trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
19.1.2003
Phạm Thị Hoài
Thủ lĩnh trong bóng tối
 
Ðúng mười năm trước tôi được đưa đến ra mắt Trần Dần, sau khi ông đọc bản thảo một số truyện ngắn đầu tay chưa công bố của tôi. Làng văn Hà Nội khi ấy, trong đêm trước của cuộc cởi trói ngắn ngủi, có một không khí nhộn nhịp nhất định. Dân văn chạy ngược xuôi trong văn, không tất tả việc khác như bây giờ. Cả người viết lẫn người đọc đều chờ một cái gì không rõ, nhưng sẽ đến, và có lẽ vì thế mà háo hức, không lãnh-đạm-biết-rồi như hiện tại. Khi đó chưa nhà nào có điện thoại riêng, muốn trò chuyện phải tìm nhau tận mặt, rượu tây chưa phổ biến, thức nhắm còn nghèo nàn, thuốc lá Liên Xô Ấn Ðộ đã là sang, đi xe máy là ngoại hạng, và mọi người đều viết tay trên giấy xấu... Cảnh hàn vi đó nuôi lớn một thứ chủ nghĩa lãng mạn giản dị, đầy tính lý tưởng và cũng đầy ảo tưởng mà giờ đây đã biến mất. Hà Nội, khi Trần Dần qua đời, khác xa mười năm trước, khi tôi hồi hộp đến gặp ông như gặp một thủ lĩnh văn chương trong bóng tối.
 
Không người viết nào muốn thuộc về phía tối của đời sống văn học, song khi phía được chiếu sáng quá tầm thường thì được khuất mặt có thể là một hãnh diện chính đáng. Trước khi ông tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp đại náo làng văn thì Nhân Văn Giai Phẩm với mọi huyền thoại của mình đã luôn là một trong những cái chợ đuổi có sức mê hoặc lớn hơn cửa hàng văn học mậu dịch nhiều. Văn học của NVGP tập trung ở những tác giả và tác phẩm cụ thể của nhóm ấy thời ấy, nhưng tôi quan niệm tinh thần NVGP rộng hơn, bao trùm một số quan niệm, phong cách, nguyên tắc, thái độ ứng xử, đề tài... nhất định, có thể tìm thấy ở những chỗ khác thời khác, ở độc giả, ở các nhà phê bình, thậm chí ở những người từng quyết liệt chống NVGP hoặc rất sợ dính vào đó. Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn luôn ký tên hàng đầu trong các bản án chống NVGP, song chính cái tinh thần NVGP trong ông được kết hợp ở thế chân kiềng với tài năng và lòng biết sợ đã tạo cho ông một đặc cách trong văn học chính thống. Ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa trước đây cũng tương tự như vậy. Song sau nhiều chục năm, số tác phẩm ra đời trong những hoàn cảnh như thế không còn đọng lại bao nhiêu. Như thể không ai chết được nhiều lần, mà trong tinh thần NVGP ấy, các chiến sĩ ưu tú nhất đã ngã xuống cho những lý tưởng khác trước khi kịp hi sinh cho nghệ thuật. Khi tiếp xúc với thế giới của họ, tôi đã hy vọng là sẽ trèo qua nhanh cái nấc thang thứ nhất đương nhiên là rất quan trọng, vì nếu không thì chẳng vào với nhau được: đó là bi kịch mà ai cũng biết ít nhiều về NVGP. Trèo qua nhanh, vì đã bận tâm vào đó thì không thể chỉ rỏ nước mắt vào rửa những vết thương bên ngoài. Tôi hình dung rằng những vị tử vì đạo rất ghét kẻ nào chạy lăng xăng quanh nỗi đau của họ, ăn theo những thăng trầm của họ. Mà tôi lại chú tâm vào những bi kịch văn học hơn, cho nên nấc thang sau và sau nữa là cái đích của tôi.
 
Văn học không chỉ sinh ra từ cuộc đời bên ngoài, mà còn sinh ra từ chính văn học. Khi bước vào nghề văn, tôi muốn biết cái nồi văn mà tôi đang nấu, hoặc định nấu, được kê bằng cái gì, được đun bằng cái gì. Trừ ngoại lệ lớn nhất và bền bỉ nhất là Trần Dần cùng một vài người chịu ảnh hưởng trực tiếp của ông, tôi luôn có cảm giác rằng giữa những người theo tinh thần NVGP và tôi có trò chuyện, nhưng hầu như không có một đối thoại thật sự, và những cuộc trò chuyện giữa đôi bên bao giờ cũng chỉ dừng ở một chiều sâu lịch sự, dễ chịu, không thể đi quá một chút nào, và luôn luôn quanh quẩn ở cái nấc thang thứ nhất kia. Dường như thời gian ở chỗ họ từ lâu lắm rồi đã không nhích thêm gang tấc nào, tôi thì đầy sự nôn nóng của tuổi trẻ, mà lại phải rất cẩn thận để không làm tổn thương ai. Luật của chúng ta dường như là vậy. Ðày đọa, thanh trừng, xoá sổ kẻ khác thì được, nhưng làm mất lòng thì không. Tôi không thể nói thẳng với họ, rằng tôi không nhất thiết phải đọc họ chỉ để biết rằng, nhà văn cần yêu ai cứ nói là yêu, ghét ai cứ nói là ghét, điều đó tôi được học ở nhiều chỗ khác rồi, mà không phải là học qua văn chương. Nói như thế là bạc, là phản bội, là rũ trắng mọi khổ đau đen ngòm của người khác. Nhưng có lẽ tôi đã kỳ vọng ở họ nhiều quá. Khi tuổi trẻ bị bịt đường lên phía trước thì nó ngoảnh lại phía sau mãi như vậy và thành những ông cụ bà cụ non. Tôi đã tìm một lối để thoát khỏi văn học Việt Nam đương đại. Cái văn học đó  buồn tẻ, nhưng cuối cùng thì lối thoát của nó không phải là giật lùi về đỉnh cao của những năm 50. Cũng như vậy, văn học đổi mới hiện tại chẳng còn gì đáng nói nhiều nữa, song nó không nên ngoảnh lại tiếc nuối cao trào 1988-1989.
 
Trong những điểm cốt yếu, văn học của nhóm NVGP cùng một bản chất với văn học chính thống sau này. Có thể coi đó là sơ kỳ của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Còn phần lớn các tác phẩm cuối những năm 80 mà trong nước tuy gọi đùa, nhưng có lý của nó, là Nhân Văn 2, ngoài nước gọi là văn học phản kháng, là mạt kỳ của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thực ra những người làm nhiệm vụ duy trì và bảo vệ văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa có thể yên tâm lâu dài: một mạt kỳ có thể kéo thêm cả thế kỷ, mà theo tôi thì văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa hoặc một cái gì na ná như vậy còn có tương lai vô tận ở Việt Nam. 500 hội viên này của Hội nhà văn Việt Nam có thể được thay bằng 500 hội viên khác, song 50 triệu người đọc thì không bãi đi để bầu mới nhanh như vậy được. Nền văn học này cũng đẻ ra một số tài năng và những tác phẩm có thể xúc động lòng người. Nhưng các tác giả và tác phẩm của nó giống nhau, hoàn toàn không có cá tính, đúng như Trần Dần đã nhận xét, năm 1955, về tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, rằng thậm chí những câu hay của Tố Hữu cũng không có chữ ký riêng, có thể ký ở dưới là Nguyễn Du, Tản Ðà, hay Ca Dao đều được. Những người có tên tuổi ở thời NVGP cũng không tránh được điều đó. Một số bài thơ của Lê Ðạt và Phùng Quán thuở ấy có thể ký lộn cho nhau, sau này thì Lê Ðạt tách hẳn ra để có một chữ ký độc đáo cho riêng mình, và lịch sử quả thật thích đùa khi ông bị Trần Mạnh Hảo, một nhà thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa mạt kỳ phủ đầu, chính vì đoạn sau này. Bên Kia Sông Ðuống của Hoàng Cầm, hay Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan đi vào lòng người vì những lý do khác, chứ không phải vì đạt tới cái mà Trần Dần đòi hỏi, ngay từ thuở ấy, rằng nhà thơ trước hết phải có được cái chữ ký riêng của mình. Ông cũng chua ngay rằng đương nhiên còn phải xem kỹ cái chữ ký ấy nó như thế nào, nhưng mức tối thiểu là phải đạt được như vậy. Lịch sử văn học Việt Nam nửa thế kỷ qua cho thấy, cái tối thiểu mà Trần Dần yêu cầu ấy đã hầu như không đạt được. Cho nên phần lớn tác phẩm của ông, mỗi dòng là mỗi riêng một cõi, càng lúc càng riêng, riêng tới mức cực đoan, riêng tới mức bí hiểm phải giải mã, phải cần đến một từ điển Trần Dần, không có cách nào khác là làm phận bản-thảo-nằm. Ở ông là một bi kịch văn học lớn mà cái bi kịch chính trị của NVGP chỉ là một trong những bè đệm, còn ở một số người khác thì NVGP là sân khấu, thậm chí có sự trình diễn của các vai nạn nhân, văn chương chỉ đóng một vai rất phụ. Cho nên, nói về ông bây giờ mà không qua cái nấc thang thứ nhất kia cùng là tí ti minh oan, tí ti phục hồi, tí ti thương cảm, thì khác nào nhổ sơ sơ vài ngọn cỏ cho sạch vài phân vách đá, nhưng đằng sau đó là Ăng-co, để dùng lại một biểu tượng mà ông ưa dùng. Bất hạnh lớn của Trần Dần là NVGP, nhưng bất hạnh còn lớn hơn của ông là ông đã quẳng gánh NVGP từ lâu lại sau lưng, còn người đời thì vẫn è lưng ra gánh mãi. Sự nghiệp của ông không chấm dứt với năm 1958, mà mở đầu từ đó, và đạt tới cao trào trong khoảng 15 năm, từ giữa những năm 70, nghĩa là liên quan không nhỏ tới việc Sài Gòn thất thủ, đến cuối những năm 80, khi ông ngã bệnh.
 
Bi kịch của Trần Dần là bi kịch của một nhà cách tân, có lẽ là nhà cách tân lớn nhất và sâu sắc nhất trong văn học miền Bắc Việt Nam nửa thế kỷ qua. Việc ông đi theo cuộc cách mạng của Ðảng cộng sản cho đến NVGP là việc dễ hiểu, bởi đôi bên khi ấy cùng chung nhau một chữ cách: cách mạng, cách tân, cùng chung nhau một ý tưởng đổi mới. Việc diễn ra sau đó đối với ông, theo tôi, cũng là một tất yếu. Tôi không cho rằng ông bị hiểu nhầm, mà ông bị không hiểu. Không hiểu chứ không phải hiểu nhầm. Hiểu nhầm còn chữa lại được, không hiểu thì khó thay đổi hơn nhiều. Một người như thế sống ở bất kỳ đâu cũng khó. Còn ở một nơi mà tính đại chúng là tiêu chuẩn tối thượng của văn chương nghệ thuật, một nơi mà sự phục tùng tổ chức, quyền uy, thế lực là kim chỉ nam cho mọi hành vi văn chương thì một người như thế phải bị đày đọa, bị tảy chay, hoặc nhẹ nhất là bị bỏ qua. Trong văn học Việt Nam, tôi chưa biết một trường hợp nào mà ham muốn sáng tạo và cách tân quyết liệt như ở Trần Dần. Nghĩa là ham muốn vượt qua, hoặc ít nhất là khác đi với cái cũ, hoặc cái đã trở thành cũ, ở bên ngoài mình đã đành, lại còn liên tục tự mới với chính mình, tự vượt qua mình, mà lại làm điều ấy trong từng chi tiết, cho đến tận nét chữ chẳng hạn. Ông có 4 kiểu chữ hoàn toàn khác cách nhau: cho giai đoạn đến NVGP những năm 50 là một, giai đoạn ngắn sau đó, đầu những năm 60 là hai, giai đoạn đến đầu những năm 80 là ba, từ đó đến nay tuy chung một kiểu chữ là bốn, nhưng ngay trong một kiểu này cũng có nhiều phát triển khác nhau, kèm theo một khoa chính tả khác thường và một thư pháp, hay thư họa rất đặc trưng Trần Dần. Chỉ riêng điều có thể coi là nhỏ nhặt trong cái khối khổng lồ là ông- để dùng lại chữ của Dương Tường- đã làm việc đọc ông rất phức tạp, mà lại càng không thể công bố nhiều tác phẩm của ông ở dạng in ấn bằng những con chữ thông thường.
 
Trần Dần đương nhiên là khó hiểu. Nhưng ông nói về sự khó hiểu một cách hết sức giản dị: “Tất cả mọi giá trị Chân Thiện Mỹ đều là khó hiểu.” Khi ông tuyên bố: “Cái đèm đẹp giết chết cái đẹp”, thì một câu sáng rõ như vậy quả là tối tăm mù mờ với những ai chưa bao giờ nghĩ ngợi về cái “đèm đẹp”. Cái xinh xinh không thể đẹp, ý này có thể của ai khác, có thể từ tư duy trong tiếng nuớc ngoài, song vào tay Trần Dần thì thành cách nói đặc biệt Trần Dần, nhanh, mạnh, lột trần, độc đáo, không lặp lại ai và không tự lặp, rất Việt và rất hiện đại. Ðồng nghiệp của ông yêu cách nói này thì ít, mà sợ thì nhiều. Nguyễn Khải đã tả về hai con mắt “hiếp đáp thiên hạ” của Trần Dần. Không ít người suốt đời hậm hực về một lời phê thường cộc lốc nghiệt ngã của ông. Song một nhận định phát ra từ bóng tối và cõi im lặng của Trần Dần có cái uy dũng mà người ta tuy hãi nhưng thèm. Ai chịu trận được thì mang ơn ông mãi. Tôi được ông ưu ái khi vừa mon men vào nghề, phấn khởi lắm, nhưng những lời đe của ông sau này mới thực cho tôi những bài học càng lâu càng ngấm.    
 
Người ta coi Trần Dần là lập dị. Nhưng trong một môi trường mà chỉ riêng chiếc ba toong của cụ Nguyễn chống trên vỉa hè Hà Nội đã được coi là biểu tượng của khác thường, thì sự lập dị của Trần Dần là vượt ra mọi cách. Chúng ta có thể tôn sùng kẻ đứng đầu một cách, nhưng kẻ vượt ra mọi cách thì không có chỗ đứng. Cho nên Trần Dần nằm. Thơ ông là thơ nằm. Mọi bản thảo của ông là bản thảo nằm. Hàng chục sổ thơ của ông là sổ nằm, ông đặt tên là sổ bụi, và khi hết sổ phải dùng đến vở tự khâu, thì đấy là vở bụi. Vả lại, khí chất của Trần Dần là cái khí chất không thuận với mọi cách, may ra ông gần hơn cả, gần chứ không thuận, với cách thi trung hữu qủy, và tự gọi mình là một thi tặc. Tôi chưa thấy ai trong lịch sử thi ca Việt Nam dám như vậy, đường hoàng như vậy: Thi tặc! Thơ ca của chúng ta có hay thì cốt hay-mãi-ngàn-năm theo hướng thánh thi, tiên thi, đạo thi, có đẹp thì đẹp theo cách tròn đầy nhã nhặn mà Trần Dần tuy ghi nhận nhưng không rung động. Nếu ai hoảng sợ trước cái khái niệm thi tặc ấy thì tốt nhất đừng đọc Trần Dần. Còn đã quyết định đến với ông thì xin đừng coi trọng quá những hành trang tinh thần mà mình đương nhiên khuân theo, vì Trần Dần thật lắm bất ngờ. Và nhất là, ông sẽ giới thiệu một thứ ngôn ngữ khác, một thứ tiếng Việt không chỉ cho lỗ tai mà còn cho con mắt, không trói nghĩa vào chữ, không bôi chữ vào chỗ trống của vô nghĩa. Từ 1958 đến nay Trần Dần làm cái việc mà ông gọi là “làm quốc ngữ”, trong bóng tối, cách bức với những phong trào “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” cứ thỉnh thoảng lại ồn ào dấy lên bên ngoài. Công trình quốc ngữ của một cá nhân lẻ loi lặng lẽ như Trần Dần hoàn toàn khác. Con chữ nào qua tay ông là mang một cuộc đời mới. Những người xung quanh ông, người nào cũng xin được, có khi trộm được, ít nhất là một vài con chữ từ cái lò luyện chữ của Trần Dần như vậy. Những chữ rất hiện đại và đầy truyền thống. Cách ông đối xử với ca dao chẳng hạn là cách của một người biết yêu sao cho cả phía được yêu lẫn phía mình đều lớn bổng lên, không phải cách “yêu ai thì người đó nhỏ lại” như ông đã từng phê rất đích đáng một nhà thơ nổi tiếng. Là những chữ rất hàn lâm uyên bác mà cực nôm. Cái sướng nôm của ông, nôm hiện đại của “1 bát sẹo 1 lẹo vú 1 bú đít 1 lít nách”, lây mạnh sang những người xung quanh, thành những ca vô cùng đặc sắc, thành một thứ tiếng Việt hiện đại và đầy phiêu lưu kỳ thú. Ông thậm duy mỹ mà sâu xa và có một giác quan không thể đánh lừa cho mọi giá trị thực. Ðiều đó kéo theo sự trân trọng và ngưỡng mộ, rất bất chấp, rất hồn nhiên của ông trước những tài năng và nhân cách thật. Ông đã nâng niu thơ Ðặng Ðình Hưng như thơ ruột, dù quan hệ đôi bên không phải lúc nào cũng êm. Ðồng thời, sự thẳng thắn đến phũ phàng của ông trước những thứ của rởm cũng không chừa bạn bè thân thích. Trước những con chữ, lòng ông khăng khăng trong sạch. Chỉ có điều, tất cả những thứ ấy đóng kín trước một số đông, một số rất đông, không phải của riêng thời NVGP, mà cả bây giờ và sẽ rất lâu sau này vẫn thế. Bây giờ, nếu một phần di cảo của ông có được đưa ra nghiên cứu và sử dụng, cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay số người có thể đọc xuyên qua được những trang bản thảo ấy. Sau ba mươi lăm năm, một trong hơn ba chục tác phẩm của Trần Dần mới ra mắt người đọc, tập thơ-tiểu thuyết Cổng Tỉnh, và được nhận giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam. Sự công nhận muộn mằn này dừng lại ở mức một cử chỉ thiện chí, với một quá khứ oan khiên, với một nhà thơ lớn khi ấy đã gần đất xa trời. Song nó không mang lại cho Trần Dần nhiều người đọc hơn. Khi cái lưỡi của đám đông đã hoàn toàn thoái hoá thì cao lương mỹ vị bày ra cho ai? Một phần ba thế kỷ văn vần quốc doanh, văn xuôi mậu dịch trên môi và trong lòng người đọc Việt Nam đã khiến ít ai vượt qua chỉ cái tựa đề Cổng Tỉnh. Tôi mở trang đầu, đọc những dòng đầu mạnh mẽ mộc mạc:

Kỷ niệm! Ðưa tôi về chốn cũ!
Ðừng ngại mây che từng cây số buồn rầu!
Ðừng ngại mở trong lòng vài khung cửa nhớ thương...

qua những dòng bồng bột lạ lẫm:

Thì hãy lấy mùi soa đêm chùi đôi mắt khổ
Hơn là mỏi răng nhai ràu rạu vỉa hè...

những dòng ngọt lịm:

Có lẽ xa kia là phố tôi sinh
Có sương sớm đọng trên đèn muộn...

những dòng Trần Dần huyền thoại:

Gió thổi kèn ma mưa thui lòng ngõ hẹp
ò..ò đêm đi như một cỗ quan tài...

những dòng tha thiết:

Ở đâu? ở đâu có ngụm đèn xanh
Rèm che nhoè cửa sổ?...
Nín đi thôi. Nín đi thôi các đại lộ nhiều cây
Ðừng sa sút lá
Ðể ta còn khuyên gió...gió đừng rung cây...

những dòng khinh bạc quay quắt:

Tôi ơi! Tôi ơi!... Tôi vẫn rong chơi bên mấy cột đèn mù...
Tôi càng đứng bơ vơ đầu cổng tỉnh..
Tôi không có đủ đau thương cho mãn hạn sống
Tôi không có đủ tình yêu
Yêu trái đất lục đục thế này...

rồi lại ngọt đắng:

Gió ơi đừng vội tủi
Khuya rồi! Hãy tới khóc ở hom sông...
Có lẽ thu rồi em nhỉ
Em chớ khóc nhiều vàng ố ngã tư xưa...


Chỗ nào ông cũng thổi một sự sống khác thường vào những con chữ, chỗ nào cũng dành cho ta một bất ngờ. Biết bao giờ số đông người đọc Việt Nam mới dọn lòng, dành cho tài năng ghồ ghề jờ joạcx này một chỗ?
 
Số phận của Trần Dần là số phận hoàn toàn cô đơn và trong bóng tối theo mọi nghĩa của một người dốc hết mình vào thửa ruộng thử nghiệm của văn học, đặc biệt là của thi ca, một người, để dùng lại chữ của NVGP mà chắc sau này ông cho là mauvais gout lắm, moi tim moi óc làm thơ, một Tư Mã-như tên ông đặt cho mình và bạn bè- suốt nửa thế kỷ không chịu lùi một ly chữ, để làm cái việc mà ông gọi là thồ thơ tự xứ này lên. Một người đi suốt ván chiêm bao của những cái bị nợ và tự nợ, đánh suốt một ván đời với cái biết và cái chưa biết. Ông nói rằng, cái biết là nghĩa, cái chưa biết là chữ. Làm câu châm ngôn hay như Khổng Tử là chưa phải thơ, nghịch lý như Lão Tử chưa phải thơ. Nhảy qua bóng mình mới là thơ. Mình chưa hiểu thơ vì khó mà nhảy qua bóng mình.Tôi không dám nói ông đã thành công trong bao nhiêu mùa thử nghiệm của mình. Chỉ biết rằng, những ai may mắn đến lấy một hạt giống ở ông, rồi đem về đất của chính mình, đổ sức của chính mình vào đó thì ắt là thành công, trong những trường hợp hiếm hoi như Ðặng Ðình Hưng thì là một thành công lớn. Còn nếu không cũng được một mùa, theo chữ của ông, là mùa sạch.
 
Trần Dần từng nói, “tôi sốt ruột đợi lớp trẻ lớn lên để chôn chúng tôi, như chúng tôi đã chôn tiền chiến.” Nhưng trong một sổ bụi ông lại tự hỏi: lớp trẻ liệu có còn được một cơ hội mấy chục năm quốc nạn như mình không để làm cái việc ấy? Ông đã ngã bệnh nhiều năm trước khi qua đời, có lẽ cũng linh cảm nhưng không còn đủ thời gian để nhìn thấy những hình dạng mới của quốc nạn. Văn chương bây giờ có vẻ như chưa cần đày đọa đã ngắc ngoải tự hủy, chưa sinh ra đã kề huyệt. Thì chôn ai?
 
Tôi thuộc lớp trẻ, nợ ở ông một lòng ưu ái, mang theo lời đúc kết rất Trần Dần: nhân cách của nhà văn chính là văn cách của anh ta. Tối thiểu tôi phải có được một văn cách.
 
1997
Nguồn: Đăng lần đầu trên tạp chí Văn Học, 1997