tất cả mọi người tham gia hai phong trào này, và anh đã gây cho người đọc cái cảm nhận họ là “cá mè một lứa.”


2. Về thái độ của các nhà văn trong đời sống sáng tác hiện nay

Anh phát biểu rằng: “Nhà văn thì nên đứng ra ngoài lề xã hội, ngậm miệng ăn tiền, ngồi quay mặt vào tường mà viết văn thì mới là nhà văn lớn, mới là nhà văn khôn ngoan, biết điều.”

Và từ quan niệm viết lách này, anh đã đưa ra lời khuyên: “Những ai e sợ các nhà văn sẽ nổi loạn thì hãy yên tâm. Còn những ai hy vọng các nhà văn Việt Nam sẽ nổi loạn thì tôi thành thật khuyên các vị hãy tự mình dập tắt niềm hy vọng đó đi. Dã tràng xe cát biển Ðông mà thôi.”.

Tôi hoàn toàn không đồng ý với anh về những luận điểm này.

Một nhà văn mà chỉ ngồi quay mặt vào tường mà viết văn thì hắn viết cái gì? Dấu vết xã hội nơi hắn đang sống có chỗ nào để hiện diện trong tác phẩm? Mà khi viết ra tác phẩm không có dấu vết xã hội (dù dưới dạng thức nào) thì có đáng gọi là nhà văn không, chưa nói là nhà văn lớn! Mặt khác, đồng ý với anh là hầu như đa số các nhà văn không biết nổi loạn hay không muốn nổi loạn, nhưng phẩm chất cần thiết của một nhà văn là Phẫn Nộ. Có phẫn nộ mới có thể nói thay cho những người khác muốn nói mà không có khả năng nói lên được. Vậy thì chỉ riêng cái phẩm chất này cũng đủ để nhà cầm quyền hết còn yên tâm được rồi, chứ không thể như anh nói: “Những ai e sợ các nhà văn sẽ nổi loạn thì hãy yên tâm”.

Anh sẽ chỉ đúng khi nào chứng minh được rằng tất cả giới cầm bút trong nước nay không còn ai biết Phẫn Nộ. Riêng tôi thì tuy không có điều kiện sống thực tế với môi trường sáng tác ở ngay trong nước, nhưng thành thực mà nói, tôi không tin điều này. Có thể là tôi đã ngây thơ, nhưng thà chịu nhận mình ngây thơ còn hơn là mắc phải sai lầm.

Sau cùng, tôi mong ước vọng của anh thành sự thực khi anh phát biểu: “Rất tiếc là chưa được phép ra báo tư nhân. Nếu được phép thì mấy anh em bạn văn chúng tôi sẽ ra một tờ báo văn nghệ cho... vui.”.

Có lẽ khi ấy thì tôi cũng sẽ cố gắng gửi bài đóng góp với anh, nếu (lại nếu!) tới lúc đó tôi còn sức khỏe để tiếp tục viết được!

Thân ái

Nhật Tiến

© 2007 talawas